Chương 3:
HAI LẦN “THI TRƯỢT” NHƯNG SỐ PHẬN VẪN MỈM CƯỜI VỚI TÔI
(tiếp theo Lời nói đầu, Ch.1, Ch.2)
Câu chuyện hai lần thi trượt của tôi không biết nên gọi nó là chuyện bi hay hài.
Nhưng chắc chắn nó là một thứ tư lịêu, một chuyện có thật về chế độ thi cử hay nói khác đi là cả nền giáo dục ấu trĩ, xem nặng tính giai cấp của chế độ cộng sản ở miền Bắc. Di hại của nó không biết đến bao giờ mới hết. Đương nhiên là nó còn kéo dài cho đến tận hôm nay khi chế độ cộng sản vẫn ngự trị trên đất nước đau khổ này. Nhưng tôi muốn để ít phút nói về những năm tháng êm đềm của tuổi trẻ trong những năm sống ở cái làng Hoàng Mai thơ mộng ngày đó, trước khi kể chuyện thi trượt.
Theo lời khuyên của chú Hai tôi, tức tướng Lê Hữu Qua sau này, ông nội tôi phải bán ngôi nhà ở phố Hàm Long nơi gia đình tôi đang ở, để về mua một căn nhà có vườn ở làng Hoàng Mai, thuộc xã Hoàng Văn Thụ, huyện Thanh Trì phía nam Hà Nội. Làng Hoàng Mai tiếp giáp với nội thành chỉ cách chợ Mơ đường chim bay hơn 1 km. Ông bà nội tôi ở bãi Phúc Xá giữa sông Hồng cũng dọn về ở với gia đình tôi. Có lẽ thời gian này là những năm tháng tuổi trẻ êm đềm trong cuộc đời của tôi. Khi về Hoàng Mai ở là đầu năm 1958, lúc đó tôi bắt đầu lên cấp 3. Làng Hoàng Mai là một làng giàu có, 100% là nhà ngói nhà nào cũng có vườn rộng, cây cao bóng cả, nhiều nhà có ao. Xen kẽ những ngôi nhà sang trọng đó là những ruộng bắp cải, su hào, súp lơ, cà chua… cung cấp rau tươi cho nội thành. Làng có đến 8 cái giếng xây, mỗi giếng có đường kính gần chục mét. Giếng thả bèo tổ ong nên nước trong veo. Những con đường lát gạch quanh co, hai bên là vườn rau xanh ngắt, là ao hồ mênh mông tạo nên phong cảnh rất nên thơ. Có một số dân làng là những nhà giàu ở Hà Nội, làm công chức, chủ nhật cuối tuần mới về làng nghỉ ngơi nên có nhà vắng hoe cửa đóng then cài, không gian u tịch. Làng có hai thôn, thôn Đông và thôn Đoài. Người ta kể rằng, xưa kia Nguyễn Bính viết:
“ Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người”
Là viết ở làng Hoàng Mai này. Trong làng có ngôi chùa nổi tiếng khắp Hà Nội thời đó là chùa Hưng Ký do một nhà giàu xây nên. Về kiến trúc, hầu hết các nhà trong làng đều là nhà gỗ lợp ngói ta và nhà nào cũng khá to. Thậm chí có nhà còn to hơn cả cái đình ở làng quê nghèo khác. Nhà tôi mua lại là của một nhà tư sản nổi tiếng là ông Nguyễn Tiến Tòng. Ông này trong đợt cải tạo tư sản có chân trong Hội công thương gia Hà Nội, một thứ trò bịp bợm của chính quyền cộng sản. Ông Tòng sống ở Hà Nội, căn nhà của ông ở Hoàng Mai để hoang, cho một ông thợ dệt ở nhờ trông nhà. Ngôi nhà thuộc loại hoành tráng nhất nhì trong làng, rộng gần 2000 m2. Trước nhà có ao rộng. Nhà gỗ. Cột kèo trạm trổ như đình chùa. Nóc phía trong nhà có dòng chữ nho, ông nội tôi đọc là: “Bảo Đại thất niên” rồi giải thích nhà được hoàn thành vào lúc vua Bảo Đại ở ngôi được 7 năm. Ấn tượng nhất của khách đến chơi nhà là bộ cột nhà bằng gỗ xoan rừng, sáng trắng. Trong khi các nhà khác thường được làm bằng gỗ lim màu đen nên thường tối. Cho đến bây giờ, gần 50 năm sau, khi tôi ra Hà Nội họp mặt kỷ niệm 45 năm ngày ra trường, bạn bè cùng lớp còn nhắc đến kỷ niệm ngày xưa. Thời đó, vào các chủ nhật nhà tôi thường có các bạn sinh viên nhà ở các tỉnh về thủ đô học không có gia đình họ hàng nên thường nhẩy tầu điện từ Cầu Giấy xuống Bờ Hồ rồi từ đây đi chợ Mơ xuống nhà tôi chơi. Cả lũ tắm lội trong ao rồi mò cua, mò ốc, hái rau trong vườn nấu mỳ ăn xì xụp. Những năm tháng vô tư! Tôi có xe đạp nên tuần nào cũng về nhà, lúc đi học bao giờ cũng có đồ ăn mang theo, lúc thì lọ muối vừng (miền Nam kêu là muối mè), lúc thì lọ bột ngọt (miền Bắc gọi là mỳ chính). Nhà có ao rộng nên tôi câu cá rất giỏi. Biết con cá gì ăn mồi gì. Nhìn phao nhấp nháy biết con cá gì đang cắn câu. Nhìn thời tiết biết hôm nay sẽ câu được cá gì. Tôi có đủ “vốn sống” để viết một phóng sự trường thiên về nghệ thuật câu cá. Chỉ xin kể bắt hai loại cá tự nhiên, không phải nuôi thả là cá rô và cá quả (miền nam kêu là cá lóc)… rất ấn tượng. Khi mùa xuân chấm dứt, hoa gạo đỏ chói báo hiệu mùa hè đã tới. Trận mưa rào đầu hạ là lúc những con cá rô dưới ao đua nhau rạch ngược lên bờ. Mưa càng to thì cá rô rạch ngược càng nhiều. Những lúc đó tôi chỉ việc cầm cái rổ thật to chạy xung quanh bờ ao mà nhặt cá rô. Vì cá rô có vây nhọn sắc như dao nên tôi phải chuẩn bị sẵn một cái tất tay bảo hộ lao động khá dầy để vồ cá. Một cơn mưa đầu mùa như thế tôi có thể bắt được cả rổ cá rô to, chứa vào thùng nước để ăn dần cả tuần lễ. Món canh cải cá rô mẹ tôi nấu thì tuyệt vời. Những con cá rô béo vàng được bà đánh vẩy, mổ bụng, rửa sạch rồi cho vào nồi luộc chín rồi vớt ra. Sau khi gỡ lấy thịt, bộ xương và đầu cá không bỏ đi mà dùng chày giã dập ra sau đó chắt lấy nước ngọt vài ba lần rồi đun sôi mới cho rau cải vào. Nồi canh cá ngon ngọt chính là nhờ nước chắt ra từ bát xương này. Giống cá rô, xương của nó rất thơm và ngọt. Khi bỏ rau cải thái nhỏ vào nồi là bắc ra ngay. Rau vẫn xanh và không bị nhừ. Thêm một vài lát gừng thì mùi thơm bốc lên ngào ngạt. Chỉ cần chục con cá rô là mẹ tôi có nồi canh cải ngon cho cả nhà. Đến cuối mùa thu, chớm đông, trời tối sớm các ao trong làng bắt đầu cạn, sương giăng mờ mặt ao vào chập tối là lúc những con cá quả đớp mồi tùm tụp dưới ao. Ở ngoài Bắc, nhà nào có ao trong vườn thì cảm nhận về thời tiết, thiên nhiên rất rõ rệt. Cụ Yên Đổ Nguyễn Khuyến ngày xưa để lại những bài Thu điếu, Thu vịnh bất hủ đều lấy cảm xúc từ cái ao nên thơ ông có hình ảnh cái ao trong đó. Các bạn trong làng đã dậy tôi cách bắt cá quả vô cùng thú vị và hiệu nghiệm. Thời gian phải là độ cuối thu, khi nước rút xuống, con cá đã đủ lớn sau cả mùa hè và mùa thu. Giống cá quả chỉ đớp mồi sống, đó là những con cá đòng đong, con săn sắt, con ếch, con nhái… Tôi chuẩn bị sẵn cho mùa bắt cá quả chừng 10 cái cần câu cắm. Mỗi cái dài chừng 40 cm. Đầu cần câu phải mềm (làm từ cật tre). Trên đầu cần buộc một sợi dây cước bằng ny lon dài hai gang tay. Lưỡi câu buộc cuối sợi cước. Móc con mồi vào lưỡi câu. Cách móc con cá làm mồi là cả một nghệ thuật. Phải móc vào phần thịt ở lưng con cá để nó có thể bơi trong nước mà không chết. Sau khi móc mồi rồi thì cắm cần vào bờ ao, nghiêng 45 độ. Phải điều chỉnh cái cần để con mồi chìm khỏi mặt nước nhưng không chìm sâu. Con mồi bơi thành một vòng làm mặt nước rung động. Con cá quả chỉ ăn mồi sống nên khi nó thấy nước động sẽ lao lên đớp mồi! Có lần tôi vừa cắm cần xong, chưa kịp vô nhà lên giường ngủ thì đã thấy cá quả bị mắc câu quẫy nước đùng đùng… Có khi nửa đêm khi nghe cá quẫy là tôi ra ao bắt cá. Bắt cá quả có hai cái lợi. Một là có cá ăn, hai là diệt được loài cá dữ trong ao vì nó ăn cá giống do chủ ao thả để nuôi như trôi, chép, trắm cỏ…
Ngôi nhà vốn thuộc chủ trước là nhà tư sản rất giàu nên có lần tổng đốc Vi Văn Định có về đây chơi. Chuyến đi của ông có lính gác theo hầu. Đến thời gia đình tôi về ở, cũng có các quan lớn đến nhà. Đó là ngày bà nội tôi mất, vì bà có hai con trai đều là chef (sếp) lớn của Bộ Công An, nên có bộ trưởng Trần Quốc Hoàn về viếng, có công an đứng gác nên những người duy tâm kháo nhau là nhà “được hướng”, nhờ có thầy địa lý xem cho nên thời nào cũng thịnh vượng!
Tôi đã sống những năm êm đềm thời đi học cấp 3 tại căn nhà “được hướng” đó cho đến khi tốt nghiệp phổ thông 1961 và thi trượt đại học sau đó. Câu chuyện hai lần tri trượt vào đại học của tôi là một sự thật chua chát đối với cá nhân tôi và là bản án tố cáo chế độ thi cử, tuyển chọn sinh viên (cán bộ tương lai) của chế độ cộng sản, tạo ra di hại lâu dài cho đất nước…
Trong ba năm học học cấp 3 ở trường phổ thông 3B đường Lý Thường Kiệt Hà Nội tôi đều là học sinh giỏi văn của lớp. Năm cuối cùng, lớp 10C của tôi chỉ có hai người tổng kết môn văn đạt điểm tối đa là 5, điểm theo bậc của Liên Xô ngày ấy là 5 bậc (5/5). Nhưng chỉ có mình tôi là được nhận giải thưởng môn văn của cả trường. Với năng khiếu đó, tôi quyết định thi vào khoa văn trường ĐHSP Hà Nội. Hồi đó, ĐHSP bị xếp vào bảng cuối của sự lựa chọn đại học trên đất Bắc. Bởi thế trong xã hội lưu truyền câu ca: Nhất y nhì dược, tạm được bách khoa, sư phạm bỏ qua…”. Có nghĩa là trường Y có giá nhất và khó thi vào nhất, và hạng chót là Sư phạm. Còn có câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Tôi đã chọn trường dễ thi và chọn khoa văn là khoa tôi có thế mạnh về học lực nhất. Vậy mà tôi lại trượt. Đau khổ vô cùng. Tuổi 19 bước vào đời với bao mơ ước, khát vọng được là một sinh viên, tiếp tục ăn học để có kiến thức, có vốn liếng để tồn tại lâu dài… đã sụp đổ. Nhưng tôi lấy làm lạ, tại làng Hoàng Mai hồi đó, có rất nhiều bạn tôi học môn văn chỉ được điểm tổng kết 3, thậm chí còn nói ngọng mà vẫn đỗ vào khoa văn ĐHSP (!) Tôi buồn chán vô cùng rồi cứ tự hỏi không biết vì lý do gì mà không đỗ. Tôi nhớ lại bài thi quá dễ so với học lực của tôi. Tôi đã làm bài một cách trơn tru trong khi bên cạnh nhiều thí sinh ngồi cắn bút. Khi biết kết quả, tôi buồn và xấu hổ không dám nhìn mặt ai. Cả thời gian dài suốt ngày nằm trong buồng đóng cửa, ngủ rồi thức, thức rồi ngủ. Mẹ tôi an ủi: Vì anh không phải là đoàn viên (đoàn viên thanh niên lao động) nên người ta không cho đỗ! Tôi cũng tin là thế.
Tôi vật vờ với tháng ngày ăn không ngồi rồi, thơ thẩn một mình ngoài vườn với nỗi buồn thi trượt. Tôi ngồi suốt ngày câu cá trong ao, nhưng có lúc cá cắn câu cũng không buồn giựt. Tôi nhớ đến những câu thơ thi trượt của Tú Xương xưa kia sao mà giống với tâm trạng của tôi lúc đó:
“ Đau quá đòn ghen, dát hơn phải bỏng
Hổ bút hổ nghiên, tủi lều tủi chõng
Thi không ăn ớt thế mà cay…”
Tôi định bụng sẽ ôn tập lại chờ đến năm sau thi lại nhưng không lẽ là thanh niên 19 tuổi lại ngồi không ăn bám gia đình, trong lúc kinh tế lúc đó rất eo hẹp. Tình cảnh gia đình tôi thì ông bà đã quá 80, bố tôi thì thất nghiệp, tất cả trông vào hai bàn tay của mẹ tôi, một người quen buôn bán ở thành thị, nay về làm nông vì “chế độ ta không có buôn bán” như lời chú Hai tôi. Bà làm vườn, nuôi cá, bòn vườn đi chợ bán để nuôi sống gia đình. Cũng phải nó thêm là ông nội tôi trước đây là nhân viên của Phủ Toàn Quyền, vì yêu nước mà đi kháng chiến 8 năm ròng rã ở Phú Thọ. Khi về Hà Nội nhận được thông báo của chính phủ Pháp cho những ai là công chức cũ dù đi kháng chiến nếu xuống Hải Phòng (nơi tập kết của quân Pháp và chính phủ Bảo Đại trong vòng 100 ngày để vào Nam theo hiệp định Geneva 1954) thì Pháp vẫn trả đủ 8 năm lương hưu trí. Ông nội tôi lương rất cao, nếu nhận số lương đó thì cụ sống rất khỏe cho những năm sau này nhưng cụ nói: Nước đã độc lập rồi, cho dù ăn cháo cũng sướng. (Nên cụ không xuống Hải Phòng lãnh 8 năm lương hưu). Cũng chính tình cảnh gia đình tôi lúc đó như thế nên đại gia đình phải họp lại để phân công các con đóng góp nuôi các cụ. Cuộc họp đi đến thống nhất, chú Hai tôi là cán bộ cao cấp nên hàng tháng phải góp 30 đ (thời điểm những năm 60). Chú Ba tôi cũng là cán bộ cao cấp (cấp vụ) nhưng đông con vợ lại không làm nhà nước, không có sổ mua lương thực nên được miễn. Chú Tư tôi cán bộ nhì nhằng, lương thấp nên cũng được miễn. Chú Năm tôi là nhà báo công tác thường trú ở nước ngoài, và là cán bộ cấp vụ nên phải đóng góp 30 đ. Bố mẹ tôi là con trưởng, có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ với số tiền đóng góp đó. Nhưng thực tế chỉ nhận được 50 đ vì chú Năm tôi nghĩ ra “cái mẹo” là trong lúc họp ông xướng lên là sẽ đóng 30 đ, để làm mức chuẩn. Thế là chú Hai phải đóng 30 đ. (còn ông thực tế chỉ đóng 20 đ vì lương cũng không cao lắm). Việc này chỉ có mẹ tôi và tôi biết vì hàng tháng tôi là người đi nhận tiền của hai người chú. Với 50 đ hơn lương giáo viên cấp 2 thời đó là 45 đ, thêm hoa màu vườn rau, ao cá, nên ông bà nội tôi sống cũng tạm ổn.
Cái nhiệm vụ đi lĩnh tiền hàng tháng đã ngày càng gắn kết chú Hai với tôi. Đó là dịp tôi được nghe những câu chuyện “thâm cung bí sử” của triều đình cộng sản Việt Nam do ông vui miệng kể ra những lúc vui buồn. Thực ra ngày đó tôi không có ý thức khai thác những câu chuyện ấy, chỉ biết nghe và bây giờ hệ thống lại thấy nó “hay” vô cùng. Vì thế mới có chương “Những chuyện kể của tướng Qua” trong hồi ký này mà tôi sẽ viết ở phần sau.
Lại nói về chuyện thi trượt. Sau nhiều tháng ăn không ngồi rồi, buồn chán đến tột độ. Cái buồn của tuổi 19-20 của một đời người nó dữ dội ghê gớm lắm. Đại thi hào của nước Hung, Pê-tô-phi đã để lại những câu thơ bất hủ cho nhân loại từ nỗi buồn xung thiên đó ở tuồi 20:
“Tôi không cha không mẹ
Không thượng đế quê hương
Không nôi không vải liệm
Không người yêu tình thương
Tuổi hai mươi tôi đó
Tôi muốn bán đi thôi
Nếu chẳng ai mua quỷ ma sẽ lấy
Tôi giết người thật đấy
Các người treo cổ tôi
Từ dưới đáy vực sâu
Cỏ mọc lên tốt tươi!”
Tôi đâu phải thiên tài để biến những nỗi buồn của mình thành những vần thơ bất hủ. Tôi chỉ biết gậm nhấm nỗi buồn của mình thành những mụn rách không biết chắp vá vào đâu… Thế rồi một hôm, người anh rể thứ hai của tôi là một đại úy đã dẫn tôi sang một trường sỹ quan của quân đội, là trường hậu cần ở bờ nam sông Đuống cách cầu Long Biên bên phía bắc sông Hồng chừng ba, bốn cây số. Ngôi trường toàn nhà lá nhưng rất rộng và thoáng mát giữa một vùng nông thôn yên ả. Ngôi trường ngày ấy bây giờ là Học viện hậu cần được xây cất rất hoành tráng. Tôi được nhận vào làm giáo viên dậy cấp 2 cho các học viên sỹ quan hậu cần. Khóa học bổ túc văn hóa hết lớp 7 trước khi vào học chuyên môn các ngành của hậu cần quân đội. Hồi đó (1961) trình độ văn hóa hết lớp 10 còn hiếm lắm. Các học viên được đi học sỹ quan là những quân nhân trẻ, chỉ có trình độ cấp 1 nên phải học bổ túc văn hóa đến hết cấp 2. Trường có hàng ngàn học viên. Giáo viên quân sự đa số là cấp úy, chỉ có một sỹ quan cấp thiếu tá và vị hiệu trưởng là trung tá. Chính ủy nhà trường là một thượng tá. Chủ nhiệm khoa văn hóa của tôi là thượng úy Phạm Khắc Quán, một trí thức con nhà dòng dõi trâm anh thế phiệt. Để được nhận vào dậy học tại trường sỹ quan hậu cần này, ông anh rể của tôi phải nhờ người anh ruột, tên là bác Lưu, cũng cấp đại úy và hiện đang giảng dậy quân sự hậu cần tại trường làm giấy bảo lãnh cho tôi. Với “lời mẹ dặn”: Anh phải vào đoàn, là một đoàn viên thì mới hy vọng được vô đại học. Vì thế tôi chỉ lấy công việc dậy văn hóa ở đây làm cái bàn đạp để vào đoàn rồi tếp tục đi thi đại học. Tôi mất hơn một năm dậy học tại đây và công việc phấn đấu vào đoàn thanh niên lao động của tôi thật là một màn hài kịch chưa từng có. Chuyện thế này, kỷ luật của trường sỹ quan rất nghiêm ngặt. Mọi sinh hoạt đều có kỷ luật. Từ 5h sáng cho đến 9h tối trước khi kẻng lên giường ngủ, nhất động nhất cử đều theo hiệu lệnh. Kể cả đi ăn cơm cũng phải xếp hàng theo tiểu đội. Đi đều 1-2, bát cầm tay phải, đũa cầm tay trái. Trước khi vào nhà ăn phải nhúng bát, nhúng đũa vào chiếc chảo nước đang sôi sùng sục. Vì là trường hậu cần trong đó có việc nuôi quân, nấu ăn… nên vệc làm bếp được coi trọng. Các chị nuôi (người nấu bếp) mặc áo vải phin trắng. Trước giờ ăn bao giờ cũng phi một chảo hành mỡ thật thơm, không dùng xào nấu gì cả nhưng cứ làm thế để kích thích tiêu hóa. Các học viên kể cả sỹ quan ăn uống rất bài bản. Phòng ăn hàng trăm người, khi gắp thức ăn phải giở đầu đũa cho vệ sinh và tuyệt đối không được nói chuyện. Vì thế mặc dù cả trăm con người nhưng phòng ăn im phăng phắc chỉ nghe tiếng nhai cơm rào rào. Phải công nhận là quân đội ngày ấy kỷ luật rất cao. Tôi lại đang phấn đấu vào đoàn nên chấp hành kỷ luật một cách tuyệt đối. Thậm chí còn hơn cả các sỹ quan quân đội cùng khoa văn hóa. Còn nhớ, có hai chuyện nực cười thế này. Một, sáng dậy tập thể dục đúng giờ. Trời rét như cắt ruột nhưng hễ nghe tiếng kẻng là mọi người phải dậy tập thể dục theo nhịp điệu của đài tiếng nói Việt Nam do nhà trường tiếp âm bằng một hệ thống loa cực mạnh. Sau đó xếp hàng chạy đều theo đơn vị trung đội lên bờ đê sông Đuống, chạy hàng cây số, lúc về đi đều và hát bài “vừng đông đã hừng sáng…”. Ngày ấy, tối nào cũng vậy, tôi đợi cho mọi người đi ngủ hết, rồi mặc quần áo, đi giầy sẵn mới vô giường đắp chăn ngủ. Vì thế đến sáng, mới nghe tiếng kẻng là tôi đã nhẩy ra sân đứng sẵn chờ mọi người còn đang mặc quần áo, đi giầy. Nhờ đó mà dĩ nhiên tôi được điểm cao và được khen ngợi vì thủ đoạn này. Nhưng việc bốc cứt trồng rau mới là việc khôi hài nhất. Ngày ấy nhà trường đề ra phải tăng gia sản xuất sau giờ hành chính để cải thiện bữa ăn. Đất bên ngoài nhà trường dọc theo sông Đuống thì mênh mông. Hết giờ làm việc, mọi người chơi thể thao, đàn hát… còn tôi vì cố phấn đấu nên chui vào nhà xí (nhà vệ sinh công cộng của trường) để hót cứt, ủ hoai làm phân bón rau. Hồi đó chưa có hố xí tự hoại nên phân tươi thối nhức mũi, đúng như câu thơ của Phùng Cung “cứt nguyện thối đến hết mình cho người đời khỏi ngộ nhận”. Nhờ chăm bón phân, vườn rau của tôi tươi tốt lạ thường. Ai thấy cũng phải khen. Một lần trưởng khoa văn hóa còn tuyên dương tinh thần tăng gia sản xuất của tôi trong buổi họp. Nhưng vì chiều nào cũng chui vào hố xí bới cứt nên quần áo, người ngợm tôi hôi thối đến nỗi không ai dám đứng gần. Thậm chí đến bữa ăn không ai dám ngồi cạnh tôi. Vì thế có người đã nói (sau này đến tai tôi) là nếu không mau mau kết nạp thằng Khải vào đoàn mà cứ để nó bới cứt thế này thì thối hoắc cả khoa văn hóa! Đã thế tôi càng chăm chui vào hố xí để ai thấy tôi cũng phải bịt mũi. Màn hài kịch bới cứt trồng rau tăng gia sản xuất đã mau chóng đưa tôi vào đoàn. Với chiếc huy hiệu đoàn có in hình cánh tay cầm cờ… tôi đã đeo trên ngực về nhà để báo cáo thành tích với mẹ tôi. Sau đó tôi xin nghỉ dậy văn hóa ở trường hậu cần để ôn thi đại học. Mùa thi đại học năm 1963, tức hai năm sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi lại đệ đơn thi vào trường ĐHSPHN. Lần này tôi đăng ký thi vào khoa Nga, vì khoa văn, khoa toán là khó nhất. Lý do, đó là hai bộ môn chính có giá nhất để giảng dậy ở trường cấp 3. Còn các môn khác, trong đó có môn ngoại ngữ Nga văn chỉ là môn phụ. Đó là tôi nghĩ như vậy vì nỗi sợ thi trượt nó cứ ám ảnh từ hai năm trước. Nhưng kết quả là tôi vẫn trượt, trước sự ngạc nhiên của gia đình, bạn bè, dòng họ. Mẹ tôi thương tôi vô cùng. Vì theo bà, tôi đã là đoàn viên rồi thì tại sao lại không đỗ. Công sức phấn đấu vào đoàn của tôi hoàn toàn vô ích. Tôi sụp đổ hoàn toàn. Người gầy rộc đi. Suốt ngày đóng cửa phòng nằm yên như người đã chết. Chú Hai tôi thấy thế định xin cho tôi lên khu gang thép Thái Nguyên làm trong guồng máy an ninh do một người bạn của ông được Bộ Công An phân công lên nằm trong Ban lãnh đạo của khu gang thép, nhưng là người của ngành CA cài vào. Đó là cách tổ chức nắm nhân sự của chính quyền cộng sản đối với tất cả mọi ngành nghề. Tôi biết rõ thực chất công việc mà tôi phải nhận là làm “gián điệp” đi theo dõi mọi người sau đó báo cáo lại, trong khi tôi chưa tốt nghiệp đại học, chưa có nghề ngỗng gì cả, vì thế tôi không đi.
Nhưng có ai ngờ, bỗng nhiên số phận lại mỉm cười với tôi. Đó là một buổi trưa hè oi bức, tôi đang ngủ trong buồng thì mẹ tôi đánh thức dậy vì có “chú Bẩy Trân” xuống chơi. “Chú Bẩy Trân” là một nhân vật thật độc đáo, thật đặc biệt nếu như không muốn nói là một nhân vật “huyền thoại” về những người cộng sản Việt Nam. Sở dĩ tôi viết cuốn hồi ký này vì như tôi đã nói ở phần mở đầu, đời tôi không đáng một xu, không có gì đáng viết cả, nhưng những nhân vật mà tôi biết như “chú Bẩy Trân” thì phải viết lại, không thì “phí đi” như bạn bè khuyên tôi nên viết hồi ký!
Câu chuyện về “chú Bẩy Trân” mà tôi phải dừng lại khá lâu này để nói, số là như sau…
Khoảng năm 1955 khi mẹ tôi có một cửa hàng bán giầy dép ở phố Hàm Long, hàng tháng có cán bộ đến thu thuế. Người đến thu thuế tại cửa hàng của mẹ tôi là một thương binh, cán bộ miền Nam tập kết, tên là Tám Trọng. Anh Tám Trọng sau này là anh rể ruột của tôi. Anh ít nói, một thanh niên trắng trẻo, tính tình hiền hòa. Do đi lại thu thuế nên Tám Trọng quen với chị ruột lớn của tôi là Lê Thị Thuận. Họ quen nhau đến mức thân thiết rồi xin mẹ tôi cho làm đám cưới. Nhưng mẹ tôi nói, tuy anh Tám là người tốt, nhưng cán bộ miền Nam ra bắc tập kết đa số có vợ ở trong đó rồi, sau này đất nước thống nhất thì lôi thôi lắm nên bà kiên quyết không đồng ý. Thế rồi mấy hôm sau có một chiếc xe vonga đen đến đậu đánh xịch ở cửa nhà tôi. Từ trong xe bước ra là một người đàn ông tầm thước, mặc com-lê thắt cà vạt nghiêm chỉnh bước vô nhà xin phép được gặp mẹ tôi. Hồi đó ai đi xe vonga đen là sang lắm, phải là ủy viên trung ương Đảng. Cấp bộ trưởng nhưng không phải là ủy viên TW thì đi xe vonga trắng. Phân biệt ngôi thứ rõ ràng qua mầu sắc chiếc xe. Người đi xe vonga đen tự giới thiệu tên là Bẩy Trân, quê ở Cần Giuộc, Long An là cán bộ cao cấp của Đảng hiện công tác ở Bộ Giáo Dục. Ông Bẩy Trân, với tư cách là cán bộ cao cấp của Đảng đảm bảo với mẹ tôi rằng anh tám Trọng (tức Phạm Văn Trọng) là cháu ông, đã có vợ ở miền Nam nhưng vợ anh Tám đã li dị chồng khi anh Tám bị thương để đi lấy một người chồng khác ở phía bên kia. Ông Bẩy Trân xin đứng ra bảo lãnh cho anh Trọng và nhận anh làm con để đại diện gia đình cử hành đám cưới với chị tôi, ông xin nhận làm sui gia với gia đình tôi.
Chẳng biết thực hư thế nào, mẹ tôi vẫn băn khoăn nên nhắn chú Hai tôi đang công tác ở Bộ Công An điều tra hộ. Mẹ tôi là một phụ nữ, như hàng trăm phụ nữ khác ở miền Bắc lúc bấy giờ rất tin tưởng vào cán bộ của nhà nước, nhất là cán bộ cao cấp như em chồng của bà, tức chú Hai tôi. Gặp chuyện gì cần trao đổi bao giờ bà cũng nói, hãy hỏi chú Hai. Có câu chuyện khôi hài mà tôi không bao giờ quên được khi người ta nói đến “tính ưu việt” của chế độ XHCN ở Liên Xô. Ngày ấy, Liên Xô là “thiên đường” của loài người như người ta đã tuyên truyền. Có người nói với mẹ tôi rằng, ở Liên Xô phụ nữ đẻ không đau! Mẹ tôi nửa tin, nửa ngờ, đợi đến hôm chú Hai tôi về chơi, bà mới đem câu chuyện đó ra hỏi. Hôm đó tôi cũng có mặt và nghe rất rõ câu chuyện. Mẹ tôi nói: Tôi nghe người ta nói ở Liên Xô phụ nữ đẻ không đau có phải không hả chú? Chú Hai tôi chỉ cười rồi hỏi lại: Ai bảo chị thế? Rồi cũng không trả lời gì cả (!) Thì ra chính trị là như thế. Bộ máy tuyên truyền luôn làm ngu dân. Những người dân lương thiện như mẹ tôi không đi đến đâu nên có thể tin ở Liên Xô đẻ không đau! Cũng như sau ngày 30/4 tôi vô một nhà dân ở Long Xuyên thấy trong nhà tắm tường đen ngòm toàn vết cháy. Hỏi ra thì bà chủ kể rằng, sắp đến ngày thua trận, chính quyền tuyên truyền rằng Việt Cộng vào sẽ bắt hết con gái, phụ nữ mặc áo dài, sơn móng tay móng chân… nên khi nghe tin Sài Gòn đã thất thủ, gia đình đem hết quần áo đẹp của đàn bà con gái cho vô nhà tắm rồi tưới xăng đốt nên bây giờ nhà tắm mới đen ngòm như vậy!
Đúng là: “Sau mỗi cuộc chiến tranh/ Phe nào thắng thì nhân dân đều bại” như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết.
Câu chuyện mẹ tôi nhờ chú Hai “điều tra” thì thế này, chỉ mấy ngày sau, chú Hai tôi đi xe com-măng-ga (xe dành cho sỹ quan cao cấp ngành công an hoặc quân đội) về nhà và cho mẹ tôi hay, đúng ông Bẩy Trân, tức Nguyễn Văn Trân là cán bộ cao cấp rất có uy tín của Đảng, tập kết ra Bắc và sắp tới sẽ giữ những chức vụ quan trọng. Thế là đám cưới chị tôi với anh Tám Trọng được cử hành trọng thể và ông Bẩy Trân mà sau này tôi hay gọi là “chú Bẩy” chính thức là sui gia với bố mẹ tôi. Ngày giỗ, ngày tết tại gia đình tôi bao giờ cũng có ông sui gia Bẩy Trân có mặt. Ông Bẩy Trân xuất hiện trong gia đình tôi như một ánh sáng mới lạ, không phải vì ông là một cán bộ cao cấp, mà vì những hành vi văn hóa của ông khác hẳn với những thứ văn hóa vô sản đang hình thành lúc đó. Ông được mọi người ở cả 2 bên nội ngoại của tôi rất kính trọng. Đặc biệt đối với ông nội tôi mặc dù về mặt vai vế ông chỉ đứng hàng con cháu vì là sui gia với bố mẹ tôi.
Lần đầu tiên người cán bộ cộng sản cao cấp này ra mắt ông nội tôi là cử chỉ xin phép được đốt một nén nhang trên bàn thờ tổ tiên của gia đình tôi và cúi lậy ba lần. Cử chỉ này làm kinh ngạc mọi người vì tại thời điểm đó đang diễn ra cải cách ruộng đất. Ở khắp nơi trên miền Bắc, người ta đang đập phá đình chùa, tượng phật, tượng thánh bị vặn cổ ném xuống ao. Bàn thờ tổ họ Lê Phú nhà tôi, trừ ông nội tôi, còn bố tôi và các chú ruột không ai thắp nhang và cúi lậy trước vong linh ông bà cả dù đó là những ngày lễ tết hay giỗ chạp. Lúc đó, người ta xem những cử chỉ hành vi này là duy tâm, là lạc hậu, là phong kiến… Từ đó trong mắt ông nội tôi, mẹ tôi và cả tôi nữa, ông Bẩy Trân là một cán bộ cộng sản không giống với thứ văn hóa vô sản lưu manh đang được người ta áp đặt vào xã hội miền Bắc lúc đó. Mỗi lần đến chơi, ông Bẩy Trân được ông nội tôi tiếp đón rất trân trọng. Họ nói chuyện với nhau rất lâu, đôi lúc dùng cả tiếng Pháp nữa. Mỗi khi ông Bẩy ra về, ông nội tôi tiễn ra tận cổng… Còn mẹ tôi thì vô cùng cảm động khi những đêm sáng trăng ông sui gia đạp xe ra tận ngoại thành chơi, ngày ấy ngoại thành chưa có điện, ông đã ra tận ruộng rau nơi mẹ tôi đang tưới cây để trò truyện động viên người phụ nữ thị thành chưa mấy quen với công việc thôn quê nặng nhọc này. Còn đối với tôi thì đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến người cán bộ có cử chỉ văn minh. Đó là lần tôi đi cùng ông Bẩy ra ngoại thành. Trên đường đi ông mua hai gói xôi đậu đen gói trong lá chuối để 2 người ăn sáng. Ăn xong tôi chưa biết vứt lá chuối đi đâu, vì còn đang ngồi trên xe von-ga, nhưng ông Bẩy đã lấy nó rồi cuộn với gói lá của ông xong rồi đút vô túi áo đại cán. Về nhà ông lấy bỏ vô thùng rác. Thời gian sau ông đưa cô cháu gái gọi ông là chú ruột và chồng cô đến chơi nhà tôi. Ông giới thiệu người cháu tên là cô Sáu, và chồng là anh Sáu Khải (tức thủ tướng Phan Văn Khải sau này) mới đi học ở Liên Xô về. Anh Sáu Khải người nhỏ nhắn, ít nói. Vợ chồng anh được mẹ tôi rất quý nên hay mời đến dùng cơm trong các dịp giỗ, tết. Có lần ngày 30 tết, mẹ tôi làm cơm cúng ông bà và mời bà con cả họ đến vì nhà tôi là nhà trưởng. Khi mẹ tôi bóc bánh chưng bầy lên mâm, nhưng vì mâm to nên phải bóc hai cái (để mỗi bên một cái), thấy thế anh Sáu Khải góp ý, đại ý là năm ngoái cũng bóc 2 bánh nhưng ít người ăn vì ăn cỗ đã no, năm nay theo ý anh chỉ nên bóc một cái. Mẹ tôi giải thích cái mâm to nên phải bóc 2 cái, vì người ngồi bên này không phải vươn tay với sang phía bên kia. Nếu chỉ bóc một cái có khi người ta lại ngại. Khi anh Sáu Khải lên nhà trên rồi, mẹ tôi mắng tôi: Anh thấy chưa, người ta là người miền Nam, giàu có mà biết tiết kiệm, còn anh chỉ biết hai tay đút túi vô tích sự! Đối với mẹ tôi (và người Bắc) dân miền Nam là người giàu có hay ít nhất cũng là người sống ở mảnh đất giàu có của đất nước, ra Bắc phải chịu khổ nên phải được chiếu cố… Những tình cảm như thế của đồng bào miền Bắc đối với cán bộ miền Nam ra tập kết thật dễ thương. Vậy mà sau này khi vô Nam sau 1975, mẹ tôi bắt tôi đưa đi thăm những người quen trước tập kết có đến nhà tôi như ông Bẩy Trân, anh Sáu Xích cán bộ công đoàn thành phố, riêng anh Sáu Khải lúc đó là chủ tịch UBND TP HCM tôi định đưa bà đến thăm nhưng bà không đi vì sợ người ta hiểu lầm là mình định nhờ vả gì (!). Thật tình thì Sáu Khải không phải là người đáng phải cẩn thận như thế. Ông là người tử tế. Có lẽ vì cái tính “tiết kiệm” như mẹ tôi từng khen nên khi làm thủ tướng ông không phá phách như những người sau này. Đôi ba lần khi tôi gặp ông trong các hội nghị tại Tp HCM với cương vị thủ tướng, ông tiếp các nhà báo xưng hô đồng chí đàng hoàng, nhưng khi bất chợt nhìn thấy tôi, ông hỏi: Mày dạo này thế nào? Có gặp bà Tám (tức chị tôi, vợ Tám Trọng) luôn không? Cách xưng hô tao-mày như thế với tôi khiến các nhà báo khác ngạc nhiên (!) Năm 2001 tôi qua Paris thăm chú Năm tôi, trước là đại diện thường trú của TTXVN, sau đó định cư chính trị bên đó. Chú Năm tôi hỏi: Chú xem TV thấy thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải rất giống anh Sáu Khải, cán bộ UB kế hoạch nhà nước xưa vẫn đến nhà mình chơi ở Hà Nội, có phải là Phan Văn Khải bây giờ không? Tôi trả lời là đúng. Chú tôi lại hỏi: Gặp cháu bây giờ anh ấy có hỏi han gì không? Tôi trả lời: Lúc hàn vi cũng như bây giờ quyền cao chức trọng, Sáu Khải vẫn tỏ ra là một người tử tế. Chú tôi nói: Vậy thì có dịp gặp anh ấy, cho chú gửi lời thăm. Trong một cuộc gặp ông ở hội nghị, tôi có chuyển lời thăm của chú Năm tôi. Ông Khải cười, nói: Việc mày xin đi Pháp thăm chú, bọn tao biết cả, nhưng ai dám cản mày! (Tôi chắc là ông Sáu Khải nói đùa).
Số phận của Sáu Khải thì như thế, nhưng số phận của ông Bẩy Trân sau này thì không ra sao. Tôi sẽ kể về con người “huyền thoại” này vào dịp khác. Lại nói về chuyện tôi thi trượt. Thấy chú Bẩy xuống chơi, mẹ tôi lại đem ngay chuyện tôi thi trượt đại học ra phàn nàn. Ông bẩy nói ngay: Bảo nó ra đây. Hình như là người trong ngành giáo dục biết chuyện thi cử nên ông bảo tôi: Sáng mai theo tao vào trường ĐHSP. Thế là ngay sáng hôm sau, ông chở tôi bằng cái xe đạp Junior Tiệp Khắc vào trường ở Cầu Giấy. Đến nơi ông bảo tôi đứng ngoài chờ, ông vào gặp thầy Tuất, phó hiệu trưởng kiêm phó bí thư trực của đảng ủy nhà trường. Thầy Tuất vốn là một trí thức Nam Bộ ở châu Âu về hoạt động, cũng như ông Bẩy Trân, thầy có bà vợ người Ý cũng theo chồng về nước. Đứng ngoài cửa, chỉ cách có tấm cót mỏng, tôi nghe rõ tiếng ông Bẩy nói với thầy Tuất: Nhờ anh xem hộ trường hợp thằng con bà sui gia của tôi tên là Lê Phú Khải thi vào khoa Nga văn năm nay vì sao không đỗ? Thầy Tuất trả lời: Để tôi kêu tổ chức mang hồ sơ, lý lịch lên coi. Nói rồi ông quay chiếc điện thoại có số chạy vòng tròn kêu vo..vo… Một lát sau, có một người đến mang theo bộ hồ sơ của tôi, đựng trong chiếc phong bì to lên trình. Tôi lại nghe rõ tiếng thầy Tuất: Gia đình cháu Khải là thành phần tư sản làm sao mà đỗ được! Tôi nghe thấy thế, lạnh cả người. Lại tiếng ông Bẩy Trân: Thật là bậy! Gia đình nó là cách mạng nòi, chú ruột nó đang là cục trưởng ở Bộ Công An, chị nó cũng là công an, làm sao là tư sản được. Tiếng thầy Tuất bình thản: Vậy anh viết cho mấy chữ bảo lãnh đi… Thế là sau mấy phút, chẳng biết ông Bẩy viết cái gì, ngay sáng hôm sau tôi đến gặp tổ chức nhà trường nhận giấy vào lớp. Thật là khôi hài, một ông cán bộ quê ở mãi Cần Giuộc Long An chỉ viết mấy chữ bảo lãnh cho một thanh niên sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đã làm thay đổi cả số phận người thanh niên đó.
Trên đường ông Bẩy Trân đèo tôi từ Cầu Giấy về, đến giữa đường tôi xin ông cho xuống và đến thẳng Bộ Công An ở đường Trần Bình Trọng. Tôi lên thẳng phòng làm việc của chú Hai tôi, lúc đó ông đang là cục trưởng Cục cảnh sát nhân dân và vừa được thủ tướng Phạm Văn Đồng gắn quân hàm thượng tá cảnh sát nhân ngành cảnh sát ra mắt quốc dân, với quân hàm quân hiệu chỉnh tề (1962). Lúc đó chú Hai tôi là người đứng đầu ngành cảnh sát của cả nước, mà chỉ được phong cấp thượng tá chỉ bằng quân hàm của phó trưởng công an quận, huyện ngày nay (2012)! sau khi nghe tôi trình bầy rằng, công an xã đã phê lý lịch của tôi là gia đình tư sản nên không được học đại học, khiến tôi phải long đong mất hai năm… chú Hai tôi hứa sẽ điều tra. Mấy ngày sau, ông xuống nhà tôi và cho hay theo báo cáo của trưởng công an huyện Thanh Trì thì cái lý do nghe thật khôi hài. Người công an quản lý xóm tôi ở thấy ông nội tôi hay nói tiếng Pháp nên đã báo cáo lên công an xã Hoàng Văn Thụ, làng Hoàng Mai rằng gia đình tôi là gia đình tư sản. Từ đó xã đã phê vào lý lịch của tôi: Gia đình tư sản.
Hồi ấy chế độ phê chuẩn, chứng nhận lý lịch của thí sinh nộp đơn thi đại học do xã phê, không cho đương sự biết rồi niêm phong gửi qua đường bưu điện đến phòng tổ chức của trường đại học mà thí sinh dự thi. Nhà trường nhận được lý lịch như vậy thì cũng không chấm bài thi, chỉ căn cứ vào thành phần gia đình tốt, xấu của thí sinh mà xét cho đỗ hoặc trượt như tôi đã kể ở trên. Chế độ thi tuyển sinh viên vào đại học như thế đã kéo dài từ sau hòa bình 1954 không biết đến năm nào… Trường hợp của tôi là do may mắn, nhờ có ông Bẩy Trân đưa tôi vào gặp thầy hiệu phó của mùa thi tuyển năm 1963 trường ĐHSP HN, tôi mới biết chế độ tuyển sinh rùng rợn và rừng rú này. Chủ nghĩa Mác Lê với quan điểm giai cấp, đấu tranh trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mới sinh ra cách tuyển sinh vào các trường đại học man rợ như thế. Nó lạc hậu hơn tất cả các hình thái xã hội từ trước đó. Kể cả thời phong kiến thì nhà nước cũng kén người tài, giỏi, thi đạt bằng cấp cao mới được tuyển dụng vào bộ máy cai trị. Còn thời cộng sản chỉ lựa chọn theo thành phần giai cấp. Chính vì thế mà dưới chế độ cộng sản, tất cả các sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp được phân bổ về công tác tại các cơ quan Đảng, nhà nước đa phần là những kẻ dốt nát, ngu si nhất. Bởi lẽ cứ là thành phần bần cố nông, dân nghèo thành thị thì mới được học đại học. Do vậy lấy đâu ra học sinh giỏi ở những thành phần đó, nếu có thì cũng hãn hữu. Bao nhiêu thanh niên, học sinh thuộc các thành phần khác, dù có giỏi đến đâu cũng bị gạt ra. Có ai chấm bài thi đâu mà chọn người giỏi. Khi vào đại học rồi thì cứ thế yên chí sẽ đỗ ra trường, Đảng đã phân công thành kỹ sư, thành bác sỹ, thành tiến sỹ… Sự dốt nát lại có bằng cấp, có địa vị, đã bao trùm cả xã hội XHCN ở miền Bắc nhiều chục năm như thế. Xã hội bị đẩy lại thời trung cổ. Tôi nhớ thời Pháp thuộc bố tôi thi diplome bốn năm liền không đỗ. Không đỗ là không đỗ, chẳng có chuyện chạy chọt, xét thành phần gì cả. Ông nội tôi có thừa tiền cũng không thể chạy cho bố tôi đỗ diplome được. Đọc hồi ký của Trần Văn Giàu sau này người ta thấy, nhà ông Giầu là đại điền chủ, nhưng chỉ có ông thông minh sáng dạ nên mới học lên được. Các em ông được gia đình chia ruộng để trở thành địa chủ mà thôi. Nói vậy để thấy, không phải ai cũng có khả năng lao động trí óc, để học hành trở thành người lao động trí óc, thành trí thức. Chế độ thi cử xét thành phần giai cấp để tuyển chọn đã đào tạo ra cả một xã hội đầy rẫy những công chức có bằng cấp nhưng dốt nát để quản lý xã hội ở các lĩnh vực. Sau này vào đại học rồi tôi mới biết, các sinh viên lớp tôi là con em các gia đình bần cố nông, thành phần nòng cốt ở nông thôn, học lực rất yếu nhưng mỗi năm vẫn lên một lớp và vẫn tốt nghiệp ra trường trở thành các thầy cô giáo dậy môn văn ở cấp 3 (sau khi được vô trường, tôi đã chuyển sang học khoa văn). Có thầy cả đời chưa đọc hết một cuốn sách thì làm sao dậy văn cho các em được. Vậy mà các vị trí thức bần cố nông này rất vênh váo, rất tự hào, rất thỏa mãn với địa vị xã hội của mình. Thời bao cấp xưa kia thì thi thành phần để lấy bằng cấp còn thời kinh tế định hướng XHCN ngày nay thì mua bán, đút lót để lấy bằng là chính chứ không cần kiến thức. Vì thế cả bộ máy đã hoàn thiện sự dốt nát, bộ máy cai trị đó đầy ghét bẩn nên nó không thể vận hành bình thường được. Kẻ dốt nát khi có quyền lại xuất thân từ thành phần bần cố nông nghèo khổ nên chỉ lo tham nhũng, vơ vét mà thôi. Di hại này của chế độ tuyển chọn trong giáo dục không biết bao giờ mới tẩy rửa được. Năm ngoái, tôi có ra Hà Nội dự cuộc họp mặt 45 năm ngày ra trường của khóa đại học văn khoa chúng tôi. Sau 45 năm các bạn đồng học của tôi nay đã về hưu. Họ súng sính trong các bộ comple, cà vạt và tranh nhau lên diễn đàn khoe về sự “thành đạt” của mỉnh, của gia đình mình. Một anh bạn xưa kia học dốt nhất lớp, năm nào cũng phải thi lại, nhưng được chiếu cố thành phần cơ bản nên được tốt nghiệp đã lên khoe mình là hiệu trưởng kiêm bí thư Đảng ủy trong nhiều năm! Có vị lên khoe học trò của mình bây giờ có đứa làm đến thiếu tướng. Các bạn tôi hoàn toàn thỏa mãn, hả hê với cuộc sống hiện tại của mình. Không ai biết một tý gì về tình hình đất nước hiện nay. Với họ, có bát cơm nhiều thịt là thiên đường rồi. Về Sài Gòn, tôi đem câu chuyện này kể với một người bạn, anh liền mắng tôi: Cậu mới là một thằng ngu, ở nước ta, thằng học dốt nhất lớp cậu thì sau này làm hiệu trưởng, dốt nhất trường thì sau này làm bộ trưởng và dốt nhất nước thì làm quốc trưởng. Có thế mà cậu cũng không biết, thật là ngu (!)
Có lẽ tôi ngu thật rồi!
– – – – –
MỤC LỤC:
Ch 1. Hà nội, nơi tôi sinh ra
Ch 2. Đi tản cư lên Chí Chủ, Phú Thọ
Ch 3. Hai lần “thi trượt” nhưng số phận vẫn mỉm cười với tôi
Ch 5. Những chuyện kể của tướng Qua
Ch 6. Chín năm dạy học ở thôn quê
Ch 7. Ba mươi tám năm làm báo “lề phải” và “lề trái”
- 7a. Những năm ở Đài TNVN và Đài Truyền hình TW
- 7b. Ba năm ở Đài Phát thanh Tiền Giang
- 7c. Trở về Đài Tiếng nói VN
- 7d. Mátxcơva không tin vào nước mắt (tên 1 cuốn phim LX)
- 7đ. Ba ông họ Võ: Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Võ Viết Thanh
- 7e. Nguyễn Hà Phan, bi hay hài?
- 7g. Quảng Châu, Thâm Quyến, Hồng Công, Ma cao… và cuộc thử nghiệm…
- 7h. Người kéo nhị ở quận 19 thành Paris
- 7i. Những người nông dân tiên tiến ở ĐBSCL
- 7k. Mặt thật của các Tổng biên tập
- 7l. Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc
- 7m. Đôi bài “ lề dân”: Thư ngỏ của một công dân, Nước Việt của ai, Khổng Tử và những cơn sốt…
Ch 8. Người cùng thời:
- 8a. Chú Bảy Trân
- 8b. Nguyễn Khắc Viện
- 8c. Chế lan Viên
- 8d. Nguyên Ngọc
- 8đ. Nguyễn Khải
- 8e. Sơn Nam
Ch 9. “Chấm phá” chân dung những nhà dân chủ:
- 9a. Nguyễn Kiến Giang
- 9b. Hà Sỹ Phu
- 9c. Hoàng Hưng
- 9d. Dương Thu Hương
- 9đ. Tô Hải
- 9e. Phạm Đình Trọng
- 9g. Những gương mặt trẻ
Ch 10. Cuộc biểu tình ngày 9/12/2012