Chương 9đ:
“CHẤM PHÁ” CHÂN DUNG CÁC NHÀ DÂN CHỦ: TÔ HẢI
(tiếp theo Lời nói đầu, Ch.1, Ch.2, Ch.3, Ch.4, Ch.5, Ch.6, Ch.7a, Ch.7b, Ch.7c, Ch.7d, Ch.7đ, Ch.7e, Ch.7g, Ch.7h, Ch.7i, Ch.7k, Ch.7l, Ch.7m, Ch.8a, Ch.8b, Ch.8c, Ch.8d, Ch.8đ, Ch.8e, Ch.9a, Ch.9b, Ch.9c, Ch.9d)
Trong hàng ngũ những người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam có một người lính già anh dũng luôn xông pha ở hàng đầu trận tuyến. Đó là nhạc sĩ Tô Hải, năm nay đã 87 tuổi.
Nhân dân Sài Gòn không bao giờ quên buổi sáng đẹp trời ngày 16 tháng 12 năm 2007, trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo VN, có một ông già 80 tuổi, chống gậy đứng giữa đám biểu tình, vẻ mặt đầy phẫn nộ, khua gậy lên chỉ vào mặt một người đàn bà mặc áo màu xám, hét to: “Con này là chỉ điểm cho công an bắt người!” “Con này” mà Tô Hải chỉ mặt là người phụ nữ cao to, đứng quan sát xem ai hô to, ai hăng hái nhất rồi chỉ cho công an chìm, công an nổi “ẵm” đi! Cái “con này” ấy là Nguyễn Thị Quyết Tâm, sau này được thăng chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM, đại biểu quốc hội. Và trong phiên họp quốc hội tháng 6/2013 vừa qua đã đứng lên “thay mặt” 10 triệu nhân dân TPHCM cho rằng nên giữ tên nước như hiện nay, không cần đổi (!)
Những kẻ chỉ điểm bắt người biểu tình chống TQ như Nguyễn Thị Quyết Tâm được thăng quan tiến chức, được chế độ Cộng sản xem là nòng cốt của chế độ, phải được ghi rõ họ tên, chúng đã được những người biểu tình hôm ấy quay phim để lưu giữ đời đời cho con cháu biết những gương mặt bán nước hại dân, còn nghệ sĩ Tô Hải thì đi vào lịch sử chống TQ bành trướng.
Tô Hải sinh ngày 24/9/1927 tại Hà Nội, nguyên quán Tiền Hải, Thái Bình. 19 tuổi, như mọi thanh niên trí thức yêu nước, ông xung phong vào Vệ quốc đoàn theo tiếng gọi non sông lên đường cứu nước. Ông tâm sự: Lúc ông đi theo Việt Minh đi cứu nước, bố ông là một công chức thời Pháp, có học, có đọc sách, đã khuyên ông không nên theo vì đó thực chất là Cộng sản, nếu không nghe thì cứ đi, nhưng đừng có về nhà nữa. Tô Hải lúc đó đang ở thời kỳ “thơ” trong chữ “ngây thơ” mà Nguyễn Khắc Viện đã viết. Chỉ đến Cải cách ruộng đất sau đó hơn chục năm, thời kỳ “thơ” mới hết và chuyển sang thời kỳ “ngây” như ông Viện nhận ra lúc cuối đời. Tô Hải nhận ra mình “ngây” thì quá muộn! Không còn đường về nữa! Ông phải tiếp tục sống như một người “Cộng sản đích thực” (ông được kết nạp Đảng năm 1949), tức là phải dối trá để tồn tại. Chính vì thế mà ông đã viết cuốn Hồi ký của một thằng hèn (NXB Tiếng Quê Hương ở Virginia Hoa Kỳ ấn hành năm 2009) để xám hối! Chính tôi là người viết lời giới thiệu cho cuốn sách này.
Việc viết giới thiệu này là cả một chuyện rất khôi hài. Khi những người biên tập cuốn sách yêu cầu người viết giới thiệu nó tốt nhất nên là một người đang ở trong nước, nhạc sĩ Tô Hải, tác giả của Nụ cười sơn cước, Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy đã nhờ tôi. Lý do: tôi là người đầu tiên và duy nhất đã đọc bản thảo nó ở trong nước. Số là, tôi ra Nha Trang thăm Tô Hải, thấy ông đang cặm cụi dành toàn bộ thời gian cho cuốn sách. Tôi đã đọc bản thảo này trong một xóm nhỏ ở thành phố biển Nha Trang. Nhưng các vị biên tập cuốn sách ở nước ngoài lại cho tôi là “công an của Việt Cộng” nên không muốn lời giới thiệu sách đứng tên tôi. Tô Hải phải email sang nói rõ, tôi là nhà báo, không phải công an. Các vị đó vẫn không tin, nói rằng gia đình tôi có nhiều người làm công an nên “cài” tôi vào để…
Cuối cùng thì lời giới thiệu vẫn là bài viết của tôi, do sự “cam kết” của Tô Hải. Thêm nữa, cũng chẳng ai trong nước đã đọc bản thảo cuốn này để viết giới thiệu như mong muốn của những người in sách! Điều đáng buồn từ sự việc này là cả dân tộc ta đã nghi kỵ nhau, không ai tin ai nữa… “Đấu tranh giai cấp” đã dẫn đến tình trạng đó ở VN.
Chưa hết, sau khi sách ra đời, một “nhà báo” ở nước ngoài ký tên là Việt Thường đã “ném đá” cuốn sách, tố cáo tôi là “đại tá” công an, Tô Hải là “đại úy” công an, chịu sự “lãnh đạo” của tôi! Xem ra Việt Thường mới chính là người được “cài” ra nước ngoài nhằm gây nhiễu trên văn đàn. Vì không bác bỏ được sự thật mà cuốn sách viết ra, thì tốt nhất là vu cho Tô Hải là công an để không ai tin nội dung sách. Việt Thường là ai thì tôi biết quá rõ. Anh ta tên là Hùng, nhà ở đầu phố Phan Chu Trinh Hà Nội. Bố là người gốc Hoa; bà Phương mẹ anh ta được bà con khu phố gọi là bà Tham Phương. Nhà có bốn anh chị em, anh cả là Đại Văn, rồi đến Hùng Văn, Cường Văn. Bà chị Hùng Văn tên là Bích. Cường Văn cùng tuổi với tôi, đang dạy Anh Văn ở TPHCM. Hùng Văn thời nhỏ là một tay du đãng, lớn lên có làm phóng viên một tờ báo ở Hà Nội rồi hành nghề bói toán, sau đó ra nước ngoài. Sở dĩ tôi biết rành rẽ Việt Thường như vậy vì nhà anh ta ở đầu phố Phan Chu Trinh, nhà tôi ở đầu phố Hàm Long, chỉ cách nhau “một tầm súng ngắn”! Ngày nhỏ, tôi vẫn chơi với Cường Văn, vẫn sang nhà Cường Văn chơi. Đó là một biệt thự nhỏ, đẹp, của ông Tham Phương giàu có, có cổ phần ở mỏ than Hồng Gai…
Bây giờ, mỗi lần tôi đến chơi, Tô Hải thường nói đùa: Đại tá đến thăm đại úy đây!
Trên thế giới mạng Internet VN một thập kỷ qua, Tô Hải là một blogger già nhất, ông có cả một trang web “Tô Hải’s blog” hàng tuần đều có bài. Ông viết blog trong tình trạng đau yếu của tuổi già, kê lưng vào gối mà gõ máy tính… Nhưng chỉ vắng bóng ông trên mạng ít bữa là các độc giả trẻ người Việt khắp nơi trong ngoài nước lo lắng, mong mỏi, email thăm hỏi… Ông là một chứng nhân của lịch sử, những chuyện ông viết ra khiến lớp trẻ khao khát sự thật đón đọc say mê. Nhưng không phải Tô Hải chỉ viết cái đã qua, hàng ngày ông đọc Le Monde trên mạng, nắm bắt tình hình thế giới, trong nước và bình luận kịp thời những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Có lần đài phát thanh Pháp RFI phỏng vấn ông. Họ ngạc nhiên về những thông tin ông đưa ra. Họ hỏi tin ấy ở đâu ra? Ông trả lời: Tôi đọc trên Le Monde sáng nay. Phóngviên thú nhận: Từ sáng đến giờ chưa đọc Le Monde!
Công bằng mà nói, với những huân chương mà ông đã nhận được, với Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt 1, ông có thể ngồi rung đùi mà hưởng bổng lộc, đến các hội nghị, lễ kỷ niệm này nọ mà ngồi ghế danh dự trong làng nhạc sĩ VN, nhận bao thư và… ngậm miệng ăn tiền dài dài… như các văn nghệ sĩ lão thành khác (!) Nhưng vận nước không để ông ngồi yên. Ông nghĩ đến con cháu, nghĩ đến thế hệ trẻ mai sau sẽ sống ra sao nếu bọn Tàu ô gặm dần cái đất nước mà ông bà đã tốn bao xương máu để gìn giữ cho đến hôm nay. Ông tâm sự: Từ ngày tôi viết blog, mấy thằng nhạc sĩ xưa kia vô Sài Gòn là nhào đến tôi… bây giờ lỉnh hết, họ sợ liên lụy. Giới nhà văn của ông còn đỡ chứ giới nhạc cùng thời với tôi chúng nó hèn quá! Buồn cho đất nước quá!
Tôi an ủi ông: Những kẻ ngậm miệng ăn tiền ấy có gì đáng nói. Bù lại, hiện anh có hàng vạn bạn đọc trên thế giới, đó chẳng phải là đáng vui hay sao?
Vì ông là người bất đồng chính kiến mà công an đã đến “hỏi thăm” cái xe bán bánh mì của vợ ông ở đầu phố, công an và chính quyền phường đến tận nhà “khuyên giải” ông đừng viết blog nữa!
Viết đến đây tôi bỗng nhớ: Năm 1991, tại Hồng trường Mátxcơva, tôi đứng giữa những người già, rất già, râu tóc bạc phơ, đang cầm biểu ngữ đứng biểu tình trong tuyết giá. Một người bạn VN nói với tôi: Những người già như thế này đi biểu tình không phải như sinh viên Nam Hàn, Singapo đi biểu tình đòi một cái gì cụ thể cho ngày hôm sau đâu, mà họ vì trách nhiệm với lương tâm, vì một tương lai, vì một cái gì cao cả hơn đối với đất nước.
Những gì mà nhạc sĩ Tô Hải đã và đang làm, chính vì “những điều cao cả hơn đối với đất nước” VN yêu quí của ông.
– – – – –
MỤC LỤC:
Ch 1. Hà nội, nơi tôi sinh ra
Ch 2. Đi tản cư lên Chí Chủ, Phú Thọ
Ch 3. Hai lần “thi trượt” nhưng số phận vẫn mỉm cười với tôi
Ch 5. Những chuyện kể của tướng Qua
Ch 6. Chín năm dạy học ở thôn quê
Ch 7. Ba mươi tám năm làm báo “lề phải” và “lề trái”
- 7a. Những năm ở Đài TNVN và Đài Truyền hình TW
- 7b. Ba năm ở Đài Phát thanh Tiền Giang
- 7c. Trở về Đài Tiếng nói VN
- 7d. Mátxcơva không tin vào nước mắt (tên 1 cuốn phim LX)
- 7đ. Ba ông họ Võ: Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Võ Viết Thanh
- 7e. Nguyễn Hà Phan, bi hay hài?
- 7g. Quảng Châu, Thâm Quyến, Hồng Công, Ma cao… và cuộc thử nghiệm…
- 7h. Người kéo nhị ở quận 19 thành Paris
- 7i. Những người nông dân tiên tiến ở ĐBSCL
- 7k. Mặt thật của các Tổng biên tập
- 7l. Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc
- 7m. Đôi bài “ lề dân”: Thư ngỏ của một công dân, Nước Việt của ai, Khổng Tử và những cơn sốt…
Ch 8. Người cùng thời:
- 8a. Chú Bảy Trân
- 8b. Nguyễn Khắc Viện
- 8c. Chế lan Viên
- 8d. Nguyên Ngọc
- 8đ. Nguyễn Khải
- 8e. Sơn Nam
Ch 9. “Chấm phá” chân dung những nhà dân chủ:
- 9a. Nguyễn Kiến Giang
- 9b. Hà Sỹ Phu
- 9c. Hoàng Hưng
- 9d. Dương Thu Hương
- 9đ. Tô Hải
- 9e. Phạm Đình Trọng
- 9g. Những gương mặt trẻ
Ch 10. Cuộc biểu tình ngày 9/12/2012