Điều gì sẽ xảy ra khi bạn đấu tranh?

Thái Hạo

10-7-2021

Trong stt liền trước (“vài nhận định bước đầu“), tôi đã thử nêu một câu hỏi, vì muốn tham khảo và quan sát ý kiến của cộng đồng (phản biện để mong nó sửa chữa hay để im cho quá trình “tự phân hủy” được diễn ra nhanh hơn?) thì đã nhận được rất nhiều ý kiến nghiêng về lựa chọn thứ 2.

Thành phố cần một cuộc đại phẫu

Nguyễn Đắc Kiên

10-7-2021

TS Vũ Thành Tự Anh. Ảnh: HMC

1. Hôm trước trả lời phỏng vấn tờ Zingnews, TS Vũ Thành Tự Anh có nói ý rằng: “TP.HCM đã không còn là cảm hứng cho quốc gia về cải cách” (1). TS Anh cho rằng suốt 10 năm qua, các tỉnh không còn đến TP.HCM để học hỏi kinh nghiệm cải cách nữa.

Câu nói của TS Anh làm tôi nhớ lại thời gian hơn 10 năm trước, năm 2008, lần đầu tiên tôi vào TP.HCM làm báo. Khi đó tôi đã hết sức ấn tượng với cách làm việc chuyên nghiệp và cởi mở của chính quyền thành phố (những nơi tôi tiếp xúc (2)), nhất là khi so sánh với đội ngũ cán bộ ở Hà Nội thời bấy giờ.

Nhưng nay, sau khi chuyển vào sinh sống tại thành phố hơn 5 năm, thì tôi lại thấy một bộ mặt khác. Nhiều vị cán bộ thành phố tôi có dịp tiếp xúc thời gian gần đây làm tôi nhớ đến bộ mặt của các “ông quan cách mạng” thủ cựu, hách dịch của miền Bắc những năm 99, 2000.Thành phố đã không chỉ thụt lùi so với chính mình mà có lẽ còn bị tụt lại phía sau nhiều địa phương khác. Đó không chỉ là lời cảnh báo, mà có vẻ nó đã thành sự thật rành rành với cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra gần 2 tháng qua.

Với đợt dịch Covid-19 này, có lẽ chính quyền TP.HCM đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong suốt nhiều năm (thậm chí hàng thập kỷ qua). Và với những gì đã và đang diễn ra, có thể nói cuộc khủng hoảng cũng đã phơi bày bộ mặt năng lực quản trị yếu kém của thành phố hơn bao giờ hết.Theo thông tin của tờ Zingnews, ngày 26/6/2021, phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu ký kế hoạch lấy 5 triệu mẫu xét nghiệm trong 10 ngày (26/6 đến 5/7) để truy tìm F0.

Tuy nhiên, báo cáo của Sở Y tế ngày 6/7 cho thấy từ 26/5 đến hết ngày 5/7 thành phố mới lấy được gần 1,7 triệu mẫu xét nghiệm PCR. Mục tiêu lấy hàng triệu mẫu xét nghiệm của tầm soát diện rộng của TP.HCM đã không đạt được (3).

Chỉ một sự kiện này thôi đã cho thấy rất nhiều vấn đề. Hoặc là lãnh đạo thành phố đã duy ý chí trong việc ra quyết định; hoặc là đội ngũ chuyên viên, tham mưu giúp việc của lãnh đạo thành phố rất kém; hoặc là đội ngũ tổ chức thực hiện thiếu năng lực.

Và một vấn đề đáng nói hơn nữa là sau thất bại này và các “thất bại” khác như sự kiện hỗn loạn tiêm chủng ở nhà thi đấu Phú Thọ hay lấy kết quả xét nghiệm ở chợ Bình Điền… cuối cùng thì không có một ai phải gánh chịu trách nhiệm? Phải đến ngày 9/7 báo chí mới loan tin về việc điều chuyển công tác giám đốc HCDC như một hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, kể cả động thái này cũng có vấn đề.

Sự rành mạch trong diễn ngôn kỷ luật cũng là một yếu tố quan trọng cho thấy sự chuyên nghiệp của hệ thống quản trị. Ngay trong ngày 10/7, báo chí cũng loan tin Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê bình lãnh đạo 3 lãnh đạo địa phương ở Bắc Giang bị phê bình vì lơ là chống dịch. Trước đó, Bắc Giang cũng phê bình, thậm chí đình chỉ chức vụ một loạt lãnh đạo địa phương vì để dịch bệnh lây lan.

Dù có đau đớn hay đáng hổ thẹn thì bộ mặt năng lực quản trị yếu kém của thành phố hiện nay vẫn là sự thật mà thành phố phải đối mặt và cũng là thách thức mà thành phố phải giải quyết rốt ráo khi cuộc khủng hoảng Covid-19 này qua đi.

Cái khối u trì trệ yếu kém lan khắp từ dưới lên trên ở thành phố hiện nay có lẽ là hệ quả của 2- 3 nhiệm kỳ tệ hại vừa rồi, và để giải quyết nó ắt cũng không thể một sớm một chiều, nhưng điều quan trọng là ngay từ bây giờ lãnh đạo thành phố phải nhận thức rõ vấn đề và quyết tâm thay đổi.

Vừa rồi, một vị lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn có nói rằng Bộ này phải sửa đổi, không chỉ trình độ mà còn phải cả thái độ, và thậm chí thái độ mới là cái “gốc” của một nền hành chính công vụ sau đó mới đến trình độ. Theo tôi, đây cũng chính là hai thứ mà chính quyền thành phố cần nhìn nhận sửa đổi, và đầu tiên chắc chắn phải bắt đầu từ các cấp lãnh đạo cao nhất của thành phố.

Tất nhiên, không phải không có những tín hiệu tích cực, như vừa rồi, Sở Thông tin Truyền thông đã cung cấp dữ liệu Covid-19 cho 2 nhóm nghiên cứu Đại học Fulbright và nhóm nghiên cứu Tech4Covid phân tích, đánh giá, dự báo và giải pháp đối với dịch Covid-19 tại thành phố. Hay ngay trong sáng nay, 10/7, Bí thư thành Ủy TP.HCM cũng gặp gỡ các chuyên gia, nhà khoa học cùng bàn cách chống dịch Covid-19. Đó là chẳng phải là tín hiệu của việc biết lắng nghe và muốn thay đổi hay sao?

2. Một cuộc đại phẫu cho TP.HCM chắc chắn phải bắt đầu từ lãnh đạo, chính quyền và người dân thành phố, nhưng cũng như việc chống lại khủng hoảng Covid-19 hiện nay, việc này không thể thành công thiếu đi sự hỗ trợ, đặc biêt là sự hỗ trợ chính sách từ phía trung ương.

Một bài phỏng vấn khác của Zingnews với TS Vũ Thành Tự Anh đã nói kỹ việc này. Theo TS Anh, điều quan trọng thành phố cần không chỉ là thành phố được giữ lại ngân sách bao nhiêu, mà quan trọng hơn là cơ chế để tự tạo vốn phát triển. Đó là thực hiện một cách nhất quán chủ trương cho phép TP.HCM trở thành một “thí điểm cải cách thể chế” theo mô hình sandbox về đổi mới thể chế (4).

Một bản tin mới đây trên báo Thanh Niên đưa ra một chi tiết đáng chú ý đó là “hộ gia đình sở hữu xe hơi ở TP.HCM thấp hơn vùng nông thôn Vĩnh Phúc”. Thống kê rộng ra thì khu vực Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu xe hơi lên cao nhất là 7,9% và thấp nhất là Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 2,5%. Trong nhóm các địa phương có số hộ sở hữu xe hơi đứng đầu có Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc…

Có nhiều yếu tố dẫn đến kết quả này, tuy nhiên, có một yếu tố chắc chắn không thể đến là hệ thống đường xá, hạ tầng giao thông rất phát triển ở các địa phương này. Hạ tầng giao thông ở TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung chắc chắn đang là một nút thắt mà ai cũng thấy rõ, và là bài toán mà các lãnh đạo cấp trung ương phải giải.

Cách đây 2 năm, cũng trên FB này tôi đã nhận định rằng, “quản trị sẽ là vấn đề lớn nhất của Việt Nam trong vòng 10 năm tới”. Cơn khủng hoảng Covid-19 đã khiến cho vấn đề này sớm bộc lộ hơn, nhưng cũng là cơ hội để chính quyền các cấp sớm nhận diện và có sách lược đối phó.

Và cuối cùng, tôi đồng ý với TS Vũ Thành Tự Anh trong bài đã dẫn ở trên, “TP.HCM phải được Trung ương coi như đây là một điểm đột phá. Đây là một điểm thử nghiệm các cải cách mới, đây là một điểm đưa Việt Nam đi đến vị trí tiên phong và cạnh tranh một cách ngang hàng bình đẳng với các đô thị khác trên thế giới.”

Cá nhân tôi cho rằng, nếu dù có ở hoàn cảnh nào thì TP.HCM có lẽ vẫn là nơi là duy nhất hội tụ đầy đủ mọi yếu tố để làm một “điểm đột phá”, một “đầu tàu đích thực” thúc đẩy đổi mới sáng tạo và mở ra những vận hội mới cho cả nền kinh tế.

_____

(1) https://zingnews.vn/tphcm-khong-con-la-cam-hung-cho-quoc-gia-ve-cai-cach-post1211791.html

(2) Nếu tôi nhớ không nhầm thì đây là bài đầu tiên tôi viết khi vừa chân ướt chân ráo vào TP.HCM năm 2008, khi đó tôi làm cho tờ VnExpress: https://vnexpress.net/hang-nghin-container-hang-hoa-bi-tac-tai-cang-sai-gon-2692574.html

(3) https://zingnews.vn/2-ngay-3-cuoc-hop-va-thay-doi-trong-chien-luoc-chong-dich-cua-tphcm-post1235528.html

(4) https://zingnews.vn/can-thi-diem-cai-cach-the-che-o-tphcm-post1220158.html

Trong đại dịch luôn có doanh nghiệp sân sau hốt bạc!

Mai Bá Kiếm

10-7-2021

Đại dịch cúm gia cầm H5N1 khởi phát từ Trại giống Gia cầm Thụy Phương vào tháng 6/2003 đến năm 2010 mới thuyên giảm và thay thế bằng đại dịch Heo tai xanh!

Tại sao người chích ngừa vaccine COVID-19 cần biết rõ sẽ được chích vaccine nào?

Nguyễn Hồng Vũ

10-7-2021

Hôm nay, mình được biết là Việt Nam mới cho vận hành “Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19”. Đây là một trang web của chính phủ, người dân có thể lên đây để đăng ký chích ngừa vaccine COVID-19 với 4 bước rất logic:

Tôi đánh giá chính quyền TP Hồ Chí Minh yếu kém

Đoàn Bảo Châu

10-7-2021

Một điểm hỗ trợ người khó khăn vì dịch. Ảnh trên mạng

Từ yếu kém ở đây là tạm bỏ qua những vụ cướp đất của dân lành ở Thủ Thiêm, Vườn Rau Lộc Hưng, nói về những việc ấy sẽ cần từ khác.Không có một thành phố nào “kì lạ” đến mức mà người dân phải tự tổ chức các nhóm hiệp sỹ đường phố để bắt cướp, một thành phố mà khách du lịch hãi hùng, thò điện thoại ra là bị cướp.

Chuộc tội (Phần cuối)

Tạ Duy Anh

10-7-2021

Tiếp theo phần 1phần 2

Ông trung đoàn phó nói một thôi. Mắt ông ta tiếp tục phóng lửa vào tôi, y như mắt loài cú vọ trước con mồi. Nhưng thấy tôi không hề tỏ ra tí gì lo sợ, ông ta có phần chưng hửng. Tôi chờ cho ông thiếu tá dừng lại, mới lạnh lùng hỏi:

Viết trong ngày phong tỏa đầu tiên

Đỗ Duy Ngọc

9-7-2021

Tôi là thanh niên từ miền Trung vào Sài Gòn kiếm cái chữ và lập thân ở đây đã hơn 50 năm rồi. Người Sài Gòn không phân biệt, bất cứ ai đã vào đây, sống ở đây đã là người Sài Gòn. Và tôi đã là người Sài Gòn đã hơn nửa thế kỷ.

Ước mong một đề thi văn khác!

Nguyễn Ngọc Chu

9-7-2021

Con người sinh ra phải đi nên biết đo quãng đường dài hay ngắn, phải làm việc nên biết ngày đêm mà tính thời gian. Toán học đến với con người từ cuộc sống. Học Toán là nhu cầu tự nguyện. Tự nguyện đến mức thành thuộc tính.

Đám tang ông Tư Lan tối 12/01/2008 hay 13/01/2008?

Trần Hồng Phong

9-7-2021

Bưu cục Cầu Voi hoang vắng suốt nhiều năm qua. Nơi đây tối 13/1/2008 đã xảy ra một vụ án mạng và Hồ Duy Hải bị quy kết là hung thủ giết người, trong khi dấu vân tay thì của một người khác. Ảnh trên mạng

Vụ án bưu cục Cầu Voi xảy ra đêm 13/1/2008. Theo CQĐT công an tỉnh Long An, Hồ Duy Hải đã đi xe máy đến bưu cục lúc khoảng 19h30’ và sau đó ra tay sát hại 2 nữ nhân viên lúc khoảng 20h30’, sau đó lấy tài sản và chạy về nhà.

Chuyện đổi tiền (Phần 2): Cuộc đánh úp tàn bạo năm 1985

Nguyễn Thông

9-7-2021

Tiếp theo Phần 1

Bữa ni 9.7 là mùng 1 Tết âm dịch, Sài Gòn và nhiều tỉnh thành cấm túc dân, dọa ai mò ra đường đi chúc Tết không có lý do chính đáng sẽ phạt tiền 3 củ. Thương cảm nhiều công dân nhàn nhã ôm bụng đói không biết làm cách nào cho no, nhà cháu bèn vội đưa tiếp phần 2 “Chuyện đổi tiền” để quý vị đọc, cho quên đói và sự đời, quên cả “trong không khí hân hoan phấn khởi” như nỗi ám ảnh.

_____

Như đã kể, trải qua cuộc đổi-cướp tiền tháng 5.1978, tôi đã biết sức mạnh của tiền và sự cay đắng mà đồng tiền đem lại. Nhưng phải nói, đến lần đổi tiền thứ 4, vào tháng 9.1985, và cũng là lần cuối cho đến tận bây giờ, tôi mới thực hiểu con người bị khốn khổ bởi đồng tiền như thế nào. Và cần làm rõ thêm, bản thân tiền bạc chả có tội gì, nó chỉ gây nên đau khổ khi nó được điều hành, chi phối bởi những thế lực cầm quyền ghê gớm, tàn bạo.

Ai đã trải sống qua những năm sau 1980 bây giờ nhớ lại chuyện cũ có lẽ vẫn rùng mình. Nhiều khi mấy anh em bạn thời hàn vi ngồi lại với nhau giở chuyện xưa ra làm quà, kể xong đứa nào cũng lắc đầu. Mấy thầy giáo dạy cùng Trường DBĐH TP.HCM với tôi thời gian ấy lắc đầu lè lưỡi bảo kể cũng lạ, làm sao mà chúng mình còn ngồi đây, còn sống đến bây giờ. Thế mới biết cái sức chịu đựng của dân mình ghê thật, “khó khăn nào cũng vượt qua”, chỉ riêng việc vượt qua giai đoạn nửa đầu thập niên 80 là đủ phong anh hùng rồi.

Suốt mấy năm trời, sự nghèo đói mò đến tận chân giường. Những nhà trước kia khá giả một chút giờ cũng bắt đầu lôi đồ đạc, vật dụng sinh hoạt ra bán dần. Sau cuộc chạy loạn “nạn kiều” của người Hoa năm 1978-1979 thì có lẽ cuộc chạy ăn của dân chúng, công chức, nhân viên nhà nước trước năm 1985 gây sôi động Sài Gòn nhất. Mặt mũi ai cũng vêu vao, má hóp lại, da nhăn nheo đen sạm. Thương nhất mấy cô giáo, gầy còm, xanh xao vẫn phải đứng lớp ròng rã.

Thầy Võ Thanh Long dạy lý (một trong những thầy giáo cự phách của Trường DBĐH, cũng như các thầy Trần Mạnh Hảo (toán), Cung Bỉnh Duyệt (lý), Nguyễn Cương (hóa), Nguyễn Văn Vy (văn), Phương Văn Dần (Nga)…) cười méo xẹo, giờ là lúc “thầy giáo tháo giầy”, chưa bao giờ câu nói đùa ấy đúng cay đắng chua chát như lúc này. Thầy Hảo thì bảo cứ nói “giáo chức – dứt cháo”, cũng đúng quá đi mất.

Xung quanh chợ An Đông (Q.5) gần trường tôi hình thành mấy lề đường chợ trời, người ta đem đủ thứ ra đó bán, từ cái tủ lạnh, tivi vốn rất hiếm lúc bấy giờ, đến cái thìa chiếc muỗng bằng inox, thậm chí cả cái dây kéo fermeture cũ đã dùng cũng tháo khỏi quần áo cũ bày ra bán. Miễn thứ nào có người mua là bán thì mới có tiền mua gạo mua cá cho khỏi chết đói. Hồi người Hoa chạy, tôi còn lang thang lề đường kiếm tìm những thứ đồ rẻ, mấy con dao ăn, bức tranh khắc gỗ (giờ vẫn còn) nhưng đến kỳ này thì tiền cũng chả có để mua.

Đồng lương vẫn thế nhưng tiền mất giá kinh khủng, vừa lĩnh ở phòng tài vụ xong, ra đến cửa là đã có thể vơi đi cả nửa do trả nợ. Bóp mồm bóp miệng lắm cũng chỉ kéo được hơn hai chục ngày với số tiền còm ấy. Vài năm trước, lương còn đủ mua được chục ký gạo, hằng ngày nhặt nhạnh mớ rau, con cá vụn…, còn giờ tan trường là cúi mặt vội về, không dám la cà ngoài chợ nữa. Thằng con đầu lòng tôi, sinh tháng 5.1984 tính toàn bộ tuổi nhũ nhi của nó chỉ được uống đúng mỗn hộp sữa Meiji hơn 400gr khi nó bị ỉa chảy. Hôm chạy xe đạp tới đường Nguyễn Thông quận 3 mua hộp sữa ấy, tôi hiểu rằng mình sẽ phải nhịn ăn trong nhiều ngày tới.

Lạ ở chỗ, đến năm 1984-1985 đồng tiền không những mất giá khủng khiếp mà cũng rất hiếm. Trường tôi tháng nào cũng nợ lương giáo viên, nghe đâu phòng tài vụ của anh Trần Văn Thông (trùng tên với tôi, khác họ) bảo rằng nhà nước không có tiền (chẳng bù bây giờ, cứ thiếu tiền là in, kệ cụ lạm phát). Mấy đứa em họ tôi làm công nhân cũng than xí nghiệp không có tiền. Sao người ta xì xào nhà nước in tiền liên tục, nhờ Tiệp Khắc in nhiều lắm, vậy thì tiền nó chạy đi đâu.

Tiền mệnh giá 30 đồng, đồng tiền lạ không giống ai, duy nhất trên thế giới, chỉ người cộng sản An Nam mới nghĩ ra được. Ảnh tư liệu

Hàng hóa khan hiếm, tiền mất giá và thiếu hụt, cuộc sống đi xuống từng ngày, tất cả in khắc vào gương mặt. Vợ tôi đang thất nghiệp, ở nhà chăm cu con đầu lòng, mỗi lần thấy chồng thất thểu từ trường về, chán chả hỏi gì nữa, bởi có hỏi cũng vẫn những câu trả lời cũ kỹ vô hồn. Quả thật, mình đang sống mà có cảm giác tất cả đều rất cũ, như sống thời xửa thời xưa kiếp trước chứ không phải bây giờ, sống hộ ai đó chứ không phải cho chính mình.

Nhìn những khuôn mặt xanh xao, xám xịt, quắt queo, gò má nhô ra của người thân, của đồng nghiệp, bạn bè, tôi tự hỏi chả biết dòng đời còn trôi chảy đến đâu nữa. Đành phó mặc dòng đời mà sống thôi.

Từ nửa cuối tháng 8.1985 đã râm ran tin đồn đổi tiền. Ông bạn tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Vy, người huyện Thủy Nguyên, học trước tôi 1 khóa, vào Sài Gòn dạy trước tôi 1 năm, là người vốn rất hiền lành chuẩn mực, vậy mà cáu tiết “đổi đéo gì đổi lắm thế”, cứ như thể cuộc đổi tiền ghê rợn lần trước, năm 1978, mới vừa xảy ra vậy. Có nhẽ sự ám ảnh ấy nó đeo đẳng, kéo dài, đau đớn quá, khó có thể quên. Cứ qua mỗi ngày, tin đồn lại càng rộ càng đậm. Đám đàn ông người Hoa cởi trần hoặc áo may ô 3 lỗ tuổi sồn sồn sáng nào cũng ngồi cà phê chỗ góc vườn hoa ven đường An Dương Vương gần nhà thờ Thánh Jeanne D’Arc, quận 5 bàn gì bí mật lắm.

Thầy Cung Bỉnh Duyệt bảo đó là những xì thẩu, họ quyết định về kinh tế lên hay xuống của Sài Gòn. Cứ xong cữ cà phê sáng của họ thì lại có “đường lối” kinh tế cụ thể cho ngày ấy. Giá vàng, giá trị đồng tiền, gạo nước, vải vóc, tôm cá lên xuống ra sao đều được quyết định từ cái góc xộc xệch nhếch nhác này. Thầy Duyệt cười, đổi tiền hay không, cứ ra đó là có thể biết. Đám ấy không quyết định việc đổi tiền nhưng nó biết chắc chắn có đổi tiền hay không. Nó không bị mắc mưu bị đánh úp như hồi năm 78 nữa.

Mỗi lần nhà nước đổi tiền là mỗi lần đồn đoán, lo sợ, giải thích, phân trần, trấn an. Lần này 1985 cũng vậy. Truyền thông nhà nước đưa một số vị lãnh đạo có tên tuổi lên tivi, lên đài phát thanh khuyên nhân dân hãy tin tưởng vào đảng và nhà nước, đừng mắc mưu bọn bóc lột, bọn chống phá cách mạng, bọn bành trướng Bắc Kinh. Nhưng dân thì đã rút ra được kinh nghiệm xương máu, cứ bao giờ có ông to bà nhớn nào lên kêu gọi dụ dỗ thì chỉ vài ba ngày sau là đổi tiền.

Đến giữa tháng 9, tôi nhớ láng máng ngày 13 hay 14.9 chi đó, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Năm khi họp ban giám hiệu với các tổ trưởng bộ môn đã xì ra thông tin sẽ có đổi tiền, thầy bảo nghe thì biết vậy, đừng nói lung tung. Trò đời, với những thứ quốc cấm ấy thì giấu làm sao được. Tôi chỉ về hé với thầy Vy bởi tôi cũng chẳng biết liệu có đổi hay không. Thầy Vy nói tao với mày, cũng như đám đánh Mỹ quá đà tụi mình, có mấy đồng bạc ranh, đổi hay không đổi sợ chó gì.

(Còn tiếp)

Phòng chống dịch Covid-19: Điều chỉnh gì trước tình hình mới?

Trần Tuấn

9-7-2021

Toàn dân cùng chính phủ và cả các doanh nghiệp đang dồn sức chống dịch.

Một số sai lầm cần tránh khi thảo luận về chính sách phòng chống Covid-19

Vũ Thành Tự Anh

9-7-2021

Tôi viết bài này nhân đọc bài “Nên ngưng đếm số ca nhiễm và chiến lược thoát covid-19” của GS. Nguyễn Văn Tuấn đăng trên blog cá nhân của ông ngày 7/7/2021, trong đó tôi thấy có một số ngộ nhận, thậm chí là sai lầm nên tránh.

Chuộc tội (Phần 2)

Tạ Duy Anh

9-7-2021

Tiếp theo Phần 1

(Khi anh né tránh cái ác, thì trước sau nó cũng sẽ tìm đến anh – Tự truyện “Dưới bàn tay vô hình”).

_____

Tôi là người ghét việc kiện tụng. Một phần do bản tính tôi thích nhường nhịn, dễ tha thứ, phần khác, có lẽ do phải chứng kiến sự ê chề quá nhiều từ việc làm đó của bố. Nhưng trong hoàn cảnh của tôi, vũ khí duy nhất chỉ là chữ nghĩa, vì vậy tôi bất đắc dĩ phải dùng đến biện pháp này. Tôi kiện không phải chỉ để đòi lại danh dự, nhân phẩm cá nhân, mà bằng tinh thần chuộc tội với đồng đội.

Việc kiện tụng của tôi diễn ra trong im lặng. Tôi viết hai lá đơn, nội dung gần giống nhau, chỉ khác một vài chi tiết thêm vào hoặc lược bỏ cho phù hợp-theo quan niệm của tôi-với nơi nhận. Một nơi là báo Chiến sỹ Tây Bắc, có trụ sở tại thị xã Yên Bái, nơi kia là báo Quân đội nhân dân. Sau đó tôi nhờ cậu bưu tá tiểu đoàn tiện thể ra Cam Đường bỏ vào thùng thư cho tôi. Ngoài ra tôi còn gửi về xuôi hai lá thư, kể rõ ngọn ngành sự việc, một cho bạn bè ở Sông Đà, một cho Nguyễn Đình Chiến, phóng viên báo Quân đội nhân dân, tôi quen ở trại sáng tác văn học Hà Sơn Bình. Trước khi nhập ngũ, tôi còn về Hà Đông chào mọi người.

Gặp lại Nguyễn Lương Ngọc (trái) tại thủy điện Hòa Bình. Ảnh tư liệu

Nguyễn Đình Chiến và tôi có dịp nói chuyện với nhau gần hết đêm trên cầu Am. Với tôi, được anh thân tình như vậy là vinh hạnh lớn vì khi đó Nguyễn Đình Chiến đang nổi như cồn sau giải nhất thơ của báo Văn Nghệ với bài Gặp lại các em. Chính anh dặn khi nào cần thì cứ viết thư cho anh.

Cả hai lá đơn và hai lá thư tôi gửi đi đều không có hồi âm, mặc cho tôi hồi hộp chờ đợi. Tôi đã nghĩ hay là cậu bưu tá đánh mất thư ở đâu đó. Khoảng gần một tháng sau thì tôi có giấy gọi ra Phòng chính trị của trung đoàn làm việc. Nhận giấy báo, tôi linh cảm thấy điều dữ nhiều hơn điều lành. Tôi đoán cuộc gặp có nguyên nhân từ những lá đơn kiện. Tôi chỉ đoán thế thôi, vì thực lòng tôi vẫn nghĩ thư bị thất lạc. Nhưng nếu vì những lá đơn thì tại sao lại là Phòng chính trị trung đoàn đứng ra giải quyết, mà không hề có bất cứ ai ở trên về điều tra như tôi hy vọng?

Lại một đêm tôi mất ngủ với những trò phỏng đoán. Tôi không quen ai ở Phòng chính trị trung đoàn nhưng mọi người đều biết tôi. Hình như lãnh đạo ở đấy có vẻ không ưa tôi mặc dù giữa chúng tôi chưa hề có bất cứ va chạm nào. Họ biết tôi qua lá thư tôi viết cho trung đoàn trưởng khi còn ở tiểu đoàn huấn luyện. Trong thư tôi thẳng thắn đề nghị trung đoàn trưởng hãy tạo điều kiện để tôi có thể sáng tác về những người lính vùng biên. Vì mục tiêu của tôi rất rõ ràng, MUỐN PHỤC VỤ LÂU DÀI TRONG QUÂN ĐỘI, muốn nói được điều gì đó về những người lính thông qua ngòi bút. Rằng chính vì mong ước đó mà tôi BỎ LẠI TẤT CẢ để khoác áo lính… Đáng lẽ tôi phải viết thư cho Phòng chính trị mới phải. Có thể vì sơ suất ấy mà cánh “quan văn” này không ưa tôi.

Trung đoàn trưởng là người võ biền nên ông không mấy để tâm đến những điều tôi trình bày. Nhưng chả hiểu sao ông cũng cử người sang bí mật tìm hiểu về tôi. Người được giao nhiệm vụ là một anh cán bộ Phòng chính trị. Ngay từ đầu anh ta đã không có thiện cảm với tôi. Thay vì hỏi chuyện, anh ta lại đòi xem chữ của tôi, hỏi tôi có biết kẻ vẽ, làm bích báo, viết tấu, diễn trò không… Khi tôi bảo chữ tôi không đẹp, lại nhỏ như kiến, tôi cũng không biết diễn trò, thì anh ta gắt: “Nhà văn nhà báo mà không biết kẻ vẽ, diễn trò mua vui cho thiên hạ thì làm đéo gì?”

Sau đó không ai quan tâm đến tôi nữa.

Nhưng tôi nghe nói Phòng chính trị cũng đã từng bàn tán về tôi, ác cảm nhiều hơn, trước hết ở cái vẻ mặt khó đăm đăm, già nua và xấu… giai! Vì thế hình như họ đã định nhận tôi về làm tuyên truyền, nhưng sau có nhiều dèm pha từ đám chuyên viên quá, lại thôi. Tôi láng máng biết điều này qua chắp nối những cuộc nói chuyện với đám sỹ quan. Chính ông Trưởng ban tuyên giáo, trong một lần say rượu, nửa đùa nửa thật bảo với tôi, giá mà chú mày trắng trẻo, trẻ trung, ngon giai, khéo nói một chút thì đời đã không khổ.

Nhưng nếu có trách thì tôi chỉ có thể trách tôi mà thôi. Có ai bắt tôi phải đâm đầu vào hoàn cảnh bi hài như vậy đâu. Tôi đã viết ở đâu đó lý do tôi khoác áo lính, nay chỉ xin nói vắn tắt: tôi đã tự nguyện gia nhập quân đội theo một cách thật trớ trêu và không chính danh, bằng cách tự điền tên mình vào tờ danh sách cấp trên đưa xuống, theo kiểu giao chỉ tiêu cho bộ phận, khi mọi người bịa ra đủ lý do để xin ở lại. Giờ đây, trớ trêu hơn cả là tôi đang tìm mọi cách để thoát khỏi những năm tháng “đầy hy vọng” với tôi trước đây chỉ vài tháng.

Tôi thề rằng dù phải chết tôi cũng bám trụ cho hết thời hạn. Nhưng tôi sẽ không ở lại thêm một phút khi cái thời hạn ấy kết thúc. Từ nay đến đó còn là một khoảng thời gian đủ dài để tôi ngấm nốt mọi điều. Ngày mai tôi sẽ đối mặt với những người vốn không ưa mình, trong khi tôi chưa hề biết vì việc gì.

Sáng sớm tôi trở dậy, báo với Minh là tôi phải ra trung đoàn nên không thể cùng cậu ấy nấu cơm được. Minh đáp lại theo lối suy diễn của cậu ta: “Bác đi chuyến này chắc là lên hẳn trung đoàn điếu đóm các thủ trưởng đây, rồi lại chả béo trắng ra cho mà xem… hí hí, đừng quên thằng em nhọ đít nhé”. Vài người khác cũng chúc mừng tôi sắp thoát cảnh nhọ mông nhọ mặt. Trong thâm tâm họ nghĩ tôi sắp được trọng dụng vào những việc an nhàn hơn. Đáp lại họ là một nỗi lo lắng hiện ra mặt mà tôi không lý giải được.

Đúng 8 giờ, như giấy hẹn, tôi có mặt ở Phòng chính trị, quân phục tề chỉnh. Cậu lính chuyên bị sai vặt nhanh chóng đưa tôi vào căn phòng làm việc. Trông cậu ta đi lại như bị ai đó giật dây khiến tôi thấy cám cảnh. “May mà mình bị họ ghét, chứ nếu chui vào đây, sống như cái cậu lính kia thì thà đi vác đất còn hơn” – Tôi thầm nghĩ như vậy. Có lẽ chỉ tôi là nghĩ như vậy. Bởi vì với cậu lính kia thì mả nhà cậu ta chắc phải táng hàm rồng nên mới được như vậy. Cho dù là lính, nhưng do ở gần các thủ trưởng nên cậu ta cũng hay làm oai với người khác, nhất là bọn lính từ dưới đơn vị lên làm việc. Vì thế thái độ có phần khép nép khác hẳn ngày thường của cậu ta khiến tôi càng tin rằng mình sắp gặp nguy hiểm.

Cho đến lúc ấy tôi đã có thâm niên hơn nửa năm trong quân đội. Cảm giác của tôi là nỗi bàng hoàng triền miên, không thể tin nổi vào chính tai, mắt mình. Tôi cứ muốn chống lại lý trí của mình rằng, có thể tôi bị bệnh ảo giác. Có thể những chuyện đó xảy ra trong sách kinh dị, trong ác mộng hay trong những câu chuyện bịa và mình cứ bị lầm lẫn do đầu óc có vấn đề. Hình như tôi đã đọc ở đâu đó người ta nói có cái căn bệnh ấy. Một người nào đó cứ bị ám ảnh bởi những chuyện không có thật, đến nỗi cuối cùng anh ta tin là thật, không ai làm anh ta thoát khỏi chúng được. Cầu trời cho tôi cũng đang mắc chứng bệnh ấy, để những gì tôi thấy chỉ là tưởng tượng.

Trong khi chờ làm việc với ai đó mà tôi vẫn chưa biết, vì chuyện gì đó tôi chưa rõ, tôi bỗng thấy muốn buông xuôi cho số phận. Lo lắng cũng chẳng giải quyết vấn đề gì. Ối dào, mình đã bị đẩy tới vạch giới hạn rồi, muốn ra sao thì ra!

Tôi sẵn sàng chuẩn bị đón mọi tình huống…

Từ phía trong, một người đeo quân hàm thiếu tá, mặt khắc nghiệt nhưng có thể thấy rõ là khá thâm trầm, lạnh lùng bước ra, tự kéo ghế ngồi ở phía đối diện, bên kia chiếc bàn. Mặt ông để lộ rõ ra sự khó chịu. Đó là trung đoàn phó chính trị Lưu Văn Hậu. Ông có nước da tai tái, như nước da thường thấy ở phần nhiều những người làm công tác chính trị. Chúng tôi không lạ gì ông vì nhiều lần ông giảng cho chúng tôi về lập trường giai cấp, về chủ nghĩa bá quyền đại Hán, về đường lối chiến tranh nhân dân, về lòng trung thành với đảng quang vinh, về mùa xuân của nhân loại là chủ nghĩa cộng sản đang đến gần, về ngày tận thế của chủ nghĩa đế quốc, về kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm là Trung Quốc và kẻ thù lâu dài là đế quốc Mỹ…

Ông nói bằng giọng của người Nghệ An nên càng tăng thêm vẻ thâm sâu. Chỉ có điều lần nào ông cũng nói tràng giang đại hải, bọt mép đùn ra hai bên mép, đến mức chúng tôi mỏi nhừ cả chân, nhất là khi ông giảng bài “Trung Quốc tuy to nhưng không mạnh”. Ông kể ra muôn vàn tật xấu và những tội ác của Mao Trạch Đông, của Đặng Tiểu Bình ôm chân đế quốc Mỹ, gọi ông ta là thằng lùn chó chết phản bội chủ nghĩa Mác-Lênin khiến tôi nhớ bài thơ Vịnh thằng Lùn của Chế Lan Viên, trong đó có câu: Thằng lùn diện quần bò. Có lẽ vì thế mà anh em bộ đội gọi đùa ông là Lưu Địch Hậu.

Theo quy định của điều lệnh, tôi đứng dậy chào. Ông ta, thiếu tá Lưu Văn Hậu không nhìn tôi, chỉ khẽ gật đầu. Ông ta cho thấy là ông ta đang rất bực mình. Ông ta không giấu vẻ cau có, khó chịu và nguyên nhân của điều đó chính là tôi. Mặc kệ, chết là cùng, tôi ngồi xuống đối diện và cố trấn an mình.

– Ta bắt đầu làm việc-giọng Chính trị viên trung đoàn giống như lời tuyên án- Trước hết tôi muốn hỏi, cậu có biết vì sao chúng tôi cho gọi cậu ra đây không?

– Thưa, tôi không biết-tôi đáp lạnh lùng.

– Cậu thử cố nghĩ lại xem, có thể cậu sớm đoán ra đấy?

Tôi làm ra vẻ đang suy nghĩ.

– Cậu nhớ ra chưa?

– Thưa, tôi vẫn không biết.

– Trí nhớ cậu tồi thế cơ à, tôi không tin.

Tôi ngồi im.

– Cậu thử nhớ lại xem cậu có gửi đi đâu đó đơn thư gì không?

– À, tôi gần như reo lên, không giấu vẻ bình thản pha chút mỉa mai- chuyện đó thì tôi nhớ chứ! Tôi có gửi đến vài nơi đơn tố cáo những người đánh tôi.

– Vậy là cậu nhớ ra rồi, hẩy. Cuối cùng thì cậu cũng nhớ ra. Tốt. Cậu gửi đơn đi những đâu?

– Tôi gửi một lá đơn cho báo Chiến sỹ Tây Bắc, một lá đơn cho báo Quân đội nhân dân, vài lá thư cho bạn bè… -tôi tuồn tuột kể, giọng trơn tru, coi thường, như chả có gì phải giấu diếm.

– Còn những đâu nữa, cậu cố nhớ cho hết.

– Tôi mới chỉ kịp gửi đến những nơi đó.

– Thế cậu còn có ý định gửi đến những đâu nữa?

– Tôi định tới đây, nếu vụ việc không được giải quyết, tôi sẽ kiện lên Ban quân pháp Quân khu, Bộ quốc phòng, thậm chí lên Quốc hội.

– Cậu kiện ai?

– ….

– Ai cho phép cậu làm những việc đó?

– Tôi kiện những kẻ tra tấn tôi và tôi có quyền, cần gì phải chờ ai cho phép…

– Cậu nói bậy!

– Ông Hậu đập tay xuống bàn ngắt lời tôi bằng một câu quát thị uy, chiếu cái nhìn của Thần chết vào tôi.

– Cậu đang là quân nhân, có kỷ luật của quân nhân, không phải cứ thích làm gì thì làm-ông hạ giọng rất nhanh.

– Nhưng ta sẽ trở lại chuyện đó sau. Tôi chỉ muốn hỏi, sao cậu không gửi đơn kiện cho chúng tôi?

– Khi hỏi thế, ông trung tá tiếp tục xoáy vào mặt tôi bằng cái nhìn khô khốc.

– Bởi vì người giải quyết cuối cùng là chúng tôi. Cậu gửi cho báo Chiến sỹ Tây Bắc, báo Quân đội nhân dân hay bất cứ đâu, thì cuối cùng cũng là chúng tôi giải quyết, cậu có biết điều đó không?

– Tôi không biết và tôi không tin…

– Thì tôi vừa nói cho cậu biết. Cậu viết đơn kiện tụng gửi khắp nơi nhưng chúng tôi thì cậu lờ đi.

– Ông ta bất ngờ lại đập bàn và đổi cách xưng hô, đứng dậy, một tay chỉ thẳng vào mặt tôi, tay kia chắp lên hông-anh là thằng cơ hội, nghe rõ chưa!-ông thiếu tá gần như chồm người về phía tôi.

– Anh vào lính để phá hoại, để gây hoang mang cho các chiến sỹ. Anh tưởng chúng tôi không biết tâm địa thật của anh hay sao? Anh ấm ức vì phải vào lính, vì không được trọng dụng nên tìm cách phá chúng tôi từ bên trong. Anh làm chúng tôi mất thể diện, làm chúng tôi điên đầu… Đồ đểu, anh là đồ đểu, là thằng cơ hội. Anh tưởng trong đơn thư anh viết những gì mà chúng tôi không biết sao? Họ gửi cả lại kia kìa. Anh không biết là bất cứ lá thư nào gửi từ biên giới về xuôi, kể cả thư tình, cũng đều bị kiểm soát à. Và vì thế mà chúng tôi mới biết chân tướng thật của anh. Tất cả những gì anh tố cáo quân đội, tố cáo chúng tôi, đều nằm trên bàn của tôi kia kìa. Anh đã bôi xấu hình ảnh người lính, bôi xấu sỹ quan quân đội, bôi xấu tất cả chúng tôi một cách vô nguyên tắc.

Ông thiếu tá dừng lại một lát, rồi nói như tuyên án, giọng rin tít:

– Chúng tôi sẽ trừng trị anh thật thích đáng để làm gương.

(Còn nữa)

Hãy tỉnh ngộ đi, sự bất lực của y tế Việt Nam!

BS Phạm Ngọc Thắng

8-7-2021

Tôi đọc cái bài báo này cộng với lời bình của người bạn quý của tôi, và sững sờ: Họ sẽ chống dịch như thế nào nhỉ? Khi nhiều bệnh nhân nặng thì rất cần những thầy thuốc chuyên sâu. Vaccine thì chưa đủ để tiêm đại trà. Còn ngoáy mũi mà coi là biện pháp chống dịch covid hiệu quả thì đáng ngờ. Sic!

Câu chuyện chống dịch và sự khốn nạn tột cùng đằng sau nó

Đỗ Ngà

8-7-2021

Chuyện kể rằng, thằng Bờm muốn trồng lúa, tuy nhiên trong lúa lại có cỏ dại. Để nhổ cỏ, thay vì lựa cỏ nhổ đi, chừa lúa lại, thì Bờm lại chọn cách “thà nhổ lầm hơn bỏ sót”, Bờm nhổ sạch cả lúa lẫn cỏ với lý luận rằng: “sẽ không một cây cỏ nào còn sót lại”. Quả thật không còn cây cỏ nào sót lại thật, nhưng hậu quả là cả lúa cũng bị tàn phá. Đến mùa thu hoạch, hàng xóm thì lúa thóc đầy nhà, còn Bờm thì phải đội nón đi ăn mày.

Chuyện mới chuyện cũ (Phần 1)

Nguyễn Thông

8-7-2021

Hôm qua ồn ào thông tin mật mà tòe loe, kín mà hở, rằng Sài Gòn sẽ bị lockdown (tạm dịch là phong tỏa). Lập tức có ngay những ông bà quan cai trị (chắc bị đẩy làm người phát ngôn nhất thời) đứng ra tuyên bố đó là tin đồn nhảm trên mạng xã hội. Với thể chế này, những thứ trên mạng xã hội, và cả chính mạng xã hội nữa, đều rất chi bố lếu bố láo. Lại nhớ từng có khá nhiều facebooker bị phạt, ít thì 2-3 triệu, nhiều thì 5-7 triệu đồng, về cái tội cầm đèn chạy trước ô tô.

Hôm nay 7.7 (song thất nhật), tin “đồn nhảm” đã thành sự thật. Chính phủ, Bộ Y tế, chính quyền Saigapore chính thức công bố từ sau 0 giờ ngày 9.7, tức nửa đêm mai, sẽ thực hiện chỉ thị 16 trên toàn thành phố, trong 15 ngày, rồi tùy tình hình sẽ tính tiếp. Gọi chỉ thị 16 cho văn vẻ thế thôi, chứ thực ra là phong tỏa, cách biệt, ngăn cách, theo kiểu dân mạng là lockdown.

Tôi sống từ bé tới giờ ở thế chế này nên biết cái cách họ nói một đằng làm một nẻo, nhưng cứ ngoan cố giấu diếm. Họ chỉ cốt giấu được tới đâu hay tới đấy, nhưng họ không nghĩ rằng cách ấy cực kỳ tai hại, bởi thiên hạ sẽ không tin vào bất cứ thứ gì họ nói nữa, hoặc họ nói gì thì cứ phải hiểu ngược lại.

Nhân vụ này, tôi kể lại chuyện họ mấy lần đổi tiền, cũng cung cách đó, rất chi là… bản chất ngoan cố.

***

Chuyện đổi tiền

Tháng 4.1978. Tôi vào Sài Gòn đã tròn năm. Một năm ròng với biết bao đổi thay khi chính thức bước vào đời. Hồi còn sinh viên, mọi thứ thật đơn giản, trong trẻo, ngay cả sự vất vả, đói khổ, thiếu thốn cũng được nhìn nhận rất nhẹ nhõm. Giờ thì thay đổi tận gốc. Chả khác gì cuộc vật lộn với đời, lăn vào bãi bể nương dâu. Lúc này sống được đã khó, chống chọi lại đủ thứ tai ách bủa vây lại càng khó hơn.

Đến khi tôi gõ những chữ này, thời gian đã trôi qua hơn 40 năm rồi, nên trí nhớ về ngày tháng cứ chập chờn, nhớ nhớ quên quên. Người ta bảo “cái gì không biết thì tra gu gồ”, nhưng tôi nhớ được đến đâu kể đến đấy, kệ cụ gu gồ. Láng máng là sát cuối tháng 4.1978, một buổi tối, chú Dương Cao Thăng, Chủ tịch Công đoàn Trường dự bị đại học Tiền Giang (91 Nguyễn Chí Thanh, P.9, Q.5, TP.HCM) gọi đám anh em giáo viên trẻ miền Bắc chúng tôi lại, bảo rằng sáng mai có mặt để làm theo sự phân công của nhà trường.

Cũng đoán được phần nào chuyện gì rồi bởi tin đồn đổi tiền đã rộ lên từ mấy hôm. Phường tôi ở là trọng điểm người Hoa tại Sài Gòn, họ đang chộn rộn, hoang mang lắm. Suốt mấy tối liền, tivi ra rả lên tiếng kêu gọi người dân cần tỉnh táo, nêu cao cảnh giác, tin đổi tiền là đồn nhảm, do bọn phản động chống phá cách mạng, do bọn bành trướng Bắc Kinh xúi giục, bà con đừng có tin…

Hết lãnh đạo phường, đến quận, đến thành phố lên tivi trấn an dân chúng, vẫn điệp khúc hãy tin chính quyền, đừng mắc mưu kẻ địch. Đám công chức, giáo viên chúng tôi thực ra chả quan tâm lắm bởi làm gì có tiền mà đổi. Lương tháng 64 đồng, không có thêm bất cứ phụ cấp hoặc thu nhập gì, còn gọi lương 3 cọc 3 đồng, vào đúng thời điểm đói rách, ăn độn, thiếu thực phẩm, đói vàng cả mắt nên có đồng nào chén sạch đồng ấy, lấy đâu tiền dành dụm mà đổi. Tuy vậy, cả đêm khó ngủ, chờ đến sáng hôm sau.

Đồng tiền mệnh giá 10 đồng này (mệnh giá cao nhất trước năm 1978) còn được dân gian âu yếm đặt tên là “cụ mượt”. Ảnh tư liệu

Mới tờ mờ sáng 3.5, khác hẳn mọi hôm, loa phường đã oang oang, thông báo lệnh đổi tiền. Nội dung cho biết đổi ở đâu, mỗi người được đổi bao nhiêu, mỗi hộ bao nhiêu… Số cán bộ, giáo viên trường tôi được đổi tại trụ sở ủy ban phường 9 trên đường Nguyễn Tri Phương, đối diện Trường cấp 3 Trần Khai Nguyên. Chú Thăng dặn dò, nhớ nhé, mỗi người được đổi 100 đồng, một hộ gia đình được đổi 200, nếu nhà đông người được tối đa 500 đồng. Ai hoặc gia đình nào có nhiều tiền hơn số quy định phải làm bản khai cụ thể, tiền đó ở đâu ra, rồi số tiền ấy sẽ được gửi vào ngân hàng nhà nước, sau này xác minh là tiền chính đáng thì rút ra dần, còn không rõ ràng sẽ bị tịch thu.

Đó là ở thành phố, chứ vùng nông thôn, như Tiền Giang chẳng hạn, mấy thầy cô cùng trường tôi cắm trụ dưới cơ sở 2 than trời, bởi cá nhân chỉ được đổi 50 đồng, hộ gia đình 100 đồng, hộ đông người tối đa 300 đồng. Nhà tôi quê ngoài Phòng cũng vậy, bu tôi chịu khó buôn bán, tiết kiệm dành dụm, ăn chả dám ăn, tiêu chả dám tiêu, đổi có 300 đồng nên bị mất ối tiền, nhưng bu tôi giấu không cho cả nhà biết, sợ bị… mắng.

Tôi vét voi mãi chỉ còn chưa đầy 2 chục, chẳng vội vàng gì. Lão Vy (Nguyễn Văn Vy đồng nghiệp, đồng hương, đồng môn của tôi) cùng chẳng khá hơn, hình như có 21 hay 22 đồng. Độc thân cần quái gì dành dụm. Tay học sinh bộ đội đi học chơi thân với chúng tôi, Đào Gia Thiệp người Thủy Nguyên, có những hơn 4 chục. Cả đám cười như nghé. Đang dập dờn định kéo nhau ra ủy ban phường, thì chị em cái Thu người Hoa bán tạp hóa-cà phê ở dưới phố hớt hơ hớt hải chạy lên kiếm. Tôi hay trò chuyện với Thu nên nó cũng mến tôi, nó bảo anh ơi, nếu các anh chưa đủ suất thì đổi giúp em với.

Ba đứa chúng tôi nhận lời, cái Thu đếm tiền đưa 200 đồng, cứ cảm ơn rối rít, rồi chạy vụt về, có lẽ đi tìm tiếp người khác nhờ đổi. Nhà nó buôn bán nên có tiền. Ngoài ủy ban phường không khác cái chợ vỡ. Mặc cho công an phường và dân phòng vòng trong vòng ngoài, dân chúng cứ rên rỉ, la hét, than thở, chửi bới, năn nỉ, thôi thì đủ kiểu. Một ông sồn sồn nhìn là biết ngay người Hoa, lớn tiếng, giọng lơ lớ, tỉu hà ma chúng bay, chúng bay là quân lừa đảo, quân ăn cướp, cướp không mồ hôi nước mắt của chúng ông. Mấy cậu thanh niên cờ đỏ đến nói gì đó, ông nhổ phì một phát, bỏ đi không thèm nói thêm một lời.

Thực ra chỉ có bọn người nhà nước chúng tôi và dân lương thiện ngây thơ tin vào tuyên truyền của nhà nước thôi, chứ đám có tiền họ đã ngóng đón trước rồi. Tôi nghe kể hôm qua có gia đình người Hoa ở chợ An Đông còn mua cả cần xé vé số để nếu hôm sau xổ số mà trúng sẽ có tiền hợp pháp. Chú Thăng bảo rằng đổi tiền thế này về hình thức chỉ nhằm đánh vào bọn tư sản thôi, chứ công nhân viên chức ba cọc ba đồng đâu có ảnh hưởng gì.

Rồi ông nói nhỏ, cũng là một dạng ăn cướp, ăn cướp hợp pháp. Đau nhất là cướp chính của dân. Còn tôi thì hiểu rằng từ sau vụ này khó mà tin được người nhà nước, tin vào mấy ông lãnh đạo, tin vào đài báo, tivi nữa. Mới hôm trước khăng khăng rằng không đổi tiền, hôm sau tráo trở nuốt lời làm ngược lại.

Xã hội sau vụ đổi tiền chả khác gì trải qua cơn bão, đầy bi kịch. Mấy hôm sau, nghe người ta kể lại có những người bị mất của, sạt nghiệp do đổi tiền đã thắt cổ hoặc nhảy cầu tự tử. Cộng đồng người Hoa bị đánh đòn kinh tế nốc ao này càng thêm chán ngán, họ rục rịch chuẩn bị kéo nhau về Hồng Kông hoặc Trung Quốc. Số người vượt biên ngày càng tăng nhanh. Trường tôi cũng có mấy thầy cô ra đi, trong đó có thầy Đái Phụng Thời, dạy toán, Phó bí thư Đoàn trường, bạn tôi. Số tiền mà chị em Thu nhờ đổi, chúng tôi lĩnh xong đưa trả lại không thiếu đồng nào. Một thời gian sau chị em Thu cũng vượt biên. Cả đứa học trò tôi là Trịnh Hảo Tố Như, người Hoa, nhà số 41 Nguyễn Chí Thanh, ngay sát ký túc xá 43 Nguyễn Chí Thanh tôi ở, cũng cùng gia đình lặng lẽ đi trong đêm, sáng hôm sau khi tôi xuống phố mới biết.

Cuộc đổi tiền năm 1978 đã gây ra bao nhiêu bi kịch, tang thương. Kẻ cai trị mới đã lộ rõ bản chất ăn cướp, mà đối tượng không ai khác chính là nhân dân. Kinh tế chẳng những không khá hơn mà ngày càng lụn bại. Và càng bi kịch hơn nữa, sau đổi tiền có vài tháng, đồng tiền lại mất giá nhanh vùn vụt, gần như chẳng còn bao nhiêu giá trị. Thày Vy đùa bảo không khác gì tờ giấy lộn, còn tệ hơn cả khi chưa đổi.

(Còn tiếp)

Các nhân chứng đám tang ông Tư Lan đang làm việc với công an Long An

Trần Hồng Phong

8-7-2021

Sau ngày hôm qua, tối hôm qua và sáng nay 8/7/2021 các nhân chứng nằm trong số 7 người đã có Đơn trình bày và cam kết về việc gặp Hồ Duy Hải tại đám tang ông Tư Lan tối 13/1/2008 gửi cho tôi (Ls. Trần Hồng Phong, và tôi đã ngay lập tức có Đơn trình bày và cung cấp chứng cứ và đề nghị khẩn cấp gửi đến VKSNDTC và các lãnh đạo cấp cao từ ngày 20/5/2021) và một số nhân chứng khác đã và đang tiếp tục được Công an tỉnh Long An mời làm việc tại trụ sở công an huyện Thủ Thừa.

Chuyện chống dịch: Nhà nước phải có kế hoạch cụ thể

Đỗ Duy Ngọc

7-7-2021

Đúng là đang lúng túng, một mặt Thủ tướng phát biểu “Không đóng cửa nhưng kiểm soát chặt chẽ người ra vào TP” một mặt khác thì Uỷ ban TP ban hành lệnh giãn cách theo chỉ thị 16 từ ngày 9/7. Tin này xuất hiện ở báo Tuổi trẻ online vào cuối buổi chiều nay và được thông báo trên VTV, chưa thấy trên HTV là Đài truyền hình thành phố. Điều này chứng tỏ có bối rối trong việc truyền thông.

Ra khỏi hầm tối (Phần 1)

Tạ Duy Anh

8-7-2021

Vài lời thưa trước: Tôi chưa có ý định xuất bản cuốn tự truyện “Dưới bàn tay vô hình”, vì mấy lý do hoàn toàn mang tính cá nhân. Chẳng hạn nó sẽ làm tổn thương một vài người thân của tôi ở những phần mang tính “thú tội”, cũng như có thể gây sốc một số chỉ huy quân đội đã đối xử tốt với tôi (nếu họ còn sống) nhưng vì sự công bằng, vì sự thật, vì tính chất tuyệt đối của công lý mà tôi không thể bỏ qua cho họ. Tôi chưa hề gửi xin giấy phép xuất bản ở bất cứ nơi đâu, vì thế mọi đồn đoán về việc nó bị ngăn cản là không có cơ sở. Những gì đã trích in nằm trong mục đích của tôi mà tôi đã nói. Dưới đây tôi sẽ LƯỢC TRÍCH nốt những gì chỉ liên quan đến tôi, để không cảm thấy áy náy là đã đánh đố bạn đọc.

Chống dịch kiểu Việt Nam và thế giới

Song Chi

7-7-2021

Giai đoạn đầu kiểm soát được dịch thì “tự sướng” quá lố, “nổ” vang trời, trong khi các quốc gia khác trong khu vực cũng kiểm soát tốt dịch, như Đài Loan chẳng hạn, còn tốt hơn, thì chả ai “ngất ngây” như vậy cả.

100 năm quái vật hành tinh

Nguyễn Ngọc Chu

7-7-2021

I. MƯỢN BÓNG NHÂN DÂN

Theo tin được xác minh về sau, thì Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc (TQ) diễn ra từ 23 – 31/7/1921. Nhưng không biết từ đâu, lại lấy ngày 1/7/1921 làm ngày thành lập?

Tại sao Chính phủ Việt Nam không phản đối Google Map về thác Bản Giốc?

Phạm Quang Tuấn

7-7-2021

Ảnh tư liệu

Gần đây bộ phim Pine Gap bị cấm chiếu ở VN vì có hình bản đồ lưỡi bò. Làm tôi tự hỏi là tại sao từ nhiều năm nay chính phủ VN đã không cấm đoán hay phản đối Google Maps, đòi họ đính chính bản đồ ở thác Bản Giốc?

Gia đình Hồ Duy Hải từng sốc…

Trần Hồng Phong

6-7-2021

Hôm nay ngày 6/7, là ngày sinh nhật của bị án Hồ Duy Hải (HDH). Hồ Duy Hải sinh năm 1985, năm nay 36 tuổi và đã 14 năm qua vẫn bị cùm chân ở trong phòng biệt giam của tử tù. Như vậy, cả quãng đời thanh xuân tươi đẹp nhất của HDH đã vĩnh viễn trôi qua.

Khi tính mạng của một người chiến sỹ quân đội bị coi thường?

Lý Trực Dũng

6-7-2021

Chiều 2.7, trao đổi với Thanh Niên, đại tá Nguyễn Xuân Thìn, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1 (Bộ Quốc phòng), cho biết có 5 đơn vị điều tra đang vào cuộc làm rõ nguyên nhân tử vong của binh nhì Trần Đức Đô.

Lầu Năm Góc có thực sự muốn đương đầu với Trung Quốc?

Nghiên cứu Việt – Mỹ

Vũ Văn Lê, dịch từ WSJ

6-7-2021

Lầu Năm Góc có thực sự muốn đương đầu với Trung Quốc? Lãnh đạo thì cảnh báo mối đe dọa Bắc Kinh, nhưng dự trù ngân sách cho thấy điều khác.

Từ ‘đánh con để dạy con’ đến ‘đánh quân để dạy quân’

Luật Khoa

Trịnh Hữu Long

6-7-2021

Ảnh: aFamily, Youtube. Đồ họa: Luật Khoa

Tuy xa mà gần.

Tôi không muốn họ chết!

Tạ Duy Anh

6-7-2021

Người đầu tiên tôi muốn nhắc đến là thằng Sép (tôi xin phép viết lái tên nó vì lý do cá nhân). Nó cùng họ với tôi, con một địa chủ cũ. Khác với tôi chả hơn gì cái giải khoai héo, thằng Sép phổng phao, thịt da săn chắc và bơi rất giỏi.

Thưa thẳng cùng Thủ tướng!

Mai Quốc Ấn

6-7-2021

Thưa Thủ tướng! Vừa xét nghiệm xong, chỉ cần lướt qua nhau 5-10 giây mà không tuân thủ 5K thù cũng có thể lây virus cúm Tàu. Đây là xác nhận của ông Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau khi trích xuất camera các trường hợp lây của nhiều nước.

Sàng lọc COVID-19 toàn dân: “Lợi bất cập hại”

Nguyễn Hồng Vũ

6-7-2021

Vài tuần trước mình thấy cảnh đáng lo khi hàng ngàn bà con tụ tập lúc nhúc ở nhà thi đấu Phú Thọ để chích ngừa vaccine; vài ngày nay mình lại còn thấy cảnh đáng sợ hơn là bà con Tp.HCM chen chúc nhau để đi kiểm tra sàng lọc COVID-19 theo chiến lược “xét nghiệm toàn thành phố tìm F0”, hoặc các tiểu thương bán hàng ở chợ, những bác tài lái xe liên tỉnh phải chạy đôn chạy đáo đổ xô đi xét nghiệm COVID-19 để lấy giấy “thông hành”. Mình nhìn nhận những việc này ở Việt Nam là “lợi bất cập hại”!

Đương nhiên

Phạm Thị Hoài

6-7-2021

Ảnh: VNExpress

Có những điều mà người may mắn sống ở các xứ phát triển coi là đương nhiên và thường chẳng tốn một nano tâm trí nào vào đó. Tôi cũng thế. Tìm trên mạng một điểm xét nghiệm nhanh gần nhà, lấy một cái hẹn, vài giây sau thông tin xác nhận tự động gửi về kèm theo mã QR, rồi đến, quét mã, nghếch mặt cho một nhân viên ngoáy mũi, nghe một lời chúc bình an, nói một lời cảm ơn, rồi đi, chưa đầy 5 phút, kết quả tự động báo về 20 phút sau, vừa đủ thời gian di chuyển đến phòng gym, quét mã, âm tính, vào tập.