Lời Ai Điếu – Hồi ký Lê Phú Khải (chương 05)

Chương 5:

tác giả: Lê Phú Khải – nguồn ảnh: uyennguyen.net

NHỮNG CHUYỆN KỂ CỦA TƯỚNG QUA

(tiếp theo Lời nói đầuCh.1, Ch.2, Ch.3, Ch.4)

Sở dĩ có chương này trong hồi ký của tôi vì người phương Tây có câu phương ngôn đầy ý nghĩa xã hội: Một nửa sự thật không phải là sự thật. Vì người ta mới chỉ viết có một nửa sự thật nên có những nhân vật có thời được dựng tượng, nhưng một thời gian không lâu, chỉ vài chục năm sau, thiên hạ lại kéo đổ thần tượng đó xuống. Nhưng hàng trăm năm nay, không có ai kéo tượng của Puskin, của Victor Hugo xuống cả. Lịch sử công bằng như thế.

Tướng Lê Hữu Qua, tên khai sinh của ông là Lê Phú Cường (1914-2001) là chú ruột của tôi. Ông là nhân chứng sống của cuộc Cách Mạng Tháng Tám 1945 cho đến khi ông qua đời, 2001. Ông tham gia Việt Minh từ năm 1943, từng làm trưởng Ban trinh sát Sở Công An Bắc Bộ năm 1945, là người phá vụ án phố Ôn Như Hầu nổi tiếng sau CMT8. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, năm 1947 ông được cử làm giám đốc công an khu 11 (tức công an Hà Nội). Khi Nha công an trung ương chuyển lên Việt Bắc, ông được giao làm phó ty trật tự tư pháp. Đến tháng 3 năm 1954 ông được cử đi bảo vệ đoàn đại biểu Việt Nam do phó thủ tướng Phạm văn Đồng dẫn đầu đi dự hội nghị Geneve tại Thụy Sỹ. Khi hội nghị kết thúc, ông được cử tham gia đoàn của chính phủ đi công tác tại Ý, Ai Cập, Ấn độ, Miến Điện, Hồng Kong. Về Việt Nam ông được điều về Hà Nội gấp để bảo vệ Hồ Chủ Tịch và ông Phạm Văn Đồng trong cuộc gặp đại diện Cộng Hòa Pháp Sainteny tại Phủ Chủ Tịch ngay sau giải phóng thủ đô. Năm 1956, ông làm phó gám đốc Vụ trị an Dân cảnh. Đến tháng 5/1962 ông được chính phủ cử làm cục trưởng Cục cảnh sát Nhân dân với quân hàm thượng tá cảnh sát và giữ chức vụ này cho đến năm 1967. Ông là người xây dựng lực lượng cảnh sát nhân dân từ ngày đầu ấy. Sau thời gian đi học trường Nguyễn Ái Quốc về, ông giữ chức cục trưởng Cục quản lý các trại giam cho đến năm nghỉ hưu 1980. Thời gian làm cục trưởng Cục trại giam ông phải đảm nhận nhiều sỹ quan cấp tướng, cấp tá và quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn ra Bắc cải tạo, cũng như các trại cải tạo khác ở toàn quốc. Ngày 18/4/1977 ông được chủ tịch Tôn Đức Thắng phong hàm thiếu tướng công an. Bạn đọc chỉ cần gõ vào google mấy chữ “Thiếu tướng Lê Hữu Qua và những chiến công…” là có ngay bài viết cùng nhan đề trên báo công an nhân dân xuân Đinh Hợi 2007 để được biết về ông. Khi ông mất, báo Nhân dân số ra ngày chủ nhật 21/1/2001 đã đăng ở đầu trang 8 tin buồn, nguyên văn: Đảng ủy công an trung ương Bộ Công An; Đảng ủy UBND phường Hàng Mã, Q. Hoàn Kiếm Hà Nội và gia đình thương tiếc báo tin đồng chí thiếu tướng Lê Hữu Qua, sinh năm 1914, quê quán phường Phúc xá, Q. Ba Đình Hà Nội; Trú quán 28 Hàng Rươi phường Hàng Mã, Q. Hoàn Kiếm Hà Nội; Tham gia cách mạng năm 1943, vào Đảng CSVN năm 1945; Nguyên cục trưởng Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng Bộ Công An, đã về hưu. Huân chương độc lập hạng ba, huân chương quân công hạng nhất, huân chương kháng chiến hạng hai, huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, huy chương vì thế hệ trẻ, huy chương vì sự nghiệp giáo dục, kỷ niệm chương của Bộ nội vụ Cu Ba và nhiều huân chương khác, huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, đã từ trần hồi 4h 10 phút ngày 20/1/2001 tạ bệnh viện Hữu Nghị. Lễ viếng bắt đầu lúc 8h ngày 22/1 tại nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (39 Trần Khánh Dư Hà Nội). Lễ truy điệu lúc 12h cùng ngày, an táng tại nghĩa trang xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm TP Hà Nội.

Một người nằm trong nghành an ninh và giữ nhiều trọng trách như thế nên ông biết nhiều sự thật. Trong những lúc vui buồn dài theo năm tháng, ông đã kể cho thằng cháu ruột của mình – đích tôn của dòng họ Lê Phú – những sự thật đó một cách vô tư. Những câu chuyện của ông không có lớp lang gì cả, nhân sự việc này, ông kể câu chuyện có liên quan. Lúc nghe ông kể, tôi cũng không có ý thức phải ghi lại để sau này chép “sử” như nhà báo Huy Đức đã viết thiên hồi ký “Bên Thắng Cuộc”. Nhưng tôi nhận thấy cần phải viết lại những điều tướng Qua đã kể, để “một nửa sự thật” mà người đời không biết đến, hoặc người biết cố tình ém nhẹm đi, rồi lịch sử bị chôn vùi.

Những nhân vật mà người ta chỉ biết đến “một nửa” về họ được suy tôn như những danh nhân hào kiệt, còn người đáng vinh danh lại không được ai nhắc đến. Báo SGGP thời ông Tô Hòa làm tổng biên tập, số ra ngày chủ nhật 4/6/1989 đã đăng bài thơ “Sự thật phải đong đầy” của tôi:

“Con tôi hỏi
Cái gì mắc nhất
Tivi hay tủ lạnh, honda?

Mai con lớn rồi con sẽ hiểu
Mắc nhất trên đời là sự thật con ơi!
Một nửa bánh mỳ vẫn là chất bánh
Một nửa dòng sông vẫn có đôi bờ
Một nửa vầng trăng vẫn thành nỗi nhớ
Một nửa cái hôn vẫn thấy ngọt ngào

Còn sự thật – con ơi – một nửa
Người trung kiên vẫn chết gục giữa đường
Kẻ bất lương vẫn trên ngôi thần thánh
Thằng lưu manh vẫn khoác áo anh hùng!

Sẽ muôn đời là dối trá, dối trá
Khi sự thật chẳng đong đầy.”

Bài thơ này đã gây bất ngờ cho nhiều người đọc thời đó. Ông Tô Hòa sau một lần chất vấn TBT Nguyễn Văn Linh đã bị cho thôi chức, về hưu. Nay cuối đời, có thời gian tôi quay lại đề tài của bài thơ này trong chương mục “Chuyện kể của tướng Qua”. Tôi hệ thống lại các mẩu chuyện kể về các nhân vật cho rõ nét, có những chuyện không nhớ thời gian kể, chỉ nhớ nội dung chuyện vì thế tôi gom lại thành những chủ đề để ghi lại. Những chuyện tướng Qua kể cho tôi nghe hoàn toàn ngẫu hứng và vô tình, trong những lần chú cháu gặp nhau. Như tôi đã kể trên đây, hàng tháng tôi phải lên nhà tướng Qua để nhận số tiền 30 đ về cho ông bà nội tôi. Những năm sinh viên, tôi chỉ được nhận nửa học bổng tức 11 đ/ tháng còn thiếu 11 đ phải đóng cho nhà trường. Vì thế chiều thứ bẩy nào tôi cũng cắt cơm ở nhà bếp. Chủ nhật thì ăn no ở nhà rồi chiều mới vào trường để số tiền phải đóng ít đi. Là học sinh thành thị quen ăn sáng, khi vào trường không được ăn sáng nên đói không học được. Ngày ấy tôi chăm lên nhà chú Qua tôi để cuối tháng còn xin một tập báo Nhân dân về bán ve chai (đồng nát) lấy tiền ăn sáng. Bà thím tôi là một phụ nữ rất tằn tiện và tốt bụng. Bà thu gom đủ 30 số báo Nhân dân hàng tháng, chờ đến cuối tháng tôi lên, cho tôi đem về bán ve chai. Bấy giờ giấy hiếm lắm, báo Nhân dân lại là giấy khổ to bán được tiền cũng khá. Tôi nhớ, 30 tờ bán được đủ số tiền để mỗi sáng có được bát cháo lươn giá một hào do căn tin nhà trường bán cho sinh viên ăn sáng. Mỗi lần tôi lên nhà chú tôi là được giữ lại ăn cơm chiều. Chú thím tôi không có con, sau này nhận nuôi một bé còn nhỏ rồi lớn lên em tôi đi Liên Xô học nên nhà rất vắng vẻ. Trong những bữa cơm chiều, tôi thường được nghe nhiều câu chuyện nhân tình thế thái. Chương 5 của cuốn hồi ký này có được là nhờ những câu chuyện hàn huyên như thế. Tất nhiên còn nhiều chuyện được tướng Qua kể trong những dịp khác.

Chuyện về ông bộ trưởng Bộ Công An Trần Quốc Hoàn.

Gộp những gì tướng Qua nhắc đến thì đây là một ông quan liêu nặng, dốt nát nhưng hay khoe mẽ, ích kỷ và dối trá, thích cấp dưới tâng bốc mình, ghét người trung thực, đặc biệt là ghét trí thức. Ông đã loại bỏ trí thức ra khỏi guồng máy công an. Vợ ông là một người tham lam vô độ, cái gì vơ được là vơ… Chưa bao giờ tôi thấy tướng Qua gọi tên hay chức vụ Bộ trưởng đối với Trần Quốc Hoàn. Ông gọi vị Bộ trưởng này bằng tên H lưu manh! Không nhân nhượng gì cả. Ông gọi tắt chữ Hoàn bằng âm H (hát). Lần đầu tiên tôi nghe ông gọi thế, và mãi sau này vẫn gọi thế. Nhiều lúc tôi thấy thương ông chú tôi, suốt đời phải làm việc với một vị thủ trưởng như thế. Cũng nhiều lúc tôi thấy giận ông vì sao không thể… bỏ mà đi, không làm việc ở Bộ Công An nữa. Nhưng sau này gặp nhà văn Tuấn Vinh, chuyên viết truyện về đề tài công an, cùng công tác ở Đài tiếng nói Việt Nam với tôi, biết tôi là cháu tướng Qua, nên đã tặng tôi tập sách “Bão táp mùa thu” của NXB Công an Nhân dân 1995 gồm các truyện ký về sự trưởng thành của công an thủ đô nhân 50 năm thành lập nghành công an nhân dân của nhiều tác giả. Trong bài “Những ngày đầu” hồi ký của Lê Hữu Qua do nhà văn Mai Ngữ ghi lại, trong hơn 30 trang hồi ký đó có đoạn: “Anh em chúng tôi đa số là lớp thanh niên mới lớn, nhiều cậu lúc ấy chưa hề tỏ tình với cô gái nào là cách mạng đến. Nếu gọi là mối tình đầu của người con trai thì cách mạng là mối tình đầu của họ… một tình yêu chung thủy và sắt son, mặc dù sau bao nhiêu năm có nhiều điều làm ta bực bội. Có nhiều kẻ mang danh cách mạng làm chuyện vô lương, nhưng nếu có ai chống lại cách mạng thì chúng tôi không chịu nổi…”.

Càng ngẫm tôi càng thương chú tôi, một thanh niên Hà Nội đẹp trai giỏi võ nghệ, giỏi bắn súng, giỏi lái xe hơi, nói thạo tiếng Pháp và… chỉ có “một mối tình đầu” là cách mạng và suốt đời chung thủy với mối tình đó nên ông không thể từ bỏ được. Ông không thể như Sartre “đi tìm niềm trung thành mới”. Đầu năm 60, tôi đến Bộ công An chơi với chú tôi vì nhà ông ở ngay trong cơ quan Bộ, đi vô phải qua vọng gác. Ông ở trong một căn phòng nhỏ ở trên tầng lầu. Hai vợ chồng chỉ có một phòng cho tất cả mọi sinh hoạt. Tôi liếc nhìn bốn bề… hiểu ý tôi, tướng Qua chỉ tay xuống căn biệt thư rất sang trọng dưới cửa sổ và nói: Tên H lưu manh này chỉ biết hắn thôi. Sau ngày giải phóng thủ đô, hắn chiếm ngay ngôi biệt thự này (nằm trên đường Trần Bình Trọng, một phía của biệt thự giáp đại lộ Trần Hưng Đạo, phía đối diện là Bộ Công An, chiếm cả dẫy phố Trần Bình Trọng). Tất cả các cán bộ cao cấp khác, hắn bắt ở trong cơ quan Bộ với lý do “bảo vệ cán bộ”. Nhiều ngôi nhà quanh hồ Hale, chủ nhân di cư vô Nam, anh em xin ra ở đó H cũng không cho. Sau này lên thăm chú tôi nhiều lần, tôi mới biết đối diện phòng ông là phòng của thứ trưởng Viễn Chi, sát đó là phòng của gia đình ông Nguyễn Công Tài, cục trưởng. Vậy là hai vị cục trưởng và một vị thứ trưởng phải ở chung một tầng lầu trật hẹp, đi chung cầu thang, mọi tiện nghi sinh hoạt khác đều ở tầng trệt công cộng. Ông Viễn Chi có đứa con bị tật, ông phải đưa người bố đẻ ở quê lên để trông cháu. Tất tật chui rúc trong một căn phòng. Cụ thân sinh ra ông Viễn Chi rất đẹp lão, trông như một ông tiên. Một lần tôi sang chơi với cụ lúc mọi người đi vắng, cụ còn đọc thơ cho tôi nghe. Cụ lấy bút danh là Dã Tiên (ông tiên nơi thôn dã). Cụ than phiền với tôi phải rời quê ra đây, ở căn phòng chật hẹp này, cụ buồn lắm. Nhưng vì “thương anh Chi” nên cụ phải ở. Nói chuyện với cụ, tôi thấy đây là một ông già rất thông thái. Cụ thấy tôi đã 20 tuổi nhưng gầy yếu cụ khuyên tôi một vài năm nữa phải lấy vợ vì luật âm dương phải hài hòa!!! Một ông già như ông Dã Tiên phải được sống ở nơi non xanh nước biếc mà lại bị cầm tù ở cái gác ấy thì thật là đáng trách. Một lần, cũng do vô tình, tôi được một vị trung niên rất đẹp tướng, cao to, mặt mũi sáng sủa, là hàng xóm của tướng Qua kêu tôi sang nhà nhờ khiêng một cái giường cá nhân. Tôi thấy nhà ông ấy có nhiều sách lại có hai cái điện thọai mắc ở đầu giường, trong khi tướng Qua chỉ có một điện thoại. Tôi hỏi tướng Qua ông ấy là ai mà oai vậy? Tướng Qua cười bảo tôi, cháu học văn mà không biết, ông ấy là ông Tài con nhà văn Nguyễn Công Hoan đó. Cái thế giới nhà tập thể nó thế. Ai có ở nhà tập thể do cơ quan cấp mới thấy chán chường. Đã cả ngày nhìn thấy nhau ở cơ quan, đến khi về đến nhà riêng ra vào lại phải gặp những gương mặt đó. Hợp nhau đã vậy còn nếu không thì chỉ mong dọn đi chỗ khác. Có lẽ vì chán ở tập thể nên chú tôi tìm cách dọn ra ở bên ngoài. Di chuyển đôi lần rồi cuối cùng ông ở 28 phố Hàng Rươi cho đến cuối đời. Lý do về ở phố, theo ông nói với tôi là “thích ở gần dân”. Nhưng ngôi nhà 28 Hàng Rươi cũng vô cùng chật hẹp. Nhà hình ống, bề ngang chỉ hơn 2 m, cầu thang lên dựng đứng. Đi ra đi vào phải lách, vậy mà ông đã ở đấy cho đến lúc ra đi… Có lần, một người ở quê ra chơi, thấy ngôi nhà bé quá, khi về ông ta nhỡ miệng than với mọi người: Nhà ông tướng gì mà như cái chuồng chó! Sau này nghe được câu nói đó, tướng Qua buồn lắm (!)

Cả một đời ngang dọc, đánh đông dẹp bắc chiến tích đầy mình mà đến cuối đời chú tôi vẫn phải ở trong căn nhà “như cái chuồng chó” ấy thật là bất công. Bây giờ, mỗi khi vô một căn nhà, chủ nhân chỉ là viên sỹ quan cấp tá thôi nhưng nhà họ nguy nga như một lâu đài. Tôi mới ngẫm ra rằng, như một nhà hiền triết đã nói: “Nghĩ ra một chủ nghĩa bao giờ cũng là các bậc thiên tài. Thực hiện cái chủ nghĩa đó bao giờ cũng là những người cuồng tín và hưởng thành quả của chủ nghĩa đó thì bao giờ cũng là bọn lưu manh”.

Nói về tính ích kỷ và sự dối trá của Trần Quốc Hoàn tướng Qua có lần kể, dưới bàn làm việc của tên H là một cái hầm. Chỉ cần bấm nút một cái là cả bàn giấy của H thụt xuống hầm sâu. Căn hầm có thể tránh được bom nguyên tử. Bên phố Yết Kiêu gần đấy, dưới đất là cả một căn hầm rộng mênh mông. Tên H rất sợ chết, chỉ lo bảo toàn tính mạng cho riêng hắn.

Khi nói đến sự láu cá, cơ hội, nịnh hót trong hàng ngũ lãnh đạo Bộ Công An, tướng Qua dẫn ra những nhân vật thật tức cười. Đó là thứ trưởng Minh Tiến, cái ông đã làm giấy mượn khẩu súng lục của ông nội tôi khi còn là chủ tịch xã… Minh Tiến thường lảng vảng trong sân Bộ mỗi khi Trần Quốc Hoàn đi đâu về khuya. Khi nghe thấy tiếng xe của Hoàn về là Minh Tiến chạy vội lên phòng, bật đèn sáng choang, ngồi ngay ngắn… ”làm việc”! Vì thế Hoàn thường khen: Ở Bộ này chỉ có Minh Tiến là “thức khuya dậy sớm” mà thôi. Cái nghề ở tập thể nó thế. Không ai che dấu được cái tốt, cái xấu với mọi người. Một nhân vật nữa là cục trưởng Hoàng Mai, cục trưởng Cục trại giam trước khi tướng Qua tiếp nhận chức vụ này. Hoàng Mai đi công tác từ Hà Nội, đến Bắc Giang thì bắn được một con chím gáy. Hắn vội quay xe về, chạy hộc tốc lên gác nhà Trần Quốc Hoàn, biếu vợ Hoàn con chim gáy đó và được vợ Hoàn khen nức nở là người tốt. Và dĩ nhiên là được Bộ trưởng Hoàn xếp vào danh sách cán bộ tin cậy.

Nói về sự nịnh hót của cấp dưới và sự ba hoa phét lác của “tên H lưu manh”, tướng Qua kể mỗi năm Bộ Công An có một cuộc họp toàn quốc vào cuối năm. H ba hoa xích đế trên diễn đàn. H thường mời những tay có học vị phó tiến sỹ đỗ đạt ở Liên Xô về nói các vấn đề mới về khoa học cho mình nghe. Khi hội nghị toàn quốc của ngành hắn đem những điều nghe được lõm bõm đó ra ba hoa với hội nghị. Đến giờ giải lao, hắn chạy xuống chỉ tay vào những người ở hàng ghế đầu, thường là thứ trưởng, cục trưởng hỏi: Tôi nói nghe có được không? Thế là lập tức có kẻ xoa xoa hai tay, tâng bốc: Nghe Bộ trưởng nói cứ… sáng ra, ước gì một năm có vài lần hội nghị toàn quốc thế này để anh em được nâng cao trình độ. H sung sướng cười híp cả mắt. Vì thế nên tôi và HH (cục trưởng) đến kỳ họp toàn quốc phải lẩn xuống chỗ các trưởng ty ngồi để đề phòng tên H nhỡ ra lại chỉ tay vào mình mà hỏi: Tôi nói thế anh Qua thấy thế nào? Chả nhẽ lại nói, anh nói tôi nghe như… cục c!

Nó về sự ton hót, tướng Qua kể một chuyện đáng buồn nôn. Đó là kỳ họp sau khi thống nhất đất nước. Sau khi nói về sự “tiến bộ” của ngành, tên H hỏi anh em: Đánh giá ngành ta thế có khách quan không? Một tên ton hót đã thưa: Thế mà có người nói rằng đi xa, lâu ngày về Bộ thấy chẳng có gì thay đổi cả (!) Tôi nghe câu đó giật minh và lo cho Nguyễn Công Tài. Tài đi B công tác 9-10 năm, bị tù rất anh dũng, sau khi đất nước thống nhất được đón về như một vị anh hùng. Nhưng Tài thẳng thắn, và chính Tài là tác giả của câu nói đó. Và quả thật, Tài đã lâm nạn. Chỉ ít lâu sau bị “nghi vấn” là khi ở tù có khai báo và bị chuyển đi khỏi ngành.

Nói về sự bịp bợm của tên H, tướng Qua kể, hắn mua rất nhiều máy tính điện tử, ngày nay gọi là máy vi tính. Tốn kém không biết bao nhiêu là tiền của công quỹ. Hắn báo cáo với Bộ Chính trị rằng, với thứ máy móc siêu việt này, án nào cũng phá được. Những người công tác lâu năm trong công việc điều tra hình sự thì hiểu rất rõ rằng, nếu đưa dữ liệu sai vào máy tính thì còn nguy hiểm gấp trăm lần vì máy sẽ nhân cái sai lên trăm lần. Để nói về sự trung thực trong công tác điều tra, không quan liêu, không ép cung, để “phá án” lấy thành tích tướng Qua đã kể cho tôi nghe nhiều lần “Vụ án ở nhà máy cơ khí xe lửa Gia Lâm Hà Nội”. Câu chuyện như sau: Giám đốc nhà máy cơ khí xe lửa Gia Lâm tự tử. Nhưng vì muốn có thành tích, Sở Công An đã ép cung đến 8-9 cán bộ. Vì bị tra tấn ép cung quá, không chịu nổi họ đều đã nhận giết ông giám đốc nhà máy. Án được “phá” nhanh chóng và được báo cáo lên Quốc hội, được chủ tịch Quốc hội Trường Chinh khen. Nhưng một hôm, cái xác ông giám đốc nhà máy ấy được vớt lên ở cửa sông Hồng thuộc tỉnh Hưng Yên. Sau khi khám nghiệm tử thi, trưởng phòng đại úy Tích kết luận là nạn nhân tự sát, không phải bị giết. Nửa đêm, đại úy Tích đạp xe về Bộ báo cáo Cục trưởng cảnh sát Lê Hữu Qua. Ông cục trưởng nói: Nếu đúng vậy thì anh làm hồ sơ thật cẩn thận để điều tra lại. Thế là bùng nổ cuộc xung đột giữa giám đốc công an Hà Nội lúc đó mà đứng sau là thứ trưởng Lê Quốc Thân với Cục Cảnh sát nhân dân, đứng đầu là cục trưởng Qua. Cuộc đối đầu này kéo dài, mà theo cục trưởng Qua thì “Hồ sơ đã lên đến hàng tạ giấy” mà không phân thắng bại, phải trái. Nhưng quyết tâm của Cục Cảnh sát là phải minh oan cho các nạn nhân bị ép cung. Cuộc đấu tranh một mất một còn này kéo theo thêm một cái chết nữa của một viên Bs pháp y của quân đội quốc gia (Bảo Đại). Viên thiếu tá pháp y rất giỏi này được mời tham gia vụ án. Trong một phiên họp rất căng do Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chủ trì, Bs giáo sư Tôn Thất Tùng vì quá lo sợ, mồ hôi vã ra như tắm. Ông rút khăn tay trong túi lau mặt khiến những gói mỳ chính nhỏ rơi ra (Bs Tùng có thói quen gói những gói mỳ chính (bột ngọt) nhỏ trong người để mỗi khi ăn phở ông lấy ra một gói cho vô tô phở). Thời đó, bột ngọt quý như vàng. Bs Tùng phải là người sang lắm mới có sẵn thứ này để trong người. Tướng Qua kể, thấy Gs Tùng run quá, tôi phải nhặt dùm ông các gói mỳ chính rồi để lại vào túi cho ông. Tôi nói: Gs cứ bình tĩnh phát biểu. Gs Tùng đã từ chối kết luận vì ông không phải là pháp y. Đến lượt viên thiếu tá pháp y của quân đội quốc gia Bảo Đại phát biểu, sau khi chứng minh ông giám đốc không phải bị giết. Trong cơn xúc động, ông thiếu tá đấm tay vô chiếc bảng treo trên tường và nói lớn: Nếu giám đốc nhà máy cơ khí xe lửa Gia Lâm mà bị giết thì đốt hết sách vở đi! Nói xong, ông ta uống gói thuốc độc lấy từ túi ra và gục xuống chết ngay tại phòng họp. Tướng Qua cũng nói tỷ mỷ về vai trò của ông Lê Đức Thọ trong vụ này. Ông kể: ông Thọ yêu cầu chúng tôi phải mang đạo cụ đến nhà riêng của ông, diễn lại vụ tự tử của giám đốc nhà máy như quan điểm của Cục Cảnh sát. Chúng tôi phải chở đến cả một xe tải dụng cụ, y như là một gánh hát chở phông màn đến diễn tuồng. Cực nhất là phải mua cả tiết heo để vẩy lên hiện trường để thuyết minh các tình tiết về các vết máu khi xẩy ra sự việc. Xem kỹ “vở diễn” ông Thọ kết luận là phải tiếp tục điều tra để đi đến kết luận. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi một phiên họp, có cả giám đốc trại giam đang giam giữ các tù nhân bị ép cung, thứ trưởng Lê Quốc Thân ra hiệu bằng mồm (ám hiệu bật môi khi phát âm chữ bờ-b không thành tiếng) là bắn các tù nhân để bịt đầu mối. Tôi biết Thân hay ra ám hiệu nên theo dõi Thân rất kỹ trong cuộc họp. Đến khi hắn ra ám hiệu “bắn”, tôi báo ngay cho ông Thọ biết. Lập tức ông Thọ điện cho Thân hỏi, có phải anh ra lệnh bắn tù để bịt đầu mối vụ án phải không? Sau này anh em kể lại, nghe điện của ông Thọ xong, Thân chửi ầm lên là lại thằng Qua báo cáo chứ gì.

Tình hình Bộ Công An lúc đó rất căng thẳng giữa Cục Cảnh sát và thứ trưởng Thân. Trong một phiên họp có phó Ban kiểm tra TW là Trần Kiên dự, Lê Quốc Thân đã chỉ thằng vào mặt cục trưởng Lê Hữu Qua nạt: Anh Qua sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc rũ rối vụ án đã được khép lại này. Tướng Qua cũng kiên quyết: Tôi phản đối đến cùng kết luận của giám đốc công an Hà Nội và anh.

Cuối cùng thì một đoàn chuyên gia của Bộ Công An nước CHDC Đức được mời sang. Theo tướng Qua, nước Đức có nhiều kinh nghiệm về nghiệp vụ phá án. Quan điểm của các bạn Đức là nếu có án thì hung thủ phải để lại hiện trường dấu vết, và nếu có dấu vết thì sẽ tìm ra thủ phạm.

Đoàn của Đức đi riêng một chuyên cơ gồm 10 người, gồm chuyên gia các lĩnh vực. Tướng Qua cho hay có một ông gọi là “chuyên gia thắt cổ”. Ông đem theo cả một bộ sách dầy, tổng kết tất cả các hình thức thắt cổ kèm theo hình vẽ, có từ thời Hy Lạp cổ đại đến giờ. Bộ sách phân tích và kết luận sau mỗi vụ án thắt cổ một cách khoa học để người ta có kiến thức về các án thắt cổ. Khi đọc hết bộ sách đó, các chuyên gia đến hiện trường có thể kết luận ngay , chính xác đến 50% là nạn nhân bị thắt cổ hay tự thắt cổ, sau đó điều tra tiếp.

Tướng Qua đã kể cho tôi nghe nhiều lần về những ông bạn Đức tài giỏi này. Ví như các bạn khuyên ta không nên đổi tên phố, tên đường, tên xã… vì như thế sau này rất khó phá án. Và chuyện vụ án kia, thật “kỳ lạ”, chỉ sau một thời gian ngắn làm việc, đoàn chuyên gia Đức đã kết luận ông giám đốc nhà máy xe lửa Gia Lâm tự sát, không phải bị giết. Tất cả tù nhân liên quan đến vụ án được tha bổng!

Một buổi sáng đẹp trời sau đó không lâu, tôi lên nhà tướng Qua chơi, ông chỉ tay về phía cửa sồ hướng tới Sở Công an Hà Nội ở đường Trần Hưng Đạo, nơi đang có tiếng nhạc ồn ào phát ra, nói: Sáng nay Sở “đưa đám” giám đốc Long. Thì hóa ra, sau vụ án ép cung này, giám đốc công an Hà Nội lúc đó bị cách chức, điều đi làm trưởng ban dân quân tự vệ Bộ Giao thông Vận tải. Sáng hôm đó người ta liên hoan tiễn đưa ông mà tướng Qua bảo là “đưa đám giám đốc Long”. Sau khi giám đốc CA Hà Nội bị cách chức, tướng Qua phải đi học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc vì giữa Cục Cảnh sát và thứ trưởng Thân “không thể làm việc với nhau được nữa”.

Sau 1975, với sự việc bắt đi cải tạo tất cả sỹ quan tướng lĩnh thuộc chế độ Sài Gòn cũ (thực chất là bắt đi tù vô thời hạn), tướng Qua lên án Trần Quốc Hoàn rất gay gắt. Dĩ nhiên việc này không chỉ riêng ông Hoàn chịu trách nhiệm, nhưng tướng Qua có nhiều bất đồng với các chủ trương của Hoàn trong việc này. Ông nói: Sau 30/4/1975 việc đầu tiên là tên H lưu manh lùa cán bộ vào Nam bắt tù. Y vô Sài Gòn ngồi khoanh chân vòng tròn trên một cái sập, luôn mồm thúc giục phải gấp làm hồ sơ để bắt tù. Trông y ngồi như một tên địa chủ!

Việc làm hồ sơ tù nhân là để phân loại, cấp tá thì lùa ra Bắc bằng tàu thủy. Cấp tướng và ngụy quyền cao cấp (tức thứ, bộ trưởng, nghị sỹ quốc hội…) thì đi bằng máy bay. Điều này trong cuốn “Bên Thắng Cuộc” của nhà báo Huy Đức đã mô tả là rất đúng. Tôi, kẻ viết những dòng chữ này là người trực tiếp đi “đón” các vị đi cải tạo ra Bắc nên xác nhận Huy Đức viết đúng.

Số là thế này, sau nhiều năm dậy học ở Hải Hưng, năm 1974 tôi được Đài TNVN nhận về làm phóng viên tại Ban Miền Nam của Đài. Sau 30/4 ở Đài TNVN ai cũng muốn đi vô Sài Gòn. Lúc đó được đi Sài Gòn thì sung sướng gấp 10 lần được đi nước ngoài. Nhưng chỉ cán bộ lãnh đạo cấp trưởng, phó ban trở lên của Đài mới hy vọng được đi. Các vị đi Sài Gòn lúc đó phải có quyết định của Tổng Giám đốc Đài, phải được sự đồng ý của Cục Tác chiến Bộ Quốc Phòng, phải có giấy để đi đồi tiền vì miền Nam lúc ấy còn tiêu tiền chế độ cũ… Nói chung là rất khó. Tôi nghĩ ra một “mẹo” là sang Bộ Công An, xin tướng Qua một cái giấy giới thiệu là nhà báo, được Cục Quản lý Trại giam giới thiệu vào các trại giam ở miền Nam để “nghiên cứu”. Giấy giới thiệu được đóng mộc Bộ Công An ngay vì em ruột của tướng Qua là Lê Phú Ninh đang làm ở văn phòng Bộ. Ông Lê Phú Ninh cũng là chú ruột của tôi, tôi kêu bằng chú Ba. Với cái giấy giới thiệu của Bộ Công An như thế đem về Đài, Tổng giám đốc Trần Lâm đồng ý ngay. Đều là dân Hà Nội đi hoạt động cách mạng nên Trần Lâm cũng rất biết tướng Qua (ông Lâm quê gốc ở Hải Dương nhưng sống ở Hà Nội từ bé và lấy vợ con nhà giàu ở phố Hàng Đào). Ông trưởng phòng của tôi cũng được “ăn theo” tôi đi Sài Gòn vì đi phải có đoàn, có tập thể. Trước khi đi, Tổng giám đốc Đài còn giao nhiệm vụ cho “đoàn” là phải gặp gỡ các tri thức Sài Gòn như các ông Lý Chánh Trung, bà Ngô Bá Thành, anh Lê Văn Nuôi, anh Huỳnh Tấn Mẫm… để thu thập tư liệu, chuẩn bị bài viết về họ vì năm 1976, các vị này sẽ tham gia quốc hội thống nhất đầu tiên.

Tôi lên đường. Trại giam nào cũng vào, kể cả Khám Chí Hòa vì có cái giấy giới thiệu của Cục Trại giam. Khi trưởng trại biết tôi là cháu ruột của tướng Qua thì ông mời nhậu… vô tư. Một lần tôi đi lang thang lên Thủ Dầu Một chơi, gặp ông Sáu Phát, là cán bộ cao cấp của tỉnh, sau này là chủ tịch tỉnh Sông Bé, lúc ra về trời đã tối ông Sáu rất tốt bụng đưa cho tôi một khẩu súng lục bảo cầm lấy để phòng thân. Tôi thành thật nói từ bé đến giờ tôi chưa cầm khẩu súng thật bao giờ và cũng không biết bắn súng. Tôi cảm ơn và trả lại ông. Tôi còn nói đùa: Nếu gặp địch là… tôi đầu hàng ! Ông Sáu Phát khen tôi là người Hà Nội có khiếu nói dỡn.

Cũng nhờ lang thang các trại giam ở Sài Gòn và miền Nam mà tôi gặp đại úy Hán, trại trưởng một trại ở Nam Hà, ông này có nhiệm vụ là vô Sài Gòn để mua một cái “téc” xăng đem ra Bắc để trại của ông nấu rượu mơ vì vùng của ông là cả một rừng mơ. Ông cũng được giao nhiệm vụ chở hồ sơ tù ra Bắc cho Bộ Công An. Chiếc xe tải to đùng của ông đủ chở cái “téc” xăng trong đựng hồ sơ tù. Tôi xin ông cho quá giang xe về Hà Nội. Dĩ nhiên là ông đồng ý. Chúng tôi đi mất 4 ngày mới về đến Hà Nội, đêm ngủ ở các ty công an tỉnh.

Một buổi sáng nọ, tướng Qua cho tôi cùng đi “quan sát” việc đưa tù nhân cấp tướng và ngụy quyền cao cấp Sài Gòn ra Bắc. Xe com-măng-ca của ông đỗ trong sân bay Gia Lâm chờ máy bay chở tù từ Sài Gòn hạ cánh. Từ xa chúng tôi dùng ống nhòm quan sát các vị tướng lĩnh xuống máy bay. Tôi nhìn rõ qua ống nhòm, các ông tướng đem theo hành trang nặng nề như các ông tây ba lô đi du lịch bụi bây giờ. Tướng Qua giải thích, chúng tôi cho họ mang đầy đủ đồ dùng cá nhân, chăn màn, cả chiếu nằm nữa…

Một buổi sáng đầu năm 1977, tôi lại được tướng Qua cho vô thăm trại Ba Sao, nơi giam giữ các tướng lĩnh và “ngụy quyền” cao cấp của chế độ Sài Gòn để học tập cải tạo. Vừa xuống xe, các sỹ quan quản lý trại đã nói: Chúc mừng thủ trưởng sắp lên tướng. Thì ra họ đã biết tướng Qua (lúc đó đang đeo lon đại tá) sẽ được lên tướng trong thời gian sắp tới. Quả đúng như vậy, tháng 4/1977 ông được thăng chức thiếu tướng. Ngày đó, chức thiếu tướng “oai” lắm. Theo tôi biết ở Bộ Công An, chỉ có một vị được đeo lon thiếu tướng ngạch cảnh sát là thiếu tướng Nguyễn Thế Tùng.

Quan sát cảnh quan trại Ba Sao thì đây là vùng Hà Nam Ninh, vùng trũng có nhiều núi đá vôi mọc lên từ các đầm nước rộng. Sách địa lý gọi đó là vùng Hạ Long cạn. Nhân đây cũng nói thêm, sau 30/4 Cục Trại giam đã “đánh” một vị phó tiến sỹ tâm lý học, tốt nghiệp ở Liên Xô về, nếu tôi nhớ không nhầm thì anh ta tên là Tịch đeo lon đại úy. Xin bạn đọc tha lỗi cho những đoạn phải thòng câu “nếu tôi nhớ không nhầm” vì ngày đó thú thật tôi không định làm một cuốn như “Bên Thắng Cuộc” nên không ghi chép lại cụ thể nhưng đến nay đã ở tuổi 70 thấy cần phải nói rõ sự thật, không nói một nửa sự thật như người ta vẫn làm nên mới có cuốn hồi ký này.

Đại úy Tịch được “đánh” vào trại giam với số tù giả.

Tôi được đưa xem nơi ăn ở của các tù nhân học tập cải tạo. Phòng giam rất rộng, được xây rất nhiều bệ xi măng sát nhau, vừa một người nằm. Các tù nhân trải chiếu cá nhân đan bằng sợi ny lon nhiều mầu lên các “giường” của mình như trải chiếu hoa. Trông rất đẹp mắt. Giường chiếu, đồ đạc được xếp ngăn nắp, trật tự. Trong khi tôi đi ngắm nơi ăn chốn ở của họ thì các tù nhân lại đứng chơi ở ngoài sân rộng, ngắm phong cảnh. Tôi thấy một vị rất già, mặt vuông chữ điền, râu để dài như Quan Vân Trường, chỉ khác là râu đã bạc trắng, rất oai vệ. Tôi hỏi tướng Qua: Già thế kia còn bắt đi cải tạo làm gì? Tướng Qua nói, thế cháu không biết ông ấy là Vũ Hồng Khanh, đảng trưởng Quốc dân đảng à? Tôi vẫn thắc mắc: Quốc dân đảng đã chết từ lâu rồi cơ mà? Tôi lại được giải thích: Mỹ luôn duy trì các đảng phái chính trị đối lập, khi cần thì thay ngựa giữa dòng! Lệnh của H phải bắt thì tôi cứ bắt, nhưng sẽ thu xếp để ông ấy được về quê ở Vĩnh Yên, chết già, khỏi mang tiếng là chết trong tù (quả thật, sau này ông Vũ Hồng Khanh được chết ở quê hương Vĩnh Yên của ông). Tôi lại gặp một vị đứng tuổi khác, dáng vẻ rất trí thức. Ông ta tự giới thiệu là Phạm Xuân Bào, thứ trưởng Bộ Giáo Dục Sài Gòn có con đang học đạo diễn ở bên Pháp. Tôi lại đi tìm tướng Qua để thắc mắc. Tôi nói: ông thứ trưởng Phạm Xuân Bào là một trí thức có tên tuổi ở miền Nam. Ngày cháu vô thư viện Huế, thấy có cả một cái étagère sách dành riêng cho giáo sư. Bắt những trí thức như thế đi cải tạo làm gì? Tướng Qua vẫn trầm tư hút thuốc, ông nhả từng làn khói rồi mỉa mai nói: ngụy quyền cao cấp mà! Ông muốn mỉa mai những điều mà tên H đặt ra rồi bắt Cục Trại giam thực thi với các đối tượng phải đi tù ra Bắc. Có một vị làm tôi suy nghĩ mãi, đó là một trung niên. Ông ta nói thẳng với tôi là mình bị tù oan! Tôi hỏi lý do, ông ta giải thích: tôi là nghị sỹ Quốc hội, nhưng là phe đối lập với ông Thiệu, chống chính phủ Thiệu tham nhũng!

Tôi không khỏi ngỡ ngàng đến đau xót khi thấy chế độ Sài Gòn về mặt thể chế hơn hẳn chế độ độc đảng ở miền Bắc, vì Quốc hội của họ có phe đối lập. Nhưng dưới con mắt của những người sống trong xã hội nhất nguyên độc đảng thì nghị sỹ Quốc hội là “ngụy quyền cao cấp” rồi, đã là “cao cấp” thì phải đi cải tạo! Tôi không còn hỏi thêm gì nữa, sau khi gặp ông nghị sỹ phải tù oan này! Làm sao cục trưởng Qua có thể cãi lại những quan điểm của Bộ trưởng H và cả những người trên H nữa. Nhưng tướng Qua phản đối việc khai thác, lấy cung tù nhân ngay lập tức. Ông nói với tôi: người ta vừa chân ướt chân ráo ra Bắc, đang hoang mang cực độ, có hỏi cung thì họ cũng khai cho qua chuyện, hoặc khai láo không đem lại một thông tin gì có tính khoa học để ta hiểu thêm phía bên kia. Quan điểm chính thống là, tướng lĩnh cao cấp của chính quyền Sài Gòn sẽ phải khai ra những bí mật, những ý đồ, cả những tâm tư của họ trong suốt mấy chục năm giao tranh với bên cộng sản mà nay là dịp ta sẽ được biết, rất cần cho ngành an ninh của ta. Tướng Qua lại chủ trương thuyết phục, cảm hóa để họ nói thật, khai thật. Cuối cùng thì quan điểm của ông đã thắng.

Vì thế mới có chuyện các vị giáo sư, các nhà sử học, văn học… của ta được mời vô các trại giam giữ tướng lĩnh và ngụy quyền cao cấp để nói chuyện, thuyết trình khoa học, trao đổi với các vị “cao cấp” này để họ hiểu đường lối đúng đắn của chính quyền miền Bắc. Tôi cũng được tướng Qua cho tham gia vào công việc mà theo tôi, rất đúng đắn, rất nhân văn này. Tôi được ông hỏi ý kiến về việc đề xuất những ai, những vị trí thức nào ở Hà Nội lúc đó để Cục đón vào nói chuyện với tù nhân với từng đề tài cho hợp. Ấn tượng nhất với tôi là đề tài “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Các tù nhân, đương nhiên là có học, đều rất cảm phục miền Bắc là trong khó khăn bom đạn chiến tranh như thế mà vẫn quan tâm “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, và đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, đưa ra được nhiều kết luận xác đáng về tiếng Việt, sự cần thiết phải bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Trong khi đó, ở miền Nam, tiếng Việt được sử dụng “tùm lum tà la” !

Sau này, khi tôi được đọc những cuốn sách như “Hoa xuyên tuyết”, “Mặt thật” của nhà báo Bùi Tín, cuốn “Đêm giữa ban ngày” của nhà văn Vũ Thư Hiên đều thấy có những đoạn nhắc đến tướng Qua. Ông Bùi Tín cho hay, ông đã được cục trưởng Lê Hữu Qua mời vào trại giam để nói chuyện, còn nhà văn Vũ Thư Hiên trong cuốn “Đêm giữa ban ngày”, đã kể lại, khi cục trưởng Qua vô thăm trại giam mà ông đang là tù nhân, xem danh sách tù nhân, thấy Vũ Thư Hiên trước khi vô tù là một nhà văn nên đã cho Vũ Thư Hiên phụ trách tờ báo tường của trại và được miễn lao động hàng ngày. Có điều, nhà văn đã viết nhầm tên cục trưởng là Lê Phú Qua. Có lẽ ông suy ra từ tên cúng cơm của tướng Qua là Lê Phú Cường!

Kết quả của chủ trương thuyết phục cảm hóa, các tướng lĩnh Sài Gòn đã viết những bản tự thuật về cuộc đời binh nghiệp của mình một cách chân thực. Nhiều bản dầy đến hàng trăm trang, như một cuốn tiểu thuyết hay, rất có giá trị để ta nghiên cứu. Tôi rất muốn xin tướng Qua một bản để xem nhưng không được. Về quan điểm đối với tù nhân nói chung ở miền Bắc thời đó, cũng khác nhau. Tướng qua kể, sau khi nhận chức Cục trưởng Cục Lao cải (lao động cải tạo) thay cho cục trưởng cũ Hoàng Mai. Lần đầu đến thăm một trại giam, ông thấy các tù nhân bị nhốt kín trong nhà giam, các hoạt động đều ngưng trệ. Hỏi ra ông mới biết, trước đây mỗi lần cục trưởng Hoàng Mai đến thăm trại, ông đều ra lệnh như thế để đề phòng! Tướng Qua chỉ thị, bỏ lệ ấy mỗi khi có lãnh đạo Cục thăm trại. Vậy mà, sau này đến một trại khác, đi đâu cũng thấy có cán bộ lăm lăm súng trong tay đi kèm ông để bảo vệ. Ông ra lệnh cất súng đi. Khi ông ra thăm một ruộng mía, lúc đó các tù nhân đang chặt mía mùa thu hoạch, cán bộ trại không cho ông tiếp xúc với phạm nhân nhưng ông đã một mình đi ra đó không hề sợ các tù nhân đang cầm dao dài trong tay. Ông mời thuốc hút và ngồi bên ruộng mía nói chuyện với họ. Các cán bộ trại đứng từ xa ai cũng thót tim vì lo các tù nhân án hình sự kia, với dao dài trong tay có thể kết liễu đời “chúa ngục” Lê Hữu Qua bất cứ lúc nào. Đến chiều, trại giam tổ chức liên hoan văn nghệ chúc mừng cục trưởng đến thăm. Trong đám tù nhân ấy, có những văn nghệ sỹ bị đi tù, họ dàn dựng tiết mục văn nghệ và biểu diễn rất hay. Sau một tiết mục hay, cục trưởng vỗ tay nhưng không ai dám vỗ tay theo cả. Thấy thế ông rất ngạc nhiên, phải “ra lệnh” nếu tôi vỗ tay thì anh em phải “hưởng ứng”. Ông còn gợi ý cho cán bộ chạy vào rừng hái hoa để tiết mục nào hay, cục trưởng lên tặng hoa. Sau cuộc liên hoan đó, cán bộ trại cho biết trước đây cục trường Hoàng Mai không cho vỗ tay khen ngợi các tiết mục biểu diễn của tù nhân. Vì đó là vấn đề “đấu tranh giai cấp”! Tướng Qua nói với tôi, cái thằng bắn được con chim gáy phải chạy cho mau về biếu vợ bộ trưởng nó như thế đấy! Thằng nịnh trên bao giờ cũng nạt dưới. Bằng trải nghiệm cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông bảo với tôi, bọn cơ hội lúc nào, thời nào cũng có. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, khi phải đi bắt bọn Việt Gian phản động có vũ khí, được quân Tầu Tưởng nuôi dưỡng thì chẳng thằng nào dám đi. Nhưng khi tôi và một số anh em đi bắt được chúng rồi, nhốt lại, thì nhiều thằng thi nhau vào phòng giam để đánh. Chúng nó đánh để máu bọn Việt Gian vấy lên quần áo chúng, rồi chúng đi đi lại lại trước mặt mọi người để chứng tỏ “lòng căm thù giai cấp đến cao độ” của chúng! Những thằng đó “đi theo cách mạng” đến bây giờ chúng vẫn ngồi nhan nhản ở cái Bộ Công An này. Gặp tôi đi ngược chiều với chúng ở một hành lang thì từ xa chúng đã né sang bên làm như không trông thấy tôi và đi cho mau… C’est la vie! Rồi ông kết luận bằng một câu tiếng Pháp như thế (cuộc đời là như thế đấy!)

Nghe những chuyện kể của tướng Qua như thế, tôi lại nhớ đến một câu của nữ nhà văn Dương Thu Hương: cần có cách mạng để quét đi những rác rưởi, và cần có tự do để quét đi những rác rưởi mà một cuộc cách mạng đã sinh ra! Chỉ tiếc là, rác rưởi mà một cuộc cách mạng vô sản đã sinh ra lại nhiều hơn cả rác rưởi mà nó định quét đi, vì thế mà tướng Trần Độ đã viết trong “Nhật ký rồng rắn” của mình rằng: tôi đi làm cách mạng để xóa đi một xã hội xấu xa, nhưng xã hội hiện nay lại xấu bằng và xấu hơn cái xã hội mà chúng tôi đã xóa đi!

Nhân nói đến chuyện “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, tôi xin kể thêm. Bạn tôi, họa sỹ Hồ Thanh, người từng xuống đường ở Huế biểu tình chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, kể với tôi rằng, sau 30/4/1975 có một cảnh sát chế độ cũ khi ra khai báo với chế độ (quân quản), khi được hỏi chức vụ gì? Anh ta khai: an ninh thiết vận. Nghe đến hai chữ “an ninh” và “thiết vận”, người cán bộ quân quản ít biết chữ Hán-Việt nên đinh ninh đây là phần tử quan trọng ngành an ninh chế độ cũ, bèn ghi tên anh ta vào danh sách đi cải tạo dài hạn. Khi vô trại rồi, người ta mới biết anh ta chỉ là công an giữ trật tự ở các đường tầu và ga xe lửa. Từ Hán-Việt, “thiết vận” có nghĩa là “đường sắt” trong tiếng Việt mà thôi. Cái anh chàng công an đường sắt kia bị tù oan vì mấy chữ Hán-Việt!

Tôi còn được nghe kể rằng, khi có khẩu hiệu “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, cụ Hồ có vào thăm một “Trại cải tạo gái điếm”. Thấy mấy chữ “gái điếm”, cụ đã lấy bút gạch đi và thay vào đó là “các cô gái mất nết”, rồi cụ bảo với trưởng trại: trong truyện Kiều có câu: có kẻ bán, có người mua. Vậy ai bán, ai mua? Các chú mua chứ ai mua? Các cô này chỉ mất nết mà thôi, rồi các cô ấy sẽ trở lại nết na như trước, “mất nết” là một từ thuần Việt.

Nghe tướng Qua phàn nàn về các nhân vật “đen” ở Bộ Công An nhiều quá, có lần tôi hỏi thẳng ông: vậy ở Bộ Công An không có ai tốt sao? Tướng Qua trừng mắt bảo: nhiều người tốt lắm cháu ạ. Rồi ông kể cho tôi nghe nhiều chuyện tốt đẹp của những con người của ngành an ninh Việt Nam mà ông từng cộng tác. Đó là những con người cương trực, tài giỏi, có nhân cách cao cả. Trong những người mà tướng Qua thường ca ngợi đó có các vị mà tôi nhớ như: tướng Phạm Kiệt, ông Lê Giản, ông Nguyễn Tạo, ông Lê Tuấn Thức, ông Nguyễn Công Tài, cục trưởng Cục nghiên cứu tổng hợp Lê Hồng Hà, trưởng Ty công an Hải Hưng Hoàng Cuông… và cả người cần vụ của ông trong những năm kháng chiến chống Pháp và sau này là ông Trường mà tôi hay gọi là chú Trường mỗi khi gặp chú.

Ông kể nhiều chuyện lắm về những con người này. Ví dụ như về “chú Trường”. Vì tướng Qua không biết bơi nên đi đường chú Trường phải đem theo một cái phao bằng xăm ô tô. Khi vượt sông, vượt suối, cần vụ Trường bơm phao lên rồi buộc vào dây, vừa bơi, vừa kéo. Tướng Qua ôm phao ở phía sau để “vượt” sông! Ông kể, có lần qua một con sông nước lớn chảy xiết, chú Trường và tôi bị nước đẩy về phía hạ lưu hàng trăm thước. Nhờ Trường dai sức không thì cả hai đã bị hà bá nuốt rồi! Khi hòa bình 1954 lập lại, về Hà Nội rồi, lúc đó còn chế độ cần vụ nên Trường vẫn theo tôi. Có người nói với tôi, đi trọn mùa kháng chiến 8-9 năm, người ta về Hà Nội thì ít nhiều cũng có một chỗ đứng, không lẽ anh cứ để anh Trường làm cần vụ cho anh đến già. Tôi cũng nghĩ như thế nên bàn với tổ chức sắp xếp cho chú Trường một công việc thích hợp thời bình.Tổ chức xếp cho chú ấy làm đội trưởng đội xe của Bộ. Nhưng chú ấy nói với tôi, làm việc với thủ trưởng quen rồi, không muốn chuyển công tác! Tôi đành chịu.

Về con người của chú Trường thì tôi biết khá rõ, vì chú thường vẫn theo tướng Qua mỗi lần ông về thăm ông bà nội tôi. Tính chú hiền hòa, ít nói, người thấp và đen nhưng rất nhanh nhẹn. Sau này, cả hai vị, thủ trưởng và cần vụ đều đã về hưu. Nhưng vẫn đi lại thăm hỏi nhau. Có lần tôi từ Sài Gòn ra, lên phố Hàng Rươi thăm ông chú đã già, rồi hai chú cháu đi bộ ra bờ hồ, ngồi ghế đá ngắm cảnh. Bỗng một ông già đang đi xe đạp dưới lòng đường, nhẩy phốc xuống dắt xe chạy lại mừng rỡ reo lên: thủ trưởng khỏe không? Chúng tôi cũng mừng rỡ nhận ra chú Trường. Hai người bạn già, hai người kháng chiến thời trai trẻ năm xưa hỉ hả hỏi thăm nhau đủ chuyện. Bỗng một làn gió mạnh thổi bay cái mũ phớt của tướng Qua xuống mặt hồ. Nhanh như cắt, ông già Trường lội phăng xuống nước vớt cái mũ phớt lên. Ông cầm cái mũ rũ mạnh nhiều lần cho hết nước rồi đưa mũ cho tướng Qua nói: thủ trưởng để cho khô rồi hãy đội! Tôi chưa thấy ai tốt bụng, hồn nhiên, vô tư và “đẹp” như chú Trường. Nếu được chọn một Con Người viết hoa trên đời này thì tôi chọn chú Trường.

Về trưởng Ty Công An Hải Hưng Hoàng Cuông thì tướng Qua kể: Cuông trước đây mặt rỗ, để đi hoạt động, cậu ấy đã lấy bàn là (bàn ủi) là mặt mình đi để mật thám không nhận ra nữa. Cậu ấy can trường lắm.

Tướng Qua tỏ ra rất khâm phục con người Phạm Kiệt. Ông nói: vì ghét tài năng và tính cương trực của ông Kiệt nên tên H phân cho thứ trưởng Phạm Kiệt làm tư lệnh công an vũ trang (biên phòng) quanh năm đi tuần tra biên giới, chỉ để những kẻ nịnh hót quanh mình. Đến khi được Cục quản lý sức khỏe cho biết là Phạm Kiệt đã ung thư hậu môn giai đoạn cuối, chẳng sống được là bao, nên hội nghị công an toàn quốc năm ấy (1974), khi Phạm Kiệt bước vào, tên H lao ra ôm lấy ông, nghẹn ngào, nức nở… cả hội trường ai cũng cảm động, cho là H trân trọng yêu quý lão tướng Phạm Kiệt lắm (!) chỉ có tôi và HH được Cục bảo vệ sức khỏe cho biết về cái chết đã gần kề với Phạm Kiệt nên cười thầm trong bụng. Ở ngành an ninh Việt Nam, sau khi Lê Giản chuyển sang ngành Tư pháp-Tòa án, lần lượt các vị “lão tướng trung thần” như Nguyễn Tạo, Lê Tuấn Thức đều ra đi. Ông Nguyễn Tạo sang làm Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp, Lê Tuấn Thức sang làm chánh văn phòng cho Tổng cục lâm nghiệp… vì không thể ở lại ngành dưới triều đại của Trần Quốc Hoàn.

Bây giờ bạn đọc chỉ cần đánh vào Google ba chữ “Trần Quốc Hoàn” là được đọc ngay thành tích bất hảo của Hoàn. Được biết về vụ án cô Nông Thị Xuân năm 1957. Trước đó Trần Quốc Hoàn đã hiếp dâm cô Nông Thị Xuân ở số nhà 66 phố Hàng Bông Nhuộm rồi lập mưu giết hại cô như thế nào? Trong cuốn “Đêm giữa ban ngày” nhà văn Vũ Thư Hiên cũng viết trên giấy trắng mực đen vụ án kinh tởm ấy. Vũ Thư Hiên còn nói rõ trong “Đêm giữa ban ngày” là, cán bộ từ cấp vụ trở lên ở Bộ Công An đều biết vụ án này. Vì thế, tướng Qua mới luôn gọi Trần Quốc Hoàn là “thằng H lưu manh” khi nói chuyện với tôi. Còn nhà văn XĐ quê ở Nghệ An thì nói với tôi rằng, nếu giết hết được cả làng tôi thì thằng Hoàn nó cũng giết, vì cả làng đều biết nó là thằng ăn cắp ở chợ làng trước kia!

Vì thế, mỗi lần về Hà Nội, đi qua con đường mới mở to đẹp ở quận Cầu Giấy mang tên Trần Quốc Hoàn, tôi không khỏi ngậm ngùi đau xót cho số phận của dân tộc mình. Rồi có ngày tấm biển đó phải được giật xuống. Tôi tin như thế.

Nhân vật thứ hai được tướng Qua luôn nhắc đến là Phạm Văn Đồng – thủ tướng lâu năm.

Dưới mắt tướng Qua thì Phạm Văn Đồng là con người chủ quan, bốc đồng và rất vô tích sự. Ông kể: vừa mới giải phóng thủ đô, tôi phải bảo vệ cuộc họp quan trọng của đại diện Cộng Hòa Pháp với chính phủ ta. Tôi phải đích thân lái xe đến chỗ Sainteny để chở hắn sang họp với Phạm Văn Đồng. Sainteny yêu cầu phải có xe của Bộ Công An ta sang đón thì hắn mới đi, vì trước đó trong ngày CM tháng Tám mới thành công, đã có lần xe của hắn bị bắn. Hắn sợ! Cuộc họp kết thúc, Sainteny chưa bước ra khỏi phòng họp thì đã thấy tiếng cười lớn Ha!Ha!Ha! của Phạm Văn Đồng rồi tất cả cười theo. Thấy thế Sainteny quay ngoắt lại, có vẻ rất ngạc nhiên và khó chịu. Sau khi đưa Sainteny về rồi, tôi quay lại hỏi ông Lê Thanh Nghị: vì sao khi Sainteny chưa ra khỏi phòng mà ông Đồng và mọi người đã cười to thế, khiến hắn rất khó chịu, tôi thấy làm như thế là bất lịch sự… ông Nghị cười nói: Sainteny sau cùng có đề nghị ta, nếu chính phủ Việt Nam có cần giúp đỡ, bồi hoàn chiến tranh của chính phủ Pháp thì xin các ông cứ đề đạt, tôi sẽ là người tích cực trong công việc này… nghe Sainteny nói, anh Đồng không trả lời, khi Y quay ra thì anh Đồng nói: mới đánh cho thua vãi cứt mà đã lên mặt! Rồi anh ấy cười lớn, mọi người cười theo!

Kể xong câu chuyện trên, tướng Qua kết luận với tôi: Phạm Văn Đồng là thế đó, chỉ làm hại đất nước! Ông còn kể tiếp về Sainteny: ngày Bác mất, Sainteny được chính phủ Pháp cử sang dự lễ tang. Đúng lúc Y bước vào nhà tang lễ thì tôi đang đứng túc trực hòm kính pha lê thi hài Bác cùng ba vị nữa ở Bộ Công An.

Tôi thấy Y mặc áo đuôi tôm, tức trang phục chỉ dùng cho đại lễ ở bên tây, rất trang trọng, sau đó Y ngồi viết vào sổ lưu niệm. Sau 20 phút đứng túc trực theo quy định của Ban tang lễ, tôi lên mở sổ lưu niệm ra xem. Sainteny đã viết: suốt đời tôi là đối phương của chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng tôi chưa bao giờ là kẻ thù riêng của con người này. Tướng Qua kể xong rồi kết luận: chỉ có hai cảm tưởng viết trong sổ lưu niệm là hay nhất, độc đáo chân thành là của Sihanouk và Sainteny. Tôi cho rằng, có lẽ tướng Qua chỉ đọc được tiếng Pháp nên ông mới nhận xét như thế. Còn các ngôn ngữ khác ông đâu có rành!

Một lần, nhân nói đến sự vô tích sự của Phạm Văn Đồng, ông kể: Bộ Công An có đến 61 cục, vụ, viện, như một cái hàng xén hoạt động kém hiệu quả. Tôi đề nghị tên H cho thành lập Tổng cục để bộ máy có thể hoạt động hiệu quả, kịp thời hơn. Nhưng tên H không cho, hắn sợ phải phân quyền, 61 cái đầu mối ấy hắn nắm, trực tiếp chỉ huy vì thế rất chậm chễ, trì trệ. Hắn còn nói thẳng vào mặt tôi, anh định làm Bộ trưởng thay tôi hay sao? Tôi lên thẳng thủ tướng để đề đạt phải thành lập Tổng cục. Hôm lên gặp Phạm Văn Đồng thì gặp Lê Quý Quỳnh, bí thư tỉnh Hưng Yên, một tỉnh đang có phong trào nuôi ong. Quỳnh được Phạm văn Đồng mời vào trước. Ngồi bên ngoài, chỉ cách cái bình phong, tôi nghe Lê Quý Quỳnh tán về cái chân con ong. Nào là sự kỳ diệu của cái chân con ong, bới phấn hoa bằng chân, chuyên chở phấn hoa bằng chân… nghe Lê Quý Quỳnh nói, Phạm Văn Đồng cười hả hê ha!ha!ha!… suốt nửa tiếng đồng hồ, Quỳnh tán về cái chân con ong mà Đồng vẫn ngồi nghe, còn tán dương… cười ha hả. Đến lượt tôi, vừa nói đến câu thứ hai về cái hàng xén 61 cục vụ viện ở Bộ Công An cần phải được tổ chức lại… thì Phạm Văn Đồng gạt phắt đi, ông ta khua tay nói, tôi nghe đủ lắm rồi, anh về đi!!! Tôi đi xuống cầu thang mà đầu choáng váng, mắt tối rầm, căm tức trào lên tận cổ!

Một lần khác, tướng Qua kể tiếp: lần này thì chính ông ta gọi tôi lên để trình bầy về cái vụ thế giới nó chỉ trích ta về nhân quyền trong vụ bắt tù nhân là tướng lĩnh sỹ quan Sài Gòn đi cải tạo vô kỳ hạn sau 1975. Với tư cách Cục trưởng Cục Trại giam, tôi phải báo cáo thủ tướng chính phủ để còn biết đường mà trả lời các cuộc phỏng vấn của báo chí phương tây. Tôi chuẩn bị khá kỹ tài liệu để báo cáo. Gặp tôi, ông ta không thèm hỏi han một câu nào, chỉ ra hiệu, “anh nói đi”! Tôi vừa báo cáo được vài câu thì đã thấy ông ta ngủ gật. Tôi phải vờ đặt cái tay xuống bàn thật mạnh để ông ta tỉnh dậy. Tôi lại báo cáo, ông ta lại ngủ gật. Lúc tỉnh dậy, ông nói, anh báo cáo lại đi tôi nghe chưa rõ. Tôi đứng dậy và nói thẳng vào mặt ông ta, anh có nghe đâu mà rõ… sau đó tôi quay gót về luôn. Ông ta cũng không nói gì cả. Chắc là để ngủ tiếp!!! Sau này tôi được nghe nhà báo TĐ ở báo Nhân Dân kể, Phạm Văn Đồng chuyên hút thuốc phiện và chơi đĩ do Lê Đức Thọ cung cấp, vì thế hai cái môi thâm sì. Và Lê Đức Thọ bảo sao thì phải nghe vậy, không thì cắt nguồn thuốc phiện và gái (!) Tôi tin lời anh TĐ vì suy ra, người hút thuốc phiện hay ngủ gật, và điều tướng Qua nói là hoàn toàn đúng về cái sự ngủ gật của ông thủ tướng lâu năm này.

Chả có thế mà đã thành bài vè trong dân gian :

Hoan hô anh Tạ Đình Đề
Trước là gián điệp sau về với ta

Hoan hô anh Lê Quảng Ba
Trước là thổ phỉ sau ra với mình

Hoan hô đồng chí Trường Chinh
Trước theo Trung Quốc nay hình như không

Hoan hô ông Phạm Văn Đồng
Tuy là thủ tướng nhưng không làm gì”!

“Không làm gì” đó là đặc điểm nổi bật của ông Phạm Văn Đồng. Vậy mà ông làm thủ tướng lâu đến thế. Chính ông cũng từng nói một câu nổi tiếng: “Tôi làm thủ tướng mà chẳng có quyền gì cả”! Vậy mà ông vẫn cứ làm. Ngày ông mất, từng đoàn xe con bóng lộn của các quan chức Hà Nội đi theo linh cữu ông đến Mai Dịch. Nhưng không thấy người dân Hà Nội nào đứng hai bên đường để tiễn chân ông. Khác hẳn với đám tang ông Võ Văn Kiệt, dân chúng sài Gòn đứng đông nghẹt hai bên đường từ dinh Thống Nhất đến nghĩa trang Thủ Đức dài hàng chục cây số để tiễn đưa, người đã từng ngược xuôi “chạy gạo” cho dân Sài Gòn khi ông làm bí thư thành ủy thời bao cấp.

Người thứ ba mà tôi thấy tướng Qua hay nhắc đến là ông Trường Chinh.

Khi nói về tính cẩn thận, tướng Qua kể: ông này (TC) cẩn thận chưa từng thấy, đo may quần áo cho ông rồi, chiến sỹ của tôi khi đem quần áo đến nhà thì phải chở theo một cái gương rất to. Ông mặc thử rồi đứng trước gương soi. Hai cảnh sát đứng sau lưng ông cầm cái gương để ông ngắm xem phía sau có “chuẩn” không. Chỉ cần cái tà áo phía sau hơi cong một chút là đem về may lại! Trên Tam Đảo, tôi đã bố trí một cảnh sát cắt tóc có nghề để phục vụ cán bộ cao cấp khi nghỉ mát cần cắt tóc. Đến Bác Hồ cũng từng để cậu này cắt tóc, cạo mặt cho. Vậy mà khi cần cắt tóc ở Tam Đảo, theo yêu cầu của ông Trường Chinh, chúng tôi phải đánh một cái xe chở cậu cắt tóc quen thuộc của ông từ Hà Nội lên để cắt tóc cho ngài! Nói xong, tướng Qua lắc đầu than: dictateur! (kẻ độc tài).

Người thứ tư mà tướng Qua hay nhắc tới là Hồ Chí Minh.

Ông nhiều lần kể cho tôi câu chuyện, sau CM tháng Tám, bộ đội, công an, dân quân tự vệ, du kích ta “thèm” súng lắm. Ai cũng muốn mình có một khẩu súng để chuẩn bị đánh giặc, Vì thế du kích ở Chèm thấy có một cái tầu của quân Tưởng ngược về phía Bắc tưởng là tầu chở vũ khí nên họ đánh úp. Té ra là tầu chở bọn Tưởng ốm về Tầu trị bệnh. Chót giết mất bọn này rồi, quân ta chuồn luôn. Nào ngờ một tên trốn thoát, nó về báo cáo cấp trên. Quân Tưởng hạ lệnh cho ta phải tìm cho bằng được số du kích này để xử. Được lệnh của Bác, tôi phải lên tận Chèm để bắt các vị này. Không khó lắm, chỉ cần hỏi chuyện ông già bán chuối ở đầu làng là ra hết. Bắt được mấy vị này rồi, tôi báo cáo Bác. Nhưng một số anh em bàn, lấy tù thường phạm “thế” vào mấy vị này. Nhưng tên Tầu Tưởng trong lúc nhốn nháo, nó nằm bẹp một xó nhớ mặt các vị đó, rồi nhẩy xuống sông chốn thoát. Nó nhận mặt tù nhân và không chịu. Bác rất than phiền. Ông cụ nói, quân đội cách mạng mới xây dựng mà đã vô kỷ luật thế này thì làm sao mà trưởng thành nổi. Ông cụ phân tích: quân Tưởng là đại diện cho Đồng minh, động vào quân Tưởng là chống lại Đồng minh, vì vậy không thể không xử vụ này được. Lệnh tử hình mấy vị này trước mặt quân Tưởng được ban hành. Trước khi bắn các vị đó, tôi cẩn thận gọi điện báo cáo Bác một lần nữa. Bác chỉ trả lời ngắn gọn: một là mất nước, hai là thi hành lệnh. Anh Nguyễn Văn Trân (bí thư thành ủy HN sau này – LPK) bắn một phát rồi run quá, nằm vật ra, mồ hôi vã ra như tắm. Tôi phải giằng lấy súng, xử nốt mấy vị còn lại bằng các viên đạn vào thái dương. Xong, tôi cũng choáng quá, như muốn ngã xuống đất. Nhưng không quên gọi điện cho Bác, báo cáo đã thi hành lệnh. Từ đầu dây bên kia tôi nghe rõ Bác nói, giọng xúc động: nhớ ghi tên các chú đó để sau này làm bằng liệt sỹ cho các chú ấy.

Mỗi lần kể lại cho tôi nghe câu chuyện này, tướng Qua đều rơm rớm nước mắt. Ông đốt thuốc liên tục. Câu chuyện thứ hai mà tướng Qua kể về ông Hồ là phải đem vàng chuộc Bác. Không hiểu vì lý do gì quân Tưởng mời Bác sang làm việc rồi giam ông cụ lại. Đã mấy ngày trôi qua, ở nhà ai cũng vô cùng lo lắng. Tôi được cử đi gặp ông cụ để nắm tình hình. Đến nơi tôi rất ngạc nhiên là thấy cụ ngồi bình thản hút thuốc như không có việc gì xẩy ra, sau đó bảo tôi: thế là mất toi cả tuần lễ vàng! Sau đó ta phải đem vàng để chuộc ông cụ về!

Một câu chuyện khác về ông Hồ rất “độc đáo”. Tướng Qua vui vẻ kể: mới độc lập mà ông cụ đã gọi tôi lên bảo: phải giữ phố Khâm Thiên lại cho Bác. Tôi không hiểu ý ra sao. Còn anh em thì muốn dẹp ngay cái phố cô đầu nổi tiếng ở Hà Nội này đi vì cách mạng đã thành công. Nhưng đến khi quân Tầu Tưởng ồ ạt kéo sang, đại diện cho quân Đồng minh ở miền Bắc để giải giáp quân Nhật thì Bác lại gọi tôi lên bảo: tối tối đưa các sỹ quan tướng lĩnh của quân Tưởng xuống đó chơi bời cho nó đỡ phá phách, gây sự với ta. Thế là chúng tôi hiểu. Nhưng hiềm một nỗi là, bọn quan tướng Tầu Tưởng khốn nạn lắm. Ban đêm chúng “tòm chát” ở Khâm Thiên, ban ngày chúng lại dẫn mấy con đào này đi ưỡn ẹo ở Hàng Ngang Hàng Đào, mấy con đĩ này chỉ vào cái vòng vàng, vòng bạc, đồ nữ trang nào là bọn tướng Tầu lại cướp không cho chúng. Đồng bào thưa kiện lên chúng tôi. Ai lại cách mạng rồi mà không bảo vệ được tài sản cho đồng bào thì còn ra làm sao. Thế là chúng tôi lại phải đến lột lại các đồ vàng bạc đó ở các con đĩ, dọa chúng còn làm thế nữa là “coi chừng mạng sống”, rồi đem trả lại cho đồng bào. Thế mà có con còn ngoan cố, vẫn không chừa… lấy rồi trả, trả rồi lại phải đi lấy lại, như đèn cù.

Nói về sự tiết kiệm, tướng Qua kể: đi công tác trong kháng chiến, chúng tôi phải nắm cơm mang theo. Đến giờ ăn, cậu cần vụ giở nắm cơm ra, cẩn thận cậu ta dùng dao ca-níp gọt vỏ nắm cơm đã bị cứng ở bên ngoài ra, để vào một góc tờ giấy. Gọt đến đâu thì ông cụ bỏ vào mồm nhai đến đó, thấy thế cậu ta từ đó không gọt vỏ cơm nữa. Riêng với cá nhân tướng Qua, có lần ông kể: tôi là dân Hà Nội, không quen đi chân đất nên lúc đi kháng chiến có mang theo một đôi “gệt” cao cổ. Thấy tôi đi đôi giầy da của bọn police militaire Pháp, có cậu thưa với ông cụ: anh Qua đi kháng chiến mà còn mang thói tiểu tư sản, đi giầy cao cổ của thực dân Pháp! Ông cụ chỉ nói: thôi, chú ấy được việc là được. Còn bộ đồ kaki Mỹ của tôi mặc trên người cũng bị chỉ trích. Ông cụ lại nói: thứ vải ấy nó bền, cứ để chú ấy mặc!

Có lần tướng Qua cho tôi xem một tờ giấy nhỏ bằng bàn tay, đó là bức thư được đánh máy từ cái máy chữ xách tay, chữ nhỏ li ti. Trong thư ông Hồ chỉ thị cho tướng Qua ém quân ở một đoạn đường để bảo vệ cho thiếu tướng Văn Tiến Dũng đưa quân ta vượt sông. Dưới cùng ký tên Hồ Chí Minh, cũng là ba chữ đánh máy. Xem thư tôi mới biết hồi đó quân ta đã được phong hàm, và ông Văn Tiến Dũng là thiếu tướng. Lá thư đó được tướng Qua giữ cẩn thận trong một cuốn an-bum, ông bảo tôi: đây là précieux souvenir (kỷ niệm quý). Ngày ông đau nặng, chỉ còn nói được câu một. Tôi hỏi về từng người: Trường Chinh? Trả lời: dictateur. Phạm Văn Đồng? Trả lời: suốt đời làm hại người khác! Hồ Chí Minh? Trả lời: đâu cũng đi, cái gì cũng biết! Những lời nhận xét của ông đương nhiên chỉ là lời một võ tướng. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ thấy ông “phê phán” ông Hồ Chí Minh cả. Duy chỉ có một lần, sau ngày ông cụ mất (2.9.1969), tôi lên chơi, ông hỏi: cháu có biết ai là người thương Bác Hồ nhất không? Tôi còn chưa biết trả lời thế nào thì ông nói: mấy hiệu nhiếp ảnh là họ thương cụ Hồ nhất vì thức suốt đêm để in những tấm ảnh bốn ông đứng gác hòm kính pha lê… để bán, mắt cậu nào cũng đỏ hoe!

– – – – –

MỤC LỤC:

Lời nói đầu

Ch 1.  Hà nội, nơi tôi sinh ra

Ch 2.  Đi tản cư lên Chí Chủ, Phú Thọ

Ch 3.  Hai lần “thi trượt” nhưng số phận vẫn mỉm cười với tôi

Ch 4.  Đời sinh viên

Ch 5.  Những chuyện kể của tướng Qua

Ch 6.  Chín năm dạy học ở thôn quê

Ch 7.  Ba mươi tám năm làm báo “lề phải” và “lề trái”

Ch 8.  Người cùng thời:

Ch 9.  “Chấm phá” chân dung những nhà dân chủ:

Ch 10.  Cuộc biểu tình ngày 9/12/2012

Thay lời kết

 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây