Một đảng thất bại (Phần 2)

Foreign Affairs

Đặng Sơn Duân dịch

5-12-2020

Tiếp theo Phần 1

LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN

Quan điểm của tôi khớp một phần với suy nghĩ của Giang Trạch Dân, người kế nhiệm Đặng Tiểu Bình. Giang Trạch Dân quyết tâm phát triển kinh tế Trung Quốc, tìm kiếm các chính sách kích thích sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân và nỗ lực đưa Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tuy nhiên, các chính sách này mâu thuẫn với các lý luận về kinh tế kế hoạch và tự cung tự cấp quốc gia mà ĐCSTQ chủ trương từ lâu. Vì tư tưởng của Marx, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình không thể giải quyết được những mâu thuẫn này, nên Giang Trạch Dân cảm thấy phải đề xuất một cái gì đó mới. Ông gọi nó là “Ba đại diện”.

Giống như những người khác, lần đầu tiên tôi nghe nói về lý thuyết mới này vào tối ngày 25 tháng 2 năm 2000, khi Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng một báo cáo về “Ba đại diện”. Giang Trạch Dân nói ĐCSTQ phải đại diện cho ba khía cạnh ở Trung Quốc: đại diện cho “yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất tiên tiến”, một nền văn hóa tiến bộ và lợi ích của đa số người dân. Là một giáo sư tại Trường Đảng Trung ương, tôi lập tức nhận ra lý thuyết này báo hiệu một sự thay đổi lớn trong ý thức hệ của ĐCSTQ. Đặc biệt, điều đầu tiên trong “Ba đại diện” ngụ ý Giang Trạch Dân đã từ bỏ khái niệm cốt lõi của chủ nghĩa Marx rằng các nhà tư bản là một nhóm xã hội bóc lột. Thay vào đó, Giang Trạch Dân đã mở cửa đảng cho những người như họ, một quyết định mà tôi hoan nghênh.

Cơ quan phụ trách công tác tư tưởng của ĐCSTQ là Ban Tuyên truyền Trung ương chịu trách nhiệm tuyên truyền lý luận mới của Giang Trạch Dân, nhưng họ gặp một vấn đề rắc rối: “Ba đại diện” đã bị phe cực tả chỉ trích và họ tin rằng Giang Trạch Dân đã đi quá xa trong việc tranh thủ các doanh nghiệp tư nhân. Để tránh gây tranh cãi, Ban Tuyên truyền Trung ương đã chọn pha loãng lý luận. Tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng một bài báo dài cả trang, chứng minh tính đúng đắn của “Ba đại diện” bằng cách trích dẫn chéo các tài liệu của Marx, Engels, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Tôi thấy điều này không thuyết phục. Nếu chỉ để nhắc lại ý thức hệ hiện hữu thì tại sao phải đề xuất “Ba đại diện”? Tôi chán chường với cách giải thích hời hợt từ cơ quan tuyên truyền của đảng. Tôi quyết tâm tiết lộ ý nghĩa thực sự của “Ba đại diện”. Lý thuyết này thực sự đánh dấu sự khám phá táo bạo của Trung Quốc. Và nó cũng sẽ khiến tôi xung đột với bộ máy quan liêu thâm căn cố đế của ĐCSTQ.

TINH HOA VÔ HỌC

Một cơ hội tình cờ vào đầu năm 2001 cho phép tôi nâng cao hiểu biết về “Ba đại diện”. Khi CCTV nghe nói tôi đặc biệt quan tâm đến lý luận mới của Giang Trạch Dân, họ mời tôi viết kịch bản để họ sản xuất chương trình truyền hình “Ba đại diện”. Tôi dành sáu tháng để nghiên cứu và viết phim tài liệu, cũng như thảo luận chi tiết với các nhà sản xuất đài truyền hình. Trong thuyết minh của mình, tôi nhấn mạnh chỉ có đổi mới chính sách mới có thể đáp ứng được những thách thức của thời đại mới. Tôi nhấn mạnh tuyên bố của Giang Trạch Dân: Nếu chính phủ muốn giảm can thiệp kinh tế, nhiệm vụ của đảng không còn là tạo ra các cuộc cách mạng bạo lực chống lại các nhà tư bản bóc lột mà là khuyến khích tạo ra của cải và cân bằng lợi ích của mọi thành phần trong xã hội.

Vào chiều ngày 16 tháng 6, bốn phó giám đốc của CCTV tập trung tại một trường quay trong trụ sở của đài để xem lại ba tập phim tài liệu dài 30 phút. Khi xem nó, sắc mặt của họ tối sầm lại. Vào cuối tập đầu tiên, một trong những phó giám đốc nói: “Chúng ta hãy dừng lại”.

“Thưa giáo sư Thái, giáo sư có biết tại sao giáo sư được mời làm phim “Ba đại diện” không?”, anh ta hỏi.

Tôi trả lời: “Đảng đã đề xuất một lý luận tư tưởng mới và chúng ta cần tuyên truyền nó”.

Vị quan chức này không hề bị lay chuyển. Anh ta tiếp tục nói: “Bà có thể nói về nghiên cứu và đổi mới của mình trong lớp học ở Trường Đảng, nhưng bà không thể nói về nó trên TV. TV phải rất an toàn”. Vào thời điểm đó, không có ai có thể xác định hàm nghĩa cuối cùng của “Ba đại diện”, anh ta lo lắng kịch bản của tôi có thể không phù hợp với quan điểm của Ban Tuyên truyền. “Nếu có bất kỳ sự khác biệt nào, tác động sẽ quá lớn”.

Một lãnh đạo đài khác phụ họa. “Năm nay là kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc!”, anh ta nói lớn. Một lễ kỷ niệm như vậy không đòi hòi cuộc thảo luận về những thách thức mà đảng phải đối mặt, mà là để kỷ niệm chiến thắng hào hùng của đảng. Vào lúc đó, tôi hiểu: Những người ở CCTV không quan tâm đến hàm ý thực sự của ý thức hệ, họ chỉ muốn làm cho đảng trông hào nhoáng và làm hài lòng cấp trên của họ.

Trong mười ngày tiếp theo, chúng tôi bận rộn làm lại bộ phim tài liệu. Chúng tôi đã cắt những từ nhạy cảm và làm việc suốt ngày đêm. Bài thuyết minh tôi viết được các nhóm quan liêu khác nhau trong đảng thẩm tra về mặt chính trị. Cuối cùng, hơn một chục quan chức đã họp để xét duyệt lần cuối cùng, nhưng lần này tôi càng nhìn thấy thói đạo đức giả trong đảng. Một quan chức cấp cao của ủy ban xét duyệt phát biểu tại cuộc họp. Trong tập thứ hai của bộ phim tài liệu, tôi đã trích dẫn câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình: “Nghèo đói không phải là chủ nghĩa xã hội, phát triển mới là đạo lý cứng”.

Vị quan chức chất vấn: “Nghèo đói không phải là chủ nghĩa xã hội? Chủ nghĩa xã hội là gì?”. Anh ta tiếp tục phê bình, giọng càng lúc càng lớn. “Phát triển mới là đạo lý cứng? Làm thế nào hai câu này có thể liên kết với nhau? Hãy chỉ ra cho tôi!”.

Tôi chết lặng. Đây là những lời nguyên văn của Đặng Tiểu Bình, nhưng lãnh đạo Cục Quản lý nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình, một quan chức cấp cao trong một tổ chức quyền lực chịu trách nhiệm giám sát tất cả các phương tiện phát thanh truyền hình, thậm chí còn không biết? Tôi nghĩ ngay đến lời phê bình của Mao Trạch Đông đối với các quan chức thời Cách mạng Văn hóa: “Đừng đọc sách, đừng đọc báo”.

TƯ TƯỞNG SÁO RỖNG

Trong năm 2001, để tuyên truyền lý luận của Giang Trạch Dân, Ban Tuyên truyền Trung ương đề ra việc xây dựng đề cương nghiên cứu “Ba đại diện” làm tài liệu trung ương để phát hành cho toàn đảng học tập và thực hiện. Có lẽ vì tôi đã tham gia một chương trình CCTV và bày tỏ quan điểm của mình về “Ba đại diện” tại một hội nghị học thuật nên tôi được mời hỗ trợ.

Tôi được cử đến trung tâm đào tạo của Ban Tuyên truyền Trung ương gần Tây Sơn ở Bắc Kinh, cùng với một học giả và 18 quan chức của Ban Tuyên truyền. Ban Tuyên truyền Trung ương đã xác định kết cấu tổng thể của đề cương học tập, việc của chúng tôi là điền nội dung vào kết cấu. Nhiệm vụ của tôi là viết phần xây dựng đảng.

Các văn kiện khởi thảo cho trung ương được bảo mật cao. Tôi và đồng nghiệp bị cấm ra khỏi nơi viết lách, sinh hoạt, cũng như không được tiếp khách. Nếu Ban Tuyên truyền Trung ương triệu tập một cuộc họp, những người không được mời tham dự không được phép đặt câu hỏi về nó. Soạn giả chúng tôi có thể đi ăn và đi dạo cùng nhau, nhưng chúng tôi không được phép thảo luận về công việc. Tôi là người phụ nữ duy nhất trong nhóm.

Vào bữa tối, những người đàn ông nói chuyện phiếm và kể chuyện cười. Tôi nghĩ những câu chuyện phiếm có hơi men mang tính khiêu dâm như thế này là vô cùng thô tục và thường lẻn đi sau khi ăn vài miếng. Sau đó, một người tham gia gọi tôi sang một bên và giải thích với tôi rằng nói về công việc chính thức sẽ chỉ khiến chúng tôi gặp rắc rối. Do đó, sẽ an toàn và dễ chịu hơn nếu giới hạn phạm vi trò chuyện trong các vấn đề tình dục.

Hỗ trợ viết “đề cương học tập” là công việc viết lách quan trọng nhất trong đời tôi, nhưng cũng là phi lý nhất. Công việc của tôi là đọc qua một đống tài liệu ghi lại những suy nghĩ của Giang Trạch Dân, bao gồm các bài phát biểu mật và văn kiện nội bộ. Sau đó, tôi trích xuất các trích dẫn thích hợp có liên quan, đặt chúng dưới mỗi tiêu đề phụ và ghi rõ nguồn. Tôi không thể thêm hoặc xóa văn bản, nhưng tôi có thể thay đổi dấu chấm thành dấu phẩy và nối một dấu ngoặc kép này với một dấu ngoặc kép khác. Điều làm tôi kinh ngạc là sự giải thích chính thức về thay đổi tư tưởng quan trọng nhất của đảng thời hậu Mao không hơn gì một công việc cắt và dán.

Bởi vì nhiệm vụ rất đơn giản, tôi mất rất nhiều thời gian chờ đợi công việc của mình được xem xét một cách nhàm chán. Một ngày nọ, tôi ngập ngừng hỏi một giáo sư ở Đại học Nhân dân, người cùng tham gia biên soạn: “Không phải chúng ta đang biên soạn một phiên bản khác của “Mao chủ tịch ngữ lục” sao?, (đề cập đến một cuốn sách bỏ túi màu đỏ trích các câu cách ngôn của Mao trong Cách mạng Văn hóa). Anh ta nhìn quanh, cười ranh mãnh và nói: “Đừng lo lắng quá. Phong cảnh đẹp như thế này, đồ ăn thức uống ngon lành, tản bộ thoái mái, đãi ngộ hậu hĩnh như vậy biết tìm ở đâu? Tìm một cuốn sách để đọc, miễn là cô có mặt khi họ gọi đi họp”.

Vào tháng 6 năm 2003, cuộc họp báo về “Đề cương học tập tư tưởng trọng yếu của Ba đại diện” được tổ chức một cách trang trọng tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh. Tất cả những người tham gia biên soạn được mời tham dự. Lưu Vân Sơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên truyền trung ương lúc bấy giờ trình bày báo cáo. Khi ông ta và các quan chức khác biểu diễn trên sân khấu, tôi có cảm giác chìm đắm liên tục. Hiểu biết của tôi về “Ba đại diện” như một điểm xoay trục quan trọng về ý thức hệ của đảng bị loại bỏ hoàn toàn khỏi tài liệu và được thay thế bằng những thứ khuôn sáo. Nhớ đến những câu chuyện phiếm dung tục trên bàn ăn hàng đêm, lần đầu tiên tôi cảm thấy hệ thống mà bấy lâu nay tôi coi là thiêng liêng lại quá vô lý đến mức không thể chấp nhận được.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây