Facebooker Nguyễn Thế Bình chia sẻ hình ảnh chụp khu vực trại giam Tanjung Pinang của Indonesia, nơi đang giam giữ một số ngư dân VN, bị cáo buộc vi phạm lãnh hải nước này khi hành nghề ở khu vực Nam Biển Đông. Ông Bình cho biết: “Trong đây có 1 tấm hình chụp cảnh thuyền viên VN ăn sáng. Tất nhiên là cơm tù do phía Indonesia phát”.
Facebooker Phạm Thắng Nam đưa tin: Lúc 8h53’ sáng 7/12/2020, tàu hải cảnh TQ Zhongguo Haijing 5204 rời vùng biển phía nam Bãi Tư Chính, tiến vào quấy phá khu vực lô khai thác dầu khí 06.01 của VN. Đến khoảng 5h11’ sáng 8/12, tàu này đã xâm nhập khu vực lô 06.01, thực hiện lần quấy phá thứ 33 ngay tại một trong các khu vực khai thác dầu khí nhạy cảm nhất, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN.
Vụ bà Hồ Thị Kim Thoa bị “truy nã”, báo Tuổi Trẻ đưa tin: Website Interpol chưa cập nhật lệnh truy nã đỏ bà Hồ Thị Kim Thoa. Tính đến hôm qua (8/12), theo website Interpol, “có hơn 62.000 lệnh truy nã đỏ được ban hành bởi Interpol đang có hiệu lực, trong đó có 7.430 lệnh được công khai. 62 người trong số đó mang quốc tịch Việt Nam và chưa có tên Hồ Thị Kim Thoa”.
Các chuyên gia thuộc Bộ KHCN và Viện nghiên cứu hạt nhân Philippines phát hiện nồng độ phóng xạ cao bất thường trên trên Biển Đông, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Ông Carlo Arcilla, giám đốc Viện nghiên cứu hạt nhân Philippines, xác nhận, nhóm ông đã phát hiện ra Iot 129 tại một số rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa và vùng biển phía đông Philippines. “Điểm đáng chú ý là nồng độ iốt 129 cao nhất trong những mẫu nước biển được lấy gần các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép”.
Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Hải cảnh Trung Quốc hung hăng ra sao ở Biển Đông? Chỉ trong giai đoạn 2018 – 2020, các tàu hải cảnh TQ đã nhiều lần quấy phá hoạt động khai thác tài nguyên và truy đuổi ngư dân nhiều nước ASEAN. Gần đây, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm CSIS của Mỹ, cho biết, ngày 19/11, tàu hải cảnh Zhongguo Haijing 5402 của TQ đã gây rối ở vùng biển cách bang Sarawak của Malaysia chỉ hơn 81 km.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Tàu hải cảnh lớn của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm trên Biển Đông. Đó là tàu Zhongguo Haijing 5204 của TQ, thường xuyên “lảng vảng gần các nhà giàn DK1 ở bãi Tư Chính của Việt Nam. Có lúc nó chỉ cách các nhà giàn khoảng 5 hải lý và ngang nhiên đi sâu vào lô dầu khí 06-01”. Báo cáo của Trung tâm CSIS tại Mỹ, công bố hôm 4/12, cho biết, trong năm 2020, TQ thường sử dụng các tàu hải cảnh như 5204 để quấy phá lãnh hải các nước ASEAN.
Vụ TQ công bố dự luật cho phép tàu hải cảnh sử dụng vũ lực ở những khu vực họ đơn phương tuyên bố chủ quyền, đáp lại, Đài Loan sửa quy định, cho phép bắn trả nếu bị tấn công trên Biển Đông, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Quan chức Đài Loan xác nhận, trong các quy định mới vừa được bổ sung và có hiệu lực ngày 3/12 vừa qua, có quy định sửa đổi và bổ sung mới cho lực lượng tuần duyên vì “ngày càng có nhiều mối đe dọa trên biển”.
Bà Hằng nói: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế” và yêu cầu TQ tôn trọng chủ quyền của VN đối với hai quần đảo này, chấm dứt các tour du lịch ra quần đảo Hoàng Sa của VN, cũng như các hành động khác có thể gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình.
Vụ TQ triển khai tàu bệnh viện Nanyi 13 mới chế tạo tại đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của VN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao phản đối Trung Quốc tổ chức tiếp nhận tàu bệnh viện tại đá Chữ Thập, theo báo Đại Đoàn Kết. Bà Hằng cho rằng, hoạt động của TQ “không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) tại Biển Đông và quan hệ hai nước”.
Cũng trong buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Đài Loan bắn đạn thật ở đảo Ba Bình, theo Zing. Bà Hằng nói rằng, cuộc tập trận diễn ra ngày 24/11 “đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông” và rằng, “việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này…”.
Tóm lại, trong buổi họp báo của Bộ Ngoại giao hôm nay, đã có người hỏi đến diễn biến về chủ quyền lãnh hải của VN liên ,quan đến cả CHND Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc, 2 thể chế khác nhau nhưng đều theo đuổi tham vọng bá quyền của người TQ ở Biển Đông, nhưng cũng như mấy lần trước, chỉ có người phát ngôn Bộ Ngoại giao xuất hiện, trả lời mấy câu hỏi liên quan đến tình hình chủ quyền VN bị xâm phạm, nên VN vẫn chỉ dùng “võ mồm”.
Trên biển, có mỗi tàu hải cảnh TQ là Zhongguo Haijing 5204 mà lực lượng tuần duyên VN đã không làm gì được, để tàu này quấy phá lô khai thác dầu khí 06.01 hơn 30 lần, thì rõ ràng mọi nỗ lực “phản đối” của VN đều vô tác dụng. TQ đã tổ chức tour du lịch ra Hoàng Sa từ năm 2013, chỉ đến đầu năm 2020 mới tạm dừng do Covid-19, giờ dịch bệnh tạm lắng, họ mở tour lại, nghĩa là sự phản đối của VN đối với TQ chỉ có tác dụng như “chó sủa trăng”.
Cũng tin Biển Đông, RFI có bài: Tàu ngầm Pháp cố chinh phục thị trường Đông Nam Á. Naval Group, tập đoàn đóng tàu ngầm của Pháp, trao đổi về khả năng Philippines mua hai tàu ngầm Scorpène. “Naval Group mở rộng hoạt động ở Đông Nam Á trong bối cảnh Trung Quốc đặt tham vọng xây dựng lực lượng quốc phòng hùng mạnh nhất thế giới từ nay cho đến năm 2025”. Hiện đội tàu ngầm của TQ có đến 76 chiếc và sử dụng một căn cứ thuộc khu quân sự hải quân Du Lâm, nằm ở vị trí chiến lược trên đảo Hải Nam, hướng ra Biển Đông.
Từ ngày 1 đến ngày 2/12/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kỳ họp thứ 50 dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Trần Cẩm Tú. Hôm nay, UBKTTƯ đề nghị khai trừ Đảng với cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Xem xét sai phạm của Chung “con”, cơ quan “đốt lò” nhận định, ông Chung đã “vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước”, vi phạm quy định đảng viên, làm xấu mặt tổ chức đảng.
Theo đó, căn cứ quy định về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKTTƯ đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét khai trừ ông Chung ra khỏi Đảng. Rõ ràng đây là bước chuẩn bị để Chung “con” ra tòa vào ngày 11/12 sắp tới, tròn 4 tháng kể từ khi ông Chung bị đình chỉ công tác và sinh hoạt Đảng.
Về sức khỏe của Chung “con”, hôm qua, báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời người phát ngôn Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô khẳng định, sức khoẻ ông Nguyễn Đức Chung không ảnh hưởng đến việc ra tòa. Tướng Xô nói: “Theo thông tin mới nhất từ lãnh đạo cơ quan an ninh điều tra, trong lần kiểm tra sức khỏe mới đây nhất tại một bệnh viện của Hà Nội, sức khỏe của ông Chung hoàn toàn bình thường, không có gì đặc biệt hay có bệnh gì nghiêm trọng”.
Trước đó, báo chí “lề đảng” hay đề cập đến bệnh “ung thư” của Chung “con”, lưu ý rằng đó có thể là tình tiết giảm nhẹ. Nay tướng Xô nói vậy, rồi thêm vụ khai trừ đảng, là các dấu hiệu cho thấy cũng có khả năng ông Chung sẽ không được nương tay, thậm chí có thể bị thân bại danh liệt như Đinh La Thăng.
BBC đưa tin: Nhóm nhân quyền ra sách ‘biện pháp trừng phạt Magnitsky’ do Phạm Đoan Trang thực hiện. Tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders cho biết, họ đã phát hành sách “Hướng dẫn áp dụng Luật Magnitsky” do bà Phạm Đoan Trang dịch và biên tập, với lý do: “Không chỉ vì sự hỗ trợ và hợp tác của cô trong quá trình sản xuất mà còn là sự cống hiến cho tinh thần dũng cảm và nguồn cảm hứng của cô với tư cách là một nhà bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam”.
Trong lời giới thiệu sách, bà Trang viết, bà mong “cẩm nang hướng dẫn áp dụng Luật Magnitsky sẽ trở thành một công cụ tốt mà mỗi người dân Việt Nam, nhất là hàng triệu nạn nhân của bất công, tham nhũng và vi phạm nhân quyền, đều có thể sử dụng để trừng trị kẻ có tội”. Năm 2012, Mỹ đã thông qua Đạo luật Magnitsky, đưa các quan chức Nga bị cáo buộc vi phạm nhân quyền vào danh sách đen.
Trang Báo Sạch viết tiếp về Thủ Thiêm: Số phận 160 ha tái định cư và sự tương phản chua chát. Sự tương phản đó là: “Việc 160 ha đất tái định cư được giao cho doanh nghiệp có đúng quy định, có hợp tình, hợp lý vẫn còn chờ các cơ quan hữu trách vào cuộc rà soát, xử lý. Tuy nhiên lúc này, tại Thủ Thiêm, việc các dự án bất động sản mọc lên như nấm sau mưa, giá tăng phi mã, càng khiến việc tìm kiếm sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân thêm gian khó”.
Nhà hoạt động Đặng Bích Phượng bình luận vụ TNLT Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực: “Việc Trần Huỳnh Duy Thức sẵn sàng tuyệt thực cho đến chết, để yêu cầu nhà nước cộng sản thượng tôn pháp luật, tôi cho là thiếu sáng suốt. Thức đã đi được gần 2/3 quãng đường, chỉ còn hơn 5 năm nữa là Thức ra tù, vậy sao không ráng đi nốt? Tôi nói điều này có thể sẽ bị chỉ trích, nhưng nhìn vào thực tế ở Việt Nam hiện nay, thì ý nguyện của Thức là không khả thi”.
Hậu quả của đợt mưa lũ chớp nhoáng cuối tuần qua ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ: Sạt lở khoảng 5.000 m3 đất ở thủy điện Hương Điền, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên – Huế xác nhận, khoảng 14h ngày 1/12, “do mưa lớn liên tục nhiều ngày nên phía hạ du bên trái đập thủy điện Hương Điện xảy ra sạt lở đất. Vị trí sạt lở cách chân đập thủy điện từ 60-200 m với khối lượng sạt lở ước tính khoảng 5.000 m3”.
Cũng liên quan đến hậu quả mưa lũ ở Tây Nguyên, báo Người Lao Động có bài: Thủy điện xả lũ, 1 phụ nữ “chết đứng” nhìn 5 tỉ đồng trôi sông. Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp, trên sông Sêrêpốk, sáng nay “đã xả lũ với lưu lượng rất lớn… nước trên sông dâng cao nhiều mét so với bình thường và cuồn cuộn chảy. Nhiều người dân đứng ngồi thẫn thờ trông theo dòng nước vì tài sản trị giá hàng tỉ đồng bỗng chốc bị nước cuốn trôi”. Một người dân bật khóc vì “20 lồng cá trị giá hơn 5 tỉ đồng bị cuốn trôi trong ít phút”.
Về tình trạng ấm lên toàn cầu, trang Hành Tinh Titanic dẫn tin từ báo Moscow Times, cho biết: Moscow chứng kiến mùa thu ấm nhất lịch sử. Cơ quan khí tượng quốc gia của Nga xác nhận, “mùa thu năm 2020 ở Moscow sẽ được công bố là ấm nhất kỷ lục đối với thủ đô này. Nhiệt độ trung bình ở Moscow trong tháng 9, 10 và 11 là 3,2°C, cao hơn mức bình thường 4,4°C”.
Hãng thông tấn quốc gia Nga (TASS) dẫn lời trưởng phòng thời tiết Roman Vilfand thừa nhận: “Mùa thu năm nay ở Moscow sẽ là thời tiết ấm áp nhất từ trước đến nay. Tháng 9 rất ấm, tháng 10 là ấm nhất và tất nhiên, tháng 11 ấm hơn bình thường một cách đáng kể”. Bản tin của Nga còn lưu ý vụ Moscow ghi nhận mùa đông ấm nhất từ trước đến nay trong giai đoạn 2019-2020, năm 2019 là năm Nga có nền khí hậu nóng nhất trên tổng thể.
Thông Tấn Xã VN dẫn tin do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của LHQ công bố: Năm 2020 là một trong ba năm nóng nhất được ghi nhận trên Trái Đất. WMO xác nhận, nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 10/2020 cao hơn khoảng 1,2 độ C so với nền nhiệt trung bình giai đoạn năm 1850-1900. Năm 2020 sẽ là năm nóng thứ 2 sau năm 2016 và nóng hơn cả năm 2019.
Báo cáo được công bố hôm qua 2/12 của WMO cho biết “năm 2020 đã ghi nhận nhiều đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng và mưa bão. Nhiệt độ nước biển tăng lên các mức cao kỷ lục, với hơn 80% các đại dương trên toàn cầu trải qua các đợt sóng nhiệt biển”. Cũng trong hôm qua, đài quan sát địa vật lý miền Trung Ukraine cho biết, Kiev đã trải qua mùa thu ấm nhất trong lịch sử gần 140 năm. “Ukraine đã hứng chịu nhiệt độ cao chưa từng thấy trong năm nay, dẫn đến nhiều vụ cháy rừng khó kiểm soát”.
VTC dẫn lời ông Saburo Tanaka, chuyên gia Nhật: Trung Quốc dùng khinh khí cầu giám sát Biển Đông. Tin từ Kyodo News cho biết, ông Tanaka nói rằng, TQ đã “xây dựng căn cứ khinh khí cầu mới ở phía Đông Bắc thành phố cảng Đại Liên, được xem như một phần hệ thống cảnh báo sớm tên lửa của nước này”. Trước đó, “vào năm 2019, một khí cầu tương tự đã được ghi nhận, được đặt tại một trong những căn cứ quân sự phi pháp của Bắc Kinh trên quần đảo Trường Sa, dùng để giám sát Biển Đông”.
Zing có bài nhìn lại phản ứng quốc tế đối với yêu sách Biển Đông của TQ trong năm nay: ‘Đường 9 đoạn’ của Trung Quốc bị bác bỏ từ Á đến Âu. Có ít nhất 9 nước đã “công khai bác bỏ những tuyên bố phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông với lo ngại Bắc Kinh muốn mở rộng sức ảnh hưởng vượt khỏi khu vực lân cận”, bao gồm một số nước không có tranh chấp lãnh hải với TQ như Pháp, Đức.
Báo Pháp Luật TP HCM có bài phỏng vấn ThS Hoàng Việt về chiến lược sắp tới của chính quyền Biden ở Biển Đông: Mục tiêu chống Trung Quốc sẽ không bị đảo ngược. Ông Việt bình luận: “Mối quan tâm của Mỹ với Biển Đông gắn liền với vấn đề TQ, vì thế dù đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ cũng sẽ không thay đổi chính sách đối với Biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Có chăng là ông Biden sẽ thay đổi chính sách đối với châu Âu và Trung Đông, nơi ông Trump đã đánh mất khá nhiều đồng minh quan trọng của Mỹ”.
Sự thận trọng của TQ khi nước Mỹ sắp đoàn kết trở lại và sẽ chống TQ đúng cách như cựu Tổng thống Obama từng làm: Trung Quốc ‘ném đá dò đường’ chính quyền Biden, VnExpress đưa tin. Ông Richard Boucher, chuyên gia tại Viện Watson thuộc ĐH Brown của Mỹ, chỉ ra: “Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao để xem liệu Biden có tập hợp thế giới chống lại họ hay không. Và đây thực sự là một mảnh đất màu mỡ. Châu Âu đã mong chờ điều này suốt nhiều năm… Đó là viễn cảnh mà Trung Quốc lo sợ nhất”.
Bắc Kinh vẫn không ngừng “khoe cơ bắp” ở Biển Đông: Trung Quốc thúc đẩy ‘cải tổ’ đào tạo quân sự, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Chủ tịch TQ Tập Cận Bình kêu gọi thay đổi đào tạo quân sự của nước này: “Việc huấn luyện quân sự đã bước vào giai đoạn mới của thay đổi và cần những cải tiến toàn bộ và toàn diện. Đề cương và hoạch định chiến lược từ cấp cao cần phải được củng cố để thúc đẩy và thay đổi việc huấn luyện quân sự”.
Liên quan đến sự kiện trên, VnExpress có bài: Ông Tập hối thúc quân đội thay đổi toàn diện cách huấn luyện. Tin cho biết, họ Tập ra tuyên bố trên sau khi Quân ủy Trung ương TQ ban hành hướng dẫn huấn luyện mới, có hiệu lực từ ngày 7/11. Tân Hoa Xã thông báo, hướng dẫn mới “nhằm mục đích cải thiện khả năng tác chiến hiệp đồng quân binh chủng trong PLA, đồng thời nhấn mạnh việc sử dụng các hệ thống vũ khí tiên tiến”.
Quân đội TQ “không công bố nội dung chi tiết của hướng dẫn huấn luyện mới. Một nguồn tin trong PLA cho biết hơn 70% nội dung dựa trên hướng dẫn được quân đội Mỹ sử dụng cho các chiến dịch hiệp đồng của lực lượng này”. Đó là nguyên tắc “joint strike” (hiệp đồng tác chiến) nổi tiếng lâu nay của quân đội Mỹ, nhắm tới khả năng phối hợp giữa các binh chủng tới mức các đơn vị không quân, hải quân, bộ binh trong một chiến dịch đều được chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực của các mục tiêu cụ thể.
Ông Đặng Sơn Duân có bài: TQ vừa tập trận đổ bộ ở đảo Tri Tôn. Sự kiện xảy ra ngày 24/11, quân đội TQ công bố một loạt ảnh cho thấy có ít nhất 3 tàu đổ bộ đệm khí Type 726 do TQ tự sản xuất. Mỗi tàu triển khai 16 lính đổ bộ và 1 xe tăng chiến đấu chủ lực Type 96A. Cuộc tập trận diễn ra trên một thực thể chỉ cách đảo Lý Sơn khoảng 121 hải lý.
Trước các hành động tập trận, triển khai khí tài của TQ, Úc, châu Âu ‘quan ngại sâu sắc về hành động gây bất ổn’ ở Biển Đông, báo Thanh Niên đưa tin. Thủ tướng Úc Scott Morrison có cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Văn phòng Thủ tướng Úc ra thông cáo, “bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương và gây bất ổn ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”.
Càng tới gần Đại hội 13, bác Trọng càng bận rộn, dù có khi bác chẳng muốn, vì đi đứng không vững. Hôm kia, Tổng – Chủ trọng phải chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và đốc thúc hoàn thành điều tra kết luận 5 vụ đại án kinh tế, chính trị, hôm nay, ông Trọng tham dự Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.
Zing dẫn lời Tổng bí thư: Không liêm, không sạch thì không nói được ai. Đây là câu nói của bác Tổng được báo chí “lề đảng” trích dẫn nhiều nhất hôm nay. Bác Tổng kêu gọi cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát phải liêm và sạch: “Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác. Phải chống tiêu cực ngay trong các cơ quan và cá nhân những người làm công tác chống tiêu cực”.
Bất cứ ai cũng có thể sa ngã trước sự cám dỗ của đồng tiền và quyền lực. Cho nên, các nước phương Tây không trông chờ, không hô hào quan chức của họ phải “liêm”, phải “sạch”, mà họ thiết lập các cơ chế phân tán và kiểm tra quyền lực, nâng cao quyền lực của người dân, nhất là quyền lực của báo chí không bị bất cứ cơ quan nào giám sát, điều khiển. Đó là những điều không có ở VN. Lãnh đạo VN chống tham nhũng bằng cách hô hào, kêu gọi… Càng hô hào, kêu gọi “trong sạch” thì tham nhũng càng tăng.
Ông Trọng cũng có nói về kiểm soát quyền lực, nhưng nói như không nói. Báo Người Lao Động dẫn lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Chống tư tưởng quyền anh, quyền tôi, “cua cậy càng, cá cậy vây”. Ông Trọng kêu gọi, “có cơ chế phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội, truyền thông, báo chí và nhân dân đối với công tác kiểm tra, giám sát”.
Mặt trận Tổ quốc hay tất cả các tổ chức “báo cô, báo cậu” trực thuộc nhà nước VN, cùng hệ thống báo chí “lề đảng”, đều bị đảng CSVN kiểm soát và nắm quyền sinh sát trong tay, thì làm sao MTTQ, “các đoàn thể chính trị – xã hội” và báo chí “lề đảng” dám “kiểm tra, giám sát” chế độ đảng trị?
Phát biểu mấy lời trên mây xong, ông Trọng nhìn lại một số kết quả “đốt lò” trong nhiệm kỳ khóa XII: Thi hành kỷ luật nhiều lãnh đạo cấp cao và tướng lĩnh, theo VOV. Cụ thể, “trong nhiệm kỳ XII, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát hàng chục vạn tổ chức đảng và hàng triệu đảng viên, thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức đảng và gần 70.000 đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước, các tướng lĩnh”.
Về kế hoạch “đốt lò” trong năm 2021, Tổng bí thư nêu hàng loạt lĩnh vực ‘sắp tới cần tập trung kiểm tra’, theo VnExpress. Ông Trọng điểm mặt một số lĩnh vực sắp tới cần kiểm tra, giám sát: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; về chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; lĩnh vực kinh tế – tài chính, hành chính, tư pháp, lĩnh vực y tế, giáo dục”.
Cho dù đã kỷ luật hơn 1000 tổ chức, gần 70.000 đảng viên, nhưng vẫn không ngăn được hiện tượng “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, còn gọi là hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, cho nên sang năm tới vẫn tiếp tục kiểm tra, giám sát.
Theo cáo trạng, lợi dụng tình hình dịch Covid-19, từ đầu tháng 2/2020, bị can Cảm đã cùng các đồng phạm “thỏa thuận mua bán các máy, thiết bị y tế cho CDC Hà Nội trước khi thực hiện các quy trình, thủ tục chỉ định thầu thông thường, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 5,4 tỷ đồng”.
Liên quan đến sự việc trên, trang Bảo Vệ Pháp Luật có bài: Cựu Giám đốc CDC Hà Nội và 9 đồng phạm chuẩn bị hầu tòa. Ông quan Nguyễn Nhật Cảm, với tư cách Chủ tịch Hội đồng mua sắm của CDC Hà Nội đã câu kết với nhân viên, lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân để tự thỏa thuận giá gói thầu số 15. Bị can Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty Vitech, hứa sẽ chi cho Cảm 15% giá trị (trước thuế) của máy Realtime PCR tự động.
Kết quả, gói thầu này được định giá hơn 9,5 tỉ đồng. Bị can Cảm đã yêu cầu nhân viên dưới quyền ở CDC Hà Nội hợp thức toàn bộ quy trình chỉ định thầu để Cty MST của bị can Vinh trúng gói thầu số 15. Hội đồng định giá tố tụng Trung ương xác định các tài sản trong gói thầu số 15 có giá thị trường chỉ hơn 4,1 tỉ đồng, nghĩa là hành vi của 10 bị can trong vụ này gây thiệt hại hơn 5,4 tỉ đồng.
Cả một ổ nhóm trục lợi: 47 bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa “tuồn” thuốc ra ngoài bán, báo Người Lao Động đưa tin. Hôm nay, TAND Thanh Hóa mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 5 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ, nhân viên BV Tâm thần tỉnh Thanh Hóa về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2017 đến năm 2019, lợi dụng chức vụ là trưởng các khoa của BV Tâm thần Thanh Hóa, các bị can Vi Du Lịch, Phan Văn Giỏi và Đinh Thị Thu Hồng đã “cấu kết với các điều dưỡng, nhân viên của các khoa thu gom thuốc điều trị thừa, hoặc thuốc bệnh nhân không uống, điều chỉnh y lệnh sinh ra thừa thuốc nhưng không làm thủ tục trả lại cho bệnh viện mà tuồn ra ngoài bán lấy tiền chia nhau”.
Sau nhiều lần bị trì hoãn, chiều nay Thanh tra Chính phủ đối thoại với 50 hộ dân Thủ Thiêm, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Cuộc “đối thoại” diễn ra tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận 2 tại phường Cát Lái, bắt đầu lúc 14h do Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn chủ trì. Phía UBND thành Hồ có Phó chủ tịch Võ Văn Hoan và các quan ban ngành thành phố tham dự, cùng đại diện các bộ liên quan.
Báo Thanh Niên có bài: Tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu hải quân Malaysia gườm nhau ở Biển Đông? Theo thông tin từ AMTI (Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á) thuộc CSIS (Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế) của Mỹ, tàu hải cảnh TQ và tàu hải quân Malaysia “đang có cuộc giằng co” tại khu vực Malaysia thăm dò dầu khí ở Biển Đông.
Facebooker Phạm Thắng Nam cho biết: Gần 5h sáng ngày 24/11, tàu hải cảnh TQ Zhongguo Haijing 5204 lại rời vùng biển phía nam Bãi Tư Chính để xâm nhập khu vực lô khai thác dầu khí 06.01. Đến khoảng 2h chiều hôm qua, tàu Zhongguo Haijing 5204 quay lại vùng biển phía nam Bãi Tư Chính. Đây là lần thứ 29 tàu hải cảnh TQ ngang nhiên xâm phạm một trong các khu vực nhạy cảm nhất của ngành dầu khí, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN.
Vị lãnh đạo được mệnh danh “một ghế hai đít”, “thoắt ẩn thoắt hiện”, mà lâu nay dư luận lo lắng, không biết còn đủ sức để nắm giữ hai chức lãnh đạo cao nhất không, lại xuất hiện. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hôm nay chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo (Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng). Tổng – Chủ Trọng nêu ý kiến về một số vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi từ sau Phiên họp thứ 17 đến nay.
Diễn biến mới về tàu sân bay thứ 2 của TQ: Tàu sân bay Trung Quốc lại ra khơi, có thể trở lại Biển Đông, báo Thanh Niên đưa tin. Dẫn nguồn tù Hoàn Cầu Thời báo, cho biết, “chuyến hành trình mới của tàu sân bay Sơn Đông có thể bao gồm việc tập trận chiến đấu cường độ cao với các tiêm kích và tàu chiến khác, và tàu sân bay này có thể quay lại Biển Đông”.
Còn theo Đại Công Báo ở Hồng Kông, tàu sân bay Sơn Đông đã rời xưởng đóng tàu Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh vào ngày 21/11. Cùng ngày, Cơ quan An toàn hàng hải Đại Liên ra thông báo cấm tàu thuyền, cho biết các cuộc tập trận dự kiến diễn từ vào ngày 21/11 đến 6/12 ở phía bắc Hoàng Hải. “Đây là lần thứ 3 tàu sân bay Sơn Đông tham gia các sứ mệnh trong năm 2020”.
Thêm diễn biến liên quan đến căng thẳng ở Biển Đông: Indonesia đưa bộ chỉ huy tác chiến Hải Quân đến quần đảo Natuna, theo RFI. Hãng thông tấn Anadolu cho biết, đô đốc Yudo Margono, Tổng tham mưu trưởng Hải Quân Indonesia, thông báo, trụ sở của Hạm đội 1 sẽ được chuyển từ thủ đô Jakarta về quần đảo Natuna
Nhiệm vụ của Hạm đội 1 này là, sẵn sàng tác chiến trên biển, bảo đảm việc tuân thủ luật pháp trên biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia. “Việc Jakarta tăng cường lực lượng hải quân tại quần đảo Natuna ở Biển Đông diễn ra vào lúc căng thẳng gia tăng với Trung Quốc tại khu vực này”.
Sau khi hoàn tất kết luận điều tra vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại ĐH Đông Đô, hôm nay Bộ Công an đề nghị truy tố 10 bị can Đại học Đông Đô, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Trong số các bị can bị truy tố, có cựu Hiệu trưởng Dương Văn Hòa, cựu Hiệu phó Trần Kim Oanh, Hiệu phó Lê Ngọc Hà, phó trưởng phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên Trần Ngọc Quang.
Theo kết luận điều tra, ĐH Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có ngành tiếng Anh, nhưng từ tháng 4/2017, bị can Trần Khắc Hùng, chủ tịch HĐQT của trường, đã chỉ đạo bị can Hòa và bị can Oanh ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân để hợp tác đào tạo “chui” và trục lợi. Hiện bị can Hùng đã bỏ trốn.
Vấn nạn bằng giả phát triển tới mức bây giờ… cả một trường ĐH trở thành nơi cung cấp bằng giả: Bộ GD&ĐT sơ hở, Đại học Đông Đô cấp 193 văn bằng giả, thu lợi hơn 18 tỉ đồng, theo Infonet. Kết luận điều tra cho biết, đã có 2.523 người nộp tổng số tiền là hơn 18,2 tỉ đồng cho ĐH Đông Đô. Bị can Hòa đã ký bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy giả để cấp cho 193 cá nhân, ký các tài liệu “để hợp thức hồ sơ cấp bằng gồm 23 danh sách đề nghị in bằng, giấy đề nghị xét tốt nghiệp có tên của 108 cá nhân được cấp bằng giả”.
Về chuyện “học viên” không cần học vẫn có bằng, báo Giao Thông có bài: Đại học Đông Đô “phù phép” cấp bằng Tiếng Anh “không học vẫn đỗ” thế nào? Theo đó, bị can Hùng giao cho bị can Oanh chỉ đạo các nhân viên là Thùy, Thái, Hiển “tiếp nhận hồ sơ học viên, không tổ chức thi đầu vào; không đào tạo theo chương trình mà tổ chức hướng dẫn học viên hợp thức các bài thi bằng hình thức phát đề thi và đáp án cho học viên chép lại, cá biệt có trường hợp không phải hợp thức bài thi”.
“Lò ấp tiến sĩ” ở ĐH Đông Đô: 55 người ‘mua’ bằng của đại học Đông Đô để… làm tiến sĩ, theo báo Tuổi Trẻ. Liên quan đến 193 trường hợp được ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả nói trên, “có 60 người đã sử dụng bằng. Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ”.
Báo Thanh Niên có bài về vụ hàng trăm sinh viên có thể buộc thôi học: Học đại học hay học đại? Hơn 270 SV và học viên ĐH Luật TP HCM có thể bị buộc thôi học, đình chỉ học tập một năm do kết quả học tập yếu kém. Lý do: “Với tâm lý xem học đại học như học đại của một bộ phận sinh viên, nên nhiều bạn chưa biết được chính xác là mình nên học như thế nào, bị cuốn theo việc học mà không trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết”.
Hội đồng kỷ luật của Trường THPT Phước Bình, thị xã Phước Long, Bình Phước đang làm quy trình xử lý kỷ luật nữ giáo viên lấy trộm tiền của học sinh, theo báo Giáo Dục VN. Vụ việc xảy ra vào tháng 10/2020 tại một lớp 11 của trường này, trong quá trình đi kiểm tra lớp mình chủ nhiệm, “cô giáo” D thấy có HS “để tiền hớ hênh trong cặp”, nên đã lấy trộm.
Ngay sau khi bang Michigan xác nhận chiến thắng thuộc về ông Biden, bà Emily Murphy, GĐ Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA), thông báo, dựa trên Đạo luật chuyển giao quyền lực tổng thống năm 1963, “nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden được phép tiếp cận các tài nguyên và dịch vụ mô tả trong điều 3 của đạo luật”.
Dù tuyên bố chuyển giao quyền lực cho ông Biden, nhưng Trump tuyên bố ‘không bao giờ nhượng bộ’, theo VnExpress. Sau khi đưa ra thông báo trên, ông Trump cho thấy bản chất của ông ta không bao giờ thay đổi: “Cơ quan Dịch vụ Công (GSA) được phép làm việc sơ bộ với đảng Dân chủ thì liên quan gì đến việc chúng tôi tiếp tục theo đuổi các vụ kiện khác nhau về những gì sẽ cấu thành cuộc bầu cử tham nhũng nhất trong lịch sử chính trị Mỹ? Chúng tôi đang hoạt động hết tốc lực để tiến về phía trước”.
Nếu ông Trump tin rằng ông sẽ thắng cuộc bầu cử qua các vụ kiện, thì ông chuyển giao quyền lực cho ông Biden để làm gì? Ông biết chắc ông không thắng nên ông mới chuyển giao quyền lực, nhưng vì sao ông vừa tuyên bố chuyển giao quyền lực vừa tiếp tục theo đuổi các vụ kiện dù biết rằng ông sẽ không thắng? Thật ra, trò này của ông chỉ gạt được trẻ con và các “con nhang đệ tử” tiếp tục đổ tiền vào cho ông kiện, nhưng xem ra cũng khá hữu hiệu.
Sau khi TT Trump chính thức tuyên bố chuyển giao quyền lực: Việt kiều Mỹ lại dậy sóng, báo Thanh Niên đưa tin. Chủ yếu là những người theo Trump “dậy sóng”, không chấp nhận ông Trump thất cử, dù chính “giáo chủ” của họ đã chấp nhận buông xuôi phần nào. Trong đó, có một số người vẫn cho rằng ông Trump thật sự chống TQ, còn ông Biden sẽ nhượng bộ TQ, dựa trên những tin đồn không căn cứ.
Ông Biden bắt đầu với nội các mới: Ông Biden công bố 6 vị trí nội các, Zing đưa tin. Ông Biden đã chọn cựu Ngoại trưởng John Kerry làm đặc phái viên về chống biến đổi khí hậu cho chính phủ kế nhiệm, chọn bà Janet Yellen, là người từng giữ chức chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, làm nữ bộ trưởng Tài chính Mỹ đầu tiên trong lịch sử. Cố vấn lâu năm của ông Joe Biden, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken, được chọn cho vị trí Ngoại trưởng.
Vị trí lãnh đạo Bộ An ninh Nội địa Mỹ sẽ được giao cho LS Alejandro Mayorkas. Ghế đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dự kiến thuộc về bà Linda Thomas-Greenfield. Washington cũng sắp có nữ giám đốc tình báo quốc gia đầu tiên trong lịch sử, khi ông Biden lựa chọn cựu Phó GĐ CIA Avril Haines. Jake Sullivan, 43 tuổi, sẽ trở thành cố vấn an ninh quốc gia trẻ tuổi nhất tại Nhà Trắng.
BBC đặt câu hỏi về tình hình hậu bầu cử Mỹ: Thấy gì với đội ngũ chính sách đối ngoại mới của Biden? Ông Stewart Patrick, GĐ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Chương trình Quản trị Toàn cầu và Các Định chế Quốc tế cho rằng: “Một thách thức lớn là thuyết phục khán giả nước ngoài, thậm chí cả các đối tác và đồng minh, rằng sức mạnh tồn tại của Mỹ đáng tin cậy – rằng ‘nước Mỹ đã trở lại’ như tổng thống đắc cử đã nói. Đây sẽ là lần thay đổi 180 độ thứ hai trong chính sách đối ngoại trong vòng 4 năm qua. Chính quyền sắp tới có quyết tâm khôi phục các liên minh mà Mỹ đã dựa vào hơn bảy thập kỷ hiện đã rạn nứt”.
Báo Giao Thông dẫn lời một số nhà ngoại giao Trung Quốc nhận định về nhân sự của Biden: Nắm đấm sắt bọc trong găng nhung. Ông Ni Feng, GĐ Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội TQ, bình luận: “Những lựa chọn của ông ấy giống như một quả đấm sắt trong một chiếc găng tay nhung, sẽ đặt tầm quan trọng vào chiến thuật đối phó với các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc”. Phía TQ cũng thừa nhận Chính quyền của ông Biden có thể tạo nên những áp lực thật sự lên Bắc Kinh, chứ không phải những trò hô hào chống TQ của chính quyền Trump.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri tại quận Cái Răng hôm nay vài bị cử tri đặt vấn đề về vụ án Hồ Duy Hải. Báo Tiền Phong dẫn lời Chủ tịch Quốc hội: Chưa thể nói vụ án Hồ Duy Hải có oan sai hay không. Bà Ngân nói: “Vụ án đã 11-12 năm rồi, có nhiều ý kiến khác nhau. Sau phiên giám đốc thẩm, có nhiều ý kiến của nhân dân, chúng tôi đã yêu cầu xem xét lại”.
Báo Thanh Niên đưa tin: Khu trục hạm Mỹ USS Barry trở lại Biển Đông. Chris Gahl, sĩ quan chỉ huy tàu USS Barry cho biết, sau khi đi qua eo biển Đài Loan, tàu này đã trở lại Biển Đông nhằm “thực hiện hoạt động duy trì an ninh hàng hải và thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực”.
Dường như báo chí “lề đảng” đã được “bật đèn xanh”, nên mấy ngày qua, các phóng viên thi nhau đưa tin, bài phân tích các chiêu trò chiếm “tài liệu mật” trong vụ án Nhật Cường. VnExpress có bài: Ba cách giao tài liệu mật trong vụ án ông Nguyễn Đức Chung.
VTC đưa tin: Anh điều tàu sân bay tới châu Á, gia tăng áp lực lên Trung Quốc. Thủ tướng Anh, Boris Johnson thông báo: “Năm tới, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ dẫn đầu một nhóm tàu của Anh và đồng minh trong việc thực hiện tham vọng lớn nhất của chúng tôi trong hai thập kỷ. Tàu sẽ được điều đến biển Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và Đông Á”. Theo hãng tin Nikkei, diễn biến này nhằm gửi “thông điệp mạnh mẽ” đến TQ, sau các vụ gia tăng đàn áp chính trị đối với Hong Kong.
Ông Robert O’Brien, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, đã tới Hà Nội đêm qua. Hôm nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với ông trong chuyến thăm VN của ông trong hai ngày, nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ. Báo Người Lao Động dẫn lời Cố vấn An ninh Mỹ: Ủng hộ Việt Nam vững mạnh, đóng vai trò quan trọng tại khu vực.
Về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, ông Minh đánh giá cao “hợp tác tích cực” giữa cơ quan chức năng của hai bên. Ông Minh khẳng định, VN và các nước ASEAN “sẽ tiếp tục ủng hộ và phối hợp với Mỹ và các nước đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực và trên thế giới”.
Sau ông Phạm Bình Minh, đến lượt Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch tiếp Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, theo Zing. Tướng Lịch nhắc đến “hỗ trợ của phía Mỹ trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam”. Ông O’Brien khẳng định, Mỹ coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với VN và mong muốn VN đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực.
VOA đặt câu hỏi: Mỹ quan tâm đến Việt Nam nhiều hơn vào cuối nhiệm kỳ Trump? Theo GS Carl Thayer, Tổng thống Trump đang cố chứng tỏ “một số sáng kiến về ngoại giao để đánh bóng di sản của mình khi nhiệm kỳ của ông ấy sẽ kết thúc sau hai tháng nữa”, bao gồm lời hô hào chống TQ ở Biển Đông được khá nhiều fan VN ủng hộ.
GS Ngô Vĩnh Long từ ĐH Maine, Hoa Kỳ, cho rằng chuyến thăm của ông O’Brien “không có gì quan trọng” vì nó diễn ra vào cuối nhiệm kỳ của ông Trump. Theo GS Long, chính quyền mới của ông Biden sẽ không bỏ rơi Hà Nội, trong tình hình Bắc Kinh tiếp tục gia tăng áp lực ở Biển Đông.
Thông tin về Nguyễn Đức Chung và các vụ bê bối ở Hà Nội
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an thông báo, họ đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” xảy ra ở TP Hà Nội và đề nghị truy tố cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Ông Chung bị truy tố tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” có liên quan đến vụ án Nhật Cường.
Lưu ý, ngày 11/8, “Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban chấp hành Đảng bộ, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ phó bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung để xác minh, làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật”. Cũng trong hôm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Chung.
Báo Giao Thông có bài: Ba đồng phạm bị truy tố cùng nguyên Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ba đồng phạm này là 3 thuộc cấp của ông Chung, đã bị khởi tố, tạm giam từ ngày 22/7, gồm: Nguyễn Anh Ngọc, cán bộ UBND TP Hà Nội, Nguyễn Hoàng Trung, lái xe của ông Chung, đồng thời là chuyên viên thư ký – biên tập, văn phòng UBND TP Hà Nội và Phạm Quang Dũng, cán bộ công an của C03, Bộ Công an.
Tin cho biết, kết luận điều tra vụ án đã được Cơ quan ANĐT Bộ Công an tống đạt đến các bị can và chuyển đến VKSND Tối cao để truy tố, nghĩa là ông Chung và 3 thuộc cấp nói trên sẽ sớm ra trước vành móng ngựa, chấm dứt chuỗi ngày đồn đoán về hồi kết sự nghiệp chính trị của một trong các quan chức từng có quyền lực nhất thủ đô.
Ba thuộc cấp nói trên của ông Chung đã bị khám nhà từ ngày 13/7, đến ngày 22/7 thì cả 3 “nhập kho”. Giới thạo tin cho rằng, sự nghiệp của Chung ‘con’ chấm dứt kể từ lúc đó. Hà Nội bắt đầu quá trình thay đổi lãnh đạo, để ông Chu Ngọc Anh chính thức ngồi vào ghế Chủ tịch UBND TP Hà Nội ngày 29/9. Lưu ý, người ký quyết định tạm đình chỉ công tác Chung ‘con’ cũng chính là người ký quyết định phê chuẩn chức Chủ tịch Hà Nội với ông Anh – chính là Thủ tướng.
VietNamNet có bài: Chiếc chìa khóa bí mật trong vụ án liên quan ông Nguyễn Đức Chung. Đó chính là “chiếc chìa khóa” mà ông Phạm Quang Dũng, cựu cán bộ C03, đã dùng để đột nhập vào phòng làm việc riêng của ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng 14, Cục Cảnh sát kinh tế, vào khuya 4/6/2020, ông Dũng đã “dùng điện thoại chụp trộm 3 tài liệu tại bàn làm việc của ông Thành”.
Tin cho biết, các tài liệu bị chụp trộm đó chính là “các tài liệu bí mật nhà nước” liên quan đến vụ Nhật Cường, gồm: “Báo cáo kết quả trích xuất dữ liệu và thanh toán tiền hàng buôn lậu cho 16 nhà cung cấp của Công ty Nhật Cường; Tài liệu báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc về tiến độ, kết quả, kế hoạch kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và Báo cáo kết quả xác minh việc Công ty Nhật Cường cung cấp dịch vụ công cho TP Hà Nội từ năm 2017- 2019”.
Theo kết quả điều tra, ông Dũng còn chuyển nhiều tài liệu nữa cho ông Chung, tổng cộng 12 tài liệu, trong đó có 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước, mức độ “Mật”.
Liên quan đến diễn biến chính trường thủ đô, Zing dẫn lời Bí thư Hà Nội: ‘Các đồng chí làm gì, đừng nghĩ trên không biết’. Làm việc với quận Hà Đông, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ bày tỏ: “Luật quy định là tháo dỡ và phá dỡ, đây lại đi san phẳng hết. Như công trình 8B Lê Trực, khi tháo dỡ nội thất, lực lượng chức năng phải có quay phim, chụp ảnh, niêm phong nguyên trạng rồi đem vào kho cất”.
Không rõ ông Huệ có ý nhắc nhở ai, phe cánh nào, khi yêu cầu đẩy mạnh các vụ giám sát, phát hiện, kiểm tra: “Đồng chí nào biết sai phạm mà sửa chữa thì có ai thích kỷ luật đâu. Nhưng để các đồng chí biết rằng đừng nghĩ các đồng chí làm mà dưới không biết gì, trên không biết gì”.
Về tuyến đường sắt nội đô làm 10 năm chưa xong: Lãnh đạo Công ty Trung Quốc đến Việt Nam chỉ đạo chạy thử hệ thống Cát Linh-Hà Đông, RFA đưa tin. Đại diện của Ban Quản lý dự án Đường sắt VN xác nhận, các nhân sự và chuyên gia quan trọng của Cục Đường sắt TQ hầu như đã có mặt đầy đủ ở VN. Chuyên gia tư vấn của phía Pháp cũng đã đến Hà Nội vào ngày 18/11 và đang ở trong khu cách ly, dự kiến sẽ trực tiếp tham gia khâu kiểm định an toàn để vận hành dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Liên quan đến vụ án của ông Tề Trí Dũng, cựu Tổng GĐ Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (SADECO), sáng nay, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã khởi tố nguyên Phó Chánh văn phòng Thành ủy TPHCM cùng 12 bị can, VOV đưa tin.
Ông Phạm Văn Thông, cựu Phó Chánh văn phòng Thành ủy thành Hồ và ông Lê Hoàng Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty IPC bị khởi tố trong vụ án sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại công ty IPC và SADECO.
Trang Doanh Nhân VN đặt câu hỏi: Nguyên phó chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM Phạm Văn Thông bị khởi tố vì tội gì? Tin cho biết, ông Thông đã vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại doanh nghiệp thuộc sở hữu của Đảng bộ thành phố và vi phạm quy định của pháp luật về quản lý đất đai, kinh doanh bất động sản, quản lý doanh nghiệp trong vụ tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương Tân Thuận IPC hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án Khu dân cư Phước Kiển.
Ông Thông còn vi phạm khi ký chấp thuận chủ trương cho Tân Thuận IPC hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng 45% vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất tại dự án Khu dân cư ven sông, phường Tân Phong, quận 7 và đề xuất chấp thuận chủ trương cho Công ty Phú Nhuận hợp tác đầu tư, chuyển nhượng dự án Khu nhà ở phường An Phú, quận 2. Sai phạm của ông này chủ yếu về “đất vàng”.
Liên quan đến sai phạm của Tân Thuận IPC, có một quan chức hay bị báo chí “lề đảng” nêu tên từ cuối tháng 8 đến nay nhưng không có trong danh sách các bị can vừa khởi tố, đó là cựu ĐBQH Phạm Phú Quốc, là người bị phát hiện có 2 quốc tịch.
BBC đưa tin: Cơ hội lật ngược tình thế của Trump thu hẹp khi Michigan ủng hộ chiến thắng của Biden. Chiến thắng của ông Biden tại bang Michigan đã kết thúc mọi khả năng “lật ngược” của phe Trump, nhưng “đội của ông Trump hy vọng sẽ thuyết phục các cơ quan lập pháp do thành viên đảng Cộng hòa kiểm soát ở các bang quan trọng sẽ bãi bỏ kết quả và tuyên bố ông Trump là người chiến thắng”.
Báo Lao Động có bài: Cuộc gặp kịch tính của ông Trump trong nỗ lực đảo chiều kết quả bầu cử Mỹ. Đó là vụ ông Trump gặp các lãnh đạo cơ quan lập pháp của đảng Cộng hòa, bang Michigan tại Tòa Bạch Ốc. Những người này nói rằng, họ “vẫn chưa được biết về bất kỳ thông tin nào sẽ thay đổi kết quả cuộc bầu cử ở Michigan”.
Các nhà lập pháp Cộng hòa của bang Michigan nói thêm: “Các cáo buộc về hành vi gian lận cần được xem xét một cách nghiêm túc, điều tra kỹ lưỡng và nếu được chứng minh, sẽ bị truy tố theo pháp luật. Và những ứng viên được nhiều phiếu nhất sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và phiếu đại cử tri của Michigan. Đây là những sự thật đơn giản đã mang tới sự tự tin cho cuộc bầu cử của chúng tôi”.
Hậu quả của thái độ coi thường đại dịch: Con trai cả ông Trump mắc COVID-19, theo báo Tuổi Trẻ. Don Jr, con trai cả của Trump “đã có kết quả xét nghiệm dương tính từ đầu tuần và được cách ly tại nhà kể từ sau khi nhận kết quả… Cho tới lúc này ông ấy vẫn hoàn toàn không có biểu hiện triệu chứng bệnh và đang tuân thủ mọi chỉ dẫn y tế được khuyến nghị về COVID-19”.
Andrew Giuliani, con trai của Rudy Giuliani, LS của Trump, cũng dính bệnh: “Cùng ngày ông Don Jr. được thông báo mắc COVID-19, con trai luật sư Rudy Giuliani – luật sư riêng của ông Trump và cũng là người đang phụ trách các vụ kiện về kết quả bầu cử – cũng được công bố đã dương tính với virus corona”.
Vụ TQ ra luật, cho phép tàu hải cảnh của họ sử dụng vũ lực, BBC có bài: Trung Quốc sửa luật hải cảnh gây lo ngại xung đột quân sự trên Biển Đông. Dự luật hải cảnh sửa đổi của TQ có thêm điều 19, cho phép tàu nước này sử dụng vũ lực như một lực lượng bán quân sự với các “đối tượng bên ngoài” đi vào vùng biển mà TQ xâm chiếm rồi cho là của họ, ông Hoàng Việt, nhà nghiên cứu Biển Đông cảnh báo, TQ sẽ bám vào luật do họ tạo ra để xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước khác.
Facebooker Phạm Thắng Nam cho biết: Thời điểm 5h20’ sáng hôm qua, tàu hải cảnh TQ Zhongguo Haijing 5204 lại rời khỏi vùng biển phía nam bãi Tư Chính để xâm nhập vào khu vực lô khai thác dầu khí 06.01 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN. Theo ông Nam, đây là lần xâm nhập thứ 27 của tàu Zhongguo Haijing 5204.
Trước đó, tối 14/11, tàu Zhongguo Haijing 5204 cũng rời vùng biển Bãi Tư Chính để thực hiện hành động quấy phá tương tự trong lô khai thác 06.01, đó là lần xâm nhập thứ 26. Một tàu hải cảnh khác của TQ là Zhongguo Haijing 5402 đã rời cảng Tam Á và di chuyển xuống Đá Chữ Thập, rồi tiếp tục lại gần lãnh hải Malaysia.
Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay của Bộ Ngoại giao, đã có nhà báo “lề đảng” đặt câu hỏi về vụ TQ thông báo tập trận ở vịnh Bắc Bộ trong hai tuần cuối tháng 11, cấm tàu bè qua lại. Báo Thanh Niên dẫn câu trả lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao: ‘Khu vực Trung Quốc tập trận từ 17 – 30.11 không liên quan vùng biển Việt Nam’.
Bà Lê Thị Thu Hằng nói: “Các hoạt động quân sự trên biển được Trung Quốc thông báo hàng hải từ ngày 17 – 30.11 mà Bộ Ngoại giao được thông tin, nằm trong vùng biển của Trung Quốc, không liên quan đến các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) 1982”.
VietNamNet có bài nhìn lại diễn biến căng thẳng leo thang trong 12 năm qua ở Biển Đông: 12 năm trôi qua còn nguyên đó lo ngại lẫn ước mong. Bất chấp áp lực từ quốc tế, TQ vẫn không chịu từ bỏ cái gọi là yêu sách “đường lưỡi bò”, cho dù yêu sách không có cơ sở pháp lý nào, đã bị Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ. TQ thậm chí không ngại sử dụng những trò “khoe cơ bắp”, thách thức luật pháp quốc tế.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Thăm Nhật, tướng Mỹ kêu gọi bắt tay đối phó Trung Quốc. Theo thông cáo báo chí của Bộ ngoại giao Nhật về cuộc gặp giữa ông David Berger, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, “hai bên chia sẻ quan ngại về việc Bắc Kinh đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và biển Hoa Đông bằng vũ lực và các biện pháp cưỡng ép nước khác”.
Gần một tuần nay, mạng xã hội xôn xao trước thông tin cho rằng, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa bị mật vụ VN bắt cóc tại Pháp, có khả năng bị dẫn độ về VN. Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay của Bộ Ngoại giao, đã có nhà báo đặt câu hỏi về vụ này và nhận được câu trả lời không khẳng định, cũng không phủ nhận.
Theo đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ‘không có thông tin về việc bà Hồ Thị Kim Thoa bị bắt’, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Bà Lê Thị Thu Hằng chỉ nói: “Tôi không có thông tin về bà Hồ Thị Kim Thoa bị bắt giữ tại Pháp”. Bà Thoa được cho là có liên quan đến sai phạm của cựu Bộ trưởng CT Vũ Huy Hoàng trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” liên quan đến khu “đất vàng” số 2 – 4 – 6, đường Hai Bà Trưng, quận 1, thành Hồ.
Cũng trong buổi họp báo, Bộ Ngoại giao xác nhận Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ thăm Việt Nam, VTC đưa tin. Bà Hằng cho biết: “Từ ngày 20-21/11, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien sẽ thăm chính thức Việt Nam để kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mỹ. Ông O’Brien sẽ gặp một số lãnh đạo Bộ, ngành của Việt Nam để trao đổi các vấn đề liên quan tới quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và thế giới cùng quan tâm”.
Về bầu cử Tổng thống Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam coi trọng quan hệ với Mỹ cho dù ai thắng cử Tổng thống, theo VOV. Bà Hằng nói: “Việt Nam tôn trọng quyết định của người dân Hoa Kỳ và có thể khẳng định dù ai thắng cử thì Hoa Kỳ vẫn là 1 trong những đối tác quan trọng hàng đầu và có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau”.
Hôm nay, VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh trong vụ Ethanol Phú Thọ, báo Người Lao Động đưa tin. Hai ông Thăng và Thanh, cùng các đồng phạm ở PVN, PVC bị truy tố trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB).
Tin cho biết, vụ việc bắt đầu từ tháng 9/2008, PVB có quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu TK05 xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu để sơ tuyển lựa chọn nhà thầu, “bị can Đinh La Thăng đã chủ trì nhiều cuộc họp để định hướng việc giao thầu cho PVC theo như đề nghị của bị can Trịnh Xuân Thanh”. Sau đó, Thanh đã ký công văn gửi PVB xin được chỉ định thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ.
VOV giải thích về sai phạm chính trong vụ Ethanol Phú Thọ: Ông Đinh La Thăng ưu ái PVC của Trịnh Xuân Thanh. Theo thông tin từ cáo trạng vụ án, sau khi ông Thăng chỉ định thầu là PVC đối với dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ, PVB đã không tổ chức đấu thầu theo kế hoạch mà lập hồ sơ để chỉ định thầu cho PVC/ Alfa Laval/ Delta-T, dù liên danh này không đạt rất nhiều tiêu chuẩn để thực hiện dự án.
Do thiếu năng lực chuyên môn, thiếu kinh nghiệm và thiếu cả năng lực tài chính, liên danh của PVC do ông Thanh làm chủ tịch đã không thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ đúng tiến độ. Đến tháng 3/2013, PVC đơn phương dừng thi công dự án trong khi chưa có hạng mục nào hoàn thành, khiến 1.500 tỉ đồng thực hiện dự án giờ kẹt cứng trong một đống sắt vụn.
Cũng trong vụ sai phạm nói trên, Trịnh Xuân Thanh còn bị truy tố về hành vi “ăn” đất. VnExpress có bài: Cách Trịnh Xuân Thanh thâu tóm 3.400 m2 đất Tam Đảo. Năm 2008, trong lúc thực hiện hợp đồng thi công một số hạng mục công trình, ông Thanh đã bàn với đồng phạm Đỗ Văn Hồng “tìm mua đất để đầu tư khu nghỉ dưỡng. Hai bị can sau đó thống nhất mua 3.400 m2 đất ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc với giá 23,8 tỉ đồng”. Số tiền mua đất được lấy từ 25 tỉ do PVC tạm ứng cho PVC Kinh Bắc để làm dự án.
Báo Tuổi Trẻ có bài giải thích rõ hơn thủ đoạn “ăn đất” của ông Thanh: Ông Trịnh Xuân Thanh dùng tiền dự án mua biệt thự chuyển nhượng cho công ty của bố đẻ. Sau khi mua được khu đất nói trên tại Tam Đảo, ông Thanh và ông Hồng đã bàn bạc thống nhất tăng vốn điều lệ của PVC Kinh Bắc từ 50 tỉ lên 150 tỉ. Mặc dù HĐQT PVC chưa họp nhưng Thanh vẫn ký công văn gửi PVC Kinh Bắc về vụ chấp thuận tăng vốn. Số tiền mua đất đã trở thành “tiền góp vốn của PVC tại PVC Kinh Bắc”.
Để hoàn tất vụ “ăn đất”, ông Thanh đã thành lập Công ty Mai Phương và nhờ bố mình là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên chủ sở hữu. Do ông Thanh đề nghị, ông Hồng đã ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất 3.400m2 cho Công ty Mai Phương.
LS Nguyễn Văn Miếng đặt câu hỏi: Đến bao giờ xét xử “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”? Bản cáo trạng của vụ án này hoàn thành ngày 10/11/2020, còn hồ sơ vụ án đã được chuyển qua TAND thành Hồ, chỉ còn chờ ngày chính thức xét xử. Trong vụ này có 3 người bị buộc tội, gồm nhà báo Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thuỵ và anh Lê Hữu Minh Tuấn, đều bị truy tố theo khoản 2 điều 117, khung hình phạt từ 10-20 năm tù.
LS Miếng dự đoán, phiên tòa sơ thẩm xét xử các thành viên của Hội nhà báo độc lập VN có thể diễn ra cuối tháng 1/2021. Thẩm phán chủ toạ phiên toà là ông Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án TAND thành Hồ, từng được vinh danh “Thẩm phán mẫu mực” năm 2016. Tin cho biết, ông Nguyễn Tường Thuỵ phản bác, bản cáo trạng gán cho ông là tác giả một số bài viết trên VN Thời Báo, nhưng ông khẳng định rằng ông không viết mấy bài đó và sẽ khiếu nại cáo trạng.
Vụ bắt cóc TS Phạm Đình Quý và võ sư Hoàng Minh Tuấn diễn ra từ ngày 23/9 nhưng tới nay, Công an Đắk Lắk vẫn chưa chịu thả người, nhà báo Trương Châu Hữu Danh lưu ý: “Hôm nay hết hạn tạm giam 2 tháng đối với Võ sư Hoàng Minh Tuấn – người tố cáo tiến sĩ Bùi Văn Cường đạo văn. Tuy nhiên, với một trợ lý – thư ký riêng từng là thiếu tá phó phòng an ninh, chắc chắn tiến sĩ Cường sẽ được tham mưu để có cách ứng xử riêng. Cũng như cách mà tiến sĩ đã làm trong thời gian qua”.
Về hiện tượng một số nhà hoạt động ở VN có khuynh hướng ủng hộ ông Trump, trong khi ông này lại là người làm ngơ nhân quyền, nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các viết: Góc “giải cuồng”. Ông Các trích dẫn một số lời bình của các tổ chức nhân quyền quốc tế về ông Trump, trong đó có lời của GĐ điều hành Human Rights Watch: “Biden nên hành động nhanh chóng để đảo ngược các chính sách tệ hại của chính quyền Trump và giúp xây dựng một xã hội trong đó tất cả mọi người đều sống trong nhân phẩm và tự do”.
Tuyên bố của tổ chức Ân xá Quốc tế về Tổng thống “MAGA”, thần tượng của một số “nhà hoạt động” trong nước: “Là một tổ chức chuyên bảo vệ nhân quyền ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới, Tổ chức Ân xá Quốc tế Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền mới của Biden hành động ngay lập tức để chấm dứt các vi phạm nhân quyền do chính phủ Hoa Kỳ (thời của Trump) gây ra, bao gồm cả việc giam giữ, chia cắt trẻ em và gia đình họ trong việc tìm kiếm sự an toàn”.
Tổ chức Phóng viên không biên giới kêu gọi Tổng thống đắc cử Biden hành động ngay lập tức vì quyền tự do báo chí. Tổ chức này nhắc lại, thời điểm ông Trump đắc cử năm 2016, họ đã kêu gọi ông ta tôn trọng quyền tự do báo chí. Đáp lại, ông Trump thường xuyên công kích báo chí, lăng mạ báo chí là “kẻ thù của nhân dân” (enemy of the people), thậm chí còn khuyến khích bạo lực dẫn đến vụ tấn công bằng súng ở bang Maryland vào năm 2018 khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có 4 nhà báo.
Dự đoán tình hình Biển Đông, báo Tuổi Trẻ có bài: Tình hình Biển Đông khó ‘hạ nhiệt’ trong năm 2021. Ông Gregory Poling, GĐ chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) phân tích: “Những hành động của Trung Quốc trong năm 2020 đã càng khiến giới chính trị ở Mỹ tin rằng Bắc Kinh sẽ không trỗi dậy một cách hòa bình… Do đó, năm 2020 đã chứng kiến căng thẳng leo thang, và điều này sẽ tiếp tục vào năm 2021”.
Biz Live đưa tin: Bà Rịa – Vũng Tàu giao công an điều tra khu “đất vàng” Tân Hiệp Phát trúng đấu giá. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có văn bản gửi Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở TN&MT, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh về kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng khu đất có diện tích 79.481 m2 ở huyện Côn Đảo. Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã giao các sở, ngành này rà soát, thẩm tra vụ đấu giá, thời hạn trước ngày 30/11.
RFA đưa tin: Trung Quốc thông báo tập trận, cấm tàu bè vào Biển Đông. Hôm 16-11-2020, tài khoản Twitter của Nhân dân Nhật báo Trung Quốc đăng “tấm ảnh đảo Duy Mộng (thuộc quần đảo Hoàng Sa) kèm thông báo tập trận ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và cấm tàu bè qua lại”. RFA dẫn lại thông báo của Nhân dân Nhật báo: “Trung Quốc sẽ tiến hành huấn luyện quân sự tại Biển Nam Trung Hoa từ ngày 17 tháng 11 đến ngày 30 tháng 11; việc đi vào sẽ bị cấm”.
VTC bàn về chiến lược của Mỹ ở Biển Đông: Biden sẽ có cách tiếp cận rất khác Trump. TS Lê Hồng Hiệp phân tích, các nhân sự mà ông Biden chọn để bổ nhiệm vào Lầu Năm Góc thời gian tới có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ở Biển Đông, một trong các ứng viên tiềm năng cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Michele Flournoy, từng là Thứ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Obama, là người ủng hộ chính sách cứng rắn với TQ.