Bản tin ngày 14-11-2020

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

VTC bàn về chiến lược của Mỹ ở Biển Đông: Biden sẽ có cách tiếp cận rất khác Trump. TS Lê Hồng Hiệp phân tích, các nhân sự mà ông Biden chọn để bổ nhiệm vào Lầu Năm Góc thời gian tới có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ở Biển Đông, một trong các ứng viên tiềm năng cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Michele Flournoy, từng là Thứ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Obama, là người ủng hộ chính sách cứng rắn với TQ.

Theo ông Hiệp, “Biển Đông đã trở thành một chiến trường quan trọng cho cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, nơi Mỹ có thể huy động các nước trong khu vực chống lại Bắc Kinh”. Cho nên, dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ và các đồng minh “nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì hoặc thậm chí gia tăng can dự của họ ở Biển Đông”, chứ không hề bỏ mặc Biển Đông như phe ủng hộ Trump rêu rao.  

Thế lực bá quyền ở Biển Đông lại “nổ”: Cựu sĩ quan Trung Quốc khoe tên lửa đạn đạo diệt hạm bắn trúng mục tiêu di chuyển ở Biển Đông, báo Thanh Niên đưa tin. Dẫn tin từ báo South China Morning Post cho biết, cựu sĩ quan TQ Vương Tương Tuệ khoe tên lửa DF-26B và DF-21D, biệt danh “sát thủ tàu sân bay” do TQ thử nghiệm hồi tháng 8 đã bắn trúng mục tiêu giả định là một con tàu di chuyển ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, vốn thuộc chủ quyền VN nhưng bị TQ cưỡng chiếm.

Họ Vương lên giọng: “Một tùy viên quân sự Mỹ ở Geneva (Thụy Sĩ) đã than phiền và nói việc đó có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng nếu tên lửa trúng một tàu sân bay Mỹ. Họ xem đây là sự phô diễn sức mạnh quân sự. Nhưng chúng ta đang làm điều này vì sự khiêu khích của họ”.

Cũng liên quan tới căng thẳng Biển Đông, RFI có bài: Anh Quốc có kế hoạch điều tàu sân bay đến vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Một hạm đội gồm Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Anh, mang theo một phi đội máy bay chiến đấu F-35B của Không quân Anh và Thủy quân Lục chiến Mỹ, được hộ tống bởi 9, 10 chiến hạm khác tháp tùng, có thể bao gồm cả chiến hạm của đồng minh NATO, sẽ ghé Đông Nam Á, “sẽ đi qua Biển Đông – có thể tham gia các cuộc tập trận kết hợp với chiến hạm Mỹ, Nhật Bản và Úc – điều chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc giận dữ”.  

Mời đọc thêm: ‘Sát thủ diệt hạm’ Trung Quốc đánh trúng mục tiêu gần Hoàng Sa (PLTP). – Nhóm ‘chuyên cơ bí ẩn’ trinh sát từ Biển Đông đến biển Hoa Đông (TN). – Trung Quốc sẽ sớm có động thái để thử phản ứng của Joe Biden? (GT). – ASEAN đề cao hòa bình và ổn định khu vực, đặc biệt quan tâm vấn đề Biển Đông (TG&VN). – ASEAN – Australia nhất trí nâng cấp tần suất họp cấp cao từ 2021 (LĐ). – Mỹ kêu gọi ASEAN phát huy vùng Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và mở (RFI).

Tin bão Vàm Cỏ

Cơn bão số 13 có tên Vàm Cỏ, hiện vẫn chưa chính thức đổ bộ vào đất liền VN, nhưng đã xác lập một số kỷ lục. Nhà nghiên cứu khí tượng Nguyễn Ngọc Huy cho biết: Vào khoảng 4h sáng nay bão mạnh lên một cấp, đạt mức CAT4 trên thang bão Saffir-Simpson (trước đây chỉ thường sử dụng để đo sức mạnh của các siêu bão đổ bộ vào Mỹ), với vận tốc gió 215km/h. Đây là cơn bão có cường độ mạnh nhất lịch sử khi ở Biển Đông của Việt Nam. Xưa nay chưa từng có cơn bão nào lớn như thế ở khu vực này”

Lúc 18h30’ tối nay, trang Hành Tinh Titanic xác nhận thông tin tương tự: “Đến giờ này mà cường độ gió vẫn ở mức 185 km/g, giật 231 km/g. Vàm Cỏ đã là cơn siêu bão lớn nhất lịch sử ghi nhận của ngành khí tượng ở Biển Đông, và có thể là cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào Việt Nam!” Với những cơn bão vào VN từ trước tới nay, thường chỉ cần sử dụng thang sức gió Beaufort và những cơn mạnh bất thường cũng chỉ tới cấp 12, 13. Riêng năm nay, VN đã 2 lần gặp siêu bão phải dùng thang Saffir-Simpson để tính sức mạnh. Sức mạnh CAT4 của bão Vàm Cỏ vào 4h sáng nay tương đương cấp 15 của thang Beaufort. 

Trước đó, vào lúc nửa đêm qua, ông Nguyễn Ngọc Huy lưu ý một kỷ lục khác của bão Vàm Cỏ: “Mắt bão rất rõ với đường kính mắt bão lên đến 25km. Đây là đường kính mắt bão lớn nhất từng được ghi nhận của một cơn bão đi vào Biển Đông. Đường kính cơn bão rất lớn, lên đến 527km. Nếu chúng ta so sánh thì sẽ bằng chiều dài từ Quảng Nam đến Hà Tĩnh”.

Trang Hành Tinh Titanic cung cấp ảnh vệ tinh hồng ngoại của NOAA chụp bão Vàm Cỏ. Có thể thấy, ở thời điểm vào gần tới VN, mắt bão vẫn giữ nguyên hình, đường kính mắt bão tương đương khoảng cách từ TP Hội An đến TP Tam Kỳ:   

Về sức mạnh bất thường của bão Vàm Cỏ, trang Hành Tinh Titanic giải thích dựa trên “không ảnh toàn cảnh khu vực Tây Thái Bình Dương, chụp từ vệ tinh Himawari-8 của Nhật Bản lúc 10:20 sáng ngày hôm nay (14/11), giờ VN”. Theo đó, “khối gió Đông Bắc (các mũi tên màu xanh lá cây) được kích hoạt quá mãnh liệt, tạo sự chênh lệch nhiệt độ giữa lớp khí quyển lạnh ở độ cao từ 1000m trở lên (các mũi tên màu xanh lạnh) với lớp khí quyển ấm ở gần bề mặt đại dương (các mũi tên màu đỏ)”.  

Hoạt động của khối gió mùa Đông Bắc đã tạo nên hiện tượng tăng sức mạnh bất thường của bão Vàm Cỏ, dù đã vào Biển Đông. Ảnh: Himawari-8/ Hành Tinh Titanic

Sự chênh lệch nói trên được thể hiện bằng một đoạn front, tạo nên dải mây kéo dài từ Biển Đông lên đến gần eo biển Bering ở Bắc Cực, nghĩa là một dải mây kéo dài khoảng 8000km, tương đương 20% độ dài đường xích đạo Trái Đất. Một độc giả của trang này ví dải mây đó như con rồng đưa bão vào VN mấy tuần qua. Trang Hành Tinh Titanic tái khẳng định điều họ đã cảnh báo từ lâu, Bắc Cực đang thay đổi và những thay đổi ở vùng cực lạnh giá sẽ tác động tới khu vực Biển Đông.  

Liên quan tới sự bất thường của Bắc Cực trong năm nay, trang Hành Tinh Titanic lưu ý thông tin trong một đoạn tweet của Zack Labe, một nhà khoa học khí tượng ở ĐH Colorado, Mỹ. Theo đó, trong tháng 10/2020 vừa qua, tốc độ phủ trở lại của diện tích băng biển bề mặt ở biển Laptev, gần vùng Siberia của Nga đạt mức chậm kỷ lục trong lịch sử ghi nhận của ngành khí tượng hiện đại. Nói cách khác, giai đoạn tái tạo băng của Bắc Cực vào mùa Đông càng lúc càng có vấn đề.   

Diễn biến này tương tự như nhận định mà nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đạt Ân, thường cảnh báo: “Mất Bắc Cực là mất tất cả”. Hậu quả đã được dự đoán từ trước, chỉ có điều bất ngờ là nó đến quá nhanh. Nhìn lại thống kê 8 cơn bão kỷ lục từng đổ bộ vào VN, có thể thấy cơn bão nguy hiểm như bão số 9 Molave, trung bình mỗi năm chỉ xuất hiện một lần, có khi phải cách 2-3 năm mới xuất hiện lại. Nhưng trong năm nay, chỉ 2 tuần sau khi miền Trung hứng chịu bão Molave, đã xuất hiện bão Vàm Cỏ còn mạnh hơn Molave. 

Bất chấp bão tới gần, nhưng thủy điện vẫn trữ nước: Thuỷ điện tích nước ‘chui’ trước khi bão Vamco đổ bộ, VnExpress đưa tin. Sáng nay, ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch huyện Nam Đông, Thừa Thiên – Huế xác nhận, công an huyện đã vào thủy điện Thượng Nhật ở xã Thượng Nhật để giám sát việc xả lũ của nhà máy. Sáng hôm qua, “công an xã cho rằng thủy điện Thượng Nhật không duy trì 5 cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn để đón lũ trước lúc bão Vamco sắp đổ bộ. Mực nước hồ tích ở cao trình khoảng 115 m”.

Cũng liên quan tới thủy điện, VTC dẫn lời chuyên gia: Xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện dẫn tới việc mất rừng. TS Đào Công Khanh cho biết: “Bản thân tôi cũng đã từng lãnh đạo một nhóm công tác đánh giá nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng. Tôi xác định có bảy nhóm nguyên nhân chính, trong đó có xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ, vừa và các đập nước gây nên. Đến năm 2018, chúng ta có khoảng 360 nhà máy thủy điện lớn nhỏ hoạt động khắp cả nước. Xây dựng nhiều nhà máy thủy điện dẫn tới việc phải phá hủy đi một diện tích rừng”.

Mời đọc thêm: Bão số 13: Mắt bão lớn chưa từng thấy trên Biển Đông, hội tụ đầy đủ yếu tố của một trận cuồng phong thực sự (Soha). – Bão số 13 thành cuồng phong, giật cấp 17 cách Đà Nẵng 370km (PLTP). – Bão số 13 cận kề, Đà Nẵng khẩn trương sơ tán hơn 93.000 người, cấm tuyệt đối đi lại (DNVN). – Bão số 13 đang gây mưa lớn và gió mạnh tại các tỉnh miền Trung (Tin Tức). – Chuyên gia nói gì về hiện tượng bão số 13 thu nhỏ nhưng cường độ mạnh tăng? (GĐ). – Hồ Kẻ Gỗ xả lũ trước bão 13 (Zing). – Tiếp tục sơ tán nếu bạn đang ở nơi không an toàn (đối với bà con sống từ Huế ra Quảng Bình) (FB Huy Nguyễn).

Tin nhân quyền

Cô Nguyễn Thùy Dương, đại diện dân oan Thủ Thiêm có bài: Hai mươi năm vào chết hai giờ. Chính quyền thành Hồ đã chấp nhận chốt ngày đối thoại với người dân Thủ Thiêm, nhưng cô Dương dự đoán đó sẽ là một “cú đánh úp” nhắm vào dân oan Thủ Thiêm. “Vấn đề lớn nhất của dân Thủ Thiêm là 160ha Tái Định Cư bị biến mất… Nếu để mất 160 ha Tái Định Cư thì Chính quyền phải có chính sách đền bù cho việc mất mát đó chứ không phải là đẩy đuổi”.

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh có bài: Tháng Bảy của ông Nguyễn Thiện Nhân. Theo đó, “tại đất máu Thủ Thiêm, gia đình anh Lương Văn Thạnh đã chiến đấu đến chết để bảo vệ nhà cửa. Trong chiến dịch bàn tay sắt của lãnh chúa Lê Thanh Hải, hàng ngàn căn nhà đã bị đập phá tan hoang. Cả nhà anh Thạnh chiến đấu đến năm 2014 thì việc cưỡng chế giải tỏa bị tạm ngưng”. Gia đình ông Thạnh cùng 5, 6 hộ dân khác ở phường Bình An trở thành những người “Thủ Thiêm gốc” còn sót lại đây.

Ông Lương Văn Thạnh, một trong các dân oan Thủ Thiêm. Ảnh chụp màn hình của nhà báo Trương Châu Hữu Danh.

Lúc còn làm Bí thư thành Hồ, ông Nguyễn Thiện Nhân đã hứa sẽ giải quyết vụ Thủ Thiêm trong tháng 7/2019, ông Thạnh đã ghi ra giấy: “Chỉ cần trả nhà cho vợ con tôi, tôi sẽ yên tâm nhắm mắt” vì ông vốn bị bệnh ung thư thanh quản. Nhưng rồi “ngày 27/7/2019, anh Thạnh trút hơi thở cuối cùng mà chẳng thấy ông Nhân làm như đã hứa. Đến ngày 3/12/2019, con trai anh Thạnh là Lương Nhật Đoàn cũng trút hơi thở cuối cùng khi mới 34 tuổi”.

Lời hứa của Bí thư Nhân từ tháng 7/2019, đến nay đã 16 tháng vẫn chưa thực hiện. Ảnh chụp màn hình của ông Trương Châu Hữu Danh.

Báo Ngày Nay đưa tin: Livestream chê lãnh đạo Huyện không hoàn thành nhiệm vụ, bị khởi tố. Vụ việc bắt đầu khi Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, Đồng Nai đến họp dân không thành và bỏ về, không giải quyết vụ cắm mốc đo đạc ranh giới Hồ Suối Đầm, nên một người dân tên Nguyễn Văn Nhanh “đã lên facebook phát trực tiếp (livestream) kể lại nội dung cuộc họp và nêu đích tên bà Phó Chủ tịch Lương Thị Lan ra nhận xét và so sánh với một vài lời lẽ thô tục”.

Bà Lan tố cáo ông Nhanh ra Công an huyện Trảng Bom. Đã hai lần ông Nhanh bị công an mời làm việc, rồi khởi tố ông về tội làm nhục người khác. Ông Nhanh kể: “Khởi tố theo khoản 2 là quá oan ức. Tôi đã liên lạc với nhiều luật sư họ đều nói tội tôi chỉ phạt hành chính chứ xử lý hình sự là áp đặt. Nhưng vì không có tiền nên tôi vẫn chưa nhờ được luật sư nào bảo vệ mình”.

Ông Nhanh nhận được 5 văn bản từ công an, gồm: Thông báo kết quả nguồn tin tố giác tội phạm, Quyết Định khởi tố bị can, Quyết Định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và 2 văn bản khác nội dung cấm đi khỏi nơi cư trú và cấm xuất nhập cảnh… Ảnh: NN

RFA đặt câu hỏi: Tư pháp Việt Nam có thực sự  “tôn trọng xét xử độc lập, không can thiệp, chỉ đạo án”? LS Hà Huy Sơn chia sẻ: “Thực tế thì tôi không có bằng chứng hay tài liệu về việc Tòa cấp trên chỉ đạo cấp dưới như thế nào. Bởi vì, đôi khi người ta chỉ đạo bằng miệng hoặc điện thoại, chứ người ta đâu có lưu vào hồ sơ đâu… Nhưng trong thực tế thì những người trong Tòa ai cũng thừa nhận chuyện đó là điều hiển nhiên có sự chỉ đạo ở trên”.

TS luật Cù Huy Hà Vũ cho biết, có một sự “móc ngoặc” giữa và tòa cấp dưới và tòa cấp trên. Như cấp dưới nhận được hối lộ cho một vụ án thì họ sẽ đề nghị tòa cấp trên xem xét, tòa cấp trên sẽ nhận một khoản tiền từ tòa cấp dưới. Ông Vũ nói rằng “đã từng có một số thẩm phán, các cơ quan điều tra, kể cả công an ngã giá thẳng với ông về kết quả xử án”

Mời đọc thêm: Hàng ngàn dân Thủ Thiêm bị “treo” sổ hồng do lỗi chính quyền? (BĐS). – ĐB Lưu Bình Nhưỡng: ‘Vụ Thủ Thiêm hứa mãi không làm, một sự bất tín vạn sự bất tin’ (TN). – Đóng thuế trên từng hạt gạo (FB Nguyễn Thùy Dương). – Giải thưởng Tinh thần Trần Văn Bá được trao cho thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh (FB TNCG). – ‘Đức thanh liêm của thẩm phán’: Tin chắc nên dân phải nhảy lầu tự sát! (NV). – Bắc Kinh: Bãi nhiệm các nghị sĩ đối lập Hồng Kông là «bài thuốc tốt» (RFI).

***

Thêm một số tin: Việt Nam hưởng lợi gì khi RCEP được ký kết? (RFA). – Đại hội 13 nên là Đại hội về nền công lý? (BBC). – Giám đốc ngân hàng bị khởi tố do liên quan đến việc thất thoát gần 40 tỷ đồng (ANTĐ). – Thêm hồ sơ giải mật: Thái độ của TT Kennedy về vụ đảo chánh TT Ngô Đình Diệm (VOA). – Covid-19 lan rộng khắp nước, Mỹ không phong tỏa (RFI).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây