Lê Trọng Vũ
15-5-2019
Không nằm ngoài dự đoán, Đà Nẵng vừa thỏa thuận với nhà đầu tư tại 2 dự án Marina Complex và Olalani theo hướng vẫn cho phép triển khai nhưng hoán đổi vị trí đất xây cao tầng và tăng phần diện tích cây xanh. Một động thái nửa vời nhằm xoa dịu dư luận hơn là giải quyết gốc rễ vấn đề: là cho phép doanh nghiệp lấn sông để làm bất động sản, gây ra những lo ngại về thay đổi dòng chảy và cảnh quan của đô thị.
Thật hài hước khi một thành phố đặt mục tiêu phát triển bền vững và luôn tự hào là đáng sống nhất mà công tác quy hoạch lại liên tục “điều chỉnh” và mật độ cây xanh luôn thuộc hàng thấp nhất cả nước. Mảng xanh công cộng duy nhất ở ĐN là công viên 29/3 lại chỉ là công viên cấp quận, có từ trước năm 1975 và may mắn thoát khỏi số phận phân lô bán nền nhờ vào nhiều tiếng nói mạnh mẽ của người dân, còn số phận của Sơn Trà, lá phổi xanh quý giá của thành phố vẫn còn là một dấu chấm hỏi to tướng.
Quy hoạch đô thị đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của nhiều ban ngành với tầm nhìn hàng thập kỷ. Nhưng không cần chuyên gia cũng thấy việc “điều chỉnh quy hoạch” duy ý chí, bằng các mối quan hệ sẽ gây ra những hệ lụy cho hạ tầng giao thông thế nào. Không cần đến kiến thức chuyên sâu cũng thấy, việc cho phép lấn sông chỉ để xây biệt thự với shophouse không chỉ ảnh hưởng đến dòng chảy hay phá vỡ cảnh quan đô thị mà còn để lại những di hại lâu dài cho xã hội ra sao.
Lãnh đạo với tư duy ăn xổi, nhìn đâu cũng thấy đất đã khiến ĐN giờ phải loay hoay đi tìm giải pháp khắc phục cho ngay chính những thứ từng được ca ngợi trước đây.
Quy hoạch manh mún theo chiều ngang với tầm nhìn vừa đúng bằng nhiệm kỳ đang khiến sau 20 năm tăng trưởng “nóng”, Đà Nẵng gần như cạn kiệt quỹ đất. Đừng nói gì đến tương lai, ngay lúc này thật khó tìm ra một khu đất nào vài hecta thuận lợi để làm công viên hay công trình phúc lợi phục vụ cho cộng đồng. Thử hỏi khi dân số tăng lên 2,5 triệu người (gấp đôi hiện nay) theo định hướng quy hoạch đến 2030, bài toán về đất đai đô thị sẽ được giải quyết như thế nào.
Trở lại với hai dự án lấn sông, trong phần lý do cho việc điều chỉnh này, chính quyền giải thích muốn hài hoà lợi ích và đảm bảo không làm ảnh hưởng môi trường đầu tư. Nhưng thử hỏi cho phép doanh nghiệp lấn sông, chặn lối xuống biển có làm tăng chỉ số PCI đang tụt dốc của thành phố? “Hỗ trợ” đến mức làm ngơ cho doanh nghiệp chặn cả quyền tiếp cận thiên nhiên của cộng đồng thì có làm môi trường đầu tư sáng sủa hơn? Và “ưu đãi” cho các doanh nghiệp thân hữu chiếm chỗ, xí phần những vị trí tốt nhất mà không qua đấu giá liệu có làm hấp dẫn hơn các nhà đầu tư đến sau?
Trong khi Thủ tướng đã có quyết định rà soát các dự án lấn sông và thành phố đang chờ Subarna Jurong điều chỉnh lại Quy hoạch chung đến 2030, Đà Nẵng nên quyết liệt sửa sai bằng cách cho thanh tra toàn diện công tác cấp phép, quản lý đô thị có dấu hiệu vi phạm pháp luật và thu hồi ngay những dự án lấn sông, gây bức xúc dư luận. Và đồng thời nghiêm cấm các doanh nghiệp vì lợi ích cục bộ mà ngăn chặn quyền tiếp cận thiên nhiên một cách hợp pháp của người dân.
Chỉ khi làm được như vậy, khi pháp luật được thượng tôn và khi lợi ích của cả cộng đồng được đặt lên cao nhất, thì chính quyền thành phố mới lấy lại được niềm tin vốn đang cạn kiệt dần từ các doanh nghiệp tử tế trên địa bàn và từ những người đóng thuế nuôi mình.
Và chỉ như vậy, mới là cách thu hút đầu tư bền vững nhất.
*Ghi chú: Tiêu đề do Tiếng Dân đặt.