Chuộc tội (Phần 2)

Tạ Duy Anh

9-7-2021

Tiếp theo Phần 1

(Khi anh né tránh cái ác, thì trước sau nó cũng sẽ tìm đến anh – Tự truyện “Dưới bàn tay vô hình”).

_____

Tôi là người ghét việc kiện tụng. Một phần do bản tính tôi thích nhường nhịn, dễ tha thứ, phần khác, có lẽ do phải chứng kiến sự ê chề quá nhiều từ việc làm đó của bố. Nhưng trong hoàn cảnh của tôi, vũ khí duy nhất chỉ là chữ nghĩa, vì vậy tôi bất đắc dĩ phải dùng đến biện pháp này. Tôi kiện không phải chỉ để đòi lại danh dự, nhân phẩm cá nhân, mà bằng tinh thần chuộc tội với đồng đội.

Việc kiện tụng của tôi diễn ra trong im lặng. Tôi viết hai lá đơn, nội dung gần giống nhau, chỉ khác một vài chi tiết thêm vào hoặc lược bỏ cho phù hợp-theo quan niệm của tôi-với nơi nhận. Một nơi là báo Chiến sỹ Tây Bắc, có trụ sở tại thị xã Yên Bái, nơi kia là báo Quân đội nhân dân. Sau đó tôi nhờ cậu bưu tá tiểu đoàn tiện thể ra Cam Đường bỏ vào thùng thư cho tôi. Ngoài ra tôi còn gửi về xuôi hai lá thư, kể rõ ngọn ngành sự việc, một cho bạn bè ở Sông Đà, một cho Nguyễn Đình Chiến, phóng viên báo Quân đội nhân dân, tôi quen ở trại sáng tác văn học Hà Sơn Bình. Trước khi nhập ngũ, tôi còn về Hà Đông chào mọi người.

Gặp lại Nguyễn Lương Ngọc (trái) tại thủy điện Hòa Bình. Ảnh tư liệu

Nguyễn Đình Chiến và tôi có dịp nói chuyện với nhau gần hết đêm trên cầu Am. Với tôi, được anh thân tình như vậy là vinh hạnh lớn vì khi đó Nguyễn Đình Chiến đang nổi như cồn sau giải nhất thơ của báo Văn Nghệ với bài Gặp lại các em. Chính anh dặn khi nào cần thì cứ viết thư cho anh.

Cả hai lá đơn và hai lá thư tôi gửi đi đều không có hồi âm, mặc cho tôi hồi hộp chờ đợi. Tôi đã nghĩ hay là cậu bưu tá đánh mất thư ở đâu đó. Khoảng gần một tháng sau thì tôi có giấy gọi ra Phòng chính trị của trung đoàn làm việc. Nhận giấy báo, tôi linh cảm thấy điều dữ nhiều hơn điều lành. Tôi đoán cuộc gặp có nguyên nhân từ những lá đơn kiện. Tôi chỉ đoán thế thôi, vì thực lòng tôi vẫn nghĩ thư bị thất lạc. Nhưng nếu vì những lá đơn thì tại sao lại là Phòng chính trị trung đoàn đứng ra giải quyết, mà không hề có bất cứ ai ở trên về điều tra như tôi hy vọng?

Lại một đêm tôi mất ngủ với những trò phỏng đoán. Tôi không quen ai ở Phòng chính trị trung đoàn nhưng mọi người đều biết tôi. Hình như lãnh đạo ở đấy có vẻ không ưa tôi mặc dù giữa chúng tôi chưa hề có bất cứ va chạm nào. Họ biết tôi qua lá thư tôi viết cho trung đoàn trưởng khi còn ở tiểu đoàn huấn luyện. Trong thư tôi thẳng thắn đề nghị trung đoàn trưởng hãy tạo điều kiện để tôi có thể sáng tác về những người lính vùng biên. Vì mục tiêu của tôi rất rõ ràng, MUỐN PHỤC VỤ LÂU DÀI TRONG QUÂN ĐỘI, muốn nói được điều gì đó về những người lính thông qua ngòi bút. Rằng chính vì mong ước đó mà tôi BỎ LẠI TẤT CẢ để khoác áo lính… Đáng lẽ tôi phải viết thư cho Phòng chính trị mới phải. Có thể vì sơ suất ấy mà cánh “quan văn” này không ưa tôi.

Trung đoàn trưởng là người võ biền nên ông không mấy để tâm đến những điều tôi trình bày. Nhưng chả hiểu sao ông cũng cử người sang bí mật tìm hiểu về tôi. Người được giao nhiệm vụ là một anh cán bộ Phòng chính trị. Ngay từ đầu anh ta đã không có thiện cảm với tôi. Thay vì hỏi chuyện, anh ta lại đòi xem chữ của tôi, hỏi tôi có biết kẻ vẽ, làm bích báo, viết tấu, diễn trò không… Khi tôi bảo chữ tôi không đẹp, lại nhỏ như kiến, tôi cũng không biết diễn trò, thì anh ta gắt: “Nhà văn nhà báo mà không biết kẻ vẽ, diễn trò mua vui cho thiên hạ thì làm đéo gì?”

Sau đó không ai quan tâm đến tôi nữa.

Nhưng tôi nghe nói Phòng chính trị cũng đã từng bàn tán về tôi, ác cảm nhiều hơn, trước hết ở cái vẻ mặt khó đăm đăm, già nua và xấu… giai! Vì thế hình như họ đã định nhận tôi về làm tuyên truyền, nhưng sau có nhiều dèm pha từ đám chuyên viên quá, lại thôi. Tôi láng máng biết điều này qua chắp nối những cuộc nói chuyện với đám sỹ quan. Chính ông Trưởng ban tuyên giáo, trong một lần say rượu, nửa đùa nửa thật bảo với tôi, giá mà chú mày trắng trẻo, trẻ trung, ngon giai, khéo nói một chút thì đời đã không khổ.

Nhưng nếu có trách thì tôi chỉ có thể trách tôi mà thôi. Có ai bắt tôi phải đâm đầu vào hoàn cảnh bi hài như vậy đâu. Tôi đã viết ở đâu đó lý do tôi khoác áo lính, nay chỉ xin nói vắn tắt: tôi đã tự nguyện gia nhập quân đội theo một cách thật trớ trêu và không chính danh, bằng cách tự điền tên mình vào tờ danh sách cấp trên đưa xuống, theo kiểu giao chỉ tiêu cho bộ phận, khi mọi người bịa ra đủ lý do để xin ở lại. Giờ đây, trớ trêu hơn cả là tôi đang tìm mọi cách để thoát khỏi những năm tháng “đầy hy vọng” với tôi trước đây chỉ vài tháng.

Tôi thề rằng dù phải chết tôi cũng bám trụ cho hết thời hạn. Nhưng tôi sẽ không ở lại thêm một phút khi cái thời hạn ấy kết thúc. Từ nay đến đó còn là một khoảng thời gian đủ dài để tôi ngấm nốt mọi điều. Ngày mai tôi sẽ đối mặt với những người vốn không ưa mình, trong khi tôi chưa hề biết vì việc gì.

Sáng sớm tôi trở dậy, báo với Minh là tôi phải ra trung đoàn nên không thể cùng cậu ấy nấu cơm được. Minh đáp lại theo lối suy diễn của cậu ta: “Bác đi chuyến này chắc là lên hẳn trung đoàn điếu đóm các thủ trưởng đây, rồi lại chả béo trắng ra cho mà xem… hí hí, đừng quên thằng em nhọ đít nhé”. Vài người khác cũng chúc mừng tôi sắp thoát cảnh nhọ mông nhọ mặt. Trong thâm tâm họ nghĩ tôi sắp được trọng dụng vào những việc an nhàn hơn. Đáp lại họ là một nỗi lo lắng hiện ra mặt mà tôi không lý giải được.

Đúng 8 giờ, như giấy hẹn, tôi có mặt ở Phòng chính trị, quân phục tề chỉnh. Cậu lính chuyên bị sai vặt nhanh chóng đưa tôi vào căn phòng làm việc. Trông cậu ta đi lại như bị ai đó giật dây khiến tôi thấy cám cảnh. “May mà mình bị họ ghét, chứ nếu chui vào đây, sống như cái cậu lính kia thì thà đi vác đất còn hơn” – Tôi thầm nghĩ như vậy. Có lẽ chỉ tôi là nghĩ như vậy. Bởi vì với cậu lính kia thì mả nhà cậu ta chắc phải táng hàm rồng nên mới được như vậy. Cho dù là lính, nhưng do ở gần các thủ trưởng nên cậu ta cũng hay làm oai với người khác, nhất là bọn lính từ dưới đơn vị lên làm việc. Vì thế thái độ có phần khép nép khác hẳn ngày thường của cậu ta khiến tôi càng tin rằng mình sắp gặp nguy hiểm.

Cho đến lúc ấy tôi đã có thâm niên hơn nửa năm trong quân đội. Cảm giác của tôi là nỗi bàng hoàng triền miên, không thể tin nổi vào chính tai, mắt mình. Tôi cứ muốn chống lại lý trí của mình rằng, có thể tôi bị bệnh ảo giác. Có thể những chuyện đó xảy ra trong sách kinh dị, trong ác mộng hay trong những câu chuyện bịa và mình cứ bị lầm lẫn do đầu óc có vấn đề. Hình như tôi đã đọc ở đâu đó người ta nói có cái căn bệnh ấy. Một người nào đó cứ bị ám ảnh bởi những chuyện không có thật, đến nỗi cuối cùng anh ta tin là thật, không ai làm anh ta thoát khỏi chúng được. Cầu trời cho tôi cũng đang mắc chứng bệnh ấy, để những gì tôi thấy chỉ là tưởng tượng.

Trong khi chờ làm việc với ai đó mà tôi vẫn chưa biết, vì chuyện gì đó tôi chưa rõ, tôi bỗng thấy muốn buông xuôi cho số phận. Lo lắng cũng chẳng giải quyết vấn đề gì. Ối dào, mình đã bị đẩy tới vạch giới hạn rồi, muốn ra sao thì ra!

Tôi sẵn sàng chuẩn bị đón mọi tình huống…

Từ phía trong, một người đeo quân hàm thiếu tá, mặt khắc nghiệt nhưng có thể thấy rõ là khá thâm trầm, lạnh lùng bước ra, tự kéo ghế ngồi ở phía đối diện, bên kia chiếc bàn. Mặt ông để lộ rõ ra sự khó chịu. Đó là trung đoàn phó chính trị Lưu Văn Hậu. Ông có nước da tai tái, như nước da thường thấy ở phần nhiều những người làm công tác chính trị. Chúng tôi không lạ gì ông vì nhiều lần ông giảng cho chúng tôi về lập trường giai cấp, về chủ nghĩa bá quyền đại Hán, về đường lối chiến tranh nhân dân, về lòng trung thành với đảng quang vinh, về mùa xuân của nhân loại là chủ nghĩa cộng sản đang đến gần, về ngày tận thế của chủ nghĩa đế quốc, về kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm là Trung Quốc và kẻ thù lâu dài là đế quốc Mỹ…

Ông nói bằng giọng của người Nghệ An nên càng tăng thêm vẻ thâm sâu. Chỉ có điều lần nào ông cũng nói tràng giang đại hải, bọt mép đùn ra hai bên mép, đến mức chúng tôi mỏi nhừ cả chân, nhất là khi ông giảng bài “Trung Quốc tuy to nhưng không mạnh”. Ông kể ra muôn vàn tật xấu và những tội ác của Mao Trạch Đông, của Đặng Tiểu Bình ôm chân đế quốc Mỹ, gọi ông ta là thằng lùn chó chết phản bội chủ nghĩa Mác-Lênin khiến tôi nhớ bài thơ Vịnh thằng Lùn của Chế Lan Viên, trong đó có câu: Thằng lùn diện quần bò. Có lẽ vì thế mà anh em bộ đội gọi đùa ông là Lưu Địch Hậu.

Theo quy định của điều lệnh, tôi đứng dậy chào. Ông ta, thiếu tá Lưu Văn Hậu không nhìn tôi, chỉ khẽ gật đầu. Ông ta cho thấy là ông ta đang rất bực mình. Ông ta không giấu vẻ cau có, khó chịu và nguyên nhân của điều đó chính là tôi. Mặc kệ, chết là cùng, tôi ngồi xuống đối diện và cố trấn an mình.

– Ta bắt đầu làm việc-giọng Chính trị viên trung đoàn giống như lời tuyên án- Trước hết tôi muốn hỏi, cậu có biết vì sao chúng tôi cho gọi cậu ra đây không?

– Thưa, tôi không biết-tôi đáp lạnh lùng.

– Cậu thử cố nghĩ lại xem, có thể cậu sớm đoán ra đấy?

Tôi làm ra vẻ đang suy nghĩ.

– Cậu nhớ ra chưa?

– Thưa, tôi vẫn không biết.

– Trí nhớ cậu tồi thế cơ à, tôi không tin.

Tôi ngồi im.

– Cậu thử nhớ lại xem cậu có gửi đi đâu đó đơn thư gì không?

– À, tôi gần như reo lên, không giấu vẻ bình thản pha chút mỉa mai- chuyện đó thì tôi nhớ chứ! Tôi có gửi đến vài nơi đơn tố cáo những người đánh tôi.

– Vậy là cậu nhớ ra rồi, hẩy. Cuối cùng thì cậu cũng nhớ ra. Tốt. Cậu gửi đơn đi những đâu?

– Tôi gửi một lá đơn cho báo Chiến sỹ Tây Bắc, một lá đơn cho báo Quân đội nhân dân, vài lá thư cho bạn bè… -tôi tuồn tuột kể, giọng trơn tru, coi thường, như chả có gì phải giấu diếm.

– Còn những đâu nữa, cậu cố nhớ cho hết.

– Tôi mới chỉ kịp gửi đến những nơi đó.

– Thế cậu còn có ý định gửi đến những đâu nữa?

– Tôi định tới đây, nếu vụ việc không được giải quyết, tôi sẽ kiện lên Ban quân pháp Quân khu, Bộ quốc phòng, thậm chí lên Quốc hội.

– Cậu kiện ai?

– ….

– Ai cho phép cậu làm những việc đó?

– Tôi kiện những kẻ tra tấn tôi và tôi có quyền, cần gì phải chờ ai cho phép…

– Cậu nói bậy!

– Ông Hậu đập tay xuống bàn ngắt lời tôi bằng một câu quát thị uy, chiếu cái nhìn của Thần chết vào tôi.

– Cậu đang là quân nhân, có kỷ luật của quân nhân, không phải cứ thích làm gì thì làm-ông hạ giọng rất nhanh.

– Nhưng ta sẽ trở lại chuyện đó sau. Tôi chỉ muốn hỏi, sao cậu không gửi đơn kiện cho chúng tôi?

– Khi hỏi thế, ông trung tá tiếp tục xoáy vào mặt tôi bằng cái nhìn khô khốc.

– Bởi vì người giải quyết cuối cùng là chúng tôi. Cậu gửi cho báo Chiến sỹ Tây Bắc, báo Quân đội nhân dân hay bất cứ đâu, thì cuối cùng cũng là chúng tôi giải quyết, cậu có biết điều đó không?

– Tôi không biết và tôi không tin…

– Thì tôi vừa nói cho cậu biết. Cậu viết đơn kiện tụng gửi khắp nơi nhưng chúng tôi thì cậu lờ đi.

– Ông ta bất ngờ lại đập bàn và đổi cách xưng hô, đứng dậy, một tay chỉ thẳng vào mặt tôi, tay kia chắp lên hông-anh là thằng cơ hội, nghe rõ chưa!-ông thiếu tá gần như chồm người về phía tôi.

– Anh vào lính để phá hoại, để gây hoang mang cho các chiến sỹ. Anh tưởng chúng tôi không biết tâm địa thật của anh hay sao? Anh ấm ức vì phải vào lính, vì không được trọng dụng nên tìm cách phá chúng tôi từ bên trong. Anh làm chúng tôi mất thể diện, làm chúng tôi điên đầu… Đồ đểu, anh là đồ đểu, là thằng cơ hội. Anh tưởng trong đơn thư anh viết những gì mà chúng tôi không biết sao? Họ gửi cả lại kia kìa. Anh không biết là bất cứ lá thư nào gửi từ biên giới về xuôi, kể cả thư tình, cũng đều bị kiểm soát à. Và vì thế mà chúng tôi mới biết chân tướng thật của anh. Tất cả những gì anh tố cáo quân đội, tố cáo chúng tôi, đều nằm trên bàn của tôi kia kìa. Anh đã bôi xấu hình ảnh người lính, bôi xấu sỹ quan quân đội, bôi xấu tất cả chúng tôi một cách vô nguyên tắc.

Ông thiếu tá dừng lại một lát, rồi nói như tuyên án, giọng rin tít:

– Chúng tôi sẽ trừng trị anh thật thích đáng để làm gương.

(Còn nữa)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây