LỜI NÓI ĐẦU
Có lần, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện bảo tôi:
“Nhiều người khuyên Nguyễn Khắc Viện nên viết hồi ký. Nhưng tôi nghĩ, mình chưa một lần bị đi tù. Chưa một lần cầm súng ra trận thì có gì để mà viết hồi ký…”
Cứ như lời ông Viện thì đời tôi, không đáng một xu, vậy có gì để mà viết hồi ký, hồi ức… cho thiên hạ cười chê (!)
Nhưng bạn bè nhiều người lại khuyên Lê Phú Khải nên viết một cuốn hồi ký, không thì phí đi (!)
Chả là, trong lúc vui vẻ, tôi thường kể cho bạn hữu nghe những chuyện “cười ra nước mắt” của dòng họ tôi, hoặc những nhân vật mà suốt cuộc đời 40 năm làm báo tôi được tiếp cận, làm việc… Toàn là những “nhân vật lịch sử”, những chuyện đáng ghi lại. Mà những nhân vật đó lại không thích hoặc không có điều kiện để ghi lại. Bạn bè khuyên tôi nên viết lại những chuyện mà tôi biết…
Chẳng hạn, như chuyện ông nội tôi làm vaguemestre (nhân viên bưu chính) cho Toàn quyền Đông Dương như thế nào? Ông nội tôi theo Toàn quyền Maurise Long và vua Khải Định đi hội chợ Marseille năm 1922 và phiên dịch cho Khải Định trong chuyến đi ấy như thế nào? Hay là, chuyện chú tôi, tướng Lê Hữu Qua (Lê Phú Cường) có thời gian lái xe và làm garde-corps cho cụ Hồ những năm đầu Cách mạng Tháng Tám như thế nào? Hoặc, một người chú khác của tôi là nhà báo Lê Phú Hào làm phiên dịch cho ông Lê Đức Thọ và Kissinger tại hội đàm Paris như thế nào? Hoặc chính tôi, từng tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những chuyến đi công cán tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)… sau này, ông Kiệt thường kêu tôi đến nhà riêng khi ông đã thôi làm Thủ tướng, để nói chuyện, tạm gọi là “tâm sự” như thế nào? Hoặc chân dung những nhà đấu tranh dân chủ mà tôi có dịp tiếp kiến, giao du như Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sỹ Phu…
Những truyện trên không ai hay cả, nhưng là “những tư liệu quý” như bạn bè tôi nói, cần cho hậu thế đọc và suy nghĩ về một thời kỳ đáng nhớ của đất nước tươi đẹp nhưng đau khổ này! Bạn tôi, toàn những người khó tính, vậy mà họ lại thích thú nghe thì có lẽ cũng nên ghi lại thật. Và cũng chỉ người “quen tay” cầm bút mới đủ kiên nhẫn để ghi lại những trang viết này trong lúc thiên hạ đua nhau đi kiếm tiền bằng đủ mọi cách, kể cả các nhà văn chửi bới nhau để tranh một cái giải thưởng… vài trăm triệu lúc này! (5/2012)
Tôi thử kể một đoạn “hồi ký” dưới đây để bạn đọc yêu mến của tôi coi có được không? Bằng không thì hãy vứt ngay cuốn hồi ký này vào sọt rác… để khỏi rác nhà!
(…Trích).
“Ông nội tôi hỏi: Cháu có biết vì sao các nhân viên ở Phủ toàn quyền gọi quan toàn quyền Đông Dương là “quan Bẩy” không? Nói rồi, ông nội tôi giải thích, bởi vì tên quan võ chỉ huy quân đội Pháp trên toàn cõi Đông Dương được gọi là quan Sáu. Toàn Quyền còn hơn cả quan Sáu nên mới được gọi là quan Bẩy. Quan Bẩy Toàn quyền là người rất nghiêm nghị. Phòng làm việc của ngài ở Phủ toàn quyền là một căn phòng rộng, hình chữ nhật, dài như một cái toa tầu nhỏ. Bureau của ngài ở cuối phòng, trước mặt có kê một chiếc bàn dài và hai hàng ghế để dùng vào những lúc hội họp. Ai được phép vào phòng của ngài rồi phải đi một quãng dài mới tới chỗ quan ngồi. Một lần – vẫn lời ông nội tôi kể – tao đang ngồi làm việc ở cái bàn dài trước mặt ngài thì một tên quan Tư người Pháp được phép vào báo cáo. Tên quan Tư đi theo kiểu nhà binh, đến trước mặt quan Bẩy, nó dậm chân rồi giơ tay chào cũng kiểu nhà binh. Quan Bẩy vẫn cặm cụi viết, không hề để ý đế tên quan Tư. Mấy phút trôi qua trong yên lặng. Thấy tên quan Tư người Pháp phải đứng, tao thì ngồi nên sợ thằng quan Tư ngượng. Tao vội vàng đứng dậy… xem bức tranh trên tường. Bỗng quan Bẩy nói:
– Mày không phải giả vờ xem tranh, tao chưa cho nó ngồi, thì nó chưa được ngồi. Mày cứ ngồi xuống ghế mà làm việc đi (!)
Quan Bẩy là vậy đó. Nghiêm lắm. Lúc làm việc, đi kinh lý đâu ngài cũng đem theo các kỹ sư, các chuyên gia đi theo. Xây dựng công trình gì, trồng cây gì, nuôi con gì, ra chỉ thị gì… ngài đều gọi các nhà chuyên môn đến hỏi rồi mới quyết định. Không những thế, trong sổ sách, tài liệu đều ghi chép rõ ràng ý kiến tham mưu của các nhà chuyên môn, để sau này sẽ truy cứu trách nhiệm. Vì thế các chuyên gia đi theo ngài làm việc rất nghiêm túc, khi được hỏi để Toàn quyền ký một quyết định gì, họ đều đắn đo suy nghĩ rất kỹ… vì tất cả trách nhiệm sau này là họ phải gánh chịu…
… Nghe ông nội tôi kể về cách làm việc của Toàn quyền Đông Dương, tôi nghĩ đến các vị lãnh tụ cộng sản nhà ta sau này đi kinh lý mà thấy buồn cười. Khi có ngôi vị cao rồi, các vị ấy tự cho mình là hiểu biết tất cả. Chắc các vị ấy nghĩ rằng, trong chiến tranh ác liệt như thế, các vị ấy còn thắng nữa là bây giờ, việc gì các vị ấy chẳng quyết được. Tôi nhớ, vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi tổng bí thư (TBT) Lê Duẩn vô thăm tỉnh Tiền Giang. Ban thường vụ tỉnh ủy lúc đó đứng đầu là bí thư tỉnh ủy Chín Hải (tức Lê Văn Phẩm) và chủ tịch tỉnh Sáu Bình (Nguyễn Công Bình) dẫn TBT Lê Duẩn vô thăm vùng Đồng Tháp Mười thuộc địa phận Tiền Giang (90.000 ha). Đứng trước cánh đồng bao la bát ngát của vùng Đồng Tháp Mười, TBT Lê Duẩn chỉ tay về cánh đồng trước mặt, hỏi:
– Trồng những cây gì thế kia? Bí thư tỉnh ủy Chín Hải lễ phép trả lời:
– Thưa tổng bí thư, đó là rừng tràm ạ. Bỗng mọi người sửng sốt khi nghe TBT quát:
– Ngu! Ngu! Sao không trồng lúa!!!
Trước cơn giận dữ của TBT vì sao tỉnh lại không trồng lúa ở Đồng Tháp Mười mà lại trồng tràm… thì mọi người chỉ còn biết chết lặng mà thôi. Ai dám cãi lại? Ai dám cả gan giải thích cho đồng chí TBT rằng, đất Đồng Tháp Mười là đất phèn nặng, chỉ trồng tràm là hợp nhất mà thôi. Từ lúc TBT quát tháo như thế, không khí của đoàn trầm lặng. Hầu như không ai nói gì cả. Khi TBT Lê Duẩn đi rồi, tôi nghe rõ tiếng than của bí thư tỉnh ủy Chín Hải:
– Ông Ba (tức Lê Duẩn) quay cờ rồi (!)
… Có lần, ông nội tôi bất ngờ hỏi: “Cháu có biết ở hội chợ triển lãm thuộc địa Marseille, các nước thuộc địa của Pháp mở các quán ăn trong gian hàng hội chợ của mình để khoe với khách các món ăn ngon của xứ xở mình… thì món gì đắt hàng nhất tại hội chợ không? Nói rồi, ông nội tôi kể tiếp: Món bún chả của Việt nam là được các ông tây bà đầm chuộng nhất. Gian hàng bún chả Việt nam luôn đông nghẹt khách vào ăn. Thịt nướng thơm phức, khói bay nghi ngút từ những cặp thịt nướng bốc lên là lời mời chào quyến rũ nhất của gian hàng ăn Việt Nam. Các bà đầm đều hỏi sao thứ nước chấm bún chả thơm ngon lạ lùng thế? Cháu có biết vì sao không? Đó là vì có vị cà cuống! Nước mắm cà cuống mà!”
… Tướng Lê Hữu Qua là một người cương trực, mỗi lần tôi có việc gia đình phải lên Bộ Công An gặp ông, nhằm lúc ông vui vẻ, thường được ông kể cho nghe về những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, mà theo lời ông, lúc đó tình thế cách mạng “nghìn cân treo sợi tóc”! Lần ông kể cho tôi nghe chuyện lái xe cho cụ Hồ, khi ông cụ từ hội nghị Fontainebleau về… Giọng tướng Qua chậm rãi: Hôm đó tàu cập cảng Hải Phòng, ông cụ đi xe lửa về ga Hàng Cỏ. Lúc xuống ga chúng tôi bí mật đưa ông cụ ra xe ô tô. Tôi lái cho cụ đi vòng vèo các phố trước khi về cơ quan để đánh lạc hướng bọn phản động. Trong khi đó thì một trinh sát của ta, đóng giả cụ Hồ đi diễu hành ngoài phố, trên xe mui trần để đồng bào chào đón, hoan hô. Vậy mà bọn Việt quốc, Việt cách vẫn đánh hơi thấy được. Chúng không nhằm vào “cụ Hồ giả”, mà săn lùng cụ Hồ thật. Lúc bấy giờ xe đang chạy ngon trớn, bỗng nghe thấy tiếng súng nổ từ phía sau. Chúng bắn vào lốp sau. Kinh nghiệm lái xe nhiều năm cho tôi hay, xe nổ lốp sau vẫn có thể chạy tiếp mà không bị lật. Tôi nhấn ga, xe chạy một quãng dài nữa rồi phanh lại. Tôi lao ra khỏi xe, mở cửa sau để ông cụ chạy. Nào ngờ, chạy được mấy thước, ông cụ lại quay lại xe… Tôi đứng tim vì sợ quá… Thì ra ông cụ quay lại cốt lấy chiếc máy đánh chữ xách tay trong xe ra rồi chạy tiếp. Nhờ có tôi vừa bắn bọn phản động, vừa cản đường chúng nên khi nghe tiếng súng nổ liên tiếp, dân quân tự vệ, đồng bào hai bên phố đổ ra đường… nên ông cụ chạy thoát! Thế mà khi về đến cơ quan, tôi thấy ông cụ đang ngồi gõ máy chữ thản nhiên, như không có chuyện gì vừa xẩy ra. Thấy thế, tôi cũng không hỏi gì nữa vì lúc đó bận rộn lắm. Ông cụ cũng vậy, không hỏi han gì nữa, không nhắc đến chuyện ấy nữa… Cái hồi đầu cách mạng là thế đó… “nghìn cân treo sợi tóc” mà! Nhưng sau này có chuyện tức cười là, cái cậu trinh sát đóng vai “cụ Hồ giả” đi diễu phố cho đồng bào hoan hô ấy, đến sau hòa bình 1954, khi cải cách ruộng đất, bị tố là địa chủ gian ác… Nguy kịch quá, cậu ta cãi lại đội cải cách, kể công đóng cụ Hồ giả, sẵn sàng chết cho cách mạng… thành công! Vì thế cậu ta được hạ thành phần xuống phú nông, thoát chết!!!
Câu chuyện trên tôi có viết thành một bài cho báo Sài Gòn Giải Phóng, có đăng kèm cả ảnh tướng Qua với lon thiếu tướng công an cho số đặc san ra ngày 2-9-2005, kỷ niệm 60 năm cách mạng Tháng Tám và quốc khánh 2-9. Duy cái đoạn đóng cụ Hồ giả và chuyện anh chàng đóng giả thoát chết trong cải cách ruộng đất thì bị tòa soạn cắt đi! Bài báo này tôi vẫn còn giữ làm kỷ niệm. Ở các nước văn minh thì sau 35 năm, các hồ sơ mật đều được công khai hóa để các sử gia có tư liệu mà viết cho trung thực. Cuốn “Paris – Sài Gòn – Hà Nội” của sử gia Pháp Philippe Devillers viết về cuộc chiến tranh Pháp Việt (1946-1954) được viết nhờ những tài liệu mật được khui ra. Cuốn sách này đã được ông Hoàng Hữu Đản dịch ra tiếng Việt. Trong cuốn sách đó tác giả Philippe Devillers đã vạch mặt ba tên tướng thực dân lái súng là D’Argenlier, Pignon và Valluy đã bưng bít thông tin với chính phủ Pháp để dẫn đến cuộc chiến Pháp-Việt làm “hủy hoại tất cả di sản và quyền lợi của Pháp ở Đông Dương”. Ở các nước cộng sản độc tài thì không có chuyện khui các tài liệu mật. Ngay cả những chuyện không có gì phải dấu diếm như chuyện tướng Qua kể cho tôi nghe ở trên cũng bị… cấm! Vì thế, khi được báo Sài Gòn Giải Phóng mời viết bài về cách mạng Tháng Tám, tôi đã cố ý kể những chuyện do tướng Qua kể lại… cho bài báo thêm phần sinh động, trung thực, hấp dẫn. Nhưng chính báo chí lại tự kiểm duyệt mình một lần nữa, vì thế, đọc báo “lề phải” cứ thấy công thức, nhạt nhẽo, vô duyên không thể “ngửi” được. Tướng Lưu Á Châu ở Trung Quốc có nói một câu nổi tiếng: “Ở Trung Quốc nơi thiếu thông tin nhất là … báo chí!”. Sao anh bạn 16 chữ vàng này lại giống ta đến thế!
Ở Bộ Công An, tướng Qua là người ghét cay ghét đắng thứ trưởng Lê Quốc Thân. Theo ông, đây là một phần tử hèn nhát, cơ hội và gian manh. Chính ông Vũ Quốc Uy, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa đối ngoại của Việt Nam cũng từng nói với tôi về sự hèn nhát của Lê Quốc Thân mà ông được chứng kiến khi Pháp tấn công quân ta đang cố thủ trong nhà hát lớn Hải Phòng hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông Uy kể: “Khi tất cả anh em tự vệ đang quyết chiến đấu với Pháp thì Lê Quốc Thân ngồi khóc và sợ quá… đái cả ra quần!”. Vậy mà sau này ông ta leo lên đến chức ủy viên trung ương Đảng, thứ trưởng Bộ Công An.
Tướng Qua kể, lúc trúng ủy viên trung ương, thứ trưởng Lê Quốc Thân mỗi lần đến cục tôi làm việc (tức Cục Cảnh sát, Cục Trại giam mà tướng Qua từng làm cục trưởng) thường hoa chân múa tay nói huyên thuyên như “quan điểm” của tôi thế này, “quan điểm” của tôi thế kia… Lúc ấy, tôi nóng mắt lắm. Một hôm không chịu nổi nữa nhưng vẫn giữ sĩ diện cho “đồng chí thứ trưởng” nên lúc tan cuộc họp rồi, mọi người đã giải tán, chỉ còn tôi và thứ trưởng Thân do tôi mời lại. Tôi nói thẳng với ông ta: “Ngày còn ở An toàn khu khi thằng Đỗ Nhuận nó mới sáng tác được bài “Du kích sông Thao”, tối đến nó tập hợp anh em lại để hát thử. Khi nó xướng lên “Hồng Hà”… thì mọi người ở dưới đều đồng thanh “mênh mông”… Lúc đó anh chỉ bốc ngô rang ăn, đến nỗi thằng Đỗ Nhuận phải chỉ vào mặt anh nói Lê Quốc Thân… “mênh mông” đi chứ, cứ bốc ngô mà ăn mãi thế!!! Chắc anh còn nhớ chuyện đó chứ…? Cái lúc anh bốc ngô rang trong chiến khu sao tôi không thấy anh có “quan điểm” gì… sao bây giờ mới được vô trung ương, anh lắm “quan điểm” thế! Lê Quốc Thân đỏ mặt rồi quay ngoắt đi thẳng. Từ đó y không bao giờ đến Cục tôi để nêu “quan điểm” nữa (!)”.
Tướng Qua là như thế. Tính nóng nẩy, cương trực, nên hay làm mất lòng cấp trên mặc dù công trạng đầy mình. Ông từng phá “Vụ án phố Ôn Như Hầu” nổi tiếng, cứu chế độ cộng hòa non trẻ sau CM Tháng Tám thoát hiểm trong gang tấc. Vậy mà sau này, từ chức vụ Cục trưởng Cục cảnh sát ông phải miễn cưỡng nhận chức Cục trưởng Cục lao cải – tức cục quản lý các trại giam, một chức vụ bị “cách ly” với các vấn đề an ninh ngoài xã hội, không còn liên quan đến toàn bộ hệ thống pháp luật, đến sự minh bạch, công tâm, trách nhiệm cao, thâm niên nghiệp vụ cao của người đứng đầu ngành cảnh sát quốc gia như chức vụ cũ của ông. Vậy mà cũng không yên. Tướng Qua kể khi ông Phạm Hùng làm phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công An, một lần ông đến Cục trại giam và ra lệnh cho tôi thả một nữ tù nhân đang mang án trung thân. Tôi thưa với đồng chí Bộ trưởng, đây là chuyện pháp luật, tôi không dám. Ông Phạm Hùng nói “pháp luật do ta làm ra chớ (!)”. Tôi đành thưa, xin phép để cho tôi họp Đảng ủy Cục, xin ý kiến Đảng ủy. Ông Phạm Hùng trừng mắt hỏi “đồng chí bao nhiêu tuổi?”. Tôi biết không xong rồi, và sau giây phút suy nghĩ, tôi đã trả lời một cách kiên quyết, chấp nhận mọi hậu họa “tôi ít tuổi hơn đồng chí”! Thế là hơn tháng sau, tôi nhận được quyết định nghỉ hưu (!)
Ông Phạm Hùng từng là một người anh hùng như tôi đã biết. Ông từng bị thực dân Pháp kết án tử hình. Trong khám tử hình, ông tỏ ra vô cùng anh dũng, được kính nể. Vậy mà khi có quyền lực không giới hạn thì tha hóa như thế. Đó là con đường của tất cả các lãnh tụ trong một chế độ toàn trị, mà trường hợp Phạm Hùng chỉ là một ví dụ nhỏ. Cả dòng họ Lê Phú của tôi, chỉ có mình tôi là được biết về lý do bị cho nghỉ hưu đột ngột của tướng Qua, vì ông chỉ kể cho có một mình tôi nghe trong một chiều “gió tím mưa xanh”.
Cuốn sách này là những mẫu chuyện như thế!
– – – – –
MỤC LỤC:
Ch 1. Hà nội, nơi tôi sinh ra
Ch 2. Đi tản cư lên Chí Chủ, Phú Thọ
Ch 3. Hai lần “thi trượt” nhưng số phận vẫn mỉm cười với tôi
Ch 5. Những chuyện kể của tướng Qua
Ch 6. Chín năm dạy học ở thôn quê
Ch 7. Ba mươi tám năm làm báo “lề phải” và “lề trái”
- 7a. Những năm ở Đài TNVN và Đài Truyền hình TW
- 7b. Ba năm ở Đài Phát thanh Tiền Giang
- 7c. Trở về Đài Tiếng nói VN
- 7d. Mátxcơva không tin vào nước mắt (tên 1 cuốn phim LX)
- 7đ. Ba ông họ Võ: Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Võ Viết Thanh
- 7e. Nguyễn Hà Phan, bi hay hài?
- 7g. Quảng Châu, Thâm Quyến, Hồng Công, Ma cao… và cuộc thử nghiệm…
- 7h. Người kéo nhị ở quận 19 thành Paris
- 7i. Những người nông dân tiên tiến ở ĐBSCL
- 7k. Mặt thật của các Tổng biên tập
- 7l. Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc
- 7m. Đôi bài “ lề dân”: Thư ngỏ của một công dân, Nước Việt của ai, Khổng Tử và những cơn sốt…
Ch 8. Người cùng thời:
- 8a. Chú Bảy Trân
- 8b. Nguyễn Khắc Viện
- 8c. Chế lan Viên
- 8d. Nguyên Ngọc
- 8đ. Nguyễn Khải
- 8e. Sơn Nam
Ch 9. “Chấm phá” chân dung những nhà dân chủ:
- 9a. Nguyễn Kiến Giang
- 9b. Hà Sỹ Phu
- 9c. Hoàng Hưng
- 9d. Dương Thu Hương
- 9đ. Tô Hải
- 9e. Phạm Đình Trọng
- 9g. Những gương mặt trẻ
Ch 10. Cuộc biểu tình ngày 9/12/2012