Lời Ai Điếu – Hồi ký Lê Phú Khải (chương 02)

Chương 2:

tác giả: Lê Phú Khải – nguồn ảnh: uyennguyen.net

ĐI TẢN CƯ LÊN CHÍ CHỦ, PHÚ THỌ

(tiếp theo Lời nói đầu, Ch.1)

Đại gia đình họ Lê Phú bao gồm tất cả các người con, người cháu của ông nội tôi lên một toa đen tầu hỏa từ Hà Nội và điểm dừng là ga Chí Chủ. Đây là quê của người con dâu thứ ba của ông nội tôi. Tôi thường gọi là thím Ba. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của gia đình thím Ba tôi mà ông nội tôi mua được một quả đồi tên là đồi Dọc Bùng tại thôn Chí Chủ, xã Chí Tiên huyện Thanh Ba tỉnh Phú Thọ. Quả đồi được mau chóng khai phá để trồng sắn, nuôi gà vịt… lấy lương thực theo kháng chiến trường kỳ. Mẹ tôi, một người buôn bán giỏi ở Hà Nội trước đây, đã mở một xưởng làm thuốc lá (thủ công) lấy tên là hãng thuốc lá Lương Sơn theo khẩu hiệu “kháng chiến toàn diện” của cụ Hồ. Xưởng thuốc lá phát triển rất tốt. Nhiều con cháu trong họ đã trở thành công nhân làm thuê cho mẹ tôi. Thuốc lá nhãn hiệu Lương Sơn được bán rộng rãi ở vùng tự do lúc đó. Nhưng đến giữa năm 1950, gia đình bố mẹ tôi phải hồi cư về Hà Nội, vì mẹ tôi mang bầu, không thể ngược xuôi buôn bán được nữa. Ông bà nội tôi và gia đình họ Lê Phú vẫn theo kháng chiến đến cùng.

Khi đặt chân lên quả đồi Dọc Bùng ở Chí Chủ, lúc đó tôi mới tròn 5 tuổi và tôi chỉ ở đó cho đến năm 8 tuổi lại theo bố mẹ về Hà Nội sống nhờ bên ngoại giầu có. Nhưng trong ký ức tuổi thơ của tôi, những ngày sống ở Chí Chủ vô cùng thơ mộng, hấp dẫn. Thiên nhiên miền Trung du Phú Thọ với “rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt” đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết. Quả đồi gia đình tôi ở chung quanh là đầm nước. Buổi sáng khi sương còn giăng trên mặt hồ đã có những đoàn thuyền nan bé xíu buông lưới, gõ mạn thuyền đuổi cá vô lưới… nhộn nhịp cả một góc rừng. Những chiều mưa đứng trên đồi nhìn xuống mặt hồ mù mịt thấy nao nao trong người. Tôi thường thẩn thơ chơi một mình ở những “yên ngựa” võng xuống nối liền hai quả đồi. Ở đó có những hòn đá cuội đen bóng như than. Hết thung lũng lại lên những quả đồi sim hoa tím quả ngọt, nhiều khi ăn sim chín đến say sẩm mặt mày. Đẹp nhất vẫn là những đồi cọ. Đứng từ xa nhìn một đồi cọ mới thấy hết vẻ đẹp của miền Trung du. Rừng không âm u, rậm rịt mà tưới sáng. Nắng chiếu xuống những tán lá cọ to như cái nia tạo bóng râm bên dưới như mời gọi du khách đến gần. Những tầu cọ non mầu trắng ngà xòe ra như đang múa điệu múa miền Trung du sơn cước… Vào mùa hè, ve kêu trong rừng cọ nghe như bản giao hưởng bất tận. Những con ve sầu ở miền Trung du to như ngón chân cái và dài đến mười phân, màu đen nhung có vạch đỏ ngay lưng rất đẹp. Trẻ con địa phương gọi là con cồ cộ. Đám trẻ chúng tôi lấy những cái cần câu cá nối vào nhau, đầu cần câu dính nhựa mít có thể dính được những chú cồ cộ đậu trên thân cọ…

Ba năm ở Chí Chủ, ngoài hạnh phúc được thưởng ngoạn thiên nhiên diễm lệ của miền Trung du, tôi còn được chứng kiến cảnh tản cư kháng chiến chống Pháp của dân miền xuôi đi kháng chiến và tình cảm “lá lành đùm lá rách”của đồng bào miền ngược. Gia đình chúng tôi, sau khi mua được quả đồi, nhờ sự giúp đỡ của đồng bào địa phương, làm được một dẫy nhà lá dài, vừa để ở, vừa để làm “xưởng” thuốc lá của mẹ tôi. Đồng bào địa phương gọi quả đồi Dọc Bùng nơi chúng tôi ở là “Trại Hà Nội”. Xung quanh khu nhà ở, gia đình chúng tôi trồng sắn làm lương thực. Đã gần 60 năm rồi mà tôi vẫn nhớ hàng ngày phải đi nhặt lá sắn rụng dưới chân rừng sắn trên đồi để làm củi nấu “cơm”. Sở dĩ chữ cơm phải cho vào dấu nháy nháy, vì nồi cơm có 90% là sắn. Hạt cơm chỉ dính vào các miếng sắn mà thôi. Tất cả mọi người trong gia đình đều phải ăn cơm độn sắn như vậy. Riêng tôi, vì là cháu đích tôn của dòng họ nên được ngồi ăn riêng với ông bà nội tôi, ăn cơm là chủ yếu. Số phận đã cho tôi những ưu ái từ thủa còn bé như thế. Sau này đến lúc về già rồi, một cô em họ trong dòng họ Lê Phú còn nhắc chuyện cũ… Cô em tôi “tố khổ” rằng, hồi còn nhỏ, mỗi khi tôi đi đâu về, ông nội vẫn bắt cô phải cởi giầy cho tôi! Chẳng biết chuyện ấy có thật hay không, tôi đành bảo cô em tôi: Thì bây giờ cô ngồi lên ghế để tôi cởi giầy cho cô, trừ nợ vậy! Cả nhà đều cười. Chuyện cũ nhắc lại là như thế. Xã hội phương Đông là như thế, biết làm sao được!

Ngày ấy ở “Trại Hà Nội” của chúng tôi đã xẩy ra một sự kiện gây chấn động cả thôn Chí Chủ vốn yên tĩnh và thơ mộng này. Đó là vụ oanh tạc của bốn chiếc máy bay khu trục Pháp vào trại. Số là, quả đồi mà đại gia đình chúng tôi ở được phát quang, lại dựng những dãy nhà lá to, đẹp để vừa làm nhà ở, vừa làm xưởng thuốc lá. Vì thế, một buổi chiều, bốn chiếc máy bay khu trục cũ của Pháp đi oanh kích ở đâu về, có lẽ chúng còn thừa đạn và tưởng rằng khu “Trại Hà Nội” của gia đình chúng tôi là cơ quan của Việt Minh… nên chúng lao xuống bắn phá. Lúc đó tôi đang thơ thẩn chơi ở trên đỉnh một quả đồi bên cạnh nên nhìn rất rõ bốn chiếc máy bay lượn vòng trên khu “Trại Hà Nội” và từng cái thay nhau lao xuống nã đạn. Cứ thế, thay nhau lao xuống… chừng hơn 10 phút sau, có lẽ là hết đạn nên chúng kéo nhau bay đi. Khi chúng đi rồi, cả khu trại bốc khói mù mịt. Chỉ sau đó ít phút, đồng bào ở các quả đồi xung quanh nhất loạt bơi thuyền sang cứu “Trại Hà Nội”. Có thuyền còn mang cả băng cứu thương, thuốc men… sang cứu trợ. Nhưng may quá, cả gia đình tôi không ai bị thương, dù là bị thương nhẹ. Điều kỳ diệu này là nhờ sự sáng suốt của ông nội tôi. Cụ đã chỉ đạo cho đào hầm chữ chi ngay trong nhà. Khi nghe thấy tiếng máy bay là tất cả mọi người nhẩy ngay xuống hầm sâu. Đất đồi cứng, lại khô ráo nên mọi người nằm ép sát xuống đáy hầm, đạn chỉ bắn xéo nên không ai dính đạn cả, còn tất cả đồ đạc trong nhà thì tan hoang như một bãi chiến trường. Đã gần 60 năm mà tôi vẫn nhớ như in những hình ảnh đó. Những chiếc chăn bông để trên giường bị đạn của súng liên thanh bắn xuyên qua, đầu đạn còn kéo theo những nắm bông “nhét” vào các bức tường được làm bằng phên tre. Khi máy bay đi rồi, bọn trẻ con chúng tôi được phân công gỡ những búi bông đó ra để “tái cấu trúc” lại chiếc chăn bông! Các cột nhà là các cây bương (một loại nứa to bằng bắp đùi người lớn) bị dính đạn đều vỡ toác ra. Một con cá chép to treo dưới bếp bị đạn bắn… mất đầu. Và một chi tiết khiến tất cả mọi người đều ngạc nhiên là đôi giầy cao cổ bằng da, thứ giầy của hiến binh Pháp (police militaire) đi tuần tiễu bằng mô tô mà ông chú thứ hai của tôi đưa cho ông nội tôi đi… kháng chiến… để dựng đứng ở dưới gầm bàn, bị nhiều vết đạn xuyên qua mà đôi giầy vẫn đứng thẳng. Sức đạn đi quá nhanh khiến đôi giầy da không kịp… đổ (!) Sự an toàn của gia đình tôi khiến tất cả bà con đến cứu nạn phải ngạc nhiên. Mọi người đều nhận ra sự lợi hại của những căn hầm trú ẩn được đào ngang dọc ngay trong nhà. Nếu hào được đào ở xa, thì khi chạy ra trú ẩn, nhất định sẽ có người bị dính đạn.

Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, người ta được chứng kiến tình cảm thiêng liêng của đồng bào với chính phủ Việt Minh. Trăm nhà như một. Tất cả đều yêu thương đùm bọc nhau, đoàn kết xung quanh chính phủ Hồ Chí Minh để kháng chiến trường kỳ giành độc lập. Sự đùm bọc của đồng bào địa phương đối với gia đình đi tản cư từ Hà Nội như gia đình tôi đã nói lên sự thật đó. Công bằng mà nói, lúc đó những người cộng sản Việt Nam đồng nghĩa với những người yêu nước và được nhân dân cả vùng tự do đến vùng tạm chiếm ủng hộ tuyệt đối, trừ những phần tử theo đuôi Pháp, phản dân tộc. Có những hình ảnh mà tôi không bao giờ quên về những cán bộ của chính phủ cụ Hồ lúc đó. Ông nội tôi có 5 người con trai như đã kể ở trên. Trừ ông bố tôi không hoạt động, còn bốn người chú ruột của tôi đều tham gia hoạt động trong hàng ngũ Việt Minh. Vì thế gia đình tôi tản cư, đóng ở Chí Chủ Phú Thọ là một địa điểm trung chuyển, nghỉ chân cho các cán bộ Việt Minh từ vùng tạm chiếm lên chiến khu Việt Bắc. Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, thì người chú thứ nhất của tôi mà tôi thường gọi là chú Hai (thứ hai, sau bố tôi là cả) là giám đốc công an khu 11, tức khu Hà Nội. Khi nha công an trung ương chuyển lên Việt Bắc, thì ông làm phó ty trật tự tư pháp, đồng thời là phó giám đốc công an liên khu Ba. Có lẽ vì thế mà các đoàn từ khu Ba lên Việt Bắc thường nghỉ chân tại nhà tôi ở Chí Chủ, Phú Thọ. Có nhiều lần ông Nguyễn Lương Bằng, có lẽ lúc đó phụ trách tài chính của Đảng nên thường mang hàng quý của đồng bào khu ba quyên góp cho kháng chiến lên Việt Bắc, đi qua Phú Thọ thì thế nào cũng ghé lại nhà tôi tức “Trại Hà Nội”. Một lần, ông dẫn một đoàn ngựa thồ mang hàng lên Việt Bắc, chủ yếu là thuốc tây, có ghé lại nghỉ ở nhà tôi. Ông có một chiếc khăn rửa mặt đã rách, ông nhờ mẹ tôi khíu lại (có nghĩa là lấy kim chỉ khâu những chỗ đã rách liền lại với nhau. Tôi phải nói rõ từ “khíu” khác với từ “vá” vì sợ sau này các bạn trẻ không hiểu khíu là cái gì. Cũng như thằng con tôi, nó chỉ biết cái áo mưa, khi nói đến áo tơi thì nó hỏi là áo gì?). Lại nói về ông Bằng. Khi ăn cơm, có một bát cà bung để từ trưa, đến chiều đã vữa mẹ tôi định đem đổ đi thì ông Bằng giữ lại, ông nói để tôi ăn. Trước khi ông đưa đoàn ngựa thồ rời nhà tôi lên Việt Bắc, ông cho mẹ tôi một hộp dầu cù là Con Hổ Phù, tức hộp dầu cù là có hình con hổ trạm nổi ở trên nắp hộp. Mẹ tôi than phiền ông này nghèo quá mà cũng keo quá! Mẹ tôi có hay đâu ông phụ trách tài chính của một đảng đang cầm quyền. Ông có cả đoàn ngựa thồ trở toàn đồ quý, nhưng đó là những thứ đồng bào quyên góp cho kháng chiến, ông không dám tơ hào cái kim sợi chỉ. Sau này bà nội tôi định làm mai mối ông cho em ruột của bà, là một infirmiere ở Hà Nội theo bà đi tản cư chưa có chồng. Nhưng bà trẻ của tôi (theo cách gọi trong gia đình) đã chê ông Bằng nghèo nên… không lấy. Sau đó bà lấy một ông cán bộ lãnh đạo của ty giáo dục Phú Thọ. Ông này vợ mất, đã có hai con gái. Khi kháng chiến thành công, ông Bằng làm đến chức phó chủ tịch nước, chúng tôi vẫn nói đùa với bà trẻ phải chi hồi đó bà trẻ chịu lấy ông Bằng thì bây giờ chúng cháu… được nhờ (!)

Bây giờ, nhiều năm trôi qua ngồi nghĩ lại so sánh con người thời đó với bây giờ thấy thật buồn, thật trớ trêu. Khi khời đầu, Đảng có một lớp cán bộ đáng quý như thế. Nhưng đi theo CNCS, một chủ nghĩa không tưởng rồi tuân thủ cái gọi là “tập trung dân chủ”, đã loại dần những cán bộ tốt ra khỏi guồng máy cai trị của mình khi có toàn vẹn đất nước trong tay. Với tập trung dân chủ, thực chất là độc đoán, độc tài của một nhóm người đã dẫn đến một bộ máy toàn trị đa phần là kẻ xấu như hôm nay. Ngày nay thế hệ trẻ có tư tưởng dân chủ chỉ nhìn thấy bộ máy của Đảng toàn những gương mặt như Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Đinh Thế Huynh… và một bộ máy công an hung hãn đàn áp dân chủ… nên họ phủ định hết, không chút nhân nhượng với cộng sản. Họ chưa từng được chứng kiến một ông cán bộ phụ trách tài chính của Đảng dùng một cái khăn lau mặt rách nát trong khi có cả kho của quý trong tay… như thế hệ chúng tôi. Nhưng không trách họ được. Có lẽ, nói về Đảng và chế độ cộng sản ở Việt Nam một cách “toàn cảnh” phải lấy lời của bác sỹ Nguyễn Khắc Viện lúc ông ở tuổi 82 là công bằng nhất: “Đời tôi là đời một kẻ ngây thơ, phần “thơ” là đi theo cụ Hồ kháng chiến chống xâm lược, tôi giữ nó lại. Phần “ngây” là đi theo CNXH, tôi vứt nó đi. Nhưng nếu phải sống lại, tôi vẫn đi con đường đó…” Đã có lần tôi chép nguyên văn câu nói này đưa cho ông Võ Văn Kiệt, lúc đó đang là cố vấn BCH TW Đảng coi. Xem xong, ông Kiệt không nói gì cả (!) Vì thế, tôi rất đồng cảm với nhà trí thức Việt Kiều Nguyễn Gia Kiểng khi ông cho rằng, các thế hệ sau này có thể không khắt khe với những người cộng sản lớp trước, nhưng lịch sử sẽ rất khắt khe với những người cộng sản hôm nay (tức thời điểm 2012 này).

Tuổi thơ của tôi ở Chí Chủ còn được chứng kiến nhiều hình ảnh khó quên. Nó đeo đẳng tôi cho đến lúc về già. Đó là những ngày mùng 1 Tết, ông nội tôi tập hợp cả đại gia đình trước khoảng sân rộng trước nhà. Mọi người chào cờ. Kéo cờ lên dần đỉnh cột và hát quốc ca. Khi cờ lên đến đỉnh thì quốc ca vừa dứt. Ông nội tôi rút súng lục ra, bắn một phát chỉ thiên để chào mừng năm mới. Chào mừng thêm một năm kháng chiến. Hào hùng lắm! (Súng do ông chú tôi “cấp” cho ông nội tôi). Hồi đầu CMT8, ông nội tôi cũng có một khẩu súng lục, cũng do ông chú tôi “cấp” nhưng sau đó bị ông chủ tịch xã mượn chắc là để đeo cho oai. Ông chủ tịch xã là ông Minh Tiến, sau làm đến chức thứ trưởng Bộ Công An. Ông ta là một thư lại rất láu cá. Tôi sẽ kể về sau. Cái giấy “mượn” súng có đóng dấu hẳn hoi,đến bây giờ chú em họ tôi còn giữ. Tôi thường được chú giở ra cho xem. Chú em tôi giữ rất cẩn thận và coi như đồ gia bảo. Ở Chí Chủ, lâu lâu các chú tôi đi kháng chiến, mỗi lần có dịp đi qua Phú Thọ lại ghé thăm nhà. Đó là những giây phút vui nhất trong gia đình. Người chú thứ tư của tôi, tôi thường gọi là chú Năm, tính theo thứ tự từ bố tôi là Cả (cả, hai, ba, tư, năm) tên là Lê Phú Hào, mỗi lần về nhà ông lại dậy chúng tôi học hát. Khi chúng tôi hát, ông đánh đàn và đệm cho chúng tôi. Người chú thứ ba thì đi bộ đội tên là Lê Phú An. Có một buổi tối, chú tôi đem một tập thơ nhỏ đọc cho cả nhà nghe. Tôi còn nhớ, khi nghe bài “Bầm ơi” của nhà thơ Tố Hữu, mọi người  chăm chú nghe, rưng rưng cảm động. Quả thật thời đó con người ta thương yêu nhau lắm. Sau bao năm nô lệ, nước Việt Nam được độc lập ai cũng vui sướng, mặc dù còn thiếu thốn trăm bề:

Củ khoai củ sắn thay cơm
Khoai bùi trong dạ, sắn thơm trong lòng
Ngớp hụm nước giếng trong đỡ khát
Nhìn trời cao mà mát tâm can…” ( Tố Hữu)

Cái tình người mà Tố Hữu viết như thế là có thật. Đau đớn và bẽ bàng thay là bây giờ, no đủ hơn lúc đó, nhưng một nhà thơ cũng rất nổi tiếng là Bùi Minh Quốc phải thốt lên rằng:

Ngoảnh mặt phía nào cũng phải ghìm cơn mửa
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi!”

Rất nhiều người thời nay khi nhắc đến xã hội Việt Nam kinh tế thị trường định hướng XHCN đã trích câu thơ này của Bùi Minh Quốc như một sự khái quát có giá trị, vì nó nói thay cho tâm trạng của hàng triệu người Việt Nam hôm nay.

Những năm ở Chí Chủ, tôi thấy ông nội tôi nhẫn nại dậy bà nội tôi học chữ. Bà nội tôi mù chữ từ nhỏ, bây giờ nước độc lập rồi, chả nhẽ ông nội tôi lại để vợ mình không biết chữ. Nhưng bà nội tôi tối dạ lắm, không học được chữ. Ông nội tôi đã chỉ dậy bà viết chữ E, tức tên bà nội tôi là Nguyễn Thị E. Nhưng học mãi mà bà tôi vẫn không viết nổi. Tôi còn thấy ông nội tôi viết ba chữ: Hồ Chí Minh thật to để bà tôi nhận mặt chữ, phòng khi sau này có đi bầu cử thì nhớ không gạch tên đó. Thế là sau này cứ đưa chữ Hồ Chí Minh ra là bà nhận được mặt chữ. Ông nội tôi mừng lắm. Là một công chức mẫn cán của Phủ Toàn quyền Đông Dương, ông nội tôi đã kính yêu chủ tịch Hồ Chí Minh như thế. Đó là sự thật. Nhưng nay, trong lúc tôi đang viết những dòng chữ này, tôi đọc được bài viết của nhà báo Bùi Tín trên mạng Internet bình luận về bài: “ Hồ Chí Minh là một người cộng hòa hay cộng sản” của nhà nghiên cứu Nhật Bản, giáo sư Tsuboi Yushiharu. Ông Bùi Tín dẫn ra 24 năm cầm quyền, ông Hồ đã giải thể trường đại học luật, xử chết 27 ngàn người trong cải cách ruộng đất bằng “tòa án nhân dân” thì sao gọi là cộng hòa được? Không có báo chí tự do thì sao gọi là cộng hòa được? Lúc sắp ra đi, ông Hồ chỉ mong được gặp Marx-Lenin, không mong gặp tổ tiên thì là cộng sản chứ sao là cộng hòa được?

Nhà văn Phạm Đình Trọng trong một bài viết mới đây nhan đề “Thông điệp tháng Tám”. Sau khi phân tích tất cả những hiểm họa của đất nước đang diễn ra, ông kết luận: “Thế kỷ trước, thế hệ đi tìm đường cứu nước đã lạc đường dẫn đến thế nước hiểm nghèo hôm nay”! Đó là một đánh giá công bằng, khách quan, chính xác. Không ai phủ nhận những người cộng sản thế kỷ 20 không yêu nước. Nhưng đi lạc đường, lạc vào quỹ đạo cộng sản, vậy thôi. Đau xót là vậy. Quỹ đạo cộng sản là cái gì thì đã có cả ngàn, cả vạn bài báo, cuốn sách viết về nó, không cần phải nhắc lại.

Ở Chí Chủ đến năm 1950 thì mẹ tôi mang bầu, không thể ngược xuôi buôn bán được nữa nên gia đình tôi phải hồi cư về Hà Nội. Hồi đó, hễ đi kháng chiến mà quay về vùng tạm chiếm thì bị gọi là “dinh tê” về thành. Dinh tê theo địch là có lỗi, có tội với kháng chiến nên phải đi lén lút. Mẹ tôi cùng bốn chị em tôi cùng bà cô ruột tôi, gồm toàn thể là đàn bà trẻ con rời đồi Dọc Bùng trong một đêm tối. Lúc chúng tôi xuống đò để rời đồi Dọc Bùng, bà nội tôi luôn mồm khấn: “Lậy bốn phương trời, mười phương đất… phù hộ cho con cháu tôi đi đến nơi về đến chốn”. Lúc đó, tất cả đều khóc như mưa. Từ cái đêm hôm đó, đoàn hơn 10 người tất cả là đàn bà và trẻ con đã tiến hành một cuộc “vạn lý trường chinh” hơn 100 km từ Chí Chủ, Phú Thọ về Hà Nội. Đêm đi, ngày nghỉ để tránh sự kiểm soát của dân quân du kích vùng tự do Phú Thọ. Trí nhớ của đứa trẻ lên 8 tuổi đã không cho phép tôi nhớ nổi chúng tôi đã đi không biết bao nhiêu đêm trong đói khát, lo sợ. Sau nhiều đêm đi bộ, một buổi sáng đẹp trời chúng tôi về đến thị xã Sơn Tây, cửa ngõ Hà Nội, thuộc vùng tạm chiếm. Về Hà Nội, sau một thời gian ở nhờ gia đình ông bác anh ruột mẹ tôi, một gia đình buôn bán giàu có ở phố Hàng Buồm, về sau ông bị quy kết là tư sản… chúng tôi may mắn đòi lại được căn nhà ở phố Hàm Long, nơi mẹ tôi có một cửa hàng bán đồ hộp trước kia. Tôi bắt đầu đi học, theo chương trình tiểu học, bắt đầu là lớp năm, lớp tư, lớp ba… cho đến lớp nhất. Vì trước đó đã được ông nội tôi dậy cho biết đọc biết viết nên tôi được nhận vào học lớp tư, không phải qua lớp năm của trường tiểu học Ngô Sỹ Liên ở phố Hàm Long. Đó là một ngôi trường rất nên thơ với những lớp học tràn đầy ánh sáng, sân trường có những cây bàng cổ thụ rợp bóng mát. Ngôi trường đến bây giờ vẫn còn (2012) nhưng được xây lên thành một tòa nhà nhiều tầng, không cân xứng với khuôn viên nhỏ bé của nó như xưa kia. Linh cảm thế nào ngôi trường xinh đẹp này cũng bị phá đi để xây lên cao tầng. Một lần từ Sài Gòn ra Hà Nội, tôi đã đem máy ảnh tới chụp ngôi trường kỷ niệm này. Tấm hình này tôi vẫn giữ và những chiều “gió tím mưa xanh” tôi vẫn đem ra ngắm lại ngôi trường tiểu học thời thơ ấu của mình, ôn lại những ngày đầu tiên cắp sách tới trường đầy kỷ niệm…

Nếu ở Chí Chủ tuổi ấu thơ của tôi được tắm mình trong thiên nhiên diễm lệ miền Trung du “rừng cọ đồi chè”… của đất nước thì tuổi thơ đi học của tôi ở Hà Nội là những năm lêu lổng nhất. Thời đó không có cái quái thai “học thêm” như thời nay. Sáng đi học, chiều về là tôi cùng lũ trẻ con lê la trên hè phố. Phố Hàm Long với những cây cơm nguội, phố Lò Đúc gần đó là những cây sao nổi tiếng, phố Phan Chu Trinh thảm cỏ rộng và những hàng cây sấu cổ thụ… Ba con phố ấy đổ về ngã năm: Hàm Long, Lò Đúc, Lê Văn Hưu, Hàn Thuyên, Phan Chu Trinh… là “ đất thánh” của bọn trẻ chúng tôi. Mùa nào cũng có trò chơi của mùa ấy. Mùa chơi quay, tiếp đến mùa chơi đáo, mùa chơi bi… Hầu như suốt buổi chiều mỗi ngày chúng tôi đều lê la trên vỉa hè với những trò chơi bất tận đó. Bây giờ những trò chơi của trẻ con ngày ấy đã mất hẳn. Ngoài ra lũ trẻ chúng tôi còn có những trò chơi gắn với bốn mùa xuân hạ thu đông. Mùa hè chúng tôi đi bắt ve sầu bằng cái cần câu có dính nhựa mít. Mùa mưa đi đổ dế. Khi phát hiện một tổ dế, lũ chúng tôi thay nhau đi múc nước cống đổ xuống tổ. Khi con dế không còn chịu được nước ngập nữa, nó phải bò lên miệng tổ, thò hai cái râu lên khỏi mặt đất. Chúng tôi lấy que xiên xuống, chặn đường rút lui của nó rồi lần tay xuống lỗ, bắt gọn những chú dế mèn bóng nhẫy… Những con dế đó được nuôi trong những chiếc hộp carton, được cho ăn cỏ non,được phơi sương mỗi đêm… Đến mùa sấu chín, chúng tôi làm súng cao su, nhằm những chùm sấu chín vàng trên cây để bắn. Sấu chín ngọt lịm như tuổi thơ của tôi trên vỉa hè phố phường Hà Nội. Hồi đó Hà Nội còn vắng vẻ, buổi trưa, khi mọi người yên nghỉ trong nhà, tôi và chúng bạn thơ thẩn dưới những hàng cây cơm nguội, những hàng sấu, nghe tiếng ve kêu rả riết trên cành sao mà thú vị, say mê đến thế. Năm ngoái tôi có dịp ra Hà Nội để hẳn một ngày đi bộ tha thẩn trên các hè phố Hàm Long, Phan Chu Trinh, Hàn Thuyên, Hàng Chuối, vườn hoa Pasteur, phố Nguyễn Huy Tự ra đến bờ sông… đâu đâu cũng thấy hàng quán lấn hết vỉa hè, xô bồ, hỗn tạp mất hẳn cái yên tĩnh nên thơ của những biệt thự nhỏ nối nhau ở các phố Hàng Chuối, Hàn Thuyên… năm xưa. Hà Nội bây giờ chẳng đem lại cho tôi cảm xúc gì ngoài cái bệ rạc, bát nháo, nửa quê, nửa tỉnh, ông không ra ông, thằng không ra thằng… Tôi cũng để ra một ngày lên tận huyện Thạch Thất, Sơn Tây cũ xem cái gọi là Hà Nội mở rộng bây giờ. Thật kinh ngạc. Vùng bán sơn địa với núi đá lởm chởm này bây giờ cũng thuộc về Hà Nội. Vậy là thủ đô nước Việt Nam cũng có cả vùng núi. Hai Bà Trưng theo sử sách nói quê ở Mê Linh. Nay Mê Linh cũng thuộc về Hà Nội. Sử phải cập nhật ngay và viết là : Hai Bà Trưng quê ở Hà Nội…

Các nhóm lợi ích đã phá nát đất nước này một cách không thương tiếc. Hễ ở đâu đất đai có thể chia trác được là chúng làm, bất kể điều gì, kể cả vẽ lại bản đồ đất nước.

Lại nói về Hà Nội những năm 50 đầu thế kỷ trước. Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đến giai đoạn này đã chuyển sang thế phòng ngự và tấn công. Quân đội viễn chinh Pháp bắt đầu thua liểng xiểng. Người Hà Nội chứng kiến cảnh binh lính Pháp sau những ngày thua trận ở các nơi về Hà Nội với vẻ chán trường, râu tóc bơ phờ và… sống gấp. Các bar rượu, vũ trường, đèn xanh đỏ lập lỏe, nhốn nháo thâu đêm. Cũng nhờ đám viễn chinh này ăn chơi xả láng mà nhiều người cũng kiếm chác được nhờ phục vụ chúng. Có chị bán thuốc lá trước một rạp chiếu bóng kể bán thuốc cho Tây một lãi mười. Khi một thằng Tây mua gói thuốc, nó đưa tiền chẵn, khi trả lại tiền (miền Nam gọi là thối tiền), đáng phải trả lại mười thì chỉ trả lại một. Nó chẳng đếm lại bao giờ, đút tiền vào túi đi ngay. Nếu thấy nó đếm lại thì… cầm tiền đưa thêm, coi như chưa đưa hết!

Dạo ấy, cứ mỗi lần nghe thấy tiếng máy bay trực thăng trên đầu là lũ trẻ chúng tôi ở các phố Hàm Long, Lò Đúc, Lê Văn Hưu… chạy bán sống bán chết ra vườn hoa Pasteur. Ở đó có một bãi đất rộng cho trực thăng hạ cánh. Chúng tô nhìn thấy từ trên trực thăng các thương binh da trắng, da đen được khiêng xuống để đưa về nhà thương Đồn Thủy (nay là bệnh viện 108) để cứu chữa. Khi trện Điện Biên Phủ xẩy ra thì ở Hà Nội thật nhộn nhạo. Tin tức đồn đại khắp nơi. Báo bán chạy như tôm tươi. Hầu hết các gia đình trung lưu ở Hà Nội lúc đó đều mua báo hàng ngày để theo dõi tin tức chiến trường. Người ta lo âu, thì thầm vì biết thế nào Pháp cũng thua, Việt Minh sẽ thắng. Người có gia đình theo kháng chiến thì vui mừng, hồi hộp. Một hôm, ông bác ruột, anh mẹ tôi từ phố Hàng Buồm đến chơi, đưa tờ báo cho mẹ tôi coi rồi chỉ tay vào một tấm hình lớn ngay trang nhất và nói: “Em chồng cô bây giờ làm lớn lắm!” Thì ra đó là tấm hình chụp ông Phạm văn Đồng, trưởng đoàn đại biểu VNDCCH tại hội nghị Geneve về Đông Dương 1954. Đứng cạnh trưởng đoàn Phạm Văn Đồng là chú tôi, Lê Phú Cường (tức tướng Lê Hữu Qua sau này). Sau này tôi mới biết là chú Hai tôi là nhân viên an ninh của phái đoàn Việt Nam tại Geneva, có nhiệm vụ bảo vệ đoàn và trưởng đoàn. Đây là lý do chú tôi thường hay xuất hiện bên cạnh ông Phạm Văn Đồng. Vì thế mọi người cứ tưởng chú tôi làm lớn lắm. Lúc đó mới 12 tuổi đầu, tôi không hình dung ra cái gì sẽ đến với gia đình tôi và Hà Nội. Thế nhưng, cái gì đến đã đến. Ngày 10/10/1954, ngày giải phóng thủ đô thật đáng ghi nhớ. Mẹ tôi là một người buôn bán rất nhậy cảm nên trước đó bà mua tích trữ nhiều cán cờ bằng gỗ, bằng tre xếp đầy nhà. Ngày đó tung ra bán cho người ta làm cán cờ vẫy chào bộ đội về giải phóng thủ đô.

Tôi còn nhớ như in đêm mùng 9 rạng sáng 10/10 ấy cả thành phố giới nghiêm và không ai ngủ cả. Mấy chị em tôi dán mắt nhìn qua khe cửa. Trong ánh sáng vàng đục của những ngọn đèn đêm, tôi thấy những tên lính Pháp cao lớn đi tuần. Gần sáng, lính Pháp chốt lại các đầu phố. Nhà tôi ở số 3B phố Hàm Long, tức đầu phố nhìn ra ngã năm Phan Chu Trinh, Hàm Long, Lê Văn Hưu, Lò Đúc, Hàn Thuyên rõ mồn một. Lính Pháp tụ lại ở đầu phố. Khi trời sáng hẳn thì từng tốp bộ đội của ta vai đeo súng từ từ tiến đến chỗ lính Pháp. Những tên lính Tây cao lêu nghêu đứng cạnh bộ đội Việt Minh bé nhỏ chỉ cao đến vai chúng. Họ trao đổi với nhau, bàn giao với nhau những điều gì đó rồi thấy lính Pháp từ từ rút lên phía nhà hát lớn theo đường Phan Chu Trinh. Khi lính Pháp rút rồi, chỉ còn lại bộ đội ta thì tất cả các cánh của bật tung, nhân dân hai bên phố ùa ra đường với cờ đỏ trong tay reo mừng hoan hô các anh bộ đội. (Dĩ nhiên các cán cờ là của mẹ tôi bán cho họ). Nếu tôi không ghi lại cái sự việc có thật này về cái đêm mùng 9/10 năm đó, thì sau này các sử gia, các nhà tiểu thuyết lịch sử khó hình dung người Hà Nội làm gì, nghĩ gì, đường phố Hà Nội diễn ra điều gì trong cái giờ phút lịch sử đó. Bởi lẽ, những người Hà Nội chứng kiến lúc quân Pháp rút lui lúc rạng sáng ngày hôm đó chắc không còn mấy người và cũng chẳng ai làm cái việc lẩn thẩn là ngồi ghi chép lại những sự việc đó trong khi mọi người đang điên rồ kiếm tiền, cố tồn tại trong cái nền kinh tế thị trường định hướng XHCN này! Cũng cần phải nói thêm là, trước ngày 10/10/1954 cả mấy tháng, đã có các cán bộ Việt Minh vào thành phố, tá túc trong các nhà dân vốn là cơ sở của Việt Minh hay các gia đình có người đi kháng chiến. Nhà tôi cũng có một chị tên là Nhân đến ở. Họ có nhiệm vụ giải thích chính sách của chính phủ kháng chiến, khuyên đồng bào không theo Pháp đi Hải Phòng…

Chị Nhân có chồng là cán bộ hoạt động nội thành rất đẹp trai tên là Hồng Kỳ. Mẹ tôi đã xếp cho họ ở một căn buồng nhỏ sau bếp nhà và đứa con đầu lòng của họ đã “nên người” ở căn buồng đó. Sau này họ vẫn đi lại thăm gia đình tôi.

Lại nói về ngày 10/10 lịch sử, cho đến 10 h sáng hôm đó thì cả Hà Nội là một ngày hội lớn. Năm cửa ô Hà Nội tưng bừng đón những đoàn quân chiến thắng trở về. Các nghệ sỹ đem cả đàn ra kéo, các chị mặc áo dài, các bà nhà giàu tung hoa tươi lên các đoàn xe trở các đoàn quân tiến vào thành phố. Có những câu chuyện thật cảm động mà tôi biết. Bà cụ Lý Tiếp, người làng Đồng Nhân, quê ngoại của tôi. Cụ có họ xa với mẹ tôi. Cụ sinh sống bằng nghề bán nước mắm rong trên đường phố. Hôm đó có người bảo với bà rằng, con bà là cán bộ chỉ huy cao cấp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nếu tôi nhớ không nhầm là đại đoàn trưởng hay trung đoàn trưởng gì đó… Có người làng đã trông thấy con trai bà trên phim tài liệu về Điện Biên khi còn ở vùng tự do. Người cán bộ vô thành kiểu như chị Nhân tôi kể ở trên đã cho bà biết tin như thế. Nhưng bà cụ không tin nên sáng ngày 10/10 bà vẫn đi bán nước mắm. Khi đoàn quân tiến vào thủ đô, bà cụ Tiếp vẫn đòn gánh trên vai chen vào đoàn người đứng hai bên đường tại một cửa ô. Bỗng nhiên bà trông thấy con trai mình ngồi trên xe jeep dẫn đầu đoàn quân. Bà lao ra… hai mẹ con đã ôm lấy nhau… và mọi người đều khóc. Người chỉ huy đó sau này là thiếu tướng Vũ Yên. Tên cúng cơm của ông là Nguyễn Văn Tịch. Mẹ tôi nói ông là người làng của bà. Khi viết những dòng này, tôi cũng cảm động rơi nước mắt khi ngòi bút “chạy” tới đây. Lịch sử đất nước có những giờ phút đáng ghi nhớ như thế. Nhưng, người ta có hay đâu những người hồ hởi mang hoa ném lên những đoàn xe trở đoàn quân chiến thắng kia, chỉ ít lâu sau là nạn nhân của những cuộc cải tạo tư sản. Ở nông thôn là cải cách ruộng đất đẫm máu.

“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, không khí hồ hởi vui tươi sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sau hòa bình lập lại 1954 ở Hà Nội cũng như toàn miền Bắc mau chóng nhường chỗ cho những ngày ảm đạm, u ám của những cuộc “đấu tranh giai cấp”, của cải cách ruộng đất, của cải tạo tư sản, đấu tố bọn “nhân văn giai phẩm”. Nhà văn Nguyễn Khải đã miêu tả rất đúng chân dung của con người Việt Nam từ thành thị đến nông thôn sau chiến thắng Điện Biên trong bài tùy bút chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất”. Ông viết: “Một nửa nước được độc lập nhưng lòng người tan nát tài sản một đời chắt chiu của họ bị nhà nước tịch thu hoặc trưng thu khiến họ trở thành những người vô sản bất đắc dĩ. Tầng lớp trí thức chẳng có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do, thì cái đầu cũng bị nhà nước trưng thu luôn. Từ nay họ chỉ được nghĩ, được viết theo sự chỉ dẫn của một học thuyết, một đường lối nếu họ không muốn dẫm vào vết chân của nhóm “nhân văn giai phẩm”. Một dân tộc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ mà mặt người dân nám đen, mắt nhìn ngơ ngác, đi đứng lom rom như một kẻ bại trận”. Viết đến đây tôi chợt nhớ có lần đọc được bài viết của một phóng viên người Pháp nhiều năm sống ở Trung Quốc. Khi quân giải phóng nhân dân Trung Hoa vượt sông Trường Giang đuổi quân Tưởng Giới Thạch khỏi lục địa, thu Trung Quốc về một mối, tác giả đã từ Hồng Kông qua lục địa và chứng kiến cảnh nhân dân vui mừng chào đón một tương lai tốt đẹp như thế nào. Sau đó tác giả hạ một câu, đại ý, nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc không tiếp tục công cuộc “đấu tranh giai cấp” sau đó thì nước Trung Hoa đã không khốn nạn như ngày nay.

Việt Nam chẳng khác gì Trung Quốc, hay nói cách khác là giống nhau như hai giọt nước. “Đấu tranh giai cấp” đã tàn phá tất cả những gì tốt đẹp mà nhân dân Việt Nam đã đổ xương máu để giành được cho đến ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cải cách ruộng đất đã đưa những ông bà nông dân mắt toét răng đen không biết chữ lên làm chánh án những “tòa án nhân dân”, có quyền phán quyết án tử hình và nạn nhân bị đem bắn ngay sau đó. Những thước phim tư liệu do chính quyền quay mà tôi đã được xem, mỗi lần nhớ đến vẫn khiến tôi lạnh xương sống. Tên địa chủ được lôi ra đấu tố, ra xét xử đi giữa hai du kích đi chân đất và cầm súng chĩa vào mình. Và, tên địa chủ ấy cứ run cầm cập khi nhìn thấy cái cọc tre đã được đóng sẵn để lát nữa trói mình vào đó để xử bắn! Chưa cần xử, nạn nhân đã biết trước hình phạt dành cho mình. Xem những thước phim cho thấy, chỉ sau vài loạt hô đả đảo của quần chúng đang điên rồ trong cơn phấn kích là “phạm nhân” đã bị trói nghiến vào cái cột tre, rồi sau loạt súng nổ, người ta bu lại để xem tên “phạm nhân” nghẹo cổ. Đạn xuyên thẳng vào tim. Cả xã hội miền Bắc đã lên cơn nhập đồng cuồng điên trong cuộc đấu tố bắn giết kéo dài đó. Thật khó có thể giải thích những người nông dân nghèo khổ, hiền lành, nhẫn nhục, sống với nhau bao đời trong các làng quê được bao bọc bởi những lũy tre xanh hiền hòa kia… bỗng có ngày họ bị Đảng cộng sản cho uống thuốc kích độc, kích ác, kích bạo, kích tham… những độc dược dán mác “đấu tranh giai cấp” hay “Mác-Lenin”… để một chị con gái có thể nhẩy chồm lên chỉ vào mặt bố đẻ của mình mà hét: Thằng kia, mày có biết tao là ai không? Và người cha đẻ của chị khúm núm run rẩy thưa: Thưa bà, bà là con của con ạ!!!

Ở Đồ Sơn quê vợ tôi có câu chuyện thương tâm thế này. Một phú nông trong làng, từng chứa chấp Việt Minh hoạt động. Một hôm, có 5-6 cán bộ đang họp trong nhà thì có tin Tây đến vây bố. Chủ nhà nhanh trí hô tất cả trèo lên mái nhà rỡ mái xuống (xem như đang sửa nhà). Thấy cảnh nhà cửa ngổn ngang, mái nà bị rỡ tung, chúng tin là nhà đang sửa nên có đông thợ đến làm liền rút lui. Thế nhưng, thật trớ trêu ông chủ nhà sau này bị đấu tố trong cải cách ruộng đất, bị bức cung ông phẫn uất quá cho gọi tất cả các con cái về nhà, dồn vào một buồng rồi tưới xăng để tự thiêu. Chị con gái đã có chồng, có con, quỳ lậy cha xin tha chết để còn sống nuôi con. Nghĩ thương cháu, người ông tha cho con gái sau đó châm lửa thiêu cả nhà. Khi mọi người biết chuyện chạy đến thì những đứa trẻ đã chết đen thui còn xác người vợ trương phồng lên như con bò! Cuộc cách mạng cải cách ruộng đất (CCRĐ) “long trời lở đất” ở miền Bắc lúc đó đã xử bắn hàng chục ngàn người, đa phần là những người có công với kháng chiến, những phần tử ưu tú nhất ở nông thôn Việt Nam.

Nói về CCRĐ thì nhiều tác phẩm văn học như “Ba người khác” của Tô Hoài; “Bến không chồng” của Dương Hướng; “Thời của thánh thần” của Hoàng Minh Tường; hồi ký “Hồi ký một thằng hèn” của nhạc sỹ Tô Hải đã miêu tả khá sinh động, chân thực. Nhưng những truyện về “cải tạo tư sản” ở những thành phố miền Bắc lúc đó ít được viết đến vì nhiều lý do. Là một người sinh ra và lớn lên ở thành thị (Hà Nội), tuy lúc đó chỉ là đứa trẻ 15, 16 tuổi nhưng tôi đã được chứng kiến tận mắt cái bi kịch “cải tạo tư sản”. Tuy nó không ghê rợn, âm u như thời trung cổ, như CCRĐ. Mặc dù diễn ra sau CCRĐ và rút được kinh nghiệm phần nào nhưng không thiếu những cảnh cười ra nước mắt, kệnh cỡm, lố bịch, đểu cáng… chưa từng có trong đời sống của thị dân Việt Nam. Hai gia đình cả bên nội lẫn bên ngọai của tôi đều có những ông chủ bị cải tạo nên tôi biết rất rõ. Giá tôi có được cái tài như nhà văn Dương Hướng thì chắc chắn độc giả đã có được cuốn tiểu thuyết hay như “Bến không chồng” về cảnh sắc ở thị thành thời cải tạo tư sản. Tô đã đọc “Bến không chồng” nhiều lần và vô cùng khâm phục tài năng cũng như vốn sống của tác giả về xã hội nông thôn miền Bắc. Nước Pháp đã dịch tiểu thuyết của ông sang tiếng Pháp. Người ta đã chọn một người Pháp giỏi tiếng Việt và một người Việt giỏi tiếng Pháp để cộng tác dịch tác phẩm này. Vì không có tài viết tiểu thuyết, tôi xin kể ra đây các sự việc về cái gọi là cải tạo tư sản thời đó, hy vọng để lại ít nhiều tư liệu cho đời sau.

Ông anh ruột của mẹ tôi mà tôi vẫn quen gọi là bác Hai Súy (người thứ hai trong dòng họ) tên thật là Nguyễn Vĩnh Phương. Ông làm nghề thầu khoán. Tôi không rõ ông học đến trình độ gì nhưng tôi thấy ông vẽ được các bản vẽ cho các công trình xây dựng, nay gọi là bản thiết kế. Tôi chắc là ông có tay nghề cao, nên sau này người ta xây dựng sân bóng đá lớn ở Hà Nội là sân Hàng Đẫy, và sửa chữa nhà hát lớn Hà Nội ông cũng được mời tham dự. Có nghề thiết kế trong tay, ông lại nhận thầu khoán các công trình nên là người có của. Ngoài căn nhà ở số 77 phố Hàng Buồm, nơi ông đặt văn phòng làm việc, ông còn có 2, 3 căn nhà khác nữa. Trong đó tôi nghe nói, có đến 9, 10 phòng sang trọng, mỗi phòng một kiểu đá hoa (trong Nam kêu là đá bông). Khi cải tạo tư sản, những nhà này ông đã “tự nguyện” làm đơn hiến cho nhà nước quản lý vì theo quy định về tiêu chuẩn sử dụng nhà ở lúc bấy giờ, mỗi gia đình chị được sử dụng tối đa 120 m2. Bà vợ ông mà tôi thường gọi là bà Hai Súy là một phụ nữ hiếm có. Bà buôn bán rất đảm đang và là một người nhân hậu được cả cộng đồng buôn bán ở Hà Nội lúc đó tôn vinh, ca ngợi. Bà bác của tôi kinh doanh về mặt hàng bánh kẹo, đặc biệt là bánh trung thu. Hãng bánh trung thu Vĩnh Phương của bà nổi tiếng ở Hà Nội một thời. Từ đầu năm bà đã thu mua các nguyên liệu, tích trữ các mặt hàng cần thiết cho việc sản xuất một lượng bánh kẹo lớn để bán vào dịp trung thu. Từ rằm tháng 7 Ta, căn nhà 77 Hàng Buồm dài hun hút nối với một căn nhà khác ăn ra mặt tiền phố Hàng Giấy thực sự trở thành một xưởng bánh kẹo có hàng chục công nhân làm việc ngày đêm. Thời đó chưa có dây chuyền sản xuất bánh trung thu theo kiểu công nghiệp như ngày nay. Tất cả phải đóng vào khuôn gỗ, vì thế tiếng gõ từ khuôn gỗ xuống mặt bàn để gỡ bánh nướng bánh dẻo ra thỏi khuôn của mấy chục tay thợ vang dậy cả khu nhà. Sau dịp bánh trung thu, bác tôi lại tích trữ nguyên liệu để sản xuất mứt kẹo cho Tết Nguyên đán. Để làm mứt sen ngày tết, bác tôi phả tích trữ hàng tấn sen hạt phơi khô chất trong kho. Các hạt sen này khô cứng như đá. Đến khi làm mứt phải cho vào chảo lớn ninh. Nước đầu phải đổ đi vì nhiều tạp chất. Nhưng từ nước thứ hai trở đi thì mùi thơm của sen bốc lên ngào ngạt. Những chảo nước sen sánh đặc này vẫn phải đổ đi, rất tiếc. Nhiều người đến xin nước sen đặc này về uống. Nhưng ai uống nhiều thì ngủ li bì như chết. Tôi đã có lần uống liền hai cốc nước sen pha đường, ngon ngọt vô cùng nhưng sau đó thì ngủ đến không mở mắt ra được. Phải ninh đến nước thứ ba thì sen mới nở bung ra, làm mứt mới ngon.

Một năm bác tôi chỉ tập trung vào hai dịp Tết đó để sản xuất bánh kẹo nhưng công việc chuẩn bị, tích trữ nguyên liệu thì phải làm quanh năm. Có thời gian bác tôi còn đi cả Hồng Kông để nhập đồ sứ cao cấp về Hà Nội bán. Bác tôi còn mua cả cây đàn piano loại đắt tiền từ Hồng Kông về cho các con. Cây đàn ấy hiện vẫn còn giữ được ở căn nhà phố Hàng Buồm. Bác tôi, một người phụ nữ đảm đang, tài giỏi như thế nhưng dưới chế độ cộng sản thì họ gọi là “con buôn”. Và, cái xưởng bánh kẹo của bà là đối tượng của cái gọi là “công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh”. Xưởng phải vào hợp tác xã và chỉ sau thời gian ngắn là tan rã. Thợ thuyền đều thất nghiệp để “mặt nám đen mắt nhìn ngơ ngác’ như nhà văn Nguyễn Khải đã miêu tả về giai đoạn này!

Trước khi tiến hành cải tạo công thương nghiệp… một số nhà tư sản ở miền Bắc lúc đó được lùa vào cái gọi là “hội công thương”, một số đại biểu của hội này được đi tham quan học tập ở Thượng Hải bên Trung Quốc về cải tạo XHCN với tư sản. Một trong những người được đi Thượng Hải dịp này mà tôi được biết là ông Quỳnh Phong, một nhà tư sản đi kháng chiến có quen biết với gia đình tôi khi ở Phú Thọ. Ông đã mở cả xưởng làm ngòi bút, làm khuy áo bằng vỏ trai, vỏ hến… để kháng chiến “toàn quốc”, “toàn diện” như khẩu hiệu của cụ Hồ lúc đó. Cơ sở sản xuất của ông sau này ở Hà Nội cũng bị cướp sạch (!)

Điều tôi muốn nói nhất ở đây về cải tạo tư sản là nó đồng thời phá hoại kinh tế, vật chất của xã hội. Nguy hại hơn là nó còn phá vỡ cả khối đoàn kết dân tộc. Người ta đã reo rắc vào xã hội, vào đầu óc người dân sự thù ghét người giàu. Họ xem sự giàu có là một tội ác, do đó tìm mọi cách moi móc vu khống cho những người giàu có. Nhìn những người giàu là chỉ do bóc lột mà có. Những gì mà tôi biết được về sự “cải tạo” nhà ông bác tôi ở Hàng Buồm thật chua chát, khôi hài. Người ta đã “bồi dưỡng tư tưởng” cho những công nhân làm thuê cho bác tôi để họ “tố khổ” ông bà chủ. Nhưng có câu chuyện nực cười thế này, trước cửa nhà bác tôi cho vợ chồng ông ba Tàu đứng nhờ để bán mỳ vằn thắn sinh nhai đã nhiều năm. Khi được đội cải tạo “bồi dưỡng” để bắt ông phải tố ông bà chủ nhà đã “bóc lột” vợ chồng ông như thế nào… Cũng may cho bác tôi là vợ chồng người Tàu này rất thật thà và có nhân cách. Ông ta thưa với đội cải tạo là ông bà Vĩnh Phương (tức bác tôi) cho đứng bán quanh năm mà không lấy một đồng xu nào. Thậm chí, Tết đem đôi gà sống thiến đến biếu thì ông bà Vĩnh Phương bảo phải đem về, nếu cứ để đôi gà lại thì năm sau không cho đứng nhờ bán hàng nữa! Thế là đội nghe vậy đành chịu. Còn nữa, trong gia đình bác tôi có một người con nuôi tên là M. Câu chuyện của anh rất bi thảm. Nạn đói năm 1945 ấy, mẹ anh đã chết từ lâu nhưng đứa con (chính là anh M này) vẫn bò lên xác mẹ để bú. Nhìn thấy thương tình quá, bác tôi bế vào nhà cho uống sữa và nuôi M từ đó. Sau này đội cũng “bồi dưỡng” M và yêu cầu anh tố khổ cha mẹ nuôi nhưng anh nhất mực ca ngợi cha mẹ nuôi của mình. Thấy vậy đội không chịu và quyết truy hỏi với những gợi ý: Vì sao những người con đẻ thì được ăn học tử tế, còn anh thì phá ngang không theo học đến đầu đến đũa? Anh M đã trả lời dứt khoát do tôi tối dạ, học không vào nên xin với bố mẹ cho nghỉ học để đi học việc chứ không phải các cụ bắt tôi phải nghỉ học. Anh còn tuyên bố: Bố mẹ nuôi tôi đã cứu tôi từ cõi chết trở về, cho tôi được làm người, tôi không thể nào phản bội được. Nếu không có bố mẹ nuôi tôi cưu mang thì tôi đã chết từ lúc vừa biết bò! Thế là một lần nữa đội đành bó tay! Còn rất nhiều chuyện khôi hài pha nước mắt mà nếu kể ra thì nó phải dầy như cuốn tiểu thuyết nhiều tập mà sức và tài của tôi thì xin chỉ dừng lại ở đây.

Có lẽ cũng do dân trí ở thành thị cao hơn ở nông thôn nên những cuộc đấu tố tư sản không đến nỗi bất nhân, xảo trá, vu khống trắng trợn như ở nông thôn trong CCRĐ. Anh M mà tôi kể, sau này được kết nạp Đảng và làm tới chức giám đốc một nông trường cao su ở Nam Bộ sau 1975. Anh thật xứng đáng là một đảng viên và trường hợp kết nạp này thì Đảng thật là sáng suốt.

Bên họ nội của tôi cũng có một ông bác họ ở Hải Phòng bị cải tạo, đó là ông Lê Đức Ngữ. Bác Ngữ của tôi có một hiệu chụp ảnh khá nổi tiếng ở thành phố cảng ở đường Hoàng Văn Thụ, một đường phố lớn. Tiệm chụp ảnh của ông chỉ thuê vài thợ giúp việc và cũng bị cải tạo. Nhà ông họ chiếm làm một cửa hàng cho Sở văn hóa-thông tin. Căn nhà mặt tiền rộng 6 thước này bị ngăn ra 2 mét làm đường đi vô lối sau cho chủ nhà còn 4 mét mặt tiền xây thành cửa hàng thuộc nhà nước quản lý. Cho đến bây giờ, tôi ra Bắc đến thăm người anh họ vẫn thấy ông phải ở trên lầu còn căn nhà bên dưới vẫn bị chiếm. Nhiều người góp ý với anh nên đòi lại phần nhà bị chiếm dụng vô lý vì cũng đã có nhiều trường hợp tương tự đã được trả nhà cho chủ nhân nhưng anh tôi rất ngại phải tốn tiền chạy chọt (thì mới được việc) nên đến giờ ông vẫn phải ở trên gác, ra vào qua cái ngõ tối om… Nhưng, điều đáng nói hơn là thế hệ con cháu những người bị cải tạo, bị quy là tư sản là tiểu chủ thì luôn kè kè bên mình cái lý lịch xấu và vì thế cứ khổ sở suốt đời. Người con trai cả của bác tôi, vì nhà có xe hơi nên biết lái xe. Đến khi bị cải tạo, anh được nhận vô lái xe tuyến Hải Phòng-Đồ Sơn. Cho đến bây giờ, cháu nội của ông cũng được “ưu tiên” nhận vào lái xe cho xí nghiệp. Vậy là nhà ông ba đời lái xe cho dù con cháu sau này có học hành giỏi giang đến đâu cũng không thể vô các trường trung cấp, đại học của chế độ chỉ vì cái lý lịch tư sản đó!

Đó là truyện của các ông bà buôn bán lớn, được gọi là tiểu chủ, tư sản thời đó. Còn đối với người buôn bán nhỏ, được gọi là tầng lớp tiểu thương như mẹ tôi cũng bị bạc đãi không kém. Trước 1945 mẹ tôi có một cửa hàng bán thực phẩm khô, lúc đó quen gọi theo tiếng Pháp là magasin d’alimentation như đường sữa, phomai, bơ, bánh kẹo, rượu, hồ tiêu, gạo tám thơm… Bọn Tây đầm ở khu Đồn Thủy bờ sông thường qua lại mua hàng của mẹ tôi. Mẹ tôi không biết nói tiếng Tây, nên ông bố tôi ngồi sau màn gió phiên dịch cho bà. Ông bố tôi nó tiếng Tây giọng Việt nên bọn Tây đầm kháo nhau là con mẹ Việt Nam này có chồng là Tây đảo Corse nên kéo nhau đến mua rất đông. Nhưng chủ yếu là mẹ tôi cân đúng và cân đủ. Sau này, những lúc nhàn rỗi, mẹ tôi thường kể rằng các me đầm khi mua hàng về nhà nó đều cân lại. Vì thế khi cân 1kg đường, cân chỉ đúng số lượng rồi nhưng mẹ tôi vẫn cho thêm một thìa nữa nên khi về nhà, con đầm cân lại nó thấy tươi nên kéo nhau đến mua ngày càng đông. Vì thế cửa hiệu của mẹ tôi ở số 3B Hàm Long nhỏ nên có lúc Tây đầm đến mua đông quá phải xếp hàng. Trong khi đó, cửa hiệu của tay người Hoa ở số 1 ngay đầu phố, kế sát nhà tôi lại vắng khách. Người chủ Hoa kiều nghi là mẹ tôi bán phá giá, cho người đi rình, nhưng không phát hiện ra điều gì. Khi Nhật vào Đông Dương, bọn Tây rã đám, hoảng hốt, chúng đem cả lựu đạn và súng đến bán cho mẹ tôi. Theo yêu cầu của chú tôi, tức tướng Lê Hữu Qua sau này, lúc đó hoạt động bí mật, mẹ tôi cũng mua tất. Những thứ đó được giấu kỹ, rồi các ông Việt Minh đến đem những ống tre to, bửa đôi ra, dấu lựu đạn và súng lục vào đórồi buộc lại giả làm củi, trở đi từ cửa sau nhà tôi ra phố Lê Văn Hưu. Kế sát nhà tôi là nhà số 5, tiếp đó là 5A, 5B… và nhà số 5D chính là nhà lưu niệm của Đảng cộng sản bây giờ. Sở dĩ căn nhà số 5D phố Hàm Long này được chọn làm nơi họp kín của chi bộ ĐCS vì nó có cửa sau ăn thông với ngõ Lê Văn Hưu, nơi tập trung nhiều dân lao động nghèo. Nếu có động, họ sẽ rút lui ra phía sau chạy trà trộn vào khu lao động này.

Bọn Tây khi đến mua hàng của mẹ tôi chúng đều nói tiếng Pháp. Nhưng khi Nhật qua, chúng hoảng hốt nên nhiều khi xổ ra tiếng Việt. Có lần nó chỉ tay lên giá hàng bảo mẹ tôi bán cho cái lọ kia. Mẹ tôi cầm nhầm một cái chai cạnh đó. Nó hét lên: cái lọ bé hơn cái chai, mày hiểu chưa! Thì ra những thằng thực dân này, khi sang Việt Nam làm công việc cai trị chúng đều học tiếng Việt rất bài bản. Nhưng tuyệt đối không nói, chỉ nghe mà thôi. Khi vội vàng nó mới xổ tiếng Việt ra. Mẹ tôi còn cho biết trước khi mãn hạn về Pháp, Tây đầm thường đến cửa hàng của bà mua một vài kg gạo tám thơm và ít hồ tiêu về nước.

Khi xẩy ra toàn quốc kháng chiến, mẹ tôi đã bỏ cả gian hàng đầy ắp hàng hóa đó để đi theo ông nội, bà nội tôi tản cư lên Chí Chủ, Phú Thọ kháng chiến. Đến 1950, vì mang bầu đứa em gái tôi nên mẹ tôi mới hồi cư về Hà Nội tiếp tục buôn bán. Khi cải tạo tư sản sau 1954, mẹ tôi đang làm chủ cái cửa hàng nhỏ buôn bán tại gia, thì chú tôi bảo: Chế độ mới của ta không có buôn bán, nên chị chuyển hướng làm ăn đi. Thế là phải bán căn nhà phố Hàm Long. Đầu năm 1958 cả gia đình tôi dọn về làng Hoàng Mai, thuộc huyện Thanh Trì. Căn nhà mới mua này có gần 2000 m2 đất, có ao hồ để trồng rau, nuôi cá. Từ một người buôn bán,mẹ tôi trở thành người nông dân bất đắc dĩ.

Bà Nguyễn Thị Phương, mẹ của tác giả – nguồn ảnh: tác giả

Quen buôn bán ở thành phố, khi về nông thôn sống mẹ tôi đã phải lao động rất vất vả khi tuổi đã lớn. Thời kỳ đó buôn bán bị triệt tiêu trên khắp miền Bắc từ thành thị đến nông thôn. Bây giờ ngồi nghĩ lại mới thấy chế độ cộng sản thật điên rồ. Một quái thai của loài người. Thứ chế độ đưa xã hội đã phát triển có sự phân công lao động, có buôn bán giao thông văn minh trở về thời kỳ ăn lông ở lỗ… Tôi có bà thím, vợ người chú thứ ba, quê ở Chí Chủ, Phú Thọ nơi đại gia đình tôi đi tản cư kháng chiến như đã kể trên đây. Bà là người đảm đang, thuộc nhiều ca dao tục ngữ, có khí phách kiên cường. Bà giỏi buôn bán hai mặt hàng là chè và sơn. Phú Thọ là đất “rừng cọ đồi chè” và rừng sơn, một lọa cây cho nhựa để làm sơn như cây cao su. Trong kháng chiến bà vẫn ngược xuôi buôn bán nuôi cả gia đình đông con để ông chú tôi đi kháng chiến. Khi hòa bình lập lại 1954, bà theo chồng về Hà Nội. Bà tự tay thuê mướn, chặt đốn và đóng cả một bè tre nứa, gỗ, rồi cưỡi bè xuôi sông Hồng về đến bãi Phúc Xá Hà Nội là quê chồng để dựng nhà. Nếu được tiếp tục tự do buôn bán sau khi đất nước có hòa bình thì người phụ nữ có chí, có gan như bà thì giàu có biết chừng nào. Nhưng cộng sản đã triệt hạ buôn bán, chồng bà lại là cán bộ cao cấp ngành công an nên bà đành phải ở nhà túc thủ. Chú tôi xin cho vợ vào làm tạp vụ trong cơ quan Bộ Công An. Được ít bữa bà thấy phát ngán cái thứ cán bộ, công nhân viên hàng ngày thì lãn công nhưng đến cuối năm thì lại tranh nhau “lao động tiên tiến”. Bà bỏ cơ quan, về nhà bên bãi Phúc Xá trồng cây, nuôi lợn. Hàng ngày bà phải đi qua cầu Long Biên gánh nước gạo về nuôi lợn. Đi về hàng chục cây số rất nặng nhọc. Thấy vợ một ông cán bộ cao cấp mà phải lao động quá vất vả như thế (vì làm tự do không được cấp sổ mua gạo) ai cũng ái ngại cho bà. Nhưng bà tuyên bố: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”! Đó là cụm từ lần đầu tiên tôi nghe được trên cõi đời này từ mồm bà thím đáng kính của tôi từ ngày mới giải phóng thủ đô. Sau này đài báo ca tụng ầm ĩ khi nó được cụ Hồ nói vào những năm chống Mỹ sau này. Bà thím tôi thường than với các con: Vì bố anh là cán bộ nên tôi mới phải bó tay thế này… Bà thường phê phán, nhà nước có phải là con bò sữa đâu mà ai cũng xúm vào vắt. Bà đã nhìn thấy sự phá sản của kinh tế bao cấp. Người em dâu của bà là công nhân nhà máy giấy có từ trong kháng chiến ở Ao Châu, Phú Thọ, có chồng là sỹ quan quân đội sắm cho chiếc đài bán dẫn Nhật Bản. Thời ấy làm công nhân mà đã có chiếc đài bán dẫn là giá trị lắm, là sang lắm. Về quê chơi, bà thấy cô em dâu ở tập thể nên mắng cho một chập. Bà khuyên bán cái đài đi mà mua đất làm nhà riêng mà ở, không ai có thể ở tập thể cả đời! Cách đây chừng 2 năm tôi có về Phú Thọ chơi, lên thăm bà Giang (tên bà em dâu của thím tôi), thấy nhà bà xây cất trên một quả đồi rất nên thơ. Bà Giang nói với vợ chồng tôi: Nhờ bà Ba (thím tôi) nhìn xa trông rộng, bảo bán cái đài bán dẫn ngày ấy đi nên tôi mới mua được quả đồi này, làm được cái nhà này, ăn nên làm ra… Nếu không thì bây giờ vẫn chui rúc trong một gian nhà tập thể. Tôi đi vòng ra sau nhà, thấy vườn rau, dàn mướp, vườn xoan, đàn gà ríu rít… mà thầm khen thím Ba của tôi đúng là “nhìn xa trông rộng”. Chưa hết, bà Ba còn có đứa cháu ruột gọi bằng cô, là cán bộ của Bộ Giáo Dục. Năm đó, ông được mua phân phối một chiếc xe đạp Phượng Hoàng của Trung Quốc. Ở miền Bắc trước 1975 mà ai được mua phân phối xe đạp là may mắn như trúng số độc đắc. Bà Ba bảo ông cháu: Nhà anh một lũ con gái, anh không có một tấc đất thì sau này chó nó lấy con anh à. Bà bắt ông cháu phải bán xe đạp đi để mua đất. Hồi ấy, đất rẻ như bèo, xin không có nơi người ta cũng cho vì ai cũng nghĩ sau này lên CNXH thì ai ai cũng ở nhà nhà nước cấp dại gì mà mua đất làm nhà. Nhưng người cháu vẫn nghe cô mình khuyên. Bán chiếc xe đạp đi, ông cháu mua được cả khu đất rộng bên Gia Lâm. Bây giờ, thời kinh tế thị trường, đất đắt như vàng. Các con ông đều có chồng và được chia mỗi đứa một mảnh để làm nhà. Ông nói với mọi người là nhớ ơn bà Ba muôn đời! Ngày trước, mỗi lần thím Ba tôi về quê, thấy đất cát bỏ không nhưng nếu ai khai khẩn thì bị kết tội là tư hữu, bị cấm đoán có khi còn mang họa vào thân. Thấy cảnh quê hương Phú Thọ của mình như thế, bà tuyên bố: Cái nước này rồi sẽ lụi bại! Mà lụi bại thật. Giả sử, nếu Liên Xô không sụp đổ, Việt Nam không đổi mới thì bây giờ chúng ta sẽ như bắc Triều Tiên, chết đói như rạ. Khi bà thím tôi tuyên bố như thế, nhiều người thời đó không đồng tình. Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi thật khâm phục một người nông dân ít học như thím tôi, nhưng do độc lập suy nghĩ, không cần kẻ khác “bao cấp” tư tưởng cho mình nên bà sáng suốt và nhìn xa trông rộng hơn cái Đảng cộng sản mà ông chồng bà cả đời trung thành phục vụ. Nói cho thật công bằng, thời đó các vị “nhân văn giai phẩm” cũng đã nhìn thấy, nhưng chỉ vì họ là nhà văn, là họa sỹ… họ công bố tư tưởng của mình, công bố tác phẩm của mình… nên mang họa vào thân. Bà thím tôi chỉ xuất bản tư tưởng của mình bằng lời nói nên không sao. Thật may cho bà.

Bà Ba, tên thật Trần Thị Nghi, quê Chí Chủ, Phú Thụ – ảnh nguồn: tác giả

Tôi muốn mở ngoặc ở đây, kể về một bức biếm họa mà tôi xem được ở một tờ báo của nhóm “nhân văn” thời đó. Bức tranh vẽ một người ngồi ở vỉa hè, anh ta đang lấy cái rìu đẽo chân của mình… máu me chảy ra lênh láng. Thấy vậy có người hỏi: Sao lại đẽo chân đi thế? Anh ta liền chỉ vào đôi giầy để bên cạnh và nói: Chân tôi phải đi giầy số 41 mà mậu dịch chỉ bán giày đồng loạt số 39… nên tôi phải đẽo chân nhỏ đi cho vừa giày!

Người dân đã nhìn ra sự phá sản của kinh tế quốc doanh từ hồi đó, vậy mà đến bây giờ, khi tôi viết những dòng chữ này thì nghị quyết mới nhất của Đảng vẫn tiếp tục khẳng định “kinh tế quốc doanh là chủ đạo”. Vì thế mới có những Vinashine, Vinalines… Cái đại họa này không biết sẽ còn kéo dài đến bao giờ???

Cuộc CCRĐ, cải tạo tư sản ở miền Bắc đã triệt tiêu những người lao động có năng lực nhất ở cả nông thân lẫn thành thị. Những người có tay nghề cao, có kinh nghiệm quản lý, biết tổ chức sản xuất và kinh doanh. Gia sản của họ bị trưng thu, trưng mua, tịch thu kiểu ăn cướp còn bản thân họ thì bị bắn chết trong CCRĐ, bị bạc đãi ở thành thị. Xã hội ngày ấy bị kéo lùi lại thời trung cổ! Có nhà thơ của nhóm nhân văn đã khái quát:

“Tôi đi không thấy phố thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ”

Vậy mà sau chiến thắng 1975, miền Nam lại bị cải tạo tư sản. Một ông chủ xe đò (xe chở khách) ở Mỹ Tho nói với tôi: Khi các ông Việt cộng đến nhà tịch thu mấy cái xe đò của tôi để đưa vô công tư hợp doanh… thì tôi đã biết là các ông ấy sẽ thất bại rồi. Tôi hỏi ông chủ nọ: Vì sao bác biết trước là sẽ thất bại? Ông trả lời: Họ chỉ lấy đi cái xe, còn phụ tùng, đồ sửa xe tôi để dưới gầm giường thì không ai lấy đi cả. Tôi biết ngay là những ông này chưa bao giờ sử dụng xe ô tô cả. Y như rằng, sau này xe nát, kinh doanh thua lỗ, phá sản… Sau ngày đổi mới, xe lại về tay tôi. Tôi lại là chủ xe như bây giờ…

Những người cầm súng giành chiến thắng trong đấu tranh bạo lực sau đó được làm chủ, được chỉ huy nhưng không có nghề ngỗng gì thì làm nát bét kinh tế đất nước như đã thấy. Muốn thành một ông chủ thì ít nhất phải trải qua kinh nghiệm, có mấy đời cha ông làm nghề đó chưa kể phải tích lũy tiền bạc, kinh nghiệm quản lý, trau dồi tay nghề… rồi truyền lại cho con cháu. Thế mà, đùng một cái cải tạo, gia sản giao cho mấy anh chân đất mắt toét vừa ở rừng ra quản lý và chỉ huy thì sự thể ra là như thế. Bi kịch của cuộc cách mạng vô sản, cách mạng công nông là như thế.

Nước Pháp trong cách mạng 1789, giai cấp tư sản đã lớn mạnh. Họ chỉ dựa vào số đông nông dân để quật ngã giai cấp phong kiến quý tộc và tăng lữ, sau đó họ nắm lấy chính quyền và xây dựng xã hội từ phong kiến lên tư bản theo một phương thức sản xuất mới, một trình độ phát triển mới nên mới có xã hội dân chủ văn minh như ngày nay.

Tôi nhớ ngày giải phóng miền Nam, sau này ông Võ Văn Kiệt đề nghị gọi là ngày “thống nhất đất nước”. Nhiều chuyện khôi hài xảy ra ở những đầu tiếp quản. Có anh bộ đội miền Bắc, chưa một lần được được biết thành phố, anh ta theo đoàn quân chiến thắng vào thẳng Sài Gòn. Vô nhà vệ sinh anh nhìn thấy cái bồn cầu bằng sứ trắng lốp, lại có nước ở bên dưới bèn ra chợ mua cá lóc thả vào. Một lát không thấy cá đâu, anh kêu ầm lên là có ai lấy cắp cá của anh… anh không hề biết đó là cái hố xí vì xưa nay anh sống ở nông thôn miền Bắc, chưa thấy nó bao giờ. Một anh nông dân “chất phác” như thế mà giao cho làm cán bộ chỉ huy ở thành phố sau này thì bi kịch sẽ tiếp nối hài kịch là đương nhiên!

– – – – –

MỤC LỤC:

Lời nói đầu

Ch 1.  Hà nội, nơi tôi sinh ra

Ch 2.  Đi tản cư lên Chí Chủ, Phú Thọ

Ch 3.  Hai lần “thi trượt” nhưng số phận vẫn mỉm cười với tôi

Ch 4.  Đời sinh viên

Ch 5.  Những chuyện kể của tướng Qua

Ch 6.  Chín năm dạy học ở thôn quê

Ch 7.  Ba mươi tám năm làm báo “lề phải” và “lề trái”

Ch 8.  Người cùng thời:

Ch 9.  “Chấm phá” chân dung những nhà dân chủ:

Ch 10.  Cuộc biểu tình ngày 9/12/2012

Thay lời kết

 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây