Lời Ai Điếu – Hồi ký Lê Phú Khải (chương kết)

Chương kết:

tác giả: Lê Phú Khải – nguồn ảnh: uyennguyen.net

THAY LỜI KẾT

(tiếp theo Lời nói đầuCh.1, Ch.2, Ch.3, Ch.4, Ch.5, Ch.6, Ch.7a, Ch.7b, Ch.7c, Ch.7d, Ch.7đ, Ch.7e, Ch.7g, Ch.7h, Ch.7i, Ch.7k, Ch.7l, Ch.7m, Ch.8a, Ch.8b, Ch.8c, Ch.8d, Ch.8đ, Ch.8e, Ch.9a, Ch.9b, Ch.9c, Ch.9d, Ch.9đ, Ch.9e, Ch.9g, Ch.10)

Tôi năm nay đã 72 tuổi mụ, tức là đã sống cả đời trong chế độ Đảng trị. Ông nội tôi là công chức Phủ toàn quyền Đông Dương, lương thừa nuôi cả nhà, vậy mà năm 1946 cũng dẫn cả dòng họ nội ngoại lên Thanh Ba Phú Thọ theo cụ Hồ kháng chiến chống Pháp. Thời chống Mỹ, mỗi khi họ Lê Phú nhà tôi giỗ tết, tập hợp đông đủ nội ngoại, dâu rể thì nhìn đâu cũng thấy Đảng viên. Có lẽ, chỉ có mấy cái cột nhà và tôi là không phải Đảng viên mà thôi! Tôi nhiều lần từ chối vào Đảng vì tôi đã thấy chế độ mà tôi đang sống là một chế độ độc thoại. Mà từ lúc còn trên ghế nhà trường, tôi đã tôn thờ câu nói của Aristote: “Platon là thầy tôi, nhưng chân lý còn quý hơn thầy!”.

Không vào Đảng trong một chế độ Đảng trị thì đương nhiên con đường “tiến thân” “u ám” rồi! Tôi ý thức rất rõ điều này và hoàn toàn bằng lòng, vui vẻ với con đường mình đã chọn, làm một người tự do ngoài Đảng.

Vì thế, khi nhà văn Phạm Thị Hoài ở Đức muốn phỏng vấn một người đang sống ở trong nước dám nói thật những suy nghĩ của mình, không che dấu, không uốn éo, không sợ sệt về sự lãnh đạo của Đảng thì nhà văn Phạm Đình Trọng đã giới thiệu tôi. Có lẽ không gì hơn là kết thúc tập hồi ký này bằng chép lại bài trả lời phỏng vấn đó.

Phỏng vấn Lê Phú Khải – Tôi nhiều lần từ chối vào Đảng Cộng sản

Phạm Thị Hoài thực hiện

Phạm Thị Hoài: Thưa ông Lê Phú Khải, là một công dân ngoài Đảng, ông trải nghiệm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam như thế nào?

Lê Phú Khải: Trong suốt những năm dài sống trong một xã hội chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi thấy mỗi khi Đảng nêu cao khẩu hiệu đoàn kết dân tộc, chiến đấu vì lợi ích dân tộc thì đường lối của Đảng đúng đắn, được nhân dân ủng hộ và Đảng thu được thắng lợi to lớn. Điện Biên Phủ là một dấu son của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lịch sử dân tộc. Nhưng khi nào Đảng đề cao đấu tranh giai cấp, lấy mục tiêu xã hội chủ nghĩa làm tiêu chí cho mọi chính sách và hành động thì Đảng thất bại hoàn toàn, mất lòng dân và uy tín giảm sút. Cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, hợp tác hóa nông nghiệp, v.v… là những thí dụ điển hình về sự thất bại đó.

Phạm Thị Hoài: Nếu phải giải thích cho một người chưa bao giờ sống dưới sự lãnh đạo của Đảng, ông sẽ giải thích như thế nào?

Lê Phú Khải: Chị Hoài thân mến, người chưa bao giờ sống dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam như chị nói thì theo tôi hiểu chỉ có Việt kiều sinh ra và lớn lên ở những nước phi cộng sản và nhân dân bản địa ở những nước đó. Tôi sẽ nói với họ rằng chưa có nơi nào trên trái đất mà các mâu thuẫn chính trị lại phức tạp, đan xen, chồng lấn lên nhau như ở Việt Nam. Vì thế chỉ có người ở trong cuộc mới thấy hết sự phức tạp của nó. Một bà mẹ có hai người con, một theo Việt cộng, một lại theo Cộng hòa, vì thế ông Võ Văn Kiệt mới nói ngày ba mươi tháng Tư năm 1975 có một triệu người Việt Nam vui thì cũng có một triệu người Việt Nam buồn. Vậy nên gọi ngày ấy là ngày Thống nhất Đất nước. Hiểu Việt Nam như thế thì người ta sẽ hiểu về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, người ta sẽ hiểu vì sao những trí thức lỗi lạc như Nguyễn Hữu Thọ, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Khắc Viện… lại đi theo Đảng Cộng sản, chịu sự lãnh đạo của Đảng. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, lúc ở tuổi tám mươi có nói với tôi rằng: Đời Nguyễn Khắc Viện là đời một kẻ ngây thơ. Phần thơ là theo cụ Hồ đi kháng chiến giành độc lập, tôi giữ lại nó. Phần ngây là theo chủ nghĩa xã hội, tôi vứt nó đi! Nhưng nếu được sống lại, tôi vẫn đi theo con đường đó, vì tình thế lúc đó nó thế. Ý ông muốn nói tuổi trẻ là như thế.

Phạm Thị Hoài: Ông thấy sự lãnh đạo của Đảng đối với trí thức thể hiện cụ thể qua những điều gì? Những điều đó có giúp ích cho sự phát triển của giới trí thức hay không?

Lê Phú Khải: Theo tôi thì ở Việt Nam, trừ một số ít trí thức có tư duy độc lập còn thì không có đội ngũ trí thức đúng với tên gọi, đúng với nội hàm của nó. Cái gọi là tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa là những người do Đảng đào tạo nên để làm công chức cho Đảng. Vì thế Đảng nói gì họ nghe nấy, Đảng bảo sao họ làm vậy, vậy thôi. Họ có phản biện thì cũng trong phạm vi Đảng cho phép, vẫn là phản biện để “phò chính thống”, một đặc điểm truyền thống của trí thức phương Đông, đặc biệt là trí thức “trung quân”, trung với vua ở Trung Hoa và Việt Nam như nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến Giang đã chỉ ra. Phim Thủy Hử rất hay của Trung Hoa đang chiếu trên VTV2 mà tối nào tôi cũng phải dán mắt vào xem thì thủ lĩnh Tống Giang của Lương Sơn Bạc là một nhân vật “phò chính thống” tiêu biểu nhất. Đã đi làm giặc hùng cứ một phương, ngoài vùng kiểm soát của triều đình, mà vẫn thờ vua!

Phạm Thị Hoài: Bản thân ông có cần một sự lãnh đạo như thế cho mình không?

Lê Phú Khải: Không! Tôi không cần sự lãnh đạo đó! Nếu cần thì tôi đã phấn đấu vào Đảng và trở thành một đảng viên cộng sản. Nhiều lần người đứng đầu tổ chức đảng nơi tôi làm việc bảo tôi viết đơn xin vào Đảng nhưng tôi đều từ chối.

Phạm Thị Hoài: Sự lãnh đạo của Đảng hiện nay có gắn với những nội dung tích cực hoặc cần thiết trong một lĩnh vực nào của đời sống?

Lê Phú Khải: Người cầm quyền chỉ ra lệnh cho đội ngũ công chức của mình, cái đội ngũ công chức mà chị Hoài gọi bằng cái tên sang trọng là “trí thức” đó. Đến nhà văn là người được xem là làm nghề tự do có tư cách trí thức cũng phải dồn vào trong một cái rọ, một tổ chức quốc doanh là Hội Nhà văn Việt Nam. Các nhà văn đi dự đại hội nhà văn bằng vé máy bay do Đảng cấp, lấy từ tiền thuế của dân, thì họ  chỉ “muốn là con chim ca hót quanh Lăng (Hồ Chí Minh)” (Thơ Viễn Phương), làm sao trở thành chim báo bão được!

Phạm Thị Hoài: Theo ông, không có sự lãnh đạo đó, xã hội có rơi vào hỗn loạn, khủng hoảng không?

Lê Phú Khải: Đây là một câu hỏi khó trả lời. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi này trong lúc hàn huyên. Tùy từng điều kiện lịch sử, xã hội của từng nước, khi thay đổi một tập đoàn lãnh đạo toàn trị sang một thể chế xã hội khác, có thể êm thấm, có thể rơi vào khủng hoảng. Riêng tôi nghĩ thì “Lịch sử thường đi những lối bất ngờ” như nhà thơ Tố Hữu đã có lần viết như thế.

Phạm Thị Hoài: Phủ nhận độc quyền lãnh đạo của Đảng có đồng nghĩa với chống nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam không?

Lê Phú Khải: Đương nhiên là chống. Vì Đảng Cộng sản là tổ chức đứng trên Nhà nước. Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam nằm dưới sự lãnh đạo toàn diện, triệt để, trực tiếp của Đảng, phủ nhận sự lãnh đạo đó tức là chống Nhà nước của Đảng!

Phạm Thị Hoài: Cảm ơn ông Lê Phú Khải. Chúc ông và gia đình một năm mới bình an.

Lê Phú Khải: Chúc chị Hoài và bạn đọc pro&contra một năm mới may mắn.(cuối năm 2011)

Sau bài trả lời phỏng vấn này, nhà trí thức Việt Kiều Nguyễn Gia Kiểng ở Paris có thư điện tử gửi về cho tôi, ông tán thành bài trả lời phỏng vấn này. Nhưng ông cho rằng, khi không có sự lãnh đạo của ĐCS nữa thì tình hình đất nước vẫn êm thắm, không có chuyện “có thể rơi vào khủng hoảng”, như tôi nhận định. Không biết ông Kiểng dựa vào đâu mà cho là như thế. Tôi cũng mong và mọi người Việt Nam đều mong muốn như nhà trí thức thiết tha với đất nước Nguyễn Gia Kiểng nhận định! Cầu mong là như thế.

Tình hình đất nước bây giờ ngày càng đen tối. Nền độc lập phải trả bằng núi xương sông máu của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến nay đã và đang bị anh bạn 4 tốt và 16 chữ vàng với tham vọng bành trướng điên cuồng đang cắm sâu nanh vuốt của nó trên cơ thể đất nước, ngấm độc vào mọi lĩnh vực của đời sống dân tộc Việt. Các vị lãnh đạo lớp trước với nhãn quan thiển cận, ngu muội đã tin vào một thứ chủ nghĩa hoang đường mà bán rẻ đất nước và dân tộc cho người Tàu.

Nhà văn Trần Đình Hiến, người từng làm tham tán văn hoá nhiều năm ở Đại sứ quán ta tại Bắc Kinh, trong buổi sáng ngày 16/04/2013 vừa qua tại Hà Nội, ông ngồi uống cà phê với tôi và bác sỹ Phạm Hồng Sơn, đã kể: Nguyễn Văn Linh bán nước từ lâu rồi, khi còn chiến tranh ở miền Nam trước 1975, mỗi năm Nguyễn Văn Linh sang Trung Quốc ít nhất một lần để báo cáo tình hình miền Nam cho Trung Quốc nghe (Trần Đình Hiến phiên dịch – LPK). Có những bí mật quốc gia nào thì Nguyễn Văn Linh báo cáo hết. Tôi hỏi: Bác thử ví dụ một cái? Nhà văn Trần Đình Hiến thở một hơi thuốc Thăng Long rồi từ tốn nói: Linh mang theo cô du kích tên là Liên, khi cô này báo cáo đạn AK thì tiểu liên, trung liên, đại liên đều bắn được, nó rất cần cho một đại đội bộ binh, trong khi Mỹ thì súng nào bắn đạn ấy…Nói đến đây, các tướng lãnh Trung Quốc vỗ tay rào rào. Đó là bí mật của Việt Nam phải tốn nhiều máu mới mua được. Vậy mà đem biếu không cho Trung Quốc! Nhà văn Trần Đình Hiến còn kể tiếp: Lê Đức Thọ sang Trung Quốc thì chỉ đi gặp Uông Đông Hưng để học cách giết người, vì Uông là chuyên gia giết người hàng đầu của Trung Quốc!

bút tích của tác giả (LPK)

Khi Liên Xô sụp đổ thì ông Linh hốt hoảng dẫn đầu đoàn Đảng và cán bộ cao cấp Việt Nam sang xin làm chư hầu cho Trung Quốc để mong giữ vững chế độ XHCN, giữ sự tồn tại của Đảng, sẵn sàng bán rẻ Việt Nam cho Trung Quốc. Về điều này thì hồi ký của Trần Quang Cơ nói rất rõ. Các vị lãnh đạo tiếp sau cứ theo vết xe đổ của Nguyễn Văn Linh mà lần lượt cắt đất, bán biển Việt Nam cho Trung Quốc để giữ ghế, giữ chế độ, giữ Đảng. Rõ ràng, hiển nhiên nhất là việc cho Trung Quốc vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên mà không công khai, hai Tổng bí thư Trung Quốc và Việt Nam giấu diếm ký với nhau làm việc đã rồi và Đảng trắng trợn tuyên bố đó là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Bây giờ thì đất nước Việt Nam của chúng ta rừng đã phá hết, rừng đầu nguồn cho Trung Quốc thuê dài hạn, tài nguyên dưới lòng đất đã khai thác cạn kiệt, biển thì thoả thuận để Trung Quốc khai thác và đánh cá chung, nhưng không nói rõ đánh ở đâu, mái nhà của đất nước là Tây Nguyên thì Trung Quốc đã ngồi chễm trệ trên đó. Kinh tế quốc doanh là chủ đạo thì đã sụp đổ với các tập đoàn Vinashin, Vinaline, Than và khoáng sản,…Kinh tế tư nhân cũng đang phá sản, sự suy thoái đạo đức, tham nhũng, hối lộ “sờ đâu cũng thấy, nhìn đâu cũng có” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận. Cả xã hội lấy sự dối trá làm lẽ sống, lãnh đạo thì “nói dối lem lém, nói dối lỳ lợm, nói dối không biết xấu hổ, nói dối không biết khiếp sợ (Nguyễn Khải – Đi tìm cái tôi đã mất)…

Sáng sớm ngày 14/09/1985 tôi đang ở bến đò Cà Mau chờ đi Năm Căn thì nghe tin đổi tiền. Mới tối hôm trước Đài Tiếng nói Việt Nam (Cơ quan của tôi) còn nói “Không có chuyện đổi tiền, đồng bào đừng nghe kẻ xấu tung tin đổi tiền”, vậy mà sáng hôm sau 14/09/1985 chính cái Đài ấy lại hô hào nhân dân đến các trạm đổi tiền để đổi tiền. Một bà má ở dưới ghe đã chỉ tay lên cái loa đang loan tin đổi tiền ở trên bờ chửi: Cái đài này nó nói dóc còn hơn con điếm.

Tôi đã phải sống với “con điếm” ấy cả đời người!

TP.HCM 8/2013

(Viết từ tháng 05/2012 đến tháng 08/2013)

– – – – –

MỤC LỤC:

Lời nói đầu

Ch 1.  Hà nội, nơi tôi sinh ra

Ch 2.  Đi tản cư lên Chí Chủ, Phú Thọ

Ch 3.  Hai lần “thi trượt” nhưng số phận vẫn mỉm cười với tôi

Ch 4.  Đời sinh viên

Ch 5.  Những chuyện kể của tướng Qua

Ch 6.  Chín năm dạy học ở thôn quê

Ch 7.  Ba mươi tám năm làm báo “lề phải” và “lề trái”

Ch 8.  Người cùng thời:

Ch 9.  “Chấm phá” chân dung những nhà dân chủ:

Ch 10.  Cuộc biểu tình ngày 9/12/2012

Thay lời kết

 

 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây