15-9-2021
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16 — phần 17 — phần 18 — phần 19 — phần 20 — phần 21 — phần 22 — phần 23 — phần 24 — phần 25 — phần 26 — phần 27 — phần 28 — phần 29 — phần 30 — phần 31 — phần 32 — phần 33 — phần 34 — phần 35 — phần 36 — phần 37 — phần 38 — phần 39 — phần 40 — phần 41 — phần 42 — phần 43 — phần 44 — phần 45 — phần 46 — phần 47 — phần 48 — phần 49 — phần 50 — phần 51 — phần 52 — phần 53 — phần 54 — phần 55 — phần 56 — phần 57 — phần 58 — phần 59 — phần 60 — phần 61 — phần 62 — phần 63 — phần 64 — phần 65 — phần 66 — phần 67 — phần 68
Hôm nay thức dậy sớm vì có hẹn tham gia một talkshow của chương trình Sài Gòn ta thương. Buổi nói chuyện thực hiện trực tuyến qua Zoom nên cũng đơn giản. Phòng tôi bị hỏng internet từ khi vừa có dịch nên chưa sửa được. Hai cái bên các phòng khác thì yếu vì bị vách tường ngăn nên đành sử dụng 4G qua iphone, không dùng computer được. Cũng hơi bất tiện nhưng rồi cũng xong.
MC của chương trình là ca sĩ nổi danh một thời của Sài Gòn, ca sĩ Ngọc Ánh. Nội dung buổi nói chuyện đề cập đến những suy nghĩ và cảm xúc của tôi về cơn đại dịch đang diễn ra ở thành phố này. Trong lúc câu chuyện đang diễn tiến, có đôi khi tôi không giấu được cảm xúc khi nhắc đến bạn bè, người quen đã ra đi vì virus không ai tiễn đưa, không nghi lễ, không ánh nến nguyện cầu. Tôi cũng nghẹn lời khi đề cập đến những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi khi cha, mẹ đột ngột ra đi và không biết tương lai của các em sẽ ra sao.
Tôi cũng rất xúc động khi được hỏi về những kỷ niệm khi tôi mới vào Sài Gòn, ký ức những năm tháng cách đây hơn nửa thế kỷ quay về làm tôi nao nao trong lòng. Tôi nói về những tấm lòng của người Sài Gòn, rộng rãi, bao dung và độ lượng đã từng cưu mang tôi trong những khi khốn khó. Và cũng nói về một Sài Gòn u buồn, tang thương trong cơn đại dịch hôm nay. Tôi cũng không quên nói lời tri ân đến các nhân viên y tế, những người đang ở tuyến đầu, đang chiến đấu để chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm dịch và tin rằng thành phố sẽ qua được cơn bệnh nặng, trở lại một Sài Gòn năng động và đầy những nụ cười.
Buổi phỏng vấn cũng nhắc đến những bài nhật ký hàng ngày của tôi về Sài Gòn lockdown đăng trên facebook, nay đã gần 70 bài. Tôi cám ơn mọi người đã đọc và đã quan tâm. Hi vọng những trang nhật ký này sẽ ghi lại được những hình ảnh, những cảm xúc của người Sài Gòn trong suốt thời gian giãn cách và mong rằng nó như là một ít tư liệu dưới góc nhìn của một cá nhân, một chứng nhân khi cơn gió dịch bệnh thổi qua thành phố Sài Gòn thân thương ghi lại cho đời.
Mấy hôm bị facebook treo giò, nhiều tin nhắn gởi vào messenger hỏi thăm, nhưng tôi không trả lời được vì đang bị cấm. Xin lỗi các anh chị em và cám ơn sự quan tâm của các bạn. Những ngày này tuy không đăng được nhưng tôi vẫn viết tiếp tục, không bỏ hôm nào và sẽ đăng ngay khi được phép.
Ngày 15.9 đã đến, trước đây cứ nghĩ hôm nay là ngày cuối của giãn cách, của phong toả, của cách ly. Nhưng rồi chưa thể. Ai ở đâu vẫn ở yên đấy. Và chính quyền cũng đang phân vân, thăm dò, đợi chờ thời điểm để mở cửa cho cuộc sống bình thường trở lại. Cho nên mấy hôm nay khẩn cấp chích ngừa toàn thành phố, chạy nước rút tiêm mũi 1 vaccine, bởi hôm nay là ngày cuối cùng thực hiện mục tiêu đạt 100% trường hợp trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 vaccine.
Nhiều quận huyện tại thành phố đang phát đi thông báo khuyến khích người dân đi tiêm không cần đăng ký trước, không phân biệt thường trú, tạm trú hay chưa đăng ký tạm trú. Nếu cần thiết, sẽ đến từng nhà để tiêm. Chỉ cần trình thẻ căn cước công dân là nhanh chóng được tiêm mũi vaccine đầu tiên dù không đăng ký. Để đạt độ bao phủ vắc xin cho người trên 18 tuổi, ước tính giai đoạn này thành phố còn hơn 879.000 người cần tiêm mũi 1 và 927.000 người đến thời hạn tiêm mũi 2. Tổng cộng cần có 1.806.000 mũi tiêm.
Theo kết quả điều tra thống kê của Chi cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình thành phố vào ngày 30.6, tổng số người từ 18 tuổi trở lên tại thành phố là 7.208.800 người. Tuy nhiên qua rà soát, báo cáo của UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức về số liệu dân cư thực tế đang sinh sống trên địa bàn, số lượng người từ 18 tuổi hiện nay chỉ khoảng 6.043.628 người. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến 7 giờ ngày 14.9, TP.HCM đã tiêm được tổng cộng hơn 8,1 triệu liều vaccine. Trong đó, tổng số mũi 1 là 6,58 triệu và mũi 2 là 1,57 triệu. Đặc biệt, đã có hơn 2 triệu mũi vắc xin Verocell của Sinopharm đã được tiêm cho người dân.
Đến ngày 14.9, theo số liệu thống kê từ Sở Y tế, có 2 quận tiêm vaccine mũi 1 đạt cao nhất là Q.11 với tỷ lệ 100% và Q.12 hơn 101%.
Với con số thống kê đó và con số đã được tiêm chủng mũi 1, cho thấy rằng thành phố đã đạt chỉ tiêu về tiêm chủng. Nhưng qua các con số, người ta cũng thấy có sự chênh lệch giữa điều tra dân số và số lượt người được tiêm chủng mũi 1.
Đúng ra thực hiện thủ tục tiêm chủng như thế này ngay từ đầu sẽ giúp dân bớt trông đợi, lo âu, thắc mắc và tốn công sức chạy đầu này, đầu kia trông ngóng tin tức về tiêm chủng. Chỉ cần mỗi tổ dân phố hoặc một cụm dân cư gần nhau đặt một trạm tiêm chủng. Người dân mang căn cước hay giấy chứng minh là được chích khỏi qua các bước đăng ký, chờ đợi rườm rà. Chắc chắn chẳng có ai dám tranh giành để chích hai mũi trong một ngày hay khi chưa đến hạn kỳ quy định.
Nếu thực hiện kiểu đấy, thành phố chắc chắn đã hoàn tất 100% mũi 1 lâu rồi. Giờ đang có kế hoạch cho mũi 2, cũng mong thành phố rút kinh nghiệm để mũi 2 được tiến hành tốt và nhanh chóng hơn, đáp ứng được nhu cầu mong được chích đủ liều của nhân dân thành phố. Chỉ có chích đủ cho toàn dân mới có thể tính đến chuyện an toàn để mở cửa. Cái khó bây giờ lại nằm ở chỗ thẻ xanh được cấp như thế nào và với hình thức gì?
Không hiểu nổi một thành phố lớn như Sài Gòn, một đất nước luôn nói về công nghệ 4.0 với 5.0 mà mò mãi cũng không hoàn chỉnh được một cái app thống nhất trong toàn quốc mà cứ loay hoay mãi cũng như sáng tạo đủ app, mỗi anh một cái làm khổ dân theo muốn đuối hơi mà chẳng thấy hiệu quả chi cả. Tôi chích mũi 2 hơn cả tuần rồi mà app Sổ sức khoẻ điện tử vẫn màu vàng chứng nhận mới chích mũi 1. Làm ăn chán thật! Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương phải cập nhật thông tin tiêm vaccine còn thiếu lên hệ thống trước ngày 20.9. Để chờ xem.
Gần đây trên các phương tiện truyền thông của nhà nước đã đăng nhiều clip về việc Thủ tướng làm việc trực tuyến với các cấp lãnh đạo địa phương về công tác phòng chống dịch. Bỏ qua các câu hỏi về các con số thống kê thay đổi liên tục nên các cán bộ địa phương khó nắm bắt để có thể nhớ. Nhiều vấn đề cán bộ như học trò trả bài mà không thuộc vậy. Trong chuyện này, thiết nghĩ nên trao đổi về chiến lược, biện pháp, chủ trương của địa phương trong việc phòng chống dịch hơn là hỏi về số liệu. Tuy vậy, qua đó cũng cho thấy một số lãnh đạo địa phương chưa sâu sát tình hình, chưa nhạy bén, còn lúng túng với các biện pháp chống dịch, vẫn còn chờ và làm theo chỉ đạo từ trên, chống dịch bằng nghị quyết.
Trả bài có người nhắc mà còn ấp úng khi trả lời, thế thì chống dịch làm sao hữu hiệu được.
Ngay tổ chức hành chánh cấp thấp nhất là phường, xã, những người lãnh đạo ở cấp này nhiều người không những thiếu khả năng mà còn không có trách nhiệm với dân. Địa phương nào may mắn có người lãnh đạo có tâm, có trách nhiệm, có tầm trong tổ chức và thực hiện thì dân ở đấy được nhờ và được chăm sóc chu đáo. Ngược lại thì xem như thua, xem như xui, chẳng được hỗ trợ cũng như giúp đỡ gì theo chủ trương của nhà nước. Do vậy nên dân mới kêu, mới xuống đường, mới gõ cửa uỷ ban, mới có xung đột. Lãnh đạo thành phố cũng đã nhiều lần nhận khuyết điểm với dân về vấn đề này. Nhưng cũng khó mà khắc phục. Quan nhỏ mà giao chút quyền lực thì dễ quan liêu, hống hách và tìm cách trục lợi cho cá nhân, người nhà lắm.
Lâu nay nhiều người ngại ngùng và ngờ vực khi chích vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Có người bảo rằng nếu thiếu vaccine Anh, Mỹ họ sẵn sàng tiêm chủng vaccine made in Vietnam. Nhưng chờ mãi mà vẫn chưa được duyệt. May thay, hôm nay được tin “Sẽ có vaccine ‘made in Vietnam’ được cấp phép khẩn cấp trong năm nay”.
Theo TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế, cho biết từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có ít nhất 1 vaccine do Việt Nam nghiên cứu, phát triển được cấp phép khẩn cấp. Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực đã chủ động nghiên cứu vaccine, với 3 ứng viên vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng ở các giai đoạn khác nhau. Trong đó, 2 vaccine phát triển trong nước và 1 vaccine được chuyển giao công nghệ nước ngoài.
Khi ta có vaccine tự sản xuất và có hiệu quả thì nỗi lo vaccine sẽ chẳng còn và sẽ chủ động trong công cuộc phòng chống dịch. Khỏi phải cắp cặp đi xin, khỏi bị ai đó o ép, khỏi lo quan hệ, năn nỉ, đánh đổi.
Tuy chuẩn bị những bước đầu để giảm giãn cách nhưng con số nhiễm dịch và tử vong hàng ngày của thành phố vẫn chưa xuống những con số mong đợi. Theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 14.9, thành phố có 310.307 ca nhiễm dịch. Hiện đang điều trị hơn 39.000 ca, trong đó có 2.942 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.616 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. Số xuất viện cộng dồn đến nay là 152.894 ca và có 12.419 ca tử vong.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, để đảm bảo nhân lực và năng lực chuyên môn theo các phân tầng, thành phố đã huy động 17.653 người của các cơ sở y tế tại chỗ của thành phố. Trung ương, các bộ ngành và nhiều tỉnh thành khác hỗ trợ 13.752 người, đó là chưa kể tình nguyện viên, F0 hết bệnh, lực lượng y tế tư nhân. Thế nhưng vẫn trong tình trạng thiếu nhân lực. Do vậy rất đáng lo khi có tin cho rằng sau 15.9, Bộ Y tế sẽ rút nhân lực ra khỏi các cơ sở điều trị ở thành phố. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, tùy vào tình hình mà Bộ Y tế sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Theo cách nói này, trong thời gian tới, tình hình nhân lực ở thành phố sẽ rất căng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hạn chế số người tử vong.
Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, các bộ, ngành, UBND TP.HCM. Trong đó, Bộ Y tế đưa ra 3 tiêu chí tiên quyết về tỉ lệ dương tính/ xét nghiệm và mức độ đáp ứng của điều trị hồi sức, cùng 1 tiêu chí động về tỉ lệ tiêm vắc xin. Cụ thể là
– Số ca mắc mới tại cộng đồng giảm;
– Tỉ lệ mẫu dương tính bằng RT-PCR trong ngày giảm, không xuất hiện chuỗi-chùm bệnh;
– Đáp ứng số giường ICU;
– Tỉ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Theo đó có 2 tiêu chí còn khó đạt để mở cửa trở lại của thành phố đó là số ca mắc trong cộng đồng giảm liên tục và tỷ lệ mẫu xét nghiệm RT-PCT dương tính trong cộng đồng/ngày. Thực tế những ngày qua cho thấy các ca dương tính ở thành phố trong 7 ngày gần nhất cho thấy tỷ lệ người mắc virus chưa có dấu hiệu giảm. Các con số này tuy có lúc lên xuống, nhưng rất ít khi dưới 5.000 ca/ngày. Với các số liệu thống kê, theo đánh giá của các chuyên gia thì số F0 đang ẩn khuất trong cộng đồng còn khá lớn.
Về tỷ lệ mẫu xét nghiệm dương tính trong 7 ngày gần nhất, số mẫu xét nghiệm (RT-PCT) dương tính/số người lấy mẫu trong ngày tại cộng đồng chưa có chiều hướng giảm. Do vậy, thành phố vẫn còn 2 tiêu chí phải khắc phục mới có thể giảm giãn cách để mở cửa trở lại. Chủ tịch thành phố Phan Văn Mãi cho rằng, sức ép của sự phát triển kinh tế xã hội thành phố buộc phải mở cửa sau thời gian giãn cách kéo dài, song nguy cơ bùng phát dịch là có thật. Số liệu cho thấy ca mắc ở thành phố chưa đạt tiêu chí của Bộ Y tế.
PGS.TS Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế chỉ ra có một tiêu chí rất khó mà thành phố chưa đạt được đó là: “số ca mắc mới phải giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và phải thấp hơn 50% so với tuần lễ có ca mắc cao nhất”. Theo ông, biểu đồ ca mắc đang đi theo đường ngang, không lên nhưng cũng không xuống, dao động trung bình số ca mắc mới mỗi ngày từ 5.000 đến 6.000 ca.
Những con số chưa khả quan như mong đợi.
Nghe nói đã cho mở cửa một số cửa hàng, quán, tiệm bán mang về hoặc online, nhưng cho đến hôm nay hàng quán vẫn đóng cửa im lìm. Rất ít cửa hàng kinh doanh ăn uống, mặt hàng thiết yếu có động thái hoạt động trở lại. Nhiều chủ tiệm vẫn đang chờ vì cũng còn nhiều điều băn khoăn.
Và như vậy, chúng ta cũng tiếp tục chờ.
____
Một số hình ảnh:
Con người cs vì quá mê muội với quyền lực, nên đã không nhận ra cốt lõi mọi cái họ đang căng sức để bảo vệ, đã thuộc về quá khứ rồi. Chế độ họ đang cố chống chế cho tính chính đáng của nó hiện nguyên hình chỉ là phong kiến hoang dã, dựa vào gian trá, bạo lực, không thể lừa bịp được ai dù cho trẻ nhỏ, dù cho họ cố biến trẻ em thành con rối sai khiến trong tương lai khi trưởng thành, với sự tiếp xúc với những người từ nước ngoài về tâm sự với lớp trẻ về tính nhân bản của các nước tự do, những trò bịp bịt mắt lớp trẻ của cs càng khiến lớp trẻ thêm kinh tởm con ngườ cs man dã.