47 năm hải chiến Hoàng Sa

BTV Tiếng Dân

Đúng 47 năm trước, vào ngày 19/1/1974, là ngày mà 75 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã gửi xác ở Biển Đông trong trận hải chiến Hoàng Sa, trong khi bảo vệ chủ quyền lãnh hải đất nước. Dịp kỷ niệm năm nay, báo chí “lề đảng” đưa tin khá cởi mở về những tử sĩ và cựu binh thuộc về lực lượng bị bộ máy tuyên truyền của chế độ xem là “ngụy quân, ngụy quyền”.

BBC đặt câu hỏi: Báo chí Việt Nam viết gì về ngày ‘TQ chiếm Hoàng Sa’? BBC liệt kê một số tin, bài trên báo “lề đảng” nhắc lại sự kiện “bạn vàng” của đảng CSVN, từng dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN, hoặc viết về nỗi vất vả, rủi ro của những ngư dân VN ngày nay khi mưu sinh gần khu vực bị TQ chiếm đóng.

UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng đã tổ chức sự kiện tưởng niệm 47 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam: Thăm chứng nhân lịch sử, báo Thanh Niên đưa tin. Đoàn công tác do ông Võ Ngọc Đồng, GĐ Sở Nội vụ kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa dẫn đầu, đã đến thắp hương cho 9 nhân chứng Hoàng Sa đã mất, đồng thời thăm hỏi 9 nhân chứng hiện còn sống ở TP Đà Nẵng.

Trong số các nhân chứng có ông Nguyễn Văn Dữ, “vẫn còn nhớ rõ những ký ức về năm 1973, khi ông cùng hơn 30 đồng đội tham gia địa phương quân theo chiến hạm Trần Khánh Dư đi trấn giữ Hoàng Sa trong 3 tháng”. Ngày mai 20/1, đoàn công tác dự định đi thăm 6 gia đình nhân chứng Hoàng Sa đang sinh sống ở Quảng Nam.

Đoàn công tác huyện Hoàng Sa ghé thăm và tặng quà cho đại diện gia đình nhân chứng Hoàng Sa Võ Như Dân. Ảnh: Nguyễn Tú/ TN

Báo Pháp Luật TP HCM cũng có bài về sự kiện tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa ở Đà Nẵng: Thăm các nhân chứng Hoàng Sa. Đoàn công tác của UBND huyện Hoàng Sa đã đến thắp nhang tri ân nhân chứng Hoàng Sa Phạm Khôi (mất vào năm 2014), thăm hỏi, tặng quà tri ân các nhân chứng còn sống là ông Phạm Sô, ông Võ Như Dân và ông Lê Đình Rê tại TP Đà Nẵng.

Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng, thắp nén nhang tri ân nhân chứng Hoàng Sa Phạm Khôi. Ảnh: T.AN/ PLTP

Ông Rê kể, trước đây, ông là Trung úy Tàu Quân vận QV 9708, cũng là nhân chứng duy nhất trên tàu cứu hộ này hiện còn sống tại TP Đà Nẵng: “Sức khỏe của chúng tôi có thể kém dần, nhiều chuyện không còn nhớ rõ nữa. Nhưng riêng mọi thứ về Hoàng Sa thì chắc chắn không bao giờ quên”.

Nhà báo Huy Đức viết về chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa: 7 năm 30 căn nhà cho cựu binh 3 miền. Đây là chương trình thiện nguyện nhằm nâng cấp nhà hoặc xây nhà mới cho các cựu binh, thân nhân các gia đình tử sĩ Hoàng Sa, liệt sĩ Gạc Ma và 2 thân nhân liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới và hải đảo.

Báo Tuổi Trẻ viết về chủ đề Hoàng Sa mãi mãi là máu thịt của nước Việt: Gìn giữ kỷ vật thiêng liêng của Hoàng Sa. Bài báo kể về ông Trần Thọ Phi Hổ, có người chú là Trần Tấn Phú Lâm, từng là PV Đài Phát thanh Sài Gòn của chính quyền VNCH, cùng với một người thân tên là Nguyễn Văn Vui, từng là hạm phó một tàu vận tải ra Hoàng Sa trước năm 1974, cả 2 người này đều đang sống ở Mỹ. Ông Hổ trao tặng một số bức ảnh kỷ niệm về Hoàng Sa, do ông Lâm gửi qua, cho nhà trưng bày ở TP Đà Nẵng, sau 45 năm gìn giữ những tấm ảnh.

Tấm ảnh quý chụp người lính trong quân phục VNCH chuẩn bị ra đảo với băng rôn lớn “Hải quân VN quyết tâm bảo vệ lãnh thổ đến giọt máu cuối cùng”. Ảnh do ông Trần Thọ Phi Hổ trao lại cho nhà trưng bày Hoàng Sa.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Giấy chứng sinh năm 1939 của 1 người Việt ở quần đảo Hoàng Sa. Đó là giấy chứng sinh của em bé Mai Kim Quy, sinh ngày 7/12/1939 trên đảo Hoàng Sa, con gái ông Mai Xuân Tập, nhân viên khí tượng làm việc trên đảo và bà Nguyễn Thị Thắng. “Đây là một chứng cứ cho thấy người Việt đã được sinh trên quần đảo Hoàng Sa và là cứ liệu quan trọng để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”.

Giấy chứng sinh của em bé Mai Kim Quy. Ảnh: NTBHS/PLTP

Báo Tiền Phong có bài nhìn lại nơi hải chiến Hoàng Sa, bây giờ: Vào Nguyệt Thiềm. Nguyệt Thiềm chính là vòng cung đảo nơi tàu HQ 10 và HQ 16 tiến vào giao chiến với tàu chiến TQ. “Suốt nhiều chục năm qua, ngư dân Việt Nam vẫn tiến vào Nguyệt Thiềm để mưu sinh bởi họ mới là chủ nhân của nơi này”. Là “chủ nhân” nhưng ngư dân VN hành nghề ở đây luôn lo sợ, vì có thể bị tàu TQ phát hiện, truy đuổi bất cứ lúc nào.

Sau 47 năm, “chiến trường xưa đã nguội, giờ lại là một cuộc chiến khác, diễn ra âm thầm, đó là những ngư phủ nhỏ bé đối đầu những con tàu tuần tra lừng lững ở vòng Nguyệt Thiềm. Khu vực tàu Trung Quốc từng co cụm nhiều nhất trong trận hải chiến Hoàng Sa gần vành đai Lưỡi Liềm, sau này các ngư dân kể lại, đó là bãi cua Huỳnh Đế”. Mỗi khi rời khu vực này, ngư dân làm mâm “cúng tạ”, tạ từ những tử sĩ VNCH.

Ngư dân Nguyễn Đình Sang (áo đỏ) đang sắp mâm cúng trước giờ tàu chạy vào vòng Nguyệt Thiềm. Ảnh: Văn Chương/TP

RFA có phim tài liệu ngắn: Lịch sử tranh chấp Hoàng Sa.

Mời đọc thêm: Tri ân các nhân chứng Hoàng Sa (VNE). – Thăm và tặng quà các nhân chứng Hoàng Sa (SGGP). – Thăm và tặng quà nhân chứng Hoàng Sa trong ngày 19-1 (TT). – Không bao giờ quên Hoàng Sa! (PLTP). – Đội mưa, giá rét nghe hào khí “Vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” (NLĐ). – Hoàng Sa xa mà gần: Có chồng đi biển Hoàng Sa (TN). – ‘Xin một đời làm thủy thủ Hoàng Sa’ (DV). Mời đọc lại: Danh sách các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hi sinh trong Hải chiến Hoàng Sa 1974 (TN).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Phạm Văn Đồng đã giải thích việc ký công hàm 1958 là vì “nhu cầu chiến tranh”. Bây giờ chúng ta còn tiếc nuối gì nữa đây?

Leave a Reply to Người Sài Gòn Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây