Trung Quốc vẫn tiếp tục quấy phá khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông. Facebooker Phạm Thắng Nam đưa tin: Lúc 5h14’ sáng 11/11/2020, tàu hải cảnh Zhongguo Haijing 5204 đã rời vùng biển phía nam Bãi Tư Chính để xâm nhập và quấy phá khu vực lô khai thác dầu khí 06.01 của VN. Đây đã là lần thứ 25 tàu này xâm nhập và thực hiện hành vi thách thức ở một khu vực khá sâu và nhạy cảm trong vùng đặc quyền kinh tế của VN.
Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại về người và của ở miền Trung: Xe công nông bị lật khi qua dòng nước lũ, một sinh viên tử nạn, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Vụ việc xảy ra sáng nay, một người dân ở xã Quảng An, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế dùng xe công nông chở 3 người, trong đó có cô Trần Thị Ngọc H, SV ngành Du Lịch tại ĐH Huế vượt lũ để đến TP Huế đi học.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan đã khai mạc hôm nay, dưới sự chủ trì của Việt Nam, là nước đang làm chủ tịch luân phiên ASEAN, dự kiến sẽ diễn ra đến ngày 15/11. Báo Thanh Niên có bài: ASEAN giữa thách thức Trung Quốc leo thang quân sự ở Biển Đông. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhất trí, Biển Đông tiếp tục là “vấn đề nổi lên”, lưu ý vấn đề quân sự hóa.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Malaysia kêu gọi đồng thuận nội khối về vấn đề Biển Đông. Ông Hishammuddin Hussein, ngoại trưởng Malaysia kêu gọi ASEAN “tìm sự đồng thuận chung trong khối về vấn đề Biển Đông để đối diện với các cường quốc bên ngoài”. Ông Hishammuddin nhận định, chiến thắng của ứng viên tổng thống Mỹ Joe Biden có nghĩa là ASEAN phải tìm hiểu chính phủ mới ở Mỹ càng nhanh càng tốt, trong tình hình chính quyền Trump đã rút khỏi các cuộc họp của ASEAN.
Cơn bão số 12 đang đổ bộ vào các tỉnh miền trung, gây thiệt hại về người và của. VnExpress đưa tin: Hai người chết do bão Etau. Một người bị vùi lấp trong trận sạt lở ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Một người ở phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định trong lúc chằng chống nhà cửa chống bão đã bị ngã và tử vong.
Trong phiên họp Quốc hội hôm nay, phần trả lời chất vấn của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình được báo chí “lề đảng” soi khá kỹ, vì cả câu hỏi và câu trả lời đều có yếu tố nhạy cảm, vốn đã bị báo chí “lề trái” vạch ra từ lâu. Vị chánh án nổi tiếng trong lịch sử ngành tòa án, là người quyết tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải, ông Nguyễn Hòa Bình phủ nhận việc ‘xử án theo chỉ đạo’, VnExpress đưa tin.
Thêm diễn biến mới về hoạt động của TQ ở Biển Đông: Không quân Trung Quốc tăng cường năng lực tấn công tầm xa ở Biển Đông, báo Thanh Niên đưa tin. Hôm 8/11, đài CGTN của TQ đăng tải đoạn video có nội dung “khoe” rằng máy bay tiêm kích của nước này vừa bay liên tục 10 tiếng ở Biển Đông, cũng là “kỷ lục” mới nhất của không quân nước này, phá “kỷ lục” trước đó là 8 tiếng 30 phút.
Lại có “tàu lạ” trong lãnh hải VN: Bí ẩn 2 chiếc tàu “ma” in chữ Trung Quốc dạt vào bờ biển miền Trung, báo Người Lao Động đưa tin. Chiều nay, Đồn Biên phòng Cửa Việt – Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết “người dân địa phương vừa phát hiện một chiếc tàu cá không người điều khiển dạt vào bờ biển xã Gio Hải, huyện Gio Linh vào 9 giờ 30 phút cùng ngày”.
Vụ TQ trao quyền sử dụng vũ khí cho lực lượng hải cảnh nước này, báo Thanh Niên có bài: Trung Quốc tính trao quyền nổ súng cho ‘hung thần’ ở Biển Đông. Tàu hải cảnh TQ mang danh là lực lượng chấp pháp “dân sự”, nhưng thực chất “được biên chế nhiều tàu cỡ lớn, một số tàu có độ choán nước tương đương tàu khu trục. Nhiều tàu hải cảnh của Trung Quốc còn được trang bị cả pháo cỡ lớn cùng nhiều loại súng máy, pháo cỡ nhỏ, như tàu hải cảnh 3901 có cả pháo cỡ lớn loại 76 mm”.
Hôm nay xuất hiện một số thông tin làm rõ thêm sự tha hóa của hai lực lượng công an và quân đội, là hai lực lượng được đảng CSVN giao phó trọng trách, là “thanh kiếm và lá chắn” bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ. Phía công an, cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa bắt tạm giam 7 cán bộ công an để điều tra vụ ‘nhận tiền chạy tội’, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Thông tin này được công bố trong bối cảnh tàu hải cảnh TQ “gia tăng hiện diện ở Biển Đông, có những hành động phi pháp, quấy rối tàu của một số nước trong khu vực, trong đó có tàu của ngư dân Việt Nam”. Trước khi có dự thảo này, nhiều ngư dân VN là nạn nhân của các tàu hải cảnh TQ, đã bị họ rượt đuổi, đâm chìm, ngư dân bị bắt bớ, đánh đập, tra tấn… Những thông tin này có thể tìm thấy trên mặt báo VN trong nhiều năm qua.
Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển, VOV đưa tin. Trả lời câu hỏi về vụ TQ công bố dự thảo, cho phép cảnh sát biển nước này sử dụng vũ khí trong vùng biển do TQ kiểm soát nói trên, ông Dương Hoài Nam cho biết:
“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam luôn ủng hộ việc các giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)”. Toàn những lời lẽ lặp đi lặp lại như cái loa rè, ông Nam nghĩ rằng, có thể mang ra bảo vệ được ngư dân VN khi gặp phải tàu TQ?
Dù bị tàu TQ đâm chìm, nhưng bài báo không dám gọi tên, mà chỉ ghi là “bị tàu cá nước ngoài đâm chìm”. Tỉnh Quảng Ngãi đã hứa chi một nửa giá trị con tàu để đóng lại tàu mới cho ông Thọ, còn Quỹ nhân đạo nghề cá Quảng Ngãi hứa chi nửa còn lại.
Nhưng đến nay đã 7 tháng trôi qua, chưa ai chi đồng nào cho tàu của ông Thọ “vì không biết ai là người chi trước”, đó là thông tin do ĐBQH Nguyễn Việt Thắng kể lại trong hội trường QH sáng nay. Nghị Thắng đưa ra đề xuất rất khó thành sự thật dưới chế độ này: “Vì vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ cần có một lực lượng chấp pháp mạnh trên Biển Đông, đủ mạnh, đủ phòng ngừa, răn đe để bảo vệ vùng biển Việt Nam, bảo vệ nguồn lợi Việt Nam và bảo vệ ngư dân Việt Nam”.
Báo Người Đưa Tin có bài tổng hợp ý kiến của một số chuyên gia: “Vì sao ngày nay chúng ta phản đối thủy điện nhỏ?” PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng viện Khoáng sản và Địa chất phân tích, thủy điện chuyển nước từ lưu vực này sang lưu vực kia, khiến người dân thay vì được hưởng nước tự nhiên, thì nước bị mất đi, dẫn đến tác động địa chất.
Ông Tân dẫn chứng trường hợp bên Ý hồi năm 1963, một thủy điện của nước này “ngay khi được kích hoạt đã có một khối đất lớn trượt xuống hồ, đẩy nước tràn mặt, trượt ra khỏi lòng hồ, quét đi cả một thị trấn, làm chết gần 2.000 người”, rồi kết luận: “Chúng ta cần phải tính toán kỹ lưỡng về tác động của thủy điện trong việc điều tiết lũ, tránh việc trượt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hết chuyên gia này đến chuyên gia khác cảnh báo về thủy điện, nhưng vẫn có quan chức xem thủy điện cao hơn mạng dân. Trang Pháp Luật và Xã Hội dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Lũ lụt, sạt lở đất không phải vì thủy điện nhỏ. Vẫn là kiểu thanh minh bằng cách đổ tội cho trời: “Hiện trạng của tất cả các điểm vừa rồi xảy ra, nó là tổ hợp các dạng thiên tai. Trong 4 cơn bão thì cơn bão số 9 là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua. Cùng với đó là, trạng thái vùng áp suất duy trì rất lâu ở miền Trung và nó tạo ra lượng mưa đã vượt qua các chỉ số đo lịch sử”.
Trong lúc Bộ trưởng Bộ TN&MT tiếp tục bảo vệ thủy điện bằng mọi giá, báo Bảo Vệ Pháp Luật đưa tin: Thủy điện Plei Kần tự ý tích nước, bất chấp chỉ đạo của cơ quan chức năng. Từ ngày 28/10, Đoàn liên ngành tỉnh Kon Tum đã kiểm tra thực tế và xác định Thủy điện Plei Kần “đang tích nước trái phép, mực nước hồ chứa đang ở cao trình 609,4 m… Đường đi vào khu sản xuất của các hộ dân ở khu vực lòng hồ đã bị nước làm ngập”, vào là thời điểm mưa lũ sau bão số 9, vẫn đang tác động đến miền Trung.
Sở Công thương tỉnh Kon Tum đề nghị Công ty Tấn Phát dừng ngay việc tích nước trái phép tại công trình Thủy điện Plei Kần và “chịu trách nhiệm về an toàn tính mạng và tài sản của người dân do việc tích nước trái phép”. Đến nay vẫn không có gì biến chuyển, Sở CT tỉnh Kon Tum đã báo cáo vụ việc theo chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND tỉnh Kon Tum ‘ra tay’ vụ thuỷ điện tích nước trái phép, theo báo Tiền Phong.
UBND tỉnh Kon Tum lặp lại những yêu cầu của Sở CT tỉnh này, yêu cầu Công ty Tấn Phát “dừng ngay việc tích nước trái phép tại công trình Thuỷ điện Plei Kần, chỉ được tích nước khi được cấp có thẩm quyền cho phép”. UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu công ty này thực hiện các cam kết với UBND huyện Ngọc Hồi và Đắk Tô “sớm hoàn thành việc khắc phục đường, cầu đi vào khu sản xuất”.
Sáng nay, công an khám xét nơi làm việc của Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM, VOV đưa tin. Lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an, Viện Kiểm sát và một số đơn vị chức năng cùng khám xét Bệnh viện Mắt TP HCM “theo thủ tục tố tụng hình sự để phục vụ điều tra những dấu hiệu sai phạm về đấu thầu, nâng giá thiết bị thủy tinh thể nhân tạo tại bệnh viện này”.
Hôm qua, cơ quan CSĐT đã khám xét phòng Giám đốc bệnh viện và một số phòng ban chức năng với sự có mặt của đại diện Viện KSND tối cao, đồng thời làm việc với những cá nhân có liên quan và thu giữ nhiều thùng tài liệu, hồ sơ. Công an cũng đã làm việc với GĐ BV Mắt TP HCM Nguyễn Minh Khải, thu thập một thùng tài liệu, rồi đưa cả người và tài liệu về trụ sở công an.
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Sở Y tế TP.HCM nói về vụ việc xảy ra tại Bệnh viện mắt TP. BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết, ban giám đốc Sở này vẫn chưa có thông tin liên quan vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP HCM: “Tuy nhiên nếu như lãnh đạo Bệnh viện Mắt TP.HCM bị cơ quan điều tra tạm giữ thì Sở Y tế TP.HCM sẽ phân công người tạm thời thay thế để điều hành công việc”.
Theo số liệu từ Fox News cập nhật, ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân Chủ đã cận kề chiến thắng với 264 phiếu đại cử tri, trong khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump chỉ có 214 phiếu. Ông Biden có được số phiếu trên nhờ chiến thắng ở bang Wisconsin và Michigan, bây giờ chỉ cần ông thắng thêm một trong 4 bang “chiến trường” Nevada, Georgia, Pennsylvania, North Carolia, là chắc chắn ông có đủ số phiếu để trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46.
Ở bang Gerogia, chúng tôi ghi nhận, số phiếu cách biệt giữa hai ứng cử viên hiện tại đang được thu hẹp. Ông Biden hiện có được 2.414.651 phiếu, ông Trump được 2.432.799 phiếu. Ông Trump tạm thời dẫn trước 18.148 phiếu. Khả năng ông Biden giành thêm được bang này là rất lớn. Nếu thắng ở Georgina, ông Biden sẽ có thêm 16 phiếu cử tri đoàn.
Sau vụ ông Trump yêu cầu dừng kiểm phiếu ở các bang bất lợi, người Mỹ xuống đường ủng hộ kiểm đến lá phiếu cuối cùng, báo Tuổi Trẻ đưa tin. “Nhiều người Mỹ nói rằng họ sẽ xuống đường để tuần hành phản đối lời kêu gọi ngừng kiểm phiếu của ông Trump. Nhiều người thừa nhận họ đang lo lắng quá mức đến nỗi phải nhờ đến caffeine hoặc cứ luôn bị phân tâm khi làm việc”.
Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay, khi trả lời câu hỏi về tác động của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đối với quan hệ Việt – Mỹ, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao nói: “Tổng thống nào cũng sẽ ủng hộ quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ”, VOV đưa tin. Ông Dương Hoài Nam cho rằng, chỉ có người Mỹ mới có quyền quyết định Tổng thống trong 4 năm tới và nói thêm:
“Sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có những bước tiến dài với sự phát triển toàn diện, thực chất, và ngày càng đi vào chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc để hai nước thúc đẩy, mở rộng quan hệ, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển khu vực cũng như trên thế giới. Chúng tôi tin tưởng Tổng thống Hoa Kỳ nào cũng sẽ ủng hộ tiến trình này”.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14, từ ngày 20/10 đến ngày 17/11/2020 đang diễn ra. Diễn biến đáng lưu ý trong phiên thảo luận Quốc hội chiều nay là có một số đại biểu không chỉ chất vấn, mà còn phê phán thẳng một số bộ trưởng. Báo Thanh Niên dẫn lời Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp: ‘Nghe Bộ trưởng phát biểu thực sự thấy sai sai’.
Bắc Kinh lại dụ được thêm một nước phương Tây vào “bàn cờ” Biển Đông: Trung Quốc, Canada cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông, trang Thế Giới và VN đưa tin. Theo đó, Tập đoàn dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) và công ty Dầu khí Husky TQ, thành viên của Công ty dầu khí Năng lượng Husky của Canada, đã bắt đầu sản xuất khí đốt từ cụm mỏ Liuhua 29-1 trên Biển Đông.
Các đập thủy điện mang lại nhiều lợi lộc cho các quan chức, nhưng đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng, tài sản của dân lành. Mâu thuẫn lợi ích giữa quan với dân về các đập thủy điện ngày càng căng thẳng hơn. Phát biểu chiều 2/11, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, với sự ủng hộ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã quyết bảo vệ cho các đập thủy điện.
Báo Thanh Niên có bài: Trò xảo trá của chuyên gia ‘thân Trung Quốc’ về Biển Đông. Đó là vụ TS Mark J Valencia, hiện làm việc cho Viện Nghiên cứu quốc gia của TQ về Biển Đông, vừa có bài: “What really drives the South China Sea conflict” (Nguyên nhân nào dẫn đến nguy cơ xung đột ở Biển Đông). Bài viết đánh tráo khái niệm và đổ tội cho Mỹ trong vấn đề căng thẳng Biển Đông.
Hôm nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo kết quả kỳ họp thứ 49 vừa qua, phe “đốt lò” đề nghị xem xét kỷ luật ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình, báo Tuổi Trẻ đưa tin. UBKTTƯ nhận thấy, trong thời gian làm bí thư Ban cán sự Đảng, thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình “đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc… gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục; nhiều cán bộ, đảng viên của Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo chủ chốt một số tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự”.
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Những chuyển động đáng chú ý ở Biển Đông tháng 10-2020. Một số sự kiện đáng chú ý trong tháng 10 vừa qua là, Ngoại trưởng các nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã họp bàn tại Tokyo ngày 6/10; ông Christophe Penot, Đại sứ Pháp tại Úc trở thành đại sứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đầu tiên của Pháp vào ngày 12/10; tân Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide thăm chính thức VN và Indonesia từ ngày 18 đến 21/10, cùng sự kiện tập trận “Kiếm sắc” từ 26/10.
Cuộc tập trận “Kiếm sắc” được đánh giá là một thông điệp mạnh do Mỹ – Nhật cùng gửi tới TQ: “Đây là cuộc tập trận lớn đầu tiên dưới thời tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, cũng là hoạt động mới nhất trong chuỗi các cuộc tập trận chung và song phương trên thực địa nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và phối hợp tác chiến giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và các lực lượng quân đội Mỹ”.
VietNamNet có bài về mối liên hệ giữa tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở khu vực Đông Nam Á với tình hình bầu cử Mỹ: Biển Đông và chọn lựa của Tổng thống mới nước Mỹ. “Vị Tổng thống Mỹ kế tiếp sẽ phải đưa ra vô số quyết định quan trọng về cách thức mà Mỹ sẽ can dự hơn nữa với châu Á, quản lý những căng thẳng với Trung Quốc cũng như ứng xử với các tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông”.
Ông Joe Biden hiện vẫn đang dẫn trước đối thủ Trump, nếu ông Biden trúng cử, “sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc”. Ông Biden trước đó nhấn mạnh rằng “Mỹ nên có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc”. Chính sách Biển Đông của Mỹ dưới thời ông Biden “sẽ không thay đổi”, Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc tập trận với đồng minh và đối tác, các chiến dịch hiện diện và tuần tra nhằm bảo đảm tự do hàng hải (FONOP).
Sau 4 năm “chống TQ” dưới thời Trump, TQ vẫn tiếp tục lộng hành: Máy bay ném bom chiến đấu JH-7A của Trung Quốc tham gia tập trận ở Biển Đông, theo trang Thế Giới và VN. Quân ủy Trung ương TQ vừa khoe khoang rằng, lực lượng không quân của hải quân TQ, thuộc Chiến khu miền Nam đã tiến hành tập trận bắn đạn thật với quy mô lớn ở Biển Đông vào ngày 30/10, “cuộc tập trận trên được thực hiện với sự tham gia của gần 100 phi công hải quân trên vùng biển phía Tây của tỉnh đảo Hải Nam, miền Nam Trung Quốc”.
Hôm nay mạng xã hội lại nóng bởi một số phát ngôn của lãnh đạo VN. Thứ nhất là vụ Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và một số quan chức quyết bảo vệ thủy điện. VnExpress dẫn lời Bộ trưởng Công Thương: ‘Hồ thủy điện có tác dụng cắt lũ’.
Vẫn là cụm từ “đúng quy trình” quen thuộc: “Trong đợt bão lũ 2020, Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan tổ chức các đoàn đi kiểm tra an toàn hồ, đập thủy điện, và tất cả công trình được kiểm tra đều đảm bảo an toàn cũng như quy trình vận hành”.
Thủ tướng cũng đứng về phía Bộ Công thương để bảo vệ thủy điện, còn khẳng định “khảo sát” cho thấy rừng già còn nhiều, nhiều nơi thảm thực vật còn 80-90%, “nhưng mưa lũ như vừa qua thì đất không còn kết cấu nào chịu đựng được”. Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cũng tiếp lời hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Trần Tuấn Anh, quyết đổ tội cho trời, thanh minh rằng trời làm mưa lớn quá!
Phát ngôn gây bất bình thứ 2 cũng là của TT Nguyễn Xuân Phúc: “Tỷ lệ thu ngân sách cao do dân tín nhiệm, không phải lạm thu!”, theo RFA. Tại Hội nghị thi đua yêu nước ngành tài chính, ông Phúc nói: “Chúng ta chỉ có thể tự hào rằng tỉ lệ thu ngân sách cao cho thấy người dân tín nhiệm Chính phủ mà ủy thác chứ không phải Chính phủ tận thu. Nếu người dân không tín nhiệm với Chính phủ, họ tìm cách trốn thuế, tránh thuế, lách thuế khi đó ngân sách rất khó thu được thuế”.
Ông Phúc còn hứa hẹn sẽ chi tiêu hiệu quả tiền thuế của dân, nhưng trên thực tế, tình hình lạm chi ngân sách nhà nước: 10 tháng bội chi 164,7 nghìn tỷ đồng, theo trang Khoa Học và Đời Sống. Đó là số liệu từ Tổng cục Thống kê, còn chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá “áp lực thu ngân sách 3 tháng cuối năm rất lớn, khiến cho việc cân đối thu – chi, giảm bội chi sẽ rất chật vật”.
Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu viết tiếp về thương vụ thu tóm công sản lớn nhất thành Hồ và kẻ đứng sau nó: Saigon Co.op và ông Diệp Dũng! Ông Hữu cho biết, “gần cuối năm 2015, ông Diệp Dũng thành người nắm quyền tại Saigon Co.op. Những tháng năm đầu đi qua êm đềm, cho đến khi sắp kết thúc năm năm quản lý ở Saigon Co.op, ông Diệp Dũng bắt đầu thay đổi kỳ lạ”.
“Thay đổi kỳ lạ” bắt đầu khi Diệp Dũng tổ chức Đại hội nâng vốn điều lệ của Saigon Co.op từ 3.180 tỉ đồng lên gần 6.800 tỉ đồng, bất chấp chỉ đạo của lãnh đạo thành phố ngưng vụ này. Tổng GĐ Saigon Co.op phản đối nhưng bị Dũng cho “bay” chức. Đến khi Thanh tra thành Hồ vào cuộc, Diệp Dũng bị đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, thành uỷ viên, Bí thư Đảng ủy Saigon Co.op, quyền lực bị thu hẹp, có lúc Dũng phải làm đơn từ nhiệm để “hạ cánh” nhưng đã được Bí thư Nguyễn Thiện Nhân lúc đó dang ra tay cứu.
Cũng liên quan đến vụ thu tóm này, nhà báo Nguyễn Tiến Tường có bài: Công sản & những viên đạn cầu vồng. Bài viết điểm mặt 2 vụ “của công thành của ông” quy mô lớn ở đây. Thứ nhất là vụ Saigon Co.op: “Trước khi giữ chức Chủ tịch HĐQT Co.op, ông Diệp Dũng là Phó chủ tịch HĐQT HD Bank. Tháng 7/2019, HD Bank và Saigon Co.op ký hợp tác toàn diện. Hợp tác này không chỉ đơn thuần việc dòng tiền của Co.op sẽ lưu thông qua hệ thống HD Bank”.
Thứ 2 là vụ “ăn đất” ở số 628-630 Võ Văn Kiệt, quận 5, vốn do EVN quản lý: “Bằng hai mũi giáp công trước và sau khi EVN thoái vốn, Sovico đã chiếm 80,32% Land Saigon và giữ quyền sở hữu đất vàng. Giờ đây dự án có tên mới ‘Dragon Riverside City’ với tổng mức đầu tư tới 7.000 tỉ đồng, là dự án ‘siêu phẩm’ do Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long phát triển, kinh doanh”. Ông Tường cho biết, phía sau HDBank và Sovico có bóng dáng của một “madam”.
Bế tắc về đất không dễ giải quyết giữa lãnh đạo thành Hồ và quân đội: TP.HCM kiến nghị giao đất quốc phòng giải cứu ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất, theo báo Giao Thông. UBND TP HCM có văn bản kiến nghị Bộ Quốc phòng “giao đất để thực hiện dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa (quận Tân Bình) nhằm giảm ùn tắc cho cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất”.
Tin cho biết, tháng 5/2020, quan chức thành Hồ đã có kiến nghị tương tự và bị phía Bộ Quốc phòng cho ăn “bơ”. “Hiện nay dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư”, chỉ còn đợi quân đội giao đất. Vấn đề là trước giờ chỉ có đất công và đất dân chảy vào túi quân đội chứ chưa có chiều ngược lại. Không rõ lần này lãnh đạo thành Hồ có được ăn “bơ” nữa không?
Số phận hẩm hiu của một mảnh “đất vàng”: Đất vàng ở TP.HCM làm bãi giữ xe, Zing đưa tin. Đó là dự án Phạm Văn Đồng – Gò Dưa ở quận Thủ Đức, tổng giá trị hơn 2.765 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức BT giữa UBND TP HCM và liên danh Công ty Văn Phú – Invest, Công ty Văn Phú – Bắc Ái, Công ty Bắc Ái và Công ty HNS VN. Dù dự án đã thi công gần 44%, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa được UBND thành Hồ bàn giao đất như đã hứa hẹn. Nhiều lô đất đắc địa ở đây đang được… cho thuê hoặc giữ xe.
Vụ việc xảy ra vào chiều hôm qua: Nguyên Bí thư Thành ủy Nha Trang bị tấn công tại nhà riêng, báo Người Lao Động đưa tin. “Một nguồn tin cho biết vụ việc xảy ra vào trưa cùng ngày, ông Trường bị kẻ lạ mặt tấn công vào vùng cổ khiến phải nhập viện”. Hiện công an đã phong tỏa nhà cựu Bí thư Hoàng Văn Trường tại Khu đô thị Phước Long A để làm rõ vụ việc.
Tin cho biết, thủ phạm là một người đàn ông đeo khẩu trang, mặc áo khoác đen, đội mũ bảo hiểm trùm kín đầu, trước đó đã chạy xe máy tới trước nhà ông Trường. Người này đã leo qua cánh cổng cao khoảng 2m, vào bên trong và rút dao xông vào tấn công, khiến ông Trường bị thương ở cổ, rồi thoát ra ngoài, lên xe máy phóng đi. “Ông Trường bị đứt tĩnh mạch máu do vết thương ở vùng cổ, mất nhiều máu”.
Nhà báo Mai Quốc Ấn bình luận: “Vụ việc làm tôi nhớ đến một gia đình ở Quận 9 mà mỗi bữa cơm gia chủ đều chỉ về phía tấm giấy có ghi tên những kẻ cướp đất của gia đình. Câu nói được lặp lại rất nhiều năm, chỉ một nội dung: ‘Mấy đứa phải nhớ! Tụi nó cướp đất của gia đình mình. Phải nhớ thật kỹ!’ Đừng bao giờ coi thường ai trong những người bình thường ngoài kia”.
Theo ông Ấn, những kẻ làm giàu từ đất của dân đều gieo rắc thù hận, bởi vì “trong đất có máu”. Đến khi dân tự đòi lại công bằng thì “xây tường cao, nuôi chó dữ, tăng cường xe cộ súng ống trấn áp chưa bao giờ là thượng sách. Nếu không muốn nói là ngược lại”. Ông Ấn có bức ảnh so sánh biệt thự của cựu Bí thư Trường với một nhà dân ở Quảng Trị:
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Philippines sẽ ra sao nếu Mỹ – Trung Quốc có chiến tranh?Câu hỏi liên quan đến tình huống, ông Emmanuel Bautista, cựu Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines đặt ra, rằng cả TQ và Mỹ sẽ tìm cách kiểm soát Philippines vì vị trí chiến lược của quốc gia Đông Nam Á này nằm giữa Biển Đông và Thái Bình Dương.
VnExpress đưa tin: Tàu chiến Mỹ, Australia diễn tập trên Biển Đông. Hải quân Mỹ thông báo về cuộc tập trận mới đây: “Tàu khu trục Mỹ USS John S. McCain hội quân với hộ vệ hạm HMAS Ballarat của hải quân Australia trong các hoạt động hiệp đồng trên Biển Đông ngày 27/10. Hai tàu đã diễn tập cơ động, huấn luyện chiến thuật tích hợp, tiến hành các kịch bản tác chiến và cùng di chuyển qua eo biển Malacca để đến biển Andaman”.
Đúng như một số ý kiến lo sợ, bão số 9 đã tan nhưng hậu quả của nó vẫn chưa dừng lại, khi những đợt lũ do sự kết hợp của mưa sau bão và xả nước tại các đập thủy điện trở thành nỗi ám ảnh của người dân miền Trung. Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Nhiều thủy điện xả lũ, dân lại hối hả chạy lụt trong đêm. Thủy điện xả lũ theo kiểu “đánh úp” người dân, khi chờ lúc trời tối, ra thông báo đột ngột, rồi xả lũ gần như cùng lúc với thông báo.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc đã sẵn sàng hoạt động ở Biển Đông?Đài truyền hình trung ương TQ (CCTV) vừa khoe khoang rằng, tàu sân bay Sơn Đông “gần đây hoàn tất cuộc thử nghiệm và huấn luyện trên biển nhằm tập trung vào khả năng tác chiến thật sự và kiểm tra vũ khí trên tàu”. CCTV đăng tải clip, cho thấy chiến đấu cơ J-15 cất/hạ cánh trên tàu sân bay Sơn Đông và cảnh tàu khai hỏa.
Báo Thanh Niên có bài: ‘Điệp khúc vu vạ’ của Trung Quốc trên Biển Đông. Đó là vụ Hoàn Cầu thời báo vừa có bài xã luận “How to defuse South China Sea tensions?” (Tạm dịch: “Làm thế nào để xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông?”). Bài viết “kêu gọi sớm có một khung pháp lý và cơ chế hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc về Biển Đông, nhằm sớm đảm bảo ổn định cho vùng biển này”, đồng thời tiếp tục đổ tội cho Mỹ.
Người dân miền Trung liên tiếp hứng chịu những cơn bão. Hậu quả các cơn bão trước chưa giải quyết xong, trưa nay, cơn bão số 9 có tên Molave đã đổ bộ vào phía Đông Nam Đà Nẵng, khu vực Quảng Nam – Quảng Ngãi, sức gió có lúc lên đến 130 km/h. Trang Tin tức 24h Online có clip tổng hợp bão số 9 đang đổ bộ, tâm bão Quảng Nam Quảng Ngãi:
Zing đưa tin: 46.000 binh sĩ Mỹ – Nhật khởi động cuộc tập trận ‘Kiếm sắc’. Đó là cuộc tập trận mang tên Keen Sword 21, có sự tham gia của hơn 9.000 binh sĩ, 100 máy bay và nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ, cùng với tàu chiến Nhật Bản ở ngoài khơi quần đảo Okinawa, bắt đầu từ ngày 26/10 và dự kiến kết thúc ngày 5/11, theo thông tin từ Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ.
Báo Thanh Niên có bài: Vũ khí Trung Quốc tại Biển Đông và các điểm nóng. Từ tháng 8/2020 tới nay, TQ liên tục “khoe cơ bắp” ở Biển Đông, từ vụ điều động máy bay chiến đấu J-10 và J-11 tới đảo Phú Lâm, vụ điều động máy bay cảnh báo sớm KJ-500, máy bay săn tàu ngầm KQ-200 và trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-8 đến bãi đá Chữ Thập, tới vụ phóng 2 tên lửa đạn đạo DF-21D và DF-26B tới Biển Đông và mới đây là vụ máy bay tập trận phóng tên lửa ở gần Vịnh Bắc Bộ.
Trang Dự án ĐSK Biển Đông đưa tin về tàu khảo sát Thực Nghiệm 1 của TQ, đang di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với mô hình bất thường, hiện đã vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Bộ Quốc phòng VN lại “lên gân”: ‘Không để bất cứ một đối tượng nào xâm phạm vùng biển Việt Nam’, theo báo Thanh Niên. Vẫn mấy lời hứa hẹn quen thuộc: “Trước diễn biến phức tạp của tình hình trên Biển Đông, Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đấu tranh trên các mặt trận chính trị, kinh tế, ngoại giao, pháp lý, thông tin tuyên truyền, quốc phòng, an ninh… để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo”.
Facebooker Phạm Thắng Nam cho biết: Tàu hải cảnh Zhongguo Haijing 5204 của TQ vừa xâm nhập lần thứ 20 vào lô khai thác dầu khí 06.01 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN. Vào khoảng 6h59’ sáng nay, tàu này đã rời vùng biển phía nam Bãi Tư Chính để tiến về lô 06.01, với vận tốc 11 hải lý/giờ. Lúc 12h29’, tàu Zhongguo Haijing 5204 đã tiếp cận lô 06.01.