Bài 1: Viết cho những ngày chờ tuyên án đối với bác sĩ Hoàng Công Lương

FB Trần Hồng Phúc

26-1-2019

Sau 02 năm theo đuổi hành trình tìm công lý cho bác sĩ Hoàng Công Lương, trải qua phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai nhiều ngày xét xử (từ ngày 14/01/2019 và sẽ tuyên án vào chiều ngày 30/01/2019 tới đây), dưới góc nhìn của một luật sư bào chữa, tôi xin đưa ra những quan điểm của mình với tư cách của một người hành nghề luật về các vấn đề pháp lý của vụ án này.

Tôi cũng cho rằng nếu các vấn đề pháp lý này không được xem xét, đánh giá thận trọng thì chắc chắn sẽ có oan, sai trong vụ án. Đây hiển nhiên không phải là điều mong mỏi của một nền tư pháp công minh, liêm chính; không là mục tiêu hướng đến bảo vệ quyền con người của một nhà nước của dân – do dân – và vì dân.

BÀI 1: KẾT LUẬN GIÁM ĐỊNH CÓ DẤU HIỆU SAI

Điểm mới trong quan điểm luận tội của VKSND tỉnh Hòa Bình (do các KSV của VKSND thành phố Hòa Bình được ủy quyền công tố tại phiên tòa) tại phiên tòa lần này đối với Hoàng Công Lương là: “Bệnh án của 18 bệnh nhân thể hiện rõ đây không phải là lọc máu cấp cứu mà theo Kết luận giám định số 2730 ngày 26/6/2017 của Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an và theo lời khai của bị cáo Bùi Mạnh Quốc thì Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có 02 hệ thống RO, khi cần thiết hệ thống RO1 có thể hỗ trợ cho RO2 lọc máu nên đây không phải là tình thế cấp thiết. Vì vậy, với điều kiện hoàn cảnh thực tế và với vai trò trách nhiệm của mình, bị cáo Lương hoàn toàn có thể không đồng ý để các điều dưỡng viên thực hiện ý lệnh của mình khi chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước bảo đảm an toàn cho bệnh nhân…”.

Tại phần đối đáp với luật sư chúng tôi bào chữa cho Hoàng Công Lương về việc RO1 không thể thay thế cho RO2, KSV Bùi Thị Thu Hằng cho rằng:

– Thứ nhất, theo thẩm vấn lời khai của bị cáo Quốc tại phiên tòa thì hệ thống RO1 có thể hoạt động độc lập;

– Thứ hai, Kết luận giám định số 2730 ngày 26/6/2017 xác định trong trường hợp cần thiết RO1 có thể hỗ trợ RO2 lọc máu;

– Thứ ba, Kết luận giám định số 2279 thì mẫu nước từ nguồn RO1 không có florua (tức chất nhiễm độc trong máu các bệnh nhân tử vong).

Như vậy, với quan điểm luận tội và đối đáp buộc tội tại phiên tòa cho thấy cơ quan truy tố sử dụng các kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) như một bằng chứng khoa học để buộc tội các bị cáo, đặc biệt đối với Hoàng Công Lương.

Vấn đề này là sai lầm nghiêm trọng, có đủ cơ sở để khẳng định RO1 không thể dùng để hỗ trợ hay thay thế dự phòng cho RO2 được. Vì vậy, tại phiên tòa, để tránh oan, tránh sai, chúng tôi liên tục đề nghị HĐXX Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình triệu tập giám định viên để làm rõ các vấn đề kết luận được nêu tại Kết luận giám định nhưng không được HĐXX chấp nhận. Vì vậy, trước giờ tuyên án ngày 30/01/2019 tới đây, tôi tin chắc nếu không làm rõ về giá trị kết luận của Kết luận giám định sẽ dẫn đến buộc tội không chính xác, không đúng người và không đúng tội.

Cụ thể như sau:

Theo hồ sơ vụ án và thực tiễn thẩm vấn tại phiên tòa phản ánh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có 03 hệ thống lọc nước RO phục vụ hoạt động lọc máu thận nhân tạo; trongđó: RO1 dùng cho rửa quả lọc, RO2 dùng cho máy thận và RO-mini (HFonline dùng cho tái lọc).

Mấu chốt quan điểm buộc tội của cơ quan truy tố là việc sửa chữa RO2 chưa có xét nghiệm AAMI theo hợp đồng thầu đã ký giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn, nếu có phải chờ kết quả xét nghiệm của hệ thống RO2 trong khoảng 10-14 ngày thì BVĐK tỉnh Hòa Bình hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống RO1 cho người bệnh lọc máu mà không ảnh hưởng gì.

Những vấn đề cấp thiết lọc máu cho bệnh nhân suy thận mạn và Hoàng Công Lương không biết được nội dung sửa chữa, bảo dưỡng, xét nghiệm theo Hợp đồng thầu của Bệnh viện ký với Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn, xin bàn ở bài viết sau. Tại bài viết này, chỉ xin trao đổi về kết luận giám định mà VKS sử dụng để buộc tội Hoàng Công Lương.

Chúng tôi nhận thấy, ngày 29/5/2017, hệ thống RO1 không thể dùng được để thay thế cho RO2, vì nếu dùng cũng gây ra thảm hoạ bởi các lý do sau:

– Thứ nhất, Tank RO2 đã nhiễm bẩn:

+ Việc bị cáo Quốc cho hỗn hợp 3 acid (HF+HCL+Citric) vào 04 vỏ màng sau khi đã tháo 4 màng RO ra, rồi bật bơm cao áp sẽ làm đường ống thu nước RO bị nhiễm bẩn dù có đóng van điều chỉnh áp lực xuyên màng RO (van ngắt kết nối) hay không.

+ Do vậy, dù đã lắp lại màng RO sau đó, đường ống thu nước RO thành phẩm đã bị nhiễm bẩn độc chất sẽ tiếp tục đưa nước có hỗn hợp 3 acid trên chảy vào tank RO2 khi van điều chỉnh áp lực xuyên màng (van ngắt kết nối) được mở ra và bơm cao áp được khởi động.

+ Việc này được khẳng định bằng lời khai của BC Quốc ngay tại phiên toà lần này khi cho biết: “đồng hồ đã vượt lên tới vô cực rồi từ từ hạ xuống 8.6 trong khoảng thời gian 1 giờ đồng hồ”. Hiện tượng sụt giảm độ dẫn điện theo thời gian (ở đây là hơn 1 giờ đồng hồ) từ vô cực này tới 8.6 microSiemens/cm chính là hiện tượng hoà loãng nồng độ vật chất tích điện trong nước đi qua cảm biến của đồng hồ đo độ dẫn điện được gắn ngày sau màng RO. Và với một giờ đồng hồ hoạt động của hệ thống RO2 công suất 1000 L/h mới là sạch được nước RO đi qua cảm biến đồng hồ, và điều này cũng có nghĩa là BC Quốc đã bơm vào tank RO2 với 1000L nước có hỗn hợp 3 acid HF+HCl+Citric.

– Thứ hai, hệ thống RO1 nối với hệ thống “vòng tuần hoàn” thông qua Tank đã nhiễm bẩn RO2

+ Theo sơ đồ vẽ tay của chính Quốc tại cơ quan điều tra (Đây là sơ đồ duy nhất phản ánh thực trạng thiết kế, vận hành của hệ thống RO1 và RO2 của BVĐK tỉnh Hòa Bình vào thời điểm xảy ra sự cố) cho thấy: hệ tank RO1 có kết nối với tank RO2 và nhiều lần tại toà BC Quốc cũng khẳng định sự kết nối giữa tank RO1 và RO2 nhưng không có sự kết nối trực tiếp nào giữa Tank RO1 với hệ thống đường ống phân phối tới các máy thận (hệ thống vòng tuần hoàn). Do tank RO2 đã nhiễm bẩn độc chất 3 acid HF+HCl+Citric như đã phân tích ở trên, nên việc sử dụng hệ thống RO1 bơm nước cấp nước cho các máy thận thông qua tank RO2 chắc chắn gây ra thảm hoạ nhiễm độc hàng loạt không khác gì với thực tế đã xảy ra vào ngày đen tối 29/5/2017.

+ Tại phiên tòa lần này, BC Quốc lại khai và cho rằng tank RO1 có đường phân phối riêng, tức hệ thống RO1 có đường nối tới vòng tuần hoàn riêng biệt. Tuy nhiên, lời khai này càng bất lợi cho việc buộc tội vì nếu có đường nối này trên thực tế thì đã được đóng chặt và không còn được khai thác từ năm 2011 khi hệ thống RO2 được đưa vào sử dụng (Hệ thống RO1 được lắp đặt năm 2009, hệ thống RO2 lắp đặt năm 2010 và được thanh lý hợp đồng vào tháng 11/2011). Do vậy, nếu mở đường ống này ra, thì nguy cơ đưa thẳng vi khuẩn và các vi sinh vật đã nằm lưu cữu hơn 06 năm trong đoạn ống này còn có thể gây ra thảm hoạ lớn hơn, nặng nề hơn vì bằng cách này, các vi khuẩn trên đã được đưa vào máu 18 bệnh nhân bất hạnh.

+ Đặc biệt, căn cứ Kết luận giám định số 2730+2777/C54-P6 ngày 26/6/2017 có nội dung giám định tình trạng kỹ thuật của hệ thống xử lý nước dùng cho chạy thận nhân tạo thì Viện KHHS – Bộ Công an đã kết luận: “Hệ thống RO1 có 02 van chất lượng kém (bị dò nước khi đóng kín)…Ngoài ra van tiệt trùng cũng không còn bảo đảm kỹ thuật sử dụng để nước vẫn chảy qua khi đang đóng kín” (BL 528). Như vậy, hệ thống RO1 không bảo đảm kỹ thuật an toàn để sử dụng ngay cả khi RO2 không sử dụng.

Ngoài ra, trong trường hợp hệ thống RO2 ngừng hoạt động chờ xét nghiệm từ 10-14 ngày chắc chắn sẽ tiếp tục có mảng bám vi khuẩn do nước không được dùng tuần hoàn nằm chờ. Do đó, phải tiếp tục sục rửa, rồi lại đem đi xét nghiệm. Khi ấy lại một chu ký chờ – xét nghiệm – tiệt trùng – chờ – xét nghiệm – tiệt trùng… thì bao giờ cho hoạt động hỡi các nhà thông thái?

Không hiểu lý do gì các giám định viên của Viện Khoa học hình sự có thể kết luận cho kết quả: Hệ thống RO1 khi cần thì bổ sung cho chạy lọc thận cùng RO2???

Chúng tôi mời các giám định viên lên tiếng bởi nếu không, chính các giám định viên mới là người buộc tội và tuyên án đối với các bị cáo trong đó có Hoàng Công Lương đấy ạ.

(Bài 2: Hoàng Công Lương và chứng cứ “giả mạo”).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây