Chuyện kể về một tội ác (Phần 1)

Lê Liêu Minh – Tam Ân

13-6-2019

Xin được kể lại câu chuyện về tội ác của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi để người dân biết thêm những câu chuyện chưa được phơi bày ra ánh sáng. Viết ra chuyện này chúng tôi chỉ muốn lương tâm được thanh thản, không nhằm mục đích đánh phá, bôi nhọ cá nhân nào, như hệ thống tuyên giáo tuyên truyền, nhất là vào giai đoạn bầu cử.

Từng làm việc trong bộ máy nhà nước, chúng tôi biết cơ chế này không thể sửa lỗi được, mà chỉ có thể thay thế từ gốc rễ. Không hy vọng gì tội ác sẽ bị trừng phạt, chúng tôi chỉ mong muốn tội ác được sáng tỏ để phần nào an ủi cho nạn nhân, đồng thời mạng xã hội lên tiếng để ngăn chặn các tội ác mới có thể xảy ra.

Bài viết về câu chuyện này rút ra từ tư liệu hơn 500 trang, chúng tôi cố gắng biên tập, lược bớt cho ngắn lại để không phải làm mất nhiều thì giờ của quý độc giả.

I. Lãnh chúa Quảng Ngãi

Dư luận Quảng Ngãi rộ lên chuyện Bí thư Lê Viết Chữ là ông trùm băng nhóm “quan chức – doanh nghiệp – công an – xã hội đen” cấu kết với nhau, cướp đất của dân qua các dự án “chỉnh trang đô thị” để phân lô bán nền. Các dự án được tổ chức bài bản theo quy trình: Doanh nghiệp đề xuất dự án; Thường vụ tỉnh ủy gật đầu; UBND tỉnh quyết định cho thực hiện; UBND thành phố / huyện thu hồi đất; Công an cùng với xã hội đen cưỡng chế; Doanh nghiệp nhận đất – phân lô bán nền.

Chênh lệch giữa giá đền bù và giá bán đất nền lên đến hơn 50 lần, đã làm lu mờ mọi lương tâm, công lý, dư luận của tất cả những kẻ nằm trong hệ thống của vòi bạch tuộc đặc quyền này.

Lãnh chúa Lê Viết Chữ đã từng kiên quyết đòi “loại bỏ cán bộ tha hóa ra khỏi bộ máy Đảng và Nhà nước“. Ảnh: Dân Trí

Xã hội hiện đại có 4 quyền: Hành pháp, lập pháp, tư pháp và báo chí thì ở Quảng Ngãi, Bí thư Lê Viết Chữ nắm hết cả bốn. Về hành pháp và lập pháp: Lê Viết Chữ đã từng là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; bây giờ là Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi. Quyền lập pháp, hành pháp đều nằm trong tay Chữ.

Còn về quyền tư pháp và báo chí thì Lê Viết Chữ có những người phụ trách cao nhất bảo vệ trên quan hệ lợi ích. Chúng tôi sẽ nói rõ thêm ở các phần sau.

Phải thừa nhận là chốn quan trường, Lê Viết Chữ là người thành công; cũng là mục tiêu phấn đấu của nhiều quan chức địa phương khác.

Trong chế độ cộng sản, độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, với một thể chế đảng trị, không minh bạch, thiếu sự kiểm soát của người dân hay đảng đối lập, thì các quan chức trong nội bộ Cộng sản sẵn sàng dùng bất cứ thủ đoạn mà họ có thể làm được để triệt hạ đối phương là tất yếu. Trong cuộc đua quyền lực này, chúng dùng đất đai, tài nguyên, vị trí công vụ (ghế), chính sách, thậm chí là chủ quyền quốc gia để làm phương tiện, nhằm đạt được mục đích.

Với các quan chức địa phương như Lê Viết Chữ thì việc chạy dự án, chạy ghế, ban phát chức vụ cho đệ tử, triệt tiêu đối thủ chắn đường; tạo ra sân sau, liên kết thành nhóm lợi ích, dung dưỡng xã hội đen thành thế lực ngầm, … không phải là hiếm trong xã hội Việt Nam hiện đại. Cho nên lãnh chúa cát cứ ở các địa phương không phải là ít, nếu Thừa Thiên Huế có Hồ Xuân Mãn, Đà Nẵng có Nguyễn Bá Thanh, thì Quảng Ngãi cũng có Lê Viết Chữ.

Với chốn quan trường tất cả đều bình thường, độc quyền sinh ra độc quyền là tất yếu. Tuy nhiên, sau khi đọc một số bài viết trên mạng (1), chúng tôi thấy cần phải công bố những góc khuất đằng sau một vụ án, bởi vì nó liên quan đến tính mạng của một con người.

Chúng tôi mong rằng cộng đồng mạng xã hội hãy quan tâm. Dù cho Bí thư Lê Viết Chữ nắm tuyệt đối 4 quyền tư pháp, hành pháp, lập pháp và báo chí; thì xã hội hiện đại còn quyền lực thứ 5, đó là mạng xã hội, hiện vẫn còn trong tay chúng ta.

II. Và trò đùa quyền lực

1. Chị Hồng

Các bạn từ Sài Gòn đi miền Trung bằng ô tô giường nằm chất lượng cao, xe khởi hành từ chiều tối hôm trước, sáng hôm sau là đến địa phận Quảng Ngãi. Trên Quốc lộ 1A xe vừa qua đường tránh thị trấn Đức Phổ, nhìn về hướng mặt trời mọc, bên phải, bạn thấy một tòa nhà như cung điện trong truyện cổ tích. Bên trái đường là những ngôi nhà khang trang hiện đại.

Quần thể này được người dân ở đây gọi là “nhà chị Hồng”, hay chính xác là “khu nhà gia đình chị Hồng”.

Vị trí khu nhà “chị Hồng

Quần thể khu nhà gia đình chị Hồng trong tương lai gần là phường Phổ Ninh thị xã Đức Phổ, khu đất này, theo Google Earth 5, năm về trước vẫn còn là bãi đất trống.

Khu đất nhà chị Hồng năm 2014

Du khách sau khi tham quan “khu nhà gia đình chị Hồng” xong, ngang qua huyện Mộ Đức, sẽ thấy Khu nhà Lưu niệm cố Thủ tưởng Phạm Văn Đồng là khá khiêm tốn. Mặc dù ông Đồng làm Thủ tướng đến 32 năm và nhà nước dùng tiền thuế của dân để xây dựng quần thể này (3).

Lâu đài mang tên Bạch Tuyết của chị Hồng và đại gia đình nhà chị Hồng. Nguồn: Tác giả gửi tới

2. Chị Hồng là ai?

Chị Hồng” là ai mà các nhà thầu, những người đầu cơ bất động sản, nhà đầu tư vào Quảng Ngãi đều phải biết điều để công việc hanh thông?

Nếu trong giới xã hội đen, các anh chị giang hồ vào tù ra tội, hoặc làm những vụ lớn qua mặt công an được nâng đẳng cấp; thì trong xã hội đỏ, chốn quan trường cũng vậy, người làm “phi vụ” lớn, lộ ra dư luận, nhưng chẳng ai làm gì được, thì cũng được nâng hạng, tạo uy tín thương hiệu cá nhân và tăng thị phần ảnh hưởng. Và “chị Hồng” cũng không ngoại lệ.

Chị Hồng”, có tên đầy đủ là Cao Thị Hồng, sinh năm 1966, quê ở xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trình độ chuyên môn: Trung cấp kế toán. Giai đoạn 1995 các Phòng Đăng kiểm trên cả nước tách ra khỏi Sở Giao thông Vận tải để thành Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới, “chị Hồng” vào phụ trách tài vụ ở Trung tâm Đăng kiểm 76-01S Quảng Ngãi.

Giữa năm 2007, Trung tâm đăng kiểm cơ giới Quảng Ngãi để công an chụp vào, dư luận bùng lên vụ án “tham nhũng tập thể” (4). Sau này ra tòa, từ lãnh đạo đến nhân viên đều dính án tù. Trong khi đó, “chị Hồng” phụ trách tài vụ Trung tâm, công việc hàng ngày nhận tiền, quản lý tiền mặt từ các nhân viên nộp vào, hàng tháng họp Trung tâm phân chia cho từng người và chuyển tiền mặt lên cấp trên, nhưng lại vô can.

Đơn giản, chồng chị là ông Lê Viết Chữ – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi thời đó; trên nữa là ông Hồ Nghĩa Dũng (5) đang cuối nhiệm kỳ Bí thư Quảng Ngãi (2002-2007) trong cuộc đua nước rút vào ghế Bộ trưởng Giao thông vận tải.

Giao thông là ngành ngốn ngân sách nhiều nhất, và tỷ lệ % thất thoát cũng cao nhất, với các công trình miền núi thì tỷ lệ lên đến 60-70%; nên ông Hồ Nghĩa Dũng, với quyền lực của Ủy viên trung ương đảng, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi phải trực tiếp bảo vệ “chị Hồng” tức là bảo vệ Lê Viết Chữ – Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cũng là bảo vệ hậu phương vững chắc trong cuộc “chạy cơ cấu” trong triều đình.

Nếu vợ Cao Thị Hồng bị truy tố, thì chồng là Lê Viết Chữ sẽ bị liên đới: (1) Là quan hệ vợ chồng, (2) Đơn vị cấp trên (3) Trách nhiệm người đứng đầu một ngành.

Phải nói là dòng tiền từ Trung tâm đăng kiểm nộp cho Sở rất nhỏ, so với các dự án đầu tư xây dựng giao thông, không đáng để làm ảnh hưởng uy tín của cán bộ cấp cao của Tỉnh. Quan điểm chỉ đạo của ông Hồ Nghĩa Dũng là bằng mọi giá phải bảo vệ “chị Hồng”, khoanh vụ việc trong nội bộ Trung tâm Đăng kiểm, ai lỡ bị công an bắt quả tang thì chấp nhận và tìm cách cứu sau. Không vì Trung tâm đăng kiểm mà để dư luận xấu ảnh hưởng đến ngành giao thông Quảng Ngãi, tạo ra lý do báo chí nhảy vào khui ra các dự án giao thông, tác động vào Khu kinh tế Dung Quất, giao thông miền núi của Tỉnh.

Nếu có đối thủ chính trị cho thanh tra thì nguy cơ ông Hồ Nghĩa Dũng kết thúc sự nghiệp khi hết nhiệm kỳ ở Quảng Ngãi là rất cao. Ngành giao thông địa phương ông Hồ Nghĩa Dũng lãnh đạo bị phanh phui be bét, thì tư cách nào để ông ngồi vào ghế Bộ trưởng, phụ trách giao thông vận tải cả nước.

Được Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Hồ Nghĩa Dũng trực tiếp bảo vệ và chi phí lo chạy từ các dự án giao thông, nên Cao Thị Hồng hoàn toàn sạch sẽ trong vụ án Trung tâm Đăng kiểm 76-01S Quảng Ngãi năm 2007, còn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lê Viết Chữ thì không hề hấn gì. Thương hiệu “chị Hồng” nổi mạnh lên từ đó; với cánh lái xe thì thông tin truyền miệng rất nhanh.

Phải nói là vợ chồng “Chữ-Hồng” là cặp vợ chồng hoàn hảo, biết cách “hợp tác công tư” rất hiệu quả, không ít quan chức, đồng nghiệp phải kính nể. Mà trước đó, dư luận nổi lên là chuyện chạy được vòng nguyệt quế “Đường lên đỉnh Olympia” lần thứ 7 cho con trai Lê Viết Hà.

Đánh giá khách quan thì Lê Viết Hà cũng là một học sinh giỏi của trường PTTH chuyên Lê Khiết, nhưng không phải là người giỏi nhất để được chọn lựa thay mặt trường dự thi. Nhưng nhờ có phụ huynh Lê Viết Chữ – Giám đốc Sở Giao thông vận tải, như một mạnh thường quân của Trường: đầu tư mở rộng nâng cấp đường Chu Văn An ngang qua trường; đóng góp xây dựng trường; hỗ trợ kinh phí để giáo viên bồi dưỡng nhóm dự thi Olympia …; nên Lê Viết Hà được chọn là đương nhiên. Tiếp đến là Lê Viết Hà ra Hà Nội dự thi như thế nào, những nhà thầu công trình giao thông nào chịu trách nhiệm lo cho cháu … không nằm trong phạm vi bài viết này.

3. Quyền hành của chị Hồng ra sao?

Chuyện vợ chồng “Chữ-Hồng” cũng rất bình thường trong chế độ này mà báo chí cả hai lề trái phải đều đã viết nhiều.

Nếu như Bộ Công thương thời Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng, bất cứ người nào chỉ cần được làm “em chị Huyền” – tức vợ ông Hoàng, là có thể leo cao, luồn sâu và làm được khối việc. Câu nói “Đã hỏi chị chưa?” là ấn tượng ông Vũ Huy Hoàng để lại với những người biết rõ nội tình ở Bộ Công thương sau 10 năm ông Hoàng làm Bộ trưởng.

Tương tự, ở Quảng Ngãi, ngay khi Lê Viết Chữ làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải; cán bộ Sở đã nói với nhau: Sở cũng có đủ phòng, ban chuyên môn, trình độ đến thạc sỹ, vậy mà để một người mới trung cấp làm lãnh đạo! “Dự án này của chị Hồng”, “đã nói chị Hồng rồi”… là những câu, từ thường nghe thấy trong giới làm ăn ở Quảng Ngãi.

Chạy chức, đoạt quyền, làm giàu là mục tiêu chung của các quan chức cộng sản được luật pháp của chết độ bảo vệ; nhưng thể hiện quyền lực đến mức giễu cợt công lý thì không ít; trong số đó có vợ chồng Lê Viết Chữ – Cao Thị Hồng.

Ghi chú:

(1) Một số bài viết liên quan:  Chiêu bài lấy đất chỉnh trang đô thị rồi giao doanh nghiệp phân lô bán nền (RFA). – Bí thư Lê Viết Chữ – Một lãnh chúa tàn bạo ở Quảng Ngãi (TD). – Lãnh chúa Lê Viết Chữ (Xuân Khôi) (TL).

(2) Vị trí nhà chị Hồng trên Google Map

(3) Tiếng nói từ Mộ Đức (BS).

(4). Vụ Trung tâm Đăng kiểm Quảng Ngãi (Tin 24)

(5). Hồ Nghĩa Dũng (Wiki).

© Copyright Tiếng Dân – Các trang đăng lại xin ghi rõ nguồn

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “Viết ra chuyện này chúng tôi chỉ muốn lương tâm được thanh thản, không nhằm mục đích đánh phá, bôi nhọ cá nhân nào, như hệ thống tuyên giáo tuyên truyền, nhất là vào giai đoạn bầu cử”. Hai bác cứ rào trước đón sau, cây kim trong bọc lâu ngày cũng chọc lủng bọc lòi ra thôi. Nếu là tội ác thì phải dc phơi bày để công lý dc thực thi. Và cũng để 62 ông bí thư, chủ tịch còn lại xem lại mình đã làm những tội gì cho dân, cho nc mà tu thân, tích đức tránh quả báo nhãn tiền. Vì giờ là thời đại 4.0 rồi, quả báo theo đường internet đi nhanh lắm.

  2. Triết lý Phương Tây: „Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối – Lord Acton.“. Và lịch sử Việt Nam, nhất là thời kỳ quân chủ, vua chúa cho thấy quyền lực tuyệt đối của nhà vua luôn đưa các giai đoạn phong kiến từ hưng thịnh dẫn đến suy tàn vì khi đã trên đỉnh cao quyền lực thì con người ta khác hẳn khi chưa có quyền lực. Lí luận quản lý quyền lực trong „lồng quyền lực“ của Tổng bí thư tôi nghe như câu chuyện thần thoại và giờ đây khắp mọi nơi nổi lên làm giầu bất chính chả thấy có dấu hiệu gì thuyên chuyển, dù Tổng bí thư tuyên bố lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy. Điều cụ thể là nghe nói lò đã nóng nhưng tình hình tham nhũng càng tồi tệ đi nếu xem chỉ số tham nhũng Việt Nam 2018 kém so 2017. Vì thế câu chuyện ở Quảng Ngãi nêu ra ở đây cũng không có gì là lạ và không đáng ngạc nhiên!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây