Lời Ai Điếu – Hồi ký Lê Phú Khải (chương 07m)

Chương 7l:

tác giả: Lê Phú Khải – nguồn ảnh: uyennguyen.net

ĐÔI BÀI “LỀ DÂN”

(tiếp theo Lời nói đầuCh.1, Ch.2, Ch.3, Ch.4, Ch.5, Ch.6, Ch.7a, Ch.7b, Ch.7c, Ch.7d, Ch.7đ, Ch.7e, Ch.7g, Ch.7h, Ch.7i, Ch.7k, Ch.7l)

+ THƯ NGỎ CỦA MỘT CÔNG DÂN NGOÀI ĐẢNG

Viết từ TP. HCM (BBC Vietnamene 18/03/2009)

Thưa Ông Tổng Bí thư,

Tôi là Lê Phú Khải, một công dân ngoài Đảng. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày cầm bút viết thư cho Ông Tổng Bí thư Đảng độc tôn cầm quyền. Song, những gì diễn ra trên đất nước của chúng ta những ngày qua khiến tôi ăn không ngon, ngủ không yên, suy nghĩ đến thức trắng nhiều đêm.

Đó là cơn bão ô nhiễm môi trường do công ty Vedan gây ra còn nóng bỏng dư luận cả nước thì một tin kinh hòang lại ập đến là khai thác bauxite ở Tây Nguyên trên diện rộng và thời gian lâu dài. Tôi càng đau đớn hơn khi được đọc các bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nhà văn Nguyên Ngọc, tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn và đặc biệt gần đây là bài của nhà văn Phạm Đình Trọng (gây tiếng vang lớn) về thảm họa khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Tôi được biết, từ xưa đến nay Đảng cầm quyền vẫn nêu khẩu hiệu: “Ý Đảng lòng Dân”. Nay những người được tuyệt đại đa số nhân dân rất yêu qúy, kính trọng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Nguyên Ngọc cả cuộc đời gắn bó với Tây Nguyên… đều phản đối mạnh mẽ việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Rõ ràng trong việc này, ý Đảng không hợp với lòng Dân. Từ trước đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam làm được điều gì đều là do được sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân. Nay một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên có liên quan đến sinh mạng của đất nước, đến sự tồn vong của giống nòi, của dân tộc lại không được sự đồng thuận của nhân dân thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng đối với cả Đảng cầm quyền và đất nước.

Tôi nghĩ rằng trong quá khứ, lịch sử đã lựa chọn Đảng Cộng sản là chính đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nhưng với hiện tại và tương lai thì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản không phải là một định mệnh. Nếu một đường lối, chủ trương lớn của Đảng mà từ Đại tướng đại công thần của chế độ như Võ Nguyên Giáp đến người dân bình thường lại không đồng thuận thì dù có một ngàn lần đưa sự lãnh đạo của Đảng vào điều 4 Hiến pháp cũng vô nghĩa!

Vấn đề bauxite còn nguy hại gấp trăm ngàn lần cải cách ruộng đất, vì nó hủy diệt cả dân tộc ta như các nhà khoa học đã dự báo.

Chính vì lẽ đó, với tư cách một công dân, một nhà báo lâu năm, tôi kiến nghị lên Ông Tổng Bí thư, người có trách nhiệm cao nhất của Đảng cầm quyền: Hãy đưa vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên ra bàn ở cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội và Nhà nước để dừng lại dự án này khi chưa quá muộn.

Trước đây, cải cách ruộng đất là một chủ trương lớn của Đảng nhưng khi thấy sai, Đảng đã sửa sai, được nhân dân tha thứ và đồng tình. Nay theo tôi, vấn đề bauxite còn nguy hại gấp trăm ngàn lần cải cách ruộng đất, vì nó hủy diệt cả dân tộc ta như các nhà khoa học đã dự báo.

Mười năm nữa sông Đồng Nai và những con sông khởi nguồn từ Tây Nguyên bị nhiễm bùn đỏ thì cả miền Trung, Đông Nam Bộ và TP.HCM lấy gì mà uống, những bà mẹ sẽ đẻ ra tòan quái thai. Vì sự tàn khốc đó mà Trung Quốc đã đóng cửa các mỏ bauxite của họ trên tòan quốc vào năm 2008. Vì nhân đạo mà Liên Xô trước đây đã khuyên ta không nên khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Vậy mà…

Thưa Ông Tổng Bí thư, trong cuộc cách mạng Pháp năm 1789 có một câu nói nổi tiếng của Marat được truyền tụng khắp châu Âu: Người ta lớn bởi vì anh quỳ xuống (On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux). Dân tộc chúng ta từ khi lập nước chưa bao giờ tự cho mình là bé nhỏ. Chính vì thế nước ta xưa kia mới có tên là nước Đại Việt và giữ được nước đến hôm nay. Khi thực dân Pháp cai trị nước ta, với dã tâm làm yếu hèn ý chí tự cường của thanh thiếu niên, chúng đã sọan sách giáo khoa dạy rằng: “Nước ta hình cong như chữ S, nằm khiêm tốn bên bờ biển Thái Bình Dương!” Nhưng trận Điện Biên Phủ năm 1954 đã chôn vùi thói tham tàn của thực dân Pháp xuống bùn đen vạn kiếp.

Tổ quốc Việt Nam vĩ đại của chúng ta đời đời bất diệt. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Không kẻ nào có thể bắt Việt Nam phải “khiêm tốn” làm bãi thải rác cho họ!

Tôi có bấy nhiêu lời gan ruột của một công dân nước Việt gửi đến Ông Tổng Bí thư. Kính chúc Ông sức khỏe.

Lê Phú Khải.

– – – – –

+ NƯỚC VIỆT CỦA AI?

Posted by bvnpost on 14/09/2010

Sẽ có người phẫn nộ muốn mắng ngay vào mặt kẻ viết bài này khi đặt một vấn đề như thế! Nhưng xin quý vị hãy bình tĩnh để cho tôi “được mở mồm” (chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân chủ là để cho dân được mở mồm”).Xin thưa: trong suốt chiều dài lịch sử, khi đất nước bị ngoại bang xâm lược, những kẻ cầm quyền đất nước đồng lòng với nhân dân đánh giặc giữ nước thì người Việt Nam là những thiên thần của lòng yêu nước. Lịch sử đã chứng minh điều này bằng những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ… Nước Việt chúng ta ở ngay bên cạnh kẻ xâm lăng thường trực 4000 năm, còn được đến hôm nay là nhờ xương máu của những người yêu nước đó.

Nhưng khi giặc xâm lăng đã cút rồi thì với chủ thuyết Khổng giáo, nước là của vua, yêu nước là phải trung với vua (trung quân ái quốc) – dân ta cứ hồn nhiên nhiễm phải tà giáo này suốt chiều dài lịch sử. Tất nhiên vua chúa thì minh quân rất hiếm, đa số là hôn quân bạo chúa, có ông vua là thằng bé con mồm còn hơi sữa, mẹ nó buông mành nhiếp chính đằng sau, làm bao điều hại nước hại dân, thế thì nhân dân đâu có thể yêu cái nước của vua ấy được. Nhân dân phải đi tìm một con đường yêu nước kiểu khác cho mình. Kẻ sĩ có liêm sỉ thì đi ở ẩn! Còn dân thì “quan có cần nhưng dân không vội, quan có vội quan lội quan sang!”.

 

Nhà nước với nhân dân hiện thân trong câu ca dao như thế nên nước yếu! Nước yếu thì giặc ngoại xâm lại tới! “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh”! Đó là lỗi tại vua chúa, vì chức năng của đàn bà là sinh con đẻ cái, không phải để đánh giặc! Giặc đã đến nhà rồi thì còn gì nữa, nó đốt phá giết chóc, cướp bóc tha hồ! Nếu nước mạnh thì phải đánh giặc khi nó mới lấp ló ở biên cương kia!

Đọc những câu ngạn ngữ như thế, chúng ta thấy thương người phụ nữ Việt Nam quá! Thấy đau cho dân tộc Việt Nam quá! Thấy bà mẹ Việt Nam trong lịch sử ngàn đời của đất nước vĩ đại quá, vừa làm lụng, vừa nuôi con và đánh giặc. Còn có phụ nữ nào trên trái đất này gian truân như các bà mẹ Việt Nam .

Trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, một vị tướng ở Hà Nội đã nói với người viết bài này rằng: Không phải chỉ có Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện… là anh hùng, mà tất cả các chiến sĩ Điện Biên Phủ đều là anh hùng, vì họ đã xung trận mà không tiếc xương máu!

Nhưng sau trận đánh “không tiếc xương máu” đó, là đấu tranh giai cấp, là cải cách ruộng đất, là cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, là đấu tố Nhân văn Giai phẩm… từ đó đất nước là của Đảng, của Chủ nghĩa Xã hội. Cái CNXH phải xếp hàng cả ngày ấy, bắt nhân dân “Yêu nước là yêu CNXH” thì nhân dân lảng tránh!

Ngày xưa vua chúa dạy dân “Trung quân ái quốc”. Vua ở trên nước. Nay khẩu hiệu của Cụ Hồ: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân” người ta đổi là: “Trung với Đảng, hiếu với dân”, thì dân hiểu ngay nước bây giờ là của Đảng! Cơ quan công an còn trưng khẩu hiệu “Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình” thì sự trắng trợn đã lên đến tột đỉnh! Đảng đã thành vua, dân là đầy tớ cho Đảng! Đất nước lại suy vi! Sau năm 1975, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi! Đất nước đứng bên bờ vực thẳm. Công cuộc đổi mới, mở cửa để Đảng tự cứu lấy mình đó, mở đầu bằng cải cách kinh tế. Đất nước như người bệnh được hồi sức. Nhưng kinh tế thị trường định hướng XHCN đã dẫn đất nước đến tình trạng tiền maphia. Đất nước không còn là của nhân dân nữa. Đất nước bây giờ là của các nhóm lợi ích, của Tập đoàn Than và Khoáng sản để dẫn người Tàu vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, của Tập đoàn Vinashin ném hàng núi tiền của dân xuống biển, của dự án đường sắt cao tốc toan bắt dân khoác lấy cả một hàng núi nợ nần… Trong lúc các bệnh viện hai, ba cháu thiếu nhi phải nằm một giường, các bà mẹ phải nằm dưới đất mà ông Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khoa tay, lớn tiếng trên diễn đàn Quốc hội rằng: “Không thể không làm đường sắt cao tốc” thì nhân dân biết rõ, đất nước này không phải là của mình nữa rồi. Vì thế, mạnh ai người ấy sống, mọi chính sách của Nhà nước họ bỏ ngoài tai. Vì thế người người trốn thuế, nhà nhà trốn thuế. Đến nỗi nhà xã hội học Nguyễn Trần Bạt phải đau xót thốt lên rằng, trốn thuế là “sức mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam!”. Ở các nước văn minh, trốn thuế là một tội rất lớn, cầm chắc ra tòa và ngồi tù. Ở nước ta, lần đầu tiên có một người phải ra tòa vì tội trốn thuế là anh Điếu Cày! Khi xử anh, công an gác bốn bề, khiến nhiều người rất ngạc nhiên! Vì tội chính của anh là “tội” biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa, Trường Sa! Vì tội chính của anh là “tội” yêu nước Việt Nam của mình! Lịch sử Việt Nam bây giờ lại có “tội danh yêu nước”!

Năm 2001, tôi có hỏi một thanh niên Pháp ở Paris rằng, vì sao một năm nay anh không về quê thăm bố mẹ? Anh ta trả lời rất tự tin: Tôi mải làm ăn, và tôi đóng thuế rất đầy đủ cho Chính phủ, như thế là tôi có hiếu với cha mẹ tôi, tôi đã làm đầy đủ bổn phận của một người con!

Ở các nước dân chủ, người ta biết rằng, tiền thuế của mình đóng cho nhà nước thì quỹ phúc lợi xã hội sẽ chăm sóc người già yếu bệnh tật, chăm sóc cho chính gia đình, cho bố mẹ họ, nên họ không trốn thuế. Ở các nước đó, đóng thuế là biểu hiện rõ rệt nhất của lòng yêu nước.

Vậy dân ta trốn thuế thì phải nghĩ thế nào đây? Ai làm nên nông nỗi này với một dân tộc đã chiến thắng ở Điện Biên Phủ mở đường cho các dân tộc nô lệ vùng lên, chấm dứt một thời đại các dân tộc nhược tiểu còn bị nô dịch ở cuối thế kỷ XX. Đau xót quá! Chính vì biết rõ đất nước không phải của mình nên nhân dân lao động lầm lũi đi tìm con đường sống cho mình ở khắp nơi, kể cả đi lấy chồng, đi làm ô-sin ở ngoại quốc. Chỉ vì biết đất nước không phải của mình nên một số người tìm cách luồn lách, tìm một chỗ yên thân, thậm chí đi định cư ở nước ngoài. Nhưng khi “mất nước trong lòng”, khi nền “độc lập chẳng còn ý nghĩa gì” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì!”) thì hạnh phúc của người Việt Nam không bao giờ trọn vẹn, nếu không muốn nói là bi kịch truyền kiếp! Tôi có một anh bạn, có con định cư và nhập quốc tịch nước sở tại. Anh tâm sự với tôi: “Con tôi làm công cho một công ty nước ngoài, phải nhập quốc tịch nước đó để đi lại khắp nơi cho dễ, thế thôi. Chứ nó buồn lắm, và rất muốn về làm ăn tại quê nhà. Tôi cũng mong nó về lắm, và tôi chắc thế nào nó cũng đưa vợ con về nước.” Tôi có một ông bạn vong niên rất thân là nhà báo lão thành Trần Minh Tân ở báo Nhân dân. Ông quê ở Hải Dương, đậu Tú tài toàn phần trước 1945. Ông chỉ có một thằng con trai định cư ở Úc. Vì thế ông đã quyết định dọn cả bàn thờ tổ tiên sang Úc. Rồi vợ ông cũng sang Úc đoàn tụ, ông quyết chết ở bên đó. Nhưng rồi ông lại về nước sống một mình tại Hà Nội. Tôi đến thăm ông, tự tay ông lọ mọ nấu ăn. Lúc ngồi vào mâm cơm dọn ở đầu hè, ông vừa so đũa vừa kể: “Tao đã định chết ở bên đó. Nhưng một hôm tao đang ngồi trong vườn biệt thự của thằng con, bỗng dưng một đàn bồ câu ở đâu sà xuống sân kiếm ăn. Nhìn đàn chim kiếm ăn trong sân tao nhớ nhà quá, nhớ nước quá, thế là đành bỏ vợ con lại, về nước.” Hớp một hớp rượu, rồi mắt ông bỗng rưng rưng, tay vỗ xuống chiếu than với tôi: “Mình không phải là Cụ Hồ mà cũng yêu nước, nên mới khổ thế này!”. Tôi chưa bao giờ thấy ai than thân trách phận một cách xót xa mà lại humour đến thế! Cụ Hồ mà nghe được câu than này, chắc Cụ cũng ngậm cười nơi chín suối!

Ít lâu sau ông lại vô TP HCM thăm cô con gái đầu lòng, rồi đến chào từ biệt vợ chồng tôi để lại sang Úc với thằng con trai. Ông nói: “Vĩnh biệt vợ chồng cậu, mình đành gửi nắm xương tàn nơi đất khách quê người vậy thôi!”. Nói rồi ông già rưng rưng nước mắt.

Bẵng đi một thời gian tôi không có tin tức gì về ông. Tháng Tư vừa rồi, tôi đang ngủ gật trong phòng đợi tại sân bay Nội Bài để về TP HCM, bỗng có một bàn tay vỗ nhẹ vào bụng tôi. Mở mắt ra thì là anh Tạ Quang Ngọc, con trai cụ Tạ Quang Đạm ở báo Nhân dân. Cụ Đạm xưa kia là bạn thân với bác Minh Tân, cũng là bạn vong niên với tôi. Anh Ngọc kéo tôi vào phòng VIP uống trà rồi nói: “Đã biết tin ông Minh Tân mất chưa?”. Tôi sửng sốt: “Mất ở bên Úc à?!”. Anh Ngọc kể: Lúc lâm chung, cụ Tân nhất định đòi về chết tại Việt Nam. Cụ bảo con trai: “Ở bên này chúng nó đều nói tiếng Anh, tao chết xuống âm phủ không ai nói tiếng Việt với tao cả, buồn lắm, cho tao về quê chết, để còn được trò chuyện với bạn bè!”. Thằng con thương bố nên đã đem cụ về Việt Nam để chết! Nghe đến đây tôi bỗng nhớ đến câu chuyện trong lịch sử nước nhà. Lê Chiêu Thống là một tên vua bán nước, theo quân xâm lược chạy về bên Tàu. Nhưng trước lúc chết còn dặn gia nhân rằng, khi nào có điều kiện thì bốc hài cốt của ông về đất Việt. Riêng chi tiết này, người đời sau có thể ngậm ngùi cho ông vua lỡ bước!

Thì ra lòng yêu nước của thần dân nước Việt chúng ta nó nhiều cung bậc, nhiều gam màu đến như thế. Nó sâu thẳm vô bờ! Đất nước ta hiện nay lại đang đứng trước nạn ngoại xâm biển đảo, nạn thâm nhập đất liền, mà nhân dân lại thấy đất nước càng ngày càng không phải là của mình thì hiểm nguy cho dân tộc khôn lường!

Chỉ có con đường dân chủ hóa đất nước, nhân dân hiểu đất nước là của mình, tiền đóng thuế của dân không phải để rót vào con thuyền không bến Vinashin, không phải để làm đường sắt cao tốc cho ông Nguyễn Sinh Hùng và phe nhóm ông, không phải để mở rộng Thủ đô một cách vô lý và láo xược… thì nhân dân và nhà cầm quyền mới thành một khối, lòng yêu nước của nhân dân sẽ thăng hoa trở lại và không một kẻ thù nào có thể “đến nhà” chúng ta được. Người Việt chỉ biết có nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của Cụ Hồ năm 1945. Cái XHCN làm cho dân xa nước, nước không phải của dân, nước của một chủ nghĩa đã bị nhân loại ruồng bỏ, ném vào sọt rác lịch sử thì bỏ hẳn nó đi, đừng gắn nó vào hai chữ Việt Nam thiêng liêng của dân tộc nữa, chỉ làm cho nhân dân thêm đau buồn và phẫn nộ, chỉ làm cho thế giới người ta cười cho. Đến nước Tàu cũng đâu có gắn XHCN vào tên nước. Nước người ta là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa kia mà! Hồn thiêng sông núi bốn nghìn năm sẽ phù hộ cho dân tộc ta trên mỗi bước đường để vượt qua cơn hiểm nghèo này. Việt Nam dân chủ sẽ tồn tại và hùng cường! Tôi tin là tuyệt đại đa số nhân dân và đảng viên cộng sản Việt Nam đều khát vọng như thế. Đó là điều nhiều đêm tôi không ngủ để suy nghĩ về đất nước tươi đẹp và đau khổ của mình./.

TP HCM 9/2010

L.P.K.

 

03/12/2012  Bauxite

+ KHỔNG TỬ VÀ NHỮNG CƠN SỐT ĐỊNH KỲ CỦA NƯỚC TRUNG HOA

Có thể nói, trong lịch sử của Trung Hoa và nhân loại, chưa có triết gia nào mà triết thuyết của người ấy lại được tâng bốc đến mây xanh, hoặc phỉ báng không tiếc lời như triết thuyết của Khổng Tử (551- 479 trước CN). Nào là Đại Thánh, là Thánh của các ông Thánh, là “vạn thế sư biểu” (người thầy tiêu biểu của muôn đời), nhưng lại có bậc thức giả viết trên giấy trắng mực đen gọi ông là “con chó nhà tang” (!) (nhà có người chết).

Vì sao lại như vậy?

Không khó lắm để trả lời câu hỏi này nếu người ta chịu khó suy nghĩ một chút. Nói một cách dễ hiểu thì toàn bộ học thuyết của Khổng Tử là lý thuyết về người quântử, tức kẻ cai trị đất nước (quân là cai trị, tử là người cai trị). Muốn trở thành người quân tử thì phải tu thân, để trở thành người có đạo đức. Đạo là mối quan hệ mà con người phải biết cách ứng xử. Theo Khổng Tử thì đạo vua-tôi, cha-con, chồng-vợ, anh-em, bạn-bè… (quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu) là quan trọng, được gọi là ngũ luân. Đức theo Khổng Tử có ba điều: Nhân, trí, dũng. Sau này Mạnh Tử bỏ chữ “dũng” vì sợ bầy tôi có “dũng” thì dễ làm phản nên thay bằng lễ và nghĩa. Đến đời Hán thêm chữ “tín” thành năm đức: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín như ta hiểu ngày nay, còn được gọi là ngũ thường. Người đời sau hay nói đến luân thường đạo lý là nói đến triết lý của Khổng Mạnh.

Ngoài đạo đức, người quân tử còn phải biết thi, thư, lễ, nhạc… tức là phải có văn hóa cao. Tu thân rồi, người quân tử phải tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Vì thế, khác với đạo Lão, đạo Khổng là nhập thế, là hành động, là dấn thân cho xã hội, là thực thi lý tưởng của mình. Phương châm cho mọi hành động cai trị của Khổng Tử là nhân trị, là yêu người. Khổng Tử nói: “ Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Hay: “Mình muốn lập thân thì phải giúp người khác lập thân, mình muốn thành đạt thì phải giúp người khác thành đạt” (sách Luận ngữ).

Phương châm thứ hai của kẻ cai trị là thuyết chính danh. “Nếu danh không chính thì lời nói không thuận. Lời nói không thuận thì việc làm chẳng thành” (sách Luận ngữ). Khổng Tử còn dạy: “Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con”.

Rõ ràng, học thuyết của Khổng Tử là đức trị. Yêu người để trị người. Vì thế đạo Khổng có sức hấp dẫn lớn đối với nhiều người. Người đời gọi ông là “người thầy tiêu biểu” là không có gì sai. Nhưng Khổng Tử là người không thích cách mạng xã hội. Ông không tán thành cách mạng để thay đổi thời thế, cho dù thời thế của bọn hôn quân bạo chúa. Đó là tính chất bảo thủ trong tư tưởng chính trị của Khổng Tử. Nói như nhà văn hóa Việt Nam Nguyễn Khắc Viện là hoàn toàn chính xác: “ Khổng Tử bỏ qua vấn đề pháp luật, từ chối mọi cải cách” (Bàn về đạo Nho – NKV). Chính vì thế mà từ đời Hán trở đi các triều vua đều triệt để lợi dụng học thuyết Khổng Mạnh để kéo dài chế độ phong kiến bảo thủ trì trệ ở Trung Hoa cho đến đầu thế kỷ XX. Sử Trung Quốc chép rằng, khi Lưu Bang diệt được Hạng Vũ để lên ngôi vua, có lần ông nói với Lục Giả: “Ta ngồi trên lưng ngựa mà giành được thiên hạ thì cần gì mà phải học Thi, Thư”. Nhưng rồi Lưu Bang Hán Cao Tổ biết rút kinh nghiệm của triều Tần trước đó, nghe lời Lục Giả đề cao đạo Khổng, đưa đạo Khổng lên địa vị quốc giáo nên nhà Hán trị vì được 400 năm. Không những thế, từ đó Khổng giáo còn được truyền bá ở nhiều nước châu Á.

Những kẻ muốn ổn định ngai vàng, muốn duy trì trật tự đương đại đã hết lời đề cao đạo Khổng. Nhưng những kẻ muốn lật đổ, muốn thay đổi, muốn cải cách thì không tiếc lời lăng mạ Khổng Tử. Có người đã nói rất sâu sắc rằng, học Khổng Tử là học quỳ lạy. Khổng Tử dạy học trò để làm quan, để được quỳ lạy dưới ngai vàng. Trong lịch sử Trung Hoa, phần lớn trí thức nước này chỉ biết quỳ lạy. Tài cán như Khổng Minh Gia Cát Lượng cũng không dám “thế thiên hành đạo” để rồi rốt cuộc cũng chỉ quỳ lạy trước một thằng bé mồm còn hơi sữa là Hậu Chủ, con của Lưu Bị nối nghiệp cha làm vua nước Thục. Mao Trạch Đông khi thất thế sau “Đại nhảy vọt”, muốn lật ngược thế cờ, lật đổ Lưu Thiếu Kỳ và những người cả gan chống Mao đã chẳng lớn tiếng “phê Lâm, phê Khổng” là gì? (phê Lâm Bưu, phê Khổng Tử). Khen rồi chê, chê rồi khen. Chưa có ai bị lợi dụng suốt chiều dài lịch sử nước Trung Hoa như thầy Khổng.

Bây giờ ở Trung Hoa, Mác-Lê Nin đã bị vứt đi không còn xài được nữa. Mao cũng “hết đát” rồi. Thuyết “mèo trắng, mèo đen” ba đại diện của Đặng của Giang chỉ là thứ lý thuyết ve chai, chụp giật, thiếu hệ thống, thiếu sức thuyết phục mà người ta lại muốn “ổn định” ngai vàng của Đảng Cộng sản để duy trì quyền lực cai trị độc đoán, độc tôn thì phải làm sao đây? Một nước Trung Hoa vĩ đại với hai hình ảnh thật trái ngược: Giáo sư Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nô-ben thì đang ngồi tù, còn nhà văn Mạc Ngôn cũng đoạt giải Nô-ben thì được tung hô.

Thử hỏi, một nước Trung Hoa mà hầu như tất cả những người giàu có nhờ tham những, chụp giật được trong một nền kinh tế thị trường độc đảng… đều gửi tiền, mua nhà và cho con cái đi học ở các nước tư bản “giẫy chết” thì lấy gì để biện minh cho tính “chính danh” của Đảng cầm quyền? Một nước Trung Hoa mà người mẹ phải xích chân con mình bên cỗ máy vì không có tiền gửi con đi nhà trẻ, để bán sức lao động cho ông chủ tư bản đỏ thì lấy gì để tự hào với thế giới?

Và lúc này, thật đúng lúc Khổng Tử lại được người ta nậy nắp quan tài để dựng lên thành “giá trị Trung Hoa”. Hàng trăm Viện Khổng Tử  được lập nên để nghiên cứu nền đức trị cho một xã hội có hàng trăm ngàn cuộc bạo loạn của dân chúng hàng năm vì bất công xã hội, giàu nghèo ngày càng như nước với lửa, và cả đất nước là cả một cái lò khổng lồ ô nhiễm độc hại với muôn nghìn cách xả rác thải hóa chất ra môi trường. Chính lúc này, Khổng Tử là ly rượu tốt nhất để các công dân nghèo khổ Trung Quốc (đang chết lần mòn vì đói, vì mất nhà mất cửa, vì ăn phải nhiều chất độc) uống vào cho mau lên cơn nhập đồng, nổi máu AQ đại Hán siêu cường!

Còn nhớ ngày nào cả nước Trung Hoa đã quên ngay chuyện mấy chục triệu dân chết dưới tay họ Mao, để vui mừng tung hô Mao đón tiếp Ních-xơn ở Trung Nam Hải. Máu AQ lại nổi lên vì nếu mình không phải nước lớn thì làm sao Tổng thống một siêu cường như Ních-xơn phải đến “triều kiến” nước mình?! Thế là Mao lại trở thành vĩ nhân sau khi đã giết đến mấy chục triệu người! Nghe đâu ở Trung Quốc hiện nay người ta đã loại bỏ Lỗ Tấn ra khỏi chương trình giảng dạy trong nhà trường vì ông nhà văn này đã phê phán kịch liệt thứ chủ nghĩa thắng lợi tinh thần AQ của người Trung Quốc.

Ở những nước dân chủ văn minh, thực tế đời sống xã hội đã biện minh cho chính thể của họ, cho nhà cầm quyền. Còn ở những xã hội độc tài như Trung Quốc, Việt Nam, nơi có “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, không có tự do ngôn luận, không có tam quyền phân lập, không có Quốc hội do dân thực sự bầu lên thì chính quyền phải nặn ra những giá trị ảo để lừa mỵ dân chúng. Giải thưởng toán học của Ngô Bảo Châu là rất xứng đáng nhưng làm rùm beng lên cả nước là có dụng ý gì? Thủ tướng tổ chức đón rước, truyền hình tường thuật tại chỗ… để người dân quên đi độc tài, tham nhũng, bất công… đang diễn ra quanh mình? Trong khi chính người được giải Nô-ben ở một quốc gia dân chủ thì có khi người sống cùng địa bàn cũng không hay và không ai đón rước cả!

Nói tóm lại, Khổng Tử như tác giả Lý Linh sau khi nghiên cứu kỹ Luận ngữ, tác phẩm chính của Khổng Tử gồm những lời đối đáp của ông với học trò… đã cho Nhà xuất bản Nhân dân tỉnh Sơn Tây in cuốn “ Tôi đọc Khổng Tử” (Ngã độc Luận ngữ) vào năm 2007 là công bằng nhất. Đại ý, Lý Linh cho rằng không nên đặt Khổng Tử lên bàn thờ, cũng không nên dìm ông xuống bùn đen. Ổng chỉ là một người hoải cổ, một người bình dân, không quyền lực. Ông hiếu học, có lòng tốt, luôn khuyên người ta cải tà quy chính. Ông dấn thân đi thuyết khách nhưng chẳng được ai dùng “như con chó vô chủ, lang bạt, không nhà”. Nên gọi ông là Don Quichotte! Khổng Tử do vua chúa xưa nặn ra là Khổng Tử nhân tạo. Vậy mà những cơn sốt định kỳ Khổng Tử luôn làm ngạt thở nước Trung Hoa do người ta lợi dụng ông vì những lợi ích bẩn thỉu của kẻ cầm quyền. Ông từng bị khinh rẻ, xem là hủ Nho, rồi bỗng hóa thành ông Thánh của mọi ông Thánh. Là thầy của muôn đời trong hàng ngàn năm phong kiến tăm tối. Rồi trong Cách mạng văn hóa với khẩu hiệu “phê Lâm, phê Khổng” ông lại bị các hồng vệ binh đập nát tấm bia “vạn thế sư biểu” tại đền thờ ông. Tượng ông bị khoét mắt, khoét tim và 100.000 tác phẩm của ông bị thiêu hủy. Rồi bỗng dưng ông được những người “từ chối mọi cải cách” chính trị ở Trung Quốc phục chế ở thời đại @, thành “giá trị Trung Hoa” ở thời đại kinh tế toàn cầu. Giải thưởng hòa bình Khổng Tử năm 2010 được trao cho ngài cựu Phó Tổng thống Đài Loan Liên Chiến và nhiều người khác. Năm 2011 được trao cho nhà độc tài Putin. Nhưng thật bất ngờ là những người đoạt giải đều phát biểu không biết nó là cái gì và không ai đi nhận giải. Vì thế cho nên những người Nga mới chế giễu rằng nó “nhảm nhí vô giá trị”.

Không thể “đi giật lùi đến tương lai” (NTB) được, thưa các nhà độc tài Trung Quốc! Không thể lừa bịp ai được ở thời đại thông tin toàn cầu này. Một nhà nước không “chính danh” sinh ra và tồn tại trên đầu ngọn súng mà tôn thờ một học thuyết nhân nghĩa yêu người thì thật là đại bịp.

Tháng 12/2012

Lê Phú Khải

– – – – –

MỤC LỤC:

Lời nói đầu

Ch 1.  Hà nội, nơi tôi sinh ra

Ch 2.  Đi tản cư lên Chí Chủ, Phú Thọ

Ch 3.  Hai lần “thi trượt” nhưng số phận vẫn mỉm cười với tôi

Ch 4.  Đời sinh viên

Ch 5.  Những chuyện kể của tướng Qua

Ch 6.  Chín năm dạy học ở thôn quê

Ch 7.  Ba mươi tám năm làm báo “lề phải” và “lề trái”

Ch 8.  Người cùng thời:

Ch 9.  “Chấm phá” chân dung những nhà dân chủ:

Ch 10.  Cuộc biểu tình ngày 9/12/2012

Thay lời kết

 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây