Bản tin ngày 4-12-2018

Tin Biển Đông

Hải quân TQ lại đối đầu tàu chiến Mỹ ở Biển Đông, theo VOA. Trung Quốc tuyên bố triển khai lực lượng hải quân để xua đuổi tuần dương hạm có tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville của Mỹ khi chiến hạm này đi ngang qua các vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông.

Phía Trung Quốc nói thêm: “Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam đã triển khai các lực lượng hải quân và không quân để theo dõi chiếc tàu Mỹ, đưa ra lời cảnh cáo để tàu Mỹ rời khỏi nơi này”. Bài báo cho biết: chiến hạm USS Chancellorsville “đi ngang qua quần đảo Hoàng Sa để khẳng định quyền tự do hàng hải sau khi cập cảng ở Hong Kong cùng với tàu sân bay Ronald Reagan và tàu USS Curtis Wilbur vào tuần trước”.

Báo Dân Trí có bài: Hé lộ hòn đảo “mắt xích” trong chiến lược của Mỹ ở Biển Đông. Đó là đảo Manus ở Papua New Guinea với căn cứ hải quân Lombrum, “có thể coi là mắt xích quan trọng trong chiến lược của Mỹ và các đồng minh nhằm kiềm chế Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ở Biển Đông”.

Bài viết lưu ý: Mỹ và Australia “tuyên bố bắt tay khôi phục Lombrum chỉ vài tháng sau khi xuất hiện những đồn đoán rằng Trung Quốc cũng đang có ý định xây dựng một cảng ở đảo Manus và có thể sử dụng làm một căn cứ hải quân”.

Mời đọc thêm: Úc và Mỹ dùng đảo nhỏ chống Trung Quốc trên Biển Đông (NV). – Hòn đảo nhỏ mang tầm chiến lược lớn ở biển Đông (Soha). – Không ‘ăn cả’, cũng chẳng ‘về không’ (TT). 21 ngư dân Việt bị Malaysia buộc tội đánh cá bất hợp pháp (RFA).

“Củi” Trần Bắc Hà

Trong cuộc họp báo chiều 3/12, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an cung cấp thông tin vụ ông Trần Bắc Hà bị bắt: Đang củng cố chứng cứ, thu hồi tài sản, theo VietNamNet. Ông Quang nói thêm: “Khi có kết luận điều tra, chúng tôi sẽ thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Trong vụ Trần Bắc Hà bị dẫn độ về nước, các nhà báo “lề dân” đã đưa tin sớm gần một ngày so với truyền thông “lề đảng”, nhưng ông Lương Tam Quang vẫn nói: “Thông tin về các vụ án trên mạng xã hội là không chính thống”. Trong khi báo “lề đảng” cũng thừa nhận: “Trước khi Bộ Công an thông báo bắt ông Trần Bắc Hà thì mạng xã hội đã có thông tin khá chính xác”.

Về mặt truyền thông, thông tin nhanh nhạy và chính xác, phản ánh đúng sự thật… là những yếu tố quan trọng, chứ không phải yếu tố “chính thống”. Truyền thông “lề đảng” từ lâu đã bị mạng xã hội qua mặt, chẳng hạn như vụ hai tướng Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa sẽ bị bắt, đưa ra xét xử, đã được Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà đưa tin vài tháng trước khi vụ việc diễn ra.

Báo Dân Trí đặt câu hỏi: Ông Trần Bắc Hà bị bắt trong vụ án cụ thể nào? Theo thông tin do phía công an cung cấp, phe “đốt lò” trước mắt vẫn tập trung vào sai phạm của ông Bắc Hà và đồng phạm ở Ngân hàng BIDV, loạt sai phạm đã dẫn đến sự trì trệ của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong nhiều năm.

Zing đặt câu hỏi: Dự án nuôi bò hơn 4.500 tỷ ở Hà Tĩnh giờ ra sao? Năm 2015, giai đoạn “đồng chí X” chưa làm “người tử tế”, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà với tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng. Dự án được triển khai trên diện tích hơn 2.000 ha tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên và xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh. Hậu quả là “hàng trăm ha đất rừng sản xuất, đất trồng hoa màu, trồng lúa của người dân các xã ở 2 huyện trên bị thu hồi”.

Năm 2016, dự án khởi công và hoạt động với sự góp mặt của ông Trần Bắc Hà. Đến nay, “các hạng mục tại trang trại chăn nuôi bò của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà ở xã Kỳ Tân (Kỳ Anh) bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng, cỏ dại mọc um tùm”.

Mời đọc thêm: Vì sao tin “bắt Trần Bắt Hà” xuất hiện trên mạng xã hội trước? (GT). – Bộ công an nói gì về việc thông tin ông Trần Bắc Hà bị bắt xuất hiện trên mạng xã hội trước cả công bố chính thức? (TTT/Cafef). – Bộ Công an trả lời về vụ bắt giam cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà — Thủ tướng yêu cầu xử lý nhiều vấn đề “nóng” (LĐ).BIDV và ‘áp lực’ Trần Bắc Hà (NĐH). – Trước ông Trần Bắc Hà, những ông chủ ngân hàng nào bị “ngã ngựa“? (KT). – Tân Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú nhận thêm nhiệm vụ mới (NĐT).  

Khi “đồng chí” thanh toán “đồng chí”

Sáng 3/12, tại Gia Lai, một cán bộ phường tại Gia Lai bị đồng nghiệp bắn tử vong, theo báo Thế Giới Tiếp Thị. Bà Kpă H’Ven, Phó Chủ tịch HĐND phường Đoàn Kết, bị Bùi Văn Hiếu, Phó ban Chỉ huy quân sự phường bắn chết khi đang ở trụ sở làm việc. Bài báo đưa tin, Hiếu cầm súng, xông vào UBND phường khi đang còn nhiều người làm lễ chào cờ. Hiếu bắn nhiều phát súng chỉ thiên, khống chế và bắt chết bà Kpă H’Ven, sau đó hung thủ tự sát, được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Zing đưa tin, chính quyền địa phương huy động 40 cán bộ an ninh, các đội nghiệp vụ, công an phường giải cứu con tin. Nhưng chiến dịch giải cứu con tin bất thành trong vụ nữ phó chủ tịch HĐND bị bắn. Khi công an lại gần thì Hiếu lập tức giết con tin rồi tự sát. Thêm bằng chứng cho sự thật đằng sau những lời tuyên truyền về “trình độ” giải cứu con tin của an ninh Việt Nam.

VTC có clip: Toàn cảnh vụ rút súng bắn chết Phó Chủ tịch HĐND phường ở Gia Lai rồi tự tử.

Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin: Phó Chủ tịch HĐND phường ở Gia Lai bị bắn chết: Hung thủ và nạn nhân có quan hệ tình cảm. Theo một số Nhân chứng tại hiện trường, “sau khi nổ súng tự sát, ông Hiếu nằm ôm thi thể bà Kpă H’Ven. Cũng theo dư luận tại đây, hai nạn nhân này có mối quan hệ tình cảm và do bất đồng trong quan hệ nên xảy ra sự việc đáng tiếc trên”.

Hơn hai năm sau “tiếng súng Yên Bái”, khi Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm của tỉnh này là Đỗ Cường Minh, bắn chết hai cấp trên là Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và Chủ tịch HĐND tỉnh Ngô Ngọc Tuấn, lại có cán bộ chính quyền bắn chết nhau, lần này ở Gia Lai, theo VOA. Bài viết đề cập thêm hai vụ “cán bộ trong chính quyền dùng súng bắn chết lãnh đạo” trước cả vụ Yên Bái.

Mời đọc thêm: Phó Chỉ huy quân sự phường bắn chết nữ đồng nghiệp tại cơ quan (ĐĐK). – Nghi can nổ súng bắn chết phó chủ tịch HĐND phường đang nguy kịch (Zing). – Phó Chủ tịch HĐND phường bị bắn chết: Công an Gia Lai chính thức thông tin (VTC). – Vụ Phó phường đội bắn chết phó chủ tịch HĐND phường rồi tự sát: Lấy súng từ tủ phường đội (NLĐ).

Hé lộ nguyên nhân Phó ban Quân sự phường bắn Phó Chủ tịch HĐND phường trong trụ sở rồi tự sát (PLVN). – Đang phẫu thuật cho đối tượng nổ súng bắn chết PCT HĐND phường (Infonet). – Nhiều tình tiết mới vụ Phó BCH quân sự bắn Phó Chủ tịch HĐND phường (VOV). – Gia Lai: Phó ban quân sự bắn chết nữ cán bộ phường (BBC).

Khu tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu

Mặc dù nợ nần chồng chất, liên tục bị bội chi ngân sách, phải vay nợ mới để trả nợ cũ, nhưng lãnh đạo CSVN vẫn quyết chi ngân sách 28 tỉ đồng để xây khu tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu ở Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Trước đó, Tố Hữu cũng đã chiếm một nhà lưu niệm, được khánh thành năm 2009, tại làng Quốc tế Thăng Long, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội.

VOA có bài: Kế hoạch xây khu tưởng niệm ‘nhà thơ làm kinh tế’ bị phản đối. Dịch giả Phạm Nguyên Trường nói với VOA: “Tôi thấy ông Tố Hữu chả có công trạng gì với dân tộc cả. Ông ấy phá hoại là nhiều. Tôi cho rằng việc xây dựng là để một số người nào đó kiếm tiền chứ họ cũng chẳng tôn trọng gì ông Tố Hữu nữa vì ông ấy chết lâu lắm rồi mà”.

Mời đọc thêm: Khu lưu niệm Tố Hữu: Một tố cáo lóe sáng! (VOA/ TD). Quốc Phong: Chuyện bây giờ mới kể — Tâm Chánh: Nói một lần này nữa, rồi thôi (TD).  Phản đối xây tượng Tố Hữu tại Huế (RFA).

Tin nhân quyền

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết: Phá nhà dân bằng… giấy lộn. Ông Danh cho biết, ngày 22/8/2017 UBND phường Bình Hưng Hòa, Bình Tân, TPHCM ra quyết định cưỡng chế, phá dỡ gần 500m2 nhà ông Trần Văn Ân, do gia đình ông Ân dựng không phép. Quyết định có hiệu lực ngay từ ngày ký cho đến 5 ngày sau, nhưng phường đã không làm gì khi quyết định còn hiệu lực. Mãi gần 500 ngày sau, phường cho hàng trăm người xuống phá.

Ông Danh viết: “Phá banh phá nát trong vòng vài tiếng đồng hồ. Nếu phường quang minh chính đại, thì ngại gì mà không ký quyết định mới? Hay ký mới thì sợ dân còn thời hiệu khiếu nại? Vì dẫu gì, cái quyết định vô giá trị kia không còn thời hiệu để dân khiếu nại được!

Nhà ông Trần Văn Ân sau khi bị phá. Ảnh: TCHD

RFA đưa tin: Việt Nam tuyên bố thực hiện hơn 96% khuyến nghị nhân quyền của LHQ. Chánh văn phòng Bộ Ngoại Giao, ông Đặng Hoàng Giang nói: “Việt Nam đã thực hiện xong 96,2% khuyến nghị về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và sẽ báo cáo tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNDP) vào ngày 22 tháng 1 năm 2019”.

Trái ngược với báo cáo và tuyên bố của quan chức cộng sản, thực tế tình hình nhân quyền trong nước ngày càng bị đàn áp rất mạnh. Một số tổ chức theo dõi nhân quyền như Human Rights Watch, Amnesty International… liên  tục lên tiếng về các trường hợp Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền con người, đàn áp tự do ngôn luận, tự do tôn giáo…

Nghệ An tiếp tục tổ chức hội nghị đòi trục xuất linh mục Đặng Hữu Nam khỏi địa phương, theo RFA. Ngày 30/11, hội nghị các tổ chức đoàn thể tỉnh Nghệ An, gồm hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, họp tại UBND xã Khánh Thành, huyện Yên Thành để “lên án linh mục Đặng Hữu Nam và đòi trục xuất ông ra khỏi địa phương”. Những người này cho rằng, linh mục Đặng Hữu Nam gây xáo trộn đời sống của họ.

Mời đọc thêm: Đề xuất tù tại gia là “ý tưởng hay” nhưng có phù hợp thực tế Việt Nam? (VOV).

Cán bộ “ăn” đất

Báo Tiền Phong đưa tin: Đất ruộng bị múc trộm, chính quyền chây ì xử lý. Hàng ngàn m2 đất nông nghiệp tại huyện Văn Lâm (Hưng Yên) bị lãnh đạo thôn múc trộm đem bán, bỏ túi. Hàng chục mẫu đất của 30 hộ dân biến thành ao hồ, mất nơi canh tác. Sự việc bị phát giác, lãnh đạo thôn đến nhà các hộ dân dụ dỗ, hòa giải.

Chính quyền xã nói “đã lập biên bản xử lý” và cho rằng số lượng đất bị múc đi dùng đắp bờ chứ chính quyền thôn không đem bán. Tuy nhiên, khi phóng viên muốn xem biên bản thì lãnh đạo xã không đưa. Theo phóng viên quan sát, “số lượng đắp đường chỉ chiếm rất nhỏ trong số diện tích đất nông nghiệp bị múc trộm”.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Bị hàng xóm xây nhà nhầm trên đất của mình. Vợ chồng bà Nguyễn Thị Tám bị hàng xóm là ông Mười xây dựng nhà trên lô đất 200m2. Bà Tám khởi kiện ra TAND huyện Hàm Thuận Bắc yêu cầu ông Mười trả lại đất, nhưng tòa không buộc ông Mười trả lại đất.

Nghi ngờ cán bộ TAND và ông Mười thông đồng, chạy án, bà Nguyễn Thị Tám nộp đơn kháng cáo. Ông Mười không chỉ xây nhà ở trên đất của vợ chồng bà Tám mà còn lấn chiếm 28m2 đất công quy hoạch đường đi. Không biết phía sau ông Mười là thế lực nào mà ông ngang nhiên chiếm đất của người khác một cách dễ dàng như vậy?

Mời đọc thêm: Người dân gánh khổ khi chính quyền giải quyết bất nhất (!?) (NĐ&ĐS). – Hà Nội lên danh sách gần 1.700 dự án thu hồi đất (TP). – Bất ngờ việc thu hồi loạt dự án ôm đất vàng rồi bỏ hoang: Nhiều chủ đầu tư bất hợp tác (DT). – 80% án kiện hành chính tại Hải Phòng liên quan đất đai, bồi thường (ĐTCK). – Nguy cơ suy thoái tài nguyên đất ở Đồng bằng sông Cửu Long (QĐND).  

Bòn rút ngân sách

Sai phạm hàng trăm tỷ, có dấu hiệu tham nhũng, thông đồng bỏ túi riêng, nhưng Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận tự nhận kỷ luật khiển trách, theo báo Sài Gòn Giải Phóng. Ông Tề Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận và nhiều cấp phó tự đưa ra hình thức kỷ luật cho bản thân là “khiển trách”.

Lưu ý, Công ty Tân Thuận của ông Dũng liên quan đến rất nhiều vụ sai phạm bán cổ phần của doanh nghiệp nhà nước, gây thất thoát lớn cho ngân sách và có quan hệ mật thiết với phe cánh cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải. Hiện ông Dũng đã bị đình chỉ công tác vì có hành vi cản trở điều tra sai phạm, nhưng ông vẫn được đảng cộng sản TP HCM cơ cấu làm đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Báo Pháp Luật Việt Nam có bài: Qua thời ‘chia ghế’ đến thời ‘dẹp ghế’. Mạnh ai nấy đục khoét ngân sách, “ăn” trên xương máu của dân, từ thời “vẽ” ra đủ các hội, nhóm, tổ chức, các cục, tổng cục để chia nhau chức tước. Ngân sách bộ máy chi cho cán bộ chiếm đến hơn 60% thì còn tiền đâu cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội? “Hà Nội phải chi ngân sách để cấp phụ cấp cho số cán bộ kiêm nhiệm các chức danh là 1.079 tỷ đồng”.

Mời đọc thêm: Lâm Đồng: Cán bộ ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản lĩnh án 12 năm tù (DT). – Công an xác minh vụ cán bộ QLTT Hà Tĩnh bị tố hành hung chị dâu dã man (Infonet). – Công an vào cuộc xác minh vụ cán bộ quản lý thị trường hành hung chị dâu vì mâu thuẫn tiền bạc (TQ). – Tổng cục Môi trường lên tiếng về việc bổ nhiệm nhân sự — 17 lãnh đạo, cán bộ “nhúng chàm” vụ Thuỷ điện Sơn La sắp hầu tòa (DT). – Dân Việt Nam vẫn tiếp tục làm ‘miệt mài’ để nuôi cán bộ (NV).

Thiếu tá công an qua lại với kẻ gian

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Tạm đình chỉ công tác thiếu tá đăng ảnh ăn nhậu với đương sự. Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, họ đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Thiếu tá Vương Thành và thay đổi điều tra viên, không cho Thiếu tá Thành tham gia điều tra vụ án “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, Công an TP Huế khởi tố Lê Hoài Lộc về hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt 2 xe ô tô mang đi bán. Một xe bị bán cho Đồng Văn Đạt, ở Nghệ An, nên thiếu tá Thành được cử đến đây làm việc. Tuy nhiên, thiếu tá Thành đã đi ăn nhậu thân thiết với đương sự vụ án khi truy tìm xe gian, thậm chí còn chụp hình đăng lên trang cá nhân, theo báo Dân Trí.

Thiếu tá Thành khoác vai đương sự nhậu, tuy nhiên lại trả lời “bữa nhậu đó do các đồng nghiệp đang công tác tại Công an Nghệ An mời nên thiếu tá Thành cũng bất ngờ khi có mặt anh Đạt tại cuộc nhậu”.

Mời đọc thêm: Kỷ luật thiếu tá công an ăn nhậu với đương sự trong lúc làm nhiệm vụ (TT). – Được cử đi xác minh vụ án, thiếu tá công an đăng ảnh đi nhậu với đương sự gây xôn xao (CL&XH).

Lãnh đạo lại muốn “vặt lông vịt”

Thời Báo Kinh Tế Việt Nam dẫn số liệu từ chính quyền khoe “thành tích”: Thuế thu nhập cá nhân, bảo vệ môi trường góp 120.000 tỷ vào ngân sách. Theo đó, nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường và thuế thu nhập cá nhân “chiếm đến 13% tổng thu nội địa và 10% tổng thu ngân sách nhà nước…”

Trong hơn 11 tháng qua, thuế thu nhập cá nhân thu được 82,5 ngàn tỷ đồng; thuế bảo vệ môi trường thu được 38,3 ngàn tỷ đồng. Tất cả hai nguồn thu trên đều bù đắp vào thâm thủng ngân sách thay vì để dành một phần chi bảo vệ môi trường như tên gọi của nó.

Báo Tri Thức Trẻ đặt câu hỏi: Tại sao người dân sẽ luôn phải chịu giá điện cao? EVN báo lỗ 1.300 tỷ đồng trong năm 2017, chuẩn bị cho một kế hoạch điều chỉnh giá điện trong năm 2019. “Những điều này đã đặt ra câu hỏi về tính độc quyền của doanh nghiệp này trên thị trường. Thế nhưng, nếu mở toang cửa thị trường, mọi chuyện có được giải quyết?”

TS Nguyễn Tuệ Anh dẫn chứng một vài nước không thành công trong việc bỏ độc quyền ngành điện để cổ súy cho việc tăng giá: “Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra người dân sẽ phải chịu giá điện cao cũng như không hi vọng vào một sự cạnh tranh”. Tuy nhiên, bà Anh không tính đến yếu tố thiếu minh bạch trong giá điện ở Việt Nam.

Mời đọc thêm: Dùng tiền ngân sách như thế nào mới là điều quan trọng! (DĐDN). – EVN lãi gần 2.800 tỷ đồng từ sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 (ĐT). – Quảng Trị: Chi tiêu ngân sách trái quy định, phải xử lý 160 tỷ đồng (DT). – Phải tạo sức ép công khai, minh bạch cho DNNN (ĐTTC). – Bất cập trong quản trị DNNN (ĐT). – Tỉnh, bộ ôm vốn ngàn tỷ, cố níu giữ lợi ích riêng (VNN).

Môi trường chết dần

Báo Tiền Phong đưa tin: Cá chết trắng mặt nước tại hồ điều hòa ở thành phố Vinh. Những ngày qua, hồ điều hòa Cửa Nam, Vinh, Nghệ An xuất hiện tình trạng cá chết bất thường, nổi trắng mặt nước. Quan sát tại hồ, “nước đen ngòm, cá chết nổi trắng mặt hồ, mùi hôi thối nồng nặc. Theo những người dân sở tại, tình trạng nước ô nhiễm, bốc mùi xảy ra đã lâu nhưng hiện tượng cá chết thì mới diễn ra trong những ngày gần đây”.

Cá bớp chết hàng loạt ở Quảng Ngãi, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng, theo báo Sài Gòn Giải Phóng. Có trên 2.000 con cá chết với trọng lượng từ 3 – 6kg và hàng ngàn con 2 tháng tuổi cũng chung số phận. Chính quyền và truyền thông “lề đảng” tuyên bố cá bớp chết do… hậu quả bão số 9. Trong khi cơn bão này ảnh hưởng mạnh nhất ở khu vực Sài Gòn và miền Đông Nam Bộ.

Dân bắt giữ người để phản đối dự án điện mặt trời tại Bình Định, theo RFA. Người dân xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định tiếp tục bắt giữ cán bộ về địa phương khảo sát dự án điện mặt trời. Theo kế hoạch, phía chính quyền sẽ tìm cách đối thoại và giải thích với người dân hôm nay, 4/12/2018.

Người dân cho biết, “họ lo ngại rằng dự án nhà máy điện mặt trời sẽ gây ô nhiễm môi trường, đổ thải ra biển, làm cho hải sản nuôi của người dân bị tác hại. Ngoài ra, người dân nghi ngờ chủ đầu tư nói làm dự án điện mặt trời nhưng mục đích là để khai thác titan tại khu vực”.

Mời đọc thêm: Cá ở hồ điều hòa thành phố Vinh chết do nước ô nhiễm (VNE). – “Lá phổi xanh” bốc mùi hôi thối làm đảo lộn cuộc sống người dân Vinh (VOV). – Dùng quỹ đất hai bên để cải tạo rạch ô nhiễm nhất TP.HCM (PLTP). – Ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng: Giám sát còn lỏng lẻo (HNM). – Hà Nội: Báo động ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng (MT&ĐT). – Lò giết mổ gia súc gây ô nhiễm khu dân cư (NNVN).

Nền giáo dục mục nát

Trước sự phản ứng gay gắt từ người dân, hiệu trưởng trường xảy ra vụ 231 cái tát nói: Lấy lời khai không có gì sai, theo Infonet. Ban giám hiệu Trường THCS Duy Ninh yêu cầu 23 học sinh lớp 6/2 “viết lời khai” về 231 cái tát. Hầu hết những câu trả lời của học sinh đều cho thấy bị áp lực từ phía nhà trường, nhằm gỡ tội cho cô giáo. Hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh thừa nhận, có sự việc “điều tra” nhưng cho rằng, chuyện điều tra 23 em học sinh bằng việc “lấy lời khai” này “không có gì sai trái”.

Zing đưa tin: Điều tra học sinh tát bạn 231 cái, trường bị kiểm điểm. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh Võ Thái Hòa, cho biết, “đã nắm được việc trường THCS Duy Ninh gửi phiếu điều tra học sinh. Đây là việc làm không phù hợp, Phòng GD&ĐT không tán thành và đã gửi công văn yêu cầu trường kiểm điểm”.

Mời đọc thêm:  Nữ hiệu trưởng giải thích việc “hỏi cung” học sinh vụ 231 cái tát (NLĐ). – ‘Hỏi cung’ học sinh sau sự việc phạt tát học sinh 231 cái, Hiệu trưởng nói gì? (VTC). – “Hỏi cung” học sinh về 231 cái tát: “Tội ác không có điểm dừng”. – Học sinh bị tổn thương về sức khỏe tâm thần: Thiếu tới 70.000 giáo viên tham vấn (DT). – Cà Mau: Nỗi khổ của giáo viên làm việc hơn 7 năm chỉ 1 bậc lương (MTG). – Trường ‘lấy lời khai’ học sinh: sự cùng quẫn của đạo đức? (VNTB).

***

Thêm một số tin: Xử Tất Thành Cang: Dư luận đang nhìn vào Nguyễn Phú Trọng! (VNTB). – Chống tham nhũng: Cần giơ cao đánh trúng (ĐĐK). – Nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình sắp hầu tòa (VNF). – Không để bà con Thủ Thiêm phải kéo ra Hà Nội dịp Tết (TT). – 11 tháng: Cả nước xảy ra 16.820 vụ tai nạn giao thông (DS). – Bà Phan Thị Mỹ Thanh được điều động đến vị trí mới sau khi bị kỷ luật (Zing). – Cần câu trả lời cho dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng (NLĐ). – Triển lãm và hội thảo về Trương Vĩnh Ký ở Nam California (VOA).

 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây