Chương 8a:
NGƯỜI CÙNG THỜI: CHÚ BẢY TRÂN
(tiếp theo Lời nói đầu, Ch.1, Ch.2, Ch.3, Ch.4, Ch.5, Ch.6, Ch.7a, Ch.7b, Ch.7c, Ch.7d, Ch.7đ, Ch.7e, Ch.7g, Ch.7h, Ch.7i, Ch.7k, Ch.7l, Ch.7m)
Như tôi đã nói ở đầu tập hồi ký này, Bảy Trân (Nguyễn Văn Trân) là một người cộng sản hiếm có, nói sao làm vậy. Ông là con một điền chủ ở Nam Bộ, cha chết sớm, ở với chú. Năm 15 tuổi đã sang Pháp học đến tú tài rồi đi hoạt động cách mạng, qua Liên Xô học trường Đảng cao cấp, quay lại Pháp, rồi về Việt Nam hoạt động. Ông kể với tôi: “Tao về Việt Nam năm 1930 theo một tàu thủy chở khách từ Marseille về Sài Gòn, do một thiếu tá Pháp đảng viên đảng Cộng Sản Pháp làm thuyền trưởng. Ông thiếu tá này giấu tao dưới boong tàu, hằng ngày cho người đem thức ăn xuống. Ông dặn: Ăn xong thì ỉa vào bát và ném xuống biển để khỏi lộ. Cứ thế tao sống một tháng dưới boong tàu cho đến khi về đến Sài Gòn. Lúc lên bờ, mật thám Tây, Ta giăng kín trên bến. Nhưng ông thiếu tá cùng tao sóng đôi, vừa đi vừa nói chuyện nên qua được vòng vây mật thám. Tiễn tao đi một đoạn xa, cho đến khi tao lên được xe taxi về Cần Giuộc Long An thì ông mới quay lại.”
Người cán bộ cộng sản cao cấp này xuất hiện ở nhà tôi như đã kể ở đầu sách, với tư cách là sui gia với bố mẹ tôi, đã gây cho cả dòng họ tôi một sự ngạc nhiên về người cộng sản. Thời ấy, sau hoà bình năm 1954, cả miền Bắc sống trong không khí hừng hực của đấu tranh giai cấp, cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản; nhà thờ, đình chùa được xem như những địa chỉ đen. Người ta phá đình, phá chùa, vặn cổ bụt ném xuống ao. Bàn thờ tổ nhà tôi, trừ ông nội tôi ngày Tết ngày giỗ chính tay cụ thắp hương, vái lạy, còn không ai ngó ngàng gì đến. Vậy mà ông cán bộ cộng sản cao cấp này, lại là dân Nam Bộ, lần đầu tiên đến nhà tôi đã xin phép ông nội tôi được thắp ba nén hương và chắp tay vái lạy bàn tờ tổ. Ông nội tôi nhận ra, đây là một nhà cách mạng chân chính. Từ đó, mỗi khi “chú Bảy Trân” như tôi vẫn gọi theo cách gọi của chị ruột tôi, người nhận ông là bố chồng danh dự, xuống nhà tôi chơi, chú đều được ông nội tôi đón tiếp rất niềm nở.
Theo cách phân loại con người qua ba tiêu chí: thông minh, lương thiện và cộng sản, mà ông Hà Sĩ Phu nói đến, thì: Nếu thông minh mà cộng sản thì gian hùng như Lê Đức Thọ, nếu lương thiện mà cộng sản thì bầm dập, nếu thông minh và lương thiện thì không theo cộng sản. Vậy thì ông Bảy Trân ở lọai thứ hai. Vì thế ông bầm dập. Chỉ vì khi học ở trường đảng Nguyễn Ái Quốc để chuẩn bị vào Trung ương và đi làm đại sứ Việt Nam tại Liên Xô, học trò Bảy Trân đã theo tinh thần dân chủ của Aristote “chân lý quý hơn thầy” dám cãi lại Tổng Bí thư Trường Chinh: Thanh niên Tiền phong ở Nam Bộ là của ta, không phải của Nhật như thầy giảng… nên chỉ sau đó ít lâu là… về vườn!
Điều tôi ngạc nhiên nhất là sau khi thất sủng, Bảy Trân đã lên Bắc Ninh xin một quả đồi (thời đó xin đất rất dễ) để ngày ngày cuốc đất trồng dứa (khóm). Tôi lúc đó đang là sinh viên năm thứ hai, nghỉ hè đạp xe lên chơi với “chú Bảy”, thấy ông vẫn vui vẻ say sưa trồng dứa. Tôi ở chơi cả tuần lễ với chú Bảy. Ông bảo tôi, mày đưa cái bản đồ thế giới treo trên tường kia lại đây, tao chỉ cho mày những nơi tao đã ở. Ông chỉ các nước châu Âu mà ông đã hoạt động cách mạng ở đó. Ông kể: “Có lần tao ở nhà một nữ đảng viên Cộng Sản Đức, thấy tao cả mấy tháng trời toàn nghiên cứu tài liệu rồi viết lách, không trai gái bồ bịch gì cả, một buổi bà ấy bảo: Hôm nay tao cho mày ngủ với tao, mày đáng thương quá. Thế là tối hôm ấy tao được sang buồng ngủ chung với bà ấy” (!)
Nhà chú Bảy dưới chân đồi, dĩ nhiên là nhà lá, nhưng mát mẻ hơn ở Hà Nội về mùa hè nhiều. Tôi đã được đọc tập hồi ký viết tay của ông. Đây là một tập hồi ký cách mạng rất giá trị, đặc biệt về cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940. Lúc đó Bảy Trân thâm nhập vào lãnh địa của đảng cướp Bình Xuyên để hoạt động. Khi nhận được lệnh khởi nghĩa, ông đã biết là khởi nghĩa “non”. Vì thế, ông tổ chức một đường dây liên lạc trong đêm 22 rạng ngày 23/11/1940. Ông cho người gác ở dọc đường từ nam Sài Gòn về Cần Giuộc Long An. Liên tục chạy xe đạp để thông tin. Nếu Sài Gòn khởi nghĩa thành công thì ông mới phát lệnh khởi nghĩa ở Cần Giuộc. Khi được biết ở Sài Gòn chỉ nổ ra khởi nghĩa ở Hóc Môn, Mười tám thôn Vườn Trầu, rồi tắt ngấm, ông đã ra lệnh giải tán anh em Bình Xuyên… ai về nhà nấy và tiếp tục… đi ăn cướp (ông còn dặn họ, cướp được của nhà giầu thì chia cho dân nghèo). Nhưng một số anh em trong đảng cướp Bình Xuyên hăng máu đánh Pháp, đã chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, nghe được lệnh giải tán từ mồm Bảy Trân, đã hè nhau trói Bảy Trân lại chuẩn bị xử bắn! May quá, có người là kẻ bề trên trong Bình Xuyên, hiểu biết hơn, đã nói: “Thầy Bảy không phải hạng người xọc dưa như thế, thầy là trí thức nên hiểu biết…”. Thế là Bảy Trân thoát chết. Ai đọc tiểu thuyết “Người Bình Xuyên” của nhà văn Nguyên Hùng sau này, nhân vật “Thầy Bảy” trong đó chính là Bảy Trân ngoài đời.
Nhờ sự sáng suốt của Bảy Trân mà cơ sở của đảng Cộng Sản ở một số nơi còn giữ được. Lê Duẩn, Trần Văn Giàu giạt xuống Miền Tây, sau này nối lại được với cơ sở còn “nguyên vẹn” của Bảy Trân ở Cần Giuộc. Ông kể với tôi: “Sau Nam Kỳ khởi nghĩa, tao về quê. Thằng Bazin, trùm mật thám Sài Gòn dẫn lính về tận nhà tao. Nó hỏi: Trong Nam kỳ khởi nghĩa mày làm ghì? Tao trả lời: Ở nhà với vợ! Nó quát: Nói láo! Thằng này ngày xưa ở Paris học cùng lớp với tao, nên tao chỉ vào mặt nó mắng: Mày biết thừa tao từng đi học trường Đảng cao cấp ở Moscou (Mạc Tư Khoa). Tao biết lúc nào thì khởi nghĩa, nếu tao mà khởi nghĩa thì mày không còn đến hôm nay để đến đây mà đòi bắt tao! Đuối lý, nó dẫn lính về! Bà con trong ấp Phú Lạc xã An Phú được một bữa đứng coi một Tây một Ta chửi nhau một bữa bằng tiếng Tây rồi thằng Tây cút xéo!”
Cuốn hồi ký của Bảy Trân là một tài liệu rất trung thực về Nam Kỳ khởi nghĩa mà tôi đã được đọc theo yêu cầu của ông: “Mày là sinh viên Văn khoa, tao thì tiếng Tây rành hơn tiếng Ta nên mày đọc và chữa ngữ pháp, chính tả cho tao!” Vì thế tôi đã đọc rất kỹ. Sau này, con trai lớn của ông là Ba Đăng (Nguyễn Hồng Đăng) có đem về Sài Gòn nhưng không một nhà xuất bản nào chịu in! (Thật là hoài phí, thời đó chưa có mạng Internet). Bây giờ cả Bảy Trân và Ba Đăng đã đi xa, không biết cuốn hồi ký đó lưu lạc ở đâu (Bảy Trân còn một người con trai thứ hai nữa là Nguyễn Hồng Kỳ, anh này đang học luật ở Hà Nội thì ông bảo anh đi B, và anh đã hy sinh tại chiến trường B).
Có một chuyện mà tôi không bao giờ quên từ những năm 1960 ở Hà Nội. Ba Đăng gặp tôi ở Hoàng Mai, anh bảo tôi: “Hồ là tay bịp đấy! Mày đứng có tin.” Thời đó mà nói ông Hồ như thế là phạm thượng lắm, đi tù như chơi. Vì thế bà chị cả tôi, hồi mới giải phóng thủ đô làm công an hộ khẩu ở khu Ba Đình, đã từng ngồi trong thùng phiếu (to) để chờ kiểm soát lá phiếu của một cử tri nào đó cả gan gạch tên ông Hồ khi bầu cử quốc hội, đã bảo tôi: “Cậu chớ nghe lời Ba Đăng nói bậy bạ, đi tù có ngày…”
Ba Đăng về Nam sau 1975, làm đến Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh Tây Ninh, nhưng khi đi họp cải tạo tư sản ở dinh Thống Nhất, nghe ông Đỗ Mười định nghĩa “cải tạo là cướp đoạt lại của giai cấp tư sản”, Ba Đăng cãi lại: “Người cách mạng không cướp của ai cả!” Thế là anh lại phải về vườn như cha anh đã cãi lại ông Trường Chinhh năm xưa!
Sở dĩ tôi dùng từ “huyền thoại” gắn với Bảy Trân, vì cả hai cha con ông đều nghĩ sao nói vậy, nói sao làm vậy… chân chất như con người trong cổ tích thần thoại giữa một xã hội, một chế độ lấy dối trá làm nguyên tắc tồn tại. Năm 1981, tôi mới từ Hà Nội vô Sài Gòn, còn tá túc ở nhà bà chị tôi, Ba Đăng gặp tôi nói: “Mày vô đây định cư, mai mốt có biến loạn, bọn cục bộ đia phương nó truy lung Bắc Kỳ thì đến nhà tao mà lánh nạn. Xưa kia ở Hà Nội, gia đình mày cưu mang nhà tao, bây giờ có gì nhà tao lại cưu mang nhà mày.” Ông con nói thế, còn ông bố Bảy Trân thấy tôi đến chơi thì bảo: “Nấu cơm cho thằng Khải nó ăn, ngày xưa ở miền Bắc, tao luôn ăn cơm nhà nó!”
Năm 1995, Bảy Trân tròn 90 tuổi, gia đình tổ chức mừng thọ. Khi tôi đến, gặp cả giáo sư Trần Văn Giàu. Ông Giàu và Mười Giáo xưa kia học chung một khóa ở trường Đảng cao cấp Moscou với Bảy Trân. Ngày sinh nhật của Lenin hằng năm ba vị này vẫn họp mặt liên hoan, vì thế giới trí thức Sài Gòn mới chơi chữ, gọi các ông là “Les trois Moscoutaires” nhại mấy chữ “Les trois Mousquetaires” (Ba người ngự lâm pháo thủ) tên tác phẩm nổi tiếng của Alexandre Dumas. Tôi còn thấy một bức trướng của vợ chồng Phan Văn Khải mừng thọ “chú Bảy Trân”. Tôi hỏi Ba Đăng, ngoài bức trướng này còn cái gì nữa không? Ba Đăng nói: “Còn bao thư 500.000 đồng!” Tôi nói: “Phó Thủ tướng mừng thọ 90 tuổi chú ruột vợ là lão thành cách mạng mà ít thế thôi à?” Ba Đăng cười hóm hỉnh: “Mừng nhiều “lộ” thì sao?” Anh còn nói thêm: “Hai vợ chồng đến rồi về liền, không thèm dự liên hoan, VIP mà (!)”. Tại cuộc liên hoan này, tôi còn may mắn gặp các “hảo hán” của đảng cướp Bình Xuyên năm xưa như bác Mai Văn Vĩnh, nay là đại tá quân đội, đã nghỉ hưu. Bác Vĩnh đã ngoài 80 tuổi mà chắc nịch như một cây gỗ sao. Khi chụp hình bác Vĩnh, tôi còn nó đùa: “Khi trai trẻ chắc bác khoẻ lắm, đi ăn… là phải (!)” Bác Vĩnh vui vẻ bảo tôi: “Năm 1940 tôi theo thầy Bảy đi cách mạng… bỏ nghề… ăn cướp!”
Sau khi tôi chụp hình hai vợ chồng chú Bảy và mọi người đến chúc tụng, tặng quà, một vị vỗ vai tôi bảo: “Còn bác Trần Văn Giàu kia sao không chụp?” Tôi buột miệng nói: “Bác ấy vừa được nhận danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “không bằng móng chân hoa hậu”. Tôi không dám chụp “móng chân hoa hậu!” Vị này có hơi men nên túm cổ áo tôi nói: “Thằng Bắc Kỳ này nói láo!” Ba Đăng chạy lại: “Nó là Bắc Kỳ mà tử tế lắm, gia đình nó là sui gia với ông già tao đấy!” Nhưng sau đó tôi vẫn kiên quyết từ chối chụp hình bác Giàu. Tôi nói: “Vị thế bác Trần Văn Giàu thì phải đi trao danh hiệu cho những kẻ khác, chứ việc gì phải đi nhận danh hiệu này từ đám con nít trao cho mình! Ngược đời!” Ba Đăng nói: “Thằng Bắc Kỳ này nói có lý, tao đồng ý!”
Ba Đăng tính rất ngang tàng, râu quai nón, nói năng không cần biết người nghe mình là ai. Vì thế anh mới dám đứng lên cãi ngay ông Đỗ Mười đang hùng hổ đòi “cướp đoạt lại của giai cấp tư sản”!
Sau cuộc mừng thọ đó, nhân kỷ niệm 55 năm Nam Kỳ khởi nghĩa (1940-1995) tôi có viết một bài về chú Bảy Trân, nhan đề “90 tuổi lão chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa Nguyễn Văn Trân” đăng trên “Tuần san SGGP Thứ Bảy” số ra ngày 25/11/1995, kèm hai tấm hình vợ chồng chú Bảy trong lễ mừng thọ 95 tuổi. Điều khôi hài nhất là, sau khi bài đó đăng lên, Tổng Biên tập Vũ Tuất Việt bị Ban Khoa giáo Thành ủy TPHCM gọi điện xuống phê phán chất vấn (!). Các chú con nít ở Ban Khoa giáo này nhầm Nguyễn Văn Trân với Nguyễn Văn Trấn vừa bị kỷ luật vì chống Đảng trong tác phẩm “Gửi mẹ và quốc hội”. Nguyễn Văn Trấn cũng là một lão thành cách mạng kỳ cựu của Nam Bộ, nổi tiếng đến mức “chết danh” là “héros de Chợ Đếm (Anh hùng Chợ Đệm). Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, khi Nguyễn Văn Trấn ra Bắc, Tướng Giáp đã báo cáo Cụ Hồ: “Thưa Bác, “héros de Chợ Đệm” đã ra!” Ông Trấn quê ở Chợ Đệm Long An. Từng viết cuốn “Chợ Đệm quê tôi” nổi tiếng. Trong cuốn sách đó, ông có dẫn câu ca dao Nam Bộ “Cô kia cắt cỏ bên cồn/ Lội đi lội lại cái lồn đóng rêu” rồi kết luận: “Vậy mà khi cắt được bó cỏ lên bờ thì cán bộ thuế xông ra đánh thuế ngay”, để chỉ trích chính sách thuế của ta sau 1975.
Chính vì hai ông Nguyễn Văn Trân và Nguyễn Văn Trấn đều là nhân vật nổi tiếng chống Pháp nên thời Pháp, thằng Tây nhiều lần xức giấy bắt lộn hai ông. Vì chữ Tây không đánh dấu. Cả hai đều là Nguyen Van Tran! Nhưng đến thời Ta, đến năm 1995 mà Ban Khoa giáo Thành ủy cũng lộn như Tây thì mới nực cười. Chứng tỏ rằng, các chú con nít ở Ban Khoa giáo chẳng học hành gì, có học cũng là bằng dỏm, chẳng hiểu gì lịch sử của chính Nam Bộ mà đòi lãnh đạo báo chí, còn gọi điện nạt TBT Vũ Tuất Việt đã đăng bài ca ngợi một kẻ phản bội cách mạng, viết sách chống Đảng là… Nguyễn Văn Trấn! Tuất Việt là tay TBT cao thủ đã… làm thinh! Ý ông muốn nói: “Vậy thì đã sao!”
Cuộc đời Bảy Trân như một pho tiểu thuyết hoành tráng, không gian mênh mông, thời gian thăm thẳm, biết bao thăng trầm… Những căn nhà cổ, những hàng cau ở Mưới tám thôn Vườn Trầu Hóc Môn Bà Điểm còn như in bóng một chú Bảy đi bán dạo dầu cù là trên chiếc xe đạp cọc cạch, với cái cặp da đã sờn gáy, bạc màu, len nỏi khắp các đường quê để… tuyên truyền cách mạng, tuyên truyền đánh Pháp.
Là người cùng thời với chú Bảy Trân, biết con người này từ đầu những năm 50 thế kỷ trước, tôi nghĩ, nhờ sự hiểu biết và sáng suốt của ông nên đã tránh được bao nhiêu đầu rơi máu chảy ở vùng Cần Giuộc Long An trong Nam Kỳ khởi nghĩa và giữ được an toàn cho cơ sở cách mạng. Ông nói: “Nếu trên Sài Gòn mà khởi nghĩa không đè được cái cổ thằng Tây xuống đất mà ở Long An lại nắm cái chân thì nó đạp mình xuống hố!”
Với cá nhân tôi, cũng nhờ ông chở tôi bằng chiếc xe đạp vào gặp Thầy Tuất ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội mà sau hai lần “thi trượt” tôi đã lại “đỗ” vào khoa Văn… ở cái thời mà số phận hàng triệu thanh niên “miền Bắc XHCN” do những ông công an xóm ở khắp nơi định đoạt!
– – – – –
MỤC LỤC:
Ch 1. Hà nội, nơi tôi sinh ra
Ch 2. Đi tản cư lên Chí Chủ, Phú Thọ
Ch 3. Hai lần “thi trượt” nhưng số phận vẫn mỉm cười với tôi
Ch 5. Những chuyện kể của tướng Qua
Ch 6. Chín năm dạy học ở thôn quê
Ch 7. Ba mươi tám năm làm báo “lề phải” và “lề trái”
- 7a. Những năm ở Đài TNVN và Đài Truyền hình TW
- 7b. Ba năm ở Đài Phát thanh Tiền Giang
- 7c. Trở về Đài Tiếng nói VN
- 7d. Mátxcơva không tin vào nước mắt (tên 1 cuốn phim LX)
- 7đ. Ba ông họ Võ: Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Võ Viết Thanh
- 7e. Nguyễn Hà Phan, bi hay hài?
- 7g. Quảng Châu, Thâm Quyến, Hồng Công, Ma cao… và cuộc thử nghiệm…
- 7h. Người kéo nhị ở quận 19 thành Paris
- 7i. Những người nông dân tiên tiến ở ĐBSCL
- 7k. Mặt thật của các Tổng biên tập
- 7l. Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc
- 7m. Đôi bài “ lề dân”: Thư ngỏ của một công dân, Nước Việt của ai, Khổng Tử và những cơn sốt…
Ch 8. Người cùng thời:
- 8a. Chú Bảy Trân
- 8b. Nguyễn Khắc Viện
- 8c. Chế lan Viên
- 8d. Nguyên Ngọc
- 8đ. Nguyễn Khải
- 8e. Sơn Nam
Ch 9. “Chấm phá” chân dung những nhà dân chủ:
- 9a. Nguyễn Kiến Giang
- 9b. Hà Sỹ Phu
- 9c. Hoàng Hưng
- 9d. Dương Thu Hương
- 9đ. Tô Hải
- 9e. Phạm Đình Trọng
- 9g. Những gương mặt trẻ
Ch 10. Cuộc biểu tình ngày 9/12/2012