Sách văn bị chặn kiểm tra

Phạm Xuân Nguyên

23-4-2024

Câu chuyện đã được nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng ở TPHCM viết trên Facebook của anh và tôi đã chia sẻ về Facebook mình. Nay tôi nói rõ thêm.

Nhà nghiên cứu văn học Bùi Vĩnh Phúc sống ở Mỹ. Anh đã có dịp về Hà Nội và chúng tôi đã từng gặp nhau trong tình văn chương Việt không biên giới hòa đồng vui vẻ.

Ngày 18/3/2024 tôi nhận được mail của anh:

Anh Phạm Xuân Nguyên mến,

Đã lâu không có dịp được gặp lại anh, mong anh vẫn vui, khoẻ và làm việc tốt.

Tôi vừa ra quyển sách, có thể anh cũng biết. Tôi có gửi, qua anh Hoàng Dũng, một quyển tặng anh. Sách mới được gửi đi, và sẽ được chuyển cho chị Ý Nhi, rồi anh Hoàng Dũng. Chắc là phải mất khoảng từ bảy đến mười ngày mới đến. Anh HD có cho tôi biết là anh ấy sẽ gửi sách đến HN cho anh.

Nhớ những lần gặp anh nhiều năm trước ở Hà Nội, thoáng cái mà đã nhiều năm trôi qua. Cầu chúc anh luôn khoẻ và được mọi sự an lành. Mong có dịp gặp lại nhau.

Thân mến,

bvp

Tôi đã trả lời anh:

“Anh Bùi Vĩnh Phúc thân mến,

Tôi thật mừng khi được thư anh. Lâu thật rồi ngày chúng ta gặp nhau ở Hà Nội. Nhưng vừa rất mới khi sáng nay đầu tuần mới thức dậy tôi đọc được bài anh Phan Tấn Hải viết về cuốn sách “9 khuôn mặt, 9 phong khí văn chương” của anh. Cùng lúc mở hộp thư thì được thư anh báo tin gửi sách tặng về. Đó quả là một niềm vui lớn.

Đọc bài anh Hải viết và bài “Lời vào sách” của anh mà anh ấy đưa lên, tôi càng mong chờ sách về đến tay mình. Khi đó tôi sẽ được cùng anh bước vào một thổ địa, một khí hậu văn chương đã trôi qua nửa thế kỷ nhưng không mất và còn đọng lại.

Cảm ơn anh đã gửi sách. Chúc anh và gia đình sức khoẻ, bình an. Mong lại có ngày gặp anh ở Hà Nội.

pxn”

***

Ngày 1/4/2024 anh Hoàng Dũng nhắn hỏi tôi địa chỉ để gửi cuốn sách “9 gương mặt, 9 phong khí văn chương” của anh Bùi Vĩnh Phúc. Sách được gửi đi ngày 2/4. Hơn mười ngày sau tôi báo chưa nhận được sách, anh Dũng bảo phải chờ thôi, biết làm sao.

Ngày 13/4/2024 tôi nhắn tin cho Hoàng Dũng: “Gửi sách từ 2/4 đến nay hơn chục ngày rồi mà ko thấy sách đến, thế tức là sách đã bị thất lạc đâu rồi. Ông kiểm tra lại bên chuyển phát nhé.

Ngày 15/4/2024 Hoàng Dũng trả lời: “Mình đã ra bưu điện để khiếu nại. Người ta kiểm tra, nói đã gửi đi nhưng ngày 2/4 thì không hiểu sao bị dừng ở kho. Bưu điện chỗ mình nói sẽ làm thủ tục khiếu nại và kết quả thế nào thì sẽ báo lại. Sách gửi cho anh Nguyên Ngọc cũng bị như thế.

Tôi nhắn lại “Chắc vì thấy sách in ở Mỹ?” và anh Dũng đáp biểu tượng giơ ngón tay cái.

Trưa nay tôi gọi điện cho Hoàng Dũng nói ông hỏi lại bưu điện xem thế nào, nếu không thì phải công khai chuyện này ra. Hoàng Dũng nhắn lại: “Sáng nay lại ra bưu điện. Họ trả lời rằng sách bị giữ lại để “kiểm tra nội dung”, chứ không phải đi lạc!”. Và anh Dũng đã viết stt trên Facebook của anh như tôi đã chia sẻ lại trên Facebook của tôi.

Thật là không hiểu nổi cung cách bảo vệ văn hoá của nước ta. Sách gửi qua bưu điện thì bị chặn lại, nhưng sách nhờ người mang về thì đến tay người nhận bình thường. Thế thì ngăn chặn làm gì? Hay chỉ nhà văn Nguyên Ngọc và tôi bị chặn sách thế này thôi?

***

Nhân chuyện sách của Bùi Vĩnh Phúc, tôi lại nhớ đến sách của Nguyễn Hưng Quốc gửi từ Australia về. Quốc với tôi đã là bạn đồng nghiệp từ lâu. Những lần Quốc về nước trước đây (khi còn được phép về) chúng tôi rất vui được chuyện trò.

Ngày 14/7/2021 đọc Facebook của Quốc, biết bạn ra tập thơ ba dòng và tái bản hồi ký “Sống và viết ở hải ngoại”, tôi ngỏ ý muốn có sách. Quốc hỏi địa chỉ và ngày 15/7/2021 Quốc báo đã gửi. Một tháng sau, 15/8/2021, tôi nhắn Quốc: “Bạn khỏe nhé. Mình vẫn chờ sách của T. (tức Tuấn, tên thật của Quốc) mà chưa thấy báo đến.”

Hơn một năm sau lần gửi đầu, khi biết sách không đến được tôi, ngày 29/7/2022 Quốc gửi lại sách về địa chỉ nhà tôi ở Hà Nội: “Mình mới ra bưu điện gửi cuốn hồi ký cho Nguyên. Hy vọng lần này Nguyên nhận được.” Nhưng từ đó cho đến hôm nay, khi tôi đang gõ những dòng này, cả hai lần Bưu điện Hà Nội đều không báo cho tôi có bưu kiện đến và mời tôi ra bưu cục để xác thực nếu có vấn đề phải kiểm tra an ninh văn hoá.

May sao ngày 28/11/2022 Quốc báo tôi là có người bạn từ Australia về Hà Nội sẽ mang sách của Quốc cho tôi. Và ngày 26/12/2022 người bạn Quốc do mệt nên đã dùng dịch vụ Grab giao đến tôi hai cuốn sách của Quốc, cuốn thơ và cuốn hồi ký.

Vậy là hai cuốn sách văn chương của Nguyễn Hưng Quốc đã phải mất 4 năm mới đến tay tôi. Trong khoảng thời gian đó Bưu điện Hà Nội đã làm Quốc bị mất tiền và mất 4 cuốn sách gửi từ Australia về Việt Nam vì không chuyển hàng gửi đến tay người nhận. (Quốc đã hỏi bưu điện bên Australia và họ xác nhận hàng đã chuyển đi).

Còn bây giờ bưu điện TPHCM cũng chặn lại cuốn sách của Bùi Vĩnh Phúc, từ Mỹ chuyển về Việt Nam và chỉ gửi ra Hội An và Hà Nội. Như vậy trong cả hai trường hợp Bưu điện Việt Nam đã chặn sách cả nơi gửi và nơi nhận. Và cả hai lần đều không hề thông báo cho người gửi và người nhận biết. Chỉ việc chặn sách lại và ỉm đi.

Thiệt hại vật chất trong chuyện này có thể coi không có gì to tát. Nhưng thiệt hại tinh thần cho người làm văn chương, cho cộng đồng người Việt, cho danh dự và uy tín văn hóa nước Việt thì đừng coi là nhỏ.

Đọc status này bạn có thể hỏi: Sao tôi không ra bưu điện Hà Nội hỏi mọi chuyện cho ra nhẽ. Nói thật, lúc đầu tôi đã rất nộ khí, định trực diện to tiếng. Nhưng suy đi tính lại, tôi chán vì đây là “chuyện thường ngày ở huyện” của nước ta. Có bưu phẩm đến, mà là bưu phẩm sách, người nhận còn không được báo. Thì nếu ra tận nơi hỏi, họ bảo chẳng có gì sất, làm gì nhau nào! “Cái nước mình nó thế!” – biết nghĩ thế là hèn, mà hèn thật!

Riêng việc bưu điện TPHCM chặn lại cuốn sách của anh Bùi Vĩnh Phúc gửi nhà văn Nguyên Ngọc và tôi thì cả tôi và anh Hoàng Dũng kiên quyết yêu cầu họ phải trả lời rõ ràng. Không thể cứ im ỉm! Đã hơn hai mươi ngày từ khi sách được gửi đi từ TPHCM mà chẳng thấy sách đâu!

Dưới đây là lời vào sách “9 khuôn mặt, 9 phong khí văn chương” của Bùi Vĩnh Phúc.

Hà Nội 23/4/2024

pxn

Ảnh bìa hai cuốn sách nhà văn Nguyễn Xuân Nguyên không nhận được:

_____

Lời Vào Sách

Đây là một cuốn sách viết về chín khuôn mặt văn học miền Nam Việt Nam. Chín khuôn mặt đặc thù. Chín phong khí văn chương. Chín bờ cõi chữ nghĩa mà cái ánh sáng cùng khí hậu văn học đặc biệt của miền Nam nước Việt, với thổ ngơi, màu sắc và khí chất riêng của nó, đã hun đúc nên và làm toả ánh.

Miền Nam, nhưng không phải là chỉ là do người miền Nam, chỉ cất lên từ một chất giọng miền Nam. Mà nó là một chất giọng Việt Nam đặc biệt, của cả ba miền Nam Trung Bắc hợp lại. Miền Nam, ở đây, chỉ là một không gian địa lý, một cõi bờ, một địa vực, của đất Việt. Những tiếng nói ấy gặp nhau trong một khung cảnh, một giai đoạn lịch sử đặc thù, làm nên cái chất giọng, cái “phong khí” chung của một dòng văn học, của một “điệu” văn chương. Rồi, sau thời điểm 1975, cái “điệu” văn chương ấy lại toả đi khắp chốn. Nó tiếp tục được cất tiếng trên những vùng thổ ngơi không phải là đất Việt. Nhưng nó làm “hồi cố” những âm vang xưa. Nó làm lấp lánh cái hồi quang của một trời đất cũ. Và nó cũng hoà quyện trong nó cái ánh sắc của những vùng không gian mới.

Tại sao lại chín mà không phải là mười, mười hai, mười lăm, hay thậm chí nhiều hơn nữa?

Đó là một câu hỏi hợp lý.

Văn học miền Nam Việt Nam, trong suốt hai mươi năm rực rỡ và đầy ánh sáng của nó, đã sản sinh ra biết bao tài năng, làm phong phú và hãnh diện cho dòng văn học dân tộc nói chung, và cho dòng văn học miền Nam nói riêng, trong cái bối cảnh lịch sử của đất nước. Những khuôn mặt tài tuấn, những ngòi bút tài hoa, đã làm bừng sáng cảnh quan phong thổ miền Nam, đất nước cỏ hoa miền Nam, nơi đó, những nét truyền thống của dân tộc, hoà cùng hương hoa và ánh sáng thế giới, và những âm vang của thời đại, đã làm dội lên những khúc hoan ca, hạnh ca, tình ca, hùng ca và bi ca của con người. Tất cả đã phản ánh cái hương vị và nguồn sống của cuộc đời.

Việc chỉ chọn, trong biết bao kỳ hoa dị thảo nơi cánh rừng ấy, chín khuôn mặt, chín phong khí văn chương, không phải vì đây là một con số đẹp. Mà chỉ là vì giới hạn của con người. Với một vòng tay nhỏ bé, ôm không thể trọn, giữ không thể đầy, người viết cuốn sách này không có tham vọng trình hiện, trong tác phẩm giới hạn của mình, tất cả cái khung cảnh rực rỡ tưng bừng của cả một dòng văn học. Tác giả chỉ hy vọng, qua chín khuôn mặt và phong khí được trình bày, giới thiệu, phê bình và nhận định trong cuốn sách này, có thể làm ánh lên đâu đó cái đẹp, cái rực, cái mềm mại, cái cương ngạnh, cái bay lượn, và cái phong nhiêu, sinh động của cả một vùng trời đất, cỏ hoa, một vùng văn hoá.

Những khuôn mặt, phong khí văn chương được trình bày trong cuốn sách này, dù sao, và trong một góc cạnh nào đó, cũng có thể đại diện cho những ánh sắc khác nhau của vùng văn học được khảo sát. Đó là miền Nam Việt Nam. (Còn văn học miền Bắc, trong giai đoạn này, lại là một địa vực, một bờ cõi khác, với cái khuôn mặt riêng và đặc thù của nó.) Khởi đi và được nuôi dưỡng trong hai mươi năm chiến tranh (1954-1975) trên đất đai, thổ ngơi nước Việt, rồi tiếp tục bừng nở, mang trong trái tim và lồng ngực mình tiếng đập và hơi thở của thời đại, cùng với mùi hương cuộc đời trên những hành trình lữ thứ, trong nội tâm hay ngoài Việt Nam, những nhà văn, nhà thơ Việt được giới thiệu ở đây đã tiếp tục làm lớn mạnh tiếng nói và tâm hồn dân tộc.

Trong chín người được chọn này, có ba người khởi đi từ nhóm Sáng Tạo (Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên), một người từ Vấn Đề (Vũ Khắc Khoan), một người từ Bách Khoa (Võ Phiến), một người từ Giữ Thơm Quê Mẹ (Phạm Công Thiện), và ba người còn lại, từ những “phong thổ” khác nhau, là Bùi Giáng, Nguyễn Xuân Hoàng, và Nguyễn Mộng Giác. Tôi thử đặt một số tác giả trên trong một vài nhóm để chúng ta có cơ hội nhớ tưởng lại những hành trình ban đầu của họ, cái không gian viết của họ, cái tiếng nói và, phần nào, quan điểm, thái độ của những diễn đàn đó trong dòng văn chương, văn học miền Nam thời ấy. Nhưng thực ra, tất cả những tác giả nói trên đều đã sống, và mở rộng cái sống cùng cái viết mình, không chỉ trong những không gian viết ban đầu như tôi đã thử nhắc đến. Họ đã hoà lưu vào cái sống, cái viết của toàn cõi miền Nam. Rồi, sau đó, mở rộng ra, họ đã hoà lưu vào những thuỷ lưu lớn của thời đại, của thế giới, của văn chương con người.

Mỗi nhà văn, nhà thơ sẽ được giới thiệu, trình bày, nhận định, đánh giá với một, hai bài viết của tác giả quyển sách này, qua những mốc thời gian khác nhau, với những dạng thể khác nhau, và từ những góc độ, tâm thế, những hoàn cảnh, tâm cảnh khác nhau. Sau đó, mỗi người lại được tiếp tục giới thiệu qua chính chữ viết, “dấu vân tay” của họ, với một hay hai bài/đoạn văn mà tác giả sách này cảm thấy là tiêu biểu cho tâm hồn, ngòi bút, và phong cách, khí chất họ. Lại có trường hợp người viết sách nhìn một tác giả như một khối đá quý, rồi đập vỡ nó ra làm nhiều mảnh để thấy những “sắc diện”, những mặt sáng, mặt cắt khác nhau. Từ đó, tất cả và mỗi tác giả được nhìn ngắm, phân tích từ những giác độ khác biệt, được nắm bắt, chiếu sáng từ những góc hình, góc quay đặc thù. Một hướng trình bày như thế, nhìn một cách nào đó, rất không truyền thống. Dù sao, hy vọng điều đó cho ta nhìn ra cái phong khí, cái “chất”, cái cốt cách tinh thần riêng của từng nhà văn, nhà thơ được khảo sát.

Một vài tác giả đã từng được tác giả sách này giới thiệu trước đó nhiều năm. Và, như thế, có một vài tiểu luận được sử dụng lại ở đây. Dù sao, ngay cả đối với những bài viết này, chúng cũng được tôi xem và nhuận sắc lại, không nhiều thì ít. Được viết lại, viết thêm, được triển khai mở rộng, hoặc được kết hợp với những bài viết mới, cái nhìn mới. Tất cả lại được đặt vào một bố cục riêng của quyển sách này, với những dẫn nhập, dẫn giải mới.

Mỗi người đọc có một cái nhìn riêng của mình. Mỗi người đọc có cái mã văn hoá riêng trong việc tiếp cận chữ viết và tâm hồn các tác giả mà họ đọc. Điều đó làm nên cái lấp lánh kỳ bí của không gian văn học. Nó cũng làm nên cái chiều rộng và chiều sâu diệu kỳ, uyên áo nơi không gian tâm hồn con người khi đến với các tác phẩm văn chương.

Đời sống văn học, cũng như tâm hồn con người – đặc biệt, ở đây, tâm hồn người đọc – là thế. Đó là một thế giới kỳ diệu, đặc thù, và đầy ánh sắc, gam mầu, đầy hợp âm, xao động.

Tôi mong cuốn sách này, dù sao, cũng có thể cho người đọc thấy được, ở những giác độ nào đó, cái khuôn mặt, cái phong cách và khí chất của những con người cầm bút được nhắc đến. Tôi mong, qua họ, người đọc có thể thấy hay cảm nhận được cái sức sống đẹp tươi và đầy màu sắc của một vùng trời đất hoa cỏ quê hương, nói riêng, và của cõi sống văn chương con người, nói chung.

Cái cõi sống ấy, người viết và người đọc, ở nơi nào và thời nào, tôi tin, cũng đều muốn hướng đến. Trong đó, tất cả – người viết và người đọc, cái viết và cái đọc, cái được viết và cái được đọc – đều hạnh phúc quây quần và ca hát hạnh ngộ cùng nhau (*).

Bùi Vĩnh Phúc

Tustin Ranch, California,

Tháng Mười Một, 2023.

________

Chú thích:

(*) Người viết và người đọc, cái viết và cái đọc, thì rõ ràng, dễ phân biệt. Nhưng cái được viết và cái được đọc thì, có lẽ, khó phân biệt hơn. Chúng ta có thể nghĩ: Cái được viết ra cũng sẽ chính là cái được đọc, cái đọc được, từ độc giả, những người đọc. Nhưng, nếu ngẫm nghĩ kỹ, đây là hai cái khác nhau. Sự khác nhau sẽ là hiển nhiên. Cái phải lưu ý là mức độ khác nhau của chúng.

Mỗi người viết và mỗi người đọc đều có cho mình một cái mã riêng khi bước vào “cuộc”. Cuộc viết và cuộc đọc. Cái mã rất riêng ấy được tạo nên từ tất cả những gì làm nên con người viết và con người đọc. Đặc biệt là những gì làm nên cái nét mặt tinh thần, cái dáng vẻ của tâm hồn họ. Những kinh nghiệm khác biệt trong cuộc sống, những lớp vỉa văn hoá, những phù sa của những trải nghiệm cuộc đời, sự giáo dục, sự va vấp, đụng chạm của họ, ở những góc độ, những khía cạnh và ở những hoàn cảnh, những tầng mức khác nhau, tất cả sẽ làm nên cái mã sống, nhìn, cảm và viết, đọc khác nhau. Người viết viết với sự ý thức và, có những khi, với cái vô thức của họ. Người đọc cũng đọc với cái mã riêng, từ cái kinh nghiệm sống, cùng cái cảm nhận, thức nhận, cái hiểu, và với tâm hồn, trái tim riêng của mình. Những cái viết và cái đọc như thế, có thể không đi cùng nhịp, không cùng song hành, đồng bộ. Nhưng giữa cái đọc và cái viết ấy, có sự giao thoa, chia sẻ, hoặc đồng cảm, tương đắc, tương thông ở những mức độ và khía cạnh nào đấy.

Từ đó, cái gọi là chữ nghĩa, văn chương, được hoà quyện, thẩm thấu, đào sâu, khúc xạ, ánh xạ, loang xa, lấp lánh, và bay lên. Và đó chính là những “phép lạ” của văn chương, văn học. Và mỗi cái viết, cái đọc rất riêng ấy, đều làm nên hạnh phúc và đớn đau riêng trong mỗi một con người.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Với XD, CLV, T. Hanh thời tiền chiến còn xem được Như Thủy ạ như Thơ thơ, Gửi hương cho gió, Phấn thông vàng của XD, Điêu tàn của CLV, Nhớ con sông quê hương của TH đã làm rung động bao nhiêu trái tim người đọc thời ấy và cả sau nầy trước 1975 ở miền Nam ( mB cấm đọc ! ) .
    Kể từ khi quý vị này một lòng theo đảng thì thơ của họ không còn ngửi nổi !

  2. Hoàng Dũng là 1 giáo sư Toán nên cái gì khứa nói ra cũng rất đúng lô dít . Trích lời ổng “Bưu điện nhớ rằng khi nhận tiền tôi trả, tức là đã ký một hợp đồng, theo đó bưu điện phải đưa bưu phẩm đến địa chỉ đã ghi”. Bên Mỹ này người ta intercept buôn bán ma túy wa đường bưu điện

    Có nghĩa đã có những biên tập viên rất cần mẫn hổng kém gì Tạ Duy Anh . Và according to Tạ Duy Anh, biên tập viên là những bà đỡ của sáng tạo . Để cho những bông hoa sáng tạo nở bừng, đôi khi cũng cần diệt cỏ dại

    Thim 1 ní zo để các bác ghét Trung Quốc . Người Việt hải ngoại niu ní zo Việt Nam, sau khi thắng Điện Biên Phủ, đã nghe lời xúi dại của Trung Quốc để chấp nhận lùi về vĩ tuyến 17, thay vì chiếm toàn bộ VN lợi dụng chiến thắng ĐBP. Vì nghe lời xúi dại của Trung Quốc mà Việt Nam đã tạo ra đk để cái quái thai Ngụy được sinh sôi nảy nở, và lòi ra cái-gọi-là văn học Ngụy là chủ đề của cuốn sách này . Phải chi Việt Nam hổng nghe lời Trung Quốc thì mấy thứ này còn lâu mới tồn tại . Hihi

  3. Đã sống ở Việt nam ai cũng quá biết bộ máy kiểm duyệt của chế độ hoạt động tốt đến mức nào . Đặc biệt sách báo gửi từ Hải ngoại về được họ chăm sóc kỹ càng hơn . Họ lo lắng ngộ nhỡ những cuốn sách này có thể làm thức tỉnh sự lú lẫn, đánh thức lương tri của dân chúng đang sống trong thời đại huy hoàng ở Việt nam . Họ lo sợ những cuốn sách báo này sẽ vạch trần sự dối trá, bưng bít của chế độ này .

  4. Cháu là “Dân gian ” xin chia nỗi “nộ khí xung thiên” với bác . ( dangian chỉ là người trong thiên hạ thôi chứ không phải gian manh, xảo trá gì đâu ạ ! )
    Thế là, lại đọc thơ cụ Nguyễn Du :” Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.
    Họ làm mà không công bố, cứ im như thóc thì có khác nào làm lén, hoặc là một hành động “Ném đá giấu tay” ! . Không biêt có đáng xấu hổ không nhỉ ?!
    Các em bé xinh xinh ở BĐ có biết gì đâu ? Họ chỉ đâu thì các em làm đó .
    Nhưng mà, bác lại vẽ đường cho hươu chạy rồi . Mai mốt, hải quan lại lục rương, lục xách ( thậm chí lục túi ) của người nước ngoài về để tìm sách thì có mà tiêu tùng . Nhất là, khi họ ngửi thấy anh, chị nào có mùi vc thì không thoát được ( xin lỗi, vc là văn chương chứ không phải việt cộng ) .
    Bác cũng nhắc lại lời GS Hoàng Ngọc Hiến để ca thán “Cái nước mình nó thế!” , Một sự “bó tay.com” rồi !

  5. Với văn chương, tôi là người ngoại đạo.
    Nhưng đọc Tô Thùy Yên tôi thấy cái chất của ông nó xâm nhập và lắng đọng trong tôi nhiều hơn những Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh nhiều lắm.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây