Project- Syndicate phỏng vấn Joseph S. Nye, Jr.
Đỗ Kim Thêm dịch
6-6-2023
Tuần này, trong chuyên mục Say More, Project-Syndicate phỏng vấn Joseph S. Nye, Jr. về các đề tài quyền lực Trung Quốc, chính trị Hoa Kỳ, chiến tranh lạnh mới, cuộc chiến Ukraine và xung đột Đài Loan. Sau đây là bản dịch.
***
Project Syndicate: Một thời điểm then chốt trong sự xuất hiện của “quyền lực mềm” – một thuật ngữ mà ông đặt ra – như một khái niệm về chính sách đối ngoại được chấp nhận rộng rãi, xảy ra vào năm 2007, khi cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trình bày tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) toàn quốc lần thứ 17, rằng đất nước phải phát triển nó. Sau đó, các quan chức Trung Quốc đã tiếp xúc riêng với ông để tìm lời khuyên về cách thực hiện. Trung Quốc chú ý đến lời khuyên của ông ở mức độ nào, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, và điều đó có đang thay đổi dưới thời của Tập Cận Bình không?
Joseph S. Nye, Jr.: Quyền lực mềm là khả năng đạt được những gì bạn muốn thông qua sự thu hút, thay vì ép buộc hoặc trả tiền. Trung Quốc có được quyền lực mềm từ trong nền văn hóa truyền thống, thành quả kinh tế đầy ấn tượng và các chương trình viện trợ. Nhưng ít nhất Trung Quốc có hai vấn đề trách nhiệm mà nó đang làm suy yếu khả năng tạo ra quyền lực mềm.
Thứ nhất, Trung Quốc thiếu một xã hội dân sự cởi mở – một nguồn chủ yếu trong việc gây thu hút – do ĐCSTQ khăng khăng duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với đời sống của người dân và cơ hội cho việc lập các hội tự nguyện độc lập. Thứ hai, Trung Quốc duy trì – và châm ngòi – cho các căng thẳng và xung đột với các nước láng giềng, thường về các vấn đề lãnh thổ. Học viện Khổng Tử ở New Delhi không thể làm gì để gia tăng sức hấp dẫn của Trung Quốc nếu quân đội Trung Quốc giết chết binh sĩ Ấn Độ ở biên giới có tranh chấp ở Himalaya.
PS: Tháng 10 năm ngoái, ông đã nghiên cứu đến “các nguyên nhân sâu xa, trung hạn và trực tiếp” của cuộc chiến Ukraine, và nhấn mạnh rằng, có tất cả các yếu tố cho một dấu hiệu nguy hiểm mà nó không bảo đảm rằng sẽ là một. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, các lo ngại về một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc – và khả năng tiềm tàng là một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ – đã gia tăng ráo riết. Khi nhận ra rằng “không có tương lai duy nhất, mà là một loạt các tương lai với các xác suất khác nhau mà hành động của chúng ta có thể ảnh hưởng”, vậy “nguyên nhân sâu xa, trung hạn và tức thời” của một cuộc xung đột về Đài Loan có thể là gì?
JSN: Các nguyên nhân sâu xa của một cuộc chiến còn tiềm tàng đối với Đài Loan nằm trong cuộc nội chiến Trung Quốc (1927-49). Các lực lượng Cộng sản đã đánh bại chính phủ Quốc gia do Quốc Dân Đảng lãnh đạo ở đại lục, nhưng không chiếm được Đài Loan, nơi mà ĐCSTQ coi là một tỉnh nổi loạn. Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã quyết định theo công thức “một Trung Quốc” để trì hoãn giải pháp cho cuộc xung đột. Để duy trì hiện trạng này, Mỹ đã cố gắng không chỉ ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực mà còn ngăn chặn Đài Loan khiêu khích Trung Quốc bằng cách đưa ra tuyên bố chính thức về nền độc lập.
Nguyên nhân trung hạn là sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực và ý thức ngày càng tăng về bản sắc dân tộc của dân chúng Đài Loan. Nguyên nhân trực tiếp – tia lửa sẽ sẵn sàng đốt cháy Đài Loan – có thể là một sự kiện bất ngờ nào đó thúc đẩy Trung Quốc hành động, chẳng hạn như phong tỏa một tàu Trung Quốc bị đánh chìm. Tôi không nghĩ rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine thay đổi sự tính toán này nhiều.
PS: Ông viết hồi tháng Ba rằng: “Nếu mối quan hệ Trung-Mỹ là một canh bạc, người ta có thể nói rằng, Mỹ và các đồng minh lâu năm của họ đã được xử lý tốt, đặc biệt trong bối cảnh những thách thức chính trị, dân số và nhân khẩu ngày càng tăng của Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông lo ngại rằng “một nền chính trị dựa theo đảng phái” ở Mỹ đang “tạo ra một sự cuồng loạn” sẽ ngăn cản việc thực hiện “chiến lược chiến thắng” của Mỹ. Chính trị quốc nội đã bóp méo chính sách Trung Quốc của Mỹ như thế nào – một trong số rất ít lĩnh vực của việc thỏa thuận lưỡng đảng – và ông nghĩ những rủi ro chính trị nào có khả năng trở thành hiện thực trong tương lai, đặc biệt là khi Mỹ chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới?
JSN: Sự cạnh tranh gay gắt trong chính trị quốc nội của Mỹ đã thúc đẩy việc bôi nhọ Trung Quốc leo thang liên tục và thảo luận về một cuộc chiến tranh lạnh mới. Trong khi sự cạnh tranh Mỹ-Trung không thể bỏ qua, việc bôi nhọ là một sự hướng dẫn tệ hại cho chiến lược. Mỹ và Trung Quốc tương thuộc nhiều hơn nếu so với Mỹ và Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh, với mối quan hệ của họ trải dài trong lĩnh vực kinh tế, khí hậu và y tế. Một chiến lược rõ ràng sẽ quan tâm đến điều đó. Ví dụ như khi cấm các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện sự trao đổi ‘nhạy cảm’ có thể là hợp lý, nhưng không có nghĩa là chúng ta nên cấm các tấm pin có chứa năng lượng mặt trời của Trung Quốc.
PS: Gần đây, ông ghi nhận: “Ukraine cho thấy quyền lực mềm vẫn còn phù hợp”. Tuy nhiên, đối với Liên minh châu Âu, cuộc chiến Ukraine đã làm nổi bật tầm quan trọng của “quyền lực cứng” về quân sự. Liệu Liên minh châu Âu có đang đi đúng hướng để phát triển một chiến lược “quyền lực thông minh” cân bằng mà nó kết hợp các yếu tố cứng và mềm?
JSN: Sức mạnh thông minh là khả năng kết hợp sức mạnh cứng và mềm trong một chiến lược hiệu quả, trong đó chúng củng cố lẫn nhau. Trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine năm ngoái, tôi đã nói với những người bạn châu Âu của tôi rằng, trong khi tôi ngưỡng mộ quyền lực mềm của họ, họ cần kết hợp nó với sức mạnh cứng hơn. Vladimir Putin dường như đã khắc phục được vấn đề đó một cách vô tình.
PS: Ý tưởng về quyền lực mềm bắt nguồn từ những nỗ lực của ông để thách thức với quan điểm mà nó vốn đã thu hút trong thập niên 1980, khi cho rằng Hoa Kỳ đang suy thoái. Kể từ đầu thế kỷ, các cuộc chiến do Mỹ lãnh đạo ở Iraq và Afghanistan, sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc, và thách thức của Nga đối với khối NATO và phương Tây đã làm sống lại câu chuyện đó. Lần này có khác không?
JSN: Kể từ khi Hoa Kỳ trở thành một cường quốc toàn cầu, vượt trội vào năm 1945, đã có một số giai đoạn khi Hoa Kỳ được cho là suy tàn. Các nhận thức về Hoa Kỳ là theo chu kỳ. Sức thu hút của chúng ta đã giảm sau cuộc xâm lược Iraq, nhưng đã tăng trở lại trong nhiệm kỳ tổng thống của Barack Obama. Các cuộc thăm dò cho thấy sự sụt giảm tương tự trong những năm Donald Trump cầm quyền, với chiến thắng của Joe Biden vào năm 2020 mang lại một sự gia tăng khác. Tôi nghĩ rằng các chu kỳ như vậy sẽ tiếp tục.
PS: Trong cuốn sách năm 2020 của ông, Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump, ông lập ra một bảng điểm cho các quyết định về đạo đức của mỗi tổng thống. Ông Biden vừa tuyên bố sẽ tái tranh cử vào năm tới. Ông đánh giá như thế nào về thành tựu của Biden cho đến nay?
JSN: Điểm trung thực duy nhất là “không đủ”. Về mặt tiêu cực, việc rút quân ra khỏi Afghanistan đã được xử lý một cách vụng về, và Biden đã thất bại trong việc đưa ra một chính sách thương mại thuyết phục được châu Á. Về mặt tích cực, Biden đã khôi phục niềm tin trong các liên minh của chúng ta, tái gia nhập các tổ chức quốc tế, coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu và xử lý tốt tình hình Ukraine. Cho đến nay, điểm cộng vượt xa điểm trừ, nhưng điểm tổng kết là vẫn chưa đạt được.
______
Joseph S. Nye, Jr., là giáo sư Đại học Harvard, Cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ. Cuốn sách gần đây nhất của ông có tựa đề: Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump do Nhà xuất bản Đại học Oxford ấn hành năm 2020.
Bài liên quan: Trung Quốc đã đạt đến tột đỉnh? — Liệu cuộc chiến Đài Loan sẽ xảy ra? — Sự phát triển của chiến lược Trung Quốc của Mỹ — Nguyên nhân nào gây ra cuộc chiến Ukraine?