Đinh Thế Huynh (Kỳ 3)

Nguyễn Thông

23-11-2024

Tiếp theo kỳ 1 và kỳ 2

Nhân chuyện về Đinh Thế Huynh, kỳ trước nhà cháu biên tãi thêm một số mẩu xưa người cũ liên quan tới thời Huynh, một số bác giãy lên, gớm, cứ con tằm nó nhả ra tơ mãi, sốt cả ruột.

Thưa các công dân, có những chặng sử cũ đang bị quên đi, hoặc vô tình hoặc cố ý, nếu ta không gợi lại, có thể sẽ mất vĩnh viễn trong sự thờ ơ của người đời. Vậy nên bỉ nhân làm điều đó là có ý, điều gì không nên không phải, chỉ xin sự đại xá.

Lại quay về Đinh Thế Huynh. Tôi cùng lứa với Huynh, xê xích đôi tuổi, sống thời đạn bom, nên nói thật lòng, rất nể trọng Huynh thời trẻ. Huynh đã ra trận khi chưa đủ đôi mươi, một trai thời loạn. Tôi không mặc áo lính không phải bởi hèn, mà do anh tôi đã đi rồi. Gia đình nào chỉ có hai đứa trai, nhà nước có chế độ cho một đứa được tạm hoãn quân dịch, khi nào căng sẽ triệu.

Huynh là một trong những hình ảnh đẹp của tuổi trẻ lúc bấy giờ, như Lê Mã Lương, Vương Đình Cung, như anh Chuyện anh Trò con bà cụ Hiếm, anh Sùng con bà Đang, anh Loa con bà Gầu… làng tôi.

Xã tôi dạo đó chỉ hơn hai nghìn khẩu, cả xã hơn trăm liệt sĩ. Các anh Chuyện Trò Sùng Loa… đều trong danh sách bia mộ nghĩa trang, không trở về với mẹ. Cái lần người ta áp chính sách phải có ba liệt sĩ trở lên (con và chồng) mới được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người ta không phong cho cụ Hiếm, cứ khi chiều buông, nhá nhem tối, cụ lại hờ “Chuyện ơi, Trò ơi, các con đi đâu sao không về với bu”.

Đinh Thế Huynh có cái lý lịch đẹp của trai thời loạn. Dĩ nhiên đẹp khi ấy thôi, chứ khi lịch sử đã thay đổi, mọi thứ được bạch hóa, nhìn nhận khách quan hơn, thì lại khác. Tư duy thời đại đã khác xưa. Đâu thể như một ông tứ trụ vừa rồi, khi nhậm chức, tuyên thệ vẫn tự hào lúc 18 tuổi đã xung phong vào bộ đội để giải phóng miền Nam. Con người mới mà vẫn tư duy ấy thì chả trông đợi được gì. Rất nhiều người miền Nam tôi gặp, cùng làm việc, gần nửa thế kỷ nay, thường nửa đùa nửa thật, thậm chí bực bội, bảo rằng, “chúng tôi đâu cần các ngài vào giải phóng để ra nông nỗi này”.

Lý lịch “đẹp”, có lẽ lại khéo nữa, có tài nữa, và như ai đó bảo, cùng quê Xuân Trường, Nam Định nữa, nên Đinh Thế Huynh “đường lớn đã mở, vươn tới tương lai”, thăng tiến nhanh. Không như ông bạn tôi, Vũ Trường Thành thương binh, cùng đơn vị thành cổ với Huynh, dứt chiến tranh cởi áo lính, về học sư phạm 10 + 3, làm thầy giáo làng, miệt mài mãi với bảng đen phấn trắng, tới khi hưu, và lên đường sớm.

Thập niên 80, đọc báo Nhân Dân, ta thường gặp những bài của tác giả Đinh Thế Huynh với câu trong ngoặc đơn “phóng viên thường trú báo Nhân Dân tại Liên Xô”. Kể cũng oai sang. Liên Xô bấy giờ là niềm mơ ước của nhiều người. Ngay cả sướng cũng chỉ tới mức “sướng như đi Liên Xô”. Làm báo Nhân Dân, phóng viên báo, có khi quyền thế còn hơn bí thư tỉnh ủy.

Khá nhiều lần tôi ngồi với anh Lương Trần Khải, một cựu binh thành cổ Quảng Trị, rồi Trường Sơn, rồi chiến dịch Hồ Chí Minh. Anh học cấp 3 Kiến Thụy với anh ruột tôi. Năm 1969, anh tôi bị ngưng nhập học trường tuyên giáo trung ương để vào “đại học” đường 9 – Nam Lào, còn bác Khải may mắn vào Đại học Nông nghiệp 1. Tới tháng 9.1971, bác Khải cũng trong đoàn 6971 (ngày 6.9.1971), cái đợt vét sinh viên vào lính để chuẩn bị cho chiến trường Quảng Trị, nơi bị gọi là cối xay thịt. Đau nhất là hàng nghìn sinh viên, những tinh hoa của đất nước, đã bị ném vào cái cối xay ấy. Rồi thoát chết, về học lại năm 1975, anh kỹ sư thú y Lương Trần Khải đầy ký ức chiến tranh.

Có lần bác kể tôi nghe, tao đi đánh nhau nhưng thích viết, từng làm báo cho trung đoàn, sư đoàn, mặt trận, chính tao từng chỉ dẫn thằng Huynh cách viết thế này thế nọ. Được cái nó cũng tình nghĩa trước sau, khi đã ông nọ bà kia vẫn gặp gỡ thăm hỏi chơi bời với anh em.

Tôi tò mò, thế cái vụ người ta đồn ông ấy đào ngũ, trốn chạy khỏi nơi ác liệt, có không. Anh Khải xua tay, bảo không có đâu, không có chuyện ấy đâu. Vậy Huynh mất chức vì cái gì? Anh Khải nói đếch biết, muốn biết sự thực phải hỏi nó hoặc ông Trọng, mà hai tay ấy thì không cạy miệng được. Vậy nên cái sự Huynh rớt đánh uỵch, gây sửng sốt cho thiên hạ, cho tới nay nguyên nhân vẫn rất chi mù mờ, trong đám bụi hư hư thực thực.

Chắc nhiều người chưa quên, hồi năm 2011 Huynh đương chức Trưởng ban Tuyên giáo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương (Hai chức to nhất về tuyên truyền, lý luận), tới năm 2016 Huynh là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (nhân vật to thứ 5 trong bộ máy cai trị, được coi là ngũ trụ), Huynh đã chém rất ghê. Không biết có được ai xúi ai mớm không, hay là cho mình đã nhất làng Vũ Đại, anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta, Huynh tuyên bố kiểu lập ngôn để đời, rằng Việt Nam chỉ có con đường duy nhất là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, ngoài ra không còn đường nào khác (làm người ta lại nhớ câu của “cụ”: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc chỉ có con đường cách mạng vô sản, ngoài ra không còn đường nào khác).

Huynh cũng từng răn đe báo chí, tuyên bố thẳng, nước này chỉ có báo chí do nhà nước quản lý, dứt khoát không có báo chí tư nhân, không có chỗ cho báo chí tư nhân, v.v… Ba X khi ấy trong tứ trụ cũng tuyên bố báo chí tư nhân không tồn tại ở nước này. Sau khi nghe X nói thế, bao nhiêu tình cảm của tôi với đương sự về câu “tình hữu nghị viển vông” bị xóa sạch. Họ xấu đều tốt lỏi cả thôi.

Chả hiểu Huynh bị phốt gì không, chứ riêng việc đóng vai Chí Phèo cạnh tranh về lý luận, định soán ngôi trùm lý luận, dù đã làm tới tổng biên tập báo Nhân Dân, chủ tịch hội đồng lý luận, cũng đủ vào sổ đen rồi. Trời đã là cao, nhưng cần hiểu rằng, sau trời còn có trời cao hơn nữa. Một kẻ võ mồm như Huynh sao đủ lực cạnh tranh với trùm. Đời là vậy.

Nhưng rồi sau này người đời cũng hiểu được thực chất của trùm. Cũng chỉ một anh võ mồm, thậm chí còn tệ hơn. Giờ thì chưa kịp đầy năm, hầu như không ai nhắc tới nữa. Và người ta lôi Huynh từ bóng tối ra trao cho huy hiệu đảng.

Mỗi con người, nhất là những VIP (very important person, người rất quan trọng) đều có bóng hình thời đại trong đó, của một dân tộc khổ đau, bi kịch.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. “chúng tôi đâu cần các ngài vào giải phóng để ra nông nỗi này”.
    Và “Đâu thể như một ông tứ trụ vừa rồi, khi nhậm chức, tuyên thệ vẫn tự hào lúc 18 tuổi đã xung phong vào bộ đội để giải phóng miền Nam.”
    Hai “tư tưởng lốn” này vẫn cứ đối chọi nhau không biết đến bao giờ mới hòa hợp ?! . Đã từng đối địch, tất nhiên, phe thắng cuộc có quyền tự hào .
    Chính vì vậy mà những thằng ngu không bao giờ dỗ yên trăm họ .
    Phần cuối bài của bác, anh Huynh đọc thấy sẽ không vui đâu nhá . Thiện cảm với X, bị xóa sạch, với Huynh liệu có còn ?

  2. Ông anh Nguyễn Thông viết sai rồi, tứ trụ hay ngũ trụ việt cộng đều là VIP nhưng mà là Very Important Pig.
    Lôi ĐTH ra ánh sáng để thiên hạ biết cái mưu hèn kế bẩn của người dốt lò vĩ đại thật ra chỉ là một kẻ lật lọng tráo trở và thật đúng khi Nguyễn Hữu Liêm đã gọi lão ấy là người cộng sản cuối cùng. Vâng, người cộng sản phải đểu cáng, hèn hạ, bất nhân.

  3. Ở xứ độc tài VN, khi bạn còn sống, người ta sẽ đánh bạn đến “chết”, khi thấy bạn chết hẳn thì họ lại dựng bạn dậy để “vinh danh”. Cho nên đang dặt dẹo mà được dựng dậy để ”vinh danh” nghĩa là đã ”chết” hẳn.
    Ví dụ mới nhất trước ông Huynh chính là ông chủ lò.

    • Người ta cứ hùa với nhau phun ra nào là di sản của Nguyễn Phú Trọng bla bla, mà moi ra trong suốt cuộc đời của ông ấy chẳng thấy con mịa gì được gọi là di sản, nếu như nói lái một chút xíu thì phải gọi là đặc sản Nguyễn Phú Trọng là việc lén lút ký những văn bản với Tập Cận Bình, lão xem cái nước Nam này là sở hữu cá nhân nên cóc cần thiết phải cho bàn dân thiên hạ biết. Ngay cái chuyện đốt lò sặc mùi mị dân, củi phe nhà lão có thể đốt sưởi cả mấy mùa đông nhưng lão cố tình “tích trữ”, riêng cái miểng tham quyền cố vị thì lão là tay gộc, nhốt quyền lực chỉ là chuyện hài hước nói trên bàn nhậu. Khi lão chết rồi mới tổng kết chương trình thì mới biết tất cả đều rất đáng nhổ toẹt.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây