Trịnh Hữu Long
17-4-2022
Có quyền nói thì muốn chất vấn Dạ Thảo Phương và các nạn nhân bị quấy rối tình dục thế nào cũng được. Có chất vấn hợp lý, có chất vấn vô lý. Lương Ngọc An vẫn được suy đoán vô tội, và nguyên tắc này vẫn phải được tôn trọng.
Nhưng khi viện dẫn luật pháp và nguyên tắc suy đoán vô tội ra thì chớ phạm bốn điều:
1. Đừng giả vờ như Dạ Thảo Phương bình đẳng với Lương Ngọc An.
2. Đừng giả vờ như Dạ Thảo Phương và những người tố cáo quấy rối tình dục nói chung sẽ có cơ hội được trình bày trước pháp luật, được pháp luật lắng nghe và phán xử công bằng.
3. Đừng giả vờ như không biết nạn nhân bị quấy rối/tấn công tình dục bị xã hội phán xét cay nghiệt như thế nào khi lên tiếng.
4. Đừng giả vờ như không biết nạn nhân phải chịu tổn thương tâm lý nặng nề và gia đình họ phải chịu đau khổ như thế nào khi lên tiếng.
Ngay cả những người tin Dạ Thảo Phương cũng chẳng ai nghĩ rằng có chứng cứ đầy đủ hay có thể kiểm chứng câu chuyện này theo các tiêu chuẩn pháp lý thông thường.
Chẳng ai tước đi quyền được suy đoán vô tội của Lương Ngọc An. Nhưng bằng cách phạm phải bốn lỗi giả vờ trên, người ta tước đi của Dạ Thảo Phương và những người tố cáo khác cơ hội được pháp luật lắng nghe.
Nên nhớ rằng khi điều tra viên nhận được một đơn tố cáo, họ cũng chẳng có bằng chứng gì để khẳng định điều gì, họ cũng chẳng biết tin ai. Thứ duy nhất họ có là niềm tin nội tâm và phán đoán logic dựa trên những thông tin đang có để quyết định có mở hồ sơ điều tra một vụ việc hay không.
Vụ Dạ Thảo Phương vượt ra ngoài các thảo luận pháp lý thuần túy. Đó là một cơ hội để thay đổi cách xã hội nhìn nhận nạn nhân bị quấy rối tình dục lẫn cách pháp luật bảo vệ quyền lợi cho họ. Đó là lý do người ta ủng hộ Dạ Thảo Phương và các nạn nhân khác lên tiếng, bất kể người ta có tin những lời tố cáo hay không.
Viện dẫn luật thì tốt, nhưng chớ máy móc mà quên mất cái bối cảnh chính trị – xã hội mà cái luật đó ra đời, và quên mất rằng pháp luật hoàn toàn có thể thay đổi theo hướng công bằng hơn.