Ngày 11/11/2019, Đội Quản lý thị trường số 14 đã kiểm tra 5 điểm kinh doanh thương hiệu thời trang SEVEN.am trên địa bàn TP Hà Nội và tạm giữ 9.000 sản phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, báo Giao Thông đưa tin. Ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 14 Hà Nội xác nhận, đội đang tạm giữ 9.000 sản phẩm của SEVEN.am vì chưa xuất trình đủ hoá đơn.
Zing đưa tin: Địa cầu có đường lưỡi bò được bán tràn lan trên mạng ở Việt Nam. Trên các trang thương mại điện tử Shopee, Lazada và Sendo bày bán nhiều quả địa cầu có hình “đường lưỡi bò” trước khi bị báo chí phản ánh và ngừng bán. Nhưng “trên nhiều trang mạng và fanpage Facebook, mặt hàng này vẫn được rao bán. Với từ khóa ‘địa cầu từ trường’ hay ‘địa cầu lơ lửng’, Google trả về hơn 1 triệu kết quả”.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Nghệ sĩ Trần Lương yêu cầu Trung Quốc ‘cắt’ đường lưỡi bò ngay tại Nam Kinh. Sau khi hoàn thành tác phẩm trình diễn trực tiếp trong triển lãm “Polyphony: Southeast Asia” tại Bảo tàng Nghệ thuật, thuộc Trường ĐH Nghệ thuật Nam Kinh, chiều 10/11/2019, nghệ sĩ Trần Lương yêu cầu người Trung Quốc “cắt đường lưỡi bò” trên bản đồ được in trên các poster và tài liệu của triển lãm này và phía Trung Quốc đã phải chấp thuận.
Nghệ sĩ Trần Lương chia sẻ thêm rằng, “anh không ngạc nhiên khi các nghệ sĩ Trung Quốc đã nhanh chóng đồng ý yêu cầu của các nghệ sĩ Việt Nam, bởi theo anh, các nghệ sĩ đương đại của Trung Quốc cũng rất tiến bộ, họ chống lại cường quyền và những hành vi chống lại tự do”.
Trailer phim ‘Hoa mộc lan’ có Lưu Diệc Phi đóng đã biến mất khỏi hệ thống của CGV, theo báo Một Thế Giới. Nhà phát hành phim CGV Việt Nam cho biết, phim Mulan, tức Hoa Mộc Lan, dự kiến sẽ công chiếu tại Việt Nam vào ngày 27/3/2020, là phiên bản live-action của hãng Disney chuyển thể từ tác phẩm hoạt hình ăn khách năm 1998. Phía CGV gặp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng mạng Việt Nam do trong phim có Lưu Diệc Phi, một trong hàng trăm sao Hoa ngữ công khai ủng “đường lưỡi bò”.
“Không hiểu do phản ứng của khán giả Việt hay vì lý do khác, sau một thời gian CGV đã hạ toàn bộ đoạn giới thiệu và trailer phim Mulan ra khỏi hệ thống”. Trước đó, năm 2016, sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”, Lưu Diệc Phi cùng hàng trăm ngôi sao Hoa ngữ đã share hình ảnh hoặc có bài viết ủng hộ yêu sách này.
Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà chia sẻ clip “của ngư dân Quảng Nam cung cấp cho hay, tàu cá VN đối mặt với Khu trục hạm 167 Thâm Quyến gần đảo Phú Lâm hồi giữa tháng 10. Tàu TQ yêu cầu tàu cá phải di chuyển cách xa đảo Phú Lâm 30 hải lý (56 km)”:
Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh chiều 8.11, được hỏi v/v một quan chức cấp cao Việt Nam cho biết có thể xem xét các lựa chọn pháp lý để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Người phát ngôn của BNG Trung Quốc anh Cảnh Sảng tái khẳng đinh, quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc!"Cốt lõi của vấn đề Biển Đông là vấn đề lãnh thổ, gây ra bởi Việt Nam và các nước khác khi xâm lược và chiếm đóng các đảo liên quan, thuộc quần đảo Nam Sa [Trường Sa] của Trung Quốc. Việt Nam phải đối mặt với thực tế lịch sử, tránh các hành động có thể làm phức tạp hoặc suy yếu hòa bình và ổn định ở Biển Đông!”———–Trước đó, ngày 6.11, tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 được tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng BNG Lê Hoài Trung cho rằng, trong nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam không loại trừ khả năng sẽ tiến hành các hành động pháp lý; kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế!-Nhiều hãng thông tấn nước ngoài đã trích dẫn phát biểu của Thứ trưởng Lê Hoài Trung và nhắc đến chuyện hồi 2014, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng cho biết, Chính phủ Việt Nam lúc đó xem xét những phương án phòng vệ đối với Trung Quốc. Trong đó có cả việc kiện ra tòa, sau vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng lãnh hải Việt Nam!Hãng Reuters, The New York Times, BBC đều nhắc lại việc Trung Quốc đã tuyên bố gần như hầu hết các khu vực giàu năng lượng của Biển Đông với đường lưỡi bò; và xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền ở các khu vực thuộc vùng biển này; trong đó Việt Nam là quốc gia bị Trung Quốc tấn công vũ lực nhiều nhất. Năm 2013, Philippines từng kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague. Phán quyết của tòa năm 2016 đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc!——(Clip) của ngư dân Quảng Nam cung cấp cho hay, tàu cá VN đối mặt với Khu trục hạm 167 Thâm Quyến gần đảo Phú Lâm hồi giữa tháng 10. Tàu TQ yêu cầu tàu cá phải di chuyển cách xa đảo Phú Lâm 30HL (56 km). Tàu khu trục 167 Thâm Quyến từng là tàu chiến mạnh và hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc, được lắp đặt tên lửa phòng không siêu thanh ;x
Bà Trà lưu ý, “tàu khu trục 167 Thâm Quyến từng là tàu chiến mạnh và hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc, được lắp đặt tên lửa phòng không siêu thanh”. Còn đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1974.
Trên đảo này không những có hệ thông căn cứ hậu cần rất quy mô với đường băng dài hơn 3000m và cảng nước sâu dài hơn 1000m, mà còn có trường học (mẫu giáo, tiểu học, dạy nghề), trạm xăng và một số cơ sở dân sự để biến khu vực này thành trung tâm hành chính thể hiện “chủ quyền” của Trung Quốc.
VTC đưa tin: Trung Quốc thử nghiệm thiết bị lặn không người lái hoạt động ở Biển Đông. Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc xác nhận, thiết bị lặn tự vận hành (AUV) có tên Sea-Whale 2000 (Cá Voi Biển 2000) vừa hoàn thành cuộc thử nghiệm kéo dài 37 ngày ở Biển Đông với tầm hoạt động 2.011km. Nhiệm vụ của thiết bị này vẫn chưa được tiết lộ, nhưng tầm hoạt động cho thấy, nó có thể bao phủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bài báo cho biết, “thiết bị lặn không người lái Sea-Whale 2000 có hình ngư lôi, dài khoảng 3 m và nặng 200 kg, được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo và một loạt các cảm biến để đo nhiệt độ, độ mặn, dòng điện, dấu vết hóa chất, tầm nhìn dưới nước và các hoạt động sinh học”. Phía Trung Quốc vẫn lấy lý do “khảo sát” để triển khai AUV này, nhưng có người lưu ý, với khả năng theo dõi các chỉ số trên, nó có thể tham gia hoạt động chống ngầm.
Nhân dịp kỷ niệm Bức tường Berlin: Thủ tướng Đức cảnh báo nền dân chủ không ‘tự dưng mà có’, BBC đưa tin. Thủ tướng Angela Merkel phát biểu: “Các giá trị nền tảng của châu Âu – tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp trị, nhân quyền – chúng là bất cứ điều gì ngoài sự hiển nhiên và chúng phải được hồi sinh và bảo vệ thời kỳ này sang thời kỳ khác. Chúng ta không có bất kỳ cái cớ nào và buộc phải thực hiện bổn phận tự do và dân chủ của mình”.
RFI dẫn lời nhà văn Nguyên Ngọc: Tường Berlin đổ, trông người mà ngẫm đến ta. Nhà văn Nguyên Ngọc bình luận, “đến cái ngày nó sụp đổ, thì cũng là bất ngờ, nhưng đối với riêng tôi cũng là tất yếu thôi. Tôi cũng có ở Đức, ngay Berlin, phía đông Berlin. Tôi thấy rằng đối diện với Tây Berlin, với Tây Đức, một chế độ như vậy không thể kéo dài”.
Về sự bế tắc của xã hội VN trong việc thoát khỏi ý thức hệ CS, ông Nguyên Ngọc phân tích, “anh đã mượn rồi thì anh mắc nợ, rồi từ chỗ mắc nợ rồi anh vùng vẫy, rồi anh muốn thoát ra, nhưng mà vùng vẫy mãi cũng không được, không thể thoát được. Vì thoát ra thì làm sao? Anh đã chọn con đường bạo lực để giải phóng dân tộc. Thì để… anh phải mượn, mà anh mượn thì anh mắc nợ. Anh mắc nợ thì anh vùng vẫy mãi không ra”.
Báo Kiến Thức có bài: Số phận của quân đội Đông Đức sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Trước khi bức tường chia cắt nước Đức sụp đổ, “Quân đội Đông Đức được coi là lực lượng mạnh bậc nhất trong khối quân sự Warsaw, vậy nên sức chiến đấu của lực lượng này cần phải được bảo toàn sau khi nước Đức thống nhất”. Chính quyền Tây Đức đã chọn giải pháp tiếp nhận lực lượng này, mọi trang bị, vũ khí ở những khu vực quân đội Đông Đức đóng quân trước đây đều được giữ nguyên, phía Tây Đức chỉ thay lãnh đạo và vẫn trả lương cho binh lính như cũ.
Trường hợp VN, dường như các quan chức quân đội và cả công an VN luôn bị ám ảnh rằng họ sẽ không thể nhận được kết cục êm thắm như vậy, bởi tay họ đã dính đầy máu dân oan sau các cuộc cướp đất từ Bắc tới Nam.
Xử lý “người đứng đầu” thì cũng chỉ là xử lý phần ngọn, gốc rễ của vấn đề là môi trường đã dung dưỡng cho những người “hồng hơn chuyên”, để hàng ngàn “hạt giống đỏ” của nhiều thế hệ được vào bộ máy làm lãnh đạo, làm thì ít nhưng phá thì nhiều, liên tục bòn rút của dân, để hậu quả cho dân chịu.
Vụ thượng tá Thái Đình Hoài, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lai Châu sử dùng bằng tốt nghiệp cấp 3 giả để vào ngành công an, VTC đặt câu hỏi: Vì sao Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế dùng bằng cấp 3 giả suốt 23 năm mới bại lộ? Dù không học hết cấp 3, nhưng năm 1996, ông Hoài được tuyển vào ngành công an thông qua việc đi nghĩa vụ, rồi công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Lai Châu.
Bài báo không trả lời rõ, nhưng các chi tiết cho thấy sự tắc trách của bộ máy công quyền CSVN, vì ông Hoài sau 23 năm công tác đã được quy hoạch làm PGĐ Công an tỉnh Lai Châu, chỉ đến tháng 10/2019, chuyện ông Hoài dùng bằng giả mới bị lộ, do có người tố cáo.
Báo Dân Việt đặt câu hỏi về sai phạm trong ngành công an tỉnh Lai Châu: Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế đã viết đơn xin thôi việc? Nguồn tin riêng của báo này tiết lộ, từ ngày 10/9, Văn phòng UBND tỉnh Lai Châu đã nhận được đơn thư tố cáo gửi ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu về vụ ông Hoài sử dụng bằng giả.
Ông Hoài đã làm đơn xin thôi việc khoảng một tháng sau khi bị tố cáo. “Như vậy, sự việc có đơn tố cáo ông Thái Đình Hoài sử dụng bằng cấp giả để tiến thân xảy ra đã gần 2 tháng, nhưng đến nay, Công an Lai Châu mới cử cán bộ đi điều tra, xác minh?”
Báo Kiến Thức có bài: Lộ gia thế “khủng” của Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Lai Châu dùng bằng cấp 3 giả. Bài báo lưu ý, ông Thái Đình Hoài gọi bà L, vợ của ông Lê Văn Bảy, cựu GĐ Công an tỉnh Lai Châu là o (cách gọi cô, thím của người miền Bắc). Bố của bà L và ông nội của Thượng tá Hoài là hai anh em, đều trú ở xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Cho nên, “con ông cháu cha” dù không học hết cấp 3 vẫn có thể liên tục được thăng tiến trong bộ máy công an tỉnh Lai Châu.
Sau khi sự việc bại lộ, lãnh đạo Công an tỉnh Lai Châu thừa nhận, sẽ căn cứ vào điều lệ, quy định của Đảng và của ngành để xử lý ông Hoài, nhưng thẩm quyền xử lý trường hợp này thuộc Bộ Công an, nên đơn vị đã báo cáo để giải quyết theo quy định: “Theo quy định là phải cho thôi việc, tất cả chức vụ khác đều bị miễn nhiệm”.
Công an huyện Cam Lộ vừa phát hiện dầu thải bị đổ xuống đầu nguồn sông Hiếu, tỉnh Quảng Trị, VOV đưa tin. Trạm trộn bê tông nhựa nóng thuộc Công ty Cổ phần Việt Ren, có trụ sở ở Quốc lộ 9, TP Đông Hà, đã bị lập biên bản vì làm đổ dầu thải ra đầu nguồn sông Hiếu, gây ô nhiễm môi trường.
Trước đó, ngày 7/11/2019, người dân xã Cam Thành, huyện Cam Lộ “phát hiện có nhiều váng dầu xuất hiện tại thượng nguồn sông Hiếu nên đã trình báo cơ quan chức năng. Số dầu này đã theo dòng nước trôi ra sông Hiếu”.
Vụ nhà máy nước sông Đuống được hưởng nhiều đặc quyền sau khi nguồn nước của nhà máy sông Đà bị đổ dầu thải, nhà báo Ngô Nguyệt Hữu viết: Thị dân không có mắt! Theo đó, “sông Đà bán nước sạch cho thị dân Hà Nội hiện tại giá: hơn 5 nghìn đồng/m3. Cáo bạch tài chính 9 tháng đầu năm của đơn vị này lãi hơn 100 tỉ. Tháng 7-2019, sông Đuống được duyệt tham gia cấp nước cho thị dân Thủ đô với mức giá hơn 10 nghìn/m3. Bất chấp, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng khẳng định chưa hoàn tất quá trình nghiệm thu Nhà máy nước mặt Sông Đuống”.
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Mua nước mặt giá cao hơn nước sạch, bù 200 tỉ đồng, Hà Nội đang ưu ái Nhà máy nước mặt Sông Đuống? Nguồn tin của báo này tiết lộ, “số tiền liên ngành đề nghị UBND TP Hà Nội cấp bù trong năm 2019 cho Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội khi mua 80.000m3/ngày đêm là hơn 118 tỉ đồng. Tương tự, cấp bù Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội là hơn 37 tỉ đồng. Đặc biệt, liên ngành đề nghị UBND TP Hà Nội cấp bù cho Công ty nước mặt Sông Đuống khoảng 43 tỉ đồng”.
Dân phải mua nước với giá cao bất thường mà nhà nước còn phải lấy tiền thuế của dân để bù lỗ, điều đó cho thấy câu “làm giàu không khó” vẫn đúng với các thế lực tư bản đỏ ở VN. Vấn đề là sự ưu ái khác thường này đã bắt đầu từ tháng 12/2018, nhưng gần một năm sau mới bị phanh phui, cho thấy nếu không có đấu đá nội bộ thì người dân vẫn không hiểu họ đã và đang bị “móc túi” như thế nào.
VietNamNet có bài: Lửa cuồn cuộn trên đống vải vụn, cả xã ở Hà Nội tự đầu độc mình. Đó là chuyện đê Dưỡng Hiền, ở xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, từ lâu đã trở thành địa điểm đốt vải vụn. “Khói đen cùng mùi khét lẹt bốc lên ngày đêm. Những ngày ẩm thấp, khói, bụi không thoát được, cả vùng quê rộng lớn bị ngộp thở”, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xã Hòa Bình và Hiền Giang.
Một người dân thôn Nhuận Giang cho biết: “Những đống vải vụn cháy không ngừng nghỉ. Có những ngày cả nhà tôi không thể thở nổi vì khói bụi, dù đã đóng cửa kín bưng”. Người dân địa phương chấp nhận sống chung với khói độc từ việc đốt vải, vì họ chuyên nhập vải vụn từ khắp nơi về để phân loại, nên phải đốt vải phế phẩm. VietNamNet có clip về vụ việc:
VTC dẫn cảnh báo của Tổng cục Môi trường: Ô nhiễm không khí ở ngưỡng tím, người miền Bắc nên hạn chế ra ngoài. Sáng 10/11/2019, hệ thống quan trắc của cơ quan này cho thấy, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nhiều nơi ở miền Bắc vượt ngưỡng đỏ lên ngưỡng tím, nhất là các khu vực: Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) với AQI là 264, Đức Thọ (Hà Tĩnh) với AQI là 237, trong khi AQI chỉ cần hơn 100 đã bị cảnh báo ô nhiễm theo tiêu chuẩn Mỹ.
Trang Airvisual cũng xếp hạng Hà Nội đứng thứ 6 trong tổng số 10.000 TP ô nhiễm trên thế giới. Tổng cục Môi trường cảnh báo, “chất lượng không khí Hà Nội những ngày qua đang có dấu hiệu xấu đi, đặc biệt là vào buổi sáng và chiều tối. Nồng độ bụi mịn PM2.5 cũng tăng dần”.
Báo Tiền Phong đặt câu hỏi về vụ bắt học sinh đọc bản kiểm trước toàn trường vì xúc phạm nhóm nhạc BTS: Nhà trường có sai? Vụ nam sinh Nguyễn Hồ Minh Quân, học sinh lớp 8, trường THCS Ngô Quyền, TP.HCM bị kỷ luật, phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường vì lập trang, đăng hình ảnh, bài viết có nội dung thô tục, xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS, Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình, của Trường THCS- THPT Lê Quý Đôn ở Hà Nội bình luận:
“Xử lý thì cần thiết nhưng không thể quy chụp, bêu riếu học sinh trước toàn trường như vậy. Hình thức đó như trường này thì hầu như không ai sử dụng nữa”. Nghĩa là trước đây vẫn có nhưng sau này khi “hội nhập” với các nước văn minh thì GV ở VN mới nhận ra vấn đề.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Người Hong Kong xuống đường buổi tối, tưởng niệm sinh viên đã chết. Vụ SV Chow Tsz-lok của ĐH Khoa học và công nghệ của Hồng Kông (UST) rơi từ tầng 3 của một bãi đậu xe, khi bị cảnh sát rượt đuổi ngày 4/11 rồi qua đời tại BV ngày 8/11, khiến các cuộc biểu tình chống chính quyền của người Hồng Kông ngày càng căng thẳng.
Tối 9/11, nhiều người mang theo hoa và cùng nhau hát thánh ca để tưởng niệm người đã khuất, xen lẫn trong tiếng hát là những tiếng kêu gọi “trả thù”. Cảnh sát Hồng Kông ước tính, có khoảng 7.500 người đã tham gia buổi tưởng niệm.
Tiết mục “tự đá bóng, tự thổi còi” vẫn tiếp diễn, báo Chính Phủ đưa tin: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn tại Quốc hội. Ông Phúc đã trả lời về các vấn đề cung ứng nước sạch, phát triển thị trường khoa học, công nghệ, phát triển đất nước trong năm VN làm Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không Thường trực Hội đồng bảo an LHQ, giải pháp để phát triển nhanh và bền vững… Toàn những vấn đề ngày càng bế tắc trên thực tế nhưng được tô vẽ rất lý tưởng qua lời phát biểu của ông Phúc.
RFI đưa tin: Biển Đông: Bắc Kinh tố ngược Việt Nam là đã xâm lấn vùng biển Trung Quốc. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao TQ Cảnh Sảng nói: “Việt Nam cần phải đối mặt với thực tế lịch sử và tuân thủ sự đồng thuận ở cấp cao mà hai nước đã đạt được, giải quyết tranh chấp bằng đối thoại và tham vấn, đồng thời tránh những hành động có thể làm phức tạp vấn đề, xáo trộn đại cục hòa bình, ổn định ở Biển Đông và quan hệ song phương”.
VOV có bài: Có cán bộ sai phạm trong bổ nhiệm đã ở cấp cao nên việc xử lý nhạy cảm. Tại Hội trường QH, chiều 7/11, ĐBQH Cao Thị Giang đặt câu hỏi: “Trong báo cáo của Bộ, Bộ có nhận định còn có những sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, như bổ nhiệm chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm quá số lượng quy định, chưa đáp ứng về trình tự, thủ tục như bổ nhiệm người nhà, người thân. Đề nghị Bộ trưởng có thể công khai các trường hợp này”.
Trang Diễn Đàn Doanh Nghiệp đặt câu hỏi về vấn nạn hàng nước ngoài “đội lốt” hàng Việt: Kinh tế “mở” hay kinh tế “hở”?ĐBQH Mai Sỹ Diến lưu ý, vụ hai công ty Hồng Kông gửi một lượng lớn nhôm vào kho ngoại quan tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, sau đó Công ty nhôm toàn cầu VN làm thủ tục chuyển quyền sở hữu lô nhôm trên “là đúng pháp luật”.
Ông Diến đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Vậy Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính đề ra các giải pháp khắc phục tồn tại nêu trên nếu doanh nghiệp có động tác tìm cách gian lận xuất xứ nhằm ngăn chặn có hiệu quả những vụ việc tương tự?” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời vòng vo, không đi vào ý chính là giải pháp.
VOV đặt câu hỏi về vụ 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt: Bộ Công Thương nói gì?Khi được hỏi: “Nếu trong trường hợp xác định lô nhôm này vi phạm nguyên tắc xuất xứ, rất có thể vì một doanh nghiệp ảnh hưởng đến toàn ngành nhôm, chúng ta phải chịu áp thuế chống bán phá giá. Nếu trong trường hợp tiêu thụ trong nước, chúng ta tính thuế như thế nào khi số nhôm này sẽ ảnh hưởng toàn ngành nhôm trong nước?”
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng chỉ trả lời: “Vấn đề xử lý như thế nào chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra thêm phía doanh nghiệp bởi họ chưa xuất khẩu sang Mỹ. Chúng tôi sẽ kiểm tra và thông báo lại sau”.
Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Vì sao hàng Trung Quốc bán sang Việt Nam tăng mạnh? Công ty Chứng khoán SSI xác nhận trong báo cáo vĩ mô vừa phát hành, hàng nhập khẩu từ TQ vào VN tăng đến 17,4%. “Hàng hóa Trung Quốc không vào được thị trường Mỹ sẽ tìm cách thâm nhập sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam”.
Ngày 6/11, hải quan tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy gần nửa tấn chả mực xuất xứ Trung Quốc, Zing đưa tin. Đội Kiểm soát hải quan số 1 thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh xác nhận, đội đã tiêu hủy gần nửa tấn chả mực từ TQ nhập lậu vào VN, qua biên giới Móng Cái.
Trước đó, người dân báo tin có xe tải mang BKS 89C 130.86 do tài xế Lương Văn Khiêm điều khiển, thường vận chuyển hàng nhập lậu tại khu vực đường biên Bến Cam vào nội địa để tiêu thụ, bị Đội Kiểm soát hải quan số 1, kiểm tra.
Trang The Leader có bài: Không dễ dàng gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam. Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho biết, “thẻ vàng” mà Liên minh châu Âu áp đặt lên thủy sản VN có ý nghĩa “gia tăng khả năng bị cấm xuất khẩu mặt hàng này nếu như không có các hành động giải quyết việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo”.
Trong phiên chất vấn tại QH sáng 6/11, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, việc được EU rút lại thẻ vàng rất khó: “96.606 cái tàu, hơn 2.000 cái tàu lớn, phạm vi hoạt động rộng như thế không thể răm rắp cả một lúc. Chúng ta cố gắng quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ cho tới các cấp các ngành ngư dân, doanh nghiệp nhưng không thể nào một sớm một chiều được”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kêu gọi chấm dứt vi phạm của tàu cá để gỡ ‘thẻ vàng’ cho thủy sản Việt, theo VietNamNet. Ông Dũng cho rằng, “phải giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về khai thác hải sản, đặc biệt là việc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài”, hiện vẫn còn 7 địa phương có tàu cá của ngư dân vi phạm và thường bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Vấn đề là lực lượng dân quân biển của TQ đã tràn khắp Biển Đông, ngang nhiên vào cả ngư trường truyền thống của người Việt, bắn giết ngư dân và tấn công các tàu cá VN mà không bị trừng phạt, thì ngư dân không còn cách nào khác là phải xuống khu vực Nam Biển Đông đánh bắt cá, để rồi bị các nước khác phạt vạ, bắt giữ tàu, đôi khi mất mạng.
Phó thủ tướng cảnh báo nguy cơ nếu không gỡ được ‘thẻ vàng’ của EC, theo Zing. Ông Trịnh Đình Dũng cảnh báo: “Nếu không được gỡ thẻ vàng, thậm chí bị nâng mức cảnh báo ‘thẻ đỏ’ sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu của thuỷ sản Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển của ngành thủy sản và nền kinh tế của Việt Nam và đời sống người dân”. Thế thì lãnh đạo CSVN hãy tìm cách bảo vệ ngư dân đánh bắt cá, thay vì bỏ mặc họ cho “tàu lạ” bắn giết ngay trên chính ngư trường của Việt Nam.
Hôm nay 7/11, tòa án tỉnh Bến Tre sẽ mở phiên phúc thẩm, xét xử nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh. Dù phiên xử chưa diễn ra, nhưng mọi người có thể đoán được kết quả là y án sơ thẩm: 6 năm tù giam và 5 năm quản chế. Ông Ánh năm nay 39 tuổi, là một kỹ sư nuôi tôm ở thị trấn Bình Đại của tỉnh Bến Tre.
“Tôi thực sự rất quan ngại về việc nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh ra tòa ngày mai vì phải đăng bài và đưa bình luận trên tài khoản Facebook cá nhân. Ông ấy lẽ ra không phải ra tòa và phải được trả tự do. Đó là việc một cá nhân thực thi quyền tự do ngôn luận. Lẽ ra không nên coi là phi pháp khi người ta đưa thông tin trên mạng xã hội và ông ta phải được trả tự do”.
Cũng tin nhân quyền, thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh sẽ bị đưa ra xử tại Toà án tỉnh Nghệ An ngày 15/11/2019, Facebooker Nguyễn Nghĩa cho biết. Thầy Tĩnh bị bắt sáng 29/5/2019, bị đưa ra xử phiên sơ thẩm ngày 17/10/2019, nhưng phiên tòa đã bị hoãn, vì vắng mặt 3 luật sư và 6 nhân chứng, theo LS Trịnh Vĩnh Phúc.
Trước đó, LS Phạm Công Út cho biết, lý do 3 luật sư vắng mặt trong phiên tòa ngày 17/10/2019 là vì họ không được tòa cho phép sao chụp hồ sơ vụ án trước phiên xử, bởi hồ sơ này đã bị tòa xếp vào diện… mật!
VOA có bài: Vụ 39 người chết: Cảnh sát Anh muốn ‘bảo vệ danh dự’ của nạn nhân. Phó cảnh sát trưởng Tim Smith, phụ trách cuộc điều tra chung, nói trong một thông cáo chiều tối 5/11: “Ưu tiên của chúng tôi là điều tra kỹ lưỡng về tội ác dẫn tới cái chết của các nạn nhân, nhằm bảo vệ danh dự của những người đã khuất và hỗ trợ gia đình, người thân của họ“.
Phía Anh cũng đã lên tiếng giúp đỡ gia đình các nạn nhân muốn sang Anh, bằng cách hỗ trợ xin thị thực ở Việt Nam, kể cả việc miễn lệ phí visa, theo Bộ Nội vụ Anh. Trang VietNamNet có bài: Cấp visa miễn phí cho thân nhân nạn nhân người Việt sang Anh. Hôm 5/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã có nhiều cuộc làm việc với các quan chức Bộ Ngoại giao và chính phủ Anh.
Trong thông cáo được phát đi sau các buổi làm việc trên, Bộ Nội vụ Anh cho biết, thân nhân các nạn nhân sẽ được miễn lệ phí visa hoàn toàn nếu họ muốn sang Anh. Bộ Nội vụ Anh cho biết: “Trước những hoàn cảnh bi thảm như vậy, chúng tôi đã tiến hành một số dàn xếp để hỗ trợ gia đình các nạn nhân có nguyện vọng muốn đến Anh. Những hỗ trợ này bao gồm miễn lệ phí visa và các hỗ trợ tại chỗ khác ở Việt Nam“.
Báo Phụ Nữ TP HCM dẫn lời Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: ‘Hủy hoại thiên nhiên để tăng trưởng là đang đi chệch hướng’. Ông Nghĩa so sánh: “Philippines đã đóng cửa khu du lịch Boracay có doanh thu hàng tỷ USD để khắc phục ô nhiễm. Thái Lan đóng cửa vịnh Maya – một thiên đường du lịch – và 24 bãi biển khác để cải thiện sinh thái và khôi phục lại môi trường. Thành phố Venice của Ý có 50.000 dân, đón 30 triệu du khách/năm nhờ cảnh quan đẹp và giàu có về di sản, cũng phải hạn chế du khách để bảo vệ môi trường”.
Ông Nghĩa thừa nhận bản chất của “tăng trưởng” ở VN, nhưng các “đồng chí” của ông sẽ không dám thay đổi. Thủ tướng “ma – dze in Việt Nam” đi đâu cũng tuyên truyền Việt Nam không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, nhưng nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh dù hủy hoại môi trường ở 4 tỉnh miền Trung mà vẫn hoạt động, các doanh nghiệp gây ô nhiễm khác từ Nam ra Bắc vẫn bình yên vô sự.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Đại úy công an lấn 1.900m2 ‘Rừng tình’ Đà Lạt làm nhà hàng. Công trình vi phạm là nhà hàng “Trên đỉnh đồi trăng” do ông Nguyễn Minh Tiến, đại úy, cán bộ Công an tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư. Các cơ quan chức năng địa phương xác nhận, tại khu vực này, đại úy Tiến đã cho xây dựng, cải tạo, mở rộng 13 công trình với tổng diện tích 2.736,8m2, lấn chiếm 1.884m2 đất rừng phòng hộ, có 4 khối công trình trái phép với diện tích 747m2.
UBND TP Đà Lạt cho biết, ông Tiến không cung cấp được hồ sơ, tài liệu chứng minh việc gia đình ông là chủ sử dụng hợp pháp khu đất nhà hàng “Trên đỉnh đồi trăng”. Cơ quan này đã chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm đất rừng phòng hộ.
BBC có bài: Giải pháp cho xung đột nguồn nước trên dòng Mekong. Ông Brian Eyler, tác giả cuốn “The Last Days of Mighty Mekong” (Những ngày cuối của dòng Mekong vĩ đại), nhận xét với BBC: “Tranh chấp nước sông Mekong có một số điểm tương đồng với tranh chấp Biển Đông, nhưng những gì đang xảy ra ở sông Mekong hiện đang làm tổn thương trực tiếp đến túi tiền và nồi cơm của người dân. Bởi vậy, sông Mekong đã trở thành vấn đề an ninh kinh tế và lương thực quan trọng với tất cả các nước hạ nguồn”.
Trong tình hình hệ thống đập khổng lồ của TQ đang giữ nguồn nước lớn của sông Mekong, ông Brian cho rằng, các quốc gia hạ nguồn cần hợp tác với nhau để xây dựng thỏa thuận với TQ “nhằm bảo đảm có được lượng nước tối thiểu trong mùa khô và trong thời kỳ hạn hán. Theo ông, Cơ chế hợp tác Lancang – Mekong mà Trung Quốc đề xướng gần đây đã nói về việc sử dụng các con đập để giảm hạn hán”.
Nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đạt An viết: “Hôm qua (5/11/2019) – trong dịp kỷ niệm 40 năm Hội nghị về Khí hậu đầu tiên của thế giới được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) năm 1979, hơn 11.000 nhà khoa học đến từ 153 quốc gia đã ký vào một bản tuyên bố cảnh báo tình trạng khẩn cấp khí hậu trên toàn hành tinh”. Đi cùng với tuyên bố là 29 tấm biểu đồ chứng minh rằng chỉ trong 40 năm qua, nhiệt độ trung bình trái đất, mực nước biển và lượng khí nhà kính đã tăng liên tục.
Dù “các cam kết trong Hiệp định Paris chẳng là gì cả so với mức nghiêm trọng của vấn đề” nhưng ít ra sự tồn tại của hiệp định này vẫn đặt ra hy vọng nhỏ về khả năng con người cứu vãn được tình hình. Chỉ tiếc là “nước Mỹ vĩ đại trở lại” dưới thời Trump vừa chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Báo Giáo Dục VN có bài: Kết thúc buồn cho 3 vị Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình! Cả 3 GĐ Sở GD&ĐT của các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là các ông Hoàng Tiến Đức, Vũ Văn Sử và Bùi Trọng Đắc đều bị kỷ luật về mặt đảng. Các ông Đức và Đắc đã bị cách hết chức vụ trong đảng, ông Sử bị khai trừ đảng.
Vụ gian lận điểm thi THPT 2018 ở các tỉnh này khiến “ngành giáo dục bị mất uy tín nghiêm trọng, bị mai một niềm tin với người dân cả nước sau sự cố này. Bởi, trong số hàng trăm thí sinh được nâng điểm thì chủ yếu là con của cán bộ, đảng viên, trong đó có cả con của người đứng đầu địa phương là Bí thư tỉnh ủy”. Bù lại, người dân đã thấy rõ bản chất của bộ máy CSVN chỉ trọng lý lịch chứ không trọng người tài.
UBND TP Lạng Sơn đang kiểm tra, rà soát quần thể công trình “bí mật” nghi của nhóm người Trung Quốc, báo Người Lao Động đưa tin. Quần thể công trình này được xây dựng trên một ngọn núi thuộc địa bàn thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, là khu vực từng có nhóm người TQ thường xuyên tụ tập, qua lại từ cuối năm 2018. Nơi đây cũng đã được người Trung Quốc dựng lên một công trình, có tên là phim trường BBK.
Báo Thời Đại đưa tin: Nhiều ô tô Trung Quốc cài “đường lưỡi bò” nhập khẩu vào Việt Nam bị phát hiện. Ngày 5/11/2019, ông Nguyễn Văn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ, xác nhận, đơn vị vừa kiểm tra và phát hiện lô hàng của Công ty TNHH ô tô Hoa Mai, chứa 7 xe ô tô nghi vấn vi phạm chủ quyền quốc gia. Lô hàng gồm 12 ô tô, mở tờ khai ngày 29/10/2019, trong đó có 7 xe bị phát hiện ngày 31/10, hiển thị hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” trên màn hình ứng dụng định vị dẫn đường.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN ở Bangkok, Thái Lan ngày 4/11/2019, Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ chỉ trích Trung Quốc “hăm dọa” ở Biển Đông, VOV đưa tin. Tại Hội nghị, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien lên tiếng chỉ trích Trung Quốc có các hành vi “hăm dọa” và “cản trở” các nước láng giềng khai thác nguồn dự trữ dầu khí ở Biển Đông.
Phản ứng sau khi Anh xác nhận 39 nạn nhân chết ở Anh đều là người Việt
Hôm 2/11, khi cảnh sát Anh loan tin, 39 nạn nhân chết trong container là người Việt, mặc dù tin này không làm mọi người bất ngờ lắm, nhưng đa số người Việt đều cảm thấy bàng hoàng, xót xa. Có người đặt câu hỏi, có hàng trăm sắc dân trên thế giới, nhưng tại sao tất cả các nạn nhân kia lại toàn là người Việt? Một không khí tang thương bao trùm trên cộng đồng mạng người Việt sử dụng Facebook.
Báo chí trong nước đưa tin: Một ngư dân bị bắn chết khi đánh bắt trên biển. Ngày 2/11/2019, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang xác nhận, hôm 30/10, ngư dân Nguyễn Văn Khởi đã bị trúng đạn tử vong khi đang đánh bắt cá tại “vùng biển giáp biên”.
Chuyện khó tin: Ngày 31/10/2019, tại Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương tập huấn, bồi dưỡng kiến thức biển đảo cho phóng viên, báo Giáo Dục VN đưa tin. Các báo cáo viên trong buổi tập huấn là đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng trên thực địa, các chuyên gia, trao đổi về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
BBC có bài tường thuật trực tiếp: Cảnh sát Anh ‘tin rằng 39 nạn nhân là người Việt Nam’. Hôm 1/11, cảnh sát hạt Essex tuyên bố, họ tin rằng 39 nạn nhân chết trong xe tải là công dân Việt Nam. Thông cáo của cảnh sát nói họ đang giữ liên lạc với chính phủ Việt Nam và với nhiều gia đình ở Việt Nam và Anh.
Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời ĐBQH Lê Thanh Vân: Biển Đông cần ‘tam công chiến pháp’. Chiều 31/10, phát biểu tại hội trường QH, ông nghị Lê Thanh Vân nói, Trung Quốc “không bao giờ từ bỏ dã tâm biến biển Đông thành ao nhà” và chỉ ra, Trung Quốc đang có “tam chủng chiến pháp” gồm: Tâm lý, truyền thông và pháp lý, nghĩa là rao giảng cho các thế hệ người dân nước họ rằng biển Đông là của Trung Quốc, tuyên truyền trên bình diện quốc tế bằng nhiều hình thức khác nhau và diễn đạt lại luật biển.
Họp Quốc hội: ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói về đạo đức cán bộ
Báo Người Đưa Tin dẫn lời ĐBQH Lưu Bình- Nhưỡng: Nhiều cán bộ sẵn sàng “hy sinh đời bố để củng cố đời con”. Nghị Nhưỡng bình luận: “Chúng tôi thấy vấn đề, bên ngoài là sự vi phạm pháp luật, nhưng bên trong đúng với báo cáo của Chính phủ mà tôi rất đồng tình đó là sự vi phạm đạo đức. Đạo đức chính là cốt lõi, là bộ rễ, vô đạo vô lương là nguồn gốc của tả là lòng tham, hữu là đớn hèn. Thấy đúng không dám nói, không dám bảo vệ, thấy sai thì bao che, tìm cách diệt khẩu, thậm chí là ngăn lối dư luận”.
Báo Kiến Thức dẫn lời Trung tướng Trần Việt Khoa: Có thời điểm 35, 40 tàu xâm phạm chủ quyền biển Đông. Tướng Khoa thừa nhận: “Từ tháng 5 khi chúng ta hoạt động dầu khí trên biển và nhất là từ đầu tháng 7 đến cuối những ngày tháng 10 vừa qua, nước ngoài đã đưa lực lượng xuống phản đối chúng ta hết sức phi lý. Đây là điều chúng ta không thể chấp nhận được. Ngoài ra, họ đưa tàu xuống khảo sát và thăm dò, có những thời điểm đưa tới 35 – 40 chiếc tàu xuống để bảo vệ”.
Chuyện “đúng quy trình” ở VN: Đại biểu chất vấn Bộ trưởng mà bị Bí thư tỉnh phê bình “cháy mặt”, theo Petro Times. Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga thừa nhận: “Tôi đã từng chứng kiến, khóa trước, một đại biểu địa phương chất vấn Bộ trưởng Công Thương mà ngay lập tức, trưa đó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh đó gọi điện nói đại biểu gay gắt, phê bình ‘cháy mặt’. Mà chuyện đó không phải hiếm”.
Báo Lao Động có bài: Lời khai sốc của tài xế chở container có 39 thi thể trước khi vào Anh. Tài xế đề cập trong bài này không phải tài xế Maurice “Mo” Robinson, là người đã phát hiện 39 thi thể sau khi tiếp nhận container ở cảng Purfleet rạng sáng 23/10, mà là tài xế Bắc Ireland đã lái xe đầu kéo mang theo container này tới cảng Zeebrugge của Bỉ, trước khi container được chuyển sang cho tài xế Robinson.
Báo Tiền Phong có bài: Ðồng thuận để giữ vững chủ quyền trên biển Ðông. Vụ tàu Hải Dương 8 rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đại biểu Nguyễn Anh Trí ở Hà Nội cho rằng, đó là kết quả đấu tranh rất hiệu quả của Việt Nam. Ông Trí nói: “Phải xác định đây là cuộc đấu tranh lâu dài, đừng nóng vội. Vấn đề quan trọng là giữ được biên giới, lãnh thổ, chủ quyền trên biển Đông”.
Mặc dù Việt Nam là nước có hầu hết công dân chết trong sự kiện kinh hoàng ở Anh, ngoại trừ TT Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công an xác minh vụ việc, đến nay chưa thấy lãnh đạo nào trong số “tam trụ” lên tiếng chia buồn với các gia đình nạn nhân. Thay vào đó, chiều tối 28/10, giờ VN, Thủ tướng Anh tới hiện trường 39 thi thể đông cứng, viết lời chia buồn, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Báo Thanh Niên đưa tin: Quốc hội sẽ họp riêng về công tác đối ngoại, tình hình Biển Đông. Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, nội dung công tác đối ngoại mà Phó thủ tướng, Bộ trưởng BNG Phạm Bình Minh báo cáo trước QH, bao gồm cả tình hình Biển Đông và tác động của cuộc chiến tranh thương mại, nhưng những thông tin này không được công khai cho người dân biết.
VnExpress đưa tin: Sáng nay Quốc hội nghe báo cáo tình hình biển Đông. Dù nhóm tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã rời vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam từ ngày 24/10, nhưng nhiều ĐBQH vẫn trăn trở trước phiên họp, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nói: “Phiên họp này rất quan trọng. Không chỉ tôi mà nhiều đại biểu đều mong đợi có thông tin cập nhật, chính xác về vấn đề này để nắm bắt tình hình và báo cáo lại cử tri”.
Số người Việt Nam có mặt trong số 39 cái chết trong xe container ở Anh đang tăng dần. Lúc đầu tin tức đưa là toàn bộ người TQ, rồi sau đó là có 1-2 người Việt, rồi 5-6 người Việt… Hai ngày trước tăng lên 12 gia đình Hà Tĩnh, Nghệ An trình báo con mất tích ở Anh, sau tăng lên 16 gia đình, bây giờ khả năng hầu hết hoặc toàn bộ 39 người kia đều là người Việt và đều đến từ miền Trung.
Chiều qua, các cư dân mạng đưa tin về nhà hoạt động Thịnh Nguyễn bị bắt. Khoảng 7h sáng 25/10/2019, một nhóm khoảng 10 công an chờ sẵn trước cổng nhà trọ của nhà hoạt động Thịnh Nguyễn, một nghệ sĩ độc lập, tại ngõ 310 Nghi Tàm, quận Tây Hồ. Khoảng 11h30’ trưa, hai xe thùng chở khoảng 20-30 công an quay về nhà trọ của Thịnh, chặn kín hai đầu hẻm, rồi xông vào hành hung Thịnh, còng tay bắt anh đi sau khi khám xét nhà trọ khoảng 15 phút.
Vụ bà Nguyễn Thị Quyết Tâm “nghẹn ngào khóc” khi tranh luận với Chủ tịch VCCI về giờ làm thêm, BBC có bài:Thảo luận Luật Lao động VN: Cần nhiều hơn là nước mắt cảm thông. Ở Việt Nam, trong khi thời gian làm việc của khối nhà nước là 40 giờ/tuần; doanh nghiệp khối dịch vụ khoảng 44 giờ/tuần, thì các doanh nghiệp sản xuất, chế biến… vẫn áp dụng mức 48 giờ/tuần. Người lao động chân tay chỉ có một ngày nghỉ để phục hồi sức lao động.