Thôi Trữ giết vua và chuyện lựa chọn hay bắt buộc học môn sử

Đông Sa

1-6-2022

Bài “Lịch Sử Truyền Đời” của TS Nguyễn Ngọc Chu kể cũng đã… chu lắm rồi. Chủ đề chính trong bài có lẽ nhân chuyện có dư luận phản biện về việc “Môn sử là lựa chọn hay bắt buộc” ở ba năm cuối trung học, mà bàn rộng ra về chương trình giáo khoa, nội dung môn học, và cách thức dạy học môn sử ở 3 bậc học 12 năm, nhiều hơn, chính hơn là nêu chủ kiến về Lựa Chọn hay Bắt Buộc.

Ở vài đoạn gần phần kết bài, có thể hiểu (hoặc tôi hiểu nhầm) rằng TS Chu có phần nghiêng về Lựa Chọn cho môn Sử ở 3 năm cuối trung học, tuy chủ kiến đó không rõ ràng. Bỡi quả penalty ở phút 90+3 quyết định cho Tự Chọn hay Bắt Buộc thắng chung cuộc không ở trong chân ông. Và cho dù có thêm một số kha khá độc giả, như tôi và ngay cả TS Chu nữa để thêm phiếu cho bên này hay bên kia, thì – xin lỗi – kết quả “cũng chẳng ăn thua gì”.

Lòng vòng như thế chỉ cốt để nêu rằng, ý tưởng của bài viết “Lịch Sử Truyền Đời” giá trị hơn nhiều so với chuyện bỏ phiếu cho Tự Chọn hay Bắt Buộc.

Tâm đắc nhất là mấy ý sau đây:

– Sau khi dẫn ra các khuyết điểm, nhược điểm, bị học sinh “ruồng bỏ”, dẫn đến hậu quả có thể coi như thất bại trong việc truyền đạt kiến thức lịch sử phổ thông cho học sinh trung – tiểu học, TS Chu quy trách là: “Do những người có quyền quyết định nội dung môn Sử và những người soạn sách giáo khoa môn Sử”.

– Ý thứ hai là, “giai đoạn tốt nhất để hun đúc lòng yêu nước cho học sinh qua môn học lịch sử là giai đoạn thiếu nhi ở bậc tiểu học”.

Đây là những ý rất sâu sắc, chìm khuất giữa những tiểu đoạn, tiểu đề mang nhiều “tính-thời đại” và một phần kết hơi dài.

Dẫu có thừa thì cũng phải nhắc lại một lần nữa rằng: Lịch sử cũng là một môn khoa học như bao nhiêu môn cần học khác của con người từ bé thơ cho đến kỳ lão giả. Và cũng như bao nhiêu môn khoa học nhân văn khác, đều phải tìm đến cái CHÂN để rồi sau đó hướng con người đến THIỆN và MỸ.

Xáp vô tiểu học, các cháu đã được kể chuyện “anh hùng Lê-Văn-Tám”, rồi học sử cũng theo cái kiểu “Lê Văn Tám” như thế, thậm chí đến nay, đố ai biết còn cơ man nào những trường tiểu học mang tên Lê Văn Tám…

Lớn lên chút nữa, học sử nhà Nguyễn-Gia-Miêu thì được soạn theo  “khẩu khí”: Bảo-Đại là cháu Gia-Long/ Là con Khải Định là giòng Việt gian, Phan-Lâm mãi quốc, triêu đình khí dân; sổ toẹt công lao mở cõi một dãi từ Quảng Nam đến Hà Tiên, thì thử hỏi CHÂN nào để hướng theo THIỆN, MỸ.

Mà đã không chấp nhận cái này thì phải “chế” một cái “chân” khác để thế vô, để hướng tới cái thiện mỹ là “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ, cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp” – Một “cục” nhất quán về phương thức thực hiện và tư tưởng dẫn đường.

Đó là những ký ức lịch sử chưa bao giờ được phân định và một núi trách nhiệm lịch sử như quyết để phôi phai.

Câu chuyện “Thôi Trữ giết vua” có lẽ nhiều học sinh trung học cũng biết, chẳng cần gì tới cỡ “nhà sử học”.

Thời Xuân-Thu, ở nước Tề, chính Thôi Trữ đưa Khương Quang lên làm vua nước Tề là Tề Trang Công. Nhưng sau đó Trang Công bại hoại, Thôi Trữ giết Trang Công và đưa Xữ Cửu lên làm vua là Tề Cảnh Công.

Thôi Trữ là “dưới một người (trên danh nghĩa) mà trên muôn người” nhưng vẫn sợ mang tiếng đời là tặc tử giết vua. Thôi Trữ ép quan Thái-sử-lệnh nước Tề là Bá viết khác đi. Thái-sử Bá suy nghĩ một lúc rồi cầm bút viết đúng sự thật lịch sử: “Tháng 5, mùa hè năm Ất hợi, Thôi Trữ giết chết vua Quang (Tề Trang Công)”. Thôi Trữ chém Bá tức thì.

Kế tục Thái-sử Bá là hai anh em Trọng và Thúc, cũng chép vào sử “Thôi Trữ giết vua” và cũng bị Thôi Trữ chém cả. Đến lượt người em út là Thái-sử Quý được gọi vào. Thái-sử Quý đã chép sẳn vào sử là “Thôi Trữ giết vua”, rồi đưa cho Thôi Trữ và chờ cái chết chém như anh mình.

Đến nước này thì Thôi Trữ đành thua khí tiết khẳng khái của quan Thái-sử lệnh trẻ tuổi, đành cho Thái-sử Quý lui. Đời sau biết rõ sự thật lịch sử là “Thôi Trữ giết vua” và cũng biết có những quan sử lệnh thà chết chứ không chịu chép sử ngụy tạo.

Vì vợ vì con, vì sợ chết thì thế nhân thường tình. Không chép vào sử “Thôi Trữ giết vua”, rồi bẻ bút, bỏ đi… kinh tế mới đào đá phá săn mà sống, hay tự chế xe thồ chở đá như nhà thơ Hữu Loan, chắc cũng được tiếng đời.

Còn cố vồn vã cái miếng danh lợi cong cong phía sau thanh gươm Thôi Trữ mà viết rằng “Năm đó tháng đó, do nghe lời cố vấn của Thôi Trữ, vua Tề Trang Công đã nhường ngôi cho em là Xữ Cữu lên ngôi Tề Cảnh Công trị nước, còn mình thì… bỏ lên Hoàng Liên Sơn mà đi tu” thì rồi “mạch” sử cứ thế mà theo… chỉ đạo, chứ có mà chạy đường trời.

Xin tiến sĩ Chu bớt trách quý quan soạn sách giáo khoa môn Sử. Chê quý thầy cô giáo dạy sử không hay cũng e rằng tội nghiêp cho các vị ấy. Cái gốc là các Thái-sử lệnh đã chép khác vụ “Thôi Trữ giết vua” mất rồi.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây