National Interest lo ngại Thế chiến III có thể bắt đầu ở Biển Đông, theo báo Giao Thông. GS Robert Farley từ Trường đại học quân sự của quân đội Mỹ, cho rằng: Trong năm 2019, những khu vực “nóng” nhất trên thế giới, “nơi có thể xảy ra WWIII vẫn là Biển Đông, Ukraine, Vịnh Ba Tư và Bán đảo Triều Tiên”. Trong đó, Biển Đông là “nơi diễn ra cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai quốc gia đang có cuộc chiến thương mại với nhau”.
RFA có bài phỏng vấn GS Ngô Vĩnh Long: Quan ngại về cam kết quân sự của Mỹ ở Biển Đông sau khi Bộ trưởng Jim Mattis từ chức. GS Long cảnh báo: Theo thư từ chức của ông Mattis, Bộ trưởng kế nhiệm “sẽ là người theo ý kiến của ông Trump. Người theo ý kiến của ông Trump thì rất sai lạc và sẽ phá vỡ các quan hệ đã có giữa Mỹ với các nước khác trên thế giới, đặc biệt là giữa Mỹ với các nước ở vùng Đông Nam Á”.
Báo Tiền Phong có bài: Biển Đông có thể thành khủng hoảng lớn với Mỹ năm 2019. Theo đó, “căng thẳng Mỹ – Trung trên biển Đông đang tăng lên, khi Washington gia tăng chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển giàu tài nguyên đang có tranh chấp này. Tháng 9 năm nay, tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc đã suýt va nhau trên biển Đông”.
VOA đặt câu hỏi về vụ Indonesia mở tiền đồn ở rìa Biển Đông- Tương lai nào cho khu vực? Theo đó, “Indonesia trong tuần này mở một căn cứ quân sự với hơn 1.000 quân ở mũi phía nam Biển Đông, vùng biển nơi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chồng chéo với tuyên bố chủ quyền của một số nước khác”.
TS Trần Công Trục viết: Mỹ nên khôi phục sự hiện diện hải quân thường xuyên ở Biển Đông. Theo đó, “lập trường và những ứng xử của Mỹ trong thời điểm hiện nay cũng có thể được coi là đã có tác động tích cực nào đó trong việc ngăn chặn, chí ít là có thể hạn chế khả năng xung đột có thể xảy ra trong Biển Đông”.
VOA đưa tin: Việt Nam, Trung Quốc bàn về Biển Đông tại Lào. Chiều 16/12/2018, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, “bàn về cách giải quyết các đề tranh chấp trên biển nhằm tạo môi trường tốt cho phát triển song phương”. Đây là cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao 6 nước chung dòng sông Mekong – Lan Thương lần thứ tư tại Lào.
Con gái ông Trần Bắc Hà cùng 3 cá nhân khác bị phong tỏa tài khoản ngân hàng, theo Viet Times. Bộ Công An vừa yêu cầu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phong tỏa tài khoản của bà Trần Lan Phương, con gái ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT BIDV và 3 cổ đông thành lập CTCP Chăn nuôi Bình Hà. Trước đó, ông Trần Bắc Hà và 3 thuộc cấp bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi sai phạm gây thiệt hại cho BIDV hơn 800 tỷ đồng.
Bài báo cho biết: Bà Trần Lan Phương chịu trách nhiệm nhiều công ty trong “hệ sinh thái” doanh nghiệp của gia đình ông Trần Bắc Hà, trong đó có Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng và Công ty CP Trường Phú.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Vì sao phong tỏa tài khoản của con gái ông Trần Bắc Hà?Chuyện phong tỏa tài sản người thân bị can được các luật sư cho biết, nhằm hạn chế việc tẩu tán tài sản, đồng thời khắc phục hậu quả vụ án. Tuy nhiên, đối với trường hợp các nhân vật thuộc đường dây quyền lực của “đồng chí X”, chuyện phong tỏa tài sản gia đình còn để lột sạch của cải của kẻ sa cơ, nhằm trả lại cho ngân sách chế độ vốn đã thâm thủng nặng.
Liên quan đến ông Tất Thành Cang, báo Người Đưa Tin cho biết: Sau vụ bán 32ha đất ở Phước Kiển, công ty Tân Thuận lại bị phát hiện dấu hiệu sai phạm. Ngày 16/12/2018, Công an TP.HCM cho biết, “đã tiếp nhận hồ sơ từ Thanh tra TP.HCM để điều tra làm rõ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm của công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Tân Thuận (công ty Tân Thuận. Cụ thể là việc chuyển nhượng dự án ở khu dân cư ven sông (phường Tân Phong, quận 7), vụ bán cổ phần làm giảm tỉ lệ vốn góp của Công ty Tân Thuận”.
Theo kết luận của Thanh tra thành phố, “trong vụ việc này, chỉ cần căn cứ vào giá cổ phiếu đã giao dịch thành thì thiệt hại thấp nhất cho Nhà nước đã là 153 tỷ đồng. Sau phi vụ này, công ty Nguyễn Kim đã thâu tóm Sadeco với tỉ lệ sở hữu vốn hơn 54%”.
Báo Dân Trí đặt câu hỏi về vấn đề thu hồi tài sản nhà nước đã bán: Nhiều vấn đề và rất phức tạp?PGS. TS Đinh Trọng Thịnh phân tích: “Nếu tài sản là mảnh đất chưa xây dựng thì đơn giản hơn nhưng nếu đã chuyển hoá rồi thì phức tạp lắm và phải đưa ra xem xét kĩ thì mới có thể thu hồi được”.
LS Nguyễn Tiến Lập nhận định, “với giả thiết Quốc Cường Gia Lai không tự nguyện hoàn trả, công ty Tân Thuận yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu để hủy bỏ giao dịch”, thì quá trình thu hồi đất công bị Công ty Tân Thuận chuyển nhượng sai quy định “sẽ rất phức tạp”.
VOV có bài tổng hợp: Năm 2018: Hàng loạt tướng Công an, Quân đội bị kỷ luật và hầu Toà. Hàng loạt tướng tá công an, quân đội “vào lò” trong năm 2018, nhẹ thì được kỷ luật cảnh cáo, nặng thì vào tù. Những tướng công an bị cảnh cáo gồm: Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Công Sơn, Lê Đình Nhường. Phía quân đội có thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, thiếu tướng Phan Tấn Tài, trung tướng Nguyễn Văn Thanh, thượng tướng Phương Minh Hòa, tuy nhiên hầu hết chỉ bị cảnh cáo, khiển trách.
Hai vụ bê bối đáng chú ý là vụ bảo kê đường dây đánh bạc trực tuyến lên đến gần 10 ngàn tỉ của cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh và cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, vụ “làm ăn” của Tổng cục tình báo xoay quanh chuyện thâu tóm tài sản công, liên quan đến cựu thượng tướng Trần Việt Tân và cựu trung tướng Bùi Văn Thành.
Báo Giáo Dục Việt Nam đặt câu hỏi: Hai cựu tướng công an vừa bị khởi tố về tội gì? Ông Tân và ông Thành bị khởi tố để điều tra mở rộng vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do tiếp tay, thông đồng với Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” trong các phi vụ thâu tóm đất công.
Trưởng Công an xã dùng bằng giả: ‘Không ảnh hưởng’, theo báo Đất Việt. Ông trưởng công an hồn nhiên nói: “Tôi đi lên từ khi làm ở ấp, thời điểm tôi nộp hồ sơ tôi cũng không nghĩ đó là bằng không hợp pháp vì trước đó tôi có học đầy đủ và thi có hội đồng. Việc này tôi nghĩ cũng không ảnh hưởng”. Thêm một bằng chứng góp mặt trong rất nhiều bằng chứng cho thấy trình độ văn hóa của công an Việt Nam.
Chuyện ở Vĩnh Phúc: Không cung cấp thông tin cho báo chí vì sợ dư luận trái chiều, theo trang Nhà Báo và Công Luận. “Để tránh tạo dư luận trái chiều do quan điểm nhận định không thống nhất khi tìm hiểu về một số gói thầu do Ban quản lí dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc (BQLDA) làm chủ đầu tư”, đơn vị này thông báo sẽ không cung cấp các văn bản pháp lí liên quan đến dự án cho báo chí.
Zing đưa tin: Nhiều ‘ông lớn’ nhiệt điện đang thua lỗ. Quý 3 năm 2018, hàng loạt công ty nhiệt điện lớn, đa số ở phía Bắc, báo cáo lỗ hàng trăm tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là giá than cao, và giá bán điện thấp. Những báo cáo được cho là để “cổ vũ” ngành điện độc quyền tăng giá, hút máu dân. Nhiệt điện từ lâu đã là ngành sử dụng “phế liệu” của Trung Quốc, gây ô nhiễm môi trường, nhưng hoạt động không hiệu quả.
Nền kinh tế phụ thuộc, mỗi tháng chi 1 tỉ USD nhập máy móc từ Trung Quốc, theo báo Thanh Niên. Cụ thể, Hết tháng 11/2018, Việt Nam chi nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc nhóm hàng máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng đạt 10,92 tỉ USD, tăng gần 10%. Trung bình, mỗi tháng Việt Nam nhập khoảng 1 tỷ USD hàng hóa là máy móc từ Trung Quốc.
Báo Thanh Niên có bài: Giật mình với nhập khẩu trong chăn nuôi. Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn công bố báo cáo, trong đó, 11 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 6 tỷ USD của ngành chăn nuôi. Trái ngược, xuất khẩu chỉ đạt hơn 500 triệu USD. Việt Nam là đất nước nông nghiệp nhưng lại phải nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, là điều hết sức phi lý đang diễn ra trên đất nước.
VOV đưa tin: Khởi tố, bắt tạm giam Hiệu trưởng dâm ô hàng chục nam sinh ở Phú Thọ. Chiều 15/12, công an tỉnh Phú Thọ tiến hành khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh Bằng My, hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn, để điều tra việc ông My bị tố cáo lạm dụng tình dục hàng chục nam sinh tại trường này. Trước đó, báo Phú Thọ đưa tin về hiệu trưởng dâm ô, nhưng nhanh chóng gỡ bài theo chỉ đạo. Ông My được cho là đã kêu các học sinh nam lên phòng riêng, thực hiện các hành vi dâm ô.
Nhà báo Anh Tuấn cho biết, công an tỉnh Phú Thọ đã công bố lệnh khởi tố bắt tạm giam Đinh Bằng My, con quỷ ấu dâm đội lốt thầy hiệu trưởng. Ông Tuấn viết: “Với những gì đã gây ra, khi có hàng loạt nạn nhân. Lặp lại nhiều lần khi có em phải tái diễn cả vài chục lần. Thậm chí cả đe doạ đuổi học nếu không đồng ý. Đã có em còn bị cả giao cấu. Buồn, đau không kể xiết thậm chí có nạn nhân đã từng muốn tìm đến cái chết...”
Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Bộ GD-ĐT chỉ đạo gì về vụ hiệu trưởng bị nghi lạm dụng tình dục nhiều nam sinh? Bộ GD-ĐT khẳng định “đây là hành vi không thể chấp nhận được, yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ chỉ đạo, xác minh và phối hợp các ban, ngành liên quan xử lý nghiêm vụ việc vi phạm đạo đức”. Sở GD-ĐT Phú Thọ phải báo cáo kết quả xác minh tình hình sự việc qua Cục Nhà giáo và Quản lý Giáo dục trước ngày 17/12/2018.
Báo Người Đưa Tin có bài: “Người thứ ba” lên tiếng phủ nhận nhiều lần gọi học sinh lên cho hiệu trưởng dâm ô. Người thứ ba được nhắc đến ở đây là một cô giáo, có hành vi tiếp tay cho hiệu trưởng dâm ô học sinh. Cô Ng. bị các học sinh tố cáo nhiều lần gọi học sinh lên phòng hiệu trưởng để thầy hiệu trưởng “hành sự”. Tuy nhiên, cô chối tội: “Tôi vô cùng bất ngờ trước những gì mà em học sinh kia đưa ra. Tôi cũng chưa một lần nào dẫn học sinh lên phòng thầy hiệu trưởng cả và tôi xin khẳng định những thông tin đó là sai sự thật”.
Cũng tin Giáo dục, báo Giáo Dục Việt Nam đưa tin: Điều tra Hiệu trưởng chiếm đoạt hơn 571 triệu đồng của trẻ mầm non. Theo đó, công an tỉnh Sóc Trăng vừa có quyết định khởi tố vụ án, để điều tra về hành vi tham ô tài sản, xảy ra ở trường mầm non phường 2, thị xã Vĩnh Châu.
Cụ thể, bà Thạch Thị Pha Ni, hiệu trưởng, đã có hành vi chiếm đoạt tiền hỗ trợ ăn trưa, chi phí học tập của trẻ mầm non, với tổng số tiền lên đến hơn 571 triệu đồng. Vụ hiệu trưởng ấu dâm Đinh Bằng My chưa xong, lại có thêm hiệu trưởng trường mẫu giáo chiếm đoạt tiền ăn, tiền học của trẻ em.
Mỹ lên tiếng vụ đại tá Trung Quốc đòi đâm tàu trên biển Đông, theo báo Người Lao Động. Ông Joseph Felter, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách về Nam Á và Đông Nam Á, cho biết “việc Mỹ tiếp tục hiện diện ở biển Đông là động thái đáp trả tương xứng với hành vi hung hăng (của Trung Quốc)”.
Trang Viet Times có bài: Mỹ – Trung: cuộc chiến không hòa dưới đáy biển Đông. GS Goldstein, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc lưu ý về sự kiện Trung Quốc đưa máy bay tuần tra biển chống tàu ngầm vào biên chế hạm đội Nam Hải, đặc trách vùng nước Biển Đông. Ông Goldstein cho rằng, “chiến trường dưới mặt nước là yếu tố chính quyết định cuộc đấu tranh giành ưu thế sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc trên khu vực phía tây Thái Bình Dương”.
VOA bàn về vụ giới chức quân đội Trung Quốc đòi tấn công tàu Mỹ đến Biển Đông. Bài viết lưu ý: Bình luận của đại tá không quân Đới Húc về chuyện dùng vũ lực với Hoa Kỳ trên Biển Đông “được đưa ra sau vụ các tàu chiến của Trung Quốc và Mỹ suýt đâm nhau hồi tháng 9. Tàu khu trục lớp Lữ Dương (Luyang) của Trung Quốc đối đầu với tàu khu trục USS Decatur có tên lửa lớp Arleigh Burke dẫn đường trong một hoạt động ở Quần đảo Hoàng Sa”.
Báo Dân Việt dẫn nguồn từ Hoàn Cầu Thời báo, cho biết: Đại tá Trung Quốc đề xuất đâm tàu chiến Mỹ ở Biển Đông. Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời Đại tá không quân Đới Húc, chủ tịch Viện Hợp tác và An toàn Hải dương Trung Quốc, phát biểu: “Nếu tàu chiến Mỹ tiếp tục đi vào vùng biển của Trung Quốc, tôi đề nghị triển khai hai chiến hạm. Một chiếc có nhiệm vụ chặn đầu tàu Mỹ, chiếc còn lại đâm thẳng vào đối phương. Chúng ta sẽ không cho phép hải quân Mỹ gây rối loạn”.
Nhiều nhà quan sát dự báo, căng thẳng Mỹ-Trung có thể biến thành đối đầu trong năm 2019, theo báo Dân Trí. Chuyên gia Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phục Đán nhận định: “Có khả năng Mỹ sẽ sử dụng các chính sách liên quan tới Đài Loan để đối đầu Trung Quốc mà Washington chưa từng sử dụng kể từ khi quan hệ Mỹ-Trung được thiết lập”.
RFA có bài: Trung Quốc hiện thực hóa bành trướng biển Đông và giải pháp nào cho Việt Nam. Trung Quốc liên tiếp quân sự hóa Biển Đông, xây dựng và mở rộng căn cứ trên các đảo nhân tạo, triển khai máy bay, tàu chiến và nhiều khí tài, tổ chức tập trận bắn đạn thật. TS Đinh Hoàng Thắng nhận định: “Đây không phải là sự ngẫu nhiên. Quá trình này nằm trong chính sách được thiết kế, được tính toán khá kỹ lưỡng… Trung Quốc có một chiến lược hẳn hỏi để chiếm Biển Đông”.
Báo Lao Động đưa tin: Việt – Trung đàm phán hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Theo đó, từ ngày 5 đến ngày 6/12 tại Chu Hải, Quảng Đông, Trung Quốc, đã diễn ra “đàm phán vòng XII Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt Nam – Trung Quốc”. Trưởng đoàn Việt Nam là Vụ trưởng Vụ Biển, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Đông. Trưởng nhóm phía Trung Quốc là Cố vấn Cao cấp các sự vụ biên giới, Bộ Ngoại giao Mã Á Âu.
Báo Dân Trí có bài: Chuyên gia: Trung Quốc “nuốt lời hứa” ở Biển Đông. Chuyên gia về Biển Đông Richard Heydarian từ Đại học De La Salle ở Philippines nhận định, Trung Quốc đã “nuốt lời hứa” “không quân sự hóa Biển Đông mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra trong cuộc gặp cựu Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào năm 2015”.
VOA bàn về vai trò lớn cho đảo nhỏ ở TBD trong kế hoạch Biển Đông của Mỹ, Úc. Theo đó, “vấn đề Biển Đông không được nêu ra trong cuộc họp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây”, nhưng trong hậu trường, hai bên đều chuẩn bị kịch bản ứng phó với những mâu thuẫn trong tương lai.
Hải quân TQ lại đối đầu tàu chiến Mỹ ở Biển Đông, theo VOA. Trung Quốc tuyên bố triển khai lực lượng hải quân để xua đuổi tuần dương hạm có tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville của Mỹ khi chiến hạm này đi ngang qua các vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông.
Báo Người Việt có bài: Việt Nam và Nga ‘hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông’ nhưng chịu sức ép của Trung Quốc. Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tập Đoàn Dầu Khí Gazprom, hoạt động dưới sự kiểm soát của chính phủ Nga, đã “thống nhất hợp tác khai thác các mỏ dầu trên thềm lục địa ở Biển Đông. Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa được triển khai vì vấp phải sự phản đối gay gắt từ Trung Quốc”.
RFA dẫn tin từ CNN: Tàu chiến Mỹ đi sát quần đảo Hoàng Sa. Cuộc tuần tra được thực hiện bởi tuần dương hạm mang tên lửa USS Chancellorsville vào ngày 26/11. Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, ông Nathan Christensen tuyên bố rằng, “hải trình lần này của tàu chiến Mỹ là để thách thức những tuyên bố lãnh hải vô lý, cũng như bảo vệ quyền tự do hàng hải”.
VOA đặt câu hỏi: Trung Quốc mưu tính gì khi xây dựng ở bãi Bông Bay? Bài viết tổng hợp bình luận của nhiều chuyên gia về Biển Đông xung quanh công trình Trung Quốc mới xây dựng trên đá Bông Bay ở quần đảo Hoàng Sa. Ông Gregory Poling, giám đốc AMTI, lưu ý: “Điều đặc biệt ở đây là chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy Trung Quốc có kiểu xây dựng nhanh chóng và ít tác động như vậy”.
Bộ Quốc phòng Việt Nam phát biểu, Việt Nam không để ‘bị lôi cuốn vào cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung’, theo VnExpress. Bất chấp tình hình Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông, triển khai thêm khí tài và một số kế hoạch đầy tham vọng, Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn “khẳng định trong những năm qua, tình hình Biển Đông cơ bản ổn định; tuy nhiên, việc đánh bắt hải sản của ngư dân vẫn còn diễn biến phức tạp”.
Báo Người Lao Động có bài: Tàu sân bay tự chế mới của Trung Quốc “trúng đòn” Mỹ. Ngày 27/11, báo South China Morning Post dẫn tin từ quân đội Trung Quốc, tiết lộ “tiến độ đóng tàu sân bay mới nhất của Trung Quốc đang bị chậm lại vì căng thẳng với Mỹ và cải tổ quân đội đã khiến ngân sách bị ảnh hưởng”.
Báo Thanh Niên có bài: Bộ tam chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông. Các chiến lược đó là: “Quân sự hóa bằng nhiều chiêu trò” – Bắc Kinh tiếp tục củng cố các căn cứ quân sự sẵn có, đồng thời triển khai khí tài mới ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; “Tuyên truyền ngụy biện, đổ lỗi” – Bắc Kinh một mực cho rằng họ chỉ “tự vệ” và đổ trách nhiệm cho Hoa Kỳ và các đồng minh; “‘Bẻ đũa’ ASEAN” – Bắc Kinh liên tục tìm cách chia rẽ cộng đồng ASEAN.
Báo Thanh Niên có bài: ASEAN và Bắc Kinh trên Biển Đông. Theo đó, thỏa thuận hợp tác phát triển dầu khí trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines “mang tính chính trị nhiều hơn là thực chất. Cụ thể, để công ty Trung Quốc và đối tác Philippines tiến hành đàm phán hợp tác về dầu khí, thì phải bộ ngoại giao của 2 nước xem xét đối với từng dự án cụ thể”.
Nga tập trận chung với Brunei ở Biển Đông, theo RFA. Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Nikolai Voskresensky xác nhận tin này ngày 23/11. Ông Voskresensky cho biết lực lượng tham gia diễn tập gồm, “tàu tuần dương có tên lửa Varyag, khu trục hạm Đô Đốc Panteleyev và tàu chở dầu Boris Butoma vừa hoàn tất chuyến thăm cảng Muara của Brunei”.
Việt Nam ‘kiên quyết phản đối’ TQ xây dựng ở Biển Đông, theo VOA. Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 22/11, bà Nguyễn Phương Trà, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này… làm phức tạp, căng thẳng tình hình ở Biển Đông”.
Trung Quốc xây dựng cơ sở quân sự mới trên quần đảo Hoàng Sa, theo RFA. Hình ảnh vệ tinh do tổ chức Sáng Kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, cung cấp hôm 20/11 cho thấy Trung Quốc vừa tiến hành xây dựng cơ sở quân sự mới trên đảo Bom Bay ở quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 20/11, Mỹ điều tàu sân bay tới Biển Đông, theo RFA. Hãng tin AP cho biết, “Hoa Kỳ vừa điều hai tàu sân bay chuẩn bị đến Biển Đông là tàu USS Ronald Reagan và tàu USS John C. Stennis”. Theo thông báo của Quân đội Hoa Kỳ, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã gia nhập nhóm tàu khu trục USS Antietam và USS Milius, nhóm tàu vừa qua eo biển Đài Loan để tiến vào Biển Đông. Còn tàu sân bay USS John C. Stennis hiện đã ở gần Philippines.
Báo Trí Thức Trẻ dẫn lời Đô đốc Mỹ cảnh báo: Trung Quốc đã thiết lập “Vạn Lý Trường Thành” tên lửa trên Biển Đông! Đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cảnh báo, sau khi bồi đắp các đá ngầm và rạn san hô vòng ở Biển Đông “thành những pháo đài nhân tạo kiên cố, đồng thời bố trí tại đây nhiều tổ hợp tên lửa đất đối không”, Trung Quốc đã biến đổi “Vạn Lý Trường Thành cát cách đây 3 năm thành một Vạn Lý Trường Thành SAM”.