Chương 7 và 7a:
BA MƯƠI TÁM NĂM LÀM BÁO “LỀ PHẢI” VÀ “LỀ TRÁI”
(tiếp theo Lời nói đầu, Ch.1, Ch.2, Ch.3, Ch.4, Ch.5, Ch.6)
Trong thời gian từ 1969 đến 1974 dậy học ở Cẩm Giàng, tôi tham gia Hội Văn nghệ tỉnh, lại viết bài cho các báo ở Hà Nội nên tôi có quen biết một số nhà văn, nhà báo. Đó là cái cầu để tôi, từ một thầy giáo làng bước sang một sân chơi rộng hơn là làm báo ở cơ quan báo chí thuộc trung ương.
Có lần, nhà thơ Thanh Thảo từ chiến trường ra Bắc điều dưỡng ở trại điều dưỡng Nam Sách-Hải Dương, không biết ai giới thiệu, anh Thảo đã “trốn trại” về Cẩm Giàng chơi với tôi. Anh đem theo một tập bản thảo thơ còn chưa in ấn ở đâu. Tôi đã được đọc bài thơ “Dấu chân trên trảng cỏ” của anh trước khi nó nổi tiếng trên cả nước. Nhưng Thảo cũng có những ý thơ “khác thường” nên không được giới chính thống ưa. Tôi nhớ một câu “khác thường” ấy trong tập thơ chép tay của anh: thế hệ tôi bùng cháy ngọn lửa của chính mình/ không dựa dẫm những hào quang có sẵn…
Ai cho phép nhà thơ “bùng cháy ngọn lửa của chính mình”? Chữ “dựa dẫm” nhằm mỉa mai ai? “Hào quang có sẵn” nhằm ám chỉ cái gì?… Cứ thế, người ta đặt câu hỏi với tác giả. Câu chuyện về Thanh Thảo có liên quan đến câu chuyện của Chế Lan Viên mà tôi sẽ kể ở những phần sau.
Một lần khác, vào năm 1974, nhà thơ Trúc Thông ở Ban miền Nam của Đài TNVN về Hải Hưng công tác. Anh Thông có hỏi nhà thơ Mai Thanh Chương ở tỉnh rằng, ở đây có ai “chơi được”, có thể “chứa chấp” anh trong vài ngày…? Mai Thanh Chương giới thiệu tôi, giáo viên dậy văn ở trường câp 3 huyện Cẩm Giàng, hội viên Hội Văn nghệ tỉnh. Trúc Thông là nhà thơ đã có danh ở Hà Nội nhưng anh chưa được in một tập thơ riêng nào cho mình ngoài những bài thơ đã đăng đây đó trên báo, đọc trên đài… Hồi ấy in được một tập thơ lớn chuyện lắm, không như bây giờ (2013), có tiền triệu rồi mua cái giấy phép xuất bản là in được ngay một hoặc vài ba tập thơ một lúc. Thậm chí ai có tiền, nhất là các đại gia, còn có thể thuê người khác làm vài chục bài thơ rồi xuất bản lấy tên mình! Nếu sang hơn, sau khi thơ in rồi, có thể mở cuộc hội thảo mời ông Hữu Thỉnh chủ tịch Hội nhà văn về dự, miễn là tác giả chuẩn bị vài cái bao thơ cho nằng nặng một chút. Thơ muốn nói gì thì nói miễn là không nói đến những đề tài “nhậy cảm” như nỗi đau của nông dân bị cướp đất hay nói chuyện dân chủ, bảo vệ chủ quyền đất nước là được.
Anh Trúc Thông được in tập thơ đầu tay vào năm 1985, do nhà xuất bản Tác phẩm mới Hội nhà văn ấn hành, số lượng 5000 cuốn, giá 4 đồng. Nhưng là in chung với anh Đào Cảng ở Hải Phòng. Bìa tập thơ phải chia làm hai. Phần trên, tên tác giả Đào Cảng với tên tập thơ “Thời yêu thương”. Phần dưới là của Trúc Thông với tên tập thơ “Chầm chậm tới mình”. Có 98 trang sách mà phải chia làm hai, thật khốn khổ! Có ai hỏi vì sao lại đặt tên là “ Chầm chậm tới mình”, thì anh giải thích, chầm chậm rồi cũng đến lượt mình được in thơ!
Trúc Thông đến Cẩm Giàng ở chơi với tôi gần cả tuần lễ. Hồi ấy tôi có khẩu súng hơi Tiệp Khắc, mua lại của ông Nguyễn Đình Thiên, anh ruột của nhà khoa học Nguyễn Đình Tứ nên ngày nào cũng bắn được chim về đãi khách. Sau những ngày “nhàn đàm”, trước khi về Hà Nội anh Trúc Thông bảo với tôi làm một cái đơn xin về Ban miền Nam của Đài TNVN. Theo anh Thông, Ban đang cần người, tìm chưa được. Tôi có khả năng về Ban miền Nam của Đài, vì anh thấy tôi tỏ ra có kiến thức, nhậy cảm, có khả năng viết lách… Tôi nghe lời Trúc Thông và làm đơn. Mấy tuần sau anh Thông nhắn tôi về Đài ở 58 Quán Sứ Hà Nội để lãnh đạo… “sát hạch”!
Tại cơ quan Đài TNVN, phó Ban miền Nam Mai Thúc Long yêu cầu tôi viết một bài với đề tài: Kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9 trong bối cảnh chính sự Miền Nam năm ấy (1974). Anh Long bảo tôi, cậu về viết rồi gửi lên cho Đài. Nếu đúng ngày 23/9 theo dõi Đài TNVN, thấy phát bài ấy vào ngày… giờ… thì coi như Đài nhận cậu về làm phóng viên. Khi tôi định ra về thì Trúc Thông bảo tôi: ông Long này thích nhanh, anh nên quay lại bảo ông ấy cho anh được ngồi viết ngay tại Đài, viết xong nộp cho ông ấy. Như thế ông ấy khoái lại khỏi nghi ngờ anh về nhờ người khác viết hộ.
Tôi làm như lời Trúc Thông. Phó ban bảo tôi ngồi ngay bàn của ông ấy mà viết. Đi đâu đó độ 2h đồng hồ, ông Long quay lại pha cho tôi một ly nước chanh rồi lại đi. Khoảng 12h ông quay về thì tôi vừa viết xong bài, độ 3 trang giấy học trò loại “5 hào 2”. Đó là thứ giấy trắng khổ to giá 5 hào 2 phổ biến và sang trọng thời ấy, tương đương khổ giấy A4 bây giờ. Tôi ra về nhưng không hy vọng lắm về cuộc “sát hạch” này, vì trợ lý của Ban là anh Hữu Tính cho biết Ban đã đặt bài nhà báo Lưu Quý Kỳ viết bài với nội dung như thế để phát vào ngày 23/9 sắp tới. Nhưng, thật không ngờ, bài của tôi được phát trên đài đúng ngày giờ như ông Long đã nói. Tôi còn nghe được bài của nhà báo Lưu Quý Kỳ phát trên đài cũng vào dịp đó. Chỉ một tuần sau tôi nhận được công văn tiếp nhận về Đài TNVN do bà phó Ban tổ chức Đài đem xuống tận trường.
Việc chuyển công tác của tôi rất chật vật vì Ty Giáo dục Hải Hưng không đồng ý. Ty giáo dục lấy lý do giáo viên cấp 3 do Bộ Giáo dục đào tạo và chỉ phân về các địa phương. Ủy ban nhân dân các tỉnh không được chuyển giáo viên cấp 3 ra khỏi ngành. Đó là quy định của Bộ. Tôi lại phải dùng đến thế lực của tướng Qua mới có được quyết định về Đài do chủ tịch UBND tỉnh Hải Hưng Nguyễn Bắc ký.
– – – – –
7.a. Những năm ở Đài TNVN và Đài Truyền hình Trung ương
Về Đài tôi được phân công vào tổ “Thành thị miền Nam” nơi làm các chương trình phát thanh cho đô thị miền Nam. Ban miền Nam khi đó tập trung những cây bút xuất sắc của Đài vì lúc đó ưu tiên số 1 là công tác tuyên truyền đấu tranh thống nhất đất nước. Suốt một thời kỳ dài, báo viết hiếm hoi lại vận chuyển khó khăn, truyền hình chưa có nên tất cả thông tin đều trông vào làn sóng của Đài (kể cà ca nhạc, sân khấu). Thể tài sân khấu truyền thanh, đặc biệt là “câu chuyện truyền thanh” và “tiếng thơ” là những thể tài chỉ phát triển ở ngành phát thanh Việt Nam do những đặc điểm lịch sử, kinh tế xã hội ở Việt Nam. 40% dân số Pháp biết chơi một nhạc cụ, người nông dân Pháp có thể tự biểu diễn và thưởng thức văn nghệ trong làng quê của mình khi có thời gian nghỉ ngơi hoặc hội hè. Nhu cầu tin tức và nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của dân ta trong một thời kỳ dài chỉ có thể trông vào Đài phát thanh và hệ thống loa công cộng, loa kim dẫn đến từng nhà trong thời kỳ của hai cuộc kháng chiến. Hình ảnh nhiều người tập trung để nghe một vở sân khấu truyền thanh dưới một cái loa là hình ảnh chỉ có ở Việt Nam.
Tôi về công tác ở Đài TNVN trong thời kỳ mà nhu cầu nghe đài của nhân dân lớn hơn bao giờ hết. Đó là thời gian cuối 1974, đầu 1975 chiến sự ở miền Nam diễn biến dồn dập, công việc ở Ban miền Nam của Đài cũng dồn dập, tất bật theo với diễn biến của chiến trường, chính trường miền Nam. Từ sáng sớm, những cây bút lão luyện của Ban như Trung Ngôn, Viễn Kính, Phan Đắc Lập… vừa bốc xôi (hay gặm bánh mỳ), vừa liếc mắt trên những trang báo xuất bản ở Sài Gòn như: Tiền tuyến, Đại dân tộc, Chính luận, Điện tín… do một đường dây đặc biệt chuyển ra. Khoảng 9-10h, các anh xoay trần trên máy chữ gõ bài rồi chuyển ngay đi thu âm, phát sóng. Những tin bài nóng hổi tính thời sự như thế là không thể thiếu được với bạn nghe đài cả nước, cả ở miền Nam nữa. Tôi nhìn các anh làm việc mà thán phục. Nghĩ rằng mình không biết đến bao giờ mới trở thành một nhà báo lão luyện và hiện đại như thế. Nhưng rồi tôi hòa nhập cũng nhanh. Tin, bài tôi viết đều được lãnh đạo Ban sử dụng. Với một người mới tập việc như thế xem như là được.
Một sự việc mà tôi nhớ mãi là cuối tháng ba, khi ta đánh vào thành phố Huế, ông Trường Chinh gọi điện qua lãnh đạo Đài, yêu cầu cử phóng viên sang bệnh viện Việt-Đức, thu thanh lời nói của GS bác sỹ Tôn Thất Tùng, người Huế… kêu gọi trí thức Huế ở lại với cách mạng, đừng hốt hoảng bỏ chạy theo “địch”. (Tôi viết chữ “địch” trong ngoặc, bởi thời điểm tôi viết hồi ký này là 2013, còn dùng chữ “địch” để chỉ chế độ VNCH e rằng không công bằng. Hôm nay, những kẻ đi cướp đất của Đoàn Văn Vươn, cướp đất ở Văn Giang, ở Vụ Bản… bây giờ có khác gì “địch” mà ta gọi ngày ấy!). Là phóng viên của tổ Đô thị miền Nam, tôi được cử đi gặp GS Tùng. Sau câu chào hỏi và biết rõ lý do, ông nhìn tôi một cách vô tư rồi gật đầu, ngồi xuống bàn, lấy một tờ giấy “5 hào 2”, dùng bút chấm mực và hý hoáy viết. Tôi ngồi ngắm GS Tùng, ông rất đẹp tướng, tóc bạc trắng hơi dài chấm ngang vai, da dẻ hồng hào… Trông ông vừa có vẻ một chính khách Phương Tây lại pha chút đạo cốt tiên ông của phương Đông dễ làm người ta thấp thỏm. Nghe nói ông nóng tính khi đang mổ cho bệnh nhân, hễ người phụ mổ chậm đưa dao kéo là ông lấy chân đá ngay người ta, dù người “ét” đó là vợ ông cũng thế. Thấy ông hý hoáy viết là tôi mừng. Viết xong, GS Tùng đưa bản thảo cho tôi. Ông viết rất ngắn, chữ xấu như chữ học trò lớp ba, lại to như con gà mái… Tôi vẫn giữ bút tích của ông đến tận bây giờ để làm kỷ niệm (dù nhiều lần dọn nhà). Một đồng chí lãnh đạo của tôi ở cấp phòng đã viết thêm một đoạn nữa vào bản thảo của ông rồi đánh máy để đem lên cấp Ban duyệt. Tôi cầm bản đánh máy đã được duyệt chạy ngay sang bệnh viện Việt-Đức để thu thanh lời kêu gọi của GS Tùng. Tôi cẩn thận nhờ thêm anh Hữu Tính cùng đi, vì anh thông thạo thu thanh, phòng có gì bất trắc sẽ có người hỗ trợ.
Giáo sư Tùng chăm chú xem bản thảo đã đánh máy và được duyệt, có thêm bớt ở đầu và cuối bài. Đọc xong chẳng nói chẳng rằng, ông xé tờ giấy đánh máy làm đôi và vứt xuống đất, còn dậm chân lên… rồi mắng hai đứa tôi: đồ ngu! Tôi giận run cả người, nhưng vẫn giữ được bình tĩnh và cúi xuống nhặt mảnh giấy đã bị xé làm đôi. Tôi hỏi GS Tùng: xin giáo sư cho biết chúng tôi ngu ở điểm nào? Ông trợn mắt quát: tại sao các anh lại viết thêm vào “nhân dịp này xin chúc đồng bào… nhân dịp gì? Cái gì cũng nhân dịp, người ta đang cực kỳ hoang mang thì mình lại “nhân dịp”. Ngu nó vừa vừa thôi chứ!
Ngu thật rồi, cái đoạn ông phó phòng của tôi thêm vào cuối bài kêu gọi của GS Tùng rất trơ trẽn, vô duyên, không ăn nhập gì với lời lẽ ở trên của giáo sư. Một người làm báo phải biết nghe người ta chửi mình là ngu, nếu chửi đúng. Tôi nghĩ vậy nên xin giáo sư được sửa lại đoạn cuối. Ông đồng ý. Tôi cẩn thận cầm cả hai tay đưa lại hai mảnh giấy giáo sư vừa xé có phần cuối bài do tôi vừa sửa lại. Đọc xong ông gật đầu và ra hiệu cho chúng tôi đưa máy lại thu thanh. Đến lúc đó, Hữu Tính vẫn ngồi ung dung như không có gì xẩy ra, anh giúp tôi thu thanh. Phòng mổ và phòng kế bên nơi ông làm việc máy lạnh chạy đều đều. Đây là nơi hiếm hoi ở Hà Nội được sử dụng máy lạnh ngày ấy, vậy mà tôi vã mồ hôi do lo sợ không hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ khi xong mọi việc tôi mới biết mình… đã toát mồ hôi. Thấy thế, giáo sư bảo hai đứa: không nên viết dài, viết ngắn thôi, nhưng phát thanh nhiều lần, phát để người ta ngồi ỉa cũng nghe được thì mới tốt. Từ đó trở đi, khi cầm cây bút đi lang thang trên mọi nẻo đường tươi đẹp và đau khổ của đất nước, bên tai tôi luôn văng vẳng giọng Huế của GS Tùng: đồ ngu, viết ngắn thôi! Sau này khi giảng dậy ở những lớp nghiệp vụ báo chí, về phần phát thanh tôi không quên đưa ý kiến của GS Tùng vào giáo án của mình: viết ngắn, phát nhiều lần.
Vậy rõ ràng là, cứ theo lời kêu gọi tri thức Huế ở lại với cách mạng của GS Tùng, được đích thân đồng chí Trường Chinh chỉ đạo cho Đài thực hiện thì đến lúc ta đánh vào Huế, trung ương vẫn chưa có ý định đánh vô đến Sài Gòn. Nhưng diễn biến tình hình quá nhanh, và chiến dịch HCM chỉ được quyết định sau đó. Hàng loạt tỉnh từ Đà Nẵng trở vào lần lượt được giải phóng. Do đất nước bị chia cắt lâu, các tỉnh miền Trung và Nam trung bộ ít được dân miền Bắc biết tới. Tôi được Ban chỉ thị phải giới thiệu về từng tỉnh mới được giải phóng trên sóng Đài TNVN. Công việc này dễ mà khó. Dễ vì không cần phải đi đâu, ngồi nhà cũng viết được. Khó vì nếu không có tư liệu thì không thể viết được. Nhờ có tủ sách phong phú mà tôi đã góp nhặt được trong 8 năm dậy học nên các tỉnh chạy dài suốt mảnh đất miền Trung đã được tôi giới thiệu về địa lý, văn hóa, kinh tế một cách tóm tắt nhưng khá đầy đủ khi nó lần lượt được giải phóng.
Ngày 30/4/1975 là một ngày đáng ghi nhớ ở Hà Nội. Với cơ quan Đài TNVN thì càng nhộn nhịp. Các phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo và cán bộ công nhân viên của Đài là dân miền Nam tập kết đều được mọi người chúc mừng. Câu nói cửa miệng của người Hà Nội mỗi khi nhắc đến cái gì đó xa xôi là “chờ đến ngày thống nhất”, thì ngày ấy đã tới. Niềm vui vỡ òa trên đường phố. Ngày ấy không ai ở nhà cả, người ta cứ ra phố. Dù không biết đi đâu nhưng nhất định là không ở nhà. Cứ đi, cứ đi, gặp chỗ nào có người quen là xà vào. Ngày ấy, tôi cứ nghĩ là nhà nước sẽ mở kho, khao dân chúng “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” như các vua chúa ngày xưa mỗi khi thắng trận, nhưng không hề có. Chỉ có các quan là có vật chất mà thôi. Tướng Qua, từ khi lên cấp tướng, tuy chức vụ vẫn là Cục trưởng nhưng hàm ngang với thứ trưởng nên được cấp xe la-đa đi riêng, được cấp sổ mua hàng ở cửa hàng cao cấp Tôn Đản. Thời đó có câu ca dao: Tôn Đản là chợ của vua quan/ Nhà thờ là chợ của trung gian nịnh thần/ Đồng Xuân là chợ của tư nhân/ vỉa hè là chợ của nhân dân anh hùng!
Tôi đến nhà tướng Qua với hy vọng là được uống bia và hút thuốc lá Điện Biên bao bạc, và quả đúng như tôi dự đoán. Lúc đó, ông còn ở khu tập thể ngõ Văn Chương. Hàng xóm của ông là trung tá nhà thơ trào phúng Lê Kim làm ở báo QĐND. Hai vị đang liên hoan bên nhà tướng Qua lúc tôi đến. Chính tại bữa bia bọt đó, tôi được biết trung tá Lê Kim hôm sau sẽ lên đường vô Nam công tác. Ông được phát một khẩu súng lục mà theo tướng Qua nhận xét: tay này chưa biết bắn súng thế nào. Và, tôi cũng được biết, Bộ Công An sẽ cử một đoàn đi Nam để tìm kiếm Nguyễn Công Tài, người hùng của Bộ.
Sau 30/4, không chỉ ở Đài tôi mà ở bất kỳ đơn vị nào, cán bộ tập kết là dân Nam Bộ đều xin về quê sạch hết. Chỉ có cán bộ là dân miền trung và khu 5 thì đa phần là ở lại. Và lúc này, Ban miền Nam của Đài TNVN giải thể vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Phóng viên, biên tập viên, người thì xin về Nam, người thì sang các bộ phận khác của Đài. Tôi được phân về chương trình phát thanh “Trên miền Bắc XHCN”, một chương trình phát thanh “nối tiếp” các chương trình phát thanh vào Nam của Ban miền Nam trước đây, nhằm giới thiệu các “thành tựu” xây dựng CNXH ở miền Bắc cho đồng bào miền Nam mới được giải phóng (!)
Đề tài thật là rộng lớn, đủ mọi lãnh vực. Các phóng viên của chương trình thỏa sức vẫy vùng. Mới ngoài 30, đang sức trai trẻ, tôi hăm hở đi mọi nơi, mọi vùng trên miền Bắc, từ vùng than Quảng Ninh đến miền núi, miền xuôi. Ngoài viết cho Đài, tôi còn viết cho báo Nhân Dân mục “Nông thôn mới”, do nhà báo Trần Minh Tân ở Ban nông nghiệp báo phụ trách. Rồi còn viết cho mục “Đó đây cuộc sống con người” của báo Văn Nghệ Hội Nhà văn do nhà văn Trần Hoài Dương phụ trách. Tôi còn viết cho cả báo QĐND do các anh Thụy Vũ, Trịnh Tường của báo đặt bài. Được các đồng nghiệp ở báo Nhân Dân động viên là người “đi đâu viết đó, viết đâu ra đó”, tôi càng hăng say có mặt “trên từng cây số”. Bây giờ, “những chiều gió tím mây xanh” rảnh rỗi ngồi đọc những bài báo còn giữ được, nhớ lại những nơi mình đã đi, đã đến, tiếp xúc với bà con cô bác để lấy tin, viết bài… sao tôi nhớ những ngày ấy quá. Những ngày đó tôi vô tư, tin tưởng và hy vọng cuộc sống sẽ ngày một tốt đẹp hơn. Qua lao động say sưa và lăn lộn với cuộc sống nên tay nghề của tôi được nâng lên rõ rệt. Các bậc đàn anh cho tôi nhiều kinh nghiệm làm báo. Có lần, tôi đưa một bản thảo viết tay dập xóa nhiều lần cho trung tá Thụy Vũ ở báo QĐND với băn khoăn là bản thảo của mình dập xóa nhiều quá (tôi không biết đánh máy). Anh Thụy Vũ cười nói: mình lại thích những bản thảo viết tay có dập xóa như thế. Nhìn vào, mình sẽ biết cậu đã nghĩ gì, rồi nghĩ lại mà xóa đi. Biết được dòng chảy tư duy của cậu. Nhìn một bản thảo đánh máy sạch sẽ, không thấy được điều đó. Cái thời ấy, các anh lớn tuổi ở các tòa báo làm việc đầy trách nhiệm như thế, nâng niu cộng tác viên như thế. Tôi đã theo nhà báo đàn anh Trần Minh Tân trên mọi nẻo đường vất vả. Theo anh từ lúc đi lấy tài liệu, cách hỏi han đối tượng khai thác tin tức, rồi đọc bản thảo anh viết, đọc bài của anh khi đã đăng trên báo… và rút ra được nhiều điều bổ ích. Đặc biệt, tôi học tập được ở các nhà báo thế hệ đó đạo đức nghề nghiệp. Có lần, tôi đi với bác Minh Tân đến vùng trồng rau xanh của huyện Thanh Trì, vành đai cung cấp rau quả cho thủ đô Hà Nội. Trời rét như cắt ruột mà phải lội bộ hàng cây số ngoài đê sông Hồng. Đến trưa đói thắt ruột mà bí thư huyện ủy chỉ đưa cho bác Minh Tân vài cái bánh quy rắn như đá. Vậy mà bác vừa đi vừa ăn trong gió rét. Đến chiều, chiếc xe com-măng-ca ọc ạch của báo Nhân Dân đưa bác về thẳng tòa soạn để bác làm việc ngay. Thế là sáng hôm sau tôi đã được đọc bài của bác trên báo. Bài viết nói về những vấn đề đặt ra cho vành đai rau xanh của Hà Nội, bài viết “đâu ra đó”!
Trong gần ba năm 76, 77 và đầu năm 78 làm việc ở chương trình này, tôi thâm nhập tầng lớp trí thức của Hà Nội để viết, quen biết nhiều vị trí thức danh tiếng bấy giờ. Một lần tôi đến gặp GS bác sỹ Hồ Đắc Di tại nhà riêng của ông là một biệt thự ở đường Lý Thái Tổ. Ông là hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Y khoa. Nhà Gs Di ở dưới, tầng trên là Bs Tôn Thất Tùng ở. Nghe nói vợ Bs Tùng gọi vợ Gs Di là cô ruột và cùng là người Huế. Tôi muốn phỏng vấn Gs bác sỹ Hồ Đắc Di về sự lãnh đạo của Đảng đối với tri thức. Gíao sư người nhỏ bé, ăn nói nhỏ nhẹ, ông nhìn tôi rồi từ tốn nói: cậu cứ về viết câu hỏi, rồi tự viết câu trả lời, muốn viết gì thì viết… rồi đem máy ghi âm đến đây, tôi đọc vào rồi đem về đài phát!!! Tôi bẽ bàng quá, không ngờ nhận được kết quả như thế với một vị giáo sư điềm đạm như ông Hồ Đắc Di. Tôi ra về lòng buồn rười rượi, thà cứ quát mắng chúng tôi như giáo sư Tùng còn hơn là nhận được một lời nhã nhặn mà đau như thế. Tôi đem câu chuyện này kể cho một đồng nghiệp lớn tuổi ở báo Đại Đoàn Kết. Nhà báo lão thành này nói với tôi: là vì cậu chưa hiểu giáo sư Di đấy thôi. Hồi mới giải phóng thủ đô 1954, khi đó ông là hiệu trưởng trường Đại học Y. Có người đến xin gặp chính quyền nhà trường. Giáo sư Di đã trả lời: chính là tôi, còn quyền là vị bí thư Đảng ủy ngồi ở phòng bên cạnh! Bà bí thư đó là một cán bộ xã mới học hết lớp 2 trường làng cậu có biết không. Kể xong câu chuyện đó cho tôi nghe, vị nhà báo lão thành kia vỗ vai tôi bảo: buồn làm gì, chúng tao nhiều tuổi hơn nên hiểu chế độ này hơn mày!
Trong khi các vị trí thức miền Bắc đã chán trường sự lãnh đạo của Đảng như giáo sư Di thì thời điểm mới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đó, các vị trí thức Sài Gòn lại rất hồ hởi, tin tưởng ở tương lai của đất nước. Ngày ấy, tôi được phân công một công việc khá nặng nề là làm cuộc tọa đàm thu thanh với các vị trí thức miền Nam là đại biểu quốc hội thống nhất khóa đầu tiên. Buổi tối, từ làng Hoàng Mai cuối thành phố, tôi chạy cái xe mobilet màu xám, còn gọi là xe “cá xám” lên tận khách sạn Thắng Lợi ở Hồ Tây, nơi các đại biểu miền Nam ra ở tại đó trong thời gian quốc hội họp. Tôi đưa thẻ nhà báo, xưng danh là của Đài TNVN xin được gặp giáo sư Lý Chánh Trung. Công an gác cửa gọi điện vào và tôi nhận được lời từ chối của ông. Hai ngày sau, tôi lại chạy xe lên khách sạn Thắng Lợi, lần này tôi yêu cầu cảnh vệ cho tôi được nói chuyện qua điện thoại trực tiếp với giáo sư Lý Chánh Trung. Tôi nói rõ yêu cầu của Đài và tha thiết xin ông cho gặp. Nhưng từ đầu giây bên kia giáo sư Trung kiên quyết từ chối với lý do ông đang rất bận, phải viết tham luận thay mặt trí thức miền Nam đọc trước quốc hội trong những ngày tới. Tôi vô cùng buồn bã. Khách sạn Thắng Lợi ở bên Hồ tây rộng mênh mông. Buổi tối, khi có ánh đèn, côn trùng từ không gian Hồ Tây bay về nơi có ánh sáng đã trở thành một vấn nạn cho khách sạn lúc đó. Vậy mà muỗi mòng hay rầy (còn gọi là thiêu thân) bay vô mặt tôi mà tôi cũng không buồn muốn đuổi… Về đến nhà, tôi nằm vật ra giường, người như lên cơn sốt. Với một phóng viên mới vào nghề, thử thách này quả là lớn đối với tôi. Nếu không làm được cuộc tọa đàm phỏng vấn này với các đại biểu quốc hội là trí thức miền Nam thì tôi còn “mặt mũi nào” mà vác mặt về Đài. Nhưng trò đời “cùng tắc biến”, tôi đã nghĩ ra một “mẹo” để có thể tiếp cận giáo sư Trung. Tối hôm sau, tôi lại phóng xe lên khách sạn Thắng Lợi. Lần này tôi nói với giáo sư Trung qua điện thoại: tôi bỏ ý định phỏng vấn giáo sư mà chỉ muốn gặp ông để nói những nhận xét, ý kiến của độc giả, trí thức miền Bắc về các bài viết của giáo sư trên văn đàn Sài Gòn và đặc biệt là bài viết về Hồ Chí Minh của giáo sư khi Bác Hồ mất trên báo chí Sài Gòn năm 1969…
Quả là tôi đã “thắng lợi”. Có người cầm bút nào lại nỡ từ chối một lời đề nghị như thế của độc giả về những tác phẩm của mình. Nhất là những độc giả ở trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt hai miền như hai nước khác nhau? Giáo sư Trung đã đồng ý tiếp tôi. Trước khi vào câu chuyện, tôi còn giả bộ xem đồng hồ và nói: để khỏi làm mất thì giờ của giáo sư, tôi chỉ trình bầy ý kiến trong 30 phút. Tôi nêu những nhận xét của bạn đọc miền Bắc về những bài GS Trung đã viết ở Sài Gòn. Tôi đi sâu nhận xét về cuốn “Những ngày buồn nôn”. Đây là tập hợp những bài giáo sư đã viết trong một năm, mỗi tuần một bài, khi giáo sư ngồi chờ máy bay trong mỗi lần lên giảng bài ở đại học Đà Lạt. GS Trung không ngờ tôi lại đọc kỹ cuốn sách này như thế. Đây là điều rất bất ngờ đối với ông, một giáo sư ở tận Sài Gòn lại có độc giả như thế ở Hà Nội. Tôi có được những tác phẩm đó nhờ công tác ở Ban miền Nam của Đài TNVN, có đường dây đặc biệt mang sách báo Sài Gòn ra Bắc. Khi chiếm được cảm tình của giáo sư rồi, tôi lại giả bộ xem đồng hồ và nói: đã hết 30 phút, xin phép giáo sư… Nghe vậy, ông ngăn tôi lại và nói: cứ tiếp tục đi… tôi lại nói về bài viết của ông về Hồ Chí Minh năm 1969 khi ông Hồ qua đời. Bài báo đó được đăng và đọc trên đài, báo Sài Gòn sau ngày 3/9/1969. Trong bài đó, giáo sư Trung đã ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh và cuối cùng ông kết luận: chỉ tiếc là ông Hồ Chí Minh lại là cộng sản mà thôi! Chính cái kết luận này đã gây ra tranh cãi trong giới làm tuyên giáo, làm tuyên truyền ở Hà Nội. Có người khen, có người chê. Cuối cùng thì ông Trường Chinh kết luận, đại ý nói, người ta phải viết thế thì mới đăng được trên các báo ở Sài Gòn chứ. Đó là nghệ thuật của người ta, mình phải phục chứ!
Tôi kể những chi tiết về “vụ” ấy cho giáo sư Lý Chánh Trung nghe, ông vô cùng thích thú. Cuối cùng tôi chân thành nhờ giáo sư giúp tôi làm một cuộc tọa đàm với anh em trí thức miền Nam là đại biểu quốc hội. Giáo sư đã vui vẻ đi các phòng gọi các anh: Nguyễn Long, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn mẫm… để cho tôi làm một cuộc tọa đàm thật vui vẻ. Máy ghi âm của tôi chạy ro ro… Tôi vui mừng được thấy những con người rất nổi tiếng như anh Nuôi, anh Mẫm… của phong trào sinh viên đấu tranh chống Mỹ Thiệu ở Sài Gòn trước 1975. Thật bất ngờ đến ngạc nhiên là hôm nay, 36 năm sau, trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam ngày 9/12/2012 tại TP HCM tôi lại đứng cạnh anh Huỳnh Tấn Mẫm trên thềm nhà hát lớn thành phố, nơi cách đây 40 năm anh đã xuất phát để dẫn đầu đoàn sinh viên năm xưa. Trái đất quả là tròn!
Cuộc tọa đàm này đã cho tôi một kinh nghiệm quý, bổ sung vào bài học “phỏng vấn-tọa đàm” mà các giáo trình báo chí chỉ dậy lý thuyết, chỉ nêu yêu cầu nội dung của một cuộc phỏng vấn hoặc tọa đàm mà không ai dậy, không ai nêu câu hỏi và trả lời cho các sinh viên đại học báo chí rằng: làm thế nào để gặp được người mình muốn phỏng vấn… khi họ đều là VIP, những người nổi tiếng, rất khó gặp. Nếu không tiếp xúc được với họ, nếu họ từ chối, hoặc có gặp được nhưng họ không “mở miệng” thì phỏng vấn cái gì? Chính vì thế mà các trường đại học báo chí trên thế giới họ không mời các giáo sư mà chỉ mời các phóng viên nổi tiếng đến giảng cho các lớp báo chí của họ. Còn ở ta, giảng dậy ở các trường tuyên huấn, báo chí, người dậy nếu không phải là một giáo sư văn học thì lại là một cán bộ chính trị, tuyên huấn chưa từng là ký giả bao giờ (!)
Nghĩ lại cuộc tọa đàm, tôi quá hài lòng nhưng vẫn thấy tiêng tiếc vì không gặp được một gương mặt cũng rất tiêu biểu nữa là bà Ngô Bá Thành. Trước khi đem băng ghi âm về Đài và viết lời giới thiệu cuộc tọa đàm, tôi quyết định đến Quốc hội, tìm gặp bà. Tôi nói (và cũng là để xin phép) là xin bà cho tôi “ăn gian” ghi tên bà vào lời giới thiệu cuộc tọa đàm “Trí thức Nam Bộ” tại Quốc hội thống nhất, vì bà là một trí thức rất nổi tiếng. Bà Ngô Bá Thành đã cười ngặt nghẽo rồi nói: Tôi là con mẹ Bắc kỳ, sinh ở phố Nhà thương chó Hà Nội chứ Nam Bộ cái nỗi gì! Anh muốn giới thiệu tôi vào đâu cũng được. Nghe xong, tôi mừng quá, vậy là cuộc tọa đàm của tôi thật “hoành tráng”. Báo Hà nội mới ngày ấy đã đăng bài tường thuật của tôi về cuộc tọa đàm này. Cũng xin mở ngoặc nói dông dài một chút. Phố “nhà thương chó” là phố Yersin ở gần vườn hoa Pasteur Hà Nội. Xưa kia thời Pháp là nơi nhốt chó dại để nghiên cứu. Dân mình gọi là “phố nhà thương chó” rồi chết tên luôn. Cũng như phố “Cây đa nhà bò” ở gần ô Đống mác, như “Ngã năm chuồng chó” ở Gò Vấp TP HCM, như ngõ “Cô-ba-chìa” ở Hải Phòng, hay như phố “Lò bánh mỳ”, phố “Cửa hàng thịt” ở Paris mà tôi đã biết. Trên thế gian này, ở đâu cũng có những cái tên “bình dân” như thế bên cạnh tên những anh hùng hào kiệt.
Cũng tại Quốc hội thống nhất, lần đầu tiên tôi được nhìn tận mắt bà Nguyễn Thị Định. Trước đây chỉ thấy bà trên phim, ảnh. Bà Định hôm ấy mặc chiếc áo bà ba mầu trắng, cổ quàng chiếc khăn rằn Nam Bộ. Bà đẹp lạ lùng, một vẻ đẹp phúc hậu, nền nã, giản dị mà kiêu sa dũng mãnh. Chỉ có phụ nữ Nam Bộ mới có vẻ đẹp lạ lùng đến thế.
Kết thúc đợt tuyên truyền về Quốc hội thống nhất, trong một cuộc giao Ban của Đài, tôi được tuyên dương về cuộc tọa đàm phỏng vấn tri thức Nam Bộ, còn chị Thanh Hương đồng nghiệp của tôi thì bị phê bình vì không hoàn thành nhiệm vụ. Thật oan uổng cho chị Hương. Chị được phân công phỏng vấn một đại biểu Quốc hội là chị công nhân quét rác trong đoàn đại biểu TP HCM. Ngày ấy, mỗi đại biểu Quốc hội đều được phát một cái phiếu để đi mua hàng cung cấp. Thời bao cấp, “bán như cho, mua như cướp”. Cái phiếu ấy mua được nhiều hàng quý, có cả áo len nữa. Chị công nhân kia tất bật đi mua hàng trong các giờ giải lao, tối về lại đi chơi phố phường Hà Nội nên chị Hương không sao gặp để phỏng vấn được. Còn các vị tri thức thì họ không quan tâm mua bán như chị công nhân và cũng không thiết đi xem “Hàng Đào không lụa…” của Hà Nội vì thế gặp trí thức dễ hơn gặp chị quét rác nhiều! Nhưng có một chuyện không dễ quên đó là, không hiểu vì lý do gì hay sơ xuất mà trong khi mỗi nhân viên phục vụ ở Quốc hội lại được phát một phiếu mua hàng, còn ba nhà báo mới được một phiếu nên phải bốc thăm để loại nhau! Một đồng nghiệp của tôi ở TTXVN mới phán một câu xanh rờn: thì ra ba thằng bồi bút mới bằng một con bồi bàn! Câu nói đó đến tai chủ tịch Quốc hội Trường Chinh. Ông lập tức họp báo vào cuối giờ phiên họp đó để xin lỗi các nhà báo. Ngày ấy văn hóa xin lỗi còn giữ được, chứ như ngày nay thì dễ gì anh hói, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng xin lỗi ai!
Cuối năm 1976, cũng trong không khí hồ hởi thống nhất đất nước, Việt Nam đã tổ chức một hội nghị toán học lớn, có rất nhiều nhà toán học giỏi gốc Việt các nước về dự. Tôi phải ra tận sân bay để đón các tri thức Việt Kiều về dự hội nghị. Tôi nhớ đã đón: tiến sỹ toán học Lê Dũng Tráng, 29 tuổi người Thanh Hóa; GS Federic Phạm, cha là nhà toán học Việt Nam mẹ là người Pháp. Giáo sư Phạm sinh ra ở Pháp nên nói tiếng Việt rất khó khăn, chỉ nói được từng từ một, không thành câu. Đa số các vị là những nhà toán học lý thuyết. Một nữ giáo sư toán học ở trường ĐHSP Hà Nội dự hội nghị đó, bà là một người rất nổi tiếng, rất tâm huyết với nền toán học của nước nhà rất được mọi người kính trọng vì tính tình thẳng thắn cương trực. Bà đã nói với tôi: toán lý thuyết rất quan trọng, rất vĩ đại nhưng với nước ta thì chẳng có tác dụng thiết thực là bao, thế mà tôi ngày nào cũng phải xếp hàng mua bắp cải để ăn! Rồi bà hỏi tôi: anh có biết trường phái “Toán học kỳ dị” là thế nào không, anh có biết thế nào là “Bài toán bốn mầu không”? Rồi bà giải thích “Bài toán bốn mầu là, tôi cho anh bốn mầu khác nhau anh phải tô được bản đồ thế giới mà các nước ở xung quanh một nước lại không trùng mầu nhau. Nhưng trên thực tế, có nước giáp gianh tới 5-6 nước thì làm sao mà tô được bản đồ thế giới, khi trong tay chỉ có bốn mầu! Ấy vậy mà trên lý thuyết bài toán đó lại giải được. Thế nên giới toán học lý thuyết gọi bài toán đó là “Bài toán bốn mầu”! Toán lý thuyết là thế đấy anh ạ! Nó chỉ làm người nghiên cứu nó vinh thân phì gia, với một nước nghèo và lạc hậu như nước ta thì… vô ích.
Được vị giáo sư đáng kính này giảng giải tôi mới vỡ lẽ, tại làm sao trong hội nghị đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó là Phó thủ tướng, phụ trách công tác khoa học đã kêu gọi các nhà toán học Việt Nam mà tuyệt đại là toán học lý thuyết chuyển sang nghiên cứu toán học ứng dụng cho đất nước được nhờ. Nhưng chẳng ai theo lời khuyên của tướng Giáp (!) Vì thế sau này, người ta làm rùm beng việc đón GS Ngô Bảo Châu, hòng lừa mị lớp trẻ, xem như cái lý thuyết “Bổ đề” là tất cả, toán lý thuyết là tất cả, họ quên mất rằng ở cái nước Việt Nam nghèo đói này, cơm áo, ruộng đất của nông dân, dân chủ với nhân dân còn cần gấp triệu lần cái “Bổ đề” kia. Vì thế, nhà văn Đào Hiếu mới lên tiếng. Và, tôi đã viết bài trên mạng INTERNET với đầu đề: “Trí thức, trí ngủ và trí trá” với cái kết luận: “Toán học rất vĩ đại. Viện nghiên cứu toán học cao cấp mà GS Ngô Bảo Châu đang làm viện trưởng rất sang trọng. Nhưng các bệnh viện nhi đồng ở nước ta các cháu thiếu nhi đang phải nằm chung 2-3 cháu một giường, các bà mẹ phải nằm dưới đất. Khi một em bé bị đau rượt thừa, mẹ em vừa khóc vừa bế em đến bệnh viện, van lậy các BS cứu nhân độ thế. Nhưng bệnh viện còn chờ bố em đi bán bò có tiền nộp viện phí thì mới mổ ruột thừa cứu em… thì mọi sự sang trọng phải xem lại, mọi vật trang trí phải xem lại”! Bài viết trên mạng tháng 4/2011 này của tôi đã gây nhiều tranh cãi.
Cuối năm 1976, sau đại hội Đảng lần thứ 4, nhiều nhân vật bị loại dần khỏi chính trường. Giáo sư Tạ Quang Bửu là một điển hình. Ông Bửu là một người có cá tính mạnh và thuộc loại “cứng đầu”. Ông là tác giả của những câu nói nổi tiếng một thời. Ông tuyên bố: tôi là một nhà toán học, tiếp xúc nhiều với khái niệm trừu tượng, nhưng tôi chưa thấy cái gì trừu tượng bằng khái niệm “làm chủ tập thể”! (tác giả của “làm chủ tập thể” là TBT Lê Duẩn). Về cá nhân, tôi có may mắn được gặp giáo sư Bửu trong nhiệm vụ đi làm thu thanh cuộc bảo vệ luận án Ph.D lần đầu tiên trong nước. Trước đó học vị này là đem từ nước ngoài về. Đề tài bảo vệ thuộc chuyên ngành toán nên GS Bửu nằm trong ban giám khảo. Khi ông xuất hiện, cả hội trường đã đứng lên vỗ tay theo kiểu “đại hội”. Có nghĩa là vỗ tay theo kiểu đồng loạt theo nhịp, cách vỗ tay trong chế độ toàn trị chỉ dành riêng cho các vị lãnh tụ tối cao của Đảng và nhà nước. Tiếng vỗ tay kéo dài không dứt đến nỗi giáo sư Bửu phải ra hiệu nhiều lần xin ngừng. Sau khi hội trường im lặng, ông Bửu tiến đến chiếc micro và nói: tôi có gì oan ức mà các anh các chị phải làm như vậy(!) Số là, lúc đó GS Tạ Quang Bửu vừa mất chức Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Mọi người đã vỗ tay như thế để biểu thị thái độ “phản kháng” việc cách chức giáo sư! Một cách thức mà ngày nay người ta gọi là đấu tranh bất bạo động hợp pháp. Đến giờ giải lao, mọi người quây lấy GS Bửu, vòng trong vòng ngoài. Có người hỏi: thưa giáo sư, vì sao GS lại thôi giữ chức Bộ trưởng? Trả lời: vì lý do sức khỏe, nhưng người thay tôi thì đang nằm bệnh viện! Mọi người đã cười ồ! Lại có người hỏi: thưa giáo sư, hiện nay GS làm gì? Trả lời: tôi làm chồng bà Bửu! Mọi người lại cười ồ.
Tôi đã tường thuật thu thanh tại chỗ cuộc bảo vệ luận án Ph.D đầu tiên này và cố tình để rất lâu tiếng “vỗ tay đại hội” khi làm hậu kỳ để phát sóng. Ngày ấy, phát thanh có vai trò chủ lực trong hệ thống thông tin đại chúng khi báo viết còn hạn chế, truyền hình mới ra đời và rất ít người có TV, còn INTERNET thì chưa có. Vì thế, không phải là vô tình mà trang bìa tập 1 cuốn “ Bên thắng cuộc” của Huy Đức lại in hình cái cột điện có gắn loa phóng thanh. Tôi được thính giả của Đài biết danh nhờ những chương trình phát thanh như các tường thuật thu thanh kể trên, vì trước khi phát bài đều có giới thiệu tên phóng viên thực hiện. Thật trớ trêu, ngay sau đó tôi lại bị phân công đi phỏng vấn vị bộ trưởng mới lên thay GS Bửu là GS phó tiến sỹ vật lý hạt nhân Nguyễn Đình Tứ. Vì ông Tứ mới lên bộ trưởng nên nhà ông còn ở gác 5 của khu tập thể Kim Liên Hà Nội. Tôi leo lên được gác 5 mệt muốn chết! Nhưng tôi hoàn toàn thất bại. Vì tất cả các câu hỏi được soạn sẵn ở nhà đại loại như bộ trưởng có dự định gì để khắc phục những tồn tại của ngành đại học và trung học hiện nay… đều bị tân bộ trưởng từ chối. Hầu như ông không trả lời gì cả (bất cứ một câu hỏi nào) và còn né tránh mọi lý do vì sao không trả lời. Ở một nền báo chí tự do thì nhà Đài có thể công bố tất cả những câu hỏi và công bố sự từ chối của vị tân bộ trưởng đối với những câu được hỏi. Như thế cũng là một chương trình phát thanh hay. Hay theo một nghĩa là nó đa dạng và tôi cũng vẫn được trả nhuận bút về cái chương trình đó. Nếu công bằng mà nói cho dù Đài TNVN tuy không chấp nhận quan điểm báo chí tự do nên không thể phát sóng thì Đài vẫn phải tính công lao động cho tôi, vẫn phải tính buổi làm việc đó vào số lượng tin bài đã được giao khoán cho phóng viên hàng tháng. Đằng này không. Tôi mất trắng chuyến đi phỏng vấn phải leo gác 5 và phải soạn câu hỏi cả buổi. Khi được lãnh đạo Đài hỏi về cuộc phỏng vấn, do bực tức, tôi đã trả lời không chút do dự: tôi vừa đi phỏng vấn một anh học trò giỏi, không phải đi phỏng vấn một ông bộ trưởng!
Với một phóng viên mới vô nghề được một, hai năm mà dám trả lời cấp trên như thế là chỉ có “tự sát” và khỏi mong tiến thân vào con đường hoạn lộ, hay muốn vô Đảng, muốn được cất nhắc lên phó, trưởng phòng, phó Ban, trưởng Ban biên tập của cái cơ quan đầy quyền lực này. Nhưng tôi tự xét mình không có “khả năng” đi lên bằng con đường làm quan trong nghề báo, tôi chỉ muốn cầm bút suốt đời, làm phóng viên suốt đời nên tôi đã trả lời rất bình thản những câu hỏi của cấp trên theo suy nghĩ của mình, kể cả với những người có thiện ý muốn nâng đỡ, cất nhắc tôi… cho đến ngày về hưu từ cơ quan của Đài TNVN.
Tôi gọi GS Nguyễn Đình Tứ là anh học trò giỏi vì biết rõ ông từng học thủy lợi ở Trung Quốc, học và làm việc ở Liên Xô. Ông được công nhận đậu Ph.D vật lý hạt nhân cùng một lúc với 7 nhà khoa học người Hungary nhờ cùng với 7 người này chụp được một “bụi phóng xạ lạ” trong một bức ảnh tại cơ quan Viện Đúp-na Liên Xô. Vậy thôi! Ông chỉ là một nhà khoa học thuần túy, không có tư chất một chính khách, một bộ trưởng như GS Bửu. Dưới chế độ công sản, những trí thức như Tạ Quang Bửu chỉ được dùng trong giai đoạn đầu. Khi đã “toàn thắng” rồi thì người ta dùng những trí thức XHCN như Nguyễn Đình Tứ, dễ bảo hơn. Cái chết bí ẩn của ông khi ông được bầu vào Bộ chính trị tại đại hội 8 là một câu chuyện khá… ly kỳ! Tôi sẽ nói ở phần sau tập hồi ký này.
Chương trình phát thanh “Trên miền Bắc XHCN” đã đưa tôi đến nhiều nơi ở phía Bắc vĩ tuyến 17. Từ vùng vàng đen Đông Bắc của tổ quốc đến đồng bằng Bắc Bộ, miền núi phía Bắc… Tôi nhớ mãi chuyến đi viết phóng sự dài ngày ở Lạng Sơn. Nếu miền Tây Bắc “vời vợi nghìn trùng”, vùng núi Cao Bằng hùng vĩ, miền cao nguyên đá Hà Giang cheo leo hiểm trở thì miền núi xứ Lạng là một “bình nguyên” của núi đồi, được hình thành bởi những tầng địa chất của tâm linh, của ca dao và cổ tích.
“ Đồng Đăng có phố kỳ lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em…”
Quả thật là chúng tôi cũng không bõ công lên xứ Lạng. Tôi viết được những phóng sự thu thanh có tiếng nói của bà con Tày, Nùng rất thiết thực cho đài quốc gia. Bà con dân tộc ở quanh thị xã Lạng Sơn đã trồng được đậu tương với năng xuất cao hơn miền xuôi nhiều. Rồi, một hợp tác xã nhỏ trong mấy tháng đã bán cho nhà nước hàng chục tấn thuốc lá Lạng Sơn thái mỏng vàng ươm, thứ nguyên liệu rất cần cho nhà máy thuốc lá Thăng Long ở Hà Nội. Lạng Sơn là tỉnh miền núi có giao lưu với bên ngoài từ lâu đời nên con người ở đây lịch lãm. Tôi và anh bạn đồng nghiệp ngủ trên gác nhà công quán, nguyên là nhà cổ từ thời Pháp mới sang ta đặt nền cai trị. Sàn nhà bằng gỗ, chỉ khi nào khách thức giấc, nện gót giầy lên sàn gỗ cộp cộp… thì cô phục vụ mới mang bình thủy nước nóng lên, đặt trước cửa ra vào xong gõ nhẹ vào cửa báo cho khách biết. Ở nơi này, từ cô nhân viên phục vụ đến người đứng đầu thị xã đều tỏ ra là những nhà ngoại giao từng trải mà chân thành. Buổi làm việc với bí thư thị xã cũng đầy ấn tượng, ông đứng hẳn dậy để nói lời “thay mặt nhân dân” cám ơn hai nhà báo, rồi lại ngồi xuống ghế. Cách tiếp khách của ông thật giản dị và chu đáo, là món quà tinh thần theo mãi chúng tôi về xuôi. Đó là 2 gói xôi đậu đen nóng gói trong lá chuối tươi buộc lạt rơm cẩn thận. Ông nói: chúng tôi tặng 2 nhà báo đi tầu về xuôi ăn đường. Dạo ấy tầu Lạng Sơn-Hà Nội chạy mất cả ngày. Đến trưa chúng tôi giở ra ăn thấy có cả gói muối vừng… Sau chuyến đi ấy, ngoài những bài phát trên đài, tôi đã viết cho báo Nhân Dân số ra ngày 28/12/1977 ở mục “ Hình ảnh nông thôn mới”, bài “Đồng rau Khỏn Thác” có ảnh kèm theo.
Chỉ hơn sau 2 năm công tác ở Đài TNVN, tôi đã nhận được sự đánh giá tốt của lãnh đạo Đài. Một hôm, trưởng phòng biên tập chương trình “Trên miền Bắc XHCN” bảo tôi: cậu mới về Đài mà đã được TBT Trần Lâm khen bài viết trong một cuộc giao ban. Ít khi ông Lâm khen cụ thể một bài viết. Tôi sẽ đề bạt cậu lên phó phòng và chắc chắn lãnh đạo sẽ ủng hộ. Nghe xong ý kiến của ông trưởng phòng tôi đã bỏ đi chơi suốt một tuần. Nghe Đào Cảng đọc thơ, nghe Vân Long tán hươu tán vượn trên đất Cảng! Khi về cơ quan, trưởng phòng của tôi là anh VB, người rất hám quyền lực đã lắc đầu nói: Ông vô kỷ luật quá, không làm lãnh đạo được!
Sở dĩ tôi cố tình bỏ đi chơi một tuần lễ như thế để gián tiếp nói với ông trưởng phòng là tôi không hám gì chức vụ, đừng bao giờ đặt vấn đề đó với tôi – một người chỉ thích cầm bút. Đây cũng chính là vấn đề then chốt của báo chí, của văn học. Nó chứng tỏ rằng ở Việt Nam và nhiều nước XHCN khác, không có báo chí, văn học đích thực. Ở các nước có tự do báo chí, tờ báo, đài phát thanh, truyền hình do tư nhân quản lý. Tổng biên tập, chủ báo cần bán được báo, cần người xem đài, nghe đài để có nhiều quảng cáo… nên người ta cần các ký giả, các cây bút có tiếng tăm, “sản xuất” ra nhiều bài vở hay, chương trình hay cho họ. Các nhà báo nổi tiếng như Burchett hay Jean Lacouture… suốt đời làm phóng viên. Burchett từng có mặt ở Hirosima khi Mỹ ném bom nguyên tử, từng đến vùng giải phóng ở miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Jean Lacouture làm phóng viên cho tờ nhật báo “Combat” do văn hào từng đoạt giải Nobel Albert Camus làm chủ bút và ông từng làm phóng viên cho tờ báo nổi tiếng “Le Monde”. Khi cuộc xung đột ở kênh đào Suez nổ ra, ông làm phóng viên thường trú cho báo “France Soir” tại Ai Cập (1953-1956). Về Pháp ông làm bình luận viên, phóng viên cao cấp cho tờ tuần báo “ Le Nouvel Observateur”… Ông được xem là nhà sử học lớn, chuyên viết tiểu sử các danh nhân (trong đó có cuốn về Hồ Chí Minh, xuất bản 1967). Ông là tác giả của trên 60 đầu sách có danh mục các tác phẩm của mình trên các mạng điện tử.
Cả Burchett và Jean Lacouture chưa bao giờ làm phó phòng hay trưởng phòng biên tập như ở nước ta cả. Ở nước ta báo chí chỉ có một thang bậc giá trị là chức vụ hành chính. Và thực chất, các nhà báo của chúng ta là những ông công chức trong cơ quan nhà nước. Họ chỉ có thể tiến thân bằng con đường quan chức báo chí. Vì thế, có thể nói nước ta chưa có báo chí, chưa có “nhà báo” đúng nghĩa vì chỉ có báo quốc doanh. Thậm chí, có nơi chẳng “doanh” gì cả. Họ lấy tiền công quỹ ra để in báo rồi biếu không cũng chẳng ai đọc. Một phóng viên dù tài giỏi đến đâu nếu không có một chức sắc gì trong cơ quan, thì cũng chỉ là nhân viên hạng… chót! Tôi còn nhớ, năm 1998 tôi được giải B (không có giải A) của giải báo chí toàn quốc. Tôi được huy chương vàng trong liên hoan phát thanh toàn quốc, được cơ quan thường trú tại TP HCM cử ra Hà Nội nhận giải. Khi đi, ông cán bộ trưởng phòng cùng đi thì được cơ quan mua vé cho đi máy bay. Còn tôi, nhân vật chính trong đoàn đi nhận giải phải đi xe lửa… vì không có tiêu chuẩn đi công tác bằng máy bay (tôi chỉ là anh phóng viên, không phải là cán bộ cấp phòng (!). Mặc dù sống trong một cơ chế đầy rẫy sự vô lý và bất công, biết vậy nhưng tôi vẫn muốn làm phóng viên suốt đời, vì tôi thích đi và thích viết. Tôi cũng thừa hiểu, là anh cán bộ quèn thì “khổ” suốt đời (như phải đi xe lửa suốt đời). Nhưng điều băn khoăn nhất của tôi là báo chí nước ta không thể có những Burchett, những Lacouture được, vì ở cơ quan báo chí của ta, chỉ có một thang bậc giá trị là cấp bậc hành chính, chức vụ. Nói rộng sang lĩnh vực khác như ngành Y chẳng hạn, cũng khốn nạn không kém. Một vị bác sỹ giỏi có khi phải rời phòng mổ, rời phòng khám để… phấn đấu làm chủ nhiệm khoa, làm phó giám đốc, rồi giám đốc bệnh viện thì mới “khá” được! Có một chuyện đáng buồn như thế này, khi chiến sự ở Irak nổ ra một tờ báo ở TP HCM năng nổ cử phóng viên thạo tiếng Anh đi Irak viết tin, bài… thì lập tức bị cấp trên phê phán là chưa báo cáo xin phép!
Những năm về sau này, mỗi khi diễn ra đại hội nhà báo thì nhìn vào thành phần tham dự là 100% tổng biên tập các báo, các đài phát thanh và truyền hình TW và địa phương, không hề có một phóng viên, một nhà báo có tên tuổi nào, một cây bút được giải báo chí nào được cử đi dự đại hội. Các vị TBT súng sính comple, caravat đi Hà Nội dự đại hội. Độc giả, thính giả trên cả nước chẳng hề biết họ là ai, chẳng nghe thấy tên tuổi họ trên các bài báo, các chương trình phát thanh truyền hình nào. Đến nỗi, báo Tuổi Trẻ ở TP HCM có lần phải viết bài chỉ trích là đại hội các tổng biên tập, không phải đại hội nhà báo!
Đầu năm 1978 tôi được điều động sang Đài truyền hình TW (truyền hình Việt Nam sau này) ở Giảng Võ. Truyền hình nước ta được làm thí điểm, phát sóng từ Đài TNVN trước 1975 sau tách thành một đài riêng lấy tên là Đài truyền hình TW. Ủy ban phát thanh và truyền hình VN được thành lập bao gồm 2 Đài, phát thanh và truyền hình do ông Trần Lâm làm chủ nhiệm. Đa số cán bộ phóng viên của truyền hình TW là của Đài TNVN điều động sang. Tôi và một số đồng nghiệp được đưa sang truyền hình TW để “tăng cường” chất lượng cho truyền hình. Thật là khôi hài, không được học hành một ngày nào về nghiệp vụ truyền hình vậy mà lại được đưa sang đó để “tăng cường”. Sau buổi tiếp xúc đầu tiên, phó TBT Đài truyền hình TW là Nguyễn Văn Hán, một con người từng trải, nhiều mưu lược được mệnh danh là “Hán Cao Tổ” tuyên bố với chúng tôi: các cậu là những thằng không biết bơi, nhưng tớ cứ đạp các cậu xuống sông, bơi kiểu gì cũng được, miễn là sang được bờ bên kia, thằng nào không bơi được thì… chết đuối!
Chúng tôi, trong đó có nhà báo Trường Phước, một phóng viên truyền hình rất nổi tiếng sau này, đã bước vào lãnh vực truyền hình bằng những lời giáo huấn đầy chất humour của “Hán Cao Tổ” như thế. Xét cho cùng thì, như nhà báo Phan Quang đã viết: “… Đến thời đại tin học, thông tin bùng nổ, báo chí ngày càng đa dạng, vậy mà cho đến ngày hôm nay chưa một loại hình truyền thông nào dám tuyệt đối không sử dụng đến ngôn từ”. (Tầm nhìn. NXB Lao Động, 2013. Tr 98). Đó là một nhận xét rất căn cơ. Làm báo viết cũng như làm báo nói – phát thanh – cái cốt lõi vẫn là nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Truyền hình là hình ảnh động, nhưng muốn có một tác phẩm truyền hình chất lượng thì phóng viên vẫn phải sử dụng đến ngôn từ trong khi viết kịch bản và vẫn rất cần đến lời (ngôn từ) thuyết minh cho hình ảnh một cách khúc triết, sáng sủa, đanh thép, sinh động. Đó là gì, nếu không phải là nghệ thuật của ngôn từ. Những phóng viên “cứng tay”trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ phát thanh sẽ mau chóng biết làm truyền hình. Nếu để ý, người ta sẽ thấy hai phóng viên truyền hình nổi tiếng ở miền Bắc là Trường Phước và ở miền Nam là chị Minh Thu Đài Truyền hình TP HCM đều rất thành công cho các chương trình truyền hình của mình, dù là phim tài liệu hay phóng sự… Khi tôi rời Đài THTW, vô Nam làm ở Đài phát thanh tỉnh Tiền Giang, rồi lại trở về Đài TNVN ở cơ quan thường trú tại TP HCM, tôi thường được các phóng viên Đài THVN “thuê” viết lời thuyết minh cho các chương trình truyền hình họ vừa dàn dựng xong phần hình ảnh. Tôi hỏi nữ phóng viên quay phim gạo cội Bạch Vân của cơ quan thường trú Đài THVN tại Tp HCM: vì sao các vị đi quay về, dàn dựng xong, nắm vấn đề từ khi viết kịch bản, chỉ còn khâu cuối cùng là thuyết minh lại phải kêu tôi làm…? Chị trả lời: viết thuyết minh là khâu chúng tôi ngại nhất! Rõ ràng là động tới ngôn từ. Lời thuyết minh phải ăn nhập với hình ảnh truyền hình, ngắn gọn và dễ hiều, nâng chất lượng thông tin của hình ảnh lên, làm nổi bật chủ đề của kịch bản. Người Pháp có câu ngạn ngữ: “Không gì khó bằng viết cho dễ hiểu” là vậy. (Rien n’est plus difficile que d’ecrire facille).
Khi giảng dậy ở trường trung học phát thanh truyền hình trực thuộc Đài TNVN tại TP HCM tôi đã đưa ra câu hõi như sau: cho các em xem một bản tin truyền hình, nhưng chỉ được xem hình mà không được nghe phát tiếng hoặc không cho xem hình (che màn hình lại) chỉ cho nghe tiếng… rồi các em phải cho biết nội dung của bản tin truyền hình đó, các em chọn hình thức nào? Tất cả đều chọn không xem hình mà được nghe tiếng. Rõ ràng ngôn từ có một vai trò đặc biệt trong các loại hình thông tin đại chúng, cho dù đó là loại hình lấy hình ảnh làm ngôn ngữ chính như truyền hình.
Các cụ ta xưa kia dậy: “Học thầy không tầy học bạn”. Tôi đã chọn cách “học bạn” để làm truyền hình. Tôi đi theo đạo diễn kiêm biên tập viên Trần Cương để học nghề. Trần Cương học hành bài bản về báo chí từ Liên Xô về, anh rất giỏi tiếng Nga. Tôi đi theo Trần Cương từ lúc anh đi thu thập tài liệu để viết kịch bản rồi đọc kịch bản anh viết, rồi theo ê kíp làm phim của anh (thường là ba người: biên tập viên viết kịch bản/BTV, đạo diễn và quay phim) cho đến khi quay ở hiện trường xong, lại theo anh vào phòng dựng phim để làm hậu kỳ. Khi phim được dựng xong, xem cách các anh lồng nhạc và đọc kỹ lời thuyết minh cho phim do BTV viết. Theo từ đầu đến cuối một chu kỳ làm phim cho đến khi chương trình được duyệt và phát sóng, tôi đã nắm được cách làm phim truyền hình. Có thể tự độc lập làm một chương trình cho mình. Cái khó nhất vẫn là tìm kiếm được đề tài, chủ đề hay “ăn khách” cho một tiết mục truyền hình để thực hiện. Riêng khâu viết kịch bản là cả một vấn đề được trao đổi, tranh cãi. Kịch bản cho một phim truyền hình chỉ là một đề cương hay một phân cảnh cụ thể, chi tiết? Rất nhiều ý kiến khác nhau. Riêng “Hán Cao Tổ” thì lại phán một câu xanh rờn: chúng mày muốn viết cái gì thì viết nhưng đừng gọi nó là “kịch bản” để đưa tao duyệt! Làm riết rồi chúng tôi rút ra một kết luận: phải ăn ý nhau trong một ê kíp làm phim. Ý đồ của BTV phải được cả nhóm (đạo diễn và quay phim) hiểu và thực hiện một cách sáng tạo. Tác phẩm truyền hình bao gờ cũng là một sản phẩm của tập thể, mang tính tập thể. Sau này, có tác giả viết kịch bản rồi tự đạo diễn rồi cầm máy quay luôn. Đó là trường hợp hiếm. Tôi đã xa truyền hình ba chục năm nay, không biết hiện nay các đồng nghiệp của mình tác nghiệp ra sao, nhưng cái thời tôi làm truyền hình thì như thế. Thời đó chưa có camera quay băng nhựa video, chưa có kỹ thuật số, phải quay bằng phim nhựa 16 ly. Có chương trình quay cả tháng trời mới xong, đến khi đem phim nhựa về in tráng thì cả đêm, cả nhóm làm phim không ai ngủ được. Mong đến sáng để đến Đài xem kết quả tráng phim thế nào. Đi quay phim việc đầu tiên trước khi về cơ quan là lo mua quà cho chị em ở bộ phận tráng phim. Chỉ sợ chị em “mất lòng”, pha thuốc hiện hình không cẩn thận rồi đổ lỗi cho quay phim thiếu sáng, thừa sáng là… đi đứt cả tháng trời lao động!
Với cái lý lịch từng là thầy giáo 9 năm, khi sang làm việc ở Đài truyền hình tôi được phân công về Ban khoa giáo, để làm phim về các đề tài giáo dục và khoa học. Tôi chọn một đề tài khá hấp dẫn là làm một phim khoa học có tên là: “Con rắn hổ mang”. Do quen biết với Ph.D Trần Kiên, chủ nhiệm khoa Sinh học trường ĐHSP HN. Tôi chọn một đề tài làm phim khoa học từ bản báo cáo khoa học của Trần Kiên: “Nghiên cứu sinh học rắn hổ mang để chăn nuôi lấy nọc làm thuốc và xuất khẩu”. Đây là một đề tài khoa học lý thú vì từ xưa đến nay, con người ác cảm với con rắn, đặc biệt là rắn độc. Ca dao ta có câu: “Rắn đến nhà không đánh cũng quoái, gái đến nhà không chơi cũng kỳ!”. Trần Kiên đã nói với tôi một câu rất hình ảnh và sâu sắc: con người thật sai lầm khi gọi kẻ thù nguy hiểm nhất của mình là rắn độc. Con rắn chỉ độc khi người ta không biết gì về nó, không tranh thủ được gì ở nó mà thôi. Chúng ta phải thay đổi tư duy về loài rắn.
Đọc bản báo cáo khoa học của Trần Kiên tôi mới vỡ lẽ ra rằng, mỗi con rắn độc một khác. Rắn lục độc vào máu. Rắn hổ mang độc vào hệ thần kinh. Khi bị rắn hổ mang cắn, chỉ sau vài phút nạn nhân bị nhiễm độc vào hệ thần kinh đau quằn quại và chết. Chỉ cần một gam nọc độc của rắn hổ đủ làm chết 1000 con thỏ nặng 2000 kg, một số ngựa nặng 20.000kg, 160 người trung bình mỗi người nặng 60kg. Vì thế hổ mang được xem là vua của các loài rắn độc. Hai cái túi không khí ở hai bên cổ của nó bành ra làm tăng thêm vẻ hung tợn khi cần áp đảo đối phương. Người ta thống kê ở Úc từ năm 1910 đến 1926 có 195 người chết vì rắn độc. Ở Ấn Độ con số này còn lớn hơn nhiều.
Ngày nay Y học hiện đại đã dựa vào tính độc thần kinh của rắn hổ để chế thuốc giảm đau trong bệnh ung thư, viêm khớp, đau thắt lồng ngực. Gần đây người ta còn tách từ nọc rắn hổ một chất có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Nọc rắn hổ trở thành một dược liệu quý có giá trị xuất khẩu cao. Giá rắn hổ sống trên thị trường quốc tế là 16 usd 1kg và 1 gram nọc rắn tương đương 23 gram vàng.
Rắn hổ ở nước ta nhiều hơn ở bất kỳ một nước nào trên thế giới vì thế anh Trần Kiên đã chọn đề tài nghiên cứu để bảo tồn loại sinh vật quý này, cảnh báo xu hướng săn bắt bừa bãi có nguy cơ làm diệt chủng loài hổ mang. Từ khi tốt nghiệp về nước, Trần Kiên đã hơn 20 năm cùng học trò của mình tìm kiếm, đào bới hang ổ, nghiên cứu con rắn từ hình thức nuôi tại nhà đến phẫu thuật trong phòng thí nghiệm để phân tích máu. Bản báo cáo của anh đã chỉ rõ những quy luật sống,tập tính tập quán của loài rắn hổ và đề xuất một phương pháp chăn nuôi con vật hoang dã này. Từ công trình nghiên cứu của Trần Kiên một loạt xí nghiệp dược phẩm ở Hà Sơn Bình, Quảng Nam Đà Nẵng, ở xã Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Lạc tỉnh Vĩnh Phú đã ra đời.
Theo kịch bản của tôi, tốp làm phim của Ban khoa giáo Đài đã theo chân Trần Kiên từ Hà Sơn Bình vào xứ Quảng quay các cảnh đào bới, chăn nuôi, lấy nọc… và cả những điệu múa rắn nghê thường của các cô y tá ở trại rắn của xí nghiệp dược Quảng Nam với bầy rắn hổ mang… bành cổ khiêu vũ!!! Có lần chúng tôi phải nằm chờ cả tuần ở xã Vinh Sơn để quay cảnh con rắn hổ mới nở, chui từ trong trứng ra. Nó chỉ bé bằng que đũa mà đã bạnh cổ phun phì phì! Có cả cảnh quay trong phòng ngủ của Trần Kiên, thức dậy việc đầu tiên là anh quờ trong gầm giường để nâng niu con rắn hổ lên. Anh tuyên bố: nó hiền như đất… nếu ta không tấn công nó. Năm 1986, bản luận án về rắn hổ mang ở đồng bằng Bắc Bộ của anh được công nhận loại ưu ở Mátxcơva. Một GS Mỹ trong hội đồng chấm đã cho rằng, nghiên cứu loài bò sát thì nhiều, nhưng riêng con rắn hổ (cobra) hung dữ thì phải cấp thêm một bằng tiến sỹ nữa về lòng dũng cảm cho Trần Kiên.
Sau phim đầu tay “Con rắn hổ mang” khá thành công, tôi viết kịch bản phim tài liệu “Nghề nuôi cá ở nước ta”. Lúc đó đang có phong trào “Ao cá Bác Hồ” rất rầm rộ. Nghề nuôi cá phát triển mạnh sau khi những loài cá mới ở miền Nam như cá rô phi được chuyển cá giống ra Bắc, cá bột mè giống được chuyển vô Nam bằng máy bay vận tải DC. Tôi đã được Bộ Thủy sản mời đi những chuyến chuyển cá giống vào Nam ra Bắc bằng những chuyến bay như thế. Máy bay cánh quạt DC bay 4h đồng hồ từ Gia lâm mới vô đến Tân Sơn Nhất. Rất vất vả vì phải ngồi chung với những bao ny lông bơm ô xy trở cá giống, ướt át, tanh tưởi. Để thực hiện được phim tài liệu 20 phút này, chúng tôi phải quay được các hình thức nuôi cá. Từ cách nuôi cá hồ chứa ở miền núi phía Bắc, nuôi trong ao hồ ở các HTX đồng bằng Bắc Bộ và cả hình ảnh nuôi cá bè ở Châu Đốc-An Giang..vv… Khi phát sóng, lần đầu tiên khán giả miền Bắc được thấy hình ảnh nuôi cá bè ở miền Nam trên sông Hậu rất hấp dẫn. Minh Đại, phóng viên quay phim của ê kíp chúng tôi đã reo lên khi anh quay cận cảnh hàng trăm con cá nhao lên đớp mồi khi các chủ bè cá cho chúng ăn… Cũng trong chuyến đi này, chúng tôi được sang thăm cù lao Mỹ Hòa Hưng, quê hương Bác Tôn và quay được những thước phim tư liệu giá trị. Khi Bác Tôn qua đời, Đài truyền hình TW có ngay được những thước phim về quê hương của ông do chúng tôi cung cấp để phát sóng vào chương trình thời sự ngày đưa tiễn Bác.
Khi phát sóng phim “Nghề nuôi cá ở nước ta”, có một chuyện đáng nhớ với một người làm báo như tôi. Và, có lẽ cả cho các đồng nghiệp của tôi nữa. Đó là, trước giờ phát sóng chừng vài tiếng, bỗng Tổng biên tập Đài là anh Lý Văn Sáu kêu tôi lên hỏi: con cá tra viết “ch” hay “tr” ? Tôi hoảng quá, vì lúc đi làm phim, lúc viết kịch bản tôi không để ý đến chi tiết “nhỏ” này! Lần đầu tiên đồng bào miền Bắc biết đến con cá tra ở Nam Bộ. Phát âm “cá tra” như thế nào? (ch hay tr không ai biết cả). Kể cả Tổng biên tập Lý Văn Sáu người Nghệ Tĩnh cũng không biết. Anh Sáu là một nhà báo dầy dạn kinh nghiệm, từng đi học báo chí bài bản ở Liên Xô. Anh thông thạo nhiều ngoại ngữ, nói được tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha. Nghe nói khi anh là phát ngôn viên cho đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam ở hội nghị Paris, khi họp báo anh nói mạch lạc, từ tốn, dễ nghe, dễ hiểu những vấn đề phức tạp nhất nên các nhà báo phương tây rất thích. Anh bảo tôi: phải xác minh được từ “tra” có uốn lưỡi hay không uốn lưỡi để phát thanh viên phát âm cho chuẩn. Anh còn nhấn mạnh: cậu nhớ là Đài ta là Đài THTW cơ mà. Trung ương phải làm gương cho các Đài địa phương phát âm cho đúng từ ngữ tiếng Việt. Tôi xin phép anh Sáu 1h để đi xác minh từ “cá tra”. Anh Sáu lại nói: nếu 1h cậu không trả lời được, tôi sẽ cho thay chương trình khác. Nghe vậy, tôi lo cuống cuồng vì đã chót khoe khoang và báo cho nhiều người biết giờ phát sóng chương trình, kể cả báo cho trứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Tấn Trịnh biết để xem, vậy mà chương trình bị cắt thì… còn mặt mũi nào! Tôi chạy băng qua ruộng rau muống rất rộng để đi tắt sang Bộ Thủy sản ở ngay khu Giảng Võ, sau lưng Đài Truyền hình. Nếu đi cổng chính thì xa hàng km vì “gần nhà xa ngõ”. Nhớ lại, lúc đó tôi quần áo lấm lem đứng bên hàng rào gọi vọng vô trong tên anh Ánh, vụ trưởng vụ nuôi cá của Bộ. Phòng anh Ánh ở ngay cạnh hàng rào nên anh ra ngay. Anh mời tôi trèo qua hàng rào vô nhà anh uống trà. Thường ngày thì thôi hưởng ứng ngay nhưng hôm nay tôi không còn bụng dạ nào để trà lá nữa. Tôi chỉ hỏi anh về cách viết từ “cá tra” dùng “ch” hay “tr”. Anh cười và bảo: có thế mà cũng phải hỏi, viết “tr” nhà báo ạ. Nghe xong tôi mừng rơn, không kịp chào anh, cứ thế cắm đầu chạy về Đài (chắc là anh Ánh lúc đó cứ tưởng tôi bị lên cơn thần kinh!). Vẫn quần áo lấm lem vì bùn, tôi lên gặp ông Sáu để báo cáo cách phát âm cho con cá là “tr”. Ông Sáu nhìn tôi cười tươi!
Khỏi phải bình luận nhiều. Người làm báo phải có tinh thần trách nhiệm trước cộng đồng dân tộc trong sự “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Đó là câu chuyện của “ngôn từ” như nhà báo Phan Quang đã viết. Các nhà báo thế hệ trước tôi, các anh đã nêu một tấm gương sáng về sự nghiêm túc của nghề cầm bút. Tôi không “thù” gì anh Sáu cả, trái lại mỗi lần đi qua một hồ nuôi cá tra, được xem là mặt hàng thủy sản xuất khẩu quan trọng sau lúa gạo ở Nam Bộ ngày nay, tôi lại bất giác nhớ đến Tổng biên tập Lý Văn Sáu (giờ này ông đang ở đâu?)
Sau phim tài liệu nghề nuôi cá, tôi viết kịch bản “Cây hồi Lạng Sơn”. Với truyền hình – hình ảnh động – thì làm phim về động vật dễ hơn làm phim về thế giới thực vật (vì khó tạo nên hình ảnh sinh động như con rắn hổ mang múa, con cá quẫy từng đàn). Vì thế, kịch bản phải chuẩn bị kỹ về nội dung khoa học và cảnh quay phải đa dạng phong phú. Chúng tôi phải thuê xe com-măng-ca của Đoàn 12 để đi dài ngày. Để quay được toàn cảnh rừng hồi Lạng Sơn, trời rét như cắt ruột, chúng tôi phải vác máy leo lên tận đỉnh của những quả núi cao. Khi bắt đầu leo núi thì rét run, nhưng khi leo lên đến đỉnh thì phải cởi bớt quần áo ấm vì mồ hôi vã ra như tắm. Nhưng ngồi đợi suốt cả ngày vẫn không quay được thước phim nào vì trời âm u không đủ sáng. Quay phim nhựa là như thế. Cứ thế, mấy ngày trời leo núi mới quay được một cảnh vài giây. Vì vậy khi đi đường số 4 sang Cao Bằng để phỏng vấn ghi hình lãnh đạo tỉnh Cao Lạng về chương trình phát triển rừng hồi thì đồng chí chủ tịch tỉnh nói ngay: mấy ngày các anh leo lên núi quay phim, bộ đội biên phòng đều theo dõi và báo cáo chúng tôi, biết các anh vất vả lắm!
Xin mở ngoặc nói thêm, khi 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng sát nhập thành tỉnh Cao Lạng theo ý đồ của TBT Lê Duẩn thì dân tình khốn khổ vô cùng. Thủ phủ của tỉnh mới Cao Lạng đóng ở Cao Bằng nên người dân muốn xin giấy tờ phải đi đường núi số 4 cheo leo vực sâu, vách đá từ Lạng Sơn sang Cao Bằng và phải ngủ lại vì không thể về ngay trong ngày. Thằng thực dân Pháp đểu cáng là thế, nhưng chúng có khoa học cai trị. Các tỉnh lỵ trên toàn cõi Đông Dương chỉ cách nhau 60 km. Người dân ở nơi giáp ranh có đi xin giấy tờ cũng chỉ phải đi 30 km là cùng và có thể về trong ngày. Cả nước Việt nam chúng ta, dưới thời thực dân Pháp, chỉ có 2 tỉnh lỵ là Mỹ Tho và Bến Tre là cách nhau hơn 10 km vì cách con sông Tiền rộng lớn. Nay có cầu Rạch Miễu rồi thì 2 trung tâm Mỹ Tho và Bến Tre chỉ nửa tiếng xe máy là có thể gặp nhau. Về phương diện địa lý, thổ nhưỡng, tập quán canh tác… người Tây khi lập tỉnh họ cũng tính kỹ. Tỉnh Gò Công là vùng nhiễm mặn, tỉnh Mỹ Tho là vùng nước ngọt. Hệ canh tác của 2 vùng này khác nhau. Khi vô cớ sát nhập 2 tỉnh này thành tỉnh Tiền Giang thì mỗi lần tỉnh họp để chỉ đạo canh tác, cán bộ tỉnh Mỹ Tho cũ phải nghe cả phần chỉ đạo về vùng mặn Gò Công. Cuối cùng phải triệu tập 2 cuộc họp khác nhau để chỉ đạo hai vùng mặn – ngọt khác nhau…
Có xe hơi mà chúng tôi đi từ Lạng Sơn sang Cao Bằng để gặp lãnh đạo Cao Lạng phải toát mồ hôi hột thì nhân dân, cán bộ trong tỉnh miền núi này đi lại vất vả biết nhường nào. Chỉ sau một giấc ngủ, các nhà lãnh đạo trong thể chế toàn trị độc tài hứng chí lên là có thể sát nhập các tỉnh trong cả nước một cách vô lối và điên rồ như thế. Sau đó thấy tai hại quá lại chia tỉnh về như cũ, như thời Tây đã làm. Tốn kém nhân dân chịu!
Về chuyện đi từ Lạng Sơn sang Cao Bằng, ba anh em trong ê kíp làm phim chúng tôi đã quyết định đi từ sớm, nhưng cậu lái xe của đoàn 12 mà chúng tôi đã thuê lại bảo để đến tối mới đi. Trời đất thiên địa ơi, đi cả trăm cây số đường núi vòng vèo cheo leo vách đá vực sâu mà ban ngày ban mặt lại không đi, phải đợi đến tối mới đi thì ra làm sao? Chúng tôi vặn hỏi cậu lái xe, cậu ta bảo: các anh là nhà báo thì biết gì, lái xe là việc của em để em lo, khi nào đi thì em sẽ nói. Giục mãi, xế chiều cậu ta mới cho xe lăn bánh. Đi được vài chục cây số thì một chiếc xe tải chở gỗ lao ầm ầm vào chúng tôi khiến xe phải nép sát vào vách đá. Tài xế cho xe đỗ lại và chờ đến tối mịt mới đi. Cậu ta giải thích cho lũ chúng tôi – “các nhà báo thì biết gì” – rằng: ở trên này, các lái xe người dân tộc đi chở gỗ cho lâm trường, uống rượu xong rồi lên ca bin cầm vô lăng chạy như bay. Xe của họ chở gỗ nặng lấn đường của xe con, hất xe bọn chúng em xuống vực là chuyện thường. Tai nạn xảy ra thường xuyên, bị hất xuống vực là chuyện cơm bữa. Người miền xuôi không ai chịu lên lái xe ở đây cả, nên lâm trường vẫn phải mượn người dân tộc lái vì thế cánh lái xe con chúng em phải đợi ban đêm mới dám đi đường này, khi các xe tải lâm trường nghỉ hết đã mới dám đi. Thì ra là vậy.
Xe chúng tôi bật đèn sáng quắc, dò dẫm đi trên con đường quanh co vòng vèo, có chỗ vừa đi qua lại như vòng lại chỗ cũ vì đường phải men theo các triền núi. Từ ánh đèn của xe, trong đêm tối chúng tôi nhìn thấy nhiều biển chỉ dẫn có dấu chấm than (!), cậu tài xế giải thích đó là những chỗ rất nguy hiểm. Đá từ trên núi có thể lăn xuống bất kỳ lúc nào. Khi xe vào một hang đá, cậu lái xe nhá còi thì một tiếng vang như sét đánh ngang tai làm chúng tôi giật bắn. Cậu ta cười rồi nói, đó là tiếng dội lại của vách đá. Có điều lạ là, tiếng vọng ấy vang lên đủ ba lần mới thôi. Cậu lại cho biết, chỉ có núi đá ở đây mới có tiếng vọng ba lần như thế.
Đi suốt đêm, gần sáng chúng tôi mới đến được thị xã Cao Bằng còn đầm đìa trong sương đêm. Chúng tôi phải ngủ gục trên xe chờ đến giờ hành chính mới vào UBND tỉnh xin làm việc. Chánh văn phòng UBND tỉnh tiếp chúng tôi rất niềm nở. Tôi nhìn thấy trên bàn của ông có tờ tạp chí “Thời mới” của Liên Xô bằng tiếng Pháp. Tôi cầm lên khen: đồng chí chánh văn phòng đọc được “Temps Nouveaux” thì giỏi quá rồi. Ông kể với tôi, xưa kia nhà cũng khá giả nên được gia đình cho về Hà Nội học trường Bưởi cạnh Hồ Tây. Tôi nói: vậy là đồng chí cũng học một trường với bố tôi rồi. Chúng tôi trở nên thân mật và chính ông đã bố trí lịch để chúng tôi được gặp, ghi hình, cảnh (dựng lại) Ban thường vụ tỉnh ủy Cao Lạng họp để bàn về việc duy trì và phát triển rừng hồi ở Lạng Sơn. Cũng chính ông là người đã lục lại văn bản từ thời Pháp về quyết định trồng cây hồi ở Lạng Sơn để chúng tôi ghi hình. Nếu hình ảnh con rắn hổ mang bành cổ múa điệu nghê thường với cô y tá mặc blu trắng, đàn cá basa hàng trăm con lao lên đớp mồi ở bè cá Châu Đốc… làm nên sự sinh động hấp dẫn cho phim truyền hình thì những văn bản được giới thiệu trên màn ảnh nhỏ về cây hồi Lạng Sơn tăng thêm chất lượng thông tin cho phim tài liệu mà chúng tôi đã làm.
Trước khi về, tôi thấy cậu lái xe Đoàn 12 vay được 100 lit xăng của văn phòng ủy ban tỉnh Cao Lạng một cách ngon ơ. Tôi hỏi cậu ta: xa xôi thế này biết đến bao giờ Đoàn 12 các cậu trả được xăng cho người ta? Cậu giải thích: cán bộ các tỉnh miền núi về Hà Nội họp phải chở theo xăng trên xe, có lần do đường xóc, phi xăng đã nổ tung, gây tai nạn chết người. Vì thế họ đã nghĩ ra cách khi về Hà Nội thì vay xăng của chúng tôi để đi, khi nào chúng tôi chở khách thuê lên làm việc ở trên này thì họ trả lại. Lợi cả đôi đường nên đã thành lệ như thế lâu rồi. Cậu còn phán: “Các anh nhà báo thì biết gì” mà hỏi về chuyện xăng dầu!!
Kết thúc công việc, cậu lái xe về Hà Nội bằng đường Thái Nguyên cho gần hơn. Chúng tôi mừng rơn vì không phải quay lại đường 4, phải đi đêm. Nhưng có một sự việc làm chúng tôi nhớ đời: vừa dời thị xã Cao Bằng được chục cây số thì thấy một cảnh rợn người. Một chiếc xe tải bị lật xuống ruộng, bốn bánh chổng lên trời. Tài xế và lơ xe mặt mày dính đầy dầu mỡ chỉ còn thấy 2 con mắt. Họ ngồi bên chiếc xe bị lật ngược như 2 pho tượng. Chúng tôi xuống xe và hỏi thăm nhưng không ai trả lời, rồi một người chỉ tay ra mé bờ ruộng. Tôi thất kinh thấy bốn cái xác chết xếp liền nhau. Mặt các nạn nhân được úp cái nón lên. Tôi lần lượt ra nhấc các nón lên thì được biết ba người phụ nữ, một đàn ông. Mặt mũi họ đều lành lặn không chút xây xước. Cả đoàn quay phim chúng tôi đứng cúi đầu 1 phút mặc niệm họ, sau đó tôi bảo Minh Đại quay toàn cảnh tai nạn này để làm tư liệu. Người tài xế thấy chúng tôi có thiện ý như vậy nên bây giờ anh mới kể: một chiếc xe tải chở gỗ chạy ngược chiều, lấn đường lao rất nhanh về phía xe của chúng tôi. Vì vội tránh dạt sang bên, nên bánh xe lọt khỏi mặt đường, xe lật ngược… Bốn người dân tộc đi nhờ xe họ ngồi trên các bao xi măng chất đầy thùng xe ở phía sau. Khi xe lật, cả bốn người bị xi măng đè lên. Lúc đó tài xế và lơ xe bị choáng ngất đi ít lâu. Khi tỉnh lại cả hai vác xi măng ra để cứu họ nhưng vì va đập mạnh và ngộp thở lâu nên đã tắt thở hết. Tôi hỏi: “Cái xe gây tai nạn đâu rồi?” Người tài xế không nhìn rõ mặt chỉ thấy 2 con mắt than phiền: tài xế gây tai nạn bỏ chạy rồi! Họ đã nhờ người đi đường chạy xe về phía thị xã Cao Bằng báo công an đến làm biên bản, nhưng công an chưa tới (!) Tới lúc này thì chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào vốn sống của cậu lái xe.
Chúng tôi đã chia tay các nạn nhân trong buổi sáng ảm đạm đó. Nhưng điều đau xót nhất với chúng tôi là khi phim tài liệu khoa giáo “Cây hồi Lạng Sơn” được phát sóng thì ngày 17/2 năm 1979 bọn Trung Quốc xâm lược tràn sang cướp phá, đã san bằng nhà máy tinh dầu hồi Lạng Sơn của ta nhập toàn bộ thiết bị hiện đại từ Pháp vừa mới xây dựng xong. Cái nhà máy xinh đẹp mà từ xa chúng tôi đã ngửi thấy hương hoa hồi thơm nức cả núi rừng khi đến ghi hình nó. Cả ngôi trường phổ thông cấp 3 Việt Bắc, ngôi trường trung học lâu đời nhất của chế độ Việt nam dân chủ cộng hòa vừa mới xây dựng xong, chờ năm học mới cũng bị san phẳng. Tôi đã chụp được hình ngôi trường này và viết một bài đăng trên báo “Người giáo viên nhân dân” số ra ngày 15/8/1978. Bài có ảnh minh họa ấy, tôi còn giữ đến hôm nay, vừa tròn 34 năm khi tôi viết những dòng hồi ký này (17/2/2013). Bài viết có tên là: Ngôi trường nhiều tuổi nhất và “mới” nhất.
Ngôi trường như tôi viết trong bài: Tên trường do Bác Hồ đặt cho trong lễ khai giảng năm học 1946-1947 tại Kéo Kong. Đó là trường cấp 3 đầu tiên của nước Việt nam mới. Hồi đó trường nhận học sinh của 6 tỉnh chiến khu Cao,Bắc, Lạng, Hà, Tuyên, Thái và cả Quảng Ninh, Hải Phòng. Trong kháng chiến chống Pháp, trường dời Kéo Kong đi Bắc Sơn… Rồi kháng chiến chống Mỹ lại dời đi Cao Lộc… Năm 1973 về lại thị xã Lạng Sơn. Yêu mến ngôi trường đầu tiên do Bác Hồ đặt tên, nhân dân thị xã Lạng Sơn đã cử cán bộ đi nhiều nơi để nghiên cứu mẫu trường đẹp. Đoàn đã chọn trường cấp 3 Hồng Quang thị xã Hải Dương. UBND tỉnh Hải Hưng đã cử một đoàn cán bộ xây dựng gồm 45 người lên giúp thị xã Lạng Sơn xây trường. Năm học 1978-1979 này học sinh các dân tộc thị xã Lạng Sơn sẽ chính thức làm lễ khai giảng ngôi trường to và đẹp, vừa được xây dựng xong.
Vậy mà, sau ngày 17/2/1979 ngôi trường vừa xây xong còn thơm mùi vôi vữa đã bị quân Tầu san phẳng. Có lẽ đây là bài viết mang kỷ niệm buồn nhất trong đời làm báo của tôi. Ít lâu sau ngày 17/2 quân Trung Quốc thua trận rút khỏi các tỉnh vùng núi phái Bắc của ta, “sếp” Hán đưa tôi một truyện ngắn mang tên “Người con gái bản Nà Lầu” của nhà văn Hoàng Quốc Hải đăng trên báo Văn Nghệ Hội nhà văn, ông bảo tôi: mày chuyển thể cái truyện ngắn này sang kịch truyện hình để dựng. Tôi đọc kỹ và thấy đây là một truyện ngắn hay, mang tính nhân văn sâu sắc. Câu chuyện về bi kịch của một cặp vợ chồng trẻ, vợ người dân tộc, chồng là người gốc Hoa sống ở một làng biên giới 2 nước Việt-Trung. Cặp vợ chồng này trở thành nạn nhân rất bi thương khi hai nhà nước có chiến tranh với nhau. Đầu năm 1979, Đài THTW nhập thiết bị truyền hình mầu đầu tiên và làm thử chương trình mầu. Lúc này Ban khoa giáo Đài truyền hình đã được “sếp” Hán tổ chức thành Trung tâm nghe nhìn trực thuộc Đài, chuyên sản xuất các chương trình văn hóa – xã hội – văn nghệ cho Đài. Chính nó là tiền thân của VTV3 sau này. Vở kịch “Người con gái bản Nà Lầu” được trung tâm nghe nhìn sản xuất. Đây là một trong những chương trình mầu đầu tiên của Đài. Khi ghi hình vở kịch này trong trường quay, các chuyên gia kỹ thuật truyền hình mầu CHDC Đức – nước giúp ta thiết bị này – cũng có mặt. Vở kịch diễn ra khá sinh động. Đạo diễn Trần Đức, sắm vai tên sỹ quan Trung Quốc xâm lược rút súng bắn đoàng đoàng trên sân khấu… Một vị chuyên gia hỏi “sếp” Hán, ai là tác giả kịch bản này? “Sếp” Hán trỏ tay vào tôi, gã đàn ông gầy còm ốm yếu chưa đến 40 tuổi đang đứng ở một góc trường quay. Vị chuyên gia lại gần, bắt tay tôi, rồi nói (qua phiên dịch): ở đất nước chúng tôi, viết kịch cho Đài truyền hình quốc gia phải là những nhà văn nổi tiếng và đã lớn tuổi. Tôi giải thích: tôi chỉ là tác giả chuyển thể một chuyện ngắn cùng tên của một nhà văn cùng tuổi với tôi. Nghe xong ông tỏ ý rất vui và kéo tôi ra hành lang trường quay chụp hình.
Nói đến cái gọi là trường quay của Đài truyền hình TW, tôi không thể không nhắc đến một nhân vật “độc đáo” của truyền hình Việt Nam là đạo diễn Khải Hưng. Số là, Ban khoa giáo của Đài không có riêng một trường quay để thực hiện các chương trình của Ban như: dậy ngoại ngữ trên Đài, tọa đàm, phỏng vấn những nhân vật nổi tiếng, thực hiện các tiết mục văn nghệ vv…vv… Mỗi lần ghi hình phải đăng ký trường quay. Đa số các BTV, biên kịch của khoa giáo là những người tốt nghiệp ngành KHXH, không thạo về kỹ thuật điện đóm, ánh sáng, âm thanh… Vì thế, mỗi lần thu hình đều bị các kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật ở trường quay làm khó dễ, “bắt nạt”. Sở dĩ tôi thích đi làm phim ngoài trời từ khi sang truyền hình vì không muốn các nhân viên ở trường quay, vốn là các “con ông cháu cha” được tuyển vô truyền hình hạnh họe mình. Tình trạng hay cãi lộn thường xẩy ra ở trường quay và cuối cùng thì các BTV đều thua vì bị “úm ba la” về kỹ thuật. Trong hoàn cảnh đó của Ban khoa giáo, tôi nghĩ đến Khải Hưng. Anh là giáo viên dậy vật lý ở trường cấp 3 Cẩm Giàng tỉnh hải Hưng cùng với tôi. Khải Hưng đẹp trai, thông minh, dậy giỏi, và đặc biệt là tính tình của anh rất “du côn”, cuồng loạn. Anh được mệnh danh là “Hưng cuồng” thời còn dậy học cùng tôi. Lúc Khải Hưng bỏ biên chế dậy học về Hà Nội, sống lang thang và chưa có việc làm ổn định. Tôi đề xuất “sếp” Hán nhận Khải Hưng về Ban khoa giáo. Với lý lịch giáo viên cấp 3, anh làm khoa giáo là hợp lý. Với trình độ chuyên môn vật lý ( điện, ánh sáng, tiếng động…) của anh, thì các BTV không ai còn bị lo “bắt nạt” khi Khải Hưng có mặt trong trường quay. Rất may là “sếp” Hán nghe bùi tai nên nhận anh về Ban. Nhưng khi nghe tin Khải Hưng sắp được nhận về truyền hình thì chính người cậu của anh là Ph.D Ngoạn, cục trưởng Cục kỹ thuật của Đài lại nói với ông Hán: thằng Khải Hưng mất dậy lắm, không nhận nó về Đài được. Nghe vậy, “sếp” Hán giận lắm, ông gọi tôi lên phòng và nói lại lời của Ph.D Ngoạn. Ông còn đay nghiến: Mày giới thiệu cho tao một thằng mất dậy đến nỗi chính cậu nó cũng không muốn nhận. Tôi bình tĩnh nói với thủ trưởng của mình: thì chúng ta đang rất cần một thằng mất dậy để trị những thằng mất dậy trong trường quay là gì? Tôi đã tìm được đúng người, đúng việc cho Ban ta còn gì nữa. Sau đó “sếp” Hán xuôi tai liền nhận Khải hưng về Đài.
Y như rằng, từ khi có Khải Hưng, trường quay không còn cảnh cãi lộn. Không ai qua mặt được anh về khâu điện, ánh sáng, âm thanh… mà trước đây các BTV Ban Khoa giáo bị bịp, bị bắt nạt. Thấy Khải Hưng có khả năng, Đài cho anh đi học một khóa đạo diễn.
Học xong về Đài anh làm được một phim truyện nổi tiếng, đó là phim “Lời nguyền của dòng sông”, chuyển thể từ truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông”. Công bằng mà nói, công của nghệ sỹ nhân dân Trịnh Thịnh sắm vai ông lão thuyền chài trong phim này rất lớn. Trịnh Thịnh lớn tuổi nên ông hiểu được tâm lý, tác phong của người già nên vào vai diễn rất đạt. Nhờ có diễn viên cạo gội Trịnh Thịnh góp sức mà Khải Hưng làm được phim truyện nổi tiếng này.
Khi đã trở thành một đạo diễn nổi tiếng, Khải Hưng vào Đảng và trở thành giám đốc của Hãng phim truyền hình Việt Nam (thuộc Đài THVN). Anh ta vẫn “cuồng” như xưa. Khi là phim, Khải Hưng luôn mồm chửi diễn viên: địt mẹ con đĩ… mày diễn thế à! Có lần gặp một đoàn phóng viên truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ, tôi hỏi chị em: thằng Khải Hưng dạo này còn chửi bới luôn mồm không? Chị em ngạc nhiên quá: sao ở tận Cần Thơ mà anh rành Khải Hưng thế!? Vợ tôi mỗi lần xem truyền hình thấy Khải Hưng phát biểu, lại bảo tôi: chú Hưng lại ba hoa anh ạ! (chả là khi còn dậy chung ở trường Cấp 3 cùng tôi, vợ tôi vẫn gọi Hưng là chú vì y ít tuổi hơn tôi nhiều). Anh Ngô Như Hà, giáo viên dậy hóa cùng trường với chúng tôi, vì bị bệnh phổi, không dậy học được nữa nên anh xin nghỉ và về Hà Nội. Để kiếm sống, anh ngồi sửa xe ở trước cửa nhà mình (số 182 đường Minh Khai). Nhà Khải Hưng ở làng Quỳnh Lôi, hàng ngày anh đi làm phải qua Minh Khai. Có lần tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội có đến chơi thăm Hà. Vợ anh bảo: chú Hưng ngày nào cũng đi qua đây, nhưng thấy anh Hà nhà em thì quay mặt đi. Người phụ nữ miền Bắc gọi bạn của chồng mình bằng “chú” là thân tình lắm. Tức là có một thời gian dài họ đến nhà nhau chơi, đến mức vợ có thể xưng hô với bạn của chồng một cách thân mật bằng chú! Báo chí “lề phải” nhất là tạp chí truyền hình VTV, nhiều khi “bốc” Khải Hưng đến mức tôi đọc thấy phát ngượng cho cả người viết và người được viết về mình. Một thiết chế độc quyền phương tiện thông tin thì “bốc” ai lên mà chả được. Nhân cách cứ thế mà xuống thấp dần, tha hóa dần vì không có thông tin đa chiều.
Nói đến truyền hình Việt Nam mà không nói đến Tổng giám đốc Vũ Văn Hiến thì thật là thiếu sót. Hiến học ở Ba Lan về. Khi tôi về Ban miền Nam của Đài cuối năm 1974 thì Hiến đang là phóng viên của Ban. So với các cây bút như Trung Ngôn, Viễn Kính, Phan Đắc Lập, Trúc Thông, Nguyễn Thị Quý… thì Hiến là một phóng viên mờ nhạt. Sau 1975, Ban miền Nam giải tán, Hiến lại về làm việc cùng phòng với tôi ở chương trình phát thanh “Trên miền Bắc XHCN”. Hiến là đề tài cho cả phòng bình luận về sự ngô nghê, ngớ ngẩn của anh. Vợ đẻ con so, anh hỏi tôi: vợ tôi có ăn cà chua được không? Tôi trả lời: có! Vài bữa sau anh lại hỏi tôi, vì biết tôi đã có 2 con: vợ tôi có ăn cá mè được không? Tôi giả vờ suy nghĩ ít phút rồi vỗ trán trả lời: được! Phòng tôi được phân phối một cái giấy đi viếng lăng Bác. Trong giấy cho phép đi 4 người. Tôi và anh Hiến cầm giấy phép đi lên lăng Bác. Khi vô cửa, công an gác cửa xem giấy hỏi: sao giấy 4 người lại đi có 2 người. Hiến mau miệng trả lời: một đồng chí vì đi ỉa chảy…!!! Viên công an trợn mắt quát: vô ý thức với Bác! Tôi thấy vậy kéo Hiến lại rồi cả 2 ra về. Nhất định tôi lôi anh phải đi về. Đi được một đoạn xa tôi mới bảo Hiến: sao mày ngu thế, mình là nhà báo, chỉ cần nói là 2 đồng chí đi tháp tùng các vị lãnh đạo có phải êm không. Thằng công an kia, mình vô ý thức với nó đã đủ chết, đằng này nó lại nâng quan điểm lên là “vô ý thức với Bác” thì chỉ có nước đi tù mọt gông. Tao phải kéo mày về vội là vì thế (!) Hiến vừa đi vừa làu bàu: hồi ở Liên Xô chính tôi đã dẫn các ông lãnh đạo Việt Nam đi viếng lăng Lê in. Vậy mà về nước, viếng lăng Bác cũng không được… Ngẫm nghĩ một lát, Hiến than phiền: hễ đi viếng lăng là thế nào cũng có giai thoại, rồi Hiến kể cho tôi nghe câu chuyện đi viếng lăng Lê Nin. Kể: ở Liên Xô hồi đó, thanh niên Nga bắt chước bọn hippy phương Tây để tóc dài, râu dài… lệnh trên xuống là ai tóc dài râu dài không được vô viếng lăng. Thế là một hôm Lê Nin bật nắp quan tài kính dậy, đi ra cửa lăng, người tát cho tên thiếu tá chỉ huy canh gác lăng một cái nổ đom đóm mắt. Rồi mắng rằng: từ nay những đứa tóc dài cũng phải cho vào viếng, có phải đứa nào cũng đầu hói như tao đâu (!)
Tôi đem câu chuyện đi viếng lăng Bác với Hiến kể cho anh em trong Đài nghe. Ai cũng ôm bụng cười. Chưa hết, khi đoàn nhà báo ở Đài truyền hình Ba Lan sang ta đi thực tế để quay phim về nhà ổ chuột ở Sài Gòn (để tố cáo xã hội Mỹ ngụy), Hiến được cử đi phiên dịch. Quay phim xong, xe chạy ngày đêm từ Sài Gòn ra đến Hà Nội thì trời đã tối không thuê được khách sạn. Một vị trong đoàn Ba Lan đề nghị: về nhà thằng Hiến ngủ tạm một đêm. Hiến nghe thấy thế sợ quá, bỏ luôn các bạn đồng nghiệp trên xe… rồi biến mất. Hôm sau anh đến cơ quan kể lại sự việc này với chúng tôi rồi kết luận: nhà tôi trong khu tập thể ở Đại La còn… hơn cái khu ổ chuột ở Sài Gòn(!) Chưa hết, khu tập thể của Đài “còn hơn cái ổ chuột” bị cháy. Hiến lao về… thì thấy bà mẹ anh đã chạy được hộp đựng tem phiếu ra sân và đang ngồi thở. Anh hỏi: cháu đâu? (tức thằng con anh). Bà mẹ mới hoảng hồn chỉ vào trong nhà. Hiến lao vào bê thằng con ra khi lửa đã bén vào gần đến chiếc nôi (!) Kể lại câu chuyện này cho mọi người nghe, tôi vẫn còn nhớ một lời “bình luận” đau điếng thế này: bà mẹ này thật là thông minh khi cứu hộp tem phiếu trước, vì nếu cháy hết tem phiếu thì sẽ chết cả nhà! Có câu chuyện nào tố cáo thời bao cấp lại hay hơn chuyện này? Xin bạn đọc chép lại cho đời sau để con cháu chúng ta biết về một thời XHCN!
Khi tôi rời Đài truyền hình TW vô Nam đầu năm 1981 thì Hiến vẫn còn là phóng viên ở Đài THVN. Vậy mà không biết bằng con đường nào mà Vũ Văn Hiến trở thành ủy viên TW Đảng, Tổng giám đốc Đài THVN nhanh như thế! Khi là ông ủy viên TW rồi, một lần Hiến vô Sài Gòn, Hữu Tính xưa kia là trợ lý của trưởng Ban miền Nam Đài TNVN, người đã cùng tôi đi phỏng vấn Gs Tôn Thất Tùng như đã kể ở phần trên, đã bảo với Hiến: anh Thái Bảo thủ trưởng của tớ và cậu ở Ban miền Nam trước kia hiện đang bệnh nặng, bây giờ cậu là ủy viên TW rồi, tớ biết nhà anh Thái Bảo để tớ đưa cậu đến thăm động viên anh thì tốt biết mấy… nhưng Hiến đã lờ đi. Chỉ ít lâu sau, anh Thái Bảo, vị thủ trưởng đáng kính của chúng tôi qua đời. Hôm tiễn đưa anh, Hữu Tính vẫn nhắc đến chuyện “thằng Hiến nhiều lần tôi đã bảo nó đến thăm anh Thái Bảo mà nó cứ lờ đi!” Hiến nổi tiếng là người hay đi thăm hỏi và quà cáp cho cấp trên từ lâu rồi, nhưng chỉ là người còn chức quyền thôi, không phải là người đã nghỉ hưu như anh Thái Bảo (mà anh em ở Đài TNVN rất yêu quý, kính trọng). Anh Thái Bảo còn là thư ký riêng cho tướng Nguyễn Bình và là một cán bộ lãnh đạo mẫu mực.
Trong các phương tiện truyền thông thì truyền hình phải đầu tư cơ sở vật chất tốn kém nhất. Hiến vướng vào những vụ tham nhũng khi xây dựng các công trình ở Đài truyền hình. Dư luận đã ầm ĩ một thời gian, nhưng giống như hàng ngàn ông quan tham khác, Y vẫn hạ cánh an toàn. “Triều đại” của Hiến đã để lại cho Đài truyền hình một lớp cán bộ thật “ấn tượng”. Điển hình là Lại Văn Sâm. Một Việt Kiều ở Pháp vô tình biết tôi từng làm phát thanh và truyền hình đã kể rằng, khi Lại Văn Sâm qua Pháp làm việc, đồng bào yêu quý các nhà báo của quê hương nên đã tổ chức nhau mời Lại Văn Sâm một bữa cơm. Thấy các món ăn sơ sài quá, Lại văn Sâm đã trừng mắt nói: mời Lại Văn Sâm mà thế à? Nghe xong tất cả mọi người đã kinh ngạc về nhân cách văn hóa thấp kém của Sâm. Theo tôi, có lẽ Lại Văn Sâm quen đi các địa phương ở trong nước được các quan chức lấy tiền thuế của dân ra đãi những bữa tiệc vừa ăn vừa đổ đi nên quen thói rồi! Anh chàng MC mồm mép như anh bán thuốc dạo trên tầu điện ở Hà Nội ngày xưa, có hay đâu đồng bào xa xứ của mình phải vất vả mới kiếm được miếng ăn ở xứ người, vì yêu mến quê hương mà gom tiền lại đãi đằng nhà báo Việt Nam. Đồng bào đã bất ngờ khi thấy thái độ của Sâm như thế – một nhà báo XHCN! Khi tôi viết báo “lề trái” trên mạng, đôi lần có nhắc đến “Lại Văn Sâm khua môi múa mép trên truyền hình” thì lập tức có nhiều comment hưởng ứng ngay. Thì ra người xem truyền hình ở Việt Nam rất ghét khi thấy Lại Văn Sâm xuất hiện. Ở các nước văn minh MC truyền hình phải được khán giả ưa thích, không thì phải thay ngay, vì người ta luôn luôn thăm dò ý kiến khán giả qua các hình thức trưng cầu ý kiến. Ở ta, cứ Đảng phân công là người ta cứ nhâng nháo vác mặt lên truyền hình quốc gia!
Trong thời gian công tác ở Đài THTW, có một sự cố lớn ảnh hưởng đến tư tưởng và dẫn đến quyết định sự ra đi của tôi khỏi “miền Bắc XHCN”, khỏi Hà Nội nơi tôi sinh ra. Đó là vào cuối năm 1978, tại nhà hát lớn Hà Nội diễn ra hội nghị khoa học toàn quốc. Tôi đến dự, nói đúng hơn là đến hành nghề. Trí thức cả hai miền Nam Bắc về dự hội nghị quan trọng này. Khi thủ tướng Phạm Văn Đồng đến, cả đại hội đã vỗ tay kiểu “đại hội” như tôi đã giới thiệu kiểu vỗ tay này ở đầu sách. Người trong BTC giới thiệu: người anh cả của khoa học đã đến dự với chúng ta. Lại vỗ tay. Tôi nói với vị trí thức ngồi cạnh tôi: giả sử lát nữa có đồng chí Lê Duẩn đến thì không biết người ta sẽ giới thiệu thế nào? Không lẽ phải giới thiệu là “người anh cả đỏ đã đến”. Vị đại biểu này không nói gì (!)
Khi tham luận có một nữ đại biểu ở Tổng cục khai hoang nêu khó khăn không thể khai hoang 50 vạn héc ta trong một thời gian như chính phủ lên kế hoạch. Phạm Văn Đồng rung chuông đuổi xuống. Chị ta cứ nói: khai hoang 50 vạn héc ta thì xin phép phải được nói dài (!) Lại rung chuông. Vẫn nói. Lại rung chuông… Khi giải lao, các vị đại biểu vây quanh người phụ nữ rắn rỏi này. Có người nói: chị gan quá. Thủ tướng rung chuông nhiều lần mà cứ nói không chịu xuống. Chị trả lời: các anh là đàn ông, nhiều tham vọng. Tôi là phụ nữ, tôi không có tham vọng nên tôi nói thật (!) Ai cũng hiểu chị ta muốn nói đàn ông các anh hèn lắm. Vì tham quyền cao chức trọng, bổng lộc nên ngậm miệng ăn tiền. Viết đến đây tôi nhớ tới bài thơ mới đọc hôm 18/2/2013 của tướng Phạm Chuyên mang tên “Người hèn”, đăng trên trang mạng Ba Sàm. Vừa mới đọc có đôi lần mà đã thuộc vì nó hay quá:
“Đất nước ngàn năm / hiếm kẻ bán nước / có nhiều nhặn gì đâu / một Trần Ích Tắc / một Lê Chiêu Thống / một Hoàng Văn Hoan /
Đất nước ngàn năm / quá lắm người hèn / hèn vì quyền cao chức trọng / hèn vì nhà cao cửa rộng / hèn vì miếng cơm manh áo / hèn vì vợ dại con thơ / hèn vì danh hão danh hờ /
Hèn mà còn nhận ra / mình là thằng hèn / là hèn tử tế /
Hèn ngậm miệng ăn tiền / hèn nhơ bẩn / hèn… / hèn bất nhân / hèn bán đất bán nước / trời chu đất diệt / hèn ơi! / đất nước ơi!”
… Thấy đại biểu túm tụm, Phạm Văn Đồng đến. Ông hỏi một trí thức ở Sài Gòn ra họp: trong ấy tình hình nghiên cứu khoa học thế nào? Vị này thưa: trong phòng thí nghiệm đến H2O cũng không có! Ông hỏi vị trí thức Sài Gòn thứ hai, vị này thưa: chúng tôi phải tầy xóa bằng cái nút lọ penexilin thay cho cục gôm! Thế là thủ tướng cười: Ha ha ha! Cái cười rất Phạm Văn Đồng. Thế là mọi người cười theo. Phóng viên TTXVN là anh Hà Việt đã nhanh tay bấm máy được cái hình mọi người cười rất tươi, cười hết cỡ. Cuối hội nghị, thủ tướng chỉ đạo. Ông ta nói: chúng ta làm khoa học kỹ thuật theo cách của Việt Nam, như Cù Chính Lan chạy tắt rừng để đón đầu đánh xe tăng. Chúng ta phải đi tắt, đón đầu, đuổi kịp và vượt phương Tây trong vòng mươi, mười lăm, hai mươi năm… Lại vỗ tay!
Tôi muốn dừng ít phút ở đây để nói về phương Tây. Tôi vừa đi theo một chuyến máy bay DC chở cá mè bột (cá giống) vào Nam và theo máy bay chở cá giống bố mẹ rô phi ra Bắc cùng mấy anh em cán bộ kỹ thuật của Bộ Thủy sản và các bác nông dân nuôi cá ở một HTX của huyện Thanh Trì ngoại thành Hà Nội. Lúc lên máy bay, phi công xem giấy tờ thấy tôi là nhà báo. Anh ta không cho đi. Lý do: máy bay cất cánh những giờ cuối cùng rồi cho vào nghĩa địa vì “hết đát”. Tôi là nhà báo, phải bảo vệ tính mạng cho tôi. Tôi cự lại: Đảng và nhà nước đào tạo một phi công như đồng chí tốn kém gấp 10 lần một anh phóng viên ốm yếu như tôi. Các đồng chí quý giá hơn tôi 10 lần, cả về thể chất con người nữa, mà đi được thì sao tôi không đi được? Anh chàng phi công phát cáu nói: ông nhà báo lắm lý sự quá. Thôi mời ông lên. Thế là tôi được đi những giờ cuối cùng của loại máy bay mang mác DC ở Việt Nam. Lên máy bay rồi, tôi lại còn đòi ngồi ở cabin để còn… quan sát. Cabin máy bay DC chỉ ngồi được ba người. Phi công, thợ máy và dẫn đường. Vì máy bay bay ở độ cao 300 mét nên người dẫn đường cầm một xấp bản đồ, nhìn xuống thấy rõ mồn một từng địa phận máy bay bay qua. Máy bay chỉ bay tốc độ 300 km/h nên quan sát rất dễ. Tôi ngồi bệt xuống chân, giữa 2 người thợ máy và dẫn đường. Lúc bay đến Nam Định, anh thợ máy nói: lúc nãy nói chơi vậy thôi, chứ máy bay có tới 56 cái đồng hồ trục trặc cái gì là báo ngay để xử lý. Đi máy bay là an toàn nhất. Tôi nhìn theo ngón tay của người thợ máy và đếm đủ 56 cái đồng hồ trên tableau trước mặt. Cái máy bay như thế mà đã vứt vào nghĩa địa vì nó được bay hết giờ quy định của hãng chế tạo ra nó. Phương Tây là như thế. Tôi nghĩ, 100 năm nữa chưa chắc nước ta đã làm nổi một chiếc máy bay từ A tới Z như cái DC tôi vừa đi. Tôi chưa thấy ai bốc phét như ông Phạm Văn Đồng “đuổi kịp và vượt phương Tây trong vòng mươi, mười lăm, hai mươi năm nữa…!!!”
Một đất nước được lãnh đạo bởi những con người hoang tưởng và lố bịch như thế thì đất nước sẽ đi về đâu? Nhân dân sẽ sống thế nào? Còn đám trí thức kia thì chỉ ngậm miệng ăn tiền mà thôi. Chỉ có phụ nữ là dám nói sự thật. Ôi, phụ nữ Việt Nam anh hùng quá. Đất nước đáng tự hào về họ quá. Họ chính là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu…
Ngày hôm sau của cuộc hội nghị quan trọng đó, cô nhân viên đánh máy của cơ quan tôi cầm tờ báo Tiền Phong có tấm hình phóng viên Hà Việt chụp đến khoe với tôi: anh Phú Khải có cái hình đẹp quá, đứng cạnh thủ tướng và đại tướng. Tôi cầm bức hình mà hôm qua “bị” chụp xem. Rồi nói rõ xuất xứ của những cái cười hết cỡ trong ảnh và kết luận: như thế mà cười được thì là vô liêm sỉ, chỉ có tôi là còn chút ít liêm sỉ nên không cười (!) Mọi người đứng quanh tôi không ai nói gì cả. Vài ngày sau vợ tướng Qua nhắn vợ tôi lên nhà bà gấp. Bà cho hay những gì tôi nói về bức ảnh chụp Phạm Văn Đồng đã đăng trên báo… đã được phản ánh về Bộ Công An. Bà nói: thằng Thanh, chồng con Tuyết nó đến tận nhà báo cáo với chú chị mà nó vừa nói, vừa thở, vừa run… “thằng Thanh” như lời bà thím tôi là Nguyễn Thanh, cục trưởng Cục xử lý tin tức Bộ Công An. Còn “con Tuyết” là con ông chú thứ hai của tôi, cô đang làm phó Ban tài chính và quản trị TW.
Nguyễn Thanh phải gọi tướng Qua là bác, (bác vợ). Sự thể là như thế. Bà thím tôi còn nói: mày về bảo chồng mày ăn nói phải giữ mồm giữ miệng không thì mang họa vào thân. Ông Qua ông ấy giận thằng cháu đích tôn lắm. Lúc thằng Thanh báo cáo xong, ông ấy đập tay xuống bàn! Cái hồi tôi đi làm nhà nước hồi đó, lý lịch là số 1. Lý lịch phải khai đầy đủ cả họ nội, họ ngoại. Nên việc tôi là cháu ruột của tướng Qua, bên an ninh họ đều biết (nhất là an ninh được “cài” vào một cơ quan như Đài THTW). Vì thế tướng Qua bực mình là phải. Chủ nhật tuần lễ đó, ông xuống tận nhà tôi ở Hoàng Mai mắng tôi một chập. Tôi cãi “đuổi kịp và vượt phương Tây trong vòng 20 năm thì rõ là hoang đường rồi còn gì?” Nghe xong ông nói: “Đúng thế, nhưng người phát ngôn không phải là cháu!”.
Trời đất thiên địa ơi! Chân lý thì ai nói ra mà chẳng được. Từ trước công nguyên Aristote đã từng nói “Platon là thầy tôi, nhưng chân lý còn quý hơn thầy!”. Phương Tây là như vậy nên họ mới có máy bay DC. Còn phương Đông thì chỉ thầy mới đúng, còn trò thì không bao giờ được cãi thầy… Thì ra ông chú yêu quý của tôi cũng có một ông Khổng Tử ở trong đầu. Các cụ ta bảo, học nói chỉ mất 3 năm, nhưng học im lặng phải mất 60 năm. Nếu phải bây giờ thì tôi không cãi, tôi im lặng nhận lỗi thì chú Qua tôi vui lòng ngay. Nhưng tuổi trẻ là thế, tôi cãi. Tướng Qua giận lắm. Sau đó ông còn đến cả Đài Truyền hình gặp lãnh đạo Đài. Khi ông đeo lon tướng vô cửa, đồng chí công an gác đài đã đứng nghiêm chào, không dám hỏi giấy tờ. Sau buổi ông đến Đài, “sếp” Hán vỗ vai tôi cười nói: ông chú mày dọa “bắt” mày đó!… vậy thôi… không nói gì nữa… Đúng là “Hán Cao Tổ”!!!
Đúng 18 năm sau, năm 1996, tôi gặp ông Phạm Văn Đồng ở tỉnh ủy Cần Thơ, ông đang ngồi nói chuyện với ông Sáu Phan ( Nguyễn Hà Phan). Ông đeo một cái kính râm rất to. Lúc đó đất nước đã bước vào thời kỳ đổi mới sau đại hội VI. Các sách báo “lề phải” đều nói đến vấn đề Việt Nam có thể bị tụt hậu so với các nước trong khu vực (!) Vậy là đã gần hết hạn 20 năm để đuổi kịp và vượt phương Tây như chỉ đạo của thủ tướng. Vậy là tôi có nên vào báo cáo với thủ tướng là ta có khả năng tụt hậu so với các nước láng giềng hơn là “đuổi kịp và vượt phương Tây” như thủ tướng chỉ đạo cách đây vừa đúng 20 năm! Tôi sực nhớ đến dạo ở Hà Nội, mỗi lần thủ tướng đến thăm nơi nào, người thư ký đều đến trước dặn mọi người không nên nói điều gì… làm ảnh hưởng đến sức khỏe của ông, nên tôi thôi. Ông Đồng mất vào năm 2000. Tướng Qua, người sỹ quan cận vệ của ông ở hội nghị Geneve năm xưa mất vào năm 2001. Tất cả đã đi vào quá khứ, và kẻ đang viết những dòng này cũng đang trên đường đến… nghĩa trang. Nhưng sự thật lịch sử thì phải rõ ràng, công bằng. Chân lý phải quý hơn thầy. Vậy thôi.
Lại kể tiếp về những năm tháng cuối cùng của tôi ở Đài Truyền hình. Tôi tiếp tục làm những phim ở ngoài trời để tránh phải vào đấu đá ở trường quay. Nhưng với chính sách hoang đường của những người kiêu căng sau chiến thắng 1975 như cải tạo tư sản Sài Gòn, tiến nhanh tiến mạnh lên CNXH, sát nhập tỉnh, xây dựng các huyện trong cả nước thành 500 pháo đài XHCN, kể cả tham vọng làm bom nguyên tử, dời thủ đô lên Tây Nguyên làm bá chủ vùng Đông Nam Á của TBT Lê Duẩn vv…vv… Đất nước đã đi vào ngõ cụt. Chưa bao giờ cán bộ và nhân dân Hà Nội khốn khổ như thế. Và tất nhiên các địa phương còn khốn khổ hơn. Viết cuốn sách 1000 trang cũng không thể nói hết về sự đói khát của nhân dân thời đó, tức từ năm 1975 đến cuối năm 1980, đầu 1981 khi tôi rời Hà Nội vô Nam. Nghe nói sau đó còn tệ hơn.
Một buổi sáng, tôi đèo cái can nhựa sau xe máy đi mua dầu hỏa theo tem phiếu để nấu ăn bằng bếp dầu (thứ bếp thịnh hành thời đó). Khi tôi dừng xe ở chợ Mơ để mua gói thuốc lá chợ đen giá cao, tôi thấy một chị công nhân nhà máy dệt 8-3 mặt xanh xao, người gầy ốm đang ngồi xụt xịt khóc. Lúc đó chị đi làm ca đêm về, tôi hỏi: “Sao chị không về nhà đi?” Chị không trả lời ngay mà vẫn khóc, gặng hỏi mãi chị mới kể cho biết người chồng đã ốm suốt cả tuần nay, anh chỉ thèm có một bát cháo thịt. Cho thuốc gì anh cũng không uống, chỉ nói: cho bát cháo thịt là khỏi ngay! Chị không đủ tiền mua 1kg thịt của “con phe” (thời đó những người bán thịt rong bị gọi là con phe). Chị năn nỉ một “con phe” bán cho 100 gram vì không đủ tiền mua cả 1 kg, và chị sẽ trả cao hơn giá bán (chẳng hạn 10 đ/kg, chị trả 11 đ/kg). Nhưng “con phe” đã không bán mà còn chửi té tát vào mặt chị: không có tiền thì ăn máu L… đừng hỏi mua thịt! Chị tủi thân quá , thương chồng quá nên khóc….
Thời đó những công nhân đi làm ca đêm và những người không có thời gian đi xếp hàng phải bán tem phiếu cho “con phe”. Con phe móc ngoặc với mậu dịch viên để mua được thịt ngon bằng tem phiếu, sau ra ngoài bán lại cho người dân giá cao kiếm chênh lệch. Và đó là nguồn sống chính của họ. Nghe chuyện chị kể, tôi an ủi chị đừng khóc nữa và cứ ngồi yên đó, tôi sẽ đem về cho 100 gram thịt. Nói xong tôi phóng xe lên cửa hàng thực phẩm tận chợ Cửa Nam, nơi bà chị gái thứ hai làm cán bộ mậu dịch ở đó để có được 100 gram thịt nạc. Tôi vẫn còn nhớ rõ sự sung sướng của chị ngày ấy và đó là việc có ích nhất mà tôi làm được trong cả đời cầm bút của mình. Có phải thế không, hỡi bạn đọc vĩ đại của tôi!
Tình hình kinh tế đất nước ngày một bi đát vào những năm 1978-1979-1980… trong khi đó hai đứa con trai của tôi đang ở độ tuổi lớn. Một đứa 7 tuổi, một đứa 9 tuổi. Vợ tôi lương giáo viên cấp 2 ít ỏi. Tôi lương phóng viên bậc thấp, không chức không quyền chẳng có bổng lộc gì nên gia đình càng ngày càng túng thiếu. Vợ tôi ngày nghỉ phải nhẩy tầu về Cẩm Giàng, nơi cô ta dậy học trước đây để đem mì sợi, thứ bột mì được kéo thành sợi bán vào tiêu chuẩn lương thực hàng tháng của cán bộ công nhân viên nhà nước để đổi lấy gạo ở các chợ quê. Đổi như thế lợi hơn nhiều, vì ở nhà quê bà con mò được con cua con ốc, nấu thành canh ăn với mì sợi thay bún rất lạ miệng, rất ngon. Hàng ngày vợ tôi ngoài công việc ở cơ quan là cắm đầu vào đan len thuê để kiếm thêm chút tiền mua gạo cho hai thằng con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Tướng Qua từ ngày được đeo lon tướng, tuy chức vụ vẫn là cục trưởng nhưng hàm thì ngang thứ trưởng nên có xe riêng, được lãnh sổ mua hàng ở cửa hàng cao cấp Tôn Đản. Bà thím tôi vì thương vợ chồng tôi lương ít nên mỗi lần đi mua sắm ở Tôn Đản đều hẹn vợ tôi lên nhà và cho đi theo. Cái gì bà mua thì mua, còn lại cho vợ tôi mua. Vợ tôi mua những thứ linh tinh ở cái “chợ của vua quan” đó, đem ra “chợ của nhân dân anh hùng” là vỉa hè bán kiếm chút chênh lệch, thêm thắt vào cuộc sống khó khăn của gia đình. Nhìn vợ tôi ngồi ở vỉa hè, bán những thứ mà “bọn tư bản giãy chết” vứt đi không hết ấy mà phải “ân huệ” lắm mới được bước chân vào “chợ vua quan” Tôn Đản mua ra… tôi ngán đến tận cổ cái CNXH ưu việt mà tôi đang phải sống. Tôi bắt đầu nẩy sinh ra tư tưởng rời bỏ Hà Nội, nơi tôi sinh ra và lớn lên để vào Nam. Cụ thể hơn là vào ĐBSCL mà những lần tôi đi công tác đã được thấy tận mắt cảnh trên bến dưới thuyền, “gạo trắng nước trong” và tính tình cởi mở, vô tư của đồng bào Nam Bộ. Một lần, đi máy bay từ sài Gòn ra Hà Nội, tôi phải dành xuất ăn nhẹ được phát trên máy bay (có một khúc bánh mỳ kẹp thịt, một cái bánh ngọt, một gói đường nhỏ để uống trà…) mang về làm quà của bố sau một chuyến đi công tác dài ngày cho hai thằng con trai đang đói khát ở nhà. Nhìn hai thằng chia nhau mẩu bánh mỳ và cái bánh ngọt, còn gói đường nhỏ cũng chia nhau… tôi không còn do dự gì nữa cho sự ra đi của mình.
Hồi đó, Hà Nội cũng nở rộ chuyện tiếu lâm. Ở các quán nước, được gọi là quán “trà xụp” ở vỉa hè, đâu đâu cũng được nghe tiếu lâm. Chuyện tiếu lâm chủ yếu mang chủ đề chính trị – xã hội. Những chuyện thời đó mà ai cũng biết như: nhà 5 tầng không hố xí, bạn học của anh Ba (Lê Duẩn)… Có điều đáng chú ý là chuyện về TBT Lê Duẩn chiếm vị trí số 1. Có lẽ vì dân Hà Nội quá đói khổ lúc đó, lại luôn phải nghe những lý thuyết hoang đường như “làm chủ tập thể” và những lời hứa hão huyền “mỗi nhà đều có TV, tủ lạnh” của TBT từ sau cơn bốc đồng chiến thắng 30.4.1975 nên các “sỹ phu Bắc Hà” tập trung sáng tác giai thoại về ông ta. Tạm kể mấy giai thoại “ai cũng biết” thời đó, để đời sau… biết những câu chuyện không “chính sử” này:
Chuyện kể rằng: có một ngôi nhà tập thể ở Hà Nội được xây tới 5 tầng lầu. Khi xây xong công ty xây dựng mời khách đến khánh thành và tham quan. Quan khách thắc mắc: vì sao tầng 1 lại không có hố xí? Giải thích: vì tầng 1 bố trí làm nhà trẻ cho các cháu mẫu giáo, các cháu ỉa bô không cần hố xí. Đến tầng 2 khách lại thắc mắc vì sao không có hố xí? Giải thích: tầng 2 giành cho sinh viên ở, sinh viên nó ăn gì mà ỉa! Tầng 3 được giải thích là để bố trí cho các nhà văn, nhà báo ở. Họ quen ỉa vào mồm nhau rồi nên không cần hố xí. Tầng 4 được giải thích là bố trí cho các hộ độc thân, và họ ỉa ở cơ quan rồi. Tầng 5 là để bố trí cho các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước ở, họ quen ỉa lên đầu nhân dân rồi nên cũng không cần đến hố xí.
Chuyện thứ hai: có một hôm, một anh chàng đến số 6 phố Hoàng Diệu (nhà riêng TBT Lê Duẩn), xin gặp đ/c TBT. Bảo vệ hỏi: anh quan hệ với TBT như thế nào? Anh chàng kia trả lời: Bạn học cũ! Anh ta liền bị còng tay ngay vì đ/c Lê Duẩn có đi học bao giờ đâu mà có bạn học!
Chuyện thứ ba: có một nhóm phản động, hàng đêm đem cái bị vứt vào số 6 Hoàng Diệu. Công an mang về điều tra thì thấy toàn là sâm nhung quế phụ. Đem xét nghiệm thì thấy đây là thuốc bổ thứ thiệt không phải hàng giả. Công an bố trí bắt được nhóm người vứt đồ vào nhà TBT. Khi bị bắt rồi chúng khai rằng: một tổ chức nước ngoài đã thuê tiền chúng mua những thứ đó để ném vào nhà TBT, tra hỏi mãi chúng mới nói thật là, tổ chức phản động nước ngoài cốt làm thế để TBT Lê Duẩn sống mãi, để phá hoại đất nước Việt Nam!
Tôi từng đọc sách Marx thấy ông ta nói: giai đoạn cuối cùng của mỗi một hình thái xã hội bao giờ cũng là những tấn hài kịch của nó. Người ta cười để vui vẻ giã từ quá khứ. Tôi càng nghe nhiều giai thoại ở Hà Nội lúc đó, ý chí đi Nam của tôi càng tăng. Cảnh túng bấn đói khổ của thời bao cấp lúc đó không riêng gì của gia đình tôi. Nhưng với tôi còn cộng thêm những mâu thuẫn về cách sống, lối sống của tôi với ông bố tôi. Những phát biều về các vấn đề chính trị của tôi khác với quan điểm của nhiều người trong gia tộc nên tôi thấy quyết định ra đi là đúng nhất. Thấy tôi làm đơn đi khỏi Đài THTW, lại đi về một nơi là Đài phát thanh tỉnh Tiền Giang mà không phải là TP HCM, các bạn bè và đồng nghiệp ở Hà Nội đều rất ngạc nhiên. Vì lúc đó Đài THTW là một cơ quan sáng giá vào loại bậc nhất ở Hà Nội. Truyền hình là phương tiện truyền thông hấp dẫn và thời thượng lúc đó. Các bà vợ, cô chiêu cậu ấm, các ông lớn ở Hà Nội lúc đó đều mê truyền hình. Ông Trần Lâm, chủ nhiệm UB phát thanh và Truyền hình Việt Nam luôn nhận được điện thoại từ các vị BCT, Ban bí thư… là truyền hình ở nhà họ bị trục trặc, phải cần sửa chữa ngay. Chả thế mà Đài TH phải có cả một đội ngũ kỹ sư giỏi, đứng đầu là ông Trịnh Lý Thản luôn tất bật đi xử lý các sự cố kỹ thuật ở các nhà quan lớn. Phóng viên, BTV của Đài THTW lúc đó có giá lắm. Hội nghị nào mà truyền hình chưa đến thì dù báo chí đã đến đủ nhưng vẫn chưa thể khai mạc được. Ai cũng muốn lên truyền hình. Và nạn xin xỏ, mè nheo, làm tiền của các nhà báo truyền hình đã nẩy nở từ những ngày đó, mở đầu cho sự tha hóa của báo chí quốc doanh cho đến bây giờ. Đương làm việc ở cơ quan sáng giá như thế giữa thủ đô mà tôi lại xin về một tỉnh lẻ thì bạn bè thắc mắc là phải. Có người bạn thân hỏi tôi đã nghĩ kỹ chưa? Tôi đã trả lời anh bạn tôi là nghĩ kỹ lắm rồi. Tôi đã thấy có bệnh viện ở Hà Nội còn đem cả xe cứu thương gắn chữ thập đỏ chạy vào Nam mua gạo… thì còn gì để nói! Thấy ông viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật Đường Hồng Dật phải nuôi lợn trên căn nhà tận gác tư trật hẹp của gia đình ông thì có gì để nói nữa! Cái thìa trong cửa hàng cafe mậu dịch phải đục thủng lỗ để khách hàng khỏi lấy cắp thì có gì mà luyến tiếc nữa! Chỉ có một người ủng hộ việc ra đi của tôi là nhà báo Trần Minh Tân. Anh nói: cậu vô ĐBSCL là đúng lắm. Đó là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước. Nước này muốn sống được phải dựa vào đồng bằng Nam Bộ. Đó là vùng đất mới, còn nhiều vấn đề phải viết, có rất nhiều đề tài để viết. Chúng ta là người cầm bút thì nơi nào có đề tài, nơi đó là nơi phải đến. Anh còn gợi ý tôi cụ thể: người ta có bài hát “Dáng đứng Bến Tre” nổi tiếng. Vậy thì bây giờ “Dáng đi Bến Tre” là gì? Phải trả lời câu hỏi đó. Phải viết một bài với cái “tít” như thế. Anh Tân quả là một nhà báo bậc thầy. Sau này, nhân kỷ niệm 10 năm đất nước thống nhất 1985, tôi đã viết bài báo nhan đề như thế, đăng trang nhất báo Đại đoàn kết, được đ/c bí thư tỉnh ủy Hai Chung đem bài đó ra đọc trong môt phiên họp toàn thể của Đảng bộ Bến Tre. Lúc đó đ/c Hai Trung chưa biết tác giả là ai.
Lúc tôi lên đường anh Minh Tân lại vỗ vai tôi dặn: ở nước ta, ở nơi đâu cũng có nạn cục bộ địa phương, điển hình là tỉnh Hải Hưng của tôi. Hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên khi sát nhập lạ, đánh nhau quanh năm. Vì thế bây giờ mới có tên là tỉnh “Hãi Hùng”! Câu vô trong đó, chỉ làm khách, không làm chủ, tập trung để viết (ý anh nói không nên tham gia tranh chấp gì). Tôi đã làm theo đúng lời căn dặn của người bạn vong niên Trần Minh Tân suốt hơn 30 năm sống ở đất Nam Bộ.
Tuy nhiên cuộc ra đi của gia đình tôi vẫn gây bất ngờ, gây một cú sốc cho cả dòng họ, vì tôi là “đích tôn”. Bà thím thứ ba của tôi (bà Ba) người mà tôi rất kính trọng về tư duy chính trị (mà lại không phải là nhà chính trị), lúc chia tay đã nắm lấy tay vợ tôi căn dặn rất thiết tha: chị nhớ chị là dâu trưởng, lại có hai đứa con trai, đi đâu thì đi nhưng phải nhớ dắt con về! Thì ra bà đã nhìn thấy trước sự phá sản của CNXH, sự phá sản của cái gọi là “ngày mai đây tất cả sẽ là chung, tất cả sẽ là vui và ánh sáng” (Tố Hữu). Bà đã nhìn thấy trước sự tranh chấp gia sản ở chính gia đình tôi và dòng họ của tôi về cái gia tài gần 2000 mét vuông đất và ngôi nhà ngói vào loại to nhất làng Hoàng Mai, nay là quận Hoàng Mai, nội thành Hà Nội!
Khi tiễn gia đình tôi lên tầu ở ga Hàng Cỏ để vô nam, cả tướng Qua và nhiều người đã có mặt. Đó là một buổi sáng u ám trong cuộc đời tôi.
– – – – –
MỤC LỤC:
Ch 1. Hà nội, nơi tôi sinh ra
Ch 2. Đi tản cư lên Chí Chủ, Phú Thọ
Ch 3. Hai lần “thi trượt” nhưng số phận vẫn mỉm cười với tôi
Ch 5. Những chuyện kể của tướng Qua
Ch 6. Chín năm dạy học ở thôn quê
Ch 7. Ba mươi tám năm làm báo “lề phải” và “lề trái”
- 7a. Những năm ở Đài TNVN và Đài Truyền hình TW
- 7b. Ba năm ở Đài Phát thanh Tiền Giang
- 7c. Trở về Đài Tiếng nói VN
- 7d. Mátxcơva không tin vào nước mắt (tên 1 cuốn phim LX)
- 7đ. Ba ông họ Võ: Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Võ Viết Thanh
- 7e. Nguyễn Hà Phan, bi hay hài?
- 7g. Quảng Châu, Thâm Quyến, Hồng Công, Ma cao… và cuộc thử nghiệm…
- 7h. Người kéo nhị ở quận 19 thành Paris
- 7i. Những người nông dân tiên tiến ở ĐBSCL
- 7k. Mặt thật của các Tổng biên tập
- 7l. Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc
- 7m. Đôi bài “ lề dân”: Thư ngỏ của một công dân, Nước Việt của ai, Khổng Tử và những cơn sốt…
Ch 8. Người cùng thời:
- 8a. Chú Bảy Trân
- 8b. Nguyễn Khắc Viện
- 8c. Chế lan Viên
- 8d. Nguyên Ngọc
- 8đ. Nguyễn Khải
- 8e. Sơn Nam
Ch 9. “Chấm phá” chân dung những nhà dân chủ:
- 9a. Nguyễn Kiến Giang
- 9b. Hà Sỹ Phu
- 9c. Hoàng Hưng
- 9d. Dương Thu Hương
- 9đ. Tô Hải
- 9e. Phạm Đình Trọng
- 9g. Những gương mặt trẻ
Ch 10. Cuộc biểu tình ngày 9/12/2012