Nguyễn Đình Cống
8-8-2018
Gần đây quyển sách GẠC MA VÒNG TRÒN BẤT TỬ gây ra hiện tượng sôi động trong thông tin đại chúng. Người ủng hộ khá đông, người phản đối không ít và có vài người chống lại đến mức gần như điên cuồng. Tạm chia mọi người thành ba bên. Bên phản đối, bên làm sách và bên trung gian.
Bên phản đối, lực lượng tỏ ra khá mạnh, với tướng Hoàng Kiền là người đầu tiên. Tiếp theo là trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, đại tá Khuất Biên Hòa, là nhiều tướng tá và cán bộ tuyên giáo. Họ sử dụng được khá nhiều báo chí và các trang mạng lề đảng. Họ phê phán người làm sách bằng những lời thù hận, cay độc, họ cho rằng quyển sách chứa nhiều độc hại, là công cụ của thế lực thù địch, nhằm chia rẽ lãnh đạo với quân đội và nhân dân, nhằm đâm dao vào sau lưng lãnh đạo ĐCS VN. Họ đòi phải tiêu hủy cuốn sách và xét xử người làm sách.
Bên làm sách gồm những người biên tập và người ủng hộ. Những người biên tập, đại diện là các ông Lê Mã Lương, Lê Kế Lâm, Nguyễn Văn Phước… Ngoài việc làm các công đoạn cần thiết để xuất bản và tổ chức buổi lễ giới thiệu sách, hình như họ không tham gia tranh luận và giải thích gì thêm. Những người ủng hộ, chủ yếu bằng hành động mua, phổ biến sách. Một số người viết bài, lên tiếng thì chỉ có thể công bố trên các trang mạng lề dân.
Bên trung gian là đại đa số nhân dân, đang theo dõi và trong khi đa số đã chọn được thái độ ủng hộ bên làm sách hay bên phản đối thì một số đang hoang mang.
Cả bên làm sách và phản đối đều nhân danh lòng yêu nước, thương nòi, đều tranh thủ bên trung gian.
Tôi biết sự kiện Gạc Ma từ nhiều năm trước. Sau khi đọc kỹ cuốn sách tôi tự đặt mình vào những người ủng hộ và đã viết vài bài phân tích (Tại sao mất Gạc Ma; Khoa học nên vào cuộc như thế nào). Tôi cũng nghe rất nhiều bài của bên phản đối để biết những lập luận của họ xem đúng sai chỗ nào. Thì ra phần lớn những người phản đối, mang danh tướng này, tá nọ, nhưng cách lập luận không khác mấy những dư luận viên tầm thường, nghĩa là họ chỉ giỏi ngón nghề vu cáo, chụp mũ, hù dọa, công kích cá nhân và lạc đề bằng cách dẫn ra nhiều sự kiện không liên quan gì đến cuốn sách. Tôi cũng nghe được vài bài khá hùng hồn, mang dáng dấp hùng biện, nhưng phần lớn cũng chỉ là ngụy biện mà thôi.
Bên phản đối chủ yếu dựa vào câu lệnh “Không được nổ súng trước” chứ không phải “Không được nổ súng” để suy luận ra nhiều tội ác. Họ thường bỏ qua nội dung chính của cuốn sách là sự hy sinh anh dũng và thảm khốc của 64 chiến sĩ, sự tàn độc và ăn cướp trắng trợn của Trung Cộng. Cũng có vài bài phản bác các ý kiến của người ủng hộ, ví dụ bài phê phán ý kiến của TS Tô Văn Trường.
Ban đầu tôi nhầm, cho đây là trận khẩu chiến hoặc bút chiến, nhưng không phải. Vì sao? Vì phần lớn chỉ có bên phản đối nói hoặc viết, còn bên làm sách, sau khi ra sách được rồi thì chủ yếu giữ im lặng. Chắc họ nghĩ rằng hãy để cho nhân dân đọc sách và phán xét. Tôi thấy nếu cứ kéo dài tình cảnh này thì chẳng có lợi gì, vì bên nào nói chủ yếu bên ấy nghe, chẳng ai thuyết phục được ai, mà một số người ở bên trung gian dễ nghe theo những kẻ to mồm hoặc có cương vị xã hội, lại được nấp bóng lãnh đạo Đảng. Việc làm như vừa qua đẩy đến sự chia rẽ dân tộc tăng lên, và đó là một tổn thất. Liệu có nên xử lý tổn thất này không và xử lý như thế nào.
Bên phản đối đề nghị đưa vấn đề cho Quân ủy Trung ương phân xử. Tôi cho rằng trong tình hình hiện nay thì không có tổ chức nào của Đảng, kể cả Hội đồng Lý luận và Bộ Chính trị có đủ trí tuệ và sự khách quan để xét xử công bằng vụ này. Chắc rằng một số cán bộ cấp cao, có trách nhiệm cũng thấy quá khó phân xử và cứ để một thời gian rồi mọi chuyện lại đâu vào đó, giống như câu dân gian hay nói: “để lâu cứt trâu hóa bùn”. Nếu như thế thì dân tộc này còn chịu chìm đắm trong vòng tăm tối.
Tôi đề nghị đưa việc này ra đối thoại công khai để cho toàn dân nắm được vấn đề và có ý kiến của mình. Ai sẽ đứng ra tổ chức và điều hành cuộc đối thoại này, lấy kinh phí từ đâu, tôi đã có dự kiến, nhưng xin được bàn sau.
Để đối thoại mỗi bên có một đại diện. Tôi đề nghị đại diện tạm thời cho bên làm sách là thiếu tướng Lê Mã Lương, đại diện cho bên phản đối là thiếu tướng Hoàng Kiền. Nếu một hoặc cả hai ông không nhận thì các ông đề cử người khác thay. Mỗi bên tập hợp một nhóm khoảng 5 người trực tiếp tham dự đối thoại. Những nhân vật này do người đại diện lựa chọn, mời hợp tác.
Cuộc đối thoại cần được tổ chức trong một hội trường khá rộng, có đủ chỗ cho vài ngàn người theo dõi tại chỗ, được truyền hình trực tiếp cho toàn dân xem, được thông báo trước để toàn dân biết.
Hiện nay rõ ràng là người làm sách đang bị một số người công kích, lên án. Ở các nước dân chủ người bị công kích có thể kiện ra tòa khi cho rằng những công kích đó là không đúng, là làm thiệt hại đến danh dự, đến nhân phẩm. Ở VN hiện nay không thể kiện kiểu này. Trong hoàn cảnh chưa có tự do báo chí thì chỉ có đối thoại công khai mới có thể bảo vệ sự thật và giúp cho đại đa số người dân hiểu được sự thật.
Khi đưa ra lập luận và chứng cứ để tranh luận, trừ trường hợp cố tình lừa bịp thì mỗi bên đều tự tin vào sự vững chắc lập luận của mình. Đó mới chỉ là chủ quan. Mức độ vững chắc của lập luận phải được thử thách bằng phản biện, bằng tranh luận. Mỗi vấn đề cần được trao đi đổi lại vài lần, tốt nhất là cho đến khi một bên không đủ lý lẽ để tranh luận tiếp, hoặc chỉ có thể cãi chầy cãi cối. Việc tổ chức các cuộc đối thoại công khai là dịp tốt để nâng cao dân trí.
Tôi nghĩ, hay là bên làm sách đưa ra lời thách bên phản đối tham gia đối thoại công khai. Chắc rằng bên phản đối sẽ tìm cách không chấp nhận hoặc trì hoãn. Nếu thế thì to mồm chửi rủa người ta mà làm gì. Ngạn ngữ có câu: “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết”. Nhưng hiện nay đến cửa quan chưa chắc đã biết được khôn ngoan mà chủ yếu biết mưu mô, thủ đoạn. Để có được, biết được khôn ngoan nên mở nhiều đối thoại công khai. Tôi xin kêu gọi mọi người hưởng ứng đề nghị này.