Trang chủ Quan Điểm

Quan Điểm

Kể điều bạn biết, nói điều bạn nghĩ

Vài tư liệu và dữ liệu cần biết nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden đến Hà Nội

Kim Văn Chính

8-9-2023

1. Việt Nam nổi tiếng về ngoại giao đu dây mà Tổng Bí thư gọi là “ngoại giao cây tre”. Dù nó là đu dây hoặc cây tre, nhưng xét về nhiều khía cạnh, nó còn hơn nền ngoại giao và chính trị “ngọn lau” của Thái Lan. Nhờ đó mà khoảng hai chục năm nay, Việt Nam bứt phá khá nhanh trên bản đồ Đông Nam Á, nhiều mặt đang vượt cả Thái Lan, Malaysia, cả về kinh tế và chính trị – ngoại giao…

Trước đây, đu dây chủ yếu giữa Nga (Liên Xô) và Trung Quốc. Ngày nay, đu dây còn lại chủ yếu giữa Trung Quốc và Mỹ. Nga đã bị loại khỏi vòng chiến đấu.Đó là sự tiến bộ và mới cho Việt Nam.

Hãy thử so sánh: Cùng là nước theo Chủ nghĩa Cộng sản, nhưng Bắc Triều Tiên bây giờ vẫn còn loay hoay giữa hai đầu dây Trung Quốc và Nga.

Cuba còn chả có đầu dây nào mà đu. Một thân một mình chết đói giữa tiềm năng to lớn…

2. Gọi là đu dây, nhưng sự độc lập trong chính sách đối nội, đối ngoại của Việt Nam luôn được coi là vấn đề sinh tử. Nhiều người ngoài cuộc hoặc đứng ngoài không biết, gì cứ bình loạn lung tung…

Trong lịch sử triều đại hiện nay, ai lộ rõ là tay sai, làm việc cho ngoại bang, dù ngoại bang đó là anh em đối tác chiến lược toàn diện, là một đầu dây để đu… đều bị triệt hạ rất cương quyết, không khoan nhượng. Từ Hoàng Văn Hoan, Chu Văn Tấn, kể cả Võ Nguyên Giáp (liên đới vụ án Xét Lại Chống Đảng), rồi Hoàng Minh Chính, Lê Khả Phiêu, Hà Phan, gần đây là Phùng Quang Thanh, Đinh Thế Huynh… Tất cả các nhân vật đó với số phận cuối đời đều ít nhiều có yếu tố liên quan đến ngoại bang…

Kể ra vậy để biết yếu tố dân tộc tự quyết của nền chính trị đương đại Việt Nam là yếu tố rất mạnh mẽ.

3. Trung Quốc và Việt Nam ngày nay là hai quốc gia riêng biệt, có chủ quyền.

Sự can thiệp và âm mưu của Trung Quốc là rất lớn và thâm hiểm. Họ cũng đã đạt được nhiều kết quả thực tế như lấn chiếm, khống chế, bồi lấp các đảo ở Biển Đông của Việt Nam để xây dựng căn cứ quân sự của họ theo bản đồ đường 10 đoạn… Nhưng họ không thể ngang ngược can thiệp vào quyền tự quyết của Việt Nam.

Hồi Việt Nam gia nhập WTO, họ có can thiệp khá thô bạo là vì họ muốn Việt Nam phải gia nhập sau họ.

Còn trong chừng mực Việt Nam vẫn giữ hòa khí với Trung Quốc, việc Việt Nam quyết định các vấn đề đối ngoại và đối nội, không chống lại Trung Quốc trực tiếp, thì họ vẫn phải tôn trọng.

Do vậy: Việt nam đã có quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, thì hoàn toàn có quyền thiết lập quan hệ như vậy với Mỹ, Úc…

Hiện nay VN có quan hệ với Mỹ ở cấp độ thấp nhất: “ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN”. Trong khi nhu cầu phát triển và xu thế thời đại, mối quan hệ cần nâng thêm hai bậc, thành “ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN”.

Trung Quốc không thể có quyền gì, hoặc lý lẽ gì để cản trở Việt Nam thực hiện đường lối ngoại giao đó.

4. Các cấp độ quan hệ ngoại giao của Việt Nam (từ cao nhất xuống thấp nhất):

– Quốc gia có quan hệ đặc biệt: Lào và Campuchia.

– Đối tác chiến lược toàn diện hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược. Tới nay, chỉ có 4 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) và Hàn Quốc (2022).

– Đối tác chiến lược là mối quan hệ mang tính chất toàn cục, then chốt và có giá trị lâu dài với thời gian. Mối quan hệ gắn liền với nhiều lĩnh vực phát triển cùng có lợi với nhau (quan hệ cùng thắng) có thể có cả lĩnh vực an ninh quân sự. Số lượng đối tác chiến lược loại này đang gia tăng nhanh chóng.

Hiện nay Việt Nam có 13 nước là đối tác chiến lược gồm: Nhật Bản, Tây Ban Nha (2009); Anh (2010); Đức (2011); Italy (1/2013), Thái Lan (6/2013), Indonesia (6/2013), Singapore (9/2013) và Pháp (9/2013); Malaysia và Philippines (2015); Úc (2018); New Zealand (2020).

– Đối tác toàn diện: Là quan hệ thông thường giữa các chủ thể đã có một hoặc một vài mặt nào đó đạt đến mức chiến lược, nhưng chưa có sự đồng đều giữa các mặt hợp tác. Do sự tin cậy lẫn nhau chưa đủ hoặc thời điểm chưa chín muồi, nên các chủ thể chọn cách xây dựng một khuôn khổ đối tác toàn diện với hàm ý nhấn mạnh mặt hợp tác, tiếp tục củng cố lòng tin và cùng hướng tới tương lai. Tới năm 2020, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với 13 quốc gia: Mỹ (2013); Nam Phi (2004); Chile, Brazil và Venezuela (2007); Argentina (2010); Ukraine (2011); Đan Mạch (2013); Myanmar và Canada (2017); Hungary (2018); Brunei và Hà Lan (2019).

KẾT: Ông Biden bỏ công sức mấy ngày và hàng chục chuyến chuyên cơ bay nửa vòng trái đất, chỉ để đến Việt Nam theo lời mời và tín hiệu từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chắc chắn kết quả phải nâng mức quan hệ đối tác.

Nâng nhẹ 1 nấc thì thành: ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC

Nâng hẳn 2 nấc mới thành ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN.

Mời mọi người thảo luận xem triển vọng thế nào?

Bác Trọng đã từng làm được những việc ít người ngờ đến, biết đâu lần này lại làm tiếp một việc lớn nữa?

Nhớ lại hồi cụ LÊ DUẨN rất to mồm huyênh hoang, nhưng khi cụ quay ngoắt sang chống Tàu theo Nga thì không phải là tìm ĐỐI TÁC mà là ĐÓI TÁC.

Cả làng đói ăn bo bo thay cơm.

Mà an ninh quốc gia đâu có giữ được…

Lính chết hàng chục vạn người vì chọn sai ĐÓI TÁC.

Chọn hướng đi nào?

Trần Văn Chánh

8-9-2023

Từ khi hai nước cựu thù Mỹ-Việt bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995 đến nay, đã có 4 đời tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam, mà lần đầu là của tổng thống Bill Clinton, năm 2000.

Một cuốn sách lạ

Nguyễn Đình Cống

8-9-2023

Vừa qua trang Tiếng Dân đăng bài “Nguồn gốc Quốc Xã của điều 4 Hiến pháp 2013” của LS Đào Tăng Dực. Bài báo chỉ ra rằng, tuy cộng sản và phát xít chống đối nhau về ý thức hệ, nhưng bản chất độc tài toàn trị lại rất giống nhau đến từng chi tiết.

“Đánh trống bỏ dùi”

Nguyễn Khắc Mai

6-9-2023

Tôi viết nhận xét ngắn này tặng riêng anh Võ văn Thưởng và tất cả các anh chị lãnh đạo cao thấp của nước ta, những người đã đi đánh trống khai giảng năm học mới 1923-1924, nhân ngày khai trường.

Nhận thức khác và nhận thức lại về cộng sản

Nguyễn Đình Cống

6-9-2023

1.- Sơ lược về nhận thức

Này công dân ơi!

Đông Sa

6-9-2023

Xin chớ vội cho rằng tôi đang “lĩnh xướng” mở đầu cho một bài ca. Không, đây chỉ là một cách đột khởi… hơi dở để biểu tỏ sự đồng cảm với một bài báo; và có thể, nhân đây, nhấn nhá thêm những điều dẫu chẳng mới mẻ gì, nhưng gióng giả lên mãi nữa chắc là vẫn còn cần.

Nguồn gốc Quốc Xã của điều 4 Hiến Pháp 2013

Đào Tăng Dực

5-9-2023

Điều 4 Hiến Pháp được cho là vô cùng tai hại cho dân tộc Việt vì điều này củng cố tính độc tài toàn trị của đảng CSVN.

Dĩ nhiên chúng ta đều muốn hiểu biết thêm nội dung chính xác của điều 4 Hiến Pháp là gì và trên bề mặt, xuất xứ của điều 4 Hiến Pháp đến từ đâu?

Thật vậy, Điều 4 Hiến Pháp năm 2013 tuy là niềm hãnh diện của TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị CSVN nhưng lại là nỗi nhục của nhân dân và trò cười cho cả nhân loại văn minh.

Điều 4 hiến pháp Việt Nam ghi rằng: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật”.

Trước đó, Điều 126 Hiến Pháp Liên Xô năm 1936 là: Đảng Cộng sản Liên Xô (CSLX) là “Đội tiên phong của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh củng cố và phát triển hệ thống xã hội chủ nghĩa, là cốt lõi lãnh đạo tất cả mọi tổ chức nhân dân lao động và cả quần chúng lẫn nhà nước”.

Đến năm 1977, điều 126 của hiến pháp Liên Bang Xô Viết được thay thế bằng điều 6 của hiến pháp mới như sau:

Đảng CSLX là: “Lực lượng lãnh đạo và hướng dẫn xã hội Xô Viết, là trọng tâm của hệ thống chính trị, mọi tổ chức nhà nước và tổ chức quần chúng. Đảng CSLX hiện hữu vì dân và phục vụ nhân dân. Đảng CSLX trang bị bởi chủ thuyết Mác – Lê, quyết định tổng quát đường hướng phát triển xã hội cho các chính sách đối nội và đối ngoại của Liên Bang Xô Viết, lãnh đạo công tác xây dựng vĩ đại của nhân dân Xô Viết, đem lại tính kế hoạch, hệ thống và nội dung lý thuyết cho công cuộc tranh đấu đem lại chiến thắng cho chủ nghĩa cộng sản. Mọi cơ cấu của đảng hoạt động trong phạm vi hiến pháp Liên Bang Xô Viết”.

Các nhà nghiên cứu chính trị thông thường cho rằng, điều 4 hiến pháp hiến định hoá chế độ toàn trị tại Việt Nam, được phát xuất từ điều 6 hiến pháp năm 1977 của Liên Bang Xô Viết và được hiến định hóa lần đầu trong Hiến Pháp CSVN năm 1980.

Việc phân tích đuợc dừng tại đây vì họ nghĩ rằng, cả ông Hồ Chí Minh lẫn đảng CSVN đều tự cho mình là học trò ngoan của Stalin và đảng CSLX, nên không truy tầm xa hơn về xuất xứ của điều 4 hiến pháp.

Trên thực tế, cả điều 6 lẫn 126 của Hiến pháp Liên bang Xô Viết còn có một xuất xứ xa hơn nữa mà các nhà nghiên cứu chính trị không để ý.

Xuất xứ nguyên thủy đó chính là nhà độc tài Đức Quốc Xã Hitler.

Nghi vấn tại đây là: Theo lich sử thì các nhà độc tài CSLX như Lê Nin và Stalin đều lên cầm quyền trước Đức Quốc Xã của Hitler, thì làm sao Stalin lại phải học hỏi từ Hitler? Có chăng là ngược lại?

Chúng ta đều biết rằng, có ba nhà độc tài khét tiếng nhất của thế kỷ 20: Đó là Lê Nin và Stalin của CSLX, và Hitler của Đức Quốc Xã. Lê Nin nắm quyền từ năm 1917 đến năm 1924. Sau đó Stalin lên kế vị cho tới năm 1953. Tại Đức, Hitler lên nắm quyền từ năm 1933 đến năm 1945. Khi nói đến các mốc thời gian, Hitler dường như có nhiều cơ hội học hỏi từ Lê Nin và Stalin về phương thức cai trị độc tài.

Nhưng nếu nghiên cứu sâu hơn thì giả thuyết này không chính xác. Lê Nin là nhà độc tài đầu tiên đã tiêu diệt mọi đảng phái đối lập, xây dựng lên guồng máy mật vụ, và nắm quyền sinh sát trong tay mà không cần qua một hệ thống tư pháp nào.

Điều này không có gì lạ. Những hành động tương tự đã từng xảy ra thường xuyên trong lịch sử loài người, qua các cuộc tương tranh quyền lực và thay đổi triều đại. Khi Stalin lên nắm quyền, ông vẫn theo đuổi các chính sách của Lê Nin. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa Lê Nin và Stalin chỉ nằm ở mức độ tàn khốc và có tính đột biến.

Trong khi đó tại Đức, Hitler được bổ nhiệm làm thủ tướng (Chancellor) vào tháng 1 năm 1933. Hitler đã thực thi chính sách xâm chiếm toàn bộ Âu Châu và chứng minh khả năng thống trị của mình bằng nhiều bước đi sáng tạo, mà chính Stalin và các lãnh tụ CS khác phải học hỏi.

Sau đây, chúng ta có thể chứng minh cụ thể hơn tại sao điều 4 Hiến Pháp lại có thể phát xuất từ chế độ Quốc Xã mặc dù chế độ Đức Quốc Xã sinh sau chế độ CSLX và là kẻ thù không đội trời chung với các chế độ CS, thậm chí còn hơn là các chế độ tư bản nữa?

Những sự kiện lịch sử khách quan cho biết rằng: Tuy lên cầm quyền sau và có thể học hỏi nhiều thủ thuật độc tài khác từ Lenin và Stalin, nhưng Hitler là nhà độc tài đầu tiên chính thức luật hoá sự độc đảng của chế độ Quốc Xã.

Ngày 14/7/1933, Hitler công bố bộ luật gọi là Bộ luật Chống Lại Sự Thành Lập Chính Đảng mới (Law against the founding of new political parties). Điều khoản của bộ luật này ghi rõ vị trí độc tôn của Đảng Quốc Xã như sau:

“Điều 1: Đảng Quốc gia Xã hội Lao Động Đức (viết tắt là Đảng Quốc Xã) là chính đảng duy nhất của nước Đức”.

Điều 2: Bất cứ ai nuôi dưỡng cấu trúc tổ chức một chính đảng khác hay thành lập một chính đảng mới, sẽ bị phạt tù đến 3 năm hoặc bị giam cầm từ 6 tháng đến 3 năm, nếu hành vi này không bị chế tài nặng hơn bởi các sắc luật khác”.

(https://encyclopedia.ushmm.org/content/en/article/law-against-the-founding-of-new-parties)

Trước đó vài ngày, Hitler tự tin tuyên bố trong một bài diễn văn rằng: “Tất cả mọi chính đảng đã bị hủy diệt. Đây là một biến cố lịch sử, mà ý nghĩa cũng như hậu quả chưa ai ý thức được trọn vẹn… Đảng đã trở thành nhà nước, và toàn bộ quyền lực thuộc về nhà nước”.

Mặc dù Hitler không cần sắc luật trên để cai trị dân. Nhưng việc công bố sắc luật cho thấy, một điều mà chưa nhà độc tài nào trên thế giới dám làm trước đó.

Trong giai đoạn lịch sử này, Hitler vô hình trung được sự chú ý của một đệ tử được coi là giỏi hơn sư phụ: Đó là nhà độc tài CSLX Stalin.

Chúng ta cần lưu ý mốc thời gian. Hitler thông qua sắc luật nêu trên năm 1933, luật hóa sự cai trị độc tôn của đảng Đức Quốc Xã. Ba năm sau, tức năm 1936, Stalin làm một điều mà chính Lê Nin chưa dám làm. Stalin đã bắt chước Hitler thông qua bản hiến pháp của Liên Bang Xô Viết, trong đó điều 126 hiến định hoá quyền độc tôn của đảng CSLX.

Rõ ràng là Stalin đã đánh cắp bản quyền “tiền thân nguyên thủy” của điều 4 Hiến Pháp từ tay tác giả nguyên thủy là nhà độc tài Đức Quốc Xã Hitler.

Câu hỏi phải nêu ra tại đây là: Tại sao 2 kẻ thù không đội trời chung như Hitler của Đức Quốc Xã và Stalin của CSLX lại có thể chôm chĩa thủ thuật của nhau trên phương diện chính trị, hầu cai trị nhân dân bạc phận của họ như thế?

Thật ra, tuy là những kẻ thù không đội trời chung, nhưng cả Đức Quốc Xã lẫn Liên Xô đều là những chế độ toàn trị trong bản chất. Cá nhân Hitler và Stalin đều là những nhà độc tài đồ tể, giết hằng triệu sinh linh như ngóe.

Thêm vào đó, khi phân tích 2 khái niệm “quốc xã” và “quốc tế cộng sản” chúng ta thấy một sự tương đồng nền tảng. Thật ra, cụm từ quốc tế cộng sản có nghĩa là xây dựng xã hội chủ nghĩa không những trong một quốc gia mà trên cả thế giới đại đồng. Trên thực tế, ngay từ thời Stalin, giấc mơ thế giới đại đồng xã hội chủ nghĩa đã bị buông bỏ. Chỉ còn cố gắng vô vọng xây dựng XHCN trong LBXV mà thôi.

Trong khi đó cụm từ quốc xã của Đức Quốc Xã có nghĩa là xã hội chủ nghĩa trong một quốc gia.

Tuy có sự khác biệt giữa “trong một quốc gia” như tại Đức và “thế giới đại đồng” như tại LX, nhưng chính cái điểm tương đồng XHCN còn lại này đã là bản chất keo sơn giữa 2 khái niệm độc tài.

Ngưu tầm ngưu. Mã tầm mã. Sáng kiến toàn trị của Hitler được nhà độc tài Stalin chôm chĩa và sử dụng thiện xảo cũng chính vì bản chất tương đồng là độc tài và xã hội chủ nghĩa này.

Không phải TBT Nguyễn Phú Trọng, vốn là hậu duệ của Stalin và Hitler, qua điều 4 hiến pháp, cũng đang cố gắng vô vọng xây dựng xã hội chủ nghĩa trong chỉ một quốc gia là Việt Nam hay sao?

Như vậy chúng ta phải làm gì?

Dựa vào các sự kiện lịch sử nêu trên, chúng ta có thể khẳng định là điều 4 hiến pháp mà Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN đang bám víu để sống còn, thật sự không có xuất xứ tốt đẹp gì. Điều 4 Hiến Pháp và các tiền thân của nó là các điều 126 và 6 của LBXV, đều chỉ là là hậu thân của Bộ luật Chống Lại Sự Thành Lập Chính Đảng mới Đức Quốc Xã, được Hitler công bố vào ngày 14 tháng 7 năm 1933, nhằm luật hoá sự toàn trị của Hitler và Đảng Quốc Xã Đức mà thôi.

Đáng mừng cho dân tộc Đức là chế độ toàn trị của Đảng Quốc Xã chỉ tồn tại 12 năm. Nguyên khí của quốc gia này đã phục hồi nhanh chóng sau thế chiến thứ 2, mặc dù Đức là nước bại trận.

Trong khi đó, chế độ tòan trị Lê Nin và Stalin tồn tại đến 70 năm, làm tiêu diệt nguyên khí của dân Nga.

Dân tộc Việt, qua 7 thập niên cũng tang thương không kém!

Chính vì thế, toàn bộ HP 2013, nhất là điều 4 Hiến Pháp trở thành biểu tượng của độc tài toàn trị và sự thống khổ lầm than của dân tộc, vì xuất xứ từ những chế độ và băng đảng bại hoại nhất của nhân loại như Quốc Xã và Cộng Sản.

Chúng ta phải phát động một phong trào đả phá hiến pháp 2013 ma quỷ này, xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên cho các thế hệ mai sau, hầu phục hồi nguyên khí quốc gia.

Anh hùng đại hạ giá

Trần Gia Huấn

4-9-2023

Chiều 23/8/2023, chiếc máy bay dân sự chở Prigozhin bốc khói, rơi tự do theo chiều thẳng đứng, trên bầu trời trong xanh, phía tây bắc Moscow. Cả mười người trên chuyến bay thiệt mạng: tổ lái ba, lính bảo vệ 4, ba người còn lại là Prigozhin và Utkin sáng lập tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, Chekalov phụ trách hậu cần – tài chính.

Độc đảng – lưỡng đảng

Nguyễn Văn Nghệ

4-9-2023

Vừa qua, tôi có xem trên Facebook báo Tiếng Dân bài viết “Ước mơ tếu ngày Quốc khánh” của tác giả Mạc Văn Trang. Tác giả kể chuyện xem trận chung kết Cup bóng chuyền nữ quốc tế năm 2023 qua màn ảnh VTV giữa hai đội VN1 và VN2. Trận đấu diễn ra quyết liệt: “Nhân dân được xem hai đội thể hiện tài năng, ý chí, đạo đức thi đấu nên vô cùng hào hứng, sướng con mắt, đã cái bụng, đáng bỏ thì giờ, tiền bạc ra để thưởng thức tài nghệ của các cầu thủ, con em yêu quý của mình”.

Sau khi xem xong trận đấu chung kết giữa hai đội VN1 và VN2, tác giả bài viết: “Bỗng nhiên cảm hứng thăng hoa, nghĩ: Giá như Việt Nam cũng có hai đảng: Đảng Cộng sản 1 và Đảng Cộng sản 2, cùng lấy Chủ nghĩa Mác, Lê nin – Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng… cũng chẳng sao, miễn là có hai đội thi đấu với nhau như hai đội bóng chuyền nữ VN1 và VN2 đấu công khai, sòng phẳng, có trọng tài độc lập, khách quan, lại có công nghệ VAR để kiểm tra lại những pha bên kia khiếu nại. Khách quan, công khai, minh bạch, công bằng như thế thì Dân chen nhau mua vé để xem và bầu chọn những người xứng đáng vào mỗi vị trí, tuyệt biết chừng nào”.

Ước mơ của Mạc Văn Trang khó mà thực hiện, bởi vì những nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định: Kiên định đi theo con đường Bác đi! Mao Trạch Đông nói: “Đảng ngoại vô đảng, đế vương tư tưởng” (Ngoài đảng không có đảng nào khác, đó là ý nghĩ của các bậc đế vương). Do đó trên các thông tin lề phải khi đề cập đến đa đảng đều chốt lại một câu: “Đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam không cần đa đảng và không chấp nhận đa đảng”.

Hiện nay, đa số người dân Việt Nam khi được hỏi trước đám đông (xin nhấn mạnh là “trước đám đông”): Ông (bà) thích độc đảng hay là đa đảng? Không cần phải suy nghĩ và sẽ có câu trả lời: Độc đảng tốt hơn!

Vào thập niên chót của thế kỷ trước, khi còn là sinh viên, tôi vào phòng ký túc xá nữ để thăm một người bạn. Tôi hỏi các bạn nữ trong phòng: Các bạn thích độc đảng hay đa đảng? Các bạn sinh viên sinh sống bên kia vĩ tuyến 17 trả lời phát một: Độc đảng!

Sau khi nghe xong, tôi mới đưa ra một ví dụ: Nếu cho bạn chọn lựa một trong hai, một bộ quần áo đẹp nhất trần gian và hai bộ quần áo xấu hơn một ít, vậy bạn chọn món nào? Sau một hồi đắn đo suy nghĩ và phân tích, các bạn nữ mới nói: bộ quần áo đẹp nhất trần gian, mặc vào rồi đến lúc phải dơ và cần phải giặt giũ và chẳng lẽ trong lúc giặt giũ phơi phóng mình phải khỏa thân sao? Hai bộ quần áo tuy có xấu hơn nhưng cũng có cái để thay ra thay vô!

Tất cả các cán bộ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đều có trình độ lý luận chính trị vững vàng, đều trải qua nhiều năm “Học tập và làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh” nhưng xem đi ngó lại thì những bộ mặt tham nhũng trong thời gian qua toàn là đảng viên. Số lượng đảng viên tham nhũng ngày càng “đông như quân Nguyên” và họ đã “ăn không từ một thứ gì” (Lời phát biểu của bà Cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan).

Với mong muốn làm trong sạch bộ máy của đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mở “Chiến dịch đốt lò” chống tham nhũng. Những việc thanh trừng chống tham nhũng hiện nay chẳng qua là giữa phe này phái nọ “ghen ăn tức ở” với nhau mà thôi (Trong nội bộ đảng vẫn có phe phái. Mao Trạch Đông đã nói: “Đảng nội vô phái, thiên kỳ bách quái” [Trong nội bộ đảng mà không có phe phái là chuyện kỳ quặc, lạ đời]).

Năm Bính Thân (1296) thời vua Trần Anh Tông: “Nhân Huệ vương Khánh Dư từ Bài Áng vào chầu. Người trong trấn kiện Khánh Dư tham lam thô bỉ. Hành khiển đem sự trạng tâu lên. Khánh Dư nhân đó tâu vua: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng có gì là lạ?”. Vua không hài lòng, Khánh Dư bèn trở về. Khánh Dư vào chầu không quá 4 ngày đã trở về, vì sợ ở  lâu bị vua khiển trách” [*].

Từ xa xưa đã có chuyện nương tay hoặc bao che cho nhau của giới cầm quyền. Giới cầm quyền có ai lại đi bẻ hết móng vuốt chim ưng mình đâu!

Thời Nguyễn Tấn Dũng còn giữ chức Thủ tướng, có phát biểu: “Tôi nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng – có lẽ làm thủ tướng lâu nhất – có lần nói chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào. Hơn ba năm nay tôi làm thủ tướng cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào” Hoặc nhiều vị lãnh đạo vin vào cái câu: Diệt hết tham nhũng lấy ai làm cán bộ? [**] Do đó móng vuốt chim ưng ngày càng dài ra và sắc bén.

Y phục có thuộc loại xịn nhất thế giới, mặc một thời gian sẽ bị dơ bẩn và khi ấy sẽ phải thay bộ y phục ấy chẳng lẽ bận bộ ấy hoài, như thế ai chịu nỗi. Sau khi thay thì phải cần có bộ y phục khác để mặc vào.

Câu nói “Đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam không cần đa đảng và không chấp nhận đa đảng” luôn xuất hiện trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng của Nhà nước Việt Nam nhưng vẫn chưa được thực hiện bằng cuộc trưng cầu dân ý nào cả!

Nguyễn Văn Nghệ, Diên Khánh – Khánh Hòa

________

Chú thích:

[*] Đại Việt sử ký toàn thư tập II, Nxb Văn hóa- Thông tin, Hà Nội, 2000, t. 110

[**] https://tuoitre.vn/thu-tuong-nguyen-tan-dung-hon-3-nam-nay-toi-chua-ky-luat-ai-348716.htm

Ai đã lựa chọn con đường cho Việt Nam?

Nguyễn Đình Cống

2-9-2023

Ngày 1 tháng 9, tại cuộc meeting ở Hà Nội, kỷ niệm ngày 2 tháng 9, chủ tịch Võ văn Thưởng đọc diễn văn, cho rằng: “Đảng, bác Hồ, Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn con đường Độc lập gắn với Chủ nghĩa xã hội (CNXH)”.

Ước mơ tếu ngày Quốc khánh

Mạc Văn Trang

2-9-2023

Thú thật với các bác, ngày nay xem phụ nữ biểu diễn nghệ thuật hay chơi thể thao thấy thích hơn xem nam giới. Về sức nhanh, mạnh, bền phụ nữ không kém nhiều so với nam giới; còn về khéo léo, duyên dáng, chơi đẹp, hấp dẫn thì họ hơn hẳn nam giới.

Nên tổ chức Lễ Phóng sanh thật hoành tráng

Thục Quyên

1-9-2023

Tuần lễ vừa qua, các chùa tổ chức Lễ Vu Lan với nghi lễ Bông Hồng cài áo; nhiều chùa còn có Lễ Phóng Sanh sau phần nghi lễ chính thức. Trên truyền thông xuất hiện hàng loạt bài viết kêu gọi ngưng tổ chức lễ này và chỉ trích nặng nề chuyện mua chim cá để thả (phóng sinh) gây ra cả một chiến dịch đánh bắt chim, cá để mua bán.

Oan khuất và giải oan

Trịnh Khả Nguyên

1-9-2023

Những ngày nầy là mùa Rằm tháng bảy Âm lịch, một số chùa chiền, nhà tư rộn ràng lo tổ chức lễ cúng giải oan cho cõi Âm, là những người đã chết, “tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”. Còn chuyện oan cho cõi Dương, cho người sống thì khác. Chuyện cúng giải oan cho cõi âm sẽ nói ở phần sau, bây giờ nói chuyện oan trên dương thế. Oan có hai dạng là bị oanđược oan.

VinFast và thế giới những “cổ phiếu rác”

Nhã Duy

31-8-2023

Có thể chỉ là trùng hợp hay theo biến động thị trường, tuy nhiên chỉ vài giờ sau khi Jim Chanos gọi cổ phiếu VinFast là “meme stock” thì giá cổ phiếu VinFast đã rớt gần phân nửa trong ngày thứ Ba tuần này. Jim Chanos là một chủ tịch hãng cố vấn tài chính tại New York và là một nhà bán khống cổ phiếu (short-seller) lừng danh trong thế giới tài chính, từng dự đoán và bán khống thành công một số cổ phiếu các hãng lớn trước khi chúng bị sụp đổ.

Nghĩ vẩn vơ nhân ngày “Đại lễ Vu Lan” rằm tháng Bảy

Mạc Văn Trang

31-8-2023

Mấy hôm nay trên các phương tiện truyền thông nhà nước và mạng xã hội sôi nổi về “Đại Lễ Vu lan”, “Đại Lễ phóng sinh” vào Rằm tháng Bảy, khiến tôi cứ nghĩ vẩn vơ, lan man.

Phe nhóm chính trị một thời ở Lào Cai 

Phạm Vũ Hiệp 

30-8-2023

Thượng tầng chính trị của đảng luôn cho rằng, hoàn toàn không có sự thanh trừng nội bộ, tranh giành quyền lực hay phe nhóm trong đảng. Cái loa khổng lồ của hệ thống tuyên giáo luôn gào thét “những luận điệu phản động, xuyên tạc” đang vu khống cuộc đấu tranh chống tham nhũng gắn liền với công tác xây dựng và chỉnh đốn đảng.

Hiến Pháp 2013 và quyền sở hữu đất đai trong bối cảnh xã hội dân sự tại Việt Nam

Đào Tăng Dực

29-8-2023

Quyền sở hữu tư sản (private properties) nói chung và đặt biệt quyền sở hữu đất đai (land ownership) có một tương quan thuận chiều với mức độ dân chủ và sự tôn trọng nhân quyền cũng như các quyền tự do khác trong một quốc gia.

Georgia, cáo trạng cho MAGA

Nhã Duy

27-8-2023

Cuối cùng rồi nước Mỹ và cả thế giới cũng đã thấy được những khuôn mặt của một thời quyền lực trong thế giới MAGA là những phạm nhân. Những tấm ảnh được chụp từ nhà tù quận hạt Fulton, thuộc tiểu bang Georgia, đã đánh dấu một cột mốc lịch sử trong cuộc chiến bảo vệ nền dân chủ và hiến pháp của nước Mỹ cùng hệ thống tư pháp Hoa Kỳ nói riêng, về một giai đoạn đầy thử thách của quốc gia kể từ ngày lập quốc.

Đảng CSVN, con chốt hèn trong bàn cờ chế ngự Bá Quyền Trung Quốc tại Biển Đông

Đào Tăng Dực

26-8-2023

Thứ Sáu ngày 18-8-2023, một biến cố quan trọng xảy ra. Đó là cuộc họp thượng đỉnh giữa 3 nguyên thủ quốc gia tại Camp David, nơi nghỉ mát truyền thống của các tổng thống Hoa Kỳ.

Người dân Việt Nam, văn hóa Việt Nam bị xúc phạm

Phạm Đình Trọng

24-8-2023

Văn Cao sinh ngày 15-11-1923. Còn ba tháng nữa mới đến 100 năm ngày sinh của hiền tài Văn Cao.

Phe nhóm nào ra tay tàn độc với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành? 

Phạm Vũ Hiệp

22-8-2023

Thường khi bị bệnh, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước tìm đường sang xứ “tư bản giãy chết” để chữa, còn “thiên đường” với các bệnh viện công mà họ xây dựng chỉ để dành cho dân. Nhiều quan chức bệnh nặng, hiếm khi chữa trị trong nước mà tìm đường sang xứ “giãy chết”.

Đốt lò, không đốt tiền của người bị hại

Nguyễn Huy Cường

21-8-2023

Vụ án ông Điếu cày Thanh Thản đang diễn tiến. Tại vụ án này có rất nhiều người, pháp lý gọi là “Người có trách nhiệm và quyền lợi liên quan”, chính là người mua nhà, mua bất động sản của ông Thanh Thản.

Nguyễn Hữu Đang: Một con người đáng cảm phục

Nguyễn Đình Cống

21-8-2023

Nguyễn Hữu Đang (1913-2007), xuất thân gia đinh trí thức, quê Thái Bình. Tham gia mặt trận Dân chủ từ 1936, hoạt động trong lĩnh vưc Văn hóa cứu quốc. Được bầu vào Ủy Ban Dân tộc Giải phóng tại Tân Trào (tháng 8/1945), Thứ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Lâm thời.

Lão võ sư thách đấu với trung tá công an đánh dân ở Bình Phước

Võ sư Bắc Hà

16-8-2023

Chào trung tá Lê Huy Cao, sĩ quan công an “nhân dân” vừa đánh dân bầm dập ở Bình Phước.

Bi kịch của những kẻ tham nhũng quyền lực

RFA

Mai Luân

14-8-2023

Các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 31/1/2021. Nguồn: AFP

Đảng CSVN và tà thuyết đấu tranh tôn giáo

Đào Tăng Dực

14-8-2023

I. Dẫn nhập:

Khi duyệt lại lịch sử nhân loại, chúng ta nhận ngay rằng, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, định mệnh của các dân tộc lớn tại Đông Á bao gồm Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam kinh qua những cơn địa chấn lớn lao. Đó là sự bành trướng của Chủ Nghĩa Thực Dân Tây Phương và sự vươn lên của phong trào quốc tế vô sản dưới sự lãnh đạo của Đệ Tam Quốc Tế CS do Lê Nin chủ xướng.

Liệu Ấn Độ có thể đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán?

Foreign Affairs

Tác giả: Happymon Jacob

Đỗ Kim Thêm dịch

2-8-2023

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hiroshima, Nhật hồi tháng 5 năm 2023. Nguồn: Ukrainian Presidential Press Service / Reuters

Thông thường, người ta cho rằng cuộc chiến Ukraine chỉ là một sự thu xếp của phương Tây. Theo lập luận này, việc Nga xâm lược Ukraine đã kích động phương Tây và truyền cảm hứng cho họ hành động phối hợp để bảo vệ một quốc gia dân chủ, nhưng họ đã không gây được tiếng vang ở nhiều nơi khác trên thế giới. Các quốc gia ở phía Nam bán cầu nói chung, thờ ơ với hoàn cảnh của Ukraine hoặc chỉ đơn thuần khó chịu vì sự bất lợi mà cuộc chiến đã gây ra cho nền kinh tế của họ. Giới quan sát ở phía Nam bán cầu có thể chỉ ra một cách gay gắt về các cuộc xung đột mà nó không được quan tâm và đang hoành hành trong các bìa rừng của láng giềng, nhưng giới chỉ trích ở phương Tây coi hàng rào cản và tính cách trung lập theo chức năng của các nền dân chủ như Brazil, Ấn Độ và Nam Phi tương đương với việc dung túng cho các hành động của Nga hoặc từ chối các chuẩn mực và giá trị về tự do.

Tuy nhiên, những người giám sát rào cản đó không chỉ đơn giản chờ đợi một cách thụ động ở bên lề; nhiều người trong số họ tích cực tìm cách chấm dứt chiến tranh. Trong những tháng gần đây, một loạt kế hoạch về hòa bình đã khởi phát từ các quốc gia ở phía Nam bán cầu, trong số những nước khác, có các sáng kiến riêng biệt do Brazil, Indonesia và một nhóm các nước châu Phi thúc đẩy. Giới quan sát phương Tây có xu hướng bác bỏ những đề xuất này hoặc không dành nhiều quan tâm, và cả các quan chức Nga và Ukraine đã bác bỏ nhiều khía cạnh của các kế hoạch dành nhượng bộ quá nhiều cho đối phương.

Chắc chắn, các điều kiện trên chiến trường sẽ cần phải thay đổi mang tính quyết định trước khi Moscow hoặc Kyiv sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán có ý nghĩa để hướng về việc chấm dứt xung đột. Nga và Ukraine đã không đạt được tình trạng bế tắc gây tổn thương cho nhau để buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán. Các cuộc thảo luận mà tôi đã tham gia trong các chuyến thăm Nga và Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu hồi năm ngoái cho thấy rõ ràng rằng, hiện không bên nào tìm kiếm việc ngừng bắn hoặc chấm dứt chiến tranh bằng ngoại giao. Nga dường như có khuynh hướng nghiêng về một cuộc chiến kéo dài, Nga tin rằng về lâu dài, họ có ưu thế. Mặc dù có thể không phản đối việc ngừng bắn, điện Kremlin sẽ không từ bỏ lãnh thổ đã chiếm đóng. Đó không là khởi điểm đối với Ukraine. Dựa trên sự ủng hộ của đa số dân chúng đối với quân đội, chính phủ Kyiv tin rằng động lực đang có lợi cho họ, nhưng họ không có thêm những chiến thắng lớn trên chiến trường, Ukraine sẽ chỉ đàm phán từ một thế yếu.

Nhưng dù thiếu một giải pháp cuối cùng, nền ngoại giao vẫn có thể giúp hạn chế và làm giảm sự tàn phá của chiến tranh và các tác động dây chuyền đối với nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia thuộc phía Nam bán cầu khi họ không đứng theo phe nào rõ ràng trong cuộc chiến, họ có vị trí tốt hơn các nước phương Tây hoặc Trung Quốc để đóng vai trò là trọng tài trung lập trong việc cố gắng xây dựng một tiến trình ngoại giao mà nó có thể giúp kiềm chế sự thái quá của chiến tranh và đặt các nền móng cho một thỏa thuận ngừng bắn hoặc hòa bình.

Với tư cách là một cường quốc quan trọng đã được cả Nga và Ukraine kiên trì ve vãn kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, Ấn Độ đóng một vai trò ở đây. Việc New Delhi từ chối công khai lên án cuộc xâm lược của Nga đã cho phép họ duy trì các mối quan hệ lịch sử với Moscow. Nhưng trong năm qua, Ấn cũng đã nồng ấm với Ukraine. Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản vào cuối tháng 5, Modi đảm bảo với Zelensky rằng, Ấn Độ sẽ làm “mọi thứ có thể” để giúp chấm dứt chiến tranh.

Bằng cách đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, Ấn Độ có thể tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại rất cần thiết giữa các bên tham chiến, điều tiết tác động nhân đạo của cuộc xung đột và giúp giảm bớt thiệt hại kinh tế mà cuộc chiến đã gây ra cho các nước thuộc phía Nam trên toàn cầu. Ấn Độ không nên đánh giá quá cao những gì họ có thể đạt được, nhưng cũng không nên sợ hãi khi tự coi mình là nhà trọng tài và khẳng định ý tưởng của mình trong một cuộc xung đột ở xa đất nước.

Ấn Độ, nhà trọng tài

Cuộc gặp gỡ giữa Modi và Zelensky đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý trong phương cách của Ấn Độ đối với Ukraine. Trong vài tháng qua, New Delhi đã thực hiện các biện pháp cho thấy, cuối cùng họ đã bắt đầu quan hệ với Ukraine một cách nghiêm túc, gồm tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận giữa Andriy Yermak, Tham mưu trưởng của Zelensky và Ajit Doval, Cố vấn an ninh quốc gia của Modi, về quan hệ song phương và kế hoạch hòa bình mười điểm của Ukraine. Trước đây, việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ của Ấn Độ với Nga – bao gồm cả mở rộng việc mua năng lượng – sau cuộc xâm lược đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu và kích động sự thiếu kiên nhẫn của phương Tây. Hiện nay, Ấn Độ đang thực hiện một con đường khác. Mặc dù tinh tế, sự thay đổi này là sản phẩm của một số yếu tố, bao gồm việc mong muốn của Modi tự thể hiện mình như là một chính khách quốc tế để nhắm tới cuộc tổng tuyển cử vào năm 2024, mối quan tâm ngày càng tăng của Ấn Độ về các tham vọng của Trung Quốc, nhu cầu đồng thời phục vụ cho sự nhạy cảm của phương Tây và sự cấp thiết phải cân bằng các đối thủ mà nó là trọng tâm trong truyền thống chiến lược của Ấn Độ.

Không có gì ngạc nhiên khi một cường quốc không phải phương Tây lại quan tâm đến cuộc xung đột Ukraine như vậy. Cho đến nay, các thỏa thuận có ý nghĩa nhất được ký kết giữa Nga và Ukraine trong cuộc chiến đã được Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian: Các thỏa thuận về vận chuyển ngũ cốc cần thiết và các sản phẩm nông nghiệp rất cần thiết qua Biển Đen hiện đã bị loại trừ. Các sáng kiến được các nước phương Tây hỗ trợ mà họ là đồng minh và những người ủng hộ thân cận của Ukraine hoặc Trung Quốc nhà hảo tâm của Nga, chắc chắn sẽ được chào đón với sự nghi ngờ. Ấn Độ có một cơ hội duy nhất để tham gia một cách công khai bởi vì đã không lên án Nga và tiếp tục duy trì quan hệ với Moscow.

Hơn một tuần sau khi gặp Zelensky, Modi đã gọi điện cho Putin để thúc giục “đối thoại và ngoại giao” trong việc chấm dứt chiến tranh. Tại hội nghị thượng đỉnh G-20 vừa qua ở Indonesia, Ấn Độ đã giúp các thành viên của nhóm, gồm cả các đối thủ Nga và Mỹ, đi đến thỏa thuận qua ngôn ngữ của việc tuyên bố chính thức được đưa ra vào cuối cuộc họp. Như Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar chỉ ra: “Ấn Độ sẽ không thể làm trung gian hòa giải và giúp giảm bớt tình hình một cách có giá trị nếu họ làm những gì phương Tây muốn họ làm trong giai đoạn đầu của cuộc chiến“.

Vào tháng 9, Ấn Độ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-20 tiếp theo. Ấn Độ có thể nhấn mạnh hơn nữa về năng lực lãnh đạo của mình bằng cách đề xuất và hướng dẫn các trao đổi ngoại giao khiêm tốn giữa Nga, Ukraine và các đối tác của họ. Các đề xuất quan trọng để chấm dứt chiến tranh – như đã được một số quốc gia đưa ra, một số quốc gia bao gồm Brazil, Trung Quốc và Indonesia –dường như không được thực hiện nghiêm túc ở giai đoạn này.

Nhưng Ấn Độ có thể đưa các đối thủ vào bàn đàm phán để theo đuổi các thỏa thuận và hiểu biết mang tính dự kiến hơn. New Delhi có thể khuyến khích và tạo điều kiện đối thoại giữa các bên về một loạt các vấn đề ở mức độ thấp hơn. Trong các cuộc thảo luận gần đây của tôi với các quan chức và thành viên trong giới chiến lược ở New Delhi và Kyiv, một số ý tưởng hữu ích đã xuất hiện với tiềm năng cho việc áp dụng trong thực tế. Thứ nhất, Ấn Độ có thể tổ chức các cuộc gặp cấp cao giữa các đối thủ. Từ khi cuộc chiến bùng nổ, New Delhi là địa điểm tổ chức cuộc gặp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào tháng 3 này. Tương tự như vậy, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G-20 năm nay, New Delhi có thể tích cực khuyến khích nhiều cuộc họp kiểu này ở Ấn Độ giữa các bên tham gia khác nhau. Mặc dù New Delhi không có khả năng mời Ukraine tham gia G-20 (Ukraine không phải là thành viên), hội nghị thượng đỉnh có thể trở thành cơ hội cho “các cuộc gặp gỡ tình cờ”, “tham dự”, các cuộc họp bên lề hoặc thậm chí là các cuộc trò chuyện chính thức hơn giữa các nhà lãnh đạo từ Nga, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu. New Delhi có thể đem lại việc thu phục nhẹ nhàng của một người trung gian mai mối nhưng có quan tâm.

Chính phủ Ấn Độ cũng có thể hỗ trợ các cuộc đàm phán bán chính thức và các cuộc đối thoại không chính thức giữa các đối tác cấp cao từ Nga, Ukraine, Mỹ và châu Âu để thảo luận về tình trạng hiện tại và diễn biến của cuộc chiến, tác động của nó và những cách thức tiềm tàng mà nó sẽ kết thúc. Các cuộc thảo luận như vậy sẽ giúp xây dựng một mức độ tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, điều kiện tiên quyết cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai. Ấn Độ có thể tổ chức chính thức hoặc không chính thức hoặc khuyến khích các cuộc thảo luận như vậy. Việc thiếu các cuộc đối thoại quan trọng trong cách này là vô cùng hỗn độn (một cuộc họp đầu năm nay giữa Lavrov và một số học giả và cựu quan chức Mỹ là một ngoại lệ hiếm hoi). Điều đáng lo ngại hơn nữa là sự miễn cưỡng của cường quốc kiến tạo hòa bình thế giới, Liên minh châu Âu áp dụng kinh nghiệm của mình trong việc xây dựng hòa bình và giải quyết xung đột vào cuộc xung đột với Nga. Mặt khác, Ấn Độ có truyền thống tham gia đối thoại với các đối thủ ngay cả giữa chiến tranh, như đã làm trong cuộc xung đột Kargil năm 1999 với Pakistan. Khả năng giao tiếp với Pakistan và Trung Quốc, hai nước mà Ấn Độ đã tham gia chiến tranh và có mối quan hệ đối địch, cũng làm nổi bật mong muốn tránh sự thù địch ý thức hệ cứng nhắc, giống như Chiến tranh Lạnh với những kẻ thù.

Trong việc tham vấn với các đối tác, New Delhi cũng có thể xác định các vấn đề quan trọng mà các quan chức của Ukraine và Nga có thể giải quyết nhằm mục đích xây dựng lòng tin và cứu trợ cho thường dân bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến. Cả hai bên có thể quan tâm đến việc thảo luận các vấn đề như đối xử nhân đạo với các tù nhân, xác định và thực hiện (cùng với cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, the International Atomic Energy Association, IAEA) các hạn chế đối với các mục tiêu quân sự xung quanh các nhà máy điện hạt nhân, không khuyến khích việc sử dụng loại bom chùm, sơ tán các thường dân ra khỏi các khu vực giao tranh dữ dội và sắp xếp các lệnh ngừng bắn tạm thời ổ địa phương để bảo vệ dân thường.

Các quan chức Ấn Độ đã nhiều lần nhấn mạnh tác động của cuộc chiến đối với nền kinh tế quốc gia và an ninh lương thực, và đối với nước thuộc phía Nam bán cầu nói chung. Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã dẫn đến giá lương thực và năng lượng tăng đột biến, gây ra lạm phát, làm suy yếu đồng tiền quốc gia và quốc tế không còn quan tâm đến tình trạng hỗn loạn kinh tế ở nhiều quốc gia thuộc miền Nam trong toàn cầu mà họ vẫn đang quay cuồng với các hậu quả của trận đại dịch COVID-19. Quyết định đáng tiếc gần đây của Nga không gia hạn thỏa thuận về ngũ cốc do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, một lần nữa gây ra lo ngại về an ninh lương thực trên toàn thế giới, đó là cơ hội để New Delhi nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh lương thực. New Delhi có thể thuyết phục Moscow gia hạn thỏa thuận, tận dụng cả mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Nga, vốn chỉ phát triển kể từ đầu cuộc chiến, và thiện chí mà họ có được ở Moscow. Đầu tháng 6, Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink đã công khai khuyến khích Ấn Độ làm điều đó. Bà nói: “Các nhà lãnh đạo Ấn Độ có tiếng nói độc đáo để đứng lên bảo vệ các nước đang phát triển và khuyến khích tiếp tục và mở rộng Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen để đảm bảo mọi người trên khắp thế giới có thể tiếp nhận thực phẩm mà họ rất cần”.

Với tư cách là một cường quốc hạt nhân, Ấn Độ cũng có thể cố gắng bảo đảm rằng, vũ khí hạt nhân không được sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào trong cuộc xung đột này. New Delhi luôn ủng hộ việc không sử dụng các vũ khí hạt nhân, gồm cả vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn và tin tưởng mạnh mẽ vào điều cấm kỵ hạt nhân. Ấn Độ nên kêu gọi tất cả các bên liên quan bảo đảm rằng không bên nào đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật vào cuộc chiến, ngay cả khi một đề xuất như vậy có thể không gây ấn tượng đối với Nga.

Để gây ấn tượng, khi bắt đầu khởi động, New Delhi nên chỉ định một đặc sứ, triệu tập các bên khác nhau trong cuộc xung đột và thực hiện các nỗ lực như đã phác hoạ ở trên. Ấn Độ cũng có thể tham gia các sáng kiến do nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế khác nhau đề xuất, chẳng hạn như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và IAEA, thúc đẩy để phát triển một kế hoạch hòa bình hoặc ít nhất là các khía cạnh của một kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng Ấn Độ nên hành động nhanh chóng để tận dụng sự nồng ấm ngày càng tăng giữa Modi và Zelensky, và sự quan tâm mà Ấn Độ sẽ nhận được với tư cách là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G-20 sắp tới. Một khi chiến tranh kết thúc hoặc các bên đồng ý ngừng bắn, Ấn Độ cũng có thể xem xét, đảm nhận vai trò lớn hơn trong nỗ lực gìn giữ hòa bình giữa hai nước, với kinh nghiệm dày dặn trong các hoạt động gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới, một viễn cảnh mà các quan chức ở Kyiv có thể hoan nghênh, trong khi đánh giá qua các cuộc thảo luận của tôi ở đó. Bằng cách này, Ấn Độ có thể đóng vai trò hỗ trợ trong việc duy trì tương lai an ninh châu Âu.

Lãi nhiều, lỗ ít

Điểm không thể tranh cãi là lợi ích của Ấn Độ khi cố gắng thực hiện một vai trò như vậy. Ở cấp độ rộng rãi nhất, những hành động này sẽ cho phép chính phủ Modi nhắc nhở cho thế giới biết rằng Ấn Độ là một cường quốc quan trọng. Ấn Độ tìm cách tự tạo lập mình như là một cực trong một hệ thống quốc tế đa cực, và can thiệp theo cách này vào cuộc chiến ở Ukraine sẽ nhấn mạnh khả năng giúp duy trì trật tự toàn cầu. Điều này càng quan trọng hơn đối với Ấn Độ vào thời điểm mà Trung Quốc, nước láng giềng và đối thủ, cũng đang tìm cách tự coi mình là một nhà kiến tạo hòa bình quốc tế. Bằng cách nỗ lực hướng tới việc bảo đảm một tình trạng hòa hoãn khó chịu giữa Iran và Ả Rập Saudi, Trung Quốc đã thể hiện mình là một lực lượng địa chính trị quan trọng, điều mà Ấn Độ vẫn chưa thể hiện.

Trung Quốc đã thúc đẩy kế hoạch hòa bình của riêng mình để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, mặc dù các quan chức ở Kyiv và phương Tây không coi trọng kế hoạch này. Nhưng nỗ lực hòa giải của Trung Quốc đã cho phép họ nuôi dưỡng thiện chí ở Nga, Ukraine và châu Âu, với người Ukraine và các đồng minh phương Tây của họ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng hỗ trợ tái thiết đất nước bị tàn phá. Điều này sẽ chỉ thúc đẩy vị thế địa chính trị của Trung Quốc. Cuộc chiến càng kéo dài, nó càng làm tăng sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc và hạn chế hơn nữa khả năng và sự sẵn sàng của Nga qua việc giúp đỡ New Delhi trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh. Điều đó sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các quan chức Ấn Độ mạo hiểm làm phật lòng Nga, bằng cách thúc đẩy nước này xoa dịu sự thù địch. New Delhi không muốn cuộc chiến khiến Nga bị vùi dập và yếu đuối, mà thay vào đó, muốn duy trì một nước Nga mạnh mẽ, có thể củng cố tình trạng đa cực ở châu Á và ngăn chặn bá quyền Trung Quốc.

Cuộc chiến Ukraine cuối cùng cũng sẽ kết thúc. Trong khi đó, các quốc gia phải cố gắng kiềm chế cường độ bạo lực, chuẩn bị nền tảng cho các cuộc đối thoại chiến lược hơn và xây dựng lòng tin cho các lệnh ngừng bắn trong tương lai và có thể là một hòa ước tiềm tàng. Những nỗ lực của New Delhi có thể, tốt nhất, là làm giảm bớt những tác động tàn phá nhất của cuộc chiến; tệ nhất, họ sẽ tạo ra sự khác biệt nhỏ. Nhưng các quan chức Ấn Độ sẽ phạm sai lầm nếu họ không làm gì khi họ và thế giới đạt được quá nhiều.

***

Tác giả: Happymon Jacob là Phó Giáo sư về Ngoại giao và Giải trừ Quân bị tại Đại học Jawaharlal Nehru và Sáng lập viên Hội đồng Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, một tổ chức tư vấn có trụ sở đặt tại New Delhi.

Chủ nghĩa tư bản Việt Nam, sản xuất hay đánh bạc?

Jackhammer Nguyễn

13-8-2023

Trường hợp Vinfast

Trong tuần lễ thứ hai của tháng 8/2023, công ty đầu tiên của Việt Nam là Vinfast dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu của mình trên thị trường chứng khoán Nasdaq của Mỹ. Đây là thị trường chứng khoán có nhiều công ty kỹ thuật cao.

Thi vị hoá cái ác

Phạm Đình Trọng 

12-8-2023

Sáng tác văn học đầu tiên của loài người là truyện cổ tích, là ca dao tục ngữ, là sử thi, anh hùng ca.

Mỹ chả ra gì?

Mạc Văn Trang

11-8-2023

Mấy cậu dư luận viên (DLV) toàn suy bụng ta ra bụng người, cứ vu cho mình viết bài “nói xấu chế độ” để mong “bám càng sang Mỹ, kiếm ít bơ thừa, sữa cặn”! Họ tưởng mình cũng ước ao như họ mà, thật tội nghiệp. Nói cho mà biết: Nhà nước có mua vé máy bay, các thêm vàng tớ cũng chả bỏ Việt Nam sang Mỹ sống nhé.