Chu Mộng Long
1-8-2023
Dân gian hát: “Cái cò mày đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”, ắt có hàm ý, cái cò ấy phải “ăn đêm” nhiều lần mới rơi vào cạm bẫy. “Cành mềm” là một thứ bẫy dân quê thường dùng để bắt cò. “Ông” bắt cò đồng thời là tòa xử cò, còn “cái cò” là bị cáo. Như tôi đã có bài phân tích, không ngẫu nhiên mà cái cò kêu than: “Ông ơi ông vớt tôi nao/ Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng/ Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”. Cái “lòng nào” ấy là thứ tôi vừa đớp và táp vào bụng, ông tòa muốn tôi “khắc phục hậu quả” thì tôi hiến cả bộ lòng. Còn những thứ tôi từng đớp và táp trước đó, đã ỉa ra cứt, còn cất giấu trong nhà hay đã biến thành nhà đất, ông hãy bỏ qua, đừng truy cứu. Cái nghĩa “xáo nước trong” là hãy xử cho tôi mắc tội lần đầu, còn trước đó coi như tôi lương thiện, trong veo. Nếu truy cứu, tịch biên hết gia sản thì coi như “xáo nước đục” vào cả đời tôi và nhục lây đến con cháu tôi. Cái nghĩa “hy sinh đời bố, củng cố đời con” là vậy!