Bản tin ngày 24-11-2020

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Diễn biến mới về tàu sân bay thứ 2 của TQ: Tàu sân bay Trung Quốc lại ra khơi, có thể trở lại Biển Đông, báo Thanh Niên đưa tin. Dẫn nguồn tù Hoàn Cầu Thời báo, cho biết, “chuyến hành trình mới của tàu sân bay Sơn Đông có thể bao gồm việc tập trận chiến đấu cường độ cao với các tiêm kích và tàu chiến khác, và tàu sân bay này có thể quay lại Biển Đông”.

Còn theo Đại Công Báo ở Hồng Kông, tàu sân bay Sơn Đông đã rời xưởng đóng tàu Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh vào ngày 21/11. Cùng ngày, Cơ quan An toàn hàng hải Đại Liên ra thông báo cấm tàu thuyền, cho biết các cuộc tập trận dự kiến diễn từ vào ngày 21/11 đến 6/12 ở phía bắc Hoàng Hải. “Đây là lần thứ 3 tàu sân bay Sơn Đông tham gia các sứ mệnh trong năm 2020”.

Thêm diễn biến liên quan đến căng thẳng ở Biển Đông: Indonesia đưa bộ chỉ huy tác chiến Hải Quân đến quần đảo Natuna, theo RFI. Hãng thông tấn Anadolu cho biết, đô đốc Yudo Margono, Tổng tham mưu trưởng Hải Quân Indonesia, thông báo, trụ sở của Hạm đội 1 sẽ được chuyển từ thủ đô Jakarta về quần đảo Natuna

Nhiệm vụ của Hạm đội 1 này là, sẵn sàng tác chiến trên biển, bảo đảm việc tuân thủ luật pháp trên biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia. “Việc Jakarta tăng cường lực lượng hải quân tại quần đảo Natuna ở Biển Đông diễn ra vào lúc căng thẳng gia tăng với Trung Quốc tại khu vực này”.

Mời đọc thêm: Trung Quốc chỉ trích Mỹ gây mất ổn định Biển Đông (RFA). – RCEP và “cây gậy” của Trung Quốc (DĐDN). – Mỹ sửa soạn chống hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông nhưng các đối tác không hào hứng (Sputnik). – Nhật – Úc tiến tới định hình liên minh quân sự ‘NATO châu Á’? (TN).

Bê bối trong ngành giáo dục

Sau khi hoàn tất kết luận điều tra vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại ĐH Đông Đô, hôm nay Bộ Công an đề nghị truy tố 10 bị can Đại học Đông Đô, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Trong số các bị can bị truy tố, có cựu Hiệu trưởng Dương Văn Hòa, cựu Hiệu phó Trần Kim Oanh, Hiệu phó Lê Ngọc Hà, phó trưởng phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên Trần Ngọc Quang.

Theo kết luận điều tra, ĐH Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có ngành tiếng Anh, nhưng từ tháng 4/2017, bị can Trần Khắc Hùng, chủ tịch HĐQT của trường, đã chỉ đạo bị can Hòa và bị can Oanh ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân để hợp tác đào tạo “chui” và trục lợi. Hiện bị can Hùng đã bỏ trốn.

Bị can Trần Khắc Hùng (trái, đã bỏ trốn) và Dương Văn Hòa. Ảnh: CA/PLTP

Vấn nạn bằng giả phát triển tới mức bây giờ… cả một trường ĐH trở thành nơi cung cấp bằng giả: Bộ GD&ĐT sơ hở, Đại học Đông Đô cấp 193 văn bằng giả, thu lợi hơn 18 tỉ đồng, theo Infonet. Kết luận điều tra cho biết, đã có 2.523 người nộp tổng số tiền là hơn 18,2 tỉ đồng cho ĐH Đông Đô. Bị can Hòa đã ký bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy giả để cấp cho 193 cá nhân, ký các tài liệu “để hợp thức hồ sơ cấp bằng gồm 23 danh sách đề nghị in bằng, giấy đề nghị xét tốt nghiệp có tên của 108 cá nhân được cấp bằng giả”.

VTC có clip: Đại học Đông Đô cấp hơn 190 bằng cử nhân giả không qua tuyển sinh.

Về chuyện “học viên” không cần học vẫn có bằng, báo Giao Thông có bài: Đại học Đông Đô “phù phép” cấp bằng Tiếng Anh “không học vẫn đỗ” thế nào? Theo đó, bị can Hùng giao cho bị can Oanh chỉ đạo các nhân viên là Thùy, Thái, Hiển “tiếp nhận hồ sơ học viên, không tổ chức thi đầu vào; không đào tạo theo chương trình mà tổ chức hướng dẫn học viên hợp thức các bài thi bằng hình thức phát đề thi và đáp án cho học viên chép lại, cá biệt có trường hợp không phải hợp thức bài thi”.

“Lò ấp tiến sĩ” ở ĐH Đông Đô: 55 người ‘mua’ bằng của đại học Đông Đô để… làm tiến sĩ, theo báo Tuổi Trẻ. Liên quan đến 193 trường hợp được ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả nói trên, “có 60 người đã sử dụng bằng. Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ”.

Báo Thanh Niên có bài về vụ hàng trăm sinh viên có thể buộc thôi học: Học đại học hay học đại? Hơn 270 SV và học viên ĐH Luật TP HCM có thể bị buộc thôi học, đình chỉ học tập một năm do kết quả học tập yếu kém. Lý do: “Với tâm lý xem học đại học như học đại của một bộ phận sinh viên, nên nhiều bạn chưa biết được chính xác là mình nên học như thế nào, bị cuốn theo việc học mà không trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết”.

Hội đồng kỷ luật của Trường THPT Phước Bình, thị xã Phước Long, Bình Phước đang làm quy trình xử lý kỷ luật nữ giáo viên lấy trộm tiền của học sinh, theo báo Giáo Dục VN. Vụ việc xảy ra vào tháng 10/2020 tại một lớp 11 của trường này, trong quá trình đi kiểm tra lớp mình chủ nhiệm, “cô giáo” D thấy có HS “để tiền hớ hênh trong cặp”, nên đã lấy trộm.

Mời đọc thêm: Hoàn tất kết luận điều tra vụ cấp bằng giả tại Trường Đại học Đông Đô (Tin Tức). – Đại học Đông Đô cấp hàng trăm bằng giả (TP). – Trường Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân tiếng Anh giả cho học viên (SS). – Vụ án Trường ĐH Đông Đô: 55 người làm bằng giả để làm luận án tiến sĩ (NLĐ). – Choáng với thủ đoạn cấp bằng giả tại Trường Đại học Đông Đô (PLTP). – Màn ‘phù phép’ khó tin của cựu Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô (VNN). – Sai sót trong sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều không thể sửa kiểu chắp vá, đối phó (GDVN). – Phản biện đối với phát biểu về giáo dục mới nhất của phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (RFA).

Chính trường Mỹ

Hơn hai tuần sau khi báo chí công bố kết quả bầu cử, ông Trump dùng đủ trò để phủ nhận thất bại, nhưng vô ích. Cuối cùng, Chính quyền Trump thông báo bắt đầu chuyển giao quyền lực cho ông Biden, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Ngay sau khi bang Michigan xác nhận chiến thắng thuộc về ông Biden, bà Emily Murphy, GĐ Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA), thông báo, dựa trên Đạo luật chuyển giao quyền lực tổng thống năm 1963, “nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden được phép tiếp cận các tài nguyên và dịch vụ mô tả trong điều 3 của đạo luật”.

Dù tuyên bố chuyển giao quyền lực cho ông Biden, nhưng Trump tuyên bố ‘không bao giờ nhượng bộ’, theo VnExpress. Sau khi đưa ra thông báo trên, ông Trump cho thấy bản chất của ông ta không bao giờ thay đổi: “Cơ quan Dịch vụ Công (GSA) được phép làm việc sơ bộ với đảng Dân chủ thì liên quan gì đến việc chúng tôi tiếp tục theo đuổi các vụ kiện khác nhau về những gì sẽ cấu thành cuộc bầu cử tham nhũng nhất trong lịch sử chính trị Mỹ? Chúng tôi đang hoạt động hết tốc lực để tiến về phía trước”.

Nếu ông Trump tin rằng ông sẽ thắng cuộc bầu cử qua các vụ kiện, thì ông chuyển giao quyền lực cho ông Biden để làm gì? Ông biết chắc ông không thắng nên ông mới chuyển giao quyền lực, nhưng vì sao ông vừa tuyên bố chuyển giao quyền lực vừa tiếp tục theo đuổi các vụ kiện dù biết rằng ông sẽ không thắng? Thật ra, trò này của ông chỉ gạt được trẻ con và các “con nhang đệ tử” tiếp tục đổ tiền vào cho ông kiện, nhưng xem ra cũng khá hữu hiệu.

Đài MSNBC có clip: Ông Trump cho phép tiến trình chuyển giao quyền lực cho ông Biden, nhưng không chịu nhượng bộ.

Sau khi TT Trump chính thức tuyên bố chuyển giao quyền lực: Việt kiều Mỹ lại dậy sóng, báo Thanh Niên đưa tin. Chủ yếu là những người theo Trump “dậy sóng”, không chấp nhận ông Trump thất cử, dù chính “giáo chủ” của họ đã chấp nhận buông xuôi phần nào. Trong đó, có một số người vẫn cho rằng ông Trump thật sự chống TQ, còn ông Biden sẽ nhượng bộ TQ, dựa trên những tin đồn không căn cứ.

VOV có đồ họa: Quy trình chuyển giao quyền lực tổng thống ở Mỹ.

Ông Biden bắt đầu với nội các mới: Ông Biden công bố 6 vị trí nội các, Zing đưa tin. Ông Biden đã chọn cựu Ngoại trưởng John Kerry làm đặc phái viên về chống biến đổi khí hậu cho chính phủ kế nhiệm, chọn bà Janet Yellen, là người từng giữ chức chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, làm nữ bộ trưởng Tài chính Mỹ đầu tiên trong lịch sử. Cố vấn lâu năm của ông Joe Biden, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken, được chọn cho vị trí Ngoại trưởng.

Vị trí lãnh đạo Bộ An ninh Nội địa Mỹ sẽ được giao cho LS Alejandro Mayorkas. Ghế đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dự kiến thuộc về bà Linda Thomas-Greenfield. Washington cũng sắp có nữ giám đốc tình báo quốc gia đầu tiên trong lịch sử, khi ông Biden lựa chọn cựu Phó GĐ CIA Avril Haines. Jake Sullivan, 43 tuổi, sẽ trở thành cố vấn an ninh quốc gia trẻ tuổi nhất tại Nhà Trắng.

BBC đặt câu hỏi về tình hình hậu bầu cử Mỹ: Thấy gì với đội ngũ chính sách đối ngoại mới của Biden? Ông Stewart Patrick, GĐ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Chương trình Quản trị Toàn cầu và Các Định chế Quốc tế cho rằng: “Một thách thức lớn là thuyết phục khán giả nước ngoài, thậm chí cả các đối tác và đồng minh, rằng sức mạnh tồn tại của Mỹ đáng tin cậy – rằng ‘nước Mỹ đã trở lại’ như tổng thống đắc cử đã nói. Đây sẽ là lần thay đổi 180 độ thứ hai trong chính sách đối ngoại trong vòng 4 năm qua. Chính quyền sắp tới có quyết tâm khôi phục các liên minh mà Mỹ đã dựa vào hơn bảy thập kỷ hiện đã rạn nứt”.

Báo Giao Thông dẫn lời một số nhà ngoại giao Trung Quốc nhận định về nhân sự của Biden: Nắm đấm sắt bọc trong găng nhung. Ông Ni Feng, GĐ Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội TQ, bình luận: “Những lựa chọn của ông ấy giống như một quả đấm sắt trong một chiếc găng tay nhung, sẽ đặt tầm quan trọng vào chiến thuật đối phó với các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc”. Phía TQ cũng thừa nhận Chính quyền của ông Biden có thể tạo nên những áp lực thật sự lên Bắc Kinh, chứ không phải những trò hô hào chống TQ của chính quyền Trump.

Mời đọc thêm: Joe Biden, TPP và bài toán đối trọng với Trung Quốc (LK). – Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Hé lộ những cái tên đầu tiên ông Biden chọn cho các vị trí hàng đầu chính quyền (TG&VN). – Thư tổng thống đắc cử Joe Biden giới thiệu tân nội các (TD). – Bộ sậu đối ngoại của ông Joe Biden là ‘bồ câu’ hay ‘diều hâu’? (TN). – Nội các Mỹ dưới thời ông Biden: Sự trở lại của đường lối truyền thống (NN). – Ông Biden chọn ‘người bạn của Việt Nam’ làm đặc phái viên khí hậu (TP). – Ngoại trưởng tương lai có thể tái lập vị thế toàn cầu Mỹ (VNE).

‘Tối hậu thư’ khiến chính quyền Trump công nhận Biden (VNE). – TT Trump chấp nhận là phải bắt đầu chuyển giao quyền lực cho Biden (BBC). – Tổng thống Trump chỉ đạo thuộc cấp bắt đầu chuyển giao quyền lực cho ông Biden (TN). – Hiểu ra sao về việc GSA ‘bật đèn xanh’ chuyển giao quyền lực cho ông Biden? (TT). – Ông Trump ‘không bao giờ nhận thua’, đẩy hết tốc lực cuộc chiến pháp lý (VNN).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây