Chính sách xăng E5 đã hủy hoại rừng, gia tăng lũ quét bùn đất cho miền xuôi và đổi lấy kinh tế không hiệu quả

“Chính sách xăng sinh học E5 cho ta kết quả là có 3 nhà máy, nhưng hiệu quả thì rất âm, thật sự là chính sách đổi đất lấy rừng, lấy xăng sinh học, gia tăng ngập lụt ở miền xuôi, có hại cho đất nước. Chúng ta đã vi phạm luật cạnh tranh, đối kháng với quy luật giá cả phải phản ánh sự thật kinh tế, va đập với quy luật giá cả phải phản ánh sự thật sinh thái. Do vậy, chúng ta đang có một nền kinh tế méo mó”.

TS Nguyễn Đức Thắng

***

Thư gửi Thủ tướng Chính phủ

Hà Nội, ngày 18/3/2018

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Bộ Công thương

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc hội

Tôi tên là Nguyễn Đức Thắng, cán bộ Nhà nước về hưu năm 2008, có quá trình công tác, khởi đầu tại Viện Kỹ thuật quân sự, tiếp đến là Viện Khoa học Việt Nam và cuối cùng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tham mưu cho Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ không chuẩn nên đã dẫn đến quyết định đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất cồn Ethanol dùng để pha trộn vào với xăng A92 theo tỷ lệ 5% thành xăng E5, đặt tại 3 miền Bắc, Trung và Nam của đất nước. Sau hơn 1 năm bán thử nghiệm xăng E5, nhiều triệu người tiêu dùng không mặn mà với loại xăng này với lý do chủ yếu là e ngại sử dụng lâu dài sẽ có hại cho động cơ. Vì tất cả các loại động cơ sử dụng ở Việt Nam đều được thiết kế chỉ để chạy bằng xăng thường, không có động cơ nào được thiết kế để chạy với nhiên liệu hỗn hợp, xăng pha trộn với cồn Ethanol. Để cứu và duy trì hoạt động của 3 nhà máy sản xuất Ethanol, từ đầu tháng 01/2018 Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PETROLIMEX) đã quyết định dừng bán xăng A92 trên phạm vi cả nước, và chỉ bán xăng E5.

Thưa Thủ tướng,

Là một nhà khoa học, sau một thời gian nghiên cứu tôi đã viết bài “Chính sách xăng E5 đã hủy hoại rừng, gia tăng lũ quét bùn đất cho miền xuôi và đối lấy kinh tế không hiệu quả”. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm gửi bài viết (đính kèm) về những phát hiện trên tới Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan xem xét quyết định.

Xin chân thành cám ơn.

Kính thư,

Nguyễn Đức Thắng

_____

Chính sách xăng E5 đã hủy hoại rừng, gia tăng lũ quét bùn đất cho miền xuôi và đối lấy kinh tế không hiệu quả

Nguyễn Đức Thắng

I. Những đặc điểm, tính chất của xăng, ethanol (cồn) và xăng E5:

Định nghĩa xăng E5: Là xăng thường dùng (A92 hoặc RON92) nhưng thay thế 5% bằng ethanol tinh khiết 99,5% (hay phối trộn ethanol vào với xăng theo tỷ lệ 5%), cụ thể: Trộn 95 lít xăng A92 với 5 lít cồn ethanol tinh khiết ta được 100 lít xăng E5. Tên đầy đủ là xăng A92 – E5. Nếu tỷ lệ phối trộn là 10% hay 20% sẽ gọi là xăng E10 hoặc E20.

Xăng thường dùng ở Việt Nam có 2 loại là xăng A92 và A95 còn gọi là xăng RON92 và RON95 (Research Octane Number, có trị số octan là 92, hoặc 95, là trị số cháy nổ, đặc điểm quan trọng của xăng). Xăng là sản phẩm thu được trong quá trình tinh chế dầu mỏ (nhiên liệu hóa thạch, fossil fuel). Thành phần cơ bản của xăng là hỗn hợp của các hợp chất cháy nổ mà chủ yếu là isooctan (công thức hóa học C8H18), butan (C4H10), ethyltoluen (C2H5-C7H7). Giá trị nhiệt lượng của xăng khi cháy nổ là 46,7 MJ/kg. Trong quá trình cháy, xăng kết hợp với khí O2 (oxy) tạo thành hai sản phẩm chủ yếu là khí CO2 và nước (H2O).

Ethanol (thường gọi là cồn), cũng là một loại nhiên liệu, có công thức hóa học là C2H5-OH. Ethanol tinh khiết 99,5% khi cháy cho ta giá trị nhiệt lượng là 26,8MJ/kg (bằng 57% so với xăng). Sản phẩm chủ yếu sau cháy cũng là khí CO2 và nước (H2O). Trong hóa học, ở qui mô công nghiệp người ta có thể tổng hợp được ethanol bằng cách hydrat hóa ethylen nhờ xúc tác ở nhiệt độ cao, theo phản ứng: C2H4 + H2O -> C2H5-OH

Tuy nhiên, ở qui mô toàn cầu, ethanol chủ yếu được sản xuất từ quá trình lên men tinh bột (gạo, ngô, sắn, khoai các loại, lúa mì) nên ethanol thu được từ quá trình lên men gọi là bio-ethanol (ethanolsinh học”). Trong quá trình thủy phân, lên men sinh học, mọi tinh bột đều được chuyển hóa thành đường, cuối cùng thành hỗn hợp, đem chưng cất thông thường trong nhân dân ta thu được rượu (khoảng 15 độ, 15% ethanol). Còn lại chủ yếu là nước và lượng nhỏ các chất như methanol, propanol, formaldehyd, acetaldehyd… Trong nhà máy, qui mô công nghiệp có thể chưng cất thành rượu 45 độ (45% ethanol), cao hơn nữa ta được cồn công nghiệp 60% – 90% bán tràn lan khắp nơi. Trường hợp sau liên hoan, tiệc rượu trắng không rõ nguồn gốc có nhiều người bị ngộ độc, tử vong chủ yếu do methanol, propanol, formaldehyd, acetaldehyd có nồng độ quá cao (chủ yếu từ cồn ế thừa, pha loãng thành rượu, bán rẻ).

Bằng phương pháp chưng cất chuẩn, trong nhà máy chỉ đạt được ethanol tinh khiết tối đa 95% còn lại 5% là nước. Tỷ lệ này là trần giới hạn, là điểm mà hỗn hợp thu được có điểm sôi không đổi (constant boiling point mixture – azeotrope). Giai đoạn tiếp theo là công nghệ chưng cất đặc biệt, có phụ gia xúc tác (đầu tư tốn kém) để đạt tới độ tinh khiết là 99,5% đáp ứng yêu cầu khắt khe để pha trộn vào xăng. Nếu kiểm soát chất lượng không tốt, độ tinh khiết chỉ đạt 98% đến 99%, nước còn lại từ 1% đến 2%, khi trộn vào với xăng A92 sẽ không tốt cho động cơ.

Ethanol có đặc điểm là hút ẩm mạnh. Khoảng không khí tiếp xúc bên trên ethanol, sẽ nhanh chóng bị “khô” vì ethanol hút hết độ ẩm, bổ sung “thêm” nước vào ethanol. Nếu bể, bình lưu giữ, đường ống dẫn ethanol không kín khí, không khí khô rồi lại tiếp tục được bổ sung không khí ẩm từ nơi khác đến; cứ thế lượng nước vào ethanol sẽ “tự động” nhiều thêm lên. Trong hỗn hợp: nước – xăng – ethanol thì nước sẽ rất dễ tách pha riêng biệt, sau thời gian nhất định sẽ nhìn thấy rõ nước tách riêng, xăng riêng.

Các nhà khoa học trên Thế giới còn có thể thủy phân, lên men bã mía, vỏ bào, mùn cưa, gỗ vụn có chứa chủ yếu hợp chất xen-lu-lô để sản xuất ra bio-ethanol (ethanol sinh học); nhưng công nghệ phức tạp và chi phí tốn kém, giá thành cao. Có ý kiến cho rằng những sinh khối (biomass) nói trên nên thiêu đốt để sản xuất điện năng, sau đó nạp điện năng này vào xe chạy ắc qui điện sẽ có hiệu quả hơn.

Như vậy cả xăng và ethanol đều là những nhiên liệu lỏng, dễ bốc hơi, dễ cháy và tỏa ra nhiều nhiệt lượng.

Brazil là cường quốc sản xuất bio-ethanol từ những cánh đồng mía bạt ngàn. Mỹ là cường quốc sản xuất bio-ethanol từ những cánh đồng ngô bất tận. Hai nước này có những loại xe có động cơ thiết kế, sản xuất chuyên biệt chạy với xăng có tỷ lệ pha trộn bio-ethanol rất cao, ví dụ RON92-E10, RON95-E20 hay RON92-E70… (tương ứng tỷ lệ pha trộn 10%, 20% hay 70% bio-ethanol). Nhưng họ luôn tuân thủ nguyên tắc “động cơ nào nhiên liệu ấy”.

Tên gọi xăng “sinh học” E5 hoàn toàn không xuất phát từ chỗ xăng này thân thiện môi trường, đỡ độc hại, hay sạch hơn so với xăng thường. Tên gọi xuất phát chủ yếu vì ethanol được sản xuất từ qui trình lên men tinh bột thay vì biện pháp tổng hợp hóa học (hydrat hóa ethylen có xúc tác ở nhiệt độ cao).

Sản phẩm chủ yếu sau đốt cháy của xăng thường và xăng sinh học (E5, E10 hoặc cao hơn) đều là khí CO2 (không độc) và nước (H2O) và một ít hợp chất hữu cơ bay hơi khác nữa (formaldehyd và acetaldehyd). Brazil là nước đốt rất nhiều xăng trộn ethanol tỷ lệ cao, kết quả phân tích chất lượng môi trường không khí tại thành phố Sao Paulo cho thấy nồng độ formaldehyd là 160% và acetaldehyd 260% cao hơn so với thành phố Osaka của Nhật Bản, nơi không đốt xăng sinh học. Thực tế này cho thấy khí thải của xăng “sinh học” là bẩn hơn xăng thường.

II. Những khuyến cáo của các nhà sản xuất động cơ chuyên chỉ để chạy xăng:

Hầu hết ô tô và xe máy sử dụng ở Việt Nam có động cơ được thiết kế chỉ để chạy xăng thông thường A92 hay A95. Tuy vậy, theo ý kiến trên mạng của một số chuyên gia Việt Nam thì việc sử dụng xăng trộn với 5% ethanol tinh khiết 99,5% (xăng E5) là được, không có vấn đề gì.

Trái ngược, thông tin của chuyên gia quốc tế như sau: Những nhược điểm khi sử dụng xăng pha trộn ethanol vào động cơ chuyên thiết kế và sản xuất chỉ để chạy xăng, bao gồm việc hạ thấp số km đường đi được trên một đơn vị nhiên liệu tiêu thụ, ăn mòn kim loại, xuống cấp các chi tiết bằng nhựa, cao su của hệ thống nhiên liệu, làm tắc hệ nhiên liệu, bộ phận bơm phun nhiên liệu, bộ chế hòa khí, làm phân tách nhựa composite của bể chứa nhiên liệu, hình thành màng lớp bám trên bề mặt chi tiết động cơ, làm hỏng các chi tiết bên trong động cơ, hấp thụ thêm nước, làm nhiên liệu tách pha, giảm tuổi thọ bình, bể chứa nhiên liệu. Nhiều hãng sản xuất động cơ đốt trong cho ô tô, tàu thủy, xe máy, thiết bị cắt cỏ, máy phát điện đều cảnh báo cẩn trọng về việc sử dụng bất kỳ loại xăng pha trộn với ethanol đối với động cơ của họ.

[Nguyên văn: Disadvantages to ethanol fuel blends when used in engines designed exclusively for gasoline include lowered fuel mileage, metal corrosion, deterioration of plastic and rubber fuel system components, clogged fuel systems, fuel injectors, and carburetors, delamination of composite fuel tanks, varnish buildup on engine parts, damaged or destroyed internal engine components, water absorption, fuel phase separation, and shortened fuel storage life. Many major auto, marine, motorcycle, lawn equipment, generator, and other internal combustion engine manufacturers have issued warnings and precautions about the use of ethanol-blended gasolines of any type in their engines ].

Có lẽ chúng ta nên tuân thủ nguyên tắc “Động cơ nào, nhiên liệu ấy” sẽ là tối ưu, hợp lý và hiệu quả, nhất là đối với động cơ đốt trong; không nên dễ dãi, xuề xòa, tiến tới dùng xăng E5 cho cả máy bay nữa thì nguy.

III. Sản xuất và tiêu thụ ethanol ở Việt Nam:

Tháng 7/2007 giá xăng dầu trên Thế giới bị đầu cơ, tăng như đỉnh núi, từ 60 USD/thùng lên 147 USD/thùng vào tháng 7/2008. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đề xuất xây dựng 3 nhà máy lớn sản xuất ethanol để tạo ra xăng sinh học E5, đặt tại 3 miền của đất nước là Tam Nông (Phú Thọ), Dung Quất và Bình Phước, với những lý do:

(i) Chúng ta tiết kiệm được xăng cho đất nước.

(ii) Giá ethanol rẻ hơn giá xăng (thời giá xăng dầu trên Thế giới bị đầu cơ).

(iii) Brazil, Mỹ và một số nước khác sử dụng khá nhiều xăng E5, E10, E20…. Là xăng sạch, thân thiện môi trường.

(iv) PVN là tập đoàn mạnh, có đủ năng lực, trình độ và kinh nghiệm.

Với những lý do này Bộ Công thương đã ủng hộ và rồi Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt. Sau nhiều năm triển khai, kết quả thì có và được phản ánh đầy trên các báo mạng chính thống như dưới đây:

“Ba dự án nhiên liệu sinh học của PVN “đốt” 5.400 tỷ đồng, nhà máy đắp chiếu… hầu hết đều chỉ định thầu cho Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC)…máy móc thiết bị hầu hết là của Trung Quốc… sản phẩm không bán được, nợ ngập đầu, thua lỗ nặng… “Sờ gáy” 3 dự án ethanol của PVN, Thanh tra Chính phủ vừa công bố quyết định thanh tra toàn diện 3 dự án nhiên liệu sinh học tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với thời gian làm việc là 50 ngày… Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định đối với các sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng 2 dự án là Phú Thọ và Dung Quất có dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc chọn địa điểm xây dựng (dự án Dung Quất) trong chỉ định thầu, ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC dẫn đến hậu quả nghiêm trọng…”

Cả 4 lý do nêu trên đều không thuyết phục, vì:

1. Không phải tiết kiệm, mà đúng hơn là chúng ta CHỈ THAY 5% LƯỢNG XĂNG A92 BẰNG LƯỢNG TƯƠNG ĐƯƠNG ETHANOL, ĐẮT TIỀN HƠN, TỎA RA NHIỆT LƯỢNG THẤP HƠN, LÀM BẨN KHÔNG KHÍ HƠN VÀ ÉP BUỘC NHÂN DÂN CẢ NƯỚC PHẢI MUA VỚI LO LẮNG KHÔNG BIẾT ETHANOL CÓ ĐẠT ĐỘ TINH KHIẾT 99,5%? đảm bảo an toàn cho động cơ máy bền lâu?

2. Người dân trồng sắn, loại cây “tham ăn” dinh dưỡng, sau vài ba vụ, đất bị bạc mầu, năng suất thấp, sẽ bỏ đất hoang, tiếp tục vào sâu; chỉ cần 1 mồi lửa đốt rừng khai phá mảnh đất mới để trồng sắn. Nhiều nơi còn phải bổ sung phân hóa học và thuốc trừ sâu mới có sắn thu hoạch. Ngày xưa đất rừng, thảm thực vật phủ kín mặt đồi núi, nên sau những cơn mưa, nước đổ về xuôi rất chậm và toàn là nước trong. Ngày nay là những đồi trồng sắn mênh mông, sau mỗi cơn mưa, toàn là nước đất, nước bùn đỏ ngầu ào ạt đổ về xuôi tạo nên những cơn lũ quét cuốn đi tất cả. Các nhà máy ethanol đều đang ngập trong nợ nần, nên họ sẽ ép người nông dân phải bán sắn giá rẻ. Độc quyền 1 người mua, hàng vạn người bán sắn. Nông dân đành phải đắng lòng bán sắn như cho, vì ăn không hết, để thì thối hỏng. Chúng ta thường chỉ thấy những lãnh đạo nhà máy giàu, chứ chưa thấy nông dân đổi đời vì trồng sắn.

3. Brazil và Mỹ là những cường quốc trên Thế giới sản xuất và sử dụng xăng sinh học. Đất nước họ rộng thênh thang, có những cánh đồng mía và ngô bạt ngàn, bất tận. Điều quan trọng nhất, trái ngược hoàn toàn với chúng ta là HỌ KHÔNG ĐỔI RỪNG ĐỂ LẤY XĂNG SINH HỌC E5 và KHÔNG ỦNG HỘ ĐỘC QUYỀN.

4. Liên Hợp quốc đã thường xuyên và liên tục cảnh báo việc dùng gạo, ngô, khoai, sắn, lúa mì để sản xuất ethanol làm xăng sinh học vì lý do nhân dạo, vì trên Thế giới còn cả tỷ người đói ăn.

5. Về năng lực và trình độ quản lý thì Thanh tra Chính phủ đã có đánh giá, nhưng việc PVN dùng “tiền chùa” đi kinh doanh thì rất không nên. Tại sao tiền vay ngân hàng thương mại (Nhà nước, hay TMCP) của PVN lại gọi là tiền chùa? Vì PVN là tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, những dự án được Bộ Công thương ra quyết định phê duyệt đầu tư, nên vay vốn thuận lợi, dễ dàng. Nếu có thua lỗ, ngân hàng thương mại Nhà nước phải “khoanh nợ”, còn đối với ngân hàng TMCP thì Bộ Tài chính phải lấy NSNN, lấy tiền thuế của dân để trả. Nên các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước như VINASHIN, VINALINES, EVN, TKV, PVN, PETROLIMEX, VINACHEM… luôn đam mê các dự án mới hàng ngàn tỷ đồng vốn đầu tư.

6. Việc bán xăng E5 đã được thử nghiệm một vài năm. Báo cáo của Sở Công thương TP.HCM thẳng thắn chỉ ra là các cửa hàng kinh doanh xăng E5 có doanh thu thấp hơn so với xăng khoáng Ron 92 và Ron 95, sản lượng tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều ngày, tỷ lệ hao hụt rất cao (thẩm thấu), ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Đã có một số doanh nghiệp có văn bản đề nghị Sở Công thương về việc tạm ngưng kinh doanh xăng E5 sản lượng bán ra rất thấp và tỷ lệ chiết khấu không cao, không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng.

7. Xăng E5 là sạch, thân thiện môi trường? Như những phân tích ở trên, so với xăng thường, xăng sinh học E5 có khí thải ra bẩn hơn, cụ thể thải ra các hợp chất formaldehyd và acetaldehyd nhiều hơn. Góp phần chuyển đổi đất rừng thành đất trồng sắn, sau vài năm cạn kiệt dinh dưỡng bị bỏ hoang hóa, thành đất trống, đồi núi trọc, gia tăng lũ quét với bùn đất ào ạt đổ về xuôi.

IV. Vì lợi ích của PVN hay là của cả đất nước?

Nếu tiếp tục duy trì cho 3 nhà máy hoạt động, Bộ Tài chính hoặc Bộ Công thương phải đứng ra bảo lãnh các ngân hàng mới dám cho vay tiếp. Nhưng xăng E5 đã bán thử nghiệm một vài năm rồi, người tiêu dùng không mua, ethanol ứ thừa, tồn kho. Bằng cách nào để tiếp tục cứu giúp và duy trì “bộ khung quản lý” của 3 nhà máy này?

Cách duy nhất là ép buộc nhân dân cả nước phải dùng xăng E5. Vài tháng trước cuối năm 2017, lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã đánh tiếng là từ ngày 1.1.2018 sẽ dừng bán xăng A92, trên phạm vi cả nước chỉ có bán xăng E5. Đến nay, điều này đã được Petrolimex thực hiện, người tiêu dùng đã mất quyền lựa chọn. Độc quyền 1 người bán cho triệu người mua. Petrolimex đã vi phạm Luật Cạnh tranh bằng một quyết định hành chính đã ngăn chặn các doanh nghiệp thành viên không cho bán xăng A92 mà chỉ bán xăng E5. Trong hoạt động kinh tế, trên thương trường, Luật Cạnh tranh đã thực sự bị chính Bộ Công thương phủ chăn, đắp chiếu.

Cho dù Bộ Công thương đã sử dụng giải pháp độc quyền 1 người bán, ép nhiều triệu người tiêu dùng phải mua xăng E5 với giá đủ để cứu giúp 3 nhà máy ethanol, ví dụ sau 10 năm hoạt động thu đủ lợi nhuận để thanh toán được toàn bộ vốn vay và lãi cho chi phí quản lý và vận hành hàng ngày; trả đủ cả 5.400 tỷ đồng vốn vay đầu tư ban đầu và cả lãi nữa. Tiếc rằng TOÀN BỘ CÁI ĐƯỢC NÀY CHÍNH LÀ CÁI THIỆT HẠI mà nhiều triệu người tiêu dùng phải gánh chịu. Được – Mất này là hoàn toàn phi kinh tế, phi thị trường. Được – Mất này là do biện pháp hành chính quyết định, hoàn toàn không công bằng về thị trường.

Mặc cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần tuyên bố là xây dựng Chính phủ kiến tạo, không vì lợi ích nhóm, Bộ Công thương đã thực hiện giải pháp “ép người dân phải mua” để cứu giúp 3 nhà máy sản xuất ethanol, là những “tác phẩm” của anh Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh để lại.

Mất 5.400 tỷ đồng là lớn, nhưng cũng không thể so được với cái mất còn lớn hơn rất nhiều là nhiều rừng và thảm thực vật rừng sẽ tiếp tục bị mất với qui mô rộng lớn hơn, lũ bùn đất đỏ đổ về xuôi ngày càng nhiều hơn, người dân sẽ phải ngụp lặn chống chọi với lũ bùn đất rất tang thương. Tứ trụ Triều đình lại phải gồng mình lên xử lý hậu quả và kêu gọi nhân dân cả nước chung tay góp sức cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt.

Giải pháp TỐT nhất là mất ít hơn còn hơn mất nhiều hơn, đau đớn ít hơn còn hơn đau đớn nhiều hơn; đó là hãy vì lợi ích của cả đất nước là dẹp bỏ 3 nhà máy ethanol của PVN đi, đem bán sắt vụn và tuân thủ qui tắc vàng là “Động cơ nào xăng ấy”.

Tóm lại, chính sách xăng sinh học E5 cho ta KẾT QUẢ là có 3 nhà máy, nhưng HIỆU QUẢ THÌ RẤT ÂM, THỰC SỰ LÀ CHÍNH SÁCH ĐỔI ĐẤT RỪNG LẤY XĂNG SINH HỌC, GIA TĂNG NGẬP LỤT Ở MIỀN XUÔI, CÓ HẠI CHO ĐẤT NƯỚC.

CHÚNG TA ĐÃ VI PHẠM LUẬT CẠNH TRANH, ĐỐI KHÁNG VỚI QUI LUẬT GIÁ CẢ PHẢI PHẢN ÁNH SỰ THẬT KINH TẾ, VA ĐẬP VỚI QUI LUẬT GIÁ CẢ PHẢI PHẢN ÁNH SỰ THẬT SINH THÁI. DO VẬY CHÚNG TA ĐANG CÓ MỘT NỀN KINH TẾ MÉO MÓ.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây