Hà Sĩ Phu
28-1-2019
Câu đối 1: Việt Nam hai chiều xuất nhập
– Lời Thủ tướng ‘anh minh’: đem Thế giới gom về Việt Nam, TẾT đến mở đài nghe…, cũng sướng?
– Đám Lương dân ‘dại dột’: bỏ Việt Nam chuồn ra Thế giới, XUÂN về ôm bụng nghĩ…, mà đau!
Câu đối 2: Kỷ Hợi 939 và Kỷ Hợi 2019
– Cọc nhọn Bạch Đằng là mưu lược thương dân, diệt quân Nam Hán!
– Nhà tù Cộng Sản sao giam người yêu nước, rước họa Bắc phương?
Câu đối 3: CHÉM! (tặng các Vua chém gió ngày nay)
– Lưỡi mác-lê sắc tựa gươm đao, chẳng chém ngoại xâm, ta chém… gió!
– Lời dân-túy chém vào không khí, không thành hào kiệt, nó thành… vua!
Câu đối 4 : Năm Chó đi, năm Lợn đến
– CHO đói đã đi RỒI (dồi), sang gọi láng GIỀNG vui một MẺ!
– LỢN no đang béo MỠ, cũng như ai DĂM (răm) chữ học HÀNH!
Nói chuyện CHÓ mà có DỒI, có GIỀNG, có MẺ, nói chuyện LỢN mà có MỠ với RĂM HÀNH thì thú biết mấy (Người miền Bắc thường phát âm chữ “R” như “D”, không uốn lưỡi, nên giống nhau giữa RỒI và DỒI, giữa RĂM và DĂM). Thế nhưng bữa tiệc lại có cả chuyện no đói, học hành thì những món đặc sản kia lại gợi ra những điều chua chát nghẹn cổ không sao nuốt được.
Câu đối 5: Câu đối bên quầy thịt lợn
Chợ Tết năm Lợn, có hai quầy thịt lợn, ở cạnh nhau. Hai chủ nhân, một anh một ả, đều là tay sừng sỏ. Gã đàn ông ngoại ngũ tuần, mày râu nhẵn nhụi, nhân lúc vắng khách mới đưa con mắt liếc ngang, chẳng ngờ được cặp giò của cô nàng gợi hứng, mới buông một vế đối rằng:
– CHÂN GIÒ em vẫn NÂY NÂY, BA CHỈ XỎ TAI nhưng hết RUỘT!
Quả nhiên cô nàng đỏ mặt, phần vì chữ nghĩa hóc hiểm: CHÂN GIÒ, NÂY, BA CHỈ, SỎ, TAI, RUỘT…đều là những thứ nằm sờ sờ trên bàn thịt lợn; phần vì ngửi trong văn chương thấy có mùi “sex” và ngầm bảo ả rằng tuy có vàng xỏ trên tai, đô la trong túi, nhưng ả đã bán cái “ruột” để mua cái vỏ, nên ngoài vỏ thì cứ phây phây mà ruột bên trong thì rỗng tuyếch rồi (chẳng khác gì cái xã hội đương thời)!
Nhưng ả đâu phải tay vừa ; sau phút choáng váng liền chỉ thẳng vào cái lưỡi dẻo quẹo của gã mà cười ngặt nghẽo:
– ĐẦU LƯỠI bác như BẠC NHẠC, BỐN CHÂN BÌ MỠ chẳng còn TIM!
LƯỠI, BẠC NHẠC, CHÂN, BÌ, MỠ, TIM… cũng trong binh chủng thịt lợn; nhưng đối thế thì khác nào chửi vào mặt gã: thằng “bì mỡ” béo phị kia, cái lưỡi không xương của mi nói xuôi cũng được, nói ngược cũng hay, thèm rỏ rãi ra chứ tim óc nỗi gì mà lên mặt đạo đức?
Khổ cho gã là đã bị ả hạ xuống cấp “bốn chân“, lại đem cái “đầu lưỡi” vạn năng của gã để chọi với cặp “chân giò nây nây” của ả thì gã chỉ còn cách chui đầu xuống …lỗ nẻ mà chết!
Nhưng nói vậy thôi, gã vẫn sống ngon lành, như những con Lợn hai chân trọc phú ngày nay!
6/ Ngày Xuân lẩy Kiều:
Khuôn thiêng dẫu chẳng vuông tròn
Cánh chuồn dẫu mỏng, che khuôn mặt dày
Mặt nào trông thấy Dân đây
Ghế đôi ngồi tót, mặt này chứ ai?
Ngày xuân Phú chẳng còn dài
Mua vui thôi cũng một vài trống canh…
7/ Lục đục giữa mặt MO và mặt THỚT
Anh Thớt to mồm mắng chị Mo:
Rõ tuồng ruột rỗng lại vây vo!
Mo rằng trợ lý Quân sư đấy [1]
Lại giúp anh Bờm được bữa no [2].
Chẳng hơn cái thớt anh đồ tể
Chặt chặt băm băm phải diễn trò?
*
Mới hay những mặt đâm không thủng
Mo-Thớt xem ra… cũng một lò!
——————————————
[1] Quân sư quạt mo
[2] Bờm đổi quạt mo lấy nắm xôi
8/ Những lời vàng ngọc
(Đố vui ngày Tết: đố bạn biết những lỡi vàng ngọc này của ai?)
Bóng đá nhất khu vực rồi, vận nước đang lên
Đã đến lúc ta chinh phục luôn thế giới
(Nhân loại liệu hồn, An Nam trỗi dậy
Cả thế giới thu về một nước của Rồng Tiên!
Hốt Tất Liệt, Na-pô-lê-ông chỉ là đinh rỉ
Đức-Ý- Nhật hồi sinh cũng chẳng dám tranh quyền?).
*
Thời đại “Bốn chấm không” Mác-Lê dẫn lối
Đất nước hạnh phúc này thật đáng sống làm sao?
Cô gái đẹp Việt Nam chỗ nào cũng đẹp
Chọn bàn tay tinh túy mới cho vào!
*
– “Cần miền Bắc thông minh nhiều lý luận”!
– “Tôi, người Nam, không gạt bà con đâu!”!
(Vậy người Bắc người Nam, ai người ưu việt
Cho Đồng Tâm-Lộc Hưng hai xứ bớt u sầu?)
*
Phận mỏng cánh chuồn nhưng mặt dày chễm trệ
Uống trà Bắc Kinh rồi cùng khai thác biển Đông
Mình có thế nào dân lành mới chửi
Đất nước đã bao giờ chửi đẹp thế này không?
(Tết Kỷ Hợi 2019)
9/ Lý Toét- Xã Xệ uống trà Tết
Xã Xệ có người nhà đi Bắc Kinh về biếu một lọ trà Thiết Quan Âm chính hiệu Trung quốc. Tối ba mươi Xệ pha ấm trà quý để cùng Lý Toét đón giao thừa. Xệ vốn không biết uống trà nhưng cũng nốc thẳng một hơi rồi tấm tắc khen:
* Trà Tàu ngon hơn trà Việt, ngon quá là ngon! Tôi ra đối đấy, ông đối đi!
(Hình như Xệ mới cóp được câu tương tự như thế ở trên mạng)
Lý Toét nghiện trà Thái nguyên chính cống, không thích lọai trà Thiết Quan Âm dù là chính hãng, nên phì cười đốp trát một câu:
* Thằng Việt bợ đít thằng Tàu, thối không biết thối!
Xã Xệ chỉ nguýt bạn một cái thật dài, rồi hềnh hệch cười:
– Cái nhà ông này, đúng là thế lực thù địch! Tôi không biết uống trà, nịnh chơi một tí cho vui, ông chửi là phải. Vậy ông đối câu này:
* Mình có thế nào dân mới chửi!
Lý Toét đáp ngay không cần nghĩ:
* Tớ không ham chức, ghế còn cao!
Đôi bạn ôm nhau cười, cùng đón Giao thừa.
10/ Bác Hồ thật, Bác Hồ giả (Thư giãn với một nhân vật tuổi Kỷ Hợi)
Nghệ sĩ Tiến Hợi sinh đúng năm Kỷ Hợi 1959, tuổi nay vừa tròn 60. Anh đóng vai Bác Hồ thành công đến mức dân tưởng Bác Hồ thật. Anh kể: Trong lúc tôi đang diễn, có một cụ già chống gậy đứng dậy nói to: “Thưa Bác, cho cháu xin được gặp Bác”. Khi tôi xuống chỗ cụ già, cụ đã quỳ lạy, rồi ôm tôi và khóc nói: “Lâu lắm rồi cháu không được gặp Bác”.
Nhưng thành công ấy là do khổ luyện. Mặc dù cố bắt chước Bác Hồ thật từ dáng đi, giọng nói, từ phong thái, âm sắc nhưng vẫn nhiều lần tập không đạt yêu cầu. Theo Nguyễn Quang Lập, có những lúc đạo diễn Hoàng Quân Tạo phải quát lên: “Đó là thằng Hợi nói, không phải Bác nói, ngu ơi là ngu!”, “Bác nói cái đéo gì thế hả?”, “Bác! mày đứng thế đấy hả?”. Khổ, đạo diễn đâu dám gọi “Bác” là “mày”, chỉ vì thói quen nghề nghiệp cứ gọi diễn viên bằng tên nhân vật! Nhưng nghe quát mắng “Bác” như vậy kể cũng tội nghiệp cho “Bác thật” nơi suối vàng giật mình. Nhưng chắc Bác cũng thông cảm với ngôn ngữ của cánh văn nghệ sĩ và biết Cái thật và Cái giả vẫn thường gây phiền, làm khổ lẫn nhau, dù đã âm dương cách biệt vẫn không chịu để cho nhau yên!
11/ Tết nhớ Ba Sàm – Duy Thức
Nếu còn trang blog Anhbasam (anhbasam.wordpress.com) thì những người cầu thị, muốn có thông tin thật về những vấn đề quan trọng của đất nước chỉ cần đọc trang này hầu như đã đủ, vì như nhận xét của nhà báo Huy Đức “Ba Sàm đưa tin chính thống” còn báo chí chính thống thì “đưa tin ba sàm” (nghĩa là vớ vẩn, không tin được).
Với chất lượng thông tin được đánh giá cao như vậy nhưng lại khiêm nhường lấy tên “Ba sàm”, chỉ coi mình là “Thông tấn xã vỉa hè”, nên tôi đã có bài “Ba Sàm tên đẹp lắm, xin đừng đổi tên” kèm mấy câu tứ tuyệt như sau:
SÀM CHẲNG ĐỔI TÊN
SÀM này chỉ chuộng lời chân thực
Sàm quý dân lành, quý tổ tiên
Cần chi Hùng, Dũng, hay Sang, Trọng?
Thương lắm SÀM ơi, chớ đổi tên!
(HSP-2012)
Tết đến, nhớ những người tù lương tâm còn đang chịu khổ nạn trong nhà tù cô đơn như Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, như Trần Hùy Duy Thức…, xin có Câu đối chân thành và thương mến như sau, mong các anh sớm được tự do, trở về với gia đình và xã hội:
– Hương XUÂN bay đến ngục tù, kể với Ba Sàm: Đất nước đang thêm người thức tỉnh!
– Ý TẾT vượt qua song sắt, vui cùng Duy Thức: Quê hương vẫn tiếp cuộc trường chinh!
***
5 câu mời đối Tết Con Lợn
1/ Kỷ Hợi xưa Ngô Quyền chiến thắng vinh quang, rửa sạch hận nghìn năm Bắc thuộc!
2/ Hoạn lợn vào “hoạn lộ” làm khổ lương dân! (Hoạn lộ là con đường làm quan, kẻ hoạn lợn mà thành quan thì làm khổ dân. Đây chỉ như câu cách ngôn răn người đời chứ người làm nghề hoạn lợn chân chính chẳng bao giờ thành quan).
3/ Không não không tim, chỉ giỏi nuốt tiền căng bụng! (vịnh con lợn đất)
4/ Ăn tiền lắm, bụng tròn như lợn ỷ! (vịnh các quan tham nhũng, giống con lợn đất)
5/ Kẻ đút tiền ta là sẽ đập ta, tiền đầy bụng là đến ngày tan xác! (tâm sự của lợn đất)
H.S.P. (Tết Kỷ Hợi 2019)