Để bớt “bay giải cứu”

Nguyễn Đức Minh

1-8-2023

Vụ án chuyến bay giải cứu phơi bày thủ đoạn khá điển hình trong tham nhũng từ thủ tục hành chính. Các quan chức gây khó khăn khi cấp phép cho doanh nghiệp bằng nhiều biện pháp như ngâm hồ sơ, không trả lời, không nêu rõ lý do, trả lời sát giờ khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại mà buộc phải đưa hối lộ.

Tò mò không hiểu sao các cán bộ lại có thể tuỳ tiện đến vậy, mình mới tìm lại quy định về thủ tục cấp phép bay. Mình có hơn 10 năm kinh nghiệm tìm kiếm quy định pháp luật Việt Nam, cùng với sự giúp sức của một nhà báo chuyên đưa tin về chống dịch, vậy mà mất rất nhiều thời gian mình cũng không hiểu rốt cục thì thủ tục xin cấp phép bay như thế nào.

Về hình thức, tất cả những gì biết được chỉ là vài cái công văn thông báo kết luận cuộc họp của Phó Thủ tướng, không hề có văn bản quy phạm pháp luật nào được soạn về vấn đề này.

Về nội dung, chỉ biết được rằng doanh nghiệp phải xin đủ ý kiến của 5 bộ và địa phương tiếp nhận thì mới được bay. Tuyệt nhiên không thể tìm được các quy định về thành phần hồ sơ, thời hạn giải quyết, điều kiện cấp phép/từ chối, mẫu đơn, cách thức gửi nhận, trình tự tiếp nhận hồ sơ, viết phiếu hẹn…

Ừ thì có thể viện lý do cấp bách lúc ban đầu để đưa ra thủ tục bằng công văn, nhưng chính sách này sau đó kéo dài gần 2 năm, thừa thời gian để soạn lại thành văn bản quy phạm. Nhưng không ai làm.

Thậm chí, khi đỉnh dịch qua đi, người nước ngoài đã được phép đến Việt Nam bằng các chuyến bay thương mại của các hãng hàng không nước ngoài, thì người mang quốc tịch Việt Nam vẫn phải mua vé chuyến giải cứu. Chỉ cho đến khi vụ án tham nhũng được vỡ lở ngày 27/01/2022 thì đến ngày 14/2/2022, người Việt mới qua được kiếp nạn bay giải cứu.

Khi không có các quy định rõ ràng để tiến hành một thủ tục hành chính, thì quyền tuỳ nghi thuộc về cán bộ. Cán bộ cầm đơn thích thì xử lý, không thích thì sau này bảo chưa nhận được. Cán bộ thích cấp phép thì cấp, không thích thì không trả lời, hoặc từ chối không rõ lý do. Cán bộ thích thì nhận đơn cái chấp thuận luôn, không thích thì 5 ngày, 10 ngày, 30 ngày hoặc sát giờ bay mới trả lời.

Biết rằng, kể cả khi quy định rõ vẫn có thể bị biến tướng trong quá trình thực thi. Nhưng ít nhất các doanh nghiệp cũng có cơ sở để nói chuyện với cơ quan nhà nước khi cần thiết và để công tác thanh kiểm tra công vụ dễ dàng và sớm phát hiện sai phạm.

Tất cả những điều này cho thấy, sự thao túng không chỉ dừng lại ở khâu thực thi, mà nó đã cản trở việc ban hành chính sách một cách đúng mực.

Đây không chỉ là bài học cho các cán bộ đã vào tù, các cán bộ khác đang xử lý thủ tục hành chính, mà còn là bài học cho những người làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính. Nếu các công đoạn này được làm tốt hơn, có lẽ sự việc đã không đi đến mức đáng sợ như những gì đã diễn ra.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây