Tin Biển Đông ngày 22-4-2021

BTV Tiếng Dân

Bài thứ nhất trong loạt bài phóng sự của báo Thanh Niên ở quần đảo Trường Sa – Tuyến đầu Tổ quốc: Ghi ở bãi Ba Đầu. Bài báo ghi lại một số trải nghiệm của PV báo Thanh Niên khi đến tìm hiểu thực địa ở khu vực Đá Ba Đầu, giữa tháng 4/2021. Một cựu chiến binh cho biết: “Từ giữa năm 1988, khi tôi ra Trường Sa làm nhiệm vụ đặc biệt, bãi Ba Đầu đã là điểm nóng và tàu thuyền Trung Quốc luôn thường trực, nhăm nhăm đặt phao nổi trên đó”.

Phao nổi của TQ thả trôi ở khu vực bãi Ba Đầu vào tháng 5/1988, được tàu VN kéo khỏi khu vực để tiêu hủy. Ảnh: Đinh Xuân Bình/TN

Một trung tá hải quân đã nghỉ hưu, từng thực hiện nhiệm vụ ở cụm đảo Sinh Tồn giai đọan 2001 – 2007 cho biết: “Tàu chúng tôi thường trực cạnh đảo Sinh Tồn Đông, cách bãi Ba Đầu khoảng 8 hải lý (gần 15 km)… Khi nước xuống, bãi cạn nổi lên đá san hô rộng mênh mông, là nơi sinh sống của rất nhiều loại hải sản, nên các tàu cá Trung Quốc luôn nhòm ngó khai thác trong bãi Ba Đầu”.

Zing có bài: Đội tàu cá Trung Quốc càn quét khắp thế giới. Hạm đội tàu cá được hoán cải thành tàu “dân quân biển” của TQ đã tạo thành một mạng lưới trên các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền. Không tính phần vũ trang, các tàu cá được trang bị máy kéo, thiết bị sóng âm, lưới đánh cá khổng lồ, có những chiếc lớn gấp đôi tàu tuần tra hải quân thông thường, chiều dài trung bình có thể lên tới gần 70 m.

Các đội tàu “dân quân biển” TQ thường lấy lý do khai thác hải sản để án ngữ một vùng biển, thực hiện chiến thuật “xâm lược không tiếng súng”. Nhưng cũng có khi những tàu này thật sự đánh bắt cá, làm cạn kiệt ngư trường các nước láng giềng. Một tài liệu về “dân quân biển” TQ chỉ ra: “Ngành khai thác thủy sản có vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải quốc gia”.

Tàu cá của “dân quân biển” TQ hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: SCMP/Zing

VnExpress đưa tin: Trinh sát cơ Mỹ giám sát Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông. Hôm 21/4, một máy bay trinh sát RC-135W và một máy bay tuần thám săn ngầm P-8A của Mỹ tuần tra ở Biển Đông, trong khu vực quân đội TQ tổ chức diễn tập bắn đạn thật, theo tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) tại Bắc Kinh. Trước đó một ngày, Mỹ cũng thực hiện chuyến bay trinh sát “gần bất thường” dọc bờ biển phía đông của TQ, trong phạm vi 40 hải lý từ TP Thanh Đảo.

Đài truyền hình TƯ TQ (CCTV) tiết lộ, các chuyến bay gần bờ biển cho phép máy bay trinh sát của Mỹ bắt tín hiệu điện tử trên đất liền, để thu thập thông tin tình báo về quân đội TQ trong thời gian ngắn và hiệu quả hơn so với bay xa bờ. Tuần trước, Mỹ cũng triển khai máy bay trinh sát trong lúc nhóm tàu sân bay Liêu Ninh diễn tập gần đảo Đài Loan.

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: UAV Trung Quốc đòi thách thức máy bay ném bom tối tân của Mỹ? Theo tin từ báo South China Morning Post, công ty sản xuất máy bay không người lái Zhongtian Feilong Intelligent Technology của TQ tuyên bố, mẫu máy bay không người lái (UAV) Feilong-2 (Phi Long-2) đã được hoàn thiện trong thời gian gần đây.

Công ty Zhongtian quảng cáo, Feilong-2 là “máy bay không người lái đa nhiệm có thể được sử dụng cho các cuộc tấn công chính xác nhắm vào trung tâm chỉ huy, đường băng quân sự và tàu sân bay của kẻ thù”. Công ty Zhongtian còn tuyên bố, UAV Feilong-2 có các chỉ số tấn công gần tương đương với máy bay B-21 Raider của Mỹ, nhưng giá thành thấp hơn.

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Úc hủy thỏa thuận ‘Vành đai, Con đường’, Trung Quốc nói gì? Sau sự kiện chính quyền Úc hủy bỏ các thỏa thuận tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường” của TQ với lý do: Thỏa thuận với TQ đe dọa an ninh quốc gia Úc, Đại sứ quán TQ tại Úc phát biểu, Bắc Kinh “phản đối và không hài lòng” trước quyết định của chính quyền Canberra, đồng thời cảnh báo hành động của Úc chỉ làm “tổn hại thêm nữa mối quan hệ song phương”.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Indonesia điều tàu chiến tìm tàu ngầm mất tích, phát hiện vết dầu loang. Hải quân Indonesia đã triển khai nhiều tàu chiến để tìm kiếm tàu ngầm KRI Nanggala 402 bị mất tích ngoài khơi bờ biển Bali vào hôm qua 21/4 trong lúc tham gia diễn tập phóng ngư lôi.  Theo Hãng tin Reuters, các quan chức Indonesia tiết lộ, một cuộc tìm kiếm trên không đã phát hiện vết dầu loang gần vị trí lặn của tàu KRI Nanggala, 2 tàu hải quân sử dụng kỹ thuật sonar đã được triển khai để hỗ trợ tìm kiếm.

Thượng viện Mỹ chuẩn thuận đô đốc John Aquilino làm Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, để đối phó với tình hình mới, nhất là căng thẳng gia tăng với Trung Quốc trong thời gian gần đây. Tướng Aquilino 58 tuổi, sẽ thay thế Đô đốc Philip Davidson, làm tư lệnh vùng Indo-Pacom. Đô đốc Aquilino từng tuyên bố, Trung Quốc gây nguy hiểm cho các nước khác trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Mời đọc thêm: Vì sao hải quân Mỹ ‘gác chân’ quan sát tàu sân bay Trung Quốc (TN). – Máy bay trinh sát Hoa Kỳ bay gần các căn cứ quân sự Trung Quốc và các đảo Việt Nam trên Biển Đông (Sputnik). – Thứ trưởng Nhật Bản: Cần chuẩn bị kịch bản xung đột với Trung Quốc ở Senkaku (VTC). – Thượng viện Mỹ phê chuẩn Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Tin Tức).

Philippines ‘tăng cường hiện diện hàng hải’ để bảo vệ lãnh thổ và tài nguyên ở Biển Đông (VOA). – Tướng Philippines: Manila tính đến việc xây dựng ở Biển Đông (PLTP). – Indonesia chỉ có 72 giờ cứu sống các thủy thu tàu ngầm mất tích (VNN). – Thủy thủ tàu ngầm Indonesia đủ oxy trong 72 giờ (VNE). – Úc chọc tức TQ khi hủy thỏa thuận Vành đai và Con đường (BBC). – Quan hệ Úc-Trung thêm căng thẳng sau khi Canberra hủy một thỏa thuận về Con đường tơ lụa mới (RFI).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây