Tham nhũng và quy hoạch báo chí

Huy Đức

25-3-2024

Khi Võ Văn Thưởng bị tước hết các loại chức vụ, một nguyên tổng biên tập phát hiện, hầu như tất cả những người soạn thảo và triển khai máy móc Quy hoạch báo chí đều đã mất chức hoặc bị bắt. Mở đầu là Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn…

Có nhà báo nhìn hiện tượng này như là “nhân quả”; có nhà báo cảm thấy được an ủi khi “kẻ thù của báo chí” bị trừng trị.

Quy hoạch, khi được triển khai máy móc, đã triệt hạ địa vị pháp lý của nhiều tờ báo tử tế, làm giảm giá trị thương hiệu, làm suy yếu khả năng tiếp cận bạn đọc của nhiều trang báo trên nền tảng số.

Quy hoạch báo chí được Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trương và Nguyễn Bắc Son được coi là tác giả. Trưởng Ban Tuyên Giáo lúc ấy là Đinh Thế Huynh. Cho dù trong “Chế độ ta”, báo chí chưa bao giờ là “Quyền lực thứ Tư”, chưa có thời nào, chưa có chính sách nào làm suy yếu “báo chí của Đảng” như Quy hoạch báo chí.

Những người làm Quy hoạch báo chí không phải bị “nghiệp quật”. Phần lớn bọn họ đã là quan tham trước khi bắt tay vào công việc này. Chính bọn họ hiểu rõ, kẻ thù lớn nhất của tham nhũng là báo chí.

Quy hoạch báo chí sai từ nền tảng lý luận.

Thay vì những cơ quan đã nắm giữ quyền lực nhà nước thì không được giữ quyền ngôn luận [hãy đọc lại báo của Công an, Toà án về những vụ án oan để thấy báo chí đã kết án những Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn… ngay từ khi họ vừa bị bắt], Quy hoạch báo chí lại làm ngược lại, các bộ ngành được ra báo còn các hiệp hội thì chỉ có quyền ra tạp chí.

Lẽ ra bộ, ngành và những cơ quan quyền lực như Công an, Toà án, Viện Kiểm sát, Thanh Tra… thì chỉ có quyền xuất bản những tờ nội san, những tờ tạp chí chuyên ngành [để trao đổi nghiệp vụ…] thì lại đang nắm trong tay các cơ quan báo chí.

Tình trạng báo chí “nhũng nhiễu” ở các địa phương, trong các doanh nghiệp không chỉ có các tờ vô danh mà còn có các tờ báo của các cơ quan quyền lực; chính các cơ quan “mũ cao áo dài” này cũng đang dẫn đầu số tờ báo mang nội dung lá cải. Chỉ cần xem doanh thu quảng cáo của những tờ báo của các bộ sức mạnh như Giao Thông, Công Thương… đủ thấy, doanh nghiệp chọn quảng cáo ở đây vì chất lượng thông tin hay vì quyền lực của cơ quan chủ quản.

Nhà nước có thể sử dụng ngân sách và lập ra các cơ quan báo chí (VTV, VOV…) phục vụ mục đích tuyên truyền và bảo đảm quyền được thông tin cho dân chúng nhưng phải hết sức cân nhắc khi dùng ngân sách để ra báo; ngay cả phần ngân sách phục vụ mục tiêu thông tin tuyên truyền cũng có thể tài trợ – thông qua cơ chế đấu thầu – cho một số cơ quan báo chí.

Thay vì sáp nhập, giải tán các cơ quan báo chí như “Quy hoạch”, chỉ cần cắt ngân sách và không để cơ quan báo chí nào núp bóng các cơ quan quyền lực nhà nước [không còn chủ quản là các bộ, ngành…].

Cho dù “báo chí tư nhân” chưa được chấp nhận nhưng trên thực tế nhiều tờ báo đã vận hành như các doanh nghiệp tư (VNExpress, Kinh Tế Việt Nam, Dân Trí…). Và, phải thừa nhận rằng, chính các tờ báo tư này lại đang làm báo rất chuyên nghiệp và rất ít có sai sót về chính trị [họ cẩn trọng vì cơm áo gạo tiền của họ]. Quy hoạch đã khiến những cơ quan báo chí tử tế này phải mang thêm một gánh nặng khi phải tìm kiếm một cơ quan chủ quản mới.

Cho dù thời nào trong “Chế độ ta” báo chí cũng chỉ được coi là “công cụ”. Nhưng, các nhà lãnh đạo ở thế hệ thứ nhất, những người từng sử dụng báo chí trong chế độ cũ cho công cuộc đấu tranh giành chính quyền, không bao giờ sai bảo báo chí như ta đang thấy. Những người đứng đầu những cơ quan báo chí như QĐND, Nhân Dân, VOV, VTV hay Ban Tuyên Giáo, Bộ Thông Tin… trước đây đều từng là những nhà báo hàng đầu hoặc là những người am hiểu sâu báo chí.

Các tổng biên tập thời đó, luôn có nhiều người vừa tài năng vừa rất dũng khí. Khi Phó trưởng ban Tuyên giáo Hồng Vinh vào Nam lớn tiếng với các tổng biên tập, nhà báo Võ Như Lanh đã đứng lên nói thẳng, “Anh đừng vào đây mà dạy dân Sài Gòn làm báo”.

Các nhà lãnh đạo như Trường Chinh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt… vẫn đối xử với ngay cả những nhà báo ở tuổi con cháu mình một cách tôn trọng. Các nhà lãnh đạo ấy không chỉ tôn trọng những con người cụ thể mà tôn trọng một thiết chế của Chế độ, tôn trọng sứ mệnh mà nhà báo đang đảm nhận.

Tham nhũng và sự dốt nát luôn coi báo chí như kẻ thù. Những kẻ dốt nát và tham nhũng vừa sợ hãi lại vừa muốn cầm nắm báo chí để tự ru ngủ hoặc tự tô vẽ mình. Không phải tự nhiên mà mấy đời Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông gần đây, đều trở nên lố bịch ngay khi chưa bị hạ bệ. Thay vì cảnh tỉnh, các nhà báo cấp dưới, phần nhiều lọc lõi hơn, cứ tạo điều kiện cho anh “nổ”, cứ “khen cho anh chết”.

Chính Đảng và Nhà nước mới là bên chịu thiệt hại nhiều nhất khi “báo chí của Đảng” suy yếu chứ không phải nhân dân. Một khi báo chí càng thụ động, mạng xã hội sẽ càng đầy rẫy “fake news”, niềm tin của công chúng vào các định chế công càng giảm sút.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. NHÀ THƠ NHÂN DÂN: TBT.

    “Chính nó, đảng cộng sản,
    Làm tha hóa con người,
    Không cho sống tử tế
    Với đúng nghĩa con người.

    Chính nó, đoàn cộng sản,
    Làm thui chột thanh niên.
    Không cho bọn trẻ sống
    Trung thực và hồn nhiên.

    Chính nó, mớ lý tưởng,
    Vớ vẩn và ẫm ương,
    Đã làm cả xã hội
    Thành rất không bình thường.

    Vì sao? Vì cộng sản
    Thứ chủ nghĩa dở hơi,
    Về mọi mặt, đi ngược
    Với bản chất con người.
    …………………………”

    Nguồn Mạng

  2. Đọc cùng lúc các cuốn giáo trình luật của giáo sư Vũ Văn Mẫu (xuất bản ở Sài Gòn những năm 1960-1970) và các cuốn giáo trình của một đại học được coi là hàng đầu về luật ở TP.HCM* bây giờ, chưa cần đi sâu vào nội dung, nhìn vào tâm thế người viết thôi, tôi đã có thể chỉ ra một sự khác biệt rõ rệt.

    Trong khi với những người như giáo sư Vũ Văn Mẫu, Hiến pháp 1956, 1967, cũng như các sắc luật khác, của Việt Nam Cộng hòa, là đối tượng phê phán trong các bài giảng về pháp luật, mà ở đó, các giáo sư đại học như những vị thần linh trong ngôi đền thiêng khoa học chỉ tay phán xét công việc của người phàm (chính quyền), thì ngược lại, với “các giáo sư đại học ngày nay”** (trong các cuốn giáo trình luật mà tôi đã đề cập ở trên), các bản Hiến pháp, các sắc luật, kể cả các chủ trương, chính sách của chính quyền, lại như những cuốn thánh kinh, mà ở đó, các thạc sĩ, tiến sĩ, các nhà khoa học của chúng ta, chỉ có thể len lén nhìn vào, rồi có trót lỡ nhận ra điểm nào sai quấy thì cũng phải hết sức nhẹ nhàng và mềm mỏng, thưa thốt lên (đấng tối cao “chính quyền”) rằng, có lẽ đó chỉ là “khiếm khuyết của lịch sử”.

    Mới đây nhà báo Huy Đức, trong một bài viết trên Facebook, có kể chuyện nhà báo Võ Như Lanh từng nói thẳng vào mặt Phó ban trưởng Tuyên giáo Trung Ương Hồng Vinh trong một cuộc họp rằng: “Anh đừng vào đây mà dạy dân Sài Gòn làm báo”.

    Thử hỏi có vị tổng biên tập nào bây giờ dám làm như vậy với một quan chức tuyên giáo trung ương không?
    – Chắc chắn “KHÔNG”.

    Tại sao vậy?

    – Tại vì giáo sư Vũ Văn Mẫu là một trí thức. Ông chỉ cúi đầu trước chân lý – lẽ phải chứ không bao giờ chịu cúi đầu trước bất cứ thế lực nào khác, nhất là chính quyền.
    – Tại vì nhà báo Võ Như Lanh là một trí thức, dù có là “trí thức cách mạng” nhưng ông vẫn là một trí thức. Ông chỉ cúi đầu trước chân lý – lẽ phải chứ không bao giờ chịu cúi đầu trước bất cứ thế lực nào khác, kể cả cường quyền.

    Cách đây hơn chục năm giáo sư Trần Hữu Dũng có bài viết tựa đề: “Thời vắng những nhà văn hóa lớn?”*** trên thời báo Kinh Tế Sài Gòn, trong đó ông trăn trở về chuyện đất nước ta đang ở thời kỳ thiếu vắng những nhà văn hóa lớn. Nhưng theo tôi, chưa cần nói đến những “nhà văn hóa lớn”, chúng ta ngày nay đang thiếu vắng cả những “trí thức” theo nghĩa căn bản nhất.

    Thiếu vắng trí thức, chúng ta ngày nay lại đang quá dư thừa những kẻ mang não trạng, mang tâm thế nô bộc. Và nguy hiểm hơn, khi rất đông trong số đó lại đang khoác trên mình tấm áo “trí thức”. Và còn nguy hiểm hơn nữa khi những kẻ nô bộc khoác áo trí thức này lại đang mang trên mình “sứ mệnh” đi rao giảng, truyền bá tri thức, truyền bá các giá trị.

    Bởi vì, dù có cả trăm người, ngàn người u mê, tăm tối quỳ lạy “một sợi lông” thì cùng lắm gây hại nhất thời cho trăm, ngàn cá nhân hay cùng lắm là gia đình họ, nhưng chỉ cần một giáo sư đại học thôi, cúi đầu nhận thân phận nô bộc, là đã có thể gieo rắc tai hại cho cả trăm, ngàn sinh viên, hết thế hệ này đến thế hệ khác.
    Trong lịch sử nhân loại, xã hội (quốc gia) nào cũng vậy, muốn phát triển bền vững, muốn tiến hóa đi lên, đều phải dựa vào các trí thức, bởi họ chính là những người giữ giềng mối xã hội, giữ bản sắc văn hóa và những giá trị cốt lõi của cộng đồng. Thế mà, xã hội chúng ta bây giờ, nhìn quanh, đâu đâu cũng chỉ thấy một phường nô bộc (hoặc nô bộc khoác áo trí thức), vậy thì chúng ta sẽ đi đến đâu?

    NĐK

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây