Quốc hội cần làm rõ ai là người đứng đầu

Ngô Huy Cương

11-8-2021

Lẽ thường, văn bản có tính chất pháp lý đòi hỏi phải chắc chắn, chính xác và đúng đắn.

Thấy gì về kỳ họp Quốc hội đầu tiên khóa 15

Ngô Huy Cương

28-7-2021

Có hai loại Đại biểu Quốc hội: “đọc” và “nói”.

1. Loại ĐBQH nói rất hiếm gặp trong kỳ họp Quốc hội lần này, có thể đếm trên đầu ngón tay. Họ không cắm mặt vào tờ giấy viết sẵn để đọc.

Chúng tôi phỏng vấn cử tri về gian lận bầu cử. Đây là những gì họ nói

Luật Khoa

27-7-2021

Phiếu không hợp lệ cũng thành hợp lệ.

Hai tháng qua, Luật Khoa đã thu thập được một số tài liệu, lời kể từ các cử tri nhân chứng cùng những người liên quan đến công tác bầu cử tại các đơn vị bầu cử khác nhau ở một số tỉnh, thành, phản ánh vấn đề bầu thay bầu hộ (BTBH) và các vấn đề khác trong quá trình tổ chức bầu cử ở Việt Nam.

Trong chín nhân vật Luật Khoa phỏng vấn, sáu người đã chứng kiến hoặc/ và tham gia bầu thay bầu hộ trong kỳ bầu cử 2021. Trong ba người còn lại, một bị chính cán bộ ở tổ bầu cử khuyến khích BTBH, một thì có người nhà tham gia BTBH và người thứ ba từng BTBH trong đợt bầu cử trước vào năm 2016.

Những người chứng kiến tình trạng BTBH đều có một quan sát chung: một người cầm một xấp thẻ cử tri đưa cho cán bộ ở tổ bầu cử để đổi lại một xấp lá phiếu mà không bị ai quở trách, trừng phạt, hay thậm chí không bị ai thắc mắc, hỏi han.

Hành vi bầu thay bầu hộ vi phạm Điều 69, Luật Bầu cử 2015. [1] Và những quy định này gần như không thay đổi kể từ Luật Bầu cử 1997. [2]

Chúng tôi giấu tên các nhân chứng để bảo đảm an toàn cho họ.

Như chiếc bánh 9 tầng

Sáng 23/5/2021, B. đã dậy sớm xếp hàng đi bầu ở một đơn vị bầu cử ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

“Tôi thấy bác đi trước tôi đưa cả ba thẻ cử tri ra, nhưng [cán bộ bầu cử] không thắc mắc là ‘Bác đi bầu thay bầu hộ à’, mà họ lần lượt phát ba lá phiếu cho mỗi thẻ cử tri, thứ tự lần lượt, xanh đỏ vàng, xanh đỏ vàng… như một cái bánh chín tầng.”

Bàn gạch tên có bốn chỗ, vách ngăn tuy nhiên không có người điều phối dẫn đến cảnh cử tri chen lấn, đứng túm tụm. B. và nhiều cử tri khác gần như không có chỗ ngồi, đứng chỗ nào gạch chỗ đấy, gạch trên lưng nhau, trên tường, dưới đất, trên đùi, v.v. Nhiều người nếu không cố tình thì cũng vô tình để lộ thông tin trên lá phiếu của mình.

“Người thì hỏi ‘Ơ, giờ gạch thế nào?’. Người thì bảo chờ người nhà gạch trước rồi gạch theo. Người ta chỉ muốn nhanh nhanh gạch rồi nhét vào hòm phiếu”, B. kể lại.

S., một cử tri nhân chứng ở một đơn vị bầu khác tại Hà Nội, cho biết khi gia đình nhận thẻ cử tri, các thẻ được dập ghim lại theo hộ gia đình. Đến ngày đi bầu, mẹ của S. cầm nguyên xấp thẻ cử tri này và được ban tổ chức phát lại một xấp phiếu. S. lấy đủ số phiếu của mình từ mẹ và tự gạch, trong khi mẹ S. bầu luôn cho chị gái của S., người ở nhà từ chối đi bầu.

S. nói mẹ cô biết rõ không nên bầu thay bầu hộ, nhưng không nhận thức được hành động này là vi phạm Luật Bầu cử.

Trường hợp của K. ở Quảng Ninh cũng tương tự khi mẹ cô bầu thay cho bố và em trai của cô.

“Bố tôi lấy lý do bị xoang và tránh COVID nên nhờ mẹ tôi đi bầu thay. Em trai tôi thì chưa đi bầu bao giờ nên không hiểu tại sao phải đi bầu. Bố mẹ tôi cũng không bắt nó đi bầu.”

Nhận định từ các cử tri nhân chứng cho thấy nhiều người dân không thấy tầm quan trọng hay ý nghĩa trong việc tham gia bầu cử nên sẵn sàng nhờ người bầu hộ. Những người đi bầu hộ thì lại bầu với tâm lý “làm cho xong”.

Phần lớn những người thực hiện BTBH không nhận thức được hành vi của họ là trái luật. Sự hợp tác từ cán bộ tổ chức bầu cử càng củng cố cho quan điểm này.

Ở một số trường hợp, các cử tri nhân chứng cho biết chính các cán bộ tham gia công tác bầu cử lại là người thực hiện hành vi BTBH.

Một điểm bỏ phiếu tại Hà Nội, ngày 23/05/2021. Ảnh: AP/ Hau Dinh.
Một điểm bỏ phiếu tại Hà Nội, ngày 23/05/2021. Ảnh: AP/ Hau Dinh

Ông tổ trưởng “tốt bụng”

B. ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho Luật Khoa biết đây là lần thứ hai anh tham gia bầu cử. Lần đầu tiên là vào năm 2016, khi đó B. mới bắt đầu quan tâm đến bầu cử, nghe tin đồn về bỏ phiếu hộ nên đặc biệt quan tâm đến tình trạng này.

“Hồi đấy tôi bầu ở khu vực khác, nó còn kinh hơn. Vì khu đấy, rất nhiều người ở thuê ở trọ, họ cứ bảo tổ trưởng tổ dân phố bầu luôn cho. Họ toàn người đi làm, mưu sinh. Họ không quan tâm ông nào đại diện cho mình. Bác tổ trưởng tổ dân phố có tập thẻ cử tri rất dày.”

H. ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy (Hà Nội) thì cho biết những năm trước đó, gia đình đưa thẳng xấp thẻ cử tri cho tổ trưởng tổ dân phố bầu hộ. Năm nay, H. tính chuyển địa điểm bỏ phiếu nhưng bị trễ hạn đăng ký.

“Bác tổ trưởng nói nếu hôm bầu cử tôi không ở Nghĩa Đô thì gửi phiếu lại cho bác ấy, gửi cho gia đình để bầu. Tôi nói ‘Không, thẻ cử tri của cháu là cháu phải giữ, chứ không thể đưa cho người khác, cho gia đình bầu thay được’.”

“Bác ấy cứ bảo là ‘Được, làm thế được’ và còn dặn rằng nếu tôi không đi bầu thì đưa thẻ cử tri cho bác ấy […] Bác ấy nói ‘Đó là thẻ của bác. Thẻ phát ra phải khớp thẻ thu về”, H. thuật lại.

H. từ chối đưa thẻ cử tri của mình. Đến ngày bầu cử, anh bỏ phiếu trắng. Tuy nhiên, H. cũng chính là một trong những cử tri nhân chứng tham gia bầu thay bầu hộ. Anh lấy lý do là vì dịch COVID-19 nên không muốn người thân trong gia đình đi bầu, nhưng nếu không đi bầu thì chắc chắn sẽ bị người của phía tổ dân phố làm phiền, thúc giục bỏ phiếu hoặc yêu cầu trả lại thẻ cử tri cho họ.

“Người nhà ốm? Cứ bầu thay, không sao đâu”

N. ở quận Hoàng Mai, Hà Nội thì rơi vào một tình huống khác. Trước ngày bầu cử, khi đến khu vực bỏ phiếu để nhận thẻ cử tri, N. chia sẻ mẹ bị bệnh tim, cộng với thời tiết nắng nóng cùng nguy cơ nhiễm COVID-19 nên có thể mẹ N. sẽ không đi bỏ phiếu.

“Ừ, nếu mẹ bị bệnh tim và thời tiết nắng nóng thì có thể đi bỏ phiếu hộ mẹ cũng được”, người cán bộ phản hồi, theo lời kể của N.

“Việc này là trái quy định pháp luật,” N. nói.

“Ui giời, chuyện thường ấy mà, có ai để ý đâu”, người cán bộ kia đáp lại.

Đến ngày bầu cử, N. vẫn chở mẹ đến đơn vị bầu cử để tự đi bầu.

N. là một trong ba cử tri nhân chứng không tham gia BTBH cũng như chứng kiến BTBH tại khu vực bầu cử. Lý do là khi đi bầu thì khu vực bầu cử không có ai ngoài anh và mẹ. N. nói nhiều người không quan tâm đến bầu cử cũng như các ứng cử viên.

“Lúc lấy xe, tôi có hỏi anh bảo vệ thì anh ấy nói là ‘Bầu bán cái gì, biết ai mà quan tâm’.”

Người dân đi bầu ở quận Gò Vấp, TP. HCM ngày 23/5/2021. Ảnh: hcmcpv.org.vn.
Người dân đi bầu ở quận Gò Vấp, TP.HCM ngày 23/5/2021. Ảnh: hcmcpv.org.vn

Thiếu thông tin, người trẻ “bầu đại”

L. là một cử tri nhân chứng ở Bình Dương mà chúng tôi phỏng vấn. Đây là lần đầu tiên L. có cơ hội đi bầu nên anh nghiên cứu rất kỹ.

Em thấy những cuộc tiếp xúc cử tri không được tuyên truyền rộng rãi mà chỉ mời những người lớn tuổi trong khu vực đó. Em phải chủ động gọi cho chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố, em dò số trên niên giám, bác ấy mới chỉ qua cấp phường, em mới biết cuộc tiếp xúc diễn ra ngày nào, ở đâu”, L. kể lại.

“Suốt buổi đó cũng không có gì bất ngờ. Các chương trình hành động khá là chung chung, khó mường tượng được họ đóng góp gì. Buổi đó em thấy có một người là chương trình hành động có cái sự chi tiết, còn những người khác nói những câu rất vô thưởng vô phạt, người trẻ cũng nói được.”

Địa điểm bầu cử được tổ chức ngay trong khu ký túc xá nơi L. sinh sống. L. nhận định điểm bầu cử được tổ chức chỉn chu, tuy nhiên, số người tham gia khá ít.

“Các bạn đa số không hiểu lắm về các ứng viên. Họ chỉ bầu đại thôi chứ không bầu thay. Em không thấy ai quan tâm ngoại trừ hai bạn nữ. Em có chia sẻ thông tin để hai bạn đó ra quyết định, chứ nhiều bạn chọn cách không đi bầu luôn vì họ không nắm thông tin.”

Tuy không tham gia hay chứng kiến BTBH ở điểm bầu cử của mình, nhưng L. không xa lạ gì vì đã chứng kiến người thân mình ở tỉnh nhà BTBH.

“Ở nhà thì ba em bầu thay cho mẹ em. Em cũng biết một số người quen ở tỉnh có đi bầu, nhưng họ cũng nói là ‘Bầu cho vui chứ có biết là ai đâu mà lựa chọn’”, L. nói.

Để hiểu hơn về quá trình tổ chức bầu cử trong những năm qua, Luật Khoa liên hệ được với hai nhân chứng đặc biệt: một người từng trực tiếp tham gia quá trình tổ chức bầu cử và một người có người thân là người trong tổ bầu cử.

Định hướng bầu cử

C. là một cử tri nhân chứng đặc biệt. Tuy không tham gia vào cuộc bầu cử 2021 năm nay nhưng cô vừa là cử tri, vừa là người tham gia vào quá trình tổ chức bầu cử và kiểm phiếu trong kỳ bầu cử năm 2016.

“Mình là đoàn viên thanh niên và cháu của bà tổ trưởng tổ dân phố. Nghiễm nhiên mình được gọi đi các buổi tiếp xúc cử tri, các buổi cần sự tham gia của thanh niên. Mình cũng ở trong tổ kiểm phiếu”, C. cho biết.

C. kể lại cô được tham gia một buổi giao lưu gọi là “Cử tri trẻ với bầu cử”, trong đó một đại diện bên Mặt trận Tổ quốc đến chia sẻ với một nhóm thanh niên về các quy trình, quy định về bầu cử.

“Điểm buồn cười nhất là chú ấy khẳng định đây không phải định hướng bầu cử, nhưng sau đó liệt kê ra năm người, rồi bảo ba người này sáng giá rồi hai còn lại thì một là trẻ quá, một là nữ […] Mình cảm nhận được mục tiêu của chú ấy.”

Tình trạng định hướng bầu cử cũng có thể đã xuất hiện qua một hình thức khác. Trong kỳ bầu cử năm 2021, trên Facebook xuất hiện thông tin các học sinh trường THPT Quang Trung, Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ một bài viết có nội dung bất lợi về Lương Thế Huy, một ứng cử viên của quận Hà Đông.

Hình chụp màn hình từ các tin nhắn có một dòng ghi rõ: “Cán bộ lớp triển khai đến lớp chia sẻ nội dung này lên trang cá nhân của từng học sinh sau đó chụp ảnh báo cáo nhà trường.”

Hình chụp các tin nhắn trên Facebook mà Luật Khoa thu thập được.
Hình chụp các tin nhắn trên Facebook mà Luật Khoa thu thập được. Bấm vào hình để phóng to

Nhiều ảnh chụp màn hình được cho là từ nhiều tài khoản của học sinh kèm theo các dòng tin nhắn báo cáo: “Lớp 10d5 hoàn thành ạ” hoặc “10D4 nộp ạ”.

Điều này đặt nghi vấn về việc các học sinh bị gây áp lực phải phát tán một thông điệp chính trị theo yêu cầu của nhà trường.

Định hướng bầu cử không chỉ xảy ra với các cử tri trẻ tuổi. M. ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết ở khu vực bầu cử của anh, mỗi gia đình được phát một tờ A3 gồm danh sách các ứng cử viên.

Mẹ của M. sau đó tham gia cuộc họp ở tổ dân phố và được định hướng gạch tên một số ứng cử viên.

“Mẹ mình gạch vào tờ A3 đó luôn cho đỡ quên khi đi bầu.”

Gia đình M. không BTBH, nhưng có chứng kiến người khác cầm nhiều lá phiếu bỏ vào thùng phiếu.

Mẹ của nhân chứng M. đánh dấu sẵn vào danh sách ứng cử viên. Ảnh: Nhân chứng cung cấp cho Luật Khoa.
Mẹ của nhân chứng M. đánh dấu sẵn vào danh sách ứng cử viên. Ảnh: Nhân chứng cung cấp cho Luật Khoa

Phiếu không hợp lệ thành hợp lệ

Vào ngày bầu cử năm 2016, C. nói cô có chứng kiến nhiều người cầm hơn bốn lá phiếu trong tay (dù chỉ có bốn cấp bầu ở đơn vị bầu cử đó). C. không nán lại lâu vì cô không được giao nhiệm vụ hỗ trợ quá trình bỏ phiếu.

“Đến tầm tối, có một cô ở tổ bảo là ‘Tối nay C. qua hỗ trợ các cô nhé.’ Lúc đó mình mới nhận ra là ‘À thì ra mình trong nhóm đi kiểm phiếu’”.

Quy trình phân loại phiếu, theo C. nhận định, là rất hiệu quả và nhanh chóng. Tổ kiểm phiếu khoảng hơn chục người, chia ra làm hai nhóm. Các lá phiếu ban đầu được phân loại theo màu sắc và sau đó đặt vào các rổ riêng biệt.

Những rổ này được phân loại theo cách lá phiếu được gạch. Ví dụ, phiếu với hai cái tên cuối bị gạch thì vào một rổ, phiếu với ba cái tên cuối bị gạch thì vào một rổ khác, phiếu bị gạch hoàn toàn, hoặc để trắng thì vào rổ phiếu không hợp lệ.

C. là người phụ trách rổ phiếu không hợp lệ này.

Sau đó, một người phụ nữ đóng vai trò như giám sát viên đến để thanh tra tổ bầu cử. Đúng lúc đó, một người phụ nữ khác trong tổ kiểm phiếu của C. bốc một nắm phiếu từ rổ của cô, tự gạch thêm rồi bỏ vào các rổ phiếu hợp lệ. Việc này diễn ra ngay trước mặt giám sát viên kia.

C. liền thắc mắc: “Cái này là phiếu không hợp lệ.” Người phụ nữ trong tổ kiểm phiếu không trả lời, tiếp tục gạch tên

Trong khi ấy, nữ giám sát viên đứng ngay đó và nói với C.: “Không phải chuyện của em”.

“Mình nhớ lúc đó không ai phản đối. Mọi người khá là bận, không ai để ý gì.”

C. cũng cảm nhận thấy có một nhu cầu phải đạt thành tích cao với mục đích để thể hiện sự đồng lòng, thống nhất.

“Tổ nào mà một giờ chiều đã bỏ phiếu xong hết thì sẽ rầm rộ là tổ mình hoàn thành chỉ tiêu. Sự hồ hởi này nó ngộ. Việc đạt chỉ tiêu rất là quan trọng. Bất chấp các lá phiếu có thực sự được bỏ từ cái người đó không hay một người đi bầu hộ hết. Họ có thể không quan tâm chất lượng tờ phiếu lắm, miễn danh sách cử tri từng này thì tôi cần từng này người đi hết. Làm xong sớm thì được về sớm.”

T. là một trường hợp khác không BTBH trong kỳ bầu cử năm 2021, tuy nhiên, anh và gia đình lại BTBH vào năm 2016.

Nhận thức của T. về bầu cử ở Việt Nam cũng tương đối đặc biệt, nhất là sau khi chính bố anh từng tham gia tổ bầu cử ở Thái Nguyên vào kỳ bầu cử năm 2007.

“Bố tôi từng là bí thư ở cơ quan nhà nước, khi đó đã về hưu. Vì từng là bí thư nên thuộc thành phần đáng tin cậy. Bố tôi nói nhận được chỉ đạo miệng từ trên xuống là ‘Không được dưới 95%’ và các tổ bầu cử phải chủ động bằng cách cho thêm phiếu vào”, T. nói.

“Nguyên văn bố tôi nói là ‘Họ phải nhồi thêm phiếu vào cho ông Mạnh”, T. thuật lại. “Mất mấy năm sau đợt bầu cử đó ông ấy mới dám kể lại cho tôi.”

Về những thông tin T. chia sẻ, Luật Khoa chưa có cơ hội kiểm chứng do nhân chứng trực tiếp là bố T. đã qua đời vào năm 2015.

Cảnh kiểm phiếu ở xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 23/5/2021. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.
Cảnh kiểm phiếu ở xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 23/5/2021. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Bầu thay bầu hộ có ở Hà Nội (muộn nhất là) từ năm 1997

Nếu quan sát thông tin trên các kênh truyền thông – báo chí Việt Nam hàng chục năm qua thì các vụ gian lận bầu cử là rất hy hữu. Có lẽ vụ việc một chủ tịch HĐND xã ở Hà Nội bị phát hiện đánh tráo 75 phiếu trong kỳ bầu cử năm 2021 là một trong số ít vụ việc gian lận được phát giác và xử lý công khai. [3]

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng gian lận bầu cử ở Việt Nam, cụ thể là bầu thay, bầu hộ đã diễn ra từ lâu, được một chuyên gia nước ngoài ghi chép lại từ hơn 20 năm trước.

Nhà nghiên cứu người Singapore David Wee Hock Koh đã có cơ hội quan sát cuộc bầu cử ở Hà Nội vào ngày 20/7/1997 và ghi chép tỉ mẩn trong quyển sách “Wards of Hanoi”. [4] Thời điểm đó, Luật Bầu cử 1997 đã quy định về việc “cử tri phải tự mình đi bầu” và không được nhờ người khác bầu thay, bầu hộ (proxy voting).

Tuy nhiên, ông Koh đã tận mắt chứng kiến nhiều người cầm hai đến ba thẻ cử tri tại một địa điểm bầu cử. Sau khi người này bầu xong (cho chính mình và hai ba người khác), quan chức bầu cử cũng thản nhiên đóng dấu cho tất cả thẻ cử tri mà người này cầm.

Trong một trường hợp cá biệt, ông chứng kiến một người phụ nữ cầm trong tay 8 lá phiếu khi đáng lẽ ra bà ta chỉ nên cầm một phiếu vì lúc đó chỉ có một cấp bầu là đại biểu Quốc hội.

“Bà ta đã được một trong những cán bộ tại bàn đăng ký đưa cho 8 lá phiếu mà không bị đặt một câu hỏi nào, mặc dù vị cán bộ này đã kiểm tra tất các thẻ cử tri [bà ta đưa] và đánh dấu vào danh sách cử tri đi bầu.”

Sau khi truy hỏi thêm, ông nhận thấy đây là “một thực tế phổ biến ở tất các phường ở Hà Nội”. Một người bạn Việt Nam từng theo dõi các cuộc bầu cử vào thập niên 1980 còn thừa nhận với ông Koh rằng ông ta chưa từng tự tay bỏ lá phiếu nào và không hề bị cán bộ phường quở trách hay trừng phạt.

Vào cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân năm 2004, nhiều người bạn Việt Nam của ông Koh cũng nói rằng họ sẽ không đi bầu vì “người nhà sẽ bầu thay họ”.

Còn trong đợt bầu cử năm 1997, ông Koh cũng tự nhẩm tính: Nếu 37% tỷ lệ đi bầu của phường này tương đương 6.500 cử tri (dựa trên thông tin của quan chức quận vào thời điểm ông quan sát) thì sẽ là 2.405 cử tri trong 60 phút, tức khoảng 40 cử tri mỗi phút, tức 10 cử tri mỗi phút ở một trong bốn quầy bỏ phiếu. Tốc độ này có nghĩa quá trình bỏ phiếu của một cử tri chỉ tốn đúng 6 giây! Trừ khi phường này cực kỳ năng suất trong việc đôn thúc cử tri đăng ký lấy phiếu, gạch tên và bỏ phiếu thì khó mà có thể loại bỏ khả năng bầu thay bầu hộ.

Tính sơ qua, ông Koh ước lượng cứ 5 cử tri thì 1 người sẽ BTBH. Nếu như vậy, BTBH chiếm khoảng 20% tỷ lệ cử tri tham gia. Do đó, tỷ lệ tham gia đi bầu thực sự của Việt Nam vào năm 1997 chỉ là 79% – khá tương đồng với tỷ lệ thực ở các kỳ bầu cử của Liên Xô cũ, ông Koh nhận định.

Việc cho phép BTBH là một cách để nhanh chóng đạt tỷ lệ đi bầu cao. Nhiều cử tri chọn cách ở nhà khi “họ tin rằng việc tự đi bầu cũng không tạo ra sự khác biệt vì cho rằng đã có sự chọn lọc từ trước và lựa chọn giới hạn giữa các ứng cử viên”.

Đáng chú ý, ông Koh thậm chí đề cập rằng tình trạng bầu thay bầu hộ đã diễn ra từ trước năm 1989. Ông dẫn nguồn một bài báo trên báo Hà Nội Mới vào năm 1989 có tiêu đề “Cuộc bầu cử có đảm bảo dân chủ hay không, quyết định ở bước Hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò chính” về cuộc phỏng vấn với Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Hà Nội Bùi Mạnh Trung.

Tiếp tục với số liệu, vào cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1992, tính đến 12 giờ trưa ngày bầu cử, một loạt tỉnh thành đã đạt tỷ lệ đi bầu cao: 75% ở Hà Nội, 75% ở Hải Phòng, 87% ở Thừa Thiên – Huế, 95% ở Khánh Hòa, v.v.

Với số lượng phiếu lớn như thế và từ cách thức tổ chức tại thời điểm đó, ông Koh nhận định chuyện này là “hoàn toàn không thể trừ khi cử tri di chuyển như cá hộp trong dây chuyền sản xuất”. Dựa trên số liệu từ truyền thông nhà nước, nếu tính toán kỹ thì sẽ thấy cử tri chỉ cần hai giây để bỏ phiếu xong trong giờ bỏ phiếu đầu tiên.

Dân số Việt Nam vào năm 1997 là khoảng 77 triệu người và vào năm 2021 là khoảng 98 triệu người. [5] Nhưng tỷ lệ đi bầu tính tới giữa ngày bầu cử sau 24 năm tiếp tục đạt mức cao mới. Theo báo Quân đội Nhân dân, tính đến trưa 23/05/2021, ngày diễn ra kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Điện Biên đã đạt 85% tỷ lệ bầu, còn Quảng Ninh đạt 84%. [6]

Nếu như quan sát của nhà nghiên cứu David Wee Hock Koh cho một góc nhìn lịch sử về quy trình bầu cử ở Việt Nam từ năm 1997 đến năm 2004, đặc biệt về tình trạng BTBH ở Hà Nội thì lời kể của các cử tri nhân chứng của Luật Khoa tái khẳng định tình trạng BTBH vẫn tiếp diễn một cách có hệ thống và bài bản ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Ảnh chụp màn hình

Giải pháp là cần tuyên truyền nhiều hơn?

Bài báo “Một người đi bỏ phiếu thay cả nhà: Vô trách nhiệm với bản thân, đất nước đăng ngày 20/5/2021 trên VTC gián tiếp thừa nhận tình trạng bầu thay, bầu hộ trên cả nước. [7]

Trong bài báo, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói: “Nếu xảy ra tình trạng này thì chính tổ bầu cử tạo điều kiện cho cử tri làm sai chứ không phải họ tự nhiên làm sai được”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thì cho rằng lý do chính vẫn là ý thức trách nhiệm của người dân, kèm theo bệnh thành tích và nể nang của đơn vị tổ chức.

Ông khẳng định tình trạng này chỉ xảy ra ở vùng sâu vùng xa, còn tại các thành phố lớn như Hà Nội thì việc tổ chức tốt hơn “do có sự giám sát của các cơ quan cấp trên thường xuyên hơn, ý thức của các đồng chí ở các tổ cũng cao hơn”.

Tuy nhiên, phần lớn vụ việc bầu thay bầu hộ mà Luật Khoa thu thập được đều xảy ra trong khu vực nội thành thủ đô Hà Nội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường cũng khẳng định nguyên do là người dân không hiểu đúng quyền và nghĩa vụ của mình.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng thì cho rằng hiện nay pháp luật chưa có chế tài để xử lý BTBH, nên biện pháp xử lý khả quan nhất là đẩy mạnh tuyên truyền đến từng cử tri để nâng cao ý thức.

Ông Túc cũng nói thêm rằng ngoài tuyên truyền, cần có sự đôn đốc, giám sát.

Nhưng liệu việc tuyên truyền cho người dân, giám sát tổ chức đã đủ để ngăn chặn tình trạng bầu thay, bầu hộ? Các vấn đề định hướng trước bầu cử, chỉnh sửa lá phiếu hậu bầu cử do chính người của Mặt trận và các đơn vị bầu cử làm thì xử lý như thế nào?

Nếu thực tế tình trạng bầu thay, bầu hộ, bầu mù và thao túng lá phiếu trước và sau bầu cử đã diễn ra từ nhiều năm nay, vậy bao nhiêu trong số những người đang là đại biểu Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân thực sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân? Đây là câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Luật Khoa đã liên hệ với Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam qua thư điện tử chiều ngày thứ Hai, 19/7/2021 để phỏng vấn nhưng cho đến chiều thứ Ba, 27/7, vẫn chưa nhận được hồi âm, ngoại trừ một thư báo lỗi kỹ thuật từ hộp thư MAILER-DAEMON@smtp.quochoi.vn của Quốc hội đề ngày 24/7, tức năm ngày sau khi chúng tôi gửi email.

_____

Ghi chú:

1. Luật Bầu cử 2015. (n.d.). Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-Bau-cu-dai-bieu-Quoc-hoi-va-dai-bieu-Hoi-dong-nhan-dan-2015-282376.aspx

2. Luật Bầu cử 1997. (n.d.). Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-Bau-cu-Dai-bieu-Quoc-hoi-1997-56-1997-L-CTN-40541.aspx

3. VnExpress. (2021, June 4). Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã lấy 75 phiếu tự bầu cho mình. vnexpress.net. https://vnexpress.net/chu-tich-uy-ban-bau-cu-xa-lay-75-phieu-tu-bau-cho-minh-4288728.html

4. Koh, D. W. H., & Studies, I. S. A. (2006). Wards of Hanoi. Institute of Southeast Asian Studies.

5. A. (2018, July 16). Dân số Việt Nam mới nhất (2021) – cập nhật hằng ngày. DanSo.Org. https://danso.org/viet-nam

6. C. (2021a, May 23). Có địa phương đã đạt tỷ lệ 85 cử tri đi bầu cử. Báo Quân đội Nhân dân. https://www.qdnd.vn/bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-va-dai-bieu-hdnd-cac-cap/tin-tuc/co-dia-phuong-da-dat-ty-le-85-cu-tri-di-bau-cu-660422

7. XUÂN TRƯỜNG – NGUYỄN HUỆ- NGUYỄN VƯƠNG. (2021g, May 20). Một người đi bỏ phiếu thay cả nhà: Vô trách nhiệm với bản thân, đất nước. Báo điện tử VTC News. https://vtc.vn/mot-nguoi-di-bo-phieu-thay-ca-nha-vo-trach-nhiem-voi-ban-than-dat-nuoc-ar613233.html

Một tư tưởng giáo dục quái gở

Đoàn Bảo Châu

26-7-2021

Trong khi xã hội văn minh động viên học đại học bằng cách giảm học phí hay thậm chí miễn phí như ở Đức thì vị giáo sư này lại muốn tăng học phí để tạo rào cản.

Lãnh đạo không nên bốc đồng

Ngô Huy Cương

26-7-2021

Làm tướng chỉ cần một giây phút bốc đồng là có thể nướng cả nghìn quân. Kinh nghiệm chiến tranh ở Việt Nam có lẽ không thiếu.

Tư duy tiểu nông

Võ Đắc Danh

26-7-2021

Năm 1971, khi mẹ tôi đưa tôi về quê ngoại để đi học, một bà hàng xóm nói: “Biết đọc biết viết, biết cộng trừ nhân chia là được rồi, nông dân mình lấy táo đong lúa chớ có ai lấy táo đong chữ đâu”.

Năm 2007, GS Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục phát biểu trong một hội nghị: “Biết rằng tăng học phí sẽ có một tỷ lệ học sinh nghỉ học, nhưng chúng ta phải chấp nhận để tăng học phí”.

Lúc bấy giờ, chị Mai Lan, phóng viên báo SGGP viết một bài thời luận phê phán ý kiến của ông Nhân. Vài ngày sau, ông ấy gởi công văn phản bác, có đoạn viết: “Tôi, GS Nguyễn Thiện Nhân, với tư cách là Phó Thủ tướng chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ giáo dục, tôi không bao giờ phát biểu một câu vô cảm và vô trách nhiệm như thế, đề nghị BBT báo SGGP cung cấp chứng cứ…”. Tổng biên tập lúc bấy giờ là nhà thơ Dương Trọng Dật làm công văn giải trình và cử anh trưởng văn phòng đại diện của báo tại Hà Nội mang băng ghi âm tới nhà riêng mở cho ông Nhân nghe. Sự việc êm xuôi.

Năm 2021, GS-TS Lê Quân, giám đốc đại học quốc gia Hà Nội phát biểu tại diễn đàn quốc hội: “Nên dùng học phí làm hàng rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học…”.

Cũng tại diễn đàn nầy, chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ tự hào nói rằng: “499 ĐBQH khóa XV là kho tàng kiến thức, kinh nghiệm vô giá.”

Xin thưa, cái kiến thức và kinh nghiệm của ông Lê Quân (Gọi là GS-TS đang đứng ở vị trí quan trọng trong ngành giáo dục) thuộc loại tư duy “Lấy táo đong lúa” của giới tiểu nông thời khẩn hoang Miền Nam hơn trăm năm trước, cái tư duy mà mẹ tôi và nhiều nông dân khác đã vứt bỏ cách đây hơn 50 năm khi chèo xuồng tiễn con đi học. Nó chỉ còn sót lại trong số ít người như bà hàng xóm của tôi lúc ấy mà thôi.

Để quốc hội xứng đáng là cái kho tàng kiến thức và kinh nghiệm vô giá như niềm tự hào của ông Vương Đình Huệ, tôi để nghị ông nên miễn nhiễm tư cách đại biểu ông Lê Quân, đồng thời các cơ quan nhà nước nên thu hồi học hàm giáo sư và học vị tiến sĩ, cách chức giám đốc đại học quốc gia của ông ấy, trả ông ấy về kiếp tiểu nông cho cho phù hợp với não trạng của ông.

Thuế học

Thái Hạo

25-7-2021

Bạn gửi cho cái hình kèm phát ngôn của một đại biểu trên diễn đàn quốc hội. Dù “choáng” nhưng mình liền trấn an, “chuyện thường ngày ở QH” thôi mà. Nhưng lại vốn tính tò mò, mình search xem tỉnh nào đã vinh dự có được vị đại biểu QH kỳ khu ấy, giật bắn cả mình: Giám đốc ĐH Quốc Gia Hà Nội, ông Lê Quân, ông này vừa được điều về từ vị trí chủ tịch tỉnh Cà Mau để lãnh đạo một đại học to nhất nước.

Đại biểu Quốc hội cần phát biểu như thế nào và phát biểu những gì?

Ngô Huy Cương

25-7-2021

Mở mắt ra là đã thấy Quốc hội họp tại hội trường rồi, tôi lao vào xem ngay các Đại biểu góp ý gì cho Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội.

Quốc hội là gì?

Ngô Huy Cương

24-7-2021

Quốc hội có thể là một nấc thang để đưa ai đó leo lên cao hơn. Quốc hội cũng có thể là nơi xếp ghế cho ai đó ngồi để hưởng vinh hoa. Quốc hội cũng có thể là nơi để ai đó tạo ra được nhiều mối quan hệ hữu ích cho công việc làm ăn của riêng mình.

Quốc hội của ai chứ không phải của tôi

Nguyễn Thông

17-7-2021

Thấy báo chí nói nhiều về kỳ họp thứ nhất quốc hội khóa mới sắp diễn ra. Ông chủ tịch, ông chủ nhiệm văn phòng, bà trưởng ban công tác… của quốc hội đều đăng đàn tuyên bố, giải thích này nọ, rằng tại sao phải bầu lại, tại sao phải tuyên thệ, chính phủ mới sẽ ra sao, có mấy phó thủ tướng, v.v..

Quốc hội chỉ nên họp ba ngày

Huy Đức

15-7-2021

Thật là phi chính trị khi cả nước đang căng mình chống dịch mà Quốc hội (QH) – với nhiều đại biểu đang là lãnh đạo chủ chốt ở địa phương – lại cứ ngồi trong Hội trường Ba Đình hàng tuần.

Cần có nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội tạm đình chỉ tất cả các dự án tượng đài

Lưu Trọng Văn

29-6-2021

Hầu hết các tượng đài mang tính cổ động chính trị chưa cấp thiết và quá ít tác dụng thực tiễn cùng giá trị nghệ thuật kém cỏi, lạc hậu, gây bất bình lớn trong nhân dân.

Việt Nam: Quốc hội không thể mãi mãi là “Mặt trận Tổ quốc” thứ hai

Trung tâm nghiên cứu Việt – Mỹ

Tô Văn Trường

17-6-2021

Đối với cử tri Việt Nam, quyền hạn của Quốc hội cần phải được nâng lên ngang tầm với nguyên tắc hiến định, đó là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước. Điều đó có nghĩa là hoạt động của Quốc hội phải có thực chất, Quốc hội phải có thực quyền. Muốn vậy, các đại biểu Quốc hội thực sự phải là tinh hoa trí tuệ của Nhân dân, chứ quyết không thể cứ mãi là một “Mặt trận Tổ quốc thứ hai”.

Kết thúc một cuộc bầu cử thật sự ý nghĩa…

Lê Nguyễn Duy Hậu

24-5-2021

Có hai thời điểm mình cảm thấy là chỉ dấu cho rất nhiều hy vọng trong suốt quá trình vận động cho cuộc bầu cử năm 2021 vừa rồi mà mình muốn chia sẻ, đặc biệt là với những cử tri lần đầu đi bầu, hoặc lần đầu thật sự quan tâm đến bầu cử:

Ý nghĩa của một cuộc bầu cử

Lê Nguyễn Duy Hậu

22-5-2021

Các quốc gia hiện đại luôn xem trọng những cuộc bầu cử, vì nó không chỉ là lời khẳng định tính chính danh của chính quyền sẽ điều hành đất nước, mà còn là thời điểm người dân thực hiện quyền làm chủ của mình.

Nô nức đi bầu

Đỗ Hùng

22-5-2021

Năm ngoái bầu cử Mỹ, dân tình cãi nhau, thậm chí cạch mặt nhau kinh khủng. Riêng mình bị một ông nửa đêm nhắn vào inbox chửi “ông vô lương tâm với dân tộc” do mình cả gan phê phán ông Trump phát tán tin vịt.

Tốn bao nhiêu tiền để bầu ra một đại biểu dân cử?

Luật Khoa

Hồng Anh

17-5-2021

Danh sách cử tri được niêm yết tại một khu vực bỏ phiếu thuộc thành phố Hà Nội. Ảnh: baotintuc.vn

Ngày 23/5 tới đây, sẽ có hơn 300 nghìn người được bầu chọn làm đại biểu, từ Quốc hội đến các hội đồng nhân dân cấp xã. Bạn có thể là một trong những người bầu ra các đại biểu này.

“Quân xanh, quân đỏ” làm khó cử tri: Giáo viên cấp 2 tranh cử với ủy viên Bộ Chính trị

Luật Khoa

Hồng Anh

29-4-2021

Quá vênh nhau về địa vị chính trị, vẫn được xếp chung một đơn vị bầu cử.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 16/4/2021, nơi quyết định ai được vào danh sách ứng cử viên chính thức. Ảnh: MTTQ.

Tại tỉnh Hòa Bình, hai giáo viên cấp 2 sẽ tranh cử với Ủy viên Bộ chính trị Trương Thị Mai. Hai ứng viên còn lại là chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh và phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình.

Cứ làm như có giá lắm

Nguyễn Thông

20-4-2021

Nhiều ông to bà nhớn đang ráo riết đi, không phải đi vận động bầu cử, mà là đi quán triệt việc bầu bán. Phải công nhận ngôn ngữ Việt có từ “bầu bán” hay thật.

Tại sao dân Việt Nam lại tàn bạo với đồng loại như vậy?

Dương Quốc Chính

4-4-2021

Mấy hôm nay người ta share rất nhiều bài viết của ông Lê Kiên Thành, một thái tử đảng chính hiệu, con trai cố TBT Lê Duẩn. Bài viết thể hiện tâm tư sâu sắc của ông với hiện tình đất nước nhưng với các câu hỏi để ngỏ hoặc ngầm ý đánh lạc hướng người đọc.

Quốc Hội phải nâng cao tính đại diện và không vì thành tích!

Ngô Huy Cương

4-4-2021

Nói tới Bộ luật Dân sự là nói tới sự hiểu biết về pháp lý của một đất nước theo truyền thống pháp điển hóa luật dân sự.

Màu tóc có liên quan gì tính cách?

Mai Bá Kiếm

31-3-2021

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói ông cảm động vô cùng với Tổng bí thư, Chủ tịch nước có “mái đầu bạc trắng hiên ngang”. Vậy, tôi hỏi lại ông Trí: màu tóc (đen hay trắng) có liên quan gì đến tính cách (hiên ngang hoặc luồn cúi) của một con người?

Nghị sĩ nịnh và chiếc nịt quần Hermes gần 4.000 USD!

Lê Ngọc Sơn

30-3-2021

Tối qua, tôi cứ xem đi xem lại bài phát biểu của đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn ĐBQH Hà Nội đọc hôm qua tại nghị trường, thấy ánh mắt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liếc liếc nhìn xem cảm xúc Tổng Bí thư như nào khi được nịnh. Mới đây anh Trí còn sáng tác cả một ca khúc ngợi ca Tổng Bí thư. Vừa nghe các bài của anh, vừa thấy gai gai người: việc khó thế mà anh ấy cũng làm được. Để chuẩn bị cho việc tái ứng cử mà anh phải chuẩn bị “vất vả” quá đi!

Thái độ xu nịnh và những ĐBQH thực sự của dân

Ngô Huy Cương

29-3-2021

Trước khi “đổi mới”, người Việt Nam được giáo dục để khinh ghét thói xu nịnh.

Tôi còn nhớ người ta hay nói “nó nịnh thốc, nịnh tháo vào mặt sếp”. Câu nói đó coi lời nói nịnh bợ như hành vi nôn ói vào mặt người khác. Và đương nhiên gương mặt của người được nịnh cũng bị bẩn vì có ai bị người khác nôn thốc, nôn tháo vào mặt mà không bị bẩn bao giờ?

Bài phát biểu tâm huyết cuối cùng của Dương Trung Quốc tại Quốc hội

Lưu Trọng Văn

28-3-3021

1. QH vắng bóng Dân

“Năm 1946, Quốc hội khoá 1 được bầu ra lần đầu tiên ở một nước thuộc địa vừa dành được độc lập nhưng đã dành toàn bộ tầng trên cùng của Nhà hát lớn Hà Nội để báo chí và người dân được vào.

Tham nhũng phiếu bầu

Ngô Huy Cương

27-3-2021

1. Vận động tranh cử là bình thường. Nhưng tham nhũng phiếu bầu hay tham nhũng bầu cử là biểu hiện chính trị hay quản trị rất tệ.

Sắp đến bầu bán là mọi việc cứ êm ru. Người mong muốn thu hút phiếu bầu luôn luôn “đi nhẹ, nói khẽ, cười tươi” dù rằng cốt cách của họ có khi còn dữ dội hơn bất kể loài động vật hoang dã nào.

Người bầu cũng có dăm ba loại. Thôi bầu bán gì vì đằng nào cũng thế nên trên thích ai thì mình bỏ phiếu cho người đó là một loại. Đứa nào lên chức mà mình được dễ thở hơn chút là một loại khác. Có loại chuyên đấu đá phe cánh thì phải mua chuộc hơi mắc để có được phiếu của họ. Còn một loại nữa thích thì bỏ, không thích thì thôi. Nhưng nói chung, tiêu chuẩn hài lòng vì lợi ích cục bộ là tiêu chuẩn số một. Ai chống lại có thể bị lăng nhục ngay.

Vì thế có thể thủ trưởng chẳng sơ múi gì trong việc tổ chức đào tạo cho con em trong ngành để sau đó đưa vào làm việc trong ngành, nhưng qua đó làm hài lòng số đông mà số đông có nghĩa là nhiều phiếu. Bỏ phiếu rồi thì ai cãi!? Nhưng vấn đề là khi thỏa mãn chức quyền rồi thì phải trả ơn. Lấy lợi ích đâu ra mà trả ơn? Đơn giản! Sẵn lợi ích mà nhân dân và Đảng, Nhà nước giao phó ta đem ra trả. Không trả ơn thì bị sỉ nhục và khó sống, khó lãnh đạo!?

Chủ nghĩa Mác- Lênin mà tôi được học phê phán rất gay gắt thói cục bộ bản vị, tư tưởng phủ định sạch trơn và chủ nghĩa thành phần, nhưng giờ đây chẳng ai quan tâm. Người ta phủ nhận sạch trơn, người ta cục bộ bản vị và người ta nêu cao chủ nghĩa thành phần. Phải chăng Chủ nghĩa Mác-Lênin không thích hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam? Vậy tại sao chúng ta lấy đó làm nền tảng tư tưởng và bắt chúng tôi và con cháu chúng tôi học?

Nếu chúng ta không dẹp được tham nhũng phiếu bầu thì chúng ta không thể chống nổi tham nhũng ở Việt Nam!

2. Làm thế nào để có liêm chính trong thiết kế chính sách và làm luật

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ có phát hiện và đóng góp ý kiến thật đáng lưu tâm về liêm chính trong xây dựng pháp luật và thiết kế chính sách.

Đảng đang dần lấy lại lòng tin của dân thông qua quyết tâm chống tham nhũng và nỗ lực trong công tác dân vận.

Tuy nhiên giờ đây có quá nhiều hình thức tham nhũng. Tham nhũng qua khâu quyết định chính sách và làm luật thì kín đáo nhưng độ phá hoại cực cao.

Một ngành cùng nhau chạy thiết kế chính sách và qui định pháp luật để mở một trường đại học, đưa con cháu cán bộ trong ngành vào đó học, rồi xếp sắp công việc cho các cháu ở trong ngành sau khi các cháu ra trường.

Vậy thử hỏi sự nghiệp của Đảng vì giai cấp công nhân và nông dân có hoàn thành được không? Con cháu công nhân và nông dân còn có thể vào làm việc tại ngành đó không dù có đủ tài năng và đức độ?

Theo tôi Đảng và Nhà nước phải trừng phạt thật nặng một vài cán bộ để làm gương.

Ngược đời

Nguyễn Thông

23-3-2021

Quốc hội, theo đúng nghĩa của từ này, là cơ quan dân cử, một tổ chức (hội) có quyền lực cao nhất của một nước (quốc), gồm các đại biểu ưu tú do dân cử ra. Nói nôm na, quốc hội do dân bầu, còn ở đâu đó nó có phải do dân bầu hay không, có quyền lực cao nhất không hay chỉ là bù nhìn, thì lại là chuyện khác.

Ông Nhân, ông Nên và Quốc hội

Huy Đức

17-3-2021

Nghe nói ông Nguyễn Thiện Nhân lại ra ứng cử Quốc hội kỳ này. Có thể nhiều người sẽ rất ngạc nhiên. “Từng ủy viên Bộ chính trị còn chẳng ăn ai…” Tôi cho rằng, nếu ông Nhân “tự ứng cử” thì nên hoan nghênh; nếu ông ấy giành một suất của đàn em trong Thành ủy thì thật không hiểu ông ấy nghĩ gì mà làm thế.

Bầu cử Quốc hội

Đặng Đình Mạnh

12-3-2021

Bầu quốc hội của 63 tỉnh thành và non 100 triệu đồng bào mà số ứng cử viên tự do đếm chưa đủ 2 bàn tay?!

Tình hình “Bầu bí”

Lê Nguyễn Hương Trà

7-3-2021

Ngày 23/5/2021 được ấn định là ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Số lượng ĐBQH dự kiến 500 người, trong đó 293 từ các tỉnh thành và số còn lại là TW [với khoảng 95 thành viên Bộ Chính trị, Ban bí thư và BCH TW]. Cơ cấu cho người ngoài đảng tham gia chừng 25 – 50 đại biểu!