Bản tin ngày 7-11-2019

Hàng Tàu tràn vào Việt Nam

Trang Diễn Đàn Doanh Nghiệp đặt câu hỏi về vấn nạn hàng nước ngoài “đội lốt” hàng Việt: Kinh tế “mở” hay kinh tế “hở”? ĐBQH Mai Sỹ Diến lưu ý, vụ hai công ty Hồng Kông gửi một lượng lớn nhôm vào kho ngoại quan tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, sau đó Công ty nhôm toàn cầu VN làm thủ tục chuyển quyền sở hữu lô nhôm trên “là đúng pháp luật”.

Ông Diến đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Vậy Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính đề ra các giải pháp khắc phục tồn tại nêu trên nếu doanh nghiệp có động tác tìm cách gian lận xuất xứ nhằm ngăn chặn có hiệu quả những vụ việc tương tự?” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời vòng vo, không đi vào ý chính là giải pháp.

VOV đặt câu hỏi về vụ 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt: Bộ Công Thương nói gì? Khi được hỏi: “Nếu trong trường hợp xác định lô nhôm này vi phạm nguyên tắc xuất xứ, rất có thể vì một doanh nghiệp ảnh hưởng đến toàn ngành nhôm, chúng ta phải chịu áp thuế chống bán phá giá. Nếu trong trường hợp tiêu thụ trong nước, chúng ta tính thuế như thế nào khi số nhôm này sẽ ảnh hưởng toàn ngành nhôm trong nước?”

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng chỉ trả lời: “Vấn đề xử lý như thế nào chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra thêm phía doanh nghiệp bởi họ chưa xuất khẩu sang Mỹ. Chúng tôi sẽ kiểm tra và thông báo lại sau”.

Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Vì sao hàng Trung Quốc bán sang Việt Nam tăng mạnh? Công ty Chứng khoán SSI xác nhận trong báo cáo vĩ mô vừa phát hành, hàng nhập khẩu từ TQ vào VN tăng đến 17,4%. “Hàng hóa Trung Quốc không vào được thị trường Mỹ sẽ tìm cách thâm nhập sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam”.

Ngày 6/11, hải quan tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy gần nửa tấn chả mực xuất xứ Trung Quốc, Zing đưa tin. Đội Kiểm soát hải quan số 1 thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh xác nhận, đội đã tiêu hủy gần nửa tấn chả mực từ TQ nhập lậu vào VN, qua biên giới Móng Cái. 

Trước đó, người dân báo tin có xe tải mang BKS 89C 130.86 do tài xế Lương Văn Khiêm điều khiển, thường vận chuyển hàng nhập lậu tại khu vực đường biên Bến Cam vào nội địa để tiêu thụ, bị Đội Kiểm soát hải quan số 1, kiểm tra.

Mời đọc thêm: Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình về tình trạng “đội lốt” xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu (VnMedia). – Hải quan phản hồi vụ 1,8 triệu tấn nhôm nghi gian lận xuất xứ Việt Nam (VOV). – Vụ việc 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc đội lốt hàng Việt: Nếu để lợi dụng sẽ rất nguy hiểm (BVPL). – Nhôm Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt: Doanh nghiệp Việt tự “bóp chết” mình (DĐDN). – Kho nhôm 4,3 tỷ USD ‘đội lốt’ hàng Việt, tỷ phú Trung Quốc đáng gờm đánh cú lớn (VNN). – Hải Dương: Tiêu hủy 4.000 con gà giống nhập lậu từ Trung Quốc (HQ).

“Thẻ vàng” cho thủy sản VN

Trang The Leader có bài: Không dễ dàng gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam. Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho biết, “thẻ vàng” mà Liên minh châu Âu áp đặt lên thủy sản VN có ý nghĩa “gia tăng khả năng bị cấm xuất khẩu mặt hàng này nếu như không có các hành động giải quyết việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo”.

Trong phiên chất vấn tại QH sáng 6/11, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, việc được EU rút lại thẻ vàng rất khó: “96.606 cái tàu, hơn 2.000 cái tàu lớn, phạm vi hoạt động rộng như thế không thể răm rắp cả một lúc. Chúng ta cố gắng quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ cho tới các cấp các ngành ngư dân, doanh nghiệp nhưng không thể nào một sớm một chiều được”.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kêu gọi chấm dứt vi phạm của tàu cá để gỡ ‘thẻ vàng’ cho thủy sản Việt, theo VietNamNet. Ông Dũng cho rằng, “phải giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về khai thác hải sản, đặc biệt là việc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài”, hiện vẫn còn 7 địa phương có tàu cá của ngư dân vi phạm và thường bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Vấn đề là lực lượng dân quân biển của TQ đã tràn khắp Biển Đông, ngang nhiên vào cả ngư trường truyền thống của người Việt, bắn giết ngư dân và tấn công các tàu cá VN mà không bị trừng phạt, thì ngư dân không còn cách nào khác là phải xuống khu vực Nam Biển Đông đánh bắt cá, để rồi bị các nước khác phạt vạ, bắt giữ tàu, đôi khi mất mạng. 

Phó thủ tướng cảnh báo nguy cơ nếu không gỡ được ‘thẻ vàng’ của EC, theo Zing. Ông Trịnh Đình Dũng cảnh báo: “Nếu không được gỡ thẻ vàng, thậm chí bị nâng mức cảnh báo ‘thẻ đỏ’ sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu của thuỷ sản Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển của ngành thủy sản và nền kinh tế của Việt Nam và đời sống người dân”. Thế thì lãnh đạo CSVN hãy tìm cách bảo vệ ngư dân đánh bắt cá, thay vì bỏ mặc họ cho “tàu lạ” bắn giết ngay trên chính ngư trường của Việt Nam.

Mời đọc thêm: Phó Thủ tướng: Gỡ “thẻ vàng” sẽ nâng cao thương hiệu thủy sản Việt Nam (VOV). – Cần phải có chiến lược mới cho kinh tế biển Việt Nam (CL). – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm quy định về khai thác hải sản (HQ). – Phải giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá vi phạm về khai thác hải sản (PT). – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Khuyến khích hiện đại hóa, phát triển các đội tàu viễn dương (ANTĐ). 

Tin nhân quyền

Hôm nay 7/11, tòa án tỉnh Bến Tre sẽ mở phiên phúc thẩm, xét xử nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh. Dù phiên xử chưa diễn ra, nhưng mọi người có thể đoán được kết quả là y án sơ thẩm: 6 năm tù giam và 5 năm quản chế. Ông Ánh năm nay 39 tuổi, là một kỹ sư nuôi tôm ở thị trấn Bình Đại của tỉnh Bến Tre.

Phiên xử sơ thẩm nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh. Ảnh: Getty Images

Hôm 6/11, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã lên tiếng, kêu gọi nhà cầm quyền CSVN hãy trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh. Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền nói với RFA, như sau:

“Tôi thực sự rất quan ngại về việc nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh ra tòa ngày mai vì phải đăng bài và đưa bình luận trên tài khoản Facebook cá nhân. Ông ấy lẽ ra không phải ra tòa và phải được trả tự do. Đó là việc một cá nhân thực thi quyền tự do ngôn luận. Lẽ ra không nên coi là phi pháp khi người ta đưa thông tin trên mạng xã hội và ông ta phải được trả tự do”.

Cũng tin nhân quyền, thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh sẽ bị đưa ra xử tại Toà án tỉnh Nghệ An ngày 15/11/2019, Facebooker Nguyễn Nghĩa cho biết. Thầy Tĩnh bị bắt sáng 29/5/2019, bị đưa ra xử phiên sơ thẩm ngày 17/10/2019, nhưng phiên tòa đã bị hoãn, vì vắng mặt 3 luật sư và 6 nhân chứng, theo LS Trịnh Vĩnh Phúc.

Trước đó, LS Phạm Công Út cho biết, lý do 3 luật sư vắng mặt trong phiên tòa ngày 17/10/2019 là vì họ không được tòa cho phép sao chụp hồ sơ vụ án trước phiên xử, bởi hồ sơ này đã bị tòa xếp vào diện… mật!

Giấy triệu tập của tòa án tỉnh Nghệ An. Nguồn: Nguyễn Nghĩa

Mời đọc thêm: Tổ chức HRW kêu gọi trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh (BBC). – Theo Dõi Nhân Quyền Quốc Tế kêu gọi Việt Nam trả tự do cho kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh (RFA). – HRW hối thúc VN trả tự do cho kỹ sư nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh (VOA). – An ninh tiếp tục sách nhiễu độc giả của NXB Tự Do (NXBTD). – Greentrees phản bác phóng sự ‘Núp bóng môi trường’ của VTV (BBC). – EVFTA: nhân quyền mờ nhạt và sự nhún nhường từ EU? (Cali Today).

Vụ 39 người chết khi tìm đường sang Anh

VOA có bài: Vụ 39 người chết: Cảnh sát Anh muốn ‘bảo vệ danh dự’ của nạn nhân. Phó cảnh sát trưởng Tim Smith, phụ trách cuộc điều tra chung, nói trong một thông cáo chiều tối 5/11: “Ưu tiên của chúng tôi là điều tra kỹ lưỡng về tội ác dẫn tới cái chết của các nạn nhân, nhằm bảo vệ danh dự của những người đã khuất và hỗ trợ gia đình, người thân của họ“.

Phía Anh cũng đã lên tiếng giúp đỡ gia đình các nạn nhân muốn sang Anh, bằng cách hỗ trợ xin thị thực ở Việt Nam, kể cả việc miễn lệ phí visa, theo Bộ Nội vụ Anh. Trang VietNamNet có bài: Cấp visa miễn phí cho thân nhân nạn nhân người Việt sang Anh. Hôm 5/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã có nhiều cuộc làm việc với các quan chức Bộ Ngoại giao và chính phủ Anh.

Trong thông cáo được phát đi sau các buổi làm việc trên, Bộ Nội vụ Anh cho biết, thân nhân các nạn nhân sẽ được miễn lệ phí visa hoàn toàn nếu họ muốn sang Anh. Bộ Nội vụ Anh cho biết: “Trước những hoàn cảnh bi thảm như vậy, chúng tôi đã tiến hành một số dàn xếp để hỗ trợ gia đình các nạn nhân có nguyện vọng muốn đến Anh. Những hỗ trợ này bao gồm miễn lệ phí visa và các hỗ trợ tại chỗ khác ở Việt Nam“.

Mời đọc thêm: Các gia đình sẵn sàng qua Anh hợp tác nhận dạng thi thể nạn nhân (TT). – Giám đốc Công an Nghệ An: “Anh em làm việc không ăn không ngủ” điều tra vụ 39 người chết tại Anh (NĐT). – Vụ 39 thi thể: Tướng công an bị chỉ trích ‘thiếu hiểu biết luật chống buôn người’ (NV). – 39 người chết trong xe đông lạnh tại Anh: Đã xác định danh tính hơn 10 người VN (TN). – 39 người chết ở Anh: Người Việt ai cũng thấy đau lòng (TT).

Hủy hoại thiên nhiên, chiếm đất, phá rừng

Báo Phụ Nữ TP HCM dẫn lời Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: ‘Hủy hoại thiên nhiên để tăng trưởng là đang đi chệch hướng’. Ông Nghĩa so sánh: “Philippines đã đóng cửa khu du lịch Boracay có doanh thu hàng tỷ USD để khắc phục ô nhiễm. Thái Lan đóng cửa vịnh Maya – một thiên đường du lịch – và 24 bãi biển khác để cải thiện sinh thái và khôi phục lại môi trường. Thành phố Venice của Ý có 50.000 dân, đón 30 triệu du khách/năm nhờ cảnh quan đẹp và giàu có về di sản, cũng phải hạn chế du khách để bảo vệ môi trường”.

Ông Nghĩa thừa nhận bản chất của “tăng trưởng” ở VN, nhưng các “đồng chí” của ông sẽ không dám thay đổi. Thủ tướng “ma – dze in Việt Nam” đi đâu cũng tuyên truyền Việt Nam không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, nhưng nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh dù hủy hoại môi trường ở 4 tỉnh miền Trung mà vẫn hoạt động, các doanh nghiệp gây ô nhiễm khác từ Nam ra Bắc vẫn bình yên vô sự.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Đại úy công an lấn 1.900m2 ‘Rừng tình’ Đà Lạt làm nhà hàng. Công trình vi phạm là nhà hàng “Trên đỉnh đồi trăng” do ông Nguyễn Minh Tiến, đại úy, cán bộ Công an tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư. Các cơ quan chức năng địa phương xác nhận, tại khu vực này, đại úy Tiến đã cho xây dựng, cải tạo, mở rộng 13 công trình với tổng diện tích 2.736,8m2, lấn chiếm 1.884m2 đất rừng phòng hộ, có 4 khối công trình trái phép với diện tích 747m2.

UBND TP Đà Lạt cho biết, ông Tiến không cung cấp được hồ sơ, tài liệu chứng minh việc gia đình ông là chủ sử dụng hợp pháp khu đất nhà hàng “Trên đỉnh đồi trăng”. Cơ quan này đã chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm đất rừng phòng hộ.

Mời đọc thêm: ‘Resort bịt đường ra biển của ngư dân sao hỏi Bộ trưởng Nông nghiệp?’ (VTC). – Vụ cưa gỗ khô: Chánh án TAND Tối cao lý giải chưa thuyết phục (PLTP). – Sẽ thu hồi dự án đất “vàng” nhiều tai tiếng ở Phú Yên (NLĐ). – Phú Yên quyết liệt thu hồi đất vàng giao, cho thuê sai (PLTP). – Sở Tài nguyên & Môi trường Thái Bình đang “bưng bít” thông tin vụ đấu giá đất xã Đông Mỹ? (PLVN).

Tin môi trường

BBC có bài: Giải pháp cho xung đột nguồn nước trên dòng Mekong. Ông Brian Eyler, tác giả cuốn “The Last Days of Mighty Mekong” (Những ngày cuối của dòng Mekong vĩ đại), nhận xét với BBC: “Tranh chấp nước sông Mekong có một số điểm tương đồng với tranh chấp Biển Đông, nhưng những gì đang xảy ra ở sông Mekong hiện đang làm tổn thương trực tiếp đến túi tiền và nồi cơm của người dân. Bởi vậy, sông Mekong đã trở thành vấn đề an ninh kinh tế và lương thực quan trọng với tất cả các nước hạ nguồn”.

Trong tình hình hệ thống đập khổng lồ của TQ đang giữ nguồn nước lớn của sông Mekong, ông Brian cho rằng, các quốc gia hạ nguồn cần hợp tác với nhau để xây dựng thỏa thuận với TQ “nhằm bảo đảm có được lượng nước tối thiểu trong mùa khô và trong thời kỳ hạn hán. Theo ông, Cơ chế hợp tác Lancang – Mekong mà Trung Quốc đề xướng gần đây đã nói về việc sử dụng các con đập để giảm hạn hán”.

Nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đạt An viết: “Hôm qua (5/11/2019) – trong dịp kỷ niệm 40 năm Hội nghị về Khí hậu đầu tiên của thế giới được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) năm 1979, hơn 11.000 nhà khoa học đến từ 153 quốc gia đã ký vào một bản tuyên bố cảnh báo tình trạng khẩn cấp khí hậu trên toàn hành tinh”. Đi cùng với tuyên bố là 29 tấm biểu đồ chứng minh rằng chỉ trong 40 năm qua, nhiệt độ trung bình trái đất, mực nước biển và lượng khí nhà kính đã tăng liên tục.

Dù “các cam kết trong Hiệp định Paris chẳng là gì cả so với mức nghiêm trọng của vấn đề” nhưng ít ra sự tồn tại của hiệp định này vẫn đặt ra hy vọng nhỏ về khả năng con người cứu vãn được tình hình. Chỉ tiếc là “nước Mỹ vĩ đại trở lại” dưới thời Trump vừa chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. 

14 tấm biểu đồ về sự thay đổi của các đặc tính hóa lý, địa chất và hệ sinh thái của Trái Đất. Đáng lưu ý là diễn tiến gia tăng liên tục của các loại khí nhà kính, lượng băng tan ở 2 cực và tình hình cháy rừng ở Mỹ nói riêng, sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan nói chung. Ông Nguyễn Đạt An đã dịch từ thông tin tiếng Anh trong bản tuyên bố cảnh báo về tình trạng khí hậu của 11.000 nhà khoa học.

Mời đọc thêm: Hơn 11.000 nhà khoa học chính thức tuyên bố ‘tình trạng khẩn cấp về khí hậu’ (VOA). – Dự án Kè chống xói lở đầm Cù Mông: Chậm thu hồi tiền sai phạm sẽ bị xử lý (DĐDN). – Nuôi gà gây ô nhiễm: Doanh nghiệp bị phạt kịch khung (TP). – Đại biểu Quốc hội bức xúc trong xử lý vụ nước nhiễm dầu (VOV).

Tin giáo dục

Báo Giáo Dục VN có bài: Kết thúc buồn cho 3 vị Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình! Cả 3 GĐ Sở GD&ĐT của các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là các ông Hoàng Tiến Đức, Vũ Văn Sử và Bùi Trọng Đắc đều bị kỷ luật về mặt đảng. Các ông Đức và Đắc đã bị cách hết chức vụ trong đảng, ông Sử bị khai trừ đảng. 

Vụ gian lận điểm thi THPT 2018 ở các tỉnh này khiến “ngành giáo dục bị mất uy tín nghiêm trọng, bị mai một niềm tin với người dân cả nước sau sự cố này. Bởi, trong số hàng trăm thí sinh được nâng điểm thì chủ yếu là con của cán bộ, đảng viên, trong đó có cả con của người đứng đầu địa phương là Bí thư tỉnh ủy”. Bù lại, người dân đã thấy rõ bản chất của bộ máy CSVN chỉ trọng lý lịch chứ không trọng người tài. 

Mời đọc thêm: Xét xử gian lận thi ở Hà Giang: Bà Triệu Thị Chính kháng cáo kêu oan (TT). – Sơn La kỷ luật 46 đảng viên có con được nâng điểm (GDVN). – Danh tính 83 đảng viên bị kỷ luật vì dính líu gian lận thi cử ở Sơn La (NĐT). – Hiệu trưởng liên tục nhận án kỷ luật vẫn được tại vị vừa xin thôi việc (VTC).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và 23 đại học tự chủ sẽ còn rất vất vả (GDVN). – Không chỉ ở một bài thi (GDTĐ). – Olympic Toán không nên dùng hình thức trắc nghiệm còn thi quốc gia thì ngược lại (GDVN). – Nghệ An: Vẫn còn tình trạng xây dựng trường chuẩn theo kiểu ‘ôn thi đại học’ (NA). – TP.HCM đề xuất mỗi học sinh học thêm không quá 18 tiết/ tuần (TT). – Đằng sau sự thành danh của các bậc vĩ nhân thời xưa: Tất cả đều có những bà mẹ tuyệt vời, biết nuôi dạy con đúng cách (TQ).

***

Chính trường Mỹ: Đảng Dân Chủ đại thắng bầu cử Virginia và có thể thắng chức thống đốc Kentucky (NV). – Đảng Dân chủ thắng trong bầu cử ở Virginia, Kentucky (VOA). – TT Trump áp lực sau chiến thắng lịch sử của phe Dân chủ tại hai bang (Zing). – Bầu cử Mỹ năm 2020: “Phép thử” với Tổng thống Donald Trump (BNews). – Người giơ ngón giữa với đoàn xe TT Trump vừa đắc cử ở địa phương (Zing).

Một năm trước bầu cử, ông Trump đang thua cả 5 ứng cử viên tiềm năng của đảng Dân chủ (ĐTCK). – Mỹ cảnh báo nguy cơ nước ngoài can thiệp bầu cử (VNE). – Bầu cử Mỹ 2020: Tin chính trị sai lệch bủa vây người dùng Facebook (Tin Tức). – Ủy ban Hạ viện khởi động phiên điều trần luận tội công khai vào tuần tới (Cali Today). – Vụ kiện mạ lỵ chống Trump: Hồ sơ điện thoại hậu thuẫn cáo buộc sách nhiễu tình dục (Cali Today).

Tình hình Trung Đông: Thổ Nhĩ Kỳ bắt được vợ trùm khủng bố IS al-Baghdadi (TT). – Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ vợ của Baghdadi, thủ lĩnh ISIS đã chết (VOA). – Cuộc sống bên trong nhà tù giam giữ chiến binh IS ở Syria (Zing). – Mỹ dùng dằng ở Trung Đông, tương lai khu vực đang thuộc về Iran? (DT).

***

Thêm một số tin:  Mong các Bộ trưởng trả lời thẳng, nêu được các giải pháp hiệu quả (GDVN). – Khởi tố cựu trung úy công an nổ súng tại ngân hàng tội cướp tài sản (TT). – Vinfast bị tố dùng tiền thuế của dân để quảng cáo xe máy điện trên CNN (NV). – Xuất hiện xe ô tô biển số đẹp tứ quý, ngũ quý: Do bấm số ngẫu nhiên! (NĐT).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây