Một đảng thất bại (Phần 3)

Foreign Affairs

Đặng Sơn Duân dịch

6-12-2020

Tiếp theo Phần 1Phần 2

TRIẾT LÝ BÁN HÀNG

Kinh nghiệm soạn thảo “đề cương học tập” cho tôi biết cái gọi là lý thuyết thiêng liêng do ĐCSTQ chủ trương thực chất là một công cụ ích kỷ dùng để lừa gạt người dân Trung Quốc. Tôi nhanh chóng biết được nó cũng là một thủ đoạn kiếm tiền. Một quan chức mà tôi biết làm việc trong Tổng cục Báo chí và Xuất bản, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các ấn phẩm và tạp chí, đã kể cho tôi nghe một sự việc đáng lo ngại liên quan đến cuộc đấu tranh giành giật doanh thu xuất bản trong ĐCSTQ.

Trong nhiều năm, Nhà xuất bản Hồng Kỳ là một trong ba cơ sở chịu trách nhiệm xuất bản sách giáo dục trong ĐCSTQ. Vào năm 2005, cơ quan này bắt đầu xuất bản một cuốn sách thông thường về giáo dục đảng thì bị một quan chức của Ban Tổ chức Trung ương (cơ quan chịu trách nhiệm về các quyết định nhân sự của ĐCSTQ) can thiệp và nhấn mạnh chỉ có Ban Tổ chức Trung ương mới có quyền xuất bản cuốn sách như vậy. Quan chức này đã yêu cầu Tổng cục Báo chí và Xuất bản ngăn chặn việc xuất bản cuốn sách.

Tuy nhiên, công việc chính của NXB Hồng Kỳ là xuất bản sách về ý thức hệ. Để thoát khỏi tình trạng khó khăn, Tổng cục Báo chí và Xuất bản đã thẩm tra cuốn sách, hy vọng tìm ra một cái cớ để ngăn chặn việc xuất bản cuốn sách, nhưng thật khó xử là không tìm thấy lỗi gì.

Tại sao Ban Tổ chức Trung ương lại coi quyền xuất bản sách là lãnh địa của mình? Tất cả đều quy về tiền bạc. Nhiều phòng ban có quỹ đen của riêng họ, những quỹ này được sử dụng cho cuộc sống xa hoa của các quan chức cấp cao và phân phối “trợ cấp phúc lợi” cho nhân viên trong bộ phận. Cách dễ nhất để bổ sung những kho bạc nhỏ này là xuất bản sách. Vào thời điểm đó, ĐCSTQ có hơn 3,6 triệu tổ chức cơ sở và mỗi tổ chức được yêu cầu mua ấn phẩm mới.

Nếu mỗi cuốn sách được định giá 10 nhân dân tệ, sẽ có ít nhất 36 triệu nhân dân tệ doanh thu, tương đương hơn 5 triệu đô la Mỹ hiện nay. Vì tiền đến từ ngân sách công của chi bộ đảng địa phương, nên kế hoạch này về cơ bản buộc đảng và chính quyền địa phương sử dụng công quỹ để mua sách, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các tổ chức cấp cao của đảng. Hèn gì Ban Tổ chức Trung ương mỗi năm lại đẩy mạnh một chủ đề giáo dục chính trị mới. Không có gì ngạc nhiên khi hầu hết tất cả các tổ chức trong ĐCSTQ đều có bộ phận xuất bản của riêng họ. Hầu hết mọi bộ phận đều phát minh ra những cách mới để kiếm tiền và tham nhũng đã thâm nhập vào hệ thống ĐCSTQ.

Mặc dù tôi ngày càng thất vọng hơn, nhưng tôi không hoàn toàn cự tuyệt đảng. Giống như nhiều học giả trong hệ thống, tôi vẫn hy vọng ĐCSTQ có thể chấp nhận cải cách và tiến tới tới một phương hướng dân chủ nhất định. Trong phần sau của thời kỳ Giang Trạch Dân, ĐCSTQ bắt đầu dung túng các cuộc thảo luận tương đối thoải mái về các vấn đề nhạy cảm trong đảng, miễn là các cuộc thảo luận này không bao giờ được công khai.

Tại Trường Đảng Trung ương, tôi và đồng nghiệp có thể thoải mái thảo luận những vấn đề sâu xa trong thể chế chính trị của Trung Quốc. Chúng tôi thảo luận về việc giảm bớt vai trò của các quan chức đảng, để các quan chức hành chính phụ trách các công việc hành chính của chính phủ. Chúng tôi thảo luận về ý tưởng độc lập tư pháp đã được viết vào hiến pháp nhưng chưa bao giờ thực sự được thực thi.

Điều khiến chúng tôi vui mừng là ĐCSTQ đang thực sự thử nghiệm dân chủ trong nội bộ và trong xã hội cấp cơ sở. Tôi xem tất cả những điều này là những dấu hiệu đầy hy vọng của sự tiến bộ. Nhưng những sự kiện sau đó đã khiến sự vỡ mộng của tôi trở nên trầm trọng hơn.

MỘT CÁCH KHÁC

Một bước ngoặt quan trọng xảy ra vào năm 2008, khi tôi đến Tây Ban Nha trong chuyến thăm ngắn ngày dường như là định mệnh. Đến thăm đất nước này như một phần của cuộc trao đổi học thuật, tôi có thể tìm hiểu thêm về cách Tây Ban Nha chuyển đổi từ chế độ chuyên quyền sang dân chủ sau cái chết của nhà độc tài Francisco Franco vào năm 1975. Tôi không thể không so sánh kinh nghiệm của Tây Ban Nha với Trung Quốc.

Mao qua đời chỉ mười tháng sau cái chết của Franco và cả hai quốc gia đã trải qua những thay đổi to lớn trong ba thập niên sau đó. Tuy nhiên, Tây Ban Nha đã hoàn thành quá trình chuyển đổi dân chủ một cách nhanh chóng và hòa bình, đạt được ổn định xã hội và thịnh vượng kinh tế, trong khi Trung Quốc chỉ đạt được một phần chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế hỗn hợp, mà không tự do hóa chính trị. Tây Ban Nha có thể dạy gì cho Trung Quốc?

Kết luận bi quan của tôi là ĐCSTQ không có khả năng cải cách chính trị. Một mặt, sự chuyển đổi của Tây Ban Nha được khởi xướng bởi các lực lượng cải cách trong chế độ hậu Franco, chẳng hạn như Vua Juan Carlos I, người đã đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân. ĐCSTQ nắm quyền bằng bạo lực vào năm 1949, bị ám ảnh bởi ý niệm rằng họ có được sự độc quyền vĩnh viễn về quyền lực chính trị. Lịch sử của ĐCSTQ, đặc biệt là việc đàn áp các cuộc biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn, cho thấy họ sẽ không từ bỏ sự độc quyền đó một cách hòa bình. Không một nhà lãnh đạo nào sau Đặng Tiểu Bình có đủ can đảm thúc đẩy cải cách chính trị mà chỉ đơn giản là muốn chuyển giao trách nhiệm này cho các nhà lãnh đạo tương lai.

Tôi cũng được biết sau cái chết của Franco, Tây Ban Nha đã nhanh chóng tạo ra một môi trường thuận lợi để cải cách, củng cố độc lập tư pháp, mở rộng tự do báo chí và thậm chí đưa các lực lượng đối lập vào quá trình chuyển đổi. Ngược lại, ĐCSTQ coi những đòi hỏi về công bằng kinh tế và xã hội là mối đe dọa đối với quyền lực của họ. Họ đàn áp xã hội dân sự và hạn chế nghiêm trọng quyền tự do của người dân. Trong nhiều thập niên, chế độ cộng sản Trung Quốc và nhân dân đối đầu nhau, khiến hòa giải trở thành chuyện khó có thể nghĩ đến.

Nhận thức mới về quá trình chuyển đổi dân chủ của Tây Ban Nha, cùng với nghiên cứu và hiểu biết của tôi về khối Liên Xô cũ đã khiến tôi từ bỏ căn bản ý thức hệ chủ nghĩa Marx mà tôi từng có niềm tin không thể lay chuyển. Tôi nhận ra lý luận mà Marx đưa ra trong thế kỷ 19 không chỉ bị giới hạn bởi trí tuệ của chính ông, mà còn bởi hoàn cảnh lịch sử thời đại của ông. Ngoài ra, tôi cũng nhận ra phiên bản chủ nghĩa Marx tập quyền cao độ và áp bức do ĐCSTQ chủ trương đến từ Stalin nhiều hơn chứ không phải từ chính Marx.

Tôi ngày càng nhận ra đó là một ý thức hệ được hình thành để phục vụ cho một chế độ độc tài tư lợi. Vì vậy, tôi bắt đầu ngụ ý trong các bài báo và bài giảng của mình rằng không nên coi chủ nghĩa Marx là chân lý tuyệt đối và Trung Quốc phải mở đường cho dân chủ. Vào năm 2010, khi một số học giả tự do xuất bản một chuyên đề “Hướng tới chủ nghĩa hợp hiến”, tôi đã đóng góp một bài báo thảo luận về kinh nghiệm của Tây Ban Nha.

Tầm nhìn chung của tôi với các học giả tự do khác là Trung Quốc sẽ bắt đầu bằng nền dân chủ nội đảng và sau một thời gian dài nỗ lực cuối cùng nó sẽ dẫn đến nền dân chủ hợp hiến. Trung Quốc sẽ có một quốc hội và thậm chí là một đảng đối lập thực sự. Trong thâm tâm tôi lo lắng ĐCSTQ có thể chống lại sự chuyển đổi này một cách thô bạo, nhưng tôi luôn giữ nỗi lo này cho riêng mình.

Ngược lại, khi nói chuyện với các đồng nghiệp và sinh viên, tôi nhấn mạnh sự chuyển đổi này có lợi cho Trung Quốc và chính đảng, đảng có thể củng cố tính chính danh của mình bằng cách tự chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nhiều quan chức mà tôi từng dạy đã thừa nhận những vấn đề mà ĐCSTQ phải đối mặt, nhưng bản thân họ không thể nói ra. Họ thận trọng thúc giục tôi thuyết phục thượng cấp của họ.

THẤT VỌNG VỚI TẬP CẬN BÌNH

Vấn đề là vào thời điểm đó, người kế nhiệm Giang là Hồ Cẩm Đào đang đi theo hướng ngược lại. Năm 2003, khi Hồ Cẩm Đào vẫn đang trong quá trình tiếp quản và nắm quyền, ông ta đề xuất “Quan điểm phát triển khoa học” để thay thế “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân. Khái niệm này là một nỗ lực khác nhằm biện minh cho mô hình phát triển hỗn hợp của Trung Quốc với lớp vỏ mỏng là ý thức hệ mang âm hưởng chủ nghĩa Marx. Nó tránh được những vấn đề cơ bản mà Trung Quốc phải đối mặt.

Trên thực tế, sự phát triển chóng mặt của Trung Quốc đang gây ra những xung đột xã hội, chẳng hạn như đất đai của nông dân bị thu hồi để phát triển và các nhà máy bóp nặn công nhân để kiếm thêm lợi nhuận. Số lượng người khiếu kiện tìm kiếm các biện pháp giải quyết của chính phủ tăng đáng kể, với hơn 100.000 vụ biểu tình trên toàn quốc mỗi năm. Theo tôi, những bất mãn này cho thấy trong bối cảnh không có tự do chính trị, việc phát triển kinh tế của Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, Hồ Cẩm Đào không nghĩ như vậy. Năm 2008, trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm cải cách và mở cửa, ông nói: “Đừng làm rối tung”. Tôi hiểu nhận xét của Hồ có nghĩa là những cải cách kinh tế, chính trị và ý thức hệ mà ĐCSTQ đã thực hiện cho đến nay có thể được duy trì, nhưng sẽ không được thúc đẩy. Hồ Cẩm Đào thực sự đang tự bảo vệ mình để tránh bị cáo buộc từ hai hướng: những người bảo thủ tin rằng cải cách đã đi quá xa, trong khi những người theo chủ nghĩa tự do cho rằng nó vẫn chưa đi đủ xa. Do đó, dưới sự giám hộ của Hồ, Trung Quốc bước vào thời kỳ trì trệ chính trị, một quá trình suy thoái tương tự Liên Xô cũ trong thời kỳ Brezhnev.

Vì vậy, tôi lạc quan tin tưởng về Tập khi việc ông ta sẽ lên nắm quyền trở nên rõ ràng. Những cải cách dễ dàng đều đã được thực hiện cách đây 30 năm, bây giờ là lúc giải quyết những vấn đề khó khăn. Với danh tiếng của cha ông Tập, một cựu lãnh đạo ĐCSTQ với khuynh hướng tự do, và phong cách linh hoạt mà chính Tập đã thể hiện trong các chức vụ trước đây, tôi và những người ủng hộ cải cách khác hy vọng nhà lãnh đạo mới của chúng tôi sẽ có can đảm thực hiện những thay đổi táo bạo đối với hệ thống chính trị Trung Quốc.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có niềm tin như vậy đối với Tập Cận Bình. Những người hoài nghi mà tôi biết được chia thành hai loại và cả hai đều đã được chứng minh là nhìn xa trông rộng.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây