Chương 7K: Mặt thật của các Tổng Biên tập
Tiếp theo: Lời nói đầu — Chương 1 — Chương 2 — Chương 3 — Chương 4 — Chương 5 — Chương 6 — Chương 7a — Chương 7b — Chương 7c — Chương 7d — Chương 7đ — Chương 7e — Chương 7g — Chương 7h — Chương 7i
Đó là sau chuyến đi Paris năm 2001, vào khoảng cuối năm 2002, Đài TNVN. Với một thể chế dân chủ thì báo chí luôn là tiếng còi cảnh báo, là một yếu tố quan trọng trong “bảo hiểm chính trị” của nhân dân đối với chính phủ. Không thể có những hiện tượng như Vivashin, Vinaline, Bauxite… rồi lại “tái cấu trúc” những tội ác đó, nếu có báo chí tự do, có tam quyền phân lập, có quốc hội thực sự do dân bầu ra.
Sau hòa bình 1975, tôi vô Sài Gòn, đến Việt Tấn xã của chế độ cũ, “ôm” được một số tài liệu về báo chí, trong đó có những cuốn giá trị như cuốn: “ký giả chuyên nghiệp” (The Professional Journalist) của John Hohemberg (bản dịch của Lê Thái Bằng và Lê Đình Điểu) hơn 600 trang.
John Hohemberg là giáo sư báo chí học của trường cao học báo chí, Viện Đại học Columbia, New York. Ông là thư ký ủy ban cố vấn các giải thưởng Pulitzer do Viện Đại học này quản trị. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách chuyên về báo chí. Trước khi là giáo sư, John Hohemberg đã từng là ký giả hơn 25 năm hoạt động ở Hoa Kỳ và ngoại quốc, ông cũng từng qua nhiều thành phố ở Viễn Đông và Đông Nam Á…
Tôi đã đọc say mê cuốn sách này, dùng nó làm tài liệu tham khảo để giảng dạy và viết cuốn “Nhà báo – Anh là ai?” xuất bản năm 2004 (NXB Thanh Niên). Dĩ nhiên là chỉ dùng “ký giả chuyên nghiệp” làm tham khảo, không thể bê nguyên văn vì các lớp báo chí đều có sự theo dõi của ngành an ninh.
Trong cuốn “Ký giả chuyên nghiệp”, John Hehemberg đã dẫn ra lời của Joseph Pulitzer, một trong những ký giả danh tiếng nhất của làng báo chí Hoa Kỳ, như sau: “Thế nào là một ký giả? Đó không phải là một nhà quản lý kinh doanh hoặc một người xuất bản và cũng không phải là một sở hữu chủ trong ngành báo chí. Một ký giả là một người canh chừng trên chiếc cầu của con thuyền nhà nước. Anh ghi nhận mỗi cánh buồm lướt qua, những dấu hiệu nhỏ nhoi cần phải chú ý ở chân trời trong khi thời tiết còn tốt. Anh tường thuật những cái gì đang nổi lềnh bềnh mà chiếc tầu có thể cứu vớt được; Anh xuất hiện qua sương mù và bão tố để dẫn đầu và báo trước những hiểm nguy; Anh không nghĩ đến tiền lương của anh hoặc đến số lời của ông chủ anh. Anh ở đó để coi chừng an ninh và hạnh phúc của nhân dân tín nhiệm ở nơi anh” (trang 5 sách đã dẫn).
Nếu báo chí được làm cái việc “dẫn đầu trong việc báo trước những hiểm nguy như Pulitzer đã viết thì Việt Nam không có những Vinashin. Báo chí trong chế độ toàn trị, độc đảng chỉ là công cụ để minh họa cho đường lối của kẻ cầm quyền, nói đúng hơn là công cụ đắc lực để lừa mị dân. Vì thế, cứ nhìn vào cơ cấu quyền lực của Đảng cầm quyền thì thấy rõ, chí có hai ngành Công an và Tuyên huấn (để lãnh đạo báo chí, tư tưởng) là có ghế trong cơ quan quyền lực tối cao là Bộ Chính trị. Những người đứng đầu các ngành y tế, giáo dục, liên quan đến đời sống của nhân dân cả nước thì chưa bao giờ được bén mảng đến cái ghế Uy viên Bộ Chính trị. Đàn áp và lừa dối, đó là nguyên tắc cai trị của chế độ toàn trị. Các chế độ toàn trị tồn tại được nhờ hai gọng kìm này, và, bị loại bỏ cũng vì nguyên tắc cai trị này. Nếu muốn tồn tại, chỉ có cách thực sự đổi mới.
Trong xã hội toàn trị, các tổng biên tập đài báo là người được đảng cầm quyền giao cho việc cai quản các phương tiện truyền thông này ở các cấp, các ngành, để minh họa và đánh lạc hướng dư luận. Những chương trình như “Ai là triệu phú”, “Trò chơi âm nhạc”… trên truyền hình VN hiện nay là để đánh lạc hướng thanh niên, để thanh niên quên đi Hoàng Sa, Trường Sa đang bị quân Tàu xâm lược (!), quên đi nạn tham nhũng đang tàn phá đất nước.
Khi cái quái thai “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ra đời, thì các tổng biên tập vớ bẫm nhất. Họ vẫn dùng tờ báo để minh họa, để lừa mị, để giữ ghế, song bên cạnh đó họ còn lợi dụng vũ khí cực kỳ sắc bén này để kiếm ăn, để làm giàu. Các ông chủ quốc doanh muốn che dấu các phi vụ tham nhũng của mình phải tìm cách đấm mõm các Tổng biên tập để tránh bị khui ra các vụ bê bối.
Ngay từ năm 1994, tôi đã nhận được lá thư của anh Nguyễn Đình Ấm, một người tôi chưa quen biết bao giờ, làm việc ở ngành hàng không Việt Nam, tố cáo ông Nguyễn Hồng Nhị phụ trách ngành hàng không lúc đó đã truy bức anh chì vì anh dám viết bài phê bình các phóng viên Đài Truyền hình VN sang vòi tiền ngành hàng không. Ông Nhị truy bức anh vì chủ trương của ông Nhị là mua chuộc báo chí. Khi bị truy bức, anh đi gõ cửa các báo thì các tòa sọan báo chí ở Hà Nội đều làm ngơ, “vì các Tổng Biên tập ấy dù ít, dù nhiều đều đã mang ơn ông Nhị qua các xuất biên chế, đi Tây đi Tàu, phong bì quà cáp, vé máy bay…”. Mười bảy năm sau tôi mới gặp người viết là thư đề ngày 15.10.1994 đó tại Hà Nội. Anh Ấm bây giờ là một blogger “lề trái” có nhiều độc giả.
Khi các nhóm lợi ích trong đảng cầm quyền chia rẽ, đánh nhau thì họ lập tức nắm lấy một vài tờ báo, đài phát thanh truyền hình để công kích, hạ thủ nhau. Các Tổng biên tập là người hốt bạc trong các cuộc xung đột này. Kẻ bị đánh phải chạy vạy, đút lót, người bật đèn xanh cho họ múa may thì cưng chiều họ, nâng đỡ họ.
Tổng Biên tập báo Đại Đoàn kết Lê Quang Trang dùng tờ báo của mình để bênh vực, ăn chia với các quan tham ở Đồ Sơn trong vụ bê bối đất đai ở đây ồn ào dư luận cả nước một thời. Lê Quang Trang bị cách chức, về hưu. Hai vợ chồng anh ôm tiền vào Sài Gòn mua nhà ở Phú Mỹ Hưng và định cư ở Miền Nam. Vậy mà anh ta lại được cơ cấu làm Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, vì thế phải cơ cấu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN (!). Đảng sẵn sàng “bỏ qua” tội lỗi của anh và cần một nhà văn ngoan ngoãn, “biết lỗi” và tận trung với Đảng trong lúc đang suy yếu và có rất nhiều “thế lực thù địch” xuất hiện ngay trong hàng ngũ các nhà văn quốc doanh.
Tôi gặp ông Tổng biên tập này tại Trường Đại học Văn Lang TPHCM. Ông đến dậy ở khoa quan hệ công chúng ở trường cùng với tôi. Ông dậy môn chính trị để tiếp tục lừa bịp thế hệ trẻ. Thấy ông súng sính quần là, áo lượt, giầy da bóng loáng, tôi… phải tránh xa. Ít lâu sau, hết một hợp đồng, tôi bỏ không dậy nữa, mặc dù vẫn được nhà trường mời… vì sợ bị “ngộ độc” khi gặp những nhà văn như Lê Quang Trang!
Phóng viên ảnh của Thông tấn xã VN là nhà báo HH, thường trú tại Matxcơva kể với tôi rằng, khi ông Hồng Vinh là phóng viên báo Nhân Dân sang Liên Xô học, đã đến gặp anh và đề nghị để anh ta bỏ tiền ra làm một bữa cơm, nhờ HH mời Tổng Biên tập báo Nhân dân Hồng Hà, đang công tác ở Liên Xô đến cùng ăn. Anh ta than phiền với HH: Tuy ở báo Nhân Dân nhưng thân phận một phóng viên, anh chưa bao giờ được trực tiếp gặp TBT Hồng Hà. Đây là dịp hiếm có để làm thân, nhờ HH giúp! HH nói với tôi: – Thằng cha này kỳ quá, việc gì phải thế. Bữa đó tôi bỏ tiền ra mời cả hai vị!
Do đã có dịp gặp gỡ Hồng Hà, khi về nước Hồng Vinh quà cáp thường xuyên và bám gấu Hồng Hà nên anh được cất nhắc lên trưởng ban. Nhà báo MTL, một cán bộ cấp cao của Đài TNVN, có nghiệp vụ báo chí cao nên ông luôn được mời làm giám khảo các cuộc chấm giải báo chí toàn quốc hàng năm. Có lần anh MTL vô Sài Gòn than với tôi: Thằng Hồng Vinh tư cách kém lắm, kỳ chấm giải báo chí nào nó cũng gọi điện xin tao cho nó được giải để “kiếm ít vốn chính trị”!
Cái thằng “tư cách kém lắm” ấy đã lên Tổng Biên tập báo Nhân dân và vô Trung ương lúc nào không hay, đến thầy của nó là nhà báo MTL cũng phải sững sờ (!).
Lên Tổng Biên tập rồi, Hồng Vinh hăm hở vào TPHCM mở cuộc họp cộng tác viên, mời cả Bí thư Thành ủy Trương Tấn Sang, Uỷ viên BCT dự. Tôi cũng được mời đến 40 Phạm Ngọc Thạch, trụ sở báo Nhân dân lúc đó, với tư cách là cộng tác viên lâu năm của Nhân Dân và đang viết cho các báo về đề tài ĐBSCL. Tôi đến gặp anh em đông vui, trò chuyện cởi mở. Hồng Vinh khoe: – Tôi mời cả anh Tư Sang và hết cuộc họp mời cả anh Tư và các anh đến khách sạn liên hoan. Tôi can ngay: – Anh Tư với tư cách là Bí thư Thành ủy, ủy viên BCT sẽ không bao giờ đến liên hoan ở khách sạn cả. Nếu anh muốn anh Tư dự cơm và có thời gian để trò chuyện với anh em cộng tác viên của báo ND thì anh gọi điện nói khách sạn đưa thức ăn đến đây!
Hồng Vinh trợn mắt:- Tôi đã mời thì nhất định Bí thư Thành ủy sẽ đến (!)
Khi cuộc họp kết thúc, Hồng Vinh nói mới hết câu “mời anh Tư ra khách sạn liên hoan” thì Bí thư Trương Tấn Sang đã cáo bận và sách cặp đứng dậy ra về ngay…
Khi tới một khách sạn sang trọng ở Quận 1 Sài Gòn, mới bước vô, Hồng Vinh đã bị lóa mắt vì các em tiếp viên váy ngắn, chân dài… Anh ta sà vào đám tiếp viên, không thèm ngó ngàng gì đến đám cộng tác viên cả. Tôi đã đến trước mặt anh và nói: – Anh mời chúng tôi đến đây để nghe, nhìn anh tán các em tiếp viên phải không?, sau đó tôi bỏ ra về.
Khi Hồng Vinh đi vận động tranh cử Quốc hội tại Cần Thơ đã cho Phan Huy, tức “Huy cá rồ” đang làm Trưởng cơ quan đại diện của báo Nhân Dân tại đây đi tháp tùng và nhờ “Huy cá rồ” lăng-xê mình trước cử tri. Ông Sáu Phan nói với tôi: – Đồng bào Cần Thơ vốn rất ghét Phan Huy vì những “ thành tích” của ông ta nên ghét luôn cả Hồng Vinh. Ảnh Hồng Vinh trong danh sách ứng cử viên quốc hội dán ở các nơi bị cử tri… khoét mắt! Sở dĩ ở Cần Thơ người ta ghét nhà báo Phan Huy vì ở chỗ nào có ăn là anh ta có mặt. Tôi đã chứng kiến một chuyện chết cười về “Huy cá rồ”. Hôm đó, Đài TNVN có tổ chức một cuộc họp quan trọng ở Cần Thơ, chủ trì là Tổng Giám đốc Trần Mai Hạnh, vừa trúng ủy viên TW khóa 8. Nghe hơi Hạnh mới lên quan to, Huy lần tới, với tư cách Trưởng đại diện báo ND tại Cần Thơ, Huy mời Hạnh đi ăn tiệc. Cuộc đi có cả Đào Quang Cường, giám đốc cơ quan thường trú Đài TNVN tại TPHCM, Nguyễn Hồng Quang, Trưởng Đại diện Truyền hình VN tại Cần Thơ… Lúc đi, giám đốc Cường rủ tôi cùng đi, ông nói: Hôm nay Phan Huy mời ông Hạnh, mời cả tôi, anh đi với tôi… Dĩ nhiên là tôi không bao giờ đi vì còn lạ gì Phan Huy. Sau bữa tiệc, về đến khách sạn, Cường chửi ầm lên: – Hôm nay bị một bữa xấu hổ muốn tự sát luôn! Tôi hỏi, vì sao? Cường kể với tôi và mọi người: Phan Huy đã dẫn cả bọn tới một nhà hàng tư nhân sang trọng, gọi đủ món, cả rượu Tây nữa. Lúc chủ quán tính tiền, Phan Huy giới thiệu: – Đây là anh Trần Mai Hạnh, Uỷ viên TW Đảng, giới thiệu đến lần thứ hai mà chủ quán vẫn tính tiền… Tất cả hơn 2 triệu, mọi người phải gom tiền vào để trả. Thấy bẽ bàng quá, ông Hạnh phải rút một cọc tiền ra trả!
Mọi người đã lăn ra cười. Tôi hiểu Phan Huy muốn dùng cái chức Uỷ viên TW Đảng của Hạnh để dọa tay chủ quán… là tao chơi cả với TW, mày liệu hồn, đồng thời cũng muốn “ăn quỵt” và ra oai với mọi người… tao là “Anh Hai” ở cái đất Cần Thơ này… Nào ngờ!!!
Vậy mà về hưu rồi Phan Huy lại được cơ cấu làm Chủ tịch Hội văn nghệ TP Cần Thơ. Với tư cách này, anh ta vừa đánh trượt bài thơ “Trăng nghẹn” của Hoài Tường Phong, đã được chọn là bài thơ hay nhất của ĐBSCL do Hội Văn nghệ Cần Thơ tổ chức và trao giải, gây bất bình trong giới văn nghệ Cần Thơ. Gần đây tôi gặp nhà thơ Lê Chí, cây bút nổi tiếng của Đồng bằng: – Tỉnh Cần Thơ các anh hết người rồi hay sao mà lại phải để một nhà báo xứ Nghệ, chuyên đi ăn xin… làm chủ tịch Hội Văn nghệ của thành phố trung tâm của cả đồng bằng? Lê Chí không nói gì, ánh mắt của ông như muốn trả lời, “chúng tao không thèm làm” (!).
Phan Huy vẫn được đảng tin dùng như thế, còn Hồng Vinh thì hết nhiệm kỳ TW, anh ta lại vào Hội đồng lý luận TW!!!
Nhưng nếu phải chọn một ông Tổng Biên tập thật điển hình cho thời kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam thì phải chọn ông Nguyễn Công Khế, Tổng Biên tập báo Thanh Niên.
Tôi đã bị Nguyễn Công Khế lừa một vố đau. Đó là vào cuối năm 2002, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) có một bản tổng kết năm gửi cho cơ quan thường trú tại TPHCM và các đơn vị trực thuộc Đài. Đọc bản tổng kết đó người ta thấy thành tích to lớn mở rộng cơ quan thường trú của Đài trên thế giới… Rồi còn có cả một công văn của Phó Tổng Giám đốc Kim Cúc ca ngợi công lao của Tổng Giám đốc Trần Mai Hạnh từ khi về Đài năm 1996 gửi đi khắp nơi…
Biết rõ mười mươi cái gọi là “mở rộng” cơ quan thường trú của Đài TNVN nên tôi viết bài nhan đề “Chuyện ông Trần Mai Hạnh ở Paris”, gửi đích danh Nguyễn Công Khế, Tổng Biên tập báo Thanh Niên, một tờ báo mà một người ngu ngơ như tôi cho là tích cực chống tiêu cực… Một người bạn ở báo Thanh Niên cho tôi hay, TBT Khế đã đọc bài đó và… OK!
Bản thảo bài báo đó tôi còn giữ đến bây giờ, nguyên văn:
CHUYỆN ÔNG TRẦN MAI HẠNH Ở PARIS
Vừa qua, tôi có đến Đài Phát thanh Truyền hình Bình Dương làm việc. Các anh trong Ban Lãnh đạo đài Bình Dương bảo tôi: Đài Tiếng nói VN (TNVN) có nhiều cán bộ tốt lắm. Chúng tôi ra làm việc với Đài, thấy nhiều cán bộ cấp trưởng ban (tương đương vụ trưởng) vẫn còn cọc cạch xe đạp đi làm, mà làm việc rất tận tâm, lại là nhà báo, nhà văn có tên tuổi nữa…
Là một phóng viên của Đài TNVN 27 năm có lẻ, mới được nghỉ hưu từ 1.5.2002, nghe được những lời như thế của đồng nghiệp, tôi không khỏi vui trong lòng, nhất là trong lúc này… Tôi phải nói thêm rằng, chẳng những nhiều đ/c trưởng ban của Đài TNVN mà còn nhiều phóng viên, ở Hà Nội cũng như ở các cơ quan thường trú của Đài ở nhiều vùng trong cả nước, đã lặn lội ngày đêm để “canh sóng” cho Đài. Họ không quản bão tố, lũ lụt… để đến tận những nơi hang cùng, ngõ hẻm đưa một cái tin, viết một phóng sự nhằm nâng cao chất lượng phát thanh. Và, hàng tháng vẫn nhận một đồng lương rất khiêm tốn theo qui định của nhà nước, có người phải “viết thêm” cho các báo để tăng thu nhập! Thật là không công bằng với các cán bộ của Đài TNVN như thế, bên cạnh sự chi tiêu tiền của từ ngân sách nhà nước một cách vô tội vạ của một số cán bộ lãnh đạo Đài mà điển hình là ông Trần Mai Hạnh và ê-kíp, như các ông Vũ Văn Khánh, trưởng ban kế họach tài vụ của Đài, văn phòng Đài v.v…
Những gì mà một phóng viên thương trú tận xa như tôi biết được, đủ nói lên điều đó. Đầu năm 2001, tôi có việc riêng qua Paris thăm người chú ruột, tôi có đến Cơ quan Thường trú của Đài TNVN tại Pháp ở 5. Rue de Tremple Villeneuve la Garrenne 923.90, thuộc vùng ven Paris. Đó là một khu phố sang trọng của những người có tiền. Ngôi nhà mà cơ quan thường trú của Đài mới mua là một villa nhỏ, có sân trước và vườn sau rất đẹp. Thấy tôi khen nhà và xe con của cơ quan sang trọng, anh Trần Kim Thâu, Trưởng Cơ quan Thường trú nói ngay: “Không cần thiết, lãng phí ngân sách”. Thời buổi này thiếu gì những phương tiện lấy tin mà phài mua một cái nhà đến 230.000 đô la thế này! Còn máy móc nữa. Có làm nhiều tin, bài cũng lấy chỗ đâu mà phát v.v. và v.v…
Cả cơ quan chỉ có 2 người, anh Thâu là trưởng, lái xe giỏi, nói tiếng Pháp khá giỏi, từng trải và đã công tác ở nước ngoài nhiều năm. Anh Thâu còn là người rất trung thực và thẳng thắn, anh sẵn sàng nói rõ suy nghĩ của mình. Buổi tối, anh xếp cho tôi ở riêng một phòng khá lịch sự, xưa nay vẫn bỏ không ở trên lầu 1. Tôi thật thà hỏi: – Chắc sếp Hạnh sang đây cũng ở phòng này!? Anh lắc đầu, nói: – Sếp ở khách sạn sang trọng tại Paris chứ đâu có ở đây bao giờ (!?) (Từ nơi cơ quan đóng vào Paris chừng 10 km). Sáng dậy, xuống tầng trệt nấu mì ăn sáng, tôi thấy cái bếp điện của cơ quan quá tồi tàn, lại thật thà hỏi: – Nhà ông chú tôi nghèo thế, ở tận quận 19 dành cho người nghèo mà tôi thấy cái bếp điện cũng không đến nỗi tồi tệ thế này! Sao cơ quan ta nhà đẹp, xe sang mà lại phải đun nấu bằng cái bếp thế này?! Anh Thâu lại cau mặt nói: – Ở Pháp, người bán nhà phải thuê người đem bếp cũ vứt đi, vì chủ mới không ai lại xài bếp cũ, vậy mà ông Khánh (trưởng ban Kế họach – Tài vụ của Đài) thì lại mua lại của chủ cũ với giá gấp hai lần cái bếp mới để chúng tôi dùng đó (!) Anh tính có “giỏi” không? Tiền ngân sách mà!!!
Tôi về nước và tìm hiểu, được biết rằng từ khi ông Hạnh về làm TGĐ Đài TNVN, từ 1995, ông đã cùng ê-kíp của mình còn mua và thuê nhà ở Băng Cốc, Bắc Kinh, Matxơcơva và đang chuẩn bị để mua nhà ở Lơ-Ke (Ai Cập) làm cơ quan thường trú một cách không cần thiết như chính người đi thường trú là anh Thâu đã nói. Và, tất nhiên là ê-kip của ông đã kéo nhau đi các nước mua và thuê nhà với giá như đã mua cái bếp điện ở Paris. Chỉ trong một thời gian ngắn, ê-kip của ông Hạnh đã giầu tấng lên. Ông Khánh, Trưởng ban Tài vụ có 2 con đi học ở nước ngoài!
Cách đây hơn 1 tuần, bà Kim Cúc, Phó Tổng GĐ Đài TNVN còn ký hẳn một công văn gửi cán bộ CNV của Đài từ Bắc chí Nam ca ngợi những đóng góp to lớn của ông T.M.Hạnh từ khi ông về Đài, trong việc “mở rộng” cơ quan và tăng giờ phát sóng… Toàn là những việc phải tiêu tiền tỷ của ngân sách nhà nước mà bất cứ ai cũng có thể làm được nếu được chi tiền… còn chất lượng của phát thanh và nhà cửa khắp nơi được thuê và mua nhằm mục đích gì, có tác dụng như thế nào để nâng cao chất lượng phát thanh thì không hề được nói tới. Xưa nay, từ suốt 27 năm tôi làm việc ở Đài TNVN, chưa hề có chuyện tự nhiên Phó TGĐ lại ký công văn “khen” Tổng giám đốc như thế ở Đài TNVN bao giờ. Điều đó làm dư luận toàn Đài TNVN rất bất bình.
Tôi chỉ muốn nói một điều, rất nhiều đồng chí đã có công lớn với Đài, xây dựng nên uy tín cho Đài TNVN mấy chục năm qua như các anh Trần Lâm, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Thúc Long, các nhà văn như Mai Văn Tạo, Phạm Tường Hạnh, Đoàn Minh Tuấn, nhạc sĩ Phan Nhân, nhạc sĩ Dương Hương Bang, nghệ sĩ ưu tú Trần Phương… thì không bao giờ được ban lãnh đạo hiện nay của Đài nhắc nhở tới.
Giá thử công văn của bà Kim Cúc lúc này nhắc đến những người có công lao với Đài TNVN, nhắc đến truyền thống tốt đẹp của Đài thì hay biết bao nhiêu!
Ảnh kèm: Cơ quan thường trú Đài TNVN tại số 5 Rue de Tremple ngoại vi Paris
Lê Phú Khải (nguyên p/v Đài TNVN)
***
Đợi mãi không thấy báo Thanh Niên đăng bài kể trên. Ít lâu sau, tôi nhận được thông tin của một cán bộ trong ban lãnh đạo Đài TNVN cho hay, Nguyển Công Khế đã gửi bài của tôi ra Hà Nội cho bên An ninh, với nhận xét bài viết không có gì sai, nhưng vì để “giữ uy tín” cho nhà nước nên không đăng. Gửi cho an ninh để biết. Một cán bộ an ninh đã cầm bài viết này qua Đài để tống tiền Kim Cúc và Trần Mai Hạnh!
Hiện bài đó đã được rất nhiều cán bộ lãnh đạo của Đài truyền tay nhau đọc…
Tôi rất hối hận về sự ngu ngơ của mình (từ ngu ngơ là từ của nhà văn Dương Thu Hương đã dùng để chỉ quần chúng ngu ngơ, bị lừa bịp)! Tôi cũng rất phẫn nộ với Nguyễn Công Khế khi được cán bộ lãnh đạo của Đài cho biết như thế. Tôi đem chuyện này than phiền với các đồng nghiệp báo chí ở Sài Gòn. Một người bạn tôi đã mắng tôi là thằng ngu vì không biết gì về Nguyễn Công Khế cả. Anh còn cho biết Khế luôn dùng tờ báo của mình để gây thanh thế, chẳng hạn y cho phóng viên của báo đi viết về tiêu cực, nhưng khi vụ việc có liên quan đến một ông lớn nào đó…
Ví dụ, đồng chí X xưa kia ở tỉnh Y, nay đã lên TW làm đến Bộ Chính trị mà bài viết có dính líu đến đồng chí đó khi còn ở địa phương thì Khế không đăng mà gửi bài cho đồng chí ấy biết “để giữ uy tín” cho lãnh đạo, thế là đồng chí X đã “mắc nợ” Khế. Khi báo Thanh Niên tổ chức một cuộc thi hoa hậu nào đó, Khế gửi giấy mời, thế là đồng chí ấy, dù là Chủ tịch nước cũng phải đến dự tận quê Khế ở Miền Trung xa xôi!!!
Một tờ báo hạng B mà Bộ Chính trị phải đến dự thì uy tín của Khế lên như diều… Cứ thế mà Khế “ra roi”, cứ thế mà dọa nạt thiên hạ để tống tiền. Trong cái mớ bòng bong của một xã hội được gọi là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”… Khế cứ thế mà vơ vét… Anh bạn tôi kết luận: Nguyễn Công Khế là “tên lưu manh ngang tầm thời đại”!
Nhà thơ L đi viếng mẹ của Nguyễn Công Khế mất vào tháng 9 năm 2007 về, đã hốt hoảng nói với tôi, đám tang còn hơn cả tỷ phú bên Mỹ có mẹ mất. Giầu có không bút nào tả xiết, xe du lịch đời mới đỗ dài cả cây số. Cái “cảm tạ” của báo Thanh Niên ra ngày 5.9.2007 của gia đình Khế về cái mất của cụ bà Lê Thị Liễu, 79 tuổi, đã gây chấn động dư luận. Trang mạng của báo Thanh Niên đăng lên đã bị các trang “lề trái” ném đá dữ dội, vội vàng phải gỡ xuống, nhưng trang 10 báo in ngày 5.9.2007 kín cả trang còn đó. Xin bạn đọc hãy thử lướt qua danh sách gần 200 cá nhân và các đơn vị (được đăng gộp)… ”đã đến thăm viếng, giúp đỡ, chia buồn và tiễn đưa linh cữu” như báo đã đưa gồm: Ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng CP, ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước và gia đình, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CP và gia đình, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, ông Nguyễn Văn Chi, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra TW, ông Hồ Đức Việt, Uỷ viên BCT, trưởng ban Tổ chức TW, Đại tướng Lê Hồng Anh, Uỷ viên BCT, Bộ trưởng Bộ Công an, ông Lê Thanh Hải, Uỷ viên BCT, Bí thư thành ủy TPHCM và gia đình… rồi còn cả ông Thống đốc Ngân hành nhà nước, các bí thư tỉnh, chủ tịch tỉnh, các cơ quan báo chí, các nghệ sĩ, các Hội v.v và v.v.
Những người đứng đầu bộ máy cai trị đồ sộ của chế độ toàn trị đã đến “thăm viếng, chia buồn và tiễn đưa…” cụ bà Lê Thị Liễu. Ngay cả đến đương kim nguyên thủ một cường quốc trên thế giới mà bố mẹ mất cũng không được như thế.
Có thể nói, đây là đám tang mẹ một Tổng Biên tập một tờ báo ngành của một nước nhỏ nhưng “vĩ đại” nhất hành tinh, chưa hề thấy trong lịch sử báo chí nhân loại. Trong chế độ toàn trị, một tổng biên tập chỉ cần không chống chế độ, không nói ngược với đường lối của Đảng cầm quyền, biết luồn lách, biết dùng tờ báo của mình để nịnh bợ, dọa nạt và khống chế, biết té nước theo mưa, biết gió chiều nào che chiều ấy, giả vờ chống tham nhũng… thì anh ta kiếm bẫm hơn bất cứ nhà buôn nào, có thế lực như một “ông vua không ngai”. Cứ xem danh sách những người đến viếng mẹ anh ta thì thấy… Nếu xét về mặt nào đó thì đây còn hơn quốc tang!
Tờ báo quốc doanh Thanh Niên đã trở thành tờ báo riêng của Khế trong một đất nước không có báo tư nhân! Đội ngũ tổng biên tập như thế thì đội ngũ phóng viên đương nhiên là như thế. Nói cho công bằng thì không phải tất cả anh em làm báo đều như Hồng Vinh, như Khế, như Phan Huy… Có rất nhiều anh em tâm huyết với đất nước, muốn dùng ngòi bút của mình để “tải đạo”, nhưng số phận của các anh vô cùng hẩm hiu. Nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải, Hoàng Khương… là những ví dụ điển hình.
Báo chí ngày càng xuống cấp. Tàu của giặc Tàu đâm vỡ tan tàu của ngư dân ta, trong vùng biển của ta, nhưng báo chí của ta phải nhục nhã kêu là “tàu lạ”. Nỗi nhục này của báo chí Việt Nam “thời kỳ đồ đểu” này không thể nào rửa sạch trong lịch sử dân tộc.
Vì lẽ đó, tôi đã viết “Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc” trên trang mạng Bauxite năm 2011. Giáo sư Phạm Toàn cho biết, học trò của ông đã in bài này từ trên mạng xuống để đi phát cho bạn bè đang làm việc ở các tở báo ở Hà Nội.
Người ta đều đọc và ngậm ngùi cho số phận của họ!!!
________
MỤC LỤC:
Ch 1. Hà nội, nơi tôi sinh ra
Ch 2. Đi tản cư lên Chí Chủ, Phú Thọ
Ch 3. Hai lần “thi trượt” nhưng số phận vẫn mỉm cười với tôi
Ch 5. Những chuyện kể của tướng Qua
Ch 6. Chín năm dạy học ở thôn quê
Ch 7. Ba mươi tám năm làm báo “lề phải” và “lề trái”
- 7a. Những năm ở Đài TNVN và Đài Truyền hình TW
- 7b. Ba năm ở Đài Phát thanh Tiền Giang
- 7c. Trở về Đài Tiếng nói VN
- 7d. Mátxcơva không tin vào nước mắt (tên 1 cuốn phim LX)
- 7đ. Ba ông họ Võ: Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Võ Viết Thanh
- 7e. Nguyễn Hà Phan, bi hay hài?
- 7g. Quảng Châu, Thâm Quyến, Hồng Công, Ma cao… và cuộc thử nghiệm…
- 7h. Người kéo nhị ở quận 19 thành Paris
- 7i. Những người nông dân tiên tiến ở ĐBSCL
- 7k. Mặt thật của các Tổng biên tập
- 7l. Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc
- 7m. Đôi bài “ lề dân”: Thư ngỏ của một công dân, Nước Việt của ai, Khổng Tử và những cơn sốt…
Ch 8. Người cùng thời:
- 8a. Chú Bảy Trân
- 8b. Nguyễn Khắc Viện
- 8c. Chế lan Viên
- 8d. Nguyên Ngọc
- 8đ. Nguyễn Khải
- 8e. Sơn Nam
Ch 9. “Chấm phá” chân dung những nhà dân chủ:
- 9a. Nguyễn Kiến Giang
- 9b. Hà Sỹ Phu
- 9c. Hoàng Hưng
- 9d. Dương Thu Hương
- 9đ. Tô Hải
- 9e. Phạm Đình Trọng
- 9g. Những gương mặt trẻ
Ch 10. Cuộc biểu tình ngày 9/12/2012