FB Ngụy biện – Fallacy
7-6-2018
Gần đây, vị đại biểu quốc hội Nguyễn Đức Kiên, khi trả lời câu hỏi phóng viên về dự luật đề xuất cho nước ngoài thuê đất đến 99 năm tại các đặc khu kinh tế (đang được quốc hội thảo luận và bỏ phiếu vào ngày 15/6 tới), đã có những phát biểu gây tranh cãi. Bài viết sẽ phân tích ngụy biện một luận điểm đáng chú ý nhất của Nguyễn Đức Kiên trong phần trả lời phỏng vấn trên và trao đổi thêm về dự luật đặc khu kinh tế đáng lo ngại này.
1- CÁC NGỤY BIỆN CỦA NGUYẾN ĐỨC KIÊN
Đầu tiên, chúng ta xem xét nguyên văn câu trả lời của Nguyễn Đức Kiên. (Trích: TS Nguyễn Đức Kiên: Đặc khu cho thuê đất 99 năm là vô nghĩa – VN Finance)
PV: Về vấn đề an ninh – quốc phòng, ông có lo ngại khi thời gian thuê đất dài và các đặc khu nằm ở vị trí khá nhạy cảm?
Nguyễn Đức Kiên: Tại sao cứ sợ ảnh hưởng của Trung Quốc tại các đặc khu. Tại sao ở Úc, Pháp, Mỹ… đều có Chinatown. Ở California mình có Little Saigon. Ở đó toàn người Việt, nói bằng tiếng Việt, thì bang California có lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng hay không? Thế giới hiện nay là phẳng, Việt Nam đã gia nhập WTO, cùng các hiệp định thương mại, anh lấy quyền gì mà ngăn cách người ta. 32-36% thương mại của Việt Nam là với Trung Quốc, chúng ta không thể cấm họ đầu tư vào Việt Nam, thay vào đó nên đặt vấn đề là làm sao thu hút và tối đa hoá hiệu quả của dòng tiền này. Vấn đề là phải nâng cao trình độ kinh tế, để nguồn vốn của người Trung Quốc sang đây là phục vụ mục đích phát triển của mình. Đó mới là điều đáng bàn. Quy định cho thuê đất đến 99 năm theo tôi là bất hợp lý xét về khía cạnh kinh tế. Còn đừng đánh đồng nó với góc độ an ninh – quốc phòng. Việt Nam đang rất cần dòng vốn từ nước ngoài, từ bất kỳ nước nào đều tốt cả. Cái quan trọng là cách thức mình quản lý ra sao. (hết trích).
–> NGỤY BIỆN SO SÁNH ẨU (faulty analogy http://goo.gl/1XjuRW, xem ví dụ 20 https://goo.gl/bUj6JH). Ngụy biện này ý rằng, hai sự việc chỉ giống nhau một khía cạnh nhỏ, còn khác nhau hoàn toàn các khía cạnh khác nên so sánh chúng với nhau là ngụy biện.
Ở đây ông Kiên so sánh đặc khu kinh tế VN với các khu phố người Hoa hay người Việt tại Úc, Pháp, Mỹ là so sánh ẩu và thiển cận. Các khu phố người Hoa, người Việt tại các nước phát triển là nơi sinh hoạt, trao đổi kinh tế, văn hóa, giáo dục của những người mang quốc tịch các nước phát triển ấy nhưng có gốc Hoa (hoặc gốc Việt). Họ phải hoạt động theo pháp luật nước sở tại, bị kiểm soát bởi cảnh sát, chính quyền nước sở tại, và diện tích thường chỉ là rất nhỏ, chẳng hạn một vài con đường, một khu phố nhỏ. Còn đặc khu kinh tế theo dự luật đặt ra là một vùng rộng lớn như một thành phố nhỏ, có đường biên giới được xác định và người Việt Nam thậm chí nếu muốn vào cũng đòi hỏi phải có giấy tờ đặc biệt. Nguy cơ an ninh quốc phòng từ đây mà ra, khi mà quyền tự quyết của các doanh nghiệp nước ngoài thuê đất tại các đặc khu quá lớn, có thể cài cắm, bén rễ người nước ngoài vào đây trong thời gian quá dài.
Nói chung là hai hình ảnh quá khác nhau, không thể so sánh với nhau được. So sánh ẩu, liên hệ hai sự việc nhìn loáng thoáng tương đồng, nhưng lại khác xa nhau, để làm thay đổi bản chất sự việc đang bàn chính là một kiểu ngụy biện lợi hại và hay được dùng, như trường hợp này của ông Kiên.
–> NGỤY BIỆN LẢNG TRÁNH CHỦ ĐỀ (avoiding the issues https://goo.gl/6KDa8o, xem ví dụ 28:https://goo.gl/r3ChdN ): ngụy biện khi ai đó sẽ trả lời một luận điểm bằng cách đi vòng vèo các vấn đề xung quanh, và tránh né hay không trả lời các ý chính trong luận điểm đó. Ngoài việc so sánh ẩu để giảm nhẹ tính nghiêm trọng của sự việc, ông Kiên còn dành nhiều thời gian để nói qua khía cạnh kinh tế của các đặc khu này và không có bất kỳ phân tích trực diện vào khía cạnh nguy cơ an ninh quốc phòng mà phóng viên đặt câu hỏi.
Thật ra cả ba đặc khu Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc đều có vai trò và vị trí rất nhạy cảm, quan trọng về an ninh, quốc phòng của Việt Nam.
Vân Đồn là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh, có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc nhìn ra Vịnh Bắc Bộ. Về mặt lịch sử, Ngô Quyền chống quân Nam Hán trận Bạch Đằng, Lý Thương Kiệt chống quân Tống, Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông đều dùng Vân Đồn như là một tiền đồn để ngăn chặn thủy quân Trung Quốc. Đặc biệt Lý Thường Kiệt khi lập phòng tuyến Sông Cầu để chống quân Tống đã dùng Vân Đồn như là căn cứ của thủy quân, nhờ đó ngăn chặn thành công thủy quân Tống và khiến cho quân Tống bại trận.
Vân Phong (Khánh Hòa) có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ Miền Trung nhìn ra Biển Đông. Ngoài ra đây còn lại là một cảng nước sâu quan trọng cho trung chuyển tại Miền Trung, sau khi cảng nước sâu khác, Sơn Dương (Vũng Áng, nơi đặt Formosa) hầu như đã bị Trung Quốc “nắm”. Ngoài ra Vân Phong nằm ngay sát quốc lộ 1A, cách biên giới Campuchia khoảng 130 km ở Tây Nguyên. Là nơi gần nhất với các căn cứ quân sự Trung Quốc tại Trường Sa. với tình hình Trung Quốc đang ngày càng bành trướng biển Đông, Vân Phong càng đóng vai trò quan trọng hơn về quốc phòng và an ninh.
Bên cạnh đó, Phú Quốc có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía cực Nam nhìn ra Ấn Độ Dương. Tuy cách bờ biển VN 50km, nhưng Phú Quốc lại chỉ cách Campuachia 30km. Trong khi hiện Trung Quốc đã thuê lâu dài hai thành phố Campuchia, Sihanoukville và Bokor, gần đó với đường bờ biển dài 90km để làm cảng nước sâu, nếu có thêm được Phú Quốc, họ sẽ hình thành nên một tam giác chiến lược để khống chế Ấn Độ Dương và phía nam Việt Nam.
Ở đây không biết ông Kiên đã cố ý né tránh hay không đủ kiến thức để nhận biết rõ sự quan trọng của ba đặc khu với an ninh, quốc phòng của Việt Nam nên mới trả lời ngụy biện như vậy.
2- (ĐẶC) KHU KINH TẾ LỢI HAY HẠI?
Việt Nam hiện có 18 khu kinh tế (Special Economic Zone – SEZ ) trải dài từ Nam ra Bắc, đều nằm ven biển và ra đời từ một Nghị định chính phủ (văn bản dưới luật) năm 2008 (nguồn: Wikipedia). Trong 18 khu kinh tế này, ba khu – Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) – dự định được nâng cấp lên thành “đặc khu” và sẽ hoạt động dưới một cơ sở pháp lý của một văn bản luật mạnh hơn là “Luật Đơn Vị Hành Chính – Kinh Tế đặc biệt” hay còn gọi là “Luật đặc khu” do Quốc hội xem xét bấm nút thông qua vào ngày 15/6 tới.
Tuy nhiên đã có rất nhiều ý kiến phản biện từ nhiều chuyên gia cho rằng thời của các đặc khu đã qua và mô hình đặc khu không thích hợp với tình hình địa chính trị Việt Nam hiện nay.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng khả năng thành công của mô hình đặc khu theo luật này sẽ là rất thấp với 5 nguyên nhân. Thứ nhất là chính sách nằm sau Luật đặc khu thiếu cơ sở thực tiễn. Thứ hai là tư duy chính sách chủ yếu vẫn chỉ là 1.0 – tức là cố thu hút thêm FDI bằng lợi thế so sánh tryền thống cùng những ưu đãi kịch trần và vượt khung, thậm chí không ngần ngại mở casino cho cả người Việt Nam vào chơi. Thứ ba là với thiết kế như hiện nay, không có gì đảm bảo các đặc khu sẽ có tính bền vững về kinh tế và giúp tạo ra các ngoại tác tích cực như nâng cấp và chuyển đổi cơ cấu cũng như thúc đẩy cải cách kinh tế trên diện rộng. Thứ tư là nguy cơ nhìn thấy trước của việc chính quyền đặc khu sẽ bị thiếu nguồn lực, năng lực, và thẩm quyền (cả thẩm quyền theo luật định và thẩm quyền trên thực tế) cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình. Cuối cùng là vị trí xung yếu và nhạy cảm của ba đặc khu, có thể không phải là những địa điểm thích hợp để thử nghiệm chính sách trong bối cảnh địa kinh tế và địa chính trị hiện nay, ví dụ như Vân Đồn quá sát Trung Quốc, sẽ khó có khả năng thu hút các công ty công nghệ cao ở các cường quốc khoa học và công nghệ ở Châu Á và phương Tây. (Xem thêm: TS Vũ Thành Tự Anh: Khả năng thành công của đặc khu là rất thấp – VN Finance).
Giáo sư Trần Văn Thọ từ Nhật Bản, thành viên tổ tư vấn thủ tướng, trong một trao đổi với một người bạn, cũng cho rằng đặc khu kinh tế là một mô hình đã lỗi thời và cho rằng Quốc hội nên hoãn việc thông qua quyết định về đặc khu kinh tế để tiếp tục bàn thảo. Ông viết : “Tôi thấy không cần đặc khu kinh tế nữa, phải chi làm từ hồi đầu thập niên 1990, lúc đó mới cần và hiệu quả hơn. Các địa điểm chọn lựa cũng có vấn đề. Riêng Vân Đồn, rất gần Hải Phòng là nơi đã có sân bay, có đầy đủ hạ tầng và đang thu hút đầu tư nước ngoài khá manh. Tôi có đến Vân Đồn hai năm trước và có hỏi ý kiến nhiều công ty lớn của Nhật, hầu hết họ không quan tâm. Vậy khả năng Trung Quốc nhảy vào Vân Đồn rất cao. Trung Quốc không cần tính toán kinh tế”. (Xem thêm: ĐẶC KHU KINH TẾ, MỘT MÔ HÌNH ĐÃ LỖI THỜI – FB Hoàng Hải Vân).
Một phân tích đáng chú ý khác là của blogger Nguyễn Anh Tuấn, dựa vào một công trình nghiên cứu của hai học giả Douglas Zeng (TQ, World Bank), Hyung-Gon Jeong (Hàn Quốc, KIEP) về các mô hình đặc khu thành công ở Châu Á tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kong, Singapore và Dubai được công bố năm 2016. Trong bài báo này, hai tác giả này đã chỉ ra 10 điều kiện/yếu tố để một chương trình đặc khu có thể thành công, như là bài học cho các nước đang phát triển. Blogger Nguyễn Anh Tuấn đã so sánh, đối chiếu 10 yếu tố này với tình hình địa chính trị Việt Nam cũng như ba đặc khu, để kết luận rằng với đề án đặc khu của Việt Nam thì thành công chỉ là ảo tưởng. (Xem thêm status: ĐỀ ÁN ĐẶC KHU CỦA VIỆT NAM: ẢO TƯỞNG THÀNH CÔNG).
Phó giáo sư Võ Trí Hảo cũng đã có bài phân tích và chỉ ra bốn cách và hai giai đoạn mà Trung Quốc có thể lợi dụng để kiểm soát Vân Đồn, sau khi Luật Đơn Vị Hành Chính – Kinh Tế đặc biệt được thông qua. Giai đoạn 1 là chiếm đất, trong đó tác giả đã chỉ ra các thủ thuật, như việc công ty VN ban đầu thu mua đất rồi chuyển nhượng lại cho công ty con, vốn sẽ bị công ty nào đó của TQ chi phối, hay việc dùng các hợp đồng ủy quyền trong đó bên A (doanh nghiệp VN) ủy quyền cho bên B (doanh nghiệp TQ) để thuê lại nhà, đất trong khu đặc cư với thời hạn dài… Sau khi chiếm được đất thời gian dài, sẽ là giai đoạn hai: di cư, tạo bất ổn chính trị, ly khai và xin gia nhập Trung Quốc. (Xem thêm bài viết: Bốn cách & hai giai đoạn Trung Quốc có thể kiểm soát Vân Đồn – TD).
BÀI HỌC XƯƠNG MÁU TỪ CÁC ĐẶC KHU KINH TẾ SEZ CỦA CAMPUCHIA VÀ LÀO
Các nước láng giềng Việt Nam như Lào và Campuchia đều đã có các đặc khu kinh tế, và đều đang vướng vào các tình huống “đau thương”.
Đầu tiên là Lào, nước láng giềng có hình thái chính trị độc đảng cộng sảnh lãnh đạo tương tự Việt Nam và cũng tiếp giáp Trung Quốc. Lào đã có các đặc khu kinh tế vài năm trước, một trong số đó là đặc khu Kinh tế Tam giác vàng (GTSEZ) của Lào rộng 10.000 hecta lúc đầu thiết lập vào năm 2007 bởi chính phủ Lào và tập đoàn Hồng Kông Kings Romans Group. Tuy nhiên nơi đây đã trở thành một Trung Quốc thu nhỏ. Chúng ta xem trích đoạn một bài báo nói về khu GTSEZ này.
(Trích Một thế giới 2016: Lào trước cỗ máy bành trướng kinh tế của Trung Quốc): Đằng sau ánh đèn hào nhoáng của sòng bạc The Kings Romans là khu “Chinatown” chứa đầy các nhà hàng và những tiệm massage trá hình. Bên cạnh đó, còn có sở thú, sân golf và những bãi đậu xe rộng thênh thang.
Tại đây, tập đoàn đến từ Hồng Kông còn dự định xây thêm một khu công nghiệp và sân bay quốc tế. Ước tính tại GTSEZ sẽ có khoảng 200.000 người sinh sống và làm việc.
Đa số những người làm việc tại đây đến từ TQ và Myanmar. Đồng hồ và thời gian sinh hoạt trong đặc khu kinh tế này được điều chỉnh theo giờ của TQ, còn hầu hết các cửa hàng và dịch vụ thì từ chối thanh toán bằng tiền kip của Lào. Các tòa nhà và cơ sở bên trong đặc khu được xây dựng lòe loẹt theo kiểu giống như một “Tử Cấm Thành thu nhỏ”. Như lời mô tả của Moe Kyaw, một người làm việc tại đây đến từ Myanmar nói “Khách sạn TQ, thanh toán bằng tiền TQ, kiến trúc theo kiểu TQ. Đây chẳng khác nào là một đất nước TQ thu nhỏ!”.
GTSEZ hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền địa phương. Stuart Ling, chuyên gia tư vấn về nông nghiệp tại vùng Bokeo cho biết: “Trên giấy tờ, GTSEZ không thuộc về Lào mà tồn tại như một vùng có quyền tự chủ riêng biệt”.
Theo chuyên gia Ling, dù trên danh nghĩa, đặc khu được đồng quản lý bởi chính phủ Lào và tập toàn Hồng Kông, tuy nhiên những hoạt động tài chính lại hết sức mờ ám và không ai thật sự biết rõ về tình hình thu chi tại đây như thế nào. (hết trích).
Lưu ý, Vân Đồn của Việt Nam cũng rất gần biên giới Trung Quốc và cũng đang tính mở các casino, nghĩ dưỡng trong đặc khu, giống như GTSEZ.
Campuchia cũng đã có nhiều đặc khu kinh tế. Trong một bài báo đáng chú ý công bố tháng 7/2017 cho một nghiên cứu về thực tế và mô hình SEZs tại hai nước Campuchia và Myanmar ở đồng bằng Mê Kong bởi tiến sĩ Charlie Thame, Đại học Thammasat, Bangkok, Thái Lan – tác giả đã chỉ ra các trải nghiệm và phân tích thực tế tại các đặc khu ở hai đất nước này (Nguồn: https://bit.ly/2Lkasi3). Admin xin trích dẫn các tình huống liên quan đến đặc khu của Campuchia trong bài nghiên cứu.
Thứ nhất là nhiều nơi điều kiện làm việc của các công nhân địa phương trong các khu công nghiệp tại Campuchia rất tồi tệ, có người còn ví nó như nô lệ, do không có công đoàn bảo vệ (thành viên công đoàn khó đặt chân vào các công ty và khó xin việc tại đặc khu), hay không có nhân quyền,và các công ty trong đặc khu được bao che bởi chính quyền đặc khu… Thứ hai quân đội Campuchia tại các khu đặc khu lại cấu kết chặt chẽ với quan chức, doanh nghiệp nước ngoài để (thậm chí) trấn áp người lao động địa phương khi họ đứng lên phản đối những bất công do chủ doanh nghiệp gây ra. Thứ ba là sự tham nhũng tồi tệ, quan chức và doanh nghiệp trong các đặc khu mốc nối nhau, và cả những quan chức điều hành ở tầm cao đã tác động đến các đặc khu và dùng tiền bôi trơn cũng trở thành một “lệ làng” ở đây. Tiền đầu tư vào SEZ sẽ rơi vào tay đáng kể những quan chức tham nhũng từ chính phủ đến địa phương này (Việt Nam rất giống)
Trong nghiên cứu này, tiến sĩ Charlie Thame còn đưa ra các thống kê đáng chú ý, như việc năm 2007 có tổng cộng 68 triệu người làm việc trong các khu SEZ toàn thế giới, trong số đó người Trung Quốc chiếm đến 40 triệu, hay tổng số công nhân làm trong SEZs ở toàn châu Á chiếm 85% SEZs toàn cầu. Bài báo còn nhắc đến các sự việc khác như sốt đất, người dân bị cướp đất, môi trường bị tàn phá hay chảy máu tài nguyên, dòng vốn tưởng chừng chảy vào quốc gia sở tại, lại chảy ngược lại vào quốc gia đầu tư.
3- KẾT
Như các phân tích ở trên, rõ ràng vị trí các đặc khu quá nhạy cảm, luật đặc khu còn thiếu sót và có thể bị các tập đoàn nước ngoài kết nối, mua chuộc quan chức, các công ty bình phong để lợi dụng và thao túng. Dự luật ít đề cập Trung Quốc, chỉ nói về nhà đầu tư nước ngoài chính yếu, nhưng không thể không tính đến nguy cơ từ các doanh nghiệp Trung Quốc vì sau lưng họ là sự hậu thuẫn từ chính quyền Trung Quốc, để phục vụ cho phục vụ mục tiêu chính trị của chính quyền họ. Với việc thừa hơn 40 triệu đàn ông (Nguồn https://bit.ly/2HtFsK1) và mưu đồ bành trướng, chiếm hải đảo và khống chế Việt Nam lâu dài, Trung Quốc có đủ động lực và điều kiện để đẩy người Trung Quốc di dân vào các vùng đặc khu Việt Nam với lá bài đầu tư, cắm chốt tại các vùng đặc khu rất quan trọng về an ninh quốc phòng này.
Dự luật đặc khu cũng có nhiều điểm đáng lo lắng, như việc thời hạn cho thuê quá lâu (70 – 99 năm), trao quá nhiều quyền cho chủ tịch đặc khu, trong khi việc đề cử chức vụ này lại do Bộ nội vụ đưa ra, như việc cho phép các kinh doanh và sản xuất các mặt hàng vũ khí quân dụng trong đặc khu … Tuy nhiên đưa ra một khuôn khổ pháp lý cho đặc khu là một chuyện, thực tế mô hình địa chính trị Việt Nam hiện nay có phù hợp để làm đặc khu hay không là chuyện quan trọng hơn. Các nhận định, phân tích logic của các chuyên gia uy tín đã cho thấy mô hình đặc khu kinh tế SEZ đã lỗi thời, không còn quá thích hợp cho thời đại không gian mở, kết nối thế giới như hiện nay.
Một làn sóng phản đối dự luật cao độ đang bùng bổ mạnh mẽ tại Việt Nam vài ngày qua. Tuy nhiên, có vẻ nhiều khả năng Quốc hội VN sẽ bấm nút thông qua điều luật này vào ngày 15/6 tới. Bà chủ tịch quốc hội VN Nguyễn Thị Kim Ngân bảo rằng “Bộ chính trị” đã quyết làm, nên Quốc hội phải bàn cho ra luật (Chủ tịch Quốc hội: Phải bàn để ra được luật đặc khu – VnEconomy). Quốc hội VN “có tiếng” hình thức là đại diện dân, là cơ quan quyền lực cao nhất nước, nhưng “không có miếng” vì có đến 96% thành viên là đảng viên nên nếu cần đều phải chấp hành bấm nút theo điều lệ của đảng mà thôi.
Bài viết dài này vừa là phân tích ngụy biện của Nguyễn Đức Kiên, nhưng cũng là nhân tiện chính yếu trình bày các vấn đề đáng lo lắng với dự luật đặc khu mà Quốc hội VN đang xem xét. Admin rất mong bạn đọc lưu tâm vấn đền này và mạnh dạn lên tiếng để giúp Việt Nam không rơi vào mối họa mất nước trong tương lai sắp tới.
P/s: Đây là bài viết số 27 trong album “Các phân tích ngụy biện (fallacy) tổng hợp phức tạp” (https://goo.gl/N0quXv), một trong bảy album chính của page Ngụy biện – Fallacy.
Mục lục toàn bộ bài viết và bảy album của page có thể xem lại tại https://goo.gl/G2SThz