BTV Tiếng Dân
30-4-2019
VietNamNet đưa tin vụ 500 ngàn hộ tiền điện tăng gấp đôi: Lời chính thức từ EVN. Tập đoàn Điện lực VN tiếp tục đổ lỗi cho… thời tiết: Mùa hè năm nay hầu hết các vùng trên cả nước nóng bất thường, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát, làm lạnh tăng cao nên tiền điện tăng theo. Một lý do nữa là, tháng 3 có… nhiều ngày hơn tháng 2 nên lượng điện năng sử dụng tăng theo!
Nhiều người đã phân tích, rằng các lý do trên không thể giải thích được hiện tượng các hóa đơn điện tăng gấp 2 – 3 lần, thậm chí 4 – 5 lần. Lý do chính là cách tính điện vô lý để “móc túi” dân thì EVN làm ngơ. Tháng 4/2019 chưa hết mà đã có ít nhất 500 ngàn khách hàng của EVN (chỉ tính riêng Hà Nội và Sài Gòn) phải trả hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi.
Báo Dân Trí đặt câu hỏi: EVN lý giải thế nào về việc gửi hơn 42.000 tỉ đồng trong ngân hàng không kỳ hạn? Lãnh đạo EVN đã có văn bản giải thích, số dư tiền gửi hơn 42.000 tỉ đồng vào thời điểm cuối tháng 6/2018 là quá nhỏ so với số dư nợ phải trả ngắn hạn tại cùng thời điểm (hơn 106.000 tỉ đồng), chưa đủ để sử dụng để trả nợ ngay cho các nhà cung cấp nhiên liệu, nên EVN quyết định duy trì tiền gửi không kỳ hạn, dự phòng cho các đơn vị.
Trong mục bình luận của bài viết trên, một độc giả viết: “Ngụy biện, trình độ quản lý dòng tiền thì EVN có thừa. Tiền để Ngân hàng hưởng lãi không kỳ hạn 0,2%/năm nhưng vẫn đi vay với lãi suất 8%/năm… Hài quá toàn là những nhà quản lý tầm cỡ mà sao nói cứ như trẻ con thế là sao? Bản chất cũng không khác PVN gửi tiền vào OceanBank”.
Báo Giao Thông đặt câu hỏi về vụ Bộ Công thương đề xuất bảo mật thông tin giá điện: Ai đầu cơ được điện mà sợ hỗn loạn thị trường? Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, điện là mặt hàng khó có thể xảy ra tình trạng đầu cơ như xăng dầu nên cũng khó có tình trạng lợi dụng tăng giá điện làm hỗn loạn thị trường.
Ông Long nói thêm, nếu tiếp tục đóng dấu “mật” vào phương án giá điện thì càng khiến mục tiêu công khai minh bạch, giám sát khó có thể thực hiện được. Thậm chí, có ý kiến chỉ ra, vì ngành điện ở VN vốn đã độc quyền nên càng phải công khai để người dân có thể giám sát.
Báo Tiền Phong đưa tin: EVN thanh tra 100% các hoá đơn tiền điện tăng cao. Phó TGĐ EVN, ông Võ Quang Lâm khẳng định, đã chỉ đạo thanh tra 100% các trường hợp hoá đơn tiền điện tăng cao bất thường và các vấn đề điện lực phải giải quyết, phản hồi trong 24 giờ từ khi nhận được phản ánh.
***
Đối với giá xăng, doanh nghiệp đề nghị tính lại thuế môi trường cho xăng E5, theo VnExpress. Công ty Saigon Petro vừa có văn bản gửi đến liên Bộ Công Thương – Tài chính, trong đó kiến nghị: “Cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo số tuyệt đối một cách phù hợp, ví dụ 500-1.000 đồng một lít, không tính thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo tỷ lệ Ethanol như hiện nay”.
Lý do của văn bản trên: Người dân không thiết tha, nhiều cây xăng bỏ hẳn trụ bán xăng sinh học E5, báo Dân Trí đưa tin. Saigon Petro cho biết, thông tin từ nhiều đầu mối xăng dầu cho thấy, tỷ trọng xăng E5 trong cơ cấu xăng bao gồm xăng E5 và xăng RON95 ngày càng giảm. Riêng tại Saigon Petro, tỷ trọng xăng E5 bình quân năm 2018 là 30,06%, tháng 1/2019 là 25,58%, tháng 2/2019 là 22,74%, tháng 3/2019 là 19,76%. Các con số này “rất đáng báo động, cho thấy tỷ trọng xăng E5 có chiều hướng giảm tiếp tục”.
Vấn đề không chỉ vậy, nhiều cây bút “lề dân” đã từng phân tích: Xăng E5 tuy mang tiếng là “xăng sinh học” nhưng thật ra sử dụng công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc, đã bị nhiều người cảnh báo, rất nguy hại cho máy xe, thậm chí có thể gây cháy nổ.
Trang Sức Khỏe và Đời Sống có bài: Giải bài toán tăng giá sau điều chỉnh giá điện, xăng dầu. Đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng và tiểu thương ở nhiều chợ bán lẻ tại Hà Nội và Sài Gòn, cảnh báo, giá cả nhiều mặt hàng đã tăng và trong các tháng tới sẽ còn tăng tiếp.
Nguyên nhân chủ yếu là do tác động từ chuyện giá điện và giá xăng tăng mạnh. Giá các vật liệu ngành xây dựng như sắt, thép, xi măng…, thậm chí giá nhân công xây dựng cũng đang “nước nổi, bèo nổi” tăng theo. Dòng xoáy tăng giá bắt đầu hiện rõ.
_____
Mời đọc thêm: Giá điện, xăng cùng tăng đẩy chỉ số CPI tháng 4 lên 0,31% — Giá điện lũy kế tăng gần 75%? (TN). – Giá điện thực chất tăng bao nhiêu? (NĐ&ĐS). – Sự thật cách tính phức tạp khiến hoá đơn tiền điện tăng ‘sốc’ gấp đôi (VNN). – Hóa đơn tiền tháng 4 tăng: Do thời tiết nắng nóng? (VTV). – EVN: Tiền điện tăng do sử dụng nhiều và do điều chỉnh giá — EVN nói gì về 42.000 tỉ gửi ngân hàng? (TT). – Nợ trăm nghìn tỉ, EVN gửi hơn 42.000 tỉ không kỳ hạn trong ngân hàng (TP). – Bộ xin đóng dấu mật giá xăng, giá điện: Đã độc quyền lại còn muốn mật? (LĐ).
– Giá điện bán lẻ bình quân tăng: Người dân lo lắng (NĐT). – Dân “kêu ca” hoá đơn tiền điện tăng “sốc”, EVN nói gì? (DT). – Giá điện tăng ‘điên cuồng’ trong tháng 4: EVN tiếp tục lý giải nguyên nhân (VTC). – EVN: Tiền điện tăng do sử dụng nhiều và do điều chỉnh giá (TT). – Giá điện tăng vọt, EVN có minh bạch? (Sputnik). – CPI tháng 4 tăng mạnh do giá xăng dầu, giá điện cùng tăng (HNM).
– Xăng tăng giá, đánh bắt xa bờ gặp khó (VTV). – Xăng E5: Tình huống báo động, văn bản kiến nghị khẩn (VNN). – Xăng E5 bị người dùng “ngó lơ”, doanh nghiệp gửi công văn “báo động” (LĐ). – Có nên duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu? (HNM).
Mời đọc lại: Sử dụng công nghệ cũ của Trung Quốc: Lo chất lượng xăng E5? (DT). – Xăng E5 lo bị “ghẻ lạnh” vì dùng công nghệ cũ của Trung Quốc (DV). – Chính sách xăng E5 đã hủy hoại rừng, gia tăng lũ quét bùn đất cho miền xuôi và đổi lấy kinh tế không hiệu quả (TD).