Cuộc chiến Quốc – Cộng và Hoà giải dân tộc

Dương Quốc Chính

30-4-2024

Việt Nam vốn được coi là bản sao của Trung Quốc dù là ở chế độ nào, trừ giai đoạn Việt Nam có bảo kê là Pháp, Mỹ, rồi Liên Xô. Đặc biệt là sau đổi mới, Việt Nam càng là một bản copy lỗi của Trung Quốc. Lỗi chỗ nào thì mình đã chỉ nhiều lần, nhiều chỗ. Lần này sẽ chỉ thêm khi bàn sơ lược về cuộc chiến Quốc – Cộng Trung Quốc.

Ban đầu, hai phe chung sống hoà bình dưới sự trợ giúp của Liên Xô, trong giai đoạn Tôn Trung Sơn lãnh đạo Quốc Dân đảng. Đến khi Tưởng Giới Thạch kế vị, ông thống nhất Trung Quốc (trước đó Trung Quốc bị tan rã bởi các chính quyền quân phiệt cát cứ). Tưởng có tư tưởng thiên hữu, Quốc Dân đảng lúc đó có hai phe tả và hữu, nên ông quay ra chống Cộng. Chiến tranh Quốc – Cộng diễn ra từ năm 1926-1937 thì tạm ngưng để cùng đánh Nhật. Hai bên hợp tác không đáng kể, Mao đánh du kích nên không thiệt hại nhiều như Tưởng. Nên cuộc kháng Nhật khiến cho Mao mạnh lên còn Tưởng yếu đi.

So sánh với Việt Nam, thì giai đoạn đầu mới thành lập, Quốc Dân đảng và đảng Cộng sản cùng có chủ trương kháng Pháp bằng bạo lực, chung sống hoà bình, thậm chí cũng có đảng viên Quốc Dân đảng thiên tả, thân Cộng sản như tướng Nguyễn Bình là điển hình. Hai đảng này ban đầu đều chống Pháp thất bại vào năm 1930, là khởi nghĩa Yên Bái và Xô Viết Nghệ Tĩnh, đảng Cộng sản lại thêm một lần nữa vào khởi nghĩa Nam Kỳ. Tàn quân đều phải trú ngụ sang Tàu và được Quốc Dân đảng Trung Quốc che chở trong giai đoạn kháng Nhật. Có nghĩa là hai bên cũng từng có giai đoạn chung sống hoà bình.

Sau khi Nhật hàng, Quốc – Cộng Trung Quốc đánh nhau tiếp. Cộng sản Trung Quốc trỗi dậy nhanh chóng do quân Tưởng bị thiệt hại quá nặng sau mấy năm kháng Nhật, vì là lực lượng chính.

Ngoài ra, Liên Xô sau năm 1945 cũng nghiêng về Mao, bỏ Tưởng, hỗ trợ Mao tiếp quản Mãn Châu do Liên Xô rút quân. Vùng Mãn Châu nguyên là thuộc địa Nhật, được đạo quân Quan Đông nắm giữ, Mao tiếp quản được rất nhiều vũ khí, khí tài Nhật sau khi Liên Xô rút quân. Lẽ ra bên tiếp quản phải là Tưởng, vì đang có chính danh quản lý Trung Quốc.

Ngoài ra, Tưởng còn bị Mỹ bỏ rơi, do bị coi là chính phủ bất tài, tham nhũng… Quân Cộng sản đang từ thế thiểu số trước năm 1945, lại lật ngược thành mạnh hơn cả quân Tưởng đang nắm chính quyền. Từ đó dẫn đến hậu quả là Mao đã thắng Tưởng trong cuộc nội chiến Quốc – Cộng.

Với tầm nhìn quốc tế thì cuộc chiến Quốc – Cộng nói chung chính là sự tranh đấu giữa phe Cộng sản và phe hữu (Quốc gia) ở các nước mà Cộng sản mạnh. Chiến tranh Quốc – Cộng diễn ra ở Triều Tiên, Cuba, Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines, Myanmar…

Cuộc chiến chỉ ác liệt ở những nơi được Liên Xô và Trung Quốc hỗ trợ hiệu quả như Triều Tiên và Đông Dương. Ở các nước Đông Nam Á khác, phe Cộng sản bị đàn áp dữ dội và quá xa Trung Quốc nên không thể cướp chính quyền. Hiện tại nhóm Maoist (Cộng sản kiểu Mao) vẫn còn tồn tại dặt dẹo ở Myanmar và Philippines.

Phải nhìn nhận rằng, việc Mao thắng Tưởng là một cơn địa chấn chính trị, ảnh hưởng đến toàn cầu cho đến ngày nay. Thế nên Tổng thống Truman vẫn bị phe đối lập ở Mỹ coi là kẻ tội đồ khi bỏ rơi Tưởng, khiến Mao giành thắng lợi. Kể từ đó, Truman rồi các tổng thống Mỹ sau đó, mới đi đi tới quyết định hỗ trợ mạnh mẽ cho Pháp và Quốc gia Việt Nam, sau đó là Việt Nam Cộng hòa để làm con đê ngăn chặn làn sóng Cộng sản lan tràn khắp Đông Nam Á.

Đó là lý do tại sao quân Việt Minh lại có thể trỗi dậy thắng Pháp kể từ sau chiến dịch Biên Giới 1950, rồi kết thúc bởi chiến dịch Điện Biên Phủ. Là do vai trò to lớn của Trung Quốc và Liên Xô đứng sau Trung Quốc. Mỹ thì thấy Pháp chống Cộng không hiệu quả nữa nên quyết định tự mình can thiệp vào Đông Dương chứ không cần thông qua Pháp nữa (80% chiến phí Đông Dương là do Mỹ cấp cho Pháp).

Đó cũng chính là nguồn gốc sâu xa dẫn tới sự can thiệp của Mỹ vào VNCH và cũng là lý do khiến họ rút quân, sau khi hoà hoãn với Trung Quốc, để được bảo đảm rằng sự lan tràn của Chủ nghĩa Cộng sản chỉ dừng lại ở Đông Dương.

Như vậy, xét về chiến lược địa chính trị, thì việc thắng – bại ở chiến trường cũng chỉ là chuyện nhỏ, không hề dẫn tới những quyết định mang tính chiến lược của các nước lớn. Nên giờ đổ lỗi cho Tổng thống Thiệu rút bỏ Tây Nguyên hay bảo phía Cộng sản Việt Nam thắng lợi nhờ lòng dân, có chính nghĩa, cũng chỉ là thấy cây mà không thấy rừng. Đó là một trong số những nguyên nhân lặt vặt mà thôi. Về bản chất, tổng thể, thì hai bên chỉ là những quân cờ, thằng chơi cờ nó bỏ buộc thì thua thôi.

Bên Triều Tiên thì hai bên chơi cờ đều quyết giữ, nên không bên nào bại dù trước đó, khi chưa có can thiệp trực tiếp và mạnh mẽ của thằng chơi cờ thì cuộc chiến đã sắp kết thúc và hai lần suýt thống nhất Triều Tiên bởi miền Bắc, rồi miền Nam.

Bây giờ chiến tranh Ukraine cũng gần giống, nếu Ấn Độ, Trung Quốc, Iran, Triều Tiên ngừng hỗ trợ Nga trong khi phương Tây vẫn hỗ trợ Ukraine thì Nga sẽ phải rút quân (không dám nói là thua). Ngược lại, Mỹ và EU ngừng hỗ trợ thì Nga chiếm toàn bộ Ukraine. Việc đánh nhau giỏi hay kém nó chỉ là một phần nhỏ mà thôi.

Quay lại cuộc chiến nền tảng là Quốc – Cộng Trung Quốc, tuy có nhiều mối tương đồng với Việt Nam như vậy, nhưng cách hành xử của Trung Cộng là rất khác.

Ngày 23/4/1949, Mao chiếm Nam Kinh, thủ đô của Trung Hoa Dân quốc (Tàu Tưởng), ngày này tương tự như ngày 30/4/1975 ở Việt Nam.

Ngày 1/10/1949, Mao tuyên bố thành lập nước CHND Trung Hoa. Đến tháng 5/1950, sau khi đổ bộ đảo Hải Nam và một số đảo ngoài khơi Quảng Đông, nhưng không thể chiếm Đài Loan (quân Tưởng nắm giữ và chuyển Chính phủ Dân quốc ra đó), cuộc chiến Quốc Cộng Trung Quốc coi như chấm dứt.

Tuy phía Cộng sản Trung Quốc vẫn coi đây là cuộc chiến giải phóng, nhưng họ không kỷ niệm rầm rộ ngày “giải phóng” 23/4, cũng không thấy chia phe đấu tố, chửi Nguỵ Tưởng, không thấy học tập cải tạo với quân Tưởng đầu hàng (thực tế khá đông).

Ví dụ điển hình là tướng Lư Hán, từng lãnh đạo quân Tưởng sang Bắc Đông Dương giải giáp Nhật. Sau đó ông quay về Trung Quốc sau hiệp định Trùng Khánh, lãnh đạo tỉnh Vân Nam. Sau đó ông quay xe theo Mao làm chủ tịch quân uỷ Vân Nam, phó chủ tịch Quân uỷ Tây Nam, tham gia thường vụ Quốc hội Trung Cộng. Tức là chức vụ khá to.

Như vậy, nhìn tổng thể, đảng Cộng sản Trung Quốc không tạo nên sự chia rẽ dân tộc mạnh mẽ như ở Việt Nam, không có tuyên truyền chống Quốc Dân đảng. Thực tế hiện tại Quốc Dân đảng Đài Loan lại có vẻ thân Tàu hơn đảng Dân Tiến! Có lẽ một phần do bị Trung Quốc diễn biến, do đều có gốc đại lục. Đảng Dân Tiến thì đại diện cho người Đài gốc nên tư tưởng khác biệt.

Có nghĩa là, tuy cũng là Cộng sản, là thầy của Cộng sản Việt Nam, nhưng Cộng sản Trung Quốc lại không gây chia rẽ dân tộc, tuy Trung Quốc vẫn mạnh mẽ lên án Đài Loan nếu họ manh nha việc tuyên bố độc lập, nhưng họ vẫn ra sức vuốt ve để dụ Đài Loan chấp nhận quay về Đại Lục với giải pháp hoà bình. Vì thế mình cho rằng có không ít người Đài với tinh thần đại Hán vẫn mong muốn Đài Loan nhập về đại lục.

Hơn nữa, với các đảo tranh chấp với nước ngoài, Trung Quốc luôn đoàn kết với Đài Loan trong các tuyên bố chủ quyền. Đó là ở quần đảo Senkaku và Trường Sa. Trung Quốc và Đài Loan không bao giờ chửi nhau trong vấn đề này dù Senkaku và đảo Ba Bình thuộc Trường Sa đang do Đài Loan tuyên bố chủ quyền (thực tế Đài Loan chỉ giữ Ba Bình, còn Senkaku do Nhật chiếm).

Tóm lại, Trung Quốc vẫn rất giỏi trong việc hoà giải với chiêu bài giương cao ngọn cờ dân tộc Đại Hán Trung Quốc, dù chính danh ban đầu thuộc về Trung Hoa Dân quốc (bây giờ là Đài Loan). Đây là bài học lớn cho chính quyền Việt Nam. Đại ca làm được vậy, tại sao đệ tử không thể làm? Gọi là bản copy lỗi thì bò đỏ là rạch mặt ăn vạ.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn duy trì cuộc chiến ý thức hệ Quốc – Cộng, chủ yếu trên không gian mạng giữa anh em Tuyên Giáo, bò đỏ với bóng ma “thế lực thù địch”. Phe đỏ vẫn bỏ tù phe vàng đều đều và đổ tiền nuôi lực lượng bò đỏ clone để hàng ngày đi đấu tranh chống luận điệu thù địch.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây