Những sự thật đằng sau luận điểm nhiệt điện than giá rẻ

LTS: Trong bài “Môi trường – Phần 4: Rừng Việt Nam và Năng lượng địa nhiệt“, tác giả Nguyễn Thọ có trích dẫn bài viết của anh Trần Hải, trong đó có đoạn: “Vấn đề ở chỗ than là cách rẻ nhất, dồi dào nhất, và kinh tế nhất trong việc làm ra điện. Hiện tại các năng lương sạch không có loại nào có đầy đủ năng lực để cạnh tranh với than, về giá cũng như về quy mô đầu tư. 1 kw điện than chỉ vào khoảng 0,3-0,6 USD kw“.

Liệu sản xuất điện than có phải cho ra giá rẻ hay không? Chúng tôi xin được giới thiệu bài viết của chuyên gia năng lượng Nguyễn Đăng Anh Thi, đăng trên Vietecology trước đây, bàn về chủ đề này.

***

Những sự thật đằng sau luận điểm nhiệt điện than giá rẻ

Nguyễn Đăng Anh Thi

LGT: Trong khi các nước trên thế giới từ bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch vì chúng là nguồn ô nhiễm độc hại, tác động xấu vào môi sinh và gây biến đổi khí hậu. Không những thế, các tiến bộ đột phá gần đây của năng lượng tái tạo (NLTT) từ gió và ánh sáng mặt trời đã lật ngược trật tự và NLTT đã trở thành năng lượng ưu việt nhất, sạch và rẻ hơn so với các nhiện liệu hóa thạch. Trước tình thế thuận lợi cho NLTT đó, quy hoạch điện năng lỗi thời của Việt Nam lại tập trung gần hết cả vào nhiệt điện than. Chính sách này sẽ gây tổn thất vô lý về kinh tế, huỷ hoại môi sinh, tổn thương sức khoẻ dân cư và sẽ khiến sông hồ đất đai thực động vật phải gánh chiụ các chất phế thải, các nhà máy chỉ là phế liệu. 

Các khoa học gia và chuyên gia, các tổ chức NGO trong nước và các cơ quan cố vấn quốc tế đã khuyến cáo Việt Nam cần tránh sa lầy và điều chỉnh lại quy hoạch. Nhưng quán tính quá khứ cho đến nay vẫn cho nhiệt điện than vai trò chủ đạo khống chế quy hoạch: Trong cuộc hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường” ngày 29-08-2007, ông Trương Duy Nghĩa, Phó giáo sư – tiến sỹ, Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam đã kết luận rằng phát triển nhiệt điện than là con đường tất yếu của Việt Nam. Chúng tôi xin giới thiệu bài phân tích phản biện (fact check) của chuyên gia năng lượng Nguyễn Đăng Anh Thi hy vọng giúp các bạn độc giả hiểu và tham gia và cùng vào cuộc.

Tại cuộc hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường” ngày 29-08-2007, ông Trương Duy Nghĩa, Phó giáo sư – tiến sỹ, Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam đã trình bày báo cáo và đưa ra kết luận đại ý rằng phát triển nhiệt điện than là con đường tất yếu của Việt Nam để đáp ứng “nhu cầu điện năng rất cao” cho “thời kỳ phát triển mạnh kinh tế”, và đề xuất “Khi đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo và mới bắt đầu hạn chế dần phát triển nhiệt điện than”.

Đặc biệt, ông Trương Duy Nghĩa còn nhận định rằng “các tổ chức mang tên khoa học, các nhà khoa học, khi cung cấp thông tin cho nhà báo, đã không cung cấp đầy đủ, không nói rõ nguồn gốc, nguyên nhân và phạm trù xảy ra, khiến cho cộng đồng có những hiểu sai về nhiệt điện than. Đặc biệt những thông tin cung cấp cho các nhà báo có tính chất suy diễn chủ quan, thể hiện người cấp thông tin có hiểu biết rất nông cạn về nhiệt điện than… Rất tiếc với việc đưa thông tin có tính chất thổi phồng, với những tiêu đề giật gân, khiến cho cộng đồng hiểu sai, nhiều tỉnh từ chối nhiệt điện than, ảnh hưởng trực tiếp ngay đến quy hoạch phát triển điện đã được Thủ tướng phê duyệt, nghĩa là ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia, có thể gây ra nhiều thiệt hại rất lớn thì lại là vấn đề khác”.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như ông Trương Duy Nghĩa đã thực hiện đúng những điều như ông nói: cung cấp đầy đủ thông tin với nguồn gốc rõ ràng cho lập luận ủng hộ phát triển nhiệt điện than, đằng này chính trong bài tham luận với rất nhiều số liệu của ông, đã không hề có bất kỳ thông tin về nguồn số liệu mà ông viện dẫn. Tác giả bài này sau khi kiểm chứng những số liệu đó đã phát hiện ra rất nhiều thông tin sai lệch mà ông Nghĩa đã sử dụng nhằm tô hồng bức tranh nhiệt điện than của Việt Nam.

Điều đó là rất nguy hại vì những thông tin sai lệch có thể gây ảnh hưởng đến việc ban hành những chính sách đẩy mạnh phát triển nhiệt điện than trong thời gian tới. Bài viết này phản biện những thông tin sai lệch của ông Nghĩa đưa ra nhằm giúp độc giả biết thêm sự thật đằng sau luận điểm nhiệt điện than giá rẻ của những người ủng hộ phát triển nhiệt điện than, để có cái nhìn chính xác hơn về những nguy hại do phát triển nhiệt điện than, từ đó thấy rằng năng lượng sạch mới chính là con đường đảm bảo cho an ninh năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam.

Khói mù do nhiệt điện than tại Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh trên mạng

Tô hồng bức tranh nhiệt điện than bằng những thông tin sai lệch

Những thông tin sai lệch của ông Trương Duy Nghĩa đưa ra để dẫn đến kết luận ủng hộ nhiệt điện than điển hình, cùng với bình luận của người viết cụ thể như sau:

– Tỷ lệ điện năng sản xuất từ nhiệt điện than cao ở các nước “giàu”: ví dụ với Mỹ, số liệu của ông Nghĩa là 43,3% nhưng thực tế chỉ là 30% năm 2016 (còn thấp hơn nhiệt điện khí chiếm 36%); hay ở Đức, số liệu của ông Nghĩa là 45,1% nhưng trong thực tế là 40,3% năm 2016. Thêm vào đó điện từ năng lượng tái tạo ở Đức, kể cả thủy điện chiếm đến 31,8% (Nguồn: Cleanenergywire) chứ không phải chỉ 20,5% như số liệu của ông Nghĩa.

– “Than có trữ lượng lớn nhất trong các loại nhiên liệu hữu cơ, còn đủ dùng cho nhân loại khoảng 200 năm nữa”. Đó là trữ lượng than có thể khai thác của thế giới, trong đó chỉ riêng 5 nước đã chiếm 75% trữ lượng thế giới, gồm Trung Quốc (23%), Mỹ (21%), Nga (14%), Úc (9%), Ấn Độ (8%), còn Việt Nam chỉ chiếm 0,3% trữ lượng của thế giới, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Từng là một nước xuất khẩu than hàng đầu, Việt Nam phải bắt đầu nhập khẩu than từ năm 2015 để đáp ứng nhu cầu các nhà máy nhiệt điện, đến năm 2020 thì phải nhập khẩu 24 triệu tấn than (38% nhu cầu) và đến năm 2030 phải nhập khẩu 84 triệu tấn than (65,4% nhu cầu). Xác định nhiệt điện than đóng vai trò chi phối nhưng ngay thời điểm này đã phải nhập khẩu than, điều gì sẽ xảy ra nếu nguồn nhập khẩu bị tắc nghẽn, hoặc than tăng giá không kiểm soát được? Đây rõ ràng là tự đặt an ninh năng lượng quốc gia cho nước ngoài kiểm soát!

– “Chỉ những nước giàu tài nguyên khí đốt như Nga, không xuất khẩu hoặc không có điều kiện xuất khẩu khí đốt và những nước đang thiếu điện trầm trọng như Philippin, Việt Nam thời gian khoảng 2000 – 2005 mới đầu tư mạnh nhiệt điện khí và mới chạy nhiệt điện khí ở phụ tải nền”. Đây là điều hoàn toàn ngụy biện và không có cơ sở. Hãy nhìn sang Singapore, họ có tài nguyên khí đốt nào nhưng sản lượng điện năng từ khí của họ chiếm đến 95,2%, trong khi nhiệt điện than chỉ chiếm 1,2%, tính đến cuối năm 2016 (Nguồn: Energy Market Authority (EMA), 2017)? Điều này cũng tương tự với Thái Lan, sản lượng điện năng từ khí là 66% và từ nhiệt điện than chỉ chiếm 21%, tính đến cuối năm 2014 (Nguồn: Energy Policy and Planning Office, 2015). Singapore và Thái Lan có cơ hội lựa chọn giữa nhập khẩu than và khí để phát điện, và họ đã chọn khí thiên nhiên. Vì sao Việt Nam không chọn nhiệt điện khí như Singapore và Thái Lan mà lại chọn nhiệt điện than?

– “Hiệu suất nhiệt điện than là 42-43% so với nhiệt điện khí là 56-58%”: Không rõ ông Nghĩa lấy đâu ra hiệu suất nhiệt điện than ở Việt Nam là 42-43% trong khi thực tế hiệu suất trung bình của tất cả các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành chỉ đạt 35% (Nguồn: http://www.ievn.com.vn/UserFile/Files/News/2015/Huyen%20P16/I299/bao%20I299.pdf), chủ yếu do các nhà máy áp dụng công nghệ lò hơi cận tới hạn (subcritical) – hiệu suất trung bình trên thế giới là 33-37%. Để đạt hiệu suất 42-43%, cần phải áp dụng công nghệ lò hơi siêu tới hạn (supercritical) với suất đầu tư cao hơn 20% so với công nghệ cận tới hạn (Nguồn: World Coal Association, 2015). Tổng hợp của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tại Malaysia, Indonesia và Việt Nam năm 2015 cho thấy có đến 92% các nhà máy nhiệt điện than đang áp dụng công nghệ cận tới hạn, trong khi chỉ có 6% các nhà máy áp dụng công nghệ siêu tới hạn. Như vậy, vì ham rẻ mà các chủ đầu tư lựa chọn công nghệ có hiệu suất thấp, đồng nghĩa với lựa chọn này là định mức tiêu thụ năng lượng cao và phát thải ô nhiễm lớn. Nếu ai đó nói rằng các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam áp dụng công nghệ hiện đại, hiệu suất cao, phát thải thấp thì đó mới chỉ là mơ mộng xa rời thực tế!

– “Nhiệt điện khí có chi phí vận hành và bảo dưỡng gấp 2 lần, giá thành sản xuất điện cũng gấp 2 lần nhiệt điện than (14 cent Mỹ/kWh); Chi phí phụ kiện rất đắt, phụ kiện mau hỏng; Đời sống dự án chỉ bằng 2/3 nhiệt điện than”: Không rõ ông Nghĩa lấy số liệu này từ nguồn nào hay do ông tự nghĩ ra, nhưng số liệu của Trung tâm Than sạch IEA tổng hợp 11 nhà máy nhiệt điện than và 1 nhà máy nhiệt điện khí Nhơn Trạch cho thấy suất đầu tư nhiệt điện than là 1,274 US$/kW, của nhiệt điện khí là 933 US$/kW, tức là suất đầu tư nhiệt điện than đắt gấp 1,36 lần nhiệt điện khí, thời gian xây dựng nhiệt điện khí là 3 năm trong khi nhiệt điện than có thể đến 4,5 năm, tuổi thọ nhiệt điện khí là 35 năm và nhiệt điện than là 40 năm, giá thành sản xuất điện khí chỉ 5,8 cent Mỹ/kWh so với điện than là 6,8 cent Mỹ/kWh. Rõ ràng nhiệt điện khí hiệu quả hơn nhiệt điện than, nhưng ông Nghĩa đã nói điều ngược lại!

– “Nhiệt điện khí có ưu điểm là không có tro xỉ, không phát thải SO2 nhưng vẫn phát thải CO2, NOx không thua kém gì nhiệt điện than”. Điều đó đúng, nhưng cần hiểu ưu điểm không có tro xỉ và không phát thải SO2 có ý nghĩa to lớn đến mức nào. Không phải ngẫu nhiên mà Singapore hay Thái Lan lựa chọn nhiệt điện khí là nguồn chủ đạo trong cấu trúc phát điện của họ. Không có tro xỉ nghĩa là hoàn toàn loại trừ ô nhiễm bụi và xỉ than. Trong đó, bụi siêu mịn (PM2.5) có kích thước chỉ bằng 1/30 đường kính sợi tóc, được xem là kẻ giết người thầm lặng vì nó có thể đi sâu vào phế nang, gây ô nhiễm đường hô hấp, thậm chí còn làm ảnh hưởng cấu trúc ADN, gây ung thư phổi và làm tăng nguy cơ tử vong. Với một nhà máy điện 1.200 MW thải ra 1,2 triệu tấn tro xỉ cần 15 ha/năm để chứa tro xỉ, tổng cộng 55.300 MW nhiệt điện than năm 2030 cần đến 691 ha/năm và trong vòng đời 40 năm của nhà máy nhiệt điện thì nhu cầu bãi xỉ cả nước là 276 km2, tương đương gần 40% diện tích đảo quốc Singapore. Không phát thải SO2 có ý nghĩa tránh là được nguy cơ đến sức khoẻ cộng đồng (cụ thể là tránh được nguồn gây rối loạn chuyển hoá đường và protêin, gây tắc nghẽn mạch máu, gây co hẹp dây thanh quản, khó thở), tránh được nguy cơ gây ra mưa axit làm phá hủy cây trồng, rừng và đất, axit hóa các nguồn nước mặt… Vậy, ưu điểm này của nhiệt điện khí đã đủ thuyết phục hơn so với nhiệt điện than hay chưa?

– “Dầu diesel để chạy các động cơ diesel có lưu huỳnh 0,5% cũng tương đương như hàm lượng lưu huỳnh trong than nội địa, than nhập khẩu, nghĩa là cũng thải ra một lượng SO2 tương đương như khi đốt than, lại ngay trên mặt đất, lại không hề có thiết bị khử SO2 như ở nhà máy điện”. Trong thực tế, Việt Nam đã chính thức cấm lưu hành dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh 0,25% từ ngày 01-01-2016 và hiện chỉ có dầu diesel 0,05% lưu huỳnh (tương đương 500 mg/kg dầu), chứ không phải dầu diesel có tới 0,5% lưu huỳnh như ông Nghĩa tưởng tượng. Trong khi đó, hàm lượng lưu huỳnh tối đa trong than là 1,75-9% (theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8910:2011), tương đương với 17.500-90.000 mg/kg. Như vậy, hàm lượng lưu huỳnh trong than cao hơn từ 35-257 lần trong dầu diesel. Tương tự, độ tro trong dầu diesel (DO 0.05S) chỉ là 0,01% trong khi trong than cho phép từ 3-45%, nghĩa là hàm lượng tro trong than cao hơn từ 300-4.500 lần trong dầu diesel. Theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (USEIA), để cùng tạo ra một đơn vị năng lượng như nhau (Kcal, mmBtu hoặc GJ), lượng phát thải từ đốt than cao hơn từ đốt dầu diesel với từng chất ô nhiễm không khí cụ thể như sau: SO2 gấp 2,3 lần; bụi gấp 32,7 lần; CO2 gấp 6,3 lần và thủy ngân gấp 2,3 lần. Vậy, đốt dầu diesel có nguy hại bằng đốt than hay không, thưa ông phó-giáo-sư-tiến-sĩ?

“Nước Đức giàu có như vậy, rất coi trọng môi trường nhưng cũng vẫn phải chấp nhận cho tồn tại xe oto dùng động cơ diesel”. Đây cũng là thông tin hoàn toàn ngụy biện, ông Nghĩa đã nói rằng “Đặc biệt những thông tin cung cấp cho các nhà báo có tính chất suy diễn chủ quan, thể hiện người cấp thông tin có hiểu biết rất nông cạn về nhiệt điện than” thì cần phải xem lại với chính ông. Nước Đức cho lưu hành xe dùng động cơ diesel nhưng tiêu chuẩn cụ thể của họ về diesel và về khí thải như thế nào? Tiêu chuẩn 2009/30/EC của châu Âu cho phép hàm lượng lưu huỳnh trong dầu diesel kể từ năm 2009 trở đi là 10 mg/kg dầu hay 0,001%, tức là Việt Nam đang dùng dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao gấp 50 lần của Đức. Việt Nam bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 – là tiêu chuẩn mà Đức đã áp dụng giai đoạn 2006-2011 và hiện nay Đức đã áp dụng Euro 6 với quy định về NOx thấp hơn Euro 4 là 68%, về bụi thấp hơn Euro 4 là 80%. Để đạt được quy định nghiêm ngặt này, xe chạy bằng động cơ diesel phải lắp đặt các thiết bị xúc tác, lọc bụi và hấp thụ khí thải. Vậy, nước Đức “chấp nhận cho tồn tại xe oto dùng động cơ diesel” với những giải pháp toàn diện như trên đã đủ thuyết phục chưa?

Sự thật của nhiệt điện than giá rẻ và con đường cho năng lượng sạch

Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA, 2017) đã đưa ra so sánh về tiêu chuẩn cho phép thải về bụi trong ống khói của nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam và các nước như sau:

Theo đó, cùng gọi là nhà máy nhiệt điện than nhưng Việt Nam cho phép thải bụi với nồng độ chỉ thấp hơn so với Campuchia, còn lại cao hơn Trung Quốc đến 8 lần, cao hơn Indonesia và Ấn Độ 2 lần, hơn Malaysia và Myanmar 4 lần, cao hơn Đức 20 lần… Vậy, việc dẫn chứng các nước đang cho phép phát triển nhiệt điện than với tỷ lệ cao để biện minh cho nhiệt điện than của Việt Nam mà không đề cập đến tiêu chuẩn khắt khe về khí thải của họ, điều đó đã hợp lý chưa?

Để xử lý bụi mịn (PM2.5), có thể dùng hệ thống lọc túi vải với hiệu suất 99,8% hoặc hệ thống lọc bụi tĩnh điện với hiệu suất 80-95%. Một hệ thống lọc túi vải cho nhà máy nhiệt điện than công suất 600 MW có giá đến 100 triệu US$, theo thông tin của End Coal.

Trong khi đó, ông Trương Duy Nghĩa cho rằng các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam đang áp dụng lọc bụi bằng tĩnh điện nhưng hiệu suất đạt tới 99,98%, điều này rất đáng nghi ngờ nếu so sánh với thông tin ở trên.

Vậy, phải chăng việc dễ dãi trong tiêu chuẩn phát thải của nhà máy nhiệt điện của Việt Nam đã giúp các chủ dự án giảm chi phí đầu tư vào thiết bị xử lý khí thải hiệu suất cao, đưa đến nhận định của nhiều người rằng đầu tư vào nhiệt điện than là rẻ nhất?

Quan trọng hơn, thiệt hại về môi trường và sức khỏe do phát triển nhiệt điện than mà xã hội phải gánh chịu đã không được tính đến trong bài toán của những người ủng hộ nhiệt điện than, đó là có phải là biểu hiện của việc “ăn vào môi trường và sức khỏe”? Trong thực tế, Ngân hàng Thế giới đánh giá ô nhiễm môi trường làm tổn hại đến 5% GDP của Việt Nam, con số này tương đương 10 tỷ US$ năm 2016. Trong Kế hoạch Năng lượng “Sản xuất tại Việt Nam”, Công ty tư vấn ECA tính toán với kế hoạch phát triển nhiệt điện than hiện nay, thiệt hại về môi trường và sức khỏe hàng năm của Việt Nam là 15 tỷ US$.

Nếu Việt Nam chuyển hướng ưu tiên đầu tư năng lượng sạch, loại bỏ nhiệt điện than, thì những chi phí thiệt hại về môi trường và sức khỏe sẽ được tránh khỏi, đồng thời lợi ích kinh tế thu được tương đương 9% GDP hay 23 tỷ US$/năm đến năm 2025, theo tính toán của Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE) và Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) năm 2016. Con số này vượt xa số tiền dự kiến bỏ ra để bù cho điện mặt trời và gió khoảng 1,5 – 1,7 tỷ US$ mà ông Nghĩa đưa ra.

Cũng với Kế hoạch Năng lượng “Sản xuất tại Việt Nam”, ECA đã chứng minh rằng Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động nguồn năng lượng của mình một cách bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài cho quốc gia. Kế hoạch này dựa trên 3 trụ cột chính: áp dụng triệt để tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy tối đa đầu tư năng lượng tái tạo, và mở rộng khai thác – sử dụng nguồn khí thiên nhiên sẵn có.

Như vậy, giữa những lợi ích và chi phí như trên, phát triển nhiệt điện than là tự dẫn mình vào chỗ tự hủy diệt. Không còn nghi ngờ gì nữa, lựa chọn con đường năng lượng sạch mới đúng là con đường tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây