Bản tin Biển Đông ngày 8/8/2018

BTV Tiếng Dân

Bình luận xung quanh Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo COC Duy Nhất

Bình luận về sự kiện ASEAN và Trung Quốc đồng thuận về một Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo COC Duy Nhất, Học giả đến từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc Shen Shishun cho rằng những đề xuất của Trung Quốc trong Văn Bản này là nhằm mục đích làm yếu đi sự can thiệp và ảnh hưởng của Mỹ vào vấn đề Biển Đông.

TS. Koh Swee Lean Collin, nhà nghiên cứu đến từ Chương trình An ninh Hàng hải tại trường Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang thì cho rằng, không nên cảm thấy thoả mãn với sự đồng thuận này. Bởi lẽ, cho tới khi đạt được một Bộ quy tắc Ứng xử cuối cùng mà tất cả các bên cùng đồng ý, có thể là các sự cố lớn trên Biển Đông sẽ giảm, nhưng Trung Quốc và các quốc gia yêu sách khác vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động hiện tại của họ như thường lệ. Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai các khí tài quân sự ra các đảo nhân tạo Biển Đông. Tất cả các hoạt động sẽ được tiến hành dưới một danh nghĩa mơ hồ và khó hiểu là “chuẩn bị phòng thủ”.

Và thật vậy, ngày 4/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố nước ông sẽ tiếp tục giữ sự hiện diện quân sự trên Biển Đông, viện cớ nhằm “tăng cường nỗ lực mở rộng phòng thủ” trước những áp lực từ đối thủ “ngoài khu vực”, ám chỉ Mỹ.

Phản ứng của quốc tế trước những hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc

Phân tích các hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông, TS. Constantinos Yiallourides từ Anh Quốc cho rằng, những hành động này có thể cấu thành hành động “mở rộng lãnh thổ bất hợp pháp thông qua sử dụng vũ lực trái với luật quốc tế.” Bởi lẽ, dù Trung Quốc có bảo đảm  nước này “sẽ không sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ”, nhưng bằng cách quân sự hoá các đảo bị tranh chấp, Trung Quốc ép buộc các đối thủ của mình không có lựa chọn nào khác là phải chấp nhận hiện trạng lãnh thổ mới, nếu không họ sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh nhiều tổn thất với một cường quốc, có vị trí chiến lược trong khu vực.

Nếu các hành động của Trung Quốc bị quy là sử dụng vũ lực, theo luật quốc tế các nước khác có quyền thực hiện vũ trang tự vệ để đối phó với Trung Quốc, cũng như các bên thứ ba có thể can thiệp thực hiện các biện pháp đối kháng.

Tuyên bố chung các nước Mỹ, Úc, Nhật ngày 4/8 bên lề các Hội nghị cấp cao ở ASEAN thì bày tỏ mối quan ngại mạnh mẽ đối với các hoạt động quân sự hoá tại các thực thể vẫn còn đang tranh chấp ở Biển Đông, cũng như một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của Phán quyết trọng tài Vụ kiện Biển Đông năm 2016 đối với giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Trước đó, ngày 1/8, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Uỷ quyền Quốc phòng Mỹ cho năm 2019 (NDAA), với 14 hành động cứng rắn chống lại Trung Quốc bao gồm (1) hỗ trợ sáng kiến ổn định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; (2) xây dựng chiến lược rõ ràng về Trung Quốc và bắt buộc báo cáo lại cho quốc hội; (3) tăng cường khả năng sẵn sàng của lực lượng phòng vệ Đài Loan; (4) nâng cấp Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á cũ để bao trùm khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; (5) diễn tập phòng thủ tên lửa tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; (6) tập trận và hợp tác quân sự trong khuôn khổ Tứ giác Kim cương; (7) trao quyền cho Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; (8) giới hạn kinh phí tài trợ cho các chương trình tiếng phổ thông Trung Quốc; (9) mở rộng hợp tác quốc phòng và an ninh với Ấn Độ; (10) cho phép chuyển giao tàu hải quân cho Nhật Bản; (11) yêu cầu báo cáo thường niên cho quốc hội về các hoạt động quân sự, hàng hải và hàng không của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; (12) cho phép tiếp xúc quốc phòng cao cấp với Đài Loan; (13) hạn chế khả năng của Tổng thống Trump trong việc cắt giảm lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc; và (14) tăng cường hợp tác phòng thủ tên lửa với các đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Xem thêm: Toàn văn Đạo luật Uỷ quyền Quốc phòng Mỹ cho năm 2019; Congress fires a warning shot to China with defense budget.

Ngày 3/8/2018, Chỉ huy trưởng Cảnh sát biển Mỹ Karl Schultz cho biết hiện đang có một cuộc thảo luận về việc cảnh sát biển Mỹ sẽ được tăng cường tới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc liệu Mỹ sẽ gửi một tàu Cảnh sát biển tới khu vực hay không, nhưng Schultz cho biết có cơ hội để Mỹ hợp tác với các đối tác tại khu vực. Trên thực tế, lực lượng cảnh sát biển Mỹ đã làm việc chặt chẽ với Việt Nam khi nước này thành lập lực lượng bảo vệ bờ biển của riêng mình, Schultz tiết lộ, và Mỹ hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn trong khu vực.

Trên Tạp chí The National Interest, Patrick Cronin và Hunter Stires đến từ Center for New American Security đề xuất Mỹ nên có những hoạt động thích đáng để bảo vệ sự hiện diện liên tục và lâu dài của các tàu dân sự các nước trong khu vực trước sự can thiệp của Trung Quốc. Hai nhà nghiên cứu cho rằng nếu Mỹ thành công trong việc chính quy hoá những hoạt động bảo vệ này, Trung Quốc sẽ buộc phải tôn trọng tự do hải hành dân sự và kiềm chế các hành động có tính chất cưỡng bức ở Biển Đông.

Những nguyên tắc của luật quốc tế có thể đứng vững hay bị sụp đổ là tùy thuộc vào việc các tàu dân sự có thể tự tin hoạt động tự do ở bất kỳ đâu trên biển trong phạm vi của những quyền mà họ được hưởng theo luật quốc tế, theo hai tác giả.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây