Lời Ai Điếu – Hồi ký Lê Phú Khải (chương 07c)

Chương 7c:

tác giả: Lê Phú Khải – nguồn ảnh: uyennguyen.net

TRỞ VỀ ĐÀI TIẾNG NÓI VN

(tiếp theo Lời nói đầuCh.1, Ch.2, Ch.3, Ch.4, Ch.5, Ch.6, Ch.7a, Ch.7b)

Sau ba năm làm việc ở Đài Phát thanh tỉnh Tiền Giang mà chủ yếu thời gian dùng để đọc sách của các tác giả như Hồ Bửu Chánh, Phi Vân (giải thưởng văn học Cần Thơ 1943), Sơn Nam, Nguyễn Hiến Lê… đi dậy viết tin viết bài cho các Đài truyền thanh các huyện và viết cho các báo như Nhân Dân, Văn Nghệ… Các đề tài tôi viết lúc đó rất cần cho đài, báo miền Bắc, vì đã gần 10 năm thống nhất đất nước các đài báo miền Bắc vẫn chỉ quanh quẩn các vấn đề của các tỉnh miền Bắc; Luôn bị Ban bí thư phê phán là báo đài của “Thung lũng sông Hồng”! Đất nước ta tuy bé nhưng lại dài, từ Bắc vào Nam cả ngàn cây số, từ TP HCM xuống Cần Thơ trước đây phải qua hai con phà đã mất cả ngày đường. Dân trí thấp đã đành, “báo trí” của các nhà báo nước ta cũng đáng ngại vô cùng. Sự hiểu biết của các vị đó về ĐBSCL, vùng trọng điểm nông nghiệp rộng lớn của cả nước rất mơ hồ. Có vị ở báo Nhân Dân đi từ miệt dưới lên, đến Mỹ Tho ghé tôi chơi, sau vài câu thăm hỏi sức khỏe ông nói: Tôi mới ở Đồng Tháp Mười lên, ở dưới ấy vui lắm(!) Tôi hỏi: Đồng Tháp Mười nào? Vị ấy trả lời: Ở dưới Cà Mau ấy! Hễ cứ nói đến vùng đất hoang Đồng Tháp Mười là người ta hình dung nó ở xa lắm. Mà đã ở xa là phải ở tận Cà Mau! Người ta không hay trung tâm Đồng Tháp Mười là Mộc Hóa chỉ cách TP HCM đường chim bay 60-70 km. Hễ nói đến một vùng cây trái tập trung ở Nam Bộ là các vị ấy nghĩ ngay đến cây dừa ở Bến Tre!

Một lần, tôi viết về vùng chuyên canh cây Khóm (dứa) ở tỉnh Kiên Giang có diện tích lớn nhất đồng bằng Nam Bộ. Khi viết tôi đã chú thích rất rõ là cây khóm ở Nam Bộ, miền Bắc gọi là cây dứa. Thế mà vị biên tập ở báo Nhân Dân đã gạch tuốt đi, chữa chữ “dứa” thành chữ “dừa”. Vậy là vùng dừa lớn nhất ĐBSCL không phải ở Bến Tre mà ở tận Kiên Giang! Một lần, tôi viết cái tin, một năm cồn Tân Long thuộc Mỹ Tho đã xuất khẩu được ba tấn vi cá. Có nghĩa là chỉ lấy cái vây con cá để xuất khẩu. Vậy là, phải đánh bắt được nhiều tấn cá quý mới lấy được ba tấn vi cá. Đến khi cái tin ấy được đăng trên trang nhất ở báo Nhân Dân, người ta đã “biên tập” lại, xóa chữ vi cá đi, chỉ còn là “xuất khẩu ba tấn cá”. Có ai đời, một cái cồn giữa sông Tiền, biên chế một xã mà một năm chỉ xuất khẩu có ba tấn cá mà cũng đưa lên trang nhất báo Nhân Dân! Thời đó, báo Nhân Dân quan trọng lắm, cán bộ lãnh đạo các tỉnh thành, huyện, xã đều đọc hàng ngày. Vì thế ở Mỹ Tho, các vị lãnh đạo bảo nhau, có lẽ thằng Phú Khải nó ăn tiền của bọn cồn Tân Long nên mới đăng tin xuất khẩu ba tấn cá, trong khi đó có đơn vị hàng năm xuất khẩu hàng ngàn tấn cá mà nó không đưa tin! Ra đến Hà Nội thì có người lại chửi (rủa) tôi: Mày cậy quen biết Hữu Thọ, Minh Tân ở báo Nhân Dân nên muốn viết gì thì viết à?! Thật là “oan thị Kính”! Nhưng chưa oan uổng bằng vụ “Cầu Mộc Hóa bắc qua sông Vàm Cỏ Tây”. Đó là nguyên văn đầu đề bài ghi nhanh tôi gửi ra báo Nhân Dân năm 1985, vào một dịp kỷ niệm một ngày lễ lớn trong năm (2.9). Vậy mà 8h sáng, trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh ủy Sáu Cao đã cầm tờ báo trong tay đến nhà tôi ở 316 Trần Hưng Đạo, Tp Mỹ Tho rủa: Cầu mới bắc qua sông Tiền từ bao giờ thế Phú Khải? Tôi giở tờ báo ra xem, xuýt ngất xỉu vì cái tít bài báo là: “Cầu mới bắc qua sông Tiền”! Đến 3h chiều ngày hôm đó thì tôi nhận được tin ông Hai Văn, phó chủ tịch tỉnh Long An nhắn: Phú Khải đừng qua Long An nữa, ông Tư Thân dọa gặp cậu sẽ bắn đó! Thì ra ông Tư Thân vốn là thiếu tướng quân đội, người dẫn đầu mũi tấn công thứ 5 từ miền Tây lên Sài Gòn vào ngày 30.4.1975. Tính nóng như lửa, khi đọc được bài báo đó, ông đã nói thế. Chả là trước đó vài ngày, ông có cho xe đón tôi từ Mỹ Tho qua Long An để dự lễ khánh thành cây cầu bê tông tiền áp dài 229,35 mét lớn nhất từ trước đến nay kể từ sau 1975, bắc qua sông Vàm Cỏ Tây ở địa phận Mộc Hóa nhằm phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn thuộc Long An. Báo viết như thế nên ông nổi nóng dọa bắn là phải! Tôi phải “bí mật” sang Long An gặp phó chủ tịch Hai Văn, đưa cái bản lưu bài ghi nhanh cho Hai Văn xem, để “chạy tội”! Giữ lại bản lưu bài viết đó là kinh nghiệm xương máu của tôi, nhờ đó mà tôi “thoát nạn” nhiều lần sau này. Tôi không có máy chữ, viết bài trên giấy pơ- luya rồi đặt tờ giấy than bên dưới (như cô kế toán viết hóa đơn). Bao giờ cũng vậy, tôi gửi bản chính đi, giữ bản phụ lại. Hai Văn xem xong vui vẻ hứa “sẽ báo cáo lại Tư Thân”! Xin mở ngoặc nói ít chuyện về cái vùng Mộc Hóa lắm chuyện vui và ông chủ tịch tỉnh Tư Thân nóng tính như lửa. Ở Mộc Hóa có ông chủ tịch quê ở Cà Mau là Năm Tâm. Ông có một bản báo cáo hàng năm của huyện bằng 100 chữ mà chữ nào cũng bắt đầu bằng vần “L”!

Năm nào cũng bản báo cáo đó, chỉ đổi con số mà thôi. Có lần anh Hữu Thọ về Mộc Hóa thăm anh hùng lao động nông nghiệp Võ Thị Hồng, tôi đã dẫn anh đến nghe ông Năm Tâm đọc bản báo cáo đó để “cười bò ra”! Vậy mà trong một lần chủ tịch tỉnh Tư Thân dẫn các ban, ngành đi kiểm tra vùng Đồng Tháp Mười cả tuần lễ, chủ tịch huyện Năm Tâm dám đem bài báo 100 chữ L ấy ra đọc. Tư Thân nổi giận… Năm Tâm sau đó phải “trốn” không dám ló mặt. Chủ tịch Tư Thân cấm cả đoàn không ai được nhắc đến vần L của Năm Tâm làm mất tư thế đoàn kiểm tra! Đi trong vùng Đồng Tháp Mười chỉ có toàn nước phèn nên cả tuần nam giới chẳng ai dám tắm rửa, nước ngọt ở nhà khách ủy ban huyện phải dành cho mấy chị trong đoàn, trong đó có bà Chín, trưởng Ty Y tế. Vậy mà bà Chín lại vô tình chê ông Tư ở dơ (bẩn). Vốn tính nóng như lửa, ông Tư quát: có ít nước ngọt dành cho chị rửa L hết rồi, còn chê bai tôi ở dơ nỗi gì! Thế là chính Tư Thân đã phá lệ, nhắc đến vần L! Cả đoàn lại lăn ra cười và báo cho Năm Tâm không phải lánh mặt nữa. Hình như ở cái vùng đất hoang vu này, con người phải biết cười vui để sống: vì đã “buồn lắm rồi, heo hút cô đơn lắm rồi…”.

Lại nói về cây cầu Mộc Hóa bắc qua sông Vàm Cỏ Tây. Hai Văn vốn là bạn với Hữu Thọ nên gọi điện mời Hữu Thọ vào Long An chơi. Ông đưa Hữu Thọ lên cầu Mộc Hóa, chỉ xuống sông hỏi Hữu Thọ: Sông này là sông gì? Trả lời: Sông Vàm Cỏ Tây! Hai Văn lại nói: Thế sao báo Nhân Dân lại bảo cầu Mộc Hóa bắc qua sông Tiền? Hữu Thọ lại bảo: Mình tưởng nó là một nhánh của sông Tiền! Đến một nhà báo nổi tiếng như Hữu Thọ mà còn lơ mơ về địa lý Nam Bộ như thế thì còn trách gì ai (!) Báo Nhân Dân năm 1985 còn đủ 365 số lưu giữ trong thư viện quốc gia, tôi đâu dám bịa chuyện nhầm lẫn “động trời” này!

Cái thời điểm đó chưa có một cơ quan đài báo nào ở TW đặt phóng viên thường trú ở ĐBSCL nhưng ở miền Bắc thì tỉnh nào cũng có thường trú. Giám đốc Nguyễn Thành sốt ruột cũng phải. Ông làm công văn xin UBND tỉnh Tiền Giang cho tôi được trở về Đài TNVN nhưng vẫn “đóng quân” tại Mỹ Tho. Chủ tịch Tiền Giang Nguyễn Công Bình đã đồng ý. Thế là tôi trở thành phóng viên thường trú đầu tiên của báo, đài TW tại ĐBSCL. Trong quyết định, giám đốc Nguyễn Thành giao cho tôi viết tin, bài ở ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp. Ông nói miệng: Có sức thì Phú Khải cứ đi cả đồng bằng thì càng tốt!

Thực trạng thông tin về ĐBSCL như thế nên tôi có tham vọng tìm hiểu toàn diện về đồng bằng để trước hết là thông tin chính xác, làm cơ sở cho các đồng nghiệp của mình. Tôi kiếm được cái bản đồ đường sông và đường bộ ĐBSCL tỷ lệ 1:500.000 của Cục đường sông Bộ GTVT in. Tôi bắt đầu đi khảo sát đồng bằng từ 6 vùng sinh thái (vùng phù sa nước ngọt ven sông Tiền sông Hậu, vùng nhiễm mặn ven biển, vùng tây sông Hậu, vùng bán đảo Cà Mau, vùng tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười) của đồng bằng cho đến các vấn đề then chốt như hệ thống đường sông, tiềm năng giao thông đường sông, tiềm năng thủy lợi, du lịch, văn hóa Khơ me… Có lần đi cả tháng liền, đi đâu cũng mang bản đồ theo, đến chỗ nào thì đánh dấu vào bản đồ hoặc vẽ thêm vào những con đường, dòng kinh mới xuất hiện. Thời điểm đó (1985-1995) công cuộc khai hoang Đồng Tháp Mười (ĐTM) rầm rộ nên tôi chú ý đến vùng này. Tấm bản đồ của tôi về vùng ĐTM dầy đặc những nét vẽ mới, nó rách bươm đến nỗi phải “vá víu” chằng đụp. Sau hai năm mải miết đi khảo sát như thế, tôi có thể tin rằng mình đã nắm sơ bộ về ĐBSCL. Nơi đây là một vùng nông nghiệp đa dạng, phong phú, có vùng rất trù phú như vùng phù sa nước ngọt ven sông Tiền, sông Hậu, ở đó có lúa một năm 2-3 vụ, có vườn cây trái tốt tươi vì quanh năm có phù sa nước ngọt. Đời sống vật chất ở vùng này rất cao như có khách du lịch đã ghi cảm tưởng trong một nhà vườn: Đây là một “thiên đường nhỏ” (petit paradi). Nhưng cũng có những vùng vô cùng khắc nghiệt vì xa nguồn nước ngọt, đất trũng, mùa lũ thì bị ngập tràn cả tháng nhưng mùa khô lại như sa mạc, đất phèn nặng… đó là các vùng ĐTM và Tứ giác Long Xuyên.

Đến năm 1988, tôi đã hoàn thành bản thảo cuốn “Đồng Tháp Mười hôm nay”. Trong một lần đi tháp tùng phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt đi khảo sát, kiểm tra vùng ĐTM, tối ngủ lại ở nông trường khai hoang trồng khóm Tân Lập tỉnh Tiền Giang. Sáng hôm sau, lúc ngồi ăn điểm tâm tôi có nói với ông Kiệt: cuốn sách viết về ĐTM của tôi đã xong, nhưng bản thảo nằm ở một NXB trên TP HCM cả năm nay mà chưa được in. Ông Kiệt nhìn tôi cười hóm hỉnh: Phú Khải cứ đặt tên cho nó là “hoa hậu Đồng Tháp Mười” tôi đảm bảo là được in liền! Mọi người có mặt ăn sáng lúc đó đều tán đồng. Sau này tôi có viết một bài ký dự thi cuộc thi viết ký văn học của báo SGGP năm 2005 với cái đầu đề: “Hoa hậu Đồng Tháp Mười” viết về một nữ doanh nhân ở TP HCM thuê 2000 ha đất trong vùng hoang ĐTM của tỉnh Long An mà trước đó các nông trường quốc doanh khai hoang đều thất bại, nhưng chị Bé Hai (tên doanh nhân) lại thành công. Bài ký đó tôi đã nhận được giải thưởng 6 triệu đồng (5 triệu giải thưởng + 1 triệu nhuận bút đăng báo), hơn cả nhuận bút cuốn “ Đồng Tháp Mười hôm nay”. Cuốn sách này do NXB tổng hợp TP HCM xuất bản (1989) có cả bản đồ ĐTM in năm 1939 lấy từ sách “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười” của Nguyễn Hiến Lê, và một số ảnh về ĐTM hôm nay do tôi chụp. Đó là cuốn sách thứ 2 tôi xuất bản về ĐBSCL sau cuốn đầu tiên “Rắn độc trong tay người” viết chung với Trần Đồng Minh về trại nuôi rắn Đồng Tâm của Bs Tư Dược ở Xí nghiệp dược liệu quân khu 9 đóng tại Tiền Giang – một cuốn sách viết cho thiếu nhi do NXB Trẻ ấn hành.

Cho đến bây giờ vẫn có ý kiến tranh luận về vấn đề khai hoang ở ĐTM. Có lập luận rằng khai hoang là phá môi trường sinh thái do tự nhiên sắp đặt. Thì ngay từ ban đầu, sau 1975 chuyên gia Liên Xô cũng khuyên ta không nên khai phá ĐTM, để đó làm du lịch. Đây là vùng đầm lầy ngập nước rộng lớn nhất ở ĐNÁ, để nguyên nó sẽ thu hút chim chóc cả vùng về đây sẽ thành điểm du lịch quốc tế lý tưởng (nay ta còn khoảng 7000 ha ở Tam Nông Đồng Tháp cho loài sếu đầu đỏ đi về). Nhưng do sức ép về lương thực thời đó, nên buộc ta phải khai hoang ĐTM để trồng lúa. Nhưng những người đưa ra ý kiến không nên khai phá ĐTM lại phản biện rằng, vì chính sách hợp tác hóa nông nghiệp sai lầm nên ta mới thiếu lương thực. Nay bỏ hợp tác hóa thì ngay cả đồng bằng Bắc Bộ cũng thừa gạo ăn cho miền Bắc, có năm còn xuất khẩu thì cần gì phải khai thác ĐTM. Lịch sử trớ trêu là vậy. Nếu còn nguyên ĐTM hoang vu thì quý hóa biết mấy. Có nhà khoa học đã nói: một đất nước không ra đất nước nếu không có những vùng đất hoang. Một nhà thơ Pháp André Theuriet đã viết: “Hồn tổ quốc ngự nơi rừng sâu thẳm”! Nếu để vùng ĐTM là sân chim của cả vùng ĐNÁ như chuyên gia Liên Xô đã từng khuyên ta thì bây giờ tiền thu được từ dịch vụ du lịch còn lớn hơn nhiều tiền xuất khẩu gạo trầy trật. Nhưng lịch sử không có chữ “nếu”! Người Pháp có câu ngạn ngữ rằng: “Với một chữ nếu, tôi có thể bỏ cả cái thành Paris vào trong một cái lọ”! Than ôi!

Sau cuốn ĐTM, tôi lần lượt cho xuất bản tập bút ký “Viết từ Đồng bằng sông Cửu Long” (NXB Tổng hợp TP HCM 1995); “Dòng đời xuôi ngược”(NXB Công an nhân dân 1998); “Hồ sơ Đồng bằng sông Cửu Long” (NXB Thanh niên 2000); “Chung sống với lũ” ( NXBTN 2001). Các sách trên đều đã được tái bản.

Viết những cuốn sách đó, tôi chỉ hy vọng cung cấp ít nhiều tư liệu chính xác cho các bạn đồng nghiệp của mình về vùng đất mà cả nước quan tâm là vùng ĐBSCL mà thôi. Cùng với việc cho ra đời các cuốn sách, hầu như tháng nào tôi cũng có bài phát trên Đài TNVN và báo SGGP về ĐBSCL. Đôi khi còn viết ký cho báo Văn nghệ Hội nhà văn. Những bài nào theo suy nghĩ của tôi là có “nhận định”, có đề xuất vấn đề ở tầm vĩ mô đối với ĐBSCL thì tôi gửi cho báo Nhân Dân, và hầu hết đều được đăng, như các bài: Tiền Giang từ khi có nghị quyết lần thứ V của Đảng (báo ND 19.11.1982); Nhìn lại vận tải đường sông ở ĐBSCL (báo ND 10.1.1985); Giao thông đi trước mở đường khai tác tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười (ND 15.3.88); Ngọt hóa Gò Công (ND 24.4.90). Nhà văn Mai Văn Tạo quê ở An Giang đã đọc kỹ cuốn “Đồng Tháp Mười hôm nay” của tôi và bản thảo tập ký “Viết từ Đồng bằng sông Cửu Long” và ông đã viết lời giới thiệu cho tập ký này của tôi với tất cả tình cảm của người đi trước để động viên một nhà báo quê ở miền Bắc đã có công lặn lội để viết về miền Nam quê hương ông.

Quả thật, trong suốt thời gian làm phóng viên thường trú của Đài TNVN tại ĐBSCL (từ 1984-1992) rồi lên TP HCM, tôi vẫn đi, vẫn viết về ĐBCSL cho đến năm về hưu (2002), và cả khi hưu rồi, vẫn đi vẫn viết về đồng bằng… Tôi đã không tiếc mồ hôi để hy vọng góp một chút sức lực của mình cho sự phát triển ĐBSCL, vựa lúa của cả nước, mà chỉ có ĐBSCL mới có thể cứu nguy cho nhiều vùng đói khổ của đất nước. Đúng như nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết:

Cả tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Để đúc nên chính cỗ máy này

Thật là chua chát! Cho đến nay khi Việt nam đã xuất khẩu gạo vào hàng nhất nhì thế giới, nhưng càng xuất nông dân ĐBSCL càng nghèo và các nhóm lợi ích càng giàu. Người làm ra hạt lúa thì nghèo, kẻ đi buôn gạo được lấy tiền ngân hàng lãi xuất thấp đi buôn, buôn độc quyền thì phè phỡn. Tham nhũng thành quốc nạn, lãnh thổ bị gặm dần bởi anh bạn 16 chữ vàng, đất nước đứng bên bờ vực thẳm. Đó là kết quả của đại hội 6, chỉ cải cách kinh tế mà không cải cách chính trị, dẫn đến một nền kinh tế của bọn mafia. Tôi chỉ còn một con đường là cầm bút viết cho báo “lề trái”, viết cho mạng Internet tự do!

Cũng cần phải nó rõ thêm về khẩu hiệu ”chung sống với lũ” mà tôi là người đầu tiên đưa nó lên phương tiện thông tin, báo chí. Tháng 10-1997, anh Lê Huy Ngọ lên làm bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Lần đầu tiên vô Sài Gòn, anh kêu chuyên gia thủy lợi Nguyễn Nhiệm đang công tác tại văn phòng II của Bộ ở đường Pasteur đến giao nhiệm vụ: cậu tìm xem ai là người đầu tiên nêu khẩu hiệu “chung sống với lũ” để tôi thưởng. Anh Nhiệm mời tôi đến văn phòng II chơi, rồi đưa tôi đi nhà hàng ăn trưa. Anh kể lại nhiệm vụ bộ trưởng Ngọ mới giao và nhờ tôi, một người hay viết về ĐBSCL tìm hộ tác giả đó. Anh còn nói: Bộ trưởng mới giao việc cho tôi, anh Phú Khải cố giúp tôi việc này. Tôi bảo với anh Nhiệm: cứ yên tâm, mai tôi sẽ trả lời anh ngay. Anh Nhiệm mừng lắm.

Hôm sau tôi mang đến cho anh Nhiệm bản photo ba bài viết của tôi trên báo. Bài thứ nhất: Ơi! Đồng bằng sông Cửu Long – Báo xuân SGGP Nhâm thân 1992; Bài thứ hai nhan đề: Chung sống với thiên nhiên ở ĐBSCL (đăng liền 2 số báo SGGP từ số 31/10/94 đến 1/11/94 và số tiếp theo). Bài thứ ba: Né lũ (báo Văn nghệ Hội nhà văn VN 5/11/1994).

Tôi nói với anh Nhiệm: anh đọc kỹ ba bài báo này theo thứ tự thời gian đăng. Nếu anh không tìm thấy văn bản nào, bài báo, cuốn sách hay quyết định công văn nào trước đó đã nêu khẩu hiệu “chung sống với lũ” thì tôi là tác giả của khẩu hiệu này. Anh Nhiệm mừng lắm, cảm ơn tôi. Ba ngày sau anh điện cho tôi lên văn phòng II ăn cơm với anh Ngọ, để anh Ngọ thưởng tôi. Bữa cơm có cả chị Năm Triều, tổng giám đốc công ty lương thực miền Nam và một vài nhà báo khác. Lúc đã ngà ngà say, anh Ngọ nói: giá bây giờ có cái chiếu giải xuống đất ngồi mà nhậu thì hay quá! Tôi nhớ mãi câu này vì ai đời đang ngồi bàn có ghế tựa lưng để ăn nhậu rất sang trọng lại ước ngồi chiếu ở dưới đất (!) Ông Ngọ đúng là một “Bộ trưởng của nông dân”! Tiệc xong, cậu Nhạn thư ký của anh Ngọ đưa cho tôi một chai rượu Hennessy và nói: Bộ trưởng tặng thưởng nhà báo! Tôi đem chai rượu về nhà khoe với bà xã. Bà bảo tôi : Bộ trưởng thưởng công mà chỉ có một chai rượu thôi à? Sau đó tôi có việc phải đi Hà Nội. Tôi kể cho chú em họ tôi là Lê Phú Hoành đương kim vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế Bộ Tài chính nghe câu chuyện “chung sống với lũ” và phần thưởng của Bộ trưởng Ngọ cho tôi. Chú em tôi nói: Mồm anh bé mà nói một câu lớn như thế người ta không cắt lưỡi là may lắm rồi (!) còn đòi gì nữa! May cho họ Lê Phú nhà ta không có người bị cắt lưỡi! Tôi là một nhà báo, mà nhà báo thì là người làm chính trị mà không mưu đồ quyền lực nên đã “ngây thơ” chăng?

Viết lại câu chuyện tôi chỉ muốn nói rõ một điều là, trên thực tế, nông dân ĐBSCL vẫn chung sống với lũ từ xưa đến nay. Bà con gọi là “mùa nước nổi”, là “lũ lành”. Khi chúng ta khai hoang những vùng đất xưa kia, bà con chỉ vào thu hoạch lúa nổi, lúa trời chứ không ở lại đó. Nay làm lúa 2 vụ ở những vùng đó, xây nhà, xây trường học ở những vùng xưa kia không ai ở, chỉ đến xâm canh mà thôi. Vì thế, mới thiệt hại và chưa có biện pháp chung sống với lũ ở các vùng mới định cư đó. Và, nhà nước vội vàng hô “chống lũ”, báo chí hùa theo viết bài “chống lũ”! Ông Đỗ Mười còn dọa sẽ “huy động toàn Đảng, toàn dân đắp đê cho ĐBSCL”! Khi ông ở ngòai Bắc vào Nam để triển khai tư tưởng này, thứ trưởng Bộ Thủy lợi là ông Nguyễn Giới đã phải đem cả một tốp chuyên gia thủy lợi đến thuyết phục, may quá ông Đỗ Mười đã nghe ra và bỏ ý định “huy động toàn Đảng toàn dân…” đắp đê cho ĐBSCL.

Ngay cả bà con đang sống trong vùng kinh tế mới giữa Đồng Tháp Mười đã khẩn hoang, họ vẫn có cách “né lũ” để sống chứ không phải họ chống lũ. Vì thế tôi chỉ là người có công gọi đúng tên sự vật khách quan là nhân dân đang “chung sống với lũ”, chứ tôi không phát kiến ra cái gì mới lạ cả. Có điều là, nhà báo phải sát dân, không ngồi trong phòng lạnh để chờ ăn theo, nói leo các ông lớn. Tôi nẩy ra ý định viết hàng loạt bài cổ vũ cho khầu hiệu “chung sống với lũ” trong một chuyến đi thực tế quan sát lũ. Hôm đó là một buổi chiều cuối năm 1991, phó giám đốc Sở Nông nghiệp Tiền Giang là anh Nguyễn Văn Khang hiện nay (2013) đang là chủ tịch UBND tỉnh. Anh Khang dến rủ tôi và nhà báo Hải Bình, trưởng cơ quan TTXVN tại Tiền Giang đi Cái Bè gấp với anh. Anh nói: Lũ miệt trên (tức An Giang-Đồng Tháp) đã về đến xã Hậu Mỹ Bắc A của Cái Bè Tiền Giang rồi, tôi sốt ruột lắm, mời 2 anh đi với tôi, các anh “la lên” cho mọi người biết lũ năm nay to lắm, chuẩn bị mà đối phó. Thế là chúng tôi đi. Đến xã Hậu Mỹ Bắc A thì cánh đồng còn khô ráo, bà con đang gặt luá gấp để né lũ. Lũ ở ĐBSCL là lũ chẩy tràn trên một mặt bằng rất rộng lớn nên nó bò từ từ, qua rất nhiều chướng ngại vật là bờ ruộng, bờ kênh, nhà cửa, vườn tược. Nước lên nhích dần từng centimet. Chiều tối hôm ấy chúng tôi quyết định ngủ lại một nhà dân đang gặt lúa chạy lũ. Mâm rượu được dọn ra đãi khách. Lúc chúng tôi cởi dép lên giường ngồi nhậu thì sàn nhà còn khô ráo. Một lúc sau quờ chân xuống đất tìm đôi dép thì đã chạm chân vào nước. Nước đã vô nền nhà và đôi dép chui vô gầm giường. Sáng hôm sau thì cả vùng đất rộng lớn là huyện Cái Bè của tỉnh Tiền Giang, vùng giáp ranh với ĐTM đã mênh mông nước. Những gia đình nào chưa kịp thu hoạch lúa thì đang gặt mò! Gia đình nào đã thu hoạch xong thì lo chở lúa lên lộ cao phơi. Bấy giờ mọi người đi lại bằng chiếc xuống ba lá bé nhỏ. Tôi đứng nhìn cánh đồng ngập nước mênh mông và những chiếc xuồng con chống sào đi lại trên đồng… cảnh sắc giống hệt vùng chiêm trũng Hà Nam-Phủ Lý mùa mưa bão ngoài Bắc. Nhưng nên nhớ rằng, nước đồng chiêm trũng ngoài Bắc là thứ nước chua có hại cho lúa mà bà con ta gọi là vùng “chiêm khê mùa thối”. Còn “nước nổi” mà chúng tôi đang cởi quần dài vắt lên cổ để lội ở Cái Bè này là nước ngọt phù sa, rất tốt cho cây lúa. Nó là thứ phân bón hảo hạng nhất cho đồng ruộng luôn “trẻ” lại. Nó còn diệt cỏ, diệt hết chuột bọ trên cánh đồng để bà con làm vụ lúa sau khỏi phải phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ. Nó còn đem tôm cá vô tận sân nhà cho bà con. Cảnh vật quanh tôi lúc đó vẫn yên tĩnh, êm ả, có hơi buồn một chút vì ai đó ngồi nhà, có việc mới chống xuồng “đi câu chuyện”. Tôi nghĩ ra cái chủ đề phải “chung sống với lũ” từ cái đầu đang cuốn chiếc quần dài để “né lũ” và đôi chân đang ngâm dưới biển nước phù sa mát rượi ở huyện Cái Bè hôm đó. Những bài báo với chủ đề “chung sống với lũ” của tôi đã ra đời như thế, may mà không bị “cắt lưỡi”! Sau này khi cuốn “Chung sống với lũ” của tôi ra đời, sách viết chung với Ts Tô Văn Trường (NXB Thanh Niên 2001), thì có nhiều bài báo viết về tác giả của khẩu hiệu “chung sống với lũ” như bài “Người đầu tiên nêu khẩu hiệu “chung sống với lũ” của nhà báo Nguyễn Thị Kỳ, phóng viên báo SGGP đăng trên tạp chí Văn Hiến số 11/2006, hay bài “ Người đầu tiên chung sống với lũ” đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ số ra ngày chủ nhật 2/11/2008… của luật sư Bùi Mạnh Hảo.

Thủ tướng Võ Văn kiệt là người đọc rất kỹ những bài báo viết về ĐBSCL, về lũ. Có lần ông hỏi tôi: Vợ chồng Phú Khải sống với nhau thế nào? Câu hỏi đột ngột quá khiến tôi chưa biết trả lời ra sao thì ông nói: phải sống hòa thuận chứ như chung sống với lũ mà Phú Khải viết thì không ổn! Và sau đó, hàng loạt những chương trình để chung sống với lũ như khu dân cư vùng lũ,cơ cấu lại thời gian gieo, sạ lúa hè thu để né lũ, thời gian học của học sinh vùng lũ được khai giảng sớm hơn và kết thúc năm học sớm hơn các vùng khác… đã được chính phủ dưới thời ông Võ Văn Kiệt làm thủ tướng tiến hành có hiệu quả. Năm 1998, ĐBSCL lũ rất thấp, sâu bệnh hoành hành, thất mùa lúa, mùa cá. Ông Võ Văn Kiệt lúc đó là cố vấn BCH TW Đảng trong một cuộc họp đã nói một câu bất hủ mà tôi chưa nghe thấy bao giờ: Không có lũ là thiên tai với ĐBSCL!

Chúng ta hôm nay lên án mạnh mẽ những kẻ đang xây đập trên thượng nguồn sông Mekong làm ảnh hưởng đến dòng chảy, làm khô cạn nguồn lũ về vùng hạ lưu… càng thấm thía lời nói, càng thấy sự sáng suốt Võ Văn Kiệt – con người sinh ra từ phù sa nước ngọt, từ nắng mưa hào phóng của ĐBSCL!

Cuối những năm 1980, một cuộc tranh chấp ruộng đất làm rung chuyển ĐBSCL. Khi các HTX và tập đoàn lần lượt tan rã, rồi khoán 100, khoán 10 ra đời… sản xuất được phục hồi thì đất đai có giá. Cuộc tranh chấp đất đai tự phát bùng nổ. Nguyên nhân là khi xây dựng HTX và tập đoàn sản xuất chúng ta đã cào bằng để chia lại ruộng đất theo bình quân nhân khẩu. Những hộ thừa đất tính theo bình quân thì phải “nhường cơm xẻ áo” cho hộ thiếu đất. Khi chia lại như thế lại có tình trạng hộ A thừa đất phải cắt cho hộ B. Nhưng ngay cả diện tích đất của hộ A được giữ lại nhưng không được canh tác trên đất cũ của mình mà phải đi nhận ruộng ở chỗ khác. Sau này, người chủ cũ đòi lại ruộng của hộ A, mà hộ A không đòi được ruộng gốc của mình thì hộ A đó coi như trắng tay. Người nông dân chỉ có ruộng để sinh sống, vì vậy, sau câu chuyện “nhường cơm xẻ áo” kia là sự tranh đấu vô cùng khốc liệt. Cả nông thôn đồng bằng náo loạn: cướp phá, đốt nhà, đánh nhau, kéo nhau lên tỉnh, lên thị xã biểu tình rầm rầm… chính quyền không biết đường nào mà giải quyết. Chính sách hợp tác hóa của Đảng là nguyên nhân của tội ác này. Và nói thật công bằng, giới báo chí cũng phải chịu trách nhiệm về tội ác này vì đã cổ vụ cho phong trào “hợp tác hóa”. Trong những tội ác mà báo chí đã gây ra, có tôi – kẻ viết những dòng chữ này cũng nhúng tay vào tội ác đó. Chính tôi đã viết không biết bao nhiêu tin, bài cho đài cho báo để cổ vũ cho hợp tác hóa vì sự ngu dốt, ngộ nhận của mình. Đài phát thì gió bay đi, còn báo in thì còn đó. Những bài tôi viết trên báo Nhân dân vẫn còn đó. Tôi có muốn chối cũng không được. Thế mới biết các cụ ta ngày xưa thâm thật, các cụ dậy: “Khôn thì viết văn tế, dại mới viết văn bia”!

Trước tình hình đó, tôi muốn chuộc tội của mình bằng cách thu thập tài liệu để dự báo cho cả nước biết tình hình tranh chấp ruộng đất đang nhen nhúm và có khả năng bùng phát lớn ở ĐBSCL. Nhưng tôi lại ngu một lần nữa, vì báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng chỉ để ca ngợi, để minh họa đường lối của Đảng, để “đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”. Báo chí không cần dự báo, không được “bôi đen” chính sách của Đảng và không cần đưa cuộc sống vào nghị quyết Đảng! Bài viết “Tranh chấp ruộng đất ở ĐBSCL” của tôi gửi ra, Đài TNVN không chịu phát, báo Nhân Dân không dám đăng. Cuối cùng, tổng biên tập báo QĐND, thiếu tướng Trần Công Mân vào Tiền Giang, đích thân ông đã đem bài báo đó ra để báo Quân đội đăng. “Tai hại” nhất cho tôi và phóng viên nhiếp ảnh Nguyễn Bá là bài báo có kèm bức ảnh bà Kiểu ở xã Điền Hy huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang bị xã trói giật cánh khuỷu bằng một sợi dây rất to do Nguyễn Bá chụp để minh họa về tình trạng cường hào mới ở nông thôn. Bức ảnh một bà già gầy yếu, bị trói giật hai tay ra sau lưng đó đã gây xúc động, gây tiếng vang. Báo chí phương Tây có đăng lại. Thế là người ta đặt câu hỏi có bàn tay của CIA không? Nguyễn Bá bị điều tra lý lịch, còn tôi thì bị nghi đã “vẽ” cái dây trói ấy vào tay bà Kiểu? May đời, Nguyễn Bá còn giữ được phim gốc (và được báo Ấp bắc bênh vực), tôi còn giữ một ảnh lưu nên mới thoát nạn. Vì thế tôi mới cho rằng, giữ bản lưu là chuyện sống còn với các nhà báo viết phóng sự điều tra.

Nguy hại nhất la người ta không dám nhìn thẳng vào sự thật là nguyên nhân tranh chấp ruộng đất do chính đường lối cải tạo nông nghiệp sinh ra, là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không có bàn tay CIA nào cả. Chính quyền không giải quyết các vụ tranh chấp ruộng đất vì không biết giải quyết theo luật nào khi các HTX và tập đoàn đã tan rã, TW thì chưa có ý kiến gì. Một số nơi, cán bộ xã vì tư lợi đã đứng về một phía để làm càn. Một buổi sáng còn chưa rõ mặt người, các anh Quốc Thái và Dũng ở Phân xã Tiền Giang thuộc TTXVN đến kêu tôi đi điều tra về một tranh chấp quyết liệt và súng đã nổ ở huyện Châu Thành do người nhà của nạn nhân đến cầu cứu báo chí. Các anh mặc áo mưa, che kín mặt chở tôi đi… như đi hoạt động bí mật. Chúng tôi đến nơi thì ruộng lúa đến ngày thu hoạch bị phá nát. Đầu đuôi là một thanh niên trong xã phải đi nghĩa vụ quân sự. Diện tích ruộng của anh phải điều hòa cho người khác. Khi hết hạn nghĩa vụ, theo đúng luật nhà nước đề ra thì anh phải được trả lại ruộng để canh tác. Nhưng người làm mảnh ruộng đó cậy có người nhà làm cán bộ lãnh đạo xã nên không chịu trả. Anh thanh niên đó cứ cầy bừa, gieo sạ trên mảnh đất của mình đã được cấp trước khi đi nghĩa vụ. Đến khi anh thu hoạch thì xã điều du kích đến đàn áp, phá ruộng lúa của anh ta. Súng đã nổ để thị uy nhưng người thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự đó vẫn không buông con dao trên tay mình để tự vệ. Sau đó nhà anh bị quân đội bao vây, vì xã báo lên huyện đội là anh có vũ khí, có lưu đạn. Nhưng quân đội chỉ bao vây mà không đột nhập vào nhà rồi rút lui. Tôi phỏng vấn người thanh niên dũng cảm bảo vệ ruộng đất của mình: vì sao súng nổ quanh người mà chú vẫn không hạ dao? Anh ta trả lời một câu xanh rờn: người lính hạ vũ khí là tự sát! Rồi anh giải thích: tôi biết thừa du kích không dám nã súng vào tôi. Ai lại dại gì giết người để giữ ruộng cho người khác. Còn nếu tôi hạ vũ khí, bị bắt trói giam trong ủy ban xã, thì ngay đêm ấy ăn một trận đòn hội chợ là tiêu mạng! Anh cầm con dao dựa dài giơ lên trước mặt tôi nói: vũ khí phải cầm chắc. Anh còn dẫn chúng tôi đi xem con đường từ ruộng về nhà, lối anh đi bị đạn bắn cầy hai bên, nhưng anh vẫn đi bình tĩnh. Chúng tôi phỏng vấn ghi âm chụp hình hiện trường thì có người báo, phải rút ngay (vì xã đã báo công an huyện về bắt các nhà báo). Quốc Thái và Dũng là những nhà báo đã từng cầm máy ảnh lăn lộn chiến trường miền Nam năm xưa trong đội quân TTX nên kinh nghiệm đầy mình. Các anh hóa trang cho tôi và rút về Mỹ Tho theo một đường khác. Vừa rời hiện trường được một đoạn thì Quốc Thái dừng xe lại, chỉ cho tôi và Dũng chiếc xe jeep chở công an huyện về bắt chúng tôi đang chạy trên con đường vào xã mà sáng nay chúng tôi vừa đi. Thái chửi thề: đù mẹ! Mấy thằng con nít kia thì làm gì được mấy cựu chiến binh chúng tao. Tấm hình Quốc Thái chụp tôi đội nón phớt đứng giữa thửa ruộng đã bị phá nát đã được tờ Tuần Tin Tức của TTXVN đăng để minh họa cho một bài viết có chủ đề về tranh chấp ruộng đất ở ĐBSCL lúc đó. Tờ báo này tôi còn giữ được cho đến bây giờ.

Chúng tôi đã làm nhiều cuộc điều tra “bí mật” như thế trong những trường hợp gây cấn không kém, phải ngủ bờ, ngủ bụi… để nắm rõ các nguyên nhân tranh chấp ruộng đất. Để chứng minh là không có “địch”! Tờ báo tuần “An ninh Tiền Giang” của Sở Công An Tiền Giang do thiếu tá Võ Thị Cẩm Hồng phụ trách sau đó đã đăng bài nhan đề: “10 nguyên nhân tranh chấp ruộng đất” của tôi. Khi tình hình đã chín mùi khiến TW phải giải quyết, anh Hữu Thọ đã vào miền Nam để nắm tình hình. Và, thật sung sướng cho tôi là báo Nhân Dân (15.8.1988) đã đăng bài viết về đề tài tranh chấp ruộng đất ở Tiền Giang của tôi. Sau đó cuộc hội nghị về tranh chấp ruộng đất ở ĐBSCL ở Cần Thơ do phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng chủ trì đã có kết luận gần tương tự với các nhận định của báo Nhân Dân ngày 15.8.1988. Những người ủng hộ quan điểm “không có bàn tay của địch” trong các vụ tranh chấp ruộng đất đã chúc mừng các nhà báo chúng tôi.

Bà Kiểu ở xã Điền Hy huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền giang bị xã bắt trói trong một vụ tranh chấp ruộng đất. Ảnh Huỳnh Công Bá – nguồn: tác giả Lê Phú Khải
Cảnh lũ lụt năm 2000 ở Vĩnh Hưng, Long An trong vùng Đồng Tháp Mười – ảnh Lê Phú Khải
Những cuốn sách đã in (1989-2008) của tác giả.

– – – – –

MỤC LỤC:

Lời nói đầu

Ch 1.  Hà nội, nơi tôi sinh ra

Ch 2.  Đi tản cư lên Chí Chủ, Phú Thọ

Ch 3.  Hai lần “thi trượt” nhưng số phận vẫn mỉm cười với tôi

Ch 4.  Đời sinh viên

Ch 5.  Những chuyện kể của tướng Qua

Ch 6.  Chín năm dạy học ở thôn quê

Ch 7.  Ba mươi tám năm làm báo “lề phải” và “lề trái”

Ch 8.  Người cùng thời:

Ch 9.  “Chấm phá” chân dung những nhà dân chủ:

Ch 10.  Cuộc biểu tình ngày 9/12/2012

Thay lời kết

 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây