Nguyễn Quang A
7-2-2020
NCoV đã gây ra nhiều cuộc khủng hoảng. Khủng hoảng khẩu trang chỉ xảy ra ở Việt Nam trong 1 tuần nhưng đáng rút ra bài học về chính sách công. Xét về khía cạnh dân tuý và hậu quả không lường trước thì khủng hoảng khẩu trang có thể là thí dụ điển hình.
1. a)- Ngày 30-1-2020 ông Thủ tướng nói có thể (thảo luận về) “toàn dân phải đeo khẩu trang” để chống nCoV; b) Sáng 1-2-2020 phó Thủ tướng phụ trách Bộ Y tế tuyên bố “Từ giờ phút này trở đi, người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ nhà thuốc nào tăng giá bán, không cần thanh tra xuống làm việc, Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó”.
2. Tính dân tuý: Cả 1.a) lẫn 1.b) rõ ràng mang nặng tính dân tuý vì chúng không được tính toán kỹ lưỡng, phát ngôn mang tính ngẫu hứng có vẻ rất được lòng dân và tỏ ra mạnh mẽ, kiên quyết,… Nhưng,
3. Có bao hậu quả mà các chính sách hay thậm chí phát ngôn (chứ chưa thành chính sách) của các vị tai to mặt lớn không lường trước (trong trường hợp này nếu họ nghĩ 2 lần trước khi nói thì có thể tránh được ngay):
Có thể thấy 1.a) đẩy cầu khẩu trang lên cả ngàn lần và làm trầm trọng thêm tình hình; 1.b) không chỉ có thể vi phạm quy định pháp luật hiện hành mà cũng gây rối hệ thống cung như thế cũng làm tăng sự khan hiếm và làm trầm trọng thêm tình hình; còn quan trọng hơn nó gây lo lắng quá đáng trong dân cư và góp phần đẩy cầu, động cơ tích trữ,… lên thêm nữa và LÀM TRẦM TRỌNG THÊM VẤN ĐỀ (chưa nói đến lãng phí tiền của mà không có kết quả).
4. May thay cuộc khủng hoảng khẩu trang giống cơn bão trong tách trà, các chuyên gia, rồi đến Bộ Y Tế cũng lên tiếng KHÔNG PHẢI AI AI cũng cần đeo khẩu trang (chỉ những người cần mới nên đeo khẩu trang, đeo khi nào, ở đâu, đeo sao cho đúng cách,… được làm rõ).
Các vị tai to mặt lớn hãy cẩn trọng khi phát ngôn và báo chí nhà nước cũng không nên nịnh cấp trên bằng cách đưa bừa các phát ngôn của họ mà không có phê phán (ông Thủ tướng chỉ yêu cầu thảo luận có nên hay không nhưng cách đưa tin thiếu phê phán của báo chí khiến mọi người nghĩ đấy là quyết định của ông).