Lời Ai Điếu – Hồi ký Lê Phú Khải (chương 07g)

Chương 7g:

tác giả: Lê Phú Khải – nguồn ảnh: uyennguyen.net

QUẢNG CHÂU – THÂM QUYẾN – HỒNG KÔNG – MA CAO… VÀ CUỘC THỬ NGHIỆM VỀ TIỀN NHUẬN BÚT CHO MỘT CHUYẾN ĐI

(tiếp theo Lời nói đầuCh.1, Ch.2, Ch.3, Ch.4, Ch.5, Ch.6, Ch.7a, Ch.7b, Ch.7c, Ch.7d, Ch.7đ, Ch.7e)

Ngày 1-7-1997, Hồng Kông sẽ được trao trả về cho Trung Quốc. Đây là một đề tài hấp dẫn mà báo chí ở TP.HCM rất đói tin tức, bài vở, hình ảnh… thời sự về Hồng Kông (nơi được coi là nhiều đầu mối tin tức nhất thế giới).

Đã hơn 10 năm từ ngày “đổi mới” (1986), trên thực tế Việt Nam chỉ đổi mới một phần về kinh tế như cho các thành phần kinh tế tư nhân được họat động, kinh tế quốc doanh vẫn nắm cái chủ chốt… còn các mặt khác của đời sống xã hội vẫn như cũ. Với báo chí thì là số không. Không hề có báo tư nhân. Báo quốc doanh thì các nhà báo chỉ là một anh viên chức ăn lương tháng để viết tin, bài. Một sự kiện như Hồng Kông được giao về cho Trung Quốc thì các báo chỉ chờ dịch tin, bài của báo chí nước ngoài (biên tập lại). Hầu như không có báo, đài nào cử phóng viên tận nơi quan sát để viết tin bài. Chế độ trả nhuận bút của các báo, đài chỉ có tính chất tượng trưng, và trả theo… số lượng chữ của bài báo, không trả theo chất lượng tin, bài. Nếu có ông to, bà lớn nào viết bài cho đài báo thì các Tổng Biên tập nịnh khéo quan trên, sẽ trả một số tiền lớn hơn nhiều so với các bài khác. Vì thế, có ông cứ tưởng nhuận bút như thế thì các nhà báo sống khỏe (!). Có lần Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Nguyễn Giới viết một bài cho một tờ tạp chí trong ngành của ông, lúc lãnh nhuận bút ông thấy những một triệu đồng (vào đầu những năm 90), lớn quá, ông không nhận. Sau này ông tâm sự với tôi: – Mình nghĩ là họ hối lộ một cách tế nhị nên từ chối ! Những ông thứ trưởng như Nguyễn Giới tôi biết là có thật và chỉ có vào thời điểm ấy. Bây giờ, chạy một chân Thứ trưởng phải cả chục tỷ đồng thì có trả nhuận bút bằng một cái xe Toyota đời mới họ vẫn chê ít (!).

Xét một cách toàn diện, kể cả chế độ trả nhuận bút, Việt Nam vẫn chưa có báo chí đúng nghĩa của nó. Năm 1994, tôi bỏ tiền túi ra đi Điện Biên Phủ, lúc về viết hàng chục cái tin, bài, phóng sự ảnh… cho nhiều số báo của báo SGGP ra hàng ngày và Tuần san SGGP Thứ 7 cùng nhiều báo khác nữa ở ĐBSCL… nhưng nhuận bút lãnh về cũng chưa đủ chi phí cho chuyến đi ĐBP. Tiền vé máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, rồi từ Hà Nội lên Điện Biên, tiền ăn ở khách sạn, mua phim ảnh, rồi quay về lại Sài Gòn.

Vậy mà đầu năm 1997, tôi lại quyết định bỏ tiền túi để đi Hồng Kông với tham vọng viết được những tin, bài, ảnh nóng hổi cho báo chí thành phố sôi động này nhưng lại đói tin tức dịp Hồng Kông được trả về Trung Quốc.

Tôi đi theo tour của Công ty Du lịch V.Y.C (Travel Company TPHCM). Lịch trình của tour này là từ Sài Gòn đi Quảng Châu, Thẩm Quyến, Hồng Kông, Ma Cao rồi lại trở về Quảng Châu, Sài Gòn. Tất cả là 8 ngày. Những ngày ở Trung Quốc tôi dưỡng sức, nằm nhà nghỉ, dành tòan bộ sức lực để làm việc trong 2 ngày ở Hồng Kông. Tôi tách đoàn, đi chụp hình ở các chợ, đường phố, tìm gặp Việt Kiều để hỏi chuyện, phỏng vấn các nhân viên ở khách sạn qua phiên dịch là anh hướng dẫn viên của VYC. Chuyến đi này thấy tôi là nhà báo nên đoàn bầu làm trưởng đoàn, được ngủ cùng phòng với hướng dẫn viên nên cũng thuận tiện khai thác tư liệu. Tôi gom tất cả các báo hàng ngày bằng Tiếng Hoa và Tiếng Anh ở khách sạn được phát không… để về nhà nhờ bạn bè dịch, khai thác tư liệu…

Kể từ đầu năm 1997, nhất là gần đến ngày 1.7 năm đó, tin bài, phóng sự, phóng sự ảnh của tôi về Trung Quốc và Hồng Kông liên tục xuất hiện trên các báo… vậy mà, tiền nhuận bút thu về cũng không đủ chi phí cho chuyến đi hơn một ngàn đôla Mỹ. Có thể nói tôi là nhà báo đầu tiên ở Việt Nam đã làm một cuộc thử nghiệm điều tra về chế độ nhuận bút hiện hành ở Việt Nam lúc đó với bài toán “tự đầu tư – tự trang trải”. Và, tôi đi đến kết luận: Nhà báo VN không thể sống bằng nhuận bút như nhà báo ở các nước tự do khác. Nhà báo ở VN vẫn là các công chức ăn lương tháng, đi đâu thì ăn nhờ ở đậu nhà khách các địa phương, viết theo lời cán bộ địa phương nói. Rời cái bầu vú bao cấp ấy ra là chết liền. Sau này, kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển mạnh thì cái quái thai này sinh ra các tờ báo sống chủ yếu bằng quảng cáo, đi chạy quảng cáo để ăn phần trăm. Một số nhà báo giầu tấng lên, tậu được xe hơi, nhà lầu thì chủ yếu là đi dọa dẫm các doanh nghiệp, tống tiền các đại gia vì họ sợ bị vu khống, bị bới móc các bí mật trốn thuế của họ. Nếu họ bị vu oan thì không được đính chính. Nếu buộc phải đính chính thì chỉ được vài dòng lí nhí ở trang tư, còn khi vu cáo họ thì đem lên trang nhất. Tôi sẽ còn nói nhiều về thực trạng này ở phần sau.

Hiện tôi còn giữ đến 3kg biên lai nhuận bút (dù chỉ là một phần nhỏ lưu giữ được) của gần 30 năm làm báo “lề phải”. Ví dụ: Phiếu trả nhuận bút của Báo Lao Động, bài và ảnh 15.000 đồng, đề ngày 15/5/1990. Báo Tuổi Trẻ: 20.000 đồng, đề ngày 4/8/1990; Báo Nhân Dân đăng bài và ảnh về huyện Cao Lãnh: 150.000 đồng, đề ngày 5/1/1999; Báo SGGP: 700.000 đồng, ngày 28/11/2004 nhưng phải trừ thuến thu nhập cá nhân 10%, còn 630.000 đồng. Nếu bạn sinh viên khoa báo chí nào cần viết luận văn về đề tài nhuận bút báo chí ở Việt Nam qua các thời kỳ, tôi xin tặng 3kg  hóa đơn chi trả nhuận bút này làm tài liệu nghiên cứu.

Nhưng tất cả các nhuận bút đó cũng không “cứu” được tôi nếu không được lãnh lương tháng ở Cơ quan Đài TNVN. Đó mới là thực chất bi hài của cái gọi là nhà báo ở Việt Nam: Nhà báo ăn lương của Đảng.

Của đáng tội, bù lại chuyến đi viêt về một sự kiện mà nhuận bút không bù được chi phí cho chuyến đi đó, tôi được “lời” là được “cưỡi ngựa xem hoa”, được tận mắt xem hai bông hoa của tư bản “giãy chết” là Hồng Kông thuộc Anh và Ma Cao thuộc Bồ Đào Nha.

Từ lục địa Trung Hoa, qua Hồng Kông và từ Ma Cao về lại Quảng Đông (Trung Quôc) đều phải làm thủ tục xuất nhập cảnh vì Hồng Kông là của Anh, Ma Cao là của Bồ Đào Nha như đã nói ở trên. Chỉ riêng làm thủ tục xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu thôi cũng thấy được sự thối nát, trì trệ của bộ máy nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nó không khác gì ở Việt Nam. Các nhân viên an ninh và hải quan của Trung Quốc như những con quái vật. Họ vừa làm việc vừa nói chuyện bả lả với nhau, nhìn khách du lịch như muốn ăn thịt người ta. Khi từ sân bay Bạch Vân xuống, đóng dấu vào hộ chiếu của tôi thì vì vừa nói chuyện riêng vừa làm việc nên họ đóng nhầm dấu… Qua trạm thứ hai thì cậu hướng dẫn viên của VYC phải đưa tôi quay lại để đóng dấu lại và họ phải đóng dấu áp lai vào giữa hai dấu đã đóng đó. Nhưng đã có dấu áp lai rồi tôi vẫn luôn bị họanh họe khi qua các cửa khẩu. Chưa hết, khi từ Ma Cao về lại Quảng Đông, qua cửa khẩu của thành phố Chu Hải, hướng dẫn viên VYC cầm một xấp 12 cái hộ chiếu để đóng dấu nhập cảnh, nhưng vừa làm việc vừa nói chuyện riêng với người ngồi bên cạnh, cô nhân viên an ninh bỏ sót hộ chiếu của tôi không đóng dấu. Thế là đến ngày về tôi bị gạt lại không cho ra sân bay vì thiếu một cái dấu nhập cảnh từ Ma Cao vào lại Quảng Đông. Cô nhân viên du lịch TP Quảng Châu, công ty liên kết với du lịch VYC trình bày đến rã bọt mép với công an cửa khẩu là chúng tôi đi một đoàn du lịch, có danh sách đoàn đi do tôi là trưởng đoàn, yêu cầu họ chỉ gọi một cú điện thoại về cửa khẩu Chu Hải để xác minh là đoàn đã vào lại lục địa ngày giờ ấy… nhưng bọn công an cửa khẩu chỉ đứng cười… Cuối cùng là tôi và cả anh nhân viên của VYC và cô nhân viên du lịch của Quảng Châu phải thuê xe đi hàng trăm cây số về lại Chu Hải để xin một cái dấu. Đến nơi, bật vi tính lên, họ thấy tôi có tên trong danh sách nhập lại Chu Hải nhưng… quên chưa đóng dấu vào hộ chiếu. Họ đóng dấu lại và thản nhiên không một lời xin lỗi. Chúng tôi phải tá túc lại Quảng Châu ba ngày nữa để chờ máy bay về. Khi về, qua cửa khẩu, lại bị họ hoạnh họe vì sao hộ chiếu nhiều dấu đóng thế? Ngày về sao lại không đúng với giấy phép của chuyến đi du lịch? V.v. và v.v.

Nhìn những gương mặt của công an cửa khẩu, nhân viên hải quan Trung Quốc, tôi thấm thía đến từng lỗ chân lông sự “ưu việt” của chính quyền công-nông, của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trái lại, từ lúc đặt chân lên Hồng Kông thì mọi sự khác hẳn, các nhân viên khách sạn nơi chúng tôi ở đưa hành lý cho khách đến từng phòng, lễ độ và vui vẻ hết sức. Phỏng vấn ai họ cũng vui vẻ trả lời. Cuốn sổ tay của tôi ghi kín hai ngày ở Hồng Kông.

Hồng Kông là trung tâm giao dịch tài chính lớn của thế giới thì ai cũng biết, nhưng đây còn là một thị trường thông tin, tin tức lớn nhất thế giới. Ở đây, mỗi buổi sáng ngủ dậy anh có thể biết ngay những gì mới xảy ra trong đêm hôm qua cho đến lúc anh tỉnh dậy. Những cuốn sách lớn mới ra lò, kể cả những cuốn tiểu thuyết ăn khách nhất thế giới cũng được người ta tóm tắt ngay nội dung để chào bán cho anh. Nếu có tiền ở Hồng Kông người ta có thể mua được tất cả mọi tin tức trên thế giới. Có cả những “hãng” sản xuất ra thứ hàng hóa thông tin này để bán cho anh đặt mua hàng tháng hay hàng ngày. Vì thế các hãng thông tấn lớn trên thế giới đều đặt phóng viên thường trú tại đây. Mật độ nhà báo thế giới ở đây thuộc vào loại cao nhất. Chính người chú ruột của tôi là nhà báo Lê Phú Hào đã chờ đợi nhiều thời gian để Thông tấn xã Việt Nam xin đặt ông thường trú tại đây nhưng không được. Cuối cùng, vào những năm 60, ông phải từ Bắc Kinh qua Anger (Angiêri) để thường trú và sau đó qua Paris làm phiên dịch Tiếng Anh cho Lê Đức Thọ tại hòa đàm Paris.

Nếu ai hỏi tôi ấn tượng nào mạnh nhất khi ở Hồng Kông thì tôi nói ngay là dịch vụ ăn uống. Buổi sáng, cả Hồng Kông ăn sáng rào rào. Có nhà hàng nổi ở Hồng Kông có thể tiếp 3.000 thực khách một lúc. Vào một cửa hàng ăn sáng ở Hồng Kông thấy nó rộng như một sân vận động và được chăng đèn, kết hoa đỏ đến nhức mắt. Các nhân viên chạy bàn 100% là thanh niên. Phụ nữ không đủ sức làm công việc nặng nhọc này. Tôi vừa thấy một tốp khách chừng hơn 10 người ăn sáng xong đứng dậy thì lập tức 4 nhân viên chạy bàn lao tới cầm 4 góc khăn trải bàn nhấc bổng lên rồi túm 4 đầu khăn lại, bát đĩa kêu loảng xoảng bên trong… Họ vứt cái đống bát đũa ấy lên một cái xe đẩy và lập tức trải ngay khăn trải bàn mới, bát đũa mới được bầy ra, xe đẩy thức ăn lăn tới… Thế là bắt đầu cho một tốp ăn khác… Nhanh như điện. Tính chuyên nghiệp của các dịch vụ ở Hồng Kông thật cao.

Ở Ma Cao thì mỗi khách sạn đều để lầu 1 làm sòng bạc (casino). Chiều Thứ 7, dân Hồng Kông lũ lượt đi phà qua một eo biển rộng 70km để sang Ma Cao đánh bạc. Tiếng là đi phà nhưng cái phà này còn sang hơn cả máy bay. Nhưng vì nó chạy tốc độ quá nhanh và biển lại sóng lớn nên nhiều hành khách nôn mửa vì say song. Có điều lạ, các sòng bạc ở Ma Cao đa số là phụ nữ chơi bạc. Các bà, các cô sát phạt nhau trong những căn phòng rất rộng và im lặng trật tự. Tôi đã đổi 100 đôla Mỹ để thử vận hội nhưng chỉ biết quay lô-tô, và… thua sạch. Các hình thức chơi bạc rất đa dạng. Tôi đã ghi chép đủ các loại hình này để viết được một phóng sự “đánh bạc ở Ma Cao” sau này. Có điều là, tuyệt đối người ta không cho chụp hình trong các sòng bạc. Các cô gái Đông Âu, Ba Lan, Tiệp Khắc, Bun-ga-ri dạt sang Ma Cao làm nghề mại dâm và múa xếch-xi thời điểm đó rất nhộn nhịp…

Trò đời, cái rủi bao giờ cũng đi liền với cái may. Nhờ phải ở lại Lãnh sự quán ta tại Quảng Châu, tôi lại làm quen được với ông Tổng Lãnh sự. Ông là người Thái Bình, từng học ở Trung Quốc, có máu mê văn nghệ. Trên bàn của ông có hàng xấp báo Văn nghệ của Hội Nhà văn. Khi biết tôi là nhà báo, lại biết được tên… ông vui vẻ bắt tay tác giả của nhiều bài bút ký về ĐBSCL ký tên tôi. Ba ngày ở lại Quảng Châu thật không uổng. Tôi thu thập được nhiều thông tin về thành phố này và Hồng Kông qua ông Tổng Lãnh sự. Tôi còn lê la gặp được nhiều Việt Kiều đến xin giấy tờ tại Lãnh sự quán ta. Có môt “cặp” nam nữ Việt Kiều trên 50 tuổi. Ngày nào tôi cũng thấy họ đến rửa tách chén, lau nhà cho tòa Lãnh sự. Hỏi ra mới biết đó là hai anh em ruột lưu lạc sang Quảng Châu đã mấy chục năm. Cả anh và em đều lấy chồng lấy vợ người bản xứ, nhưng vì nhớ quê hương nên ngày nào cũng đến Lãnh sự quán VN lau sàn, dọn dẹp… như làm việc nhà. Tôi lân la hỏi, được biết con cái họ đã lớn, không nói sõi Tiếng Việt, nhưng chúng đã từng về Quảng Ninh tìm họ hàng, dẫu chưa gặp. Có đứa còn vào tận Sài Gon để tìm. Thế mới biết, cái tình quê hương xứ sở của người Việt ta thật sâu nặng.

– – – – –

MỤC LỤC:

Lời nói đầu

Ch 1.  Hà nội, nơi tôi sinh ra

Ch 2.  Đi tản cư lên Chí Chủ, Phú Thọ

Ch 3.  Hai lần “thi trượt” nhưng số phận vẫn mỉm cười với tôi

Ch 4.  Đời sinh viên

Ch 5.  Những chuyện kể của tướng Qua

Ch 6.  Chín năm dạy học ở thôn quê

Ch 7.  Ba mươi tám năm làm báo “lề phải” và “lề trái”

Ch 8.  Người cùng thời:

Ch 9.  “Chấm phá” chân dung những nhà dân chủ:

Ch 10.  Cuộc biểu tình ngày 9/12/2012

Thay lời kết

 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây