FB Nguyễn Văn Phước
8-9-2018
Tiếp theo phần 1
Cách đây 2 tuần, vào chiều tối thứ Bảy, điện thoại tôi bỗng nhận được tin nhắn. Nhìn tên tôi nhận ra người sĩ quan An ninh 3 năm trước, là một trong hai viên An ninh đã từ Hà Nội bay vào First News – Trí Việt buổi chiều tháng 6/2015 để điều tra cuộc đấu giá Bức tranh ‘Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử’:
– Anh Phước khoẻ không? Chúc mừng cuốn sách tâm huyết của anh đã ra đời.
– Ô ! Lâu quá không gặp lại anh. Anh đang ở đâu?
– Tôi vẫn ở Hà Nội. Cuốn sách đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Tôi vẫn dõi theo những bước anh đi và việc anh làm. Hình như anh vừa lên làm việc với cơ quan an ninh nữa phải không?
– Ồ ! Sao anh biết? Đúng là an ninh có khác, việc gì cũng biết. Xong mấy ngày rồi anh, chuyện nhỏ hiểu lầm chút thôi. Khi nào anh vào Sài Gòn mời anh ghé qua văn phòng anh em ta làm vài ly trò chuyện cho vui. Tròn 3 năm rồi không gặp lại anh.
– Cảm ơn anh! Rượu thì tôi không thiếu, chỉ muốn được anh ký tặng cuốn sách Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử là vui rồi.
Sau đó tôi và anh có hẹn hai lần, ở Hà Nội và Sài Gòn mà đều không gặp được, lúc thì anh không có ở Hà Nội, lúc thì tôi đi công tác. Tôi vẫn còn giữ cuốn sách tôi ghi lời tặng cùng chữ ký của đầy đủ các anh em Cựu binh Gạc Ma. Anh là người cán bộ an ninh mà tôi có thiện cảm dù mới chỉ gặp một lần. Anh nhắn tin sẽ vào Sài Gòn nhận sách.
Cuốn sách ‘Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử’ sau 4 năm ra mắt đã tạo nên một cơn bão chưa từng có trên MXH liên tục hơn 2 tháng trời mà vẫn chưa có tín hiệu dừng lại. Face Book tôi nhận được rất nhiều tin nhắn vui mừng, chia sẻ, động viên và cả những lời chửi bới, miệt thị. Tất cả những tin nhắn thiếu hiểu biết đó không chỉ là từ những nick clone, không phải người thật mà còn của nhiều người giữ cấp bậc cao trong quân đội đã về hưu. Đặc biệt tôi nhận được rất nhiều câu hỏi thú vị của nhiều người trong và ngoài nước và tôi đã trả lời. Thay cho bài viết, tôi đăng lại các câu hỏi và trả lời để các bạn cùng chia sẻ:
1. Vì sao với rất nhiều sách hay anh và First News đã làm, có tại sao anh lại kiên định mạo hiểm với một đề tài trước giờ vốn bị cho là quá nhạy cảm?
– Rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè và ngay cả những người thân của tôi đều ngăn tôi không nên làm cuốn này. Lo yên ổn để làm ăn, lo cho anh em công ty chứ dại gì ôm rơm cho dặm bụng. Nhưng tôi chưa từng thay đổi mục tiêu một khi thấy điều đó có ý nghĩa và giá trị với nhiều người Việt Nam, nhất là trong giai đoạn xã hội có nhiều biến động, chủ quyền Biển Đông bị đe doạ. Và tôi nghĩ nhiều người Việt Nam cần cuốn sách này.
2. Anh có ai chống lưng không? Hay có những ai đó nói anh làm cuốn sách này?
– Không ! Không có một ai hết. Tôi quyết tâm làm cuốn sách này khi tình cờ xem được đoạn Clip 3 phút thảm sát những người lính ở Gạc Ma bằng tiếng Trung do Trung Quốc tung ra trên Internet. Khi còn nhỏ, Ba tôi có nói với tôi: ‘Hãy là người chơi cờ – thắng thua không quan trọng – nhưng đừng bao giờ là quân cờ của ai hết’.
Tôi mất đi một số bạn bè nhưng lại có thêm rất nhiều người hiểu được và hết lòng ủng hộ âm thầm trong hành trình 4 năm làm cuốn sách này – kể cả trước và sau khi sách được phát hành. Nhất là những bạn đọc, những quân nhân chính trực và yêu nước đã đứng ra đập tan những luận điệu vu khống xuyên tạc hòng huỷ diệt cuốn sách.
3. Anh có định tham gia chính trị không?
– Không ! Tôi thích được là chính mình, thích sáng tạo làm sách vì sách có thể chuyển đổi con người. Làm chính trị, nếu không kiên trung, thường dễ bị đánh mất mình trước mà chưa kịp thay đổi được ai.
4. Anh thấy thế nào khi bên cạnh số đông ủng hộ, có những phản đối kịch liệt của một số người, đặc biệt là một vài vị tướng quân đội về hưu như Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Thiếu tướng Hoàng Kiền vì vài lỗi sai đã được đính chính…? Anh có nghĩ phía sau sự chống đối này ẩn chứa điều gì?
– Tôi thấy bình thường. Số lượng người phản đối, đòi tiêu huỷ cuốn sách ít hơn tôi dự đoán ban đầu. Tôi có đọc mấy stt đầu tiên của của nhiều người xưng danh tướng tá, tiếc rằng các stt đó đều được viết theo cách tự suy luận, áp đặt, chụp mũ khi chưa hề đọc sách. Nếu các vị tướng tá đó đọc kỹ cuốn sách chắc chắn sẽ không viết như vậy. Còn sau đó, tôi không bình luận và để tâm nữa. Tôi trích dẫn lời một bạn đọc: ‘Nếu các ông tự cho mình biết rõ về trận Gạc Ma từ đầu, vậy suốt 30 năm qua vì sao các ông im lặng? Các ông đã ở đâu?’.
– Ngoài ra làn sóng kêu gọi chống đối đòi tiêu huỷ cuốn sách này cùng với Bộ Quốc Sử 15 tập chắc chắn có mục đích và có liên hệ với nhau. Đằng sau chắn chắn có một thế lực giấu mặt và ẩn chứa những điều sau này sẽ sáng tỏ. Tôi tin sự thật và chính nghĩa sau cùng sẽ chiến thắng.
5. Anh có bị tổn thương khi bị các vị tướng đó qui chụp là ‘trở cờ, phản động, bài Trung, phò Mỹ, dựng cờ vàng’ ?
– Không! Không hề. Tôi có như vậy đâu mà bị tổn thương? Tôi là người Việt Nam yêu nước. Cá nhân tôi và tập thể First News – Trí Việt luôn đau đáu trăn trở đến sự phát triển đất nước và sự nghiệp khai phong mở trí, gieo hạt giống tâm hồn tri thức cho bạn đọc và nhân dân.
Ở giai đoạn này, các bạn không thấy rõ là có nhiều người rất yêu nước chính trực lại bị chụp mũ, vu là phản động sao ? Lịch sử và nhân dân sau này sẽ minh chứng điều đó.
6. Anh nhận ra điều gì qua việc xuất bản cuốn sách này?
– ‘Thế giới này không chỉ bị huỷ hoại bởi kẻ ác – mà còn bị huỷ hoại bởi những kẻ vô cảm, bàng quan, câm lặng với những gì kẻ ác làm’.
7. Có vài người ác ý nói rằng anh cố tình để những lỗi sai trên cuốn sách?
– Tôi và đồng nghiệp First News – Trí Việt đã làm trên 2.800 cuốn sách trong 24 năm qua. Và đây là lần đầu tiên một cuốn sách của First News có tờ đính chính. Đó thực sự là những sai sót ngoài ý muốn khi riêng ở First News đã hàng chục người đọc, Hội đồng thẩm định cấp nhà nước (do Ban TGTW thành lập) và ngoài Biên tập viên, đích thân giám đốc, TBT NXB đã đọc rất kỹ. First News không thể tự ý xuất bản cuốn sách này được nếu từng dòng, từng chữ nội dung, từng tấm ảnh không thông qua NXB Văn Học.
8. Nhiều người bình luận trên MXH là sự kiện Gạc Ma đã được báo chi đề cập ngay từ khi xảy ra sự kiện 14/3/1988, chứ đâu có cấm đoán gì đâu?
– Chỉ đúng một phần, báo Nhân Dân và một số báo ngay sau đó có đưa tin và tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Việt Nam khá mạnh mẽ, nhưng sau 1990, người dân ít được thông tin về Gạc Ma. Chỉ vài năm gần đây lác đác có một số bài báo, và sau 22/7/2015 là ngày đấu giá bức tranh ‘Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử’ tại chùa Vĩnh Nghiêm cùng Đại Lễ Tưởng Niệm Cầu Siêu có Bộ trưởng Bộ CA là Đại tướng Trần Đại Quang đến dự, các phương tiện thông tin đại chúng mới viết nhiều về Gạc Ma. Trước đó nhiều hoạt động tưởng niệm Gạc Ma bị ngăn cản bởi những người không ủng hộ việc này. Tôi và nhóm thực hiện có đầy đủ nguồn tư liệu về những điều này.
9. Sau khi sách ra, trên MXH lan truyền từ một số người là Trần Thị Thuỷ, con gái Liệt sĩ Trần Văn Phương kiện những người thực hiện sách đòi rút lá thư ra khỏi cuốn sách?
– Không hề có chuyện đó! Tôi vừa nói chuyện với em Trần Thị Thuỷ cách đây hai ngày. Thật không thể tưởng tượng nổi – không chỉ những người làm sách bị tấn công, mà em Trần Thị Thuỷ cũng bị tấn công, áp lực không kém – chỉ vì trong cuốn sách có trích đăng một phần lá thư của Trần Thị Thuỷ gửi Ban Tổ Chức sau Đại lễ Tưởng Niệm Cầu Siêu và Đấu giá tranh Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử 22/7/2015.
Em Thuỷ kể: “Họ nhắn tin FB, gọi điện thoại tại sao lại dám viết lá thư như vậy? Có được ngày hôm nay rồi mà còn kể lể…, họ có phải là em, là mẹ em đâu mà có thể hiểu được những nỗi đau không nói lên lời suốt một thời gian dài từ khi Bố mất ngoài đảo. Họ làm em sợ đến mức phải khoá FB, như em phạm một tội gì đó nghiêm trọng lắm. Em viết bức thư đó là tự nguyện từ chính trải nghiệm và cảm xúc thật của mình. Em chỉ nói là một bộ phận cán bộ nhà nước thôi chứ có nói hết tất cả đâu? Mà điều đó có thật mà?…”. Không những vậy, anh Lê Hữu Thảo cựu binh Gạc Ma cũng bị quấy rối, xúc phạm.
10. Anh có ngạc nhiên khi xuất hiện một số người, cả những người xưng là tướng tá quân đội trên mạng xã hội chống đối kịch liệt đòi tiêu huỷ cuốn sách?
– Tôi không ngạc nhiên. Trên mạng xã hội thì đủ loại, đủ thành phần, thật hư lẫn lộn. Tôi không quan tâm nhiều vì đa phần đều là có mục đích chính trị không chính đáng. Họ mang ơn, hàm ơn ai, họ phục vụ ai thì họ tất yếu sẽ bảo vệ người đó. Tôi chỉ quan tâm đến những người bảo vệ sự thật và quyền lợi đại đa số người dân và đất nước Việt Nam.
Tôi rất xúc động với dũng khí và bản lĩnh chính trực của Chuẩn Đô Đốc Lê Kế Lâm đã đứng lên bảo vệ tinh thần cuốn sách cùng nhiều quân nhân không quen biết khác nữa.
11. Góc nhìn của anh về Quan chức và người Dân?
Tôi luôn nhớ câu ‘dân vạn đại – quan nhất thời’. Nhưng rất tiếc ở Việt Nam cái nhất thời của một số Quan chức những 5 năm, gây ra cho dân biết bao hậu quả – và sau đó lại truyền hệ luỵ đó cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo, và cứ như thế… nhất là hiện tại ở lãnh vực Giáo Dục, Y Tế, Giao Thông Vận Tải…. tôi đồng ý với một nhận xét rất chất là các vị Bộ Trưởng đó chẳng những chưa có Tầm, thiếu cái Tâm, và có rất nhiều cái Tư. Phải quyết chọn người thực tài thay thế càng nhanh càng tốt cho đất nước.
Còn những người dân Việt – là những người chủ đất nước – hãy cùng nhau lên tiếng góp ý đúng theo nguyện vọng và theo luật pháp, có tình có lý và kiên trì. Chúng ta không có đấu tranh sẽ không có hạnh phúc. Tôi thích Mark đúng ở câu đó. Bàng quang, sợ hãi hay vô cảm sẽ không mang lại được điều gì.
12. Có người nói anh thích tặng sách Gạc Ma cho những lãnh đạo? Thấy người sang bắt quàng làm họ chăng ?
Khi làm cuốn sách gian truân này, tôi đã quá hiểu về nhiều điều. Tôi không bao giờ cần điều đó. Đó cũng là tính cách của tôi từ khi mới khởi nghiệp – rất ít tiếp xúc với quan chức.
Tôi tặng bản thảo sách Gạc Ma cho CTN Trần Đại Quang là vào tháng 5/2016 khi tôi được chọn là một trong một trăm doanh nhân tiêu biểu được vào phủ chủ tịch gặp Chủ tịch Nước. Đó cũng là dịp tôi ra Hà Nội nộp 16 cuốn bản thảo Gạc Ma và băng ghi âm phỏng vấn cho Hội đồng Thẩm định cấp Nhà Nước do Ban TGTW thành lập. Trong cuộc gặp CTN tôi muốn tặng CTN Trần Đại Quang bản thảo sách Gạc Ma, cuốn Bí Mật May Mắn và sổ tay Hạt Giống Tâm Hồn – Giá Trị Vĩnh Hằng như một lời cảm ơn vì CTN khi còn là Bộ Trưởng Bộ Công An đã đến dự thắp hương cho Đại Lễ Tưởng Niệm Cầu Siêu – Đấu giá tranh Gạc Ma ngày 22/7/2015 được thành công. Vào lúc nghỉ giảo lao tôi chia sẻ dự định đó với một phóng viên ảnh của Chủ tịch Nước và được anh ấy sắp xếp bố trí tôi vào phòng riêng tặng sách cho CTN khi hội nghị kết thúc. Và anh ấy đã chụp ảnh và gửi tin. Tôi không có bức ảnh đó khi rời Phủ chủ tịch.
Những bức ảnh của UVBCT, Trưởng Ban TGTW đến mua sách Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử ở gian hàng sách First News – Trí Việt tại Đường Sách TP. HCM không phải tôi hay nhân viên tôi chụp (lúc đó tôi đi công tác), mà do chị Quách Thu Nguyệt tiếp anh Võ Văn Thưởng gửi cho tôi hai ngày sau đó. Tôi không hề biết cuộc viếng thăm này.
Còn những bức ảnh tặng sách cho nguyên CTN Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang là nguyên do từ anh Nguyễn Công Khế mời tôi và anh Hàng Phước Long (nguyên Phó TTK Toà soạn Tuổi Trẻ Online) đến dự dám giỗ mẹ anh ấy vào thứ Bảy. Tôi có nói với anh Khế trước khi đi là sẽ mang theo sách Gạc Ma tặng bạn bè anh ấy (tôi không hề biết trước sẽ có sự hiện diện của hai nguyên CTN). Hôm đó tôi tặng 40 cuốn sách Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử cho nhiều người và bạn bè, thân hữu. Đối với tôi bất kỳ một công dân Việt Nam nào cũng nên đọc cuốn sách này. Tôi và những doanh nhân yêu nước đã tặng trên 5.000 cuốn sách Gạc Ma cho nhiều người, nhiều nơi từ quốc hội, quân đội, bộ đội Trường Sa, lãnh đạo các tỉnh thành và thư viện các trường Đại học và Cao Đẳng cả nước. Và ngay cả với nhiều bạn đọc, các em sinh viên không đủ điều kiện mua chúng tôi cũng tặng.
Khi sách được phát hành, Thiếu Tướng Lê Mã Lương chủ biên cuốn sách đã thay mặt nhóm thực hiện tặng sách cho tất cả những người lãnh đạo đất nước, Ban Bí Thư và BCT.
Bản thân tôi và Trí Việt hơn 10 năm nay vẫn âm thầm thường xuyên mang những cuốn sách hay tặng những người cần thiết. Tôi đã tặng vài chục ngàn cuốn sách Hạt Giống Tâm Hồn cho các phạm nhân tại các nhà tù trại giam. Và sách đã tác động đến và thay đổi cuộc sống tinh thần họ rất nhiều.
13. Trong hành trình 4 năm thực hiện sách đến bây giờ, ngoài cuốn sách, anh, bạn hữu và nhóm tác giả đã giúp gì được cho các gia đình thân nhân liệt sĩ và CCB Gạc Ma?
– Từ năm 2015 đến nay, chúng tôi ngoài tiền bán sách đã tổ chức đấu giá tranh, vận động giúp đỡ trên 2 tỷ đồng cho 64 gia đình liệt sĩ Gạc Ma và các CCB Gạc Ma. Tôi chỉ tiếc rằng lúc đó không tìm được hết các CCB Gạc Ma để phỏng vấn đưa vào sách. Chắc chắn các anh em đó sẽ chạnh lòng là buồn khi không được nhắc tới trong cuốn sách. Chúng tôi sẽ làm điều đó cho đợt in mới có chỉnh lý và bổ sung.
14. Anh có tư tưởng ‘Bài Trung – Phò Mỹ’ như mấy vị tướng tá đang qui chụp không?
– Tôi có nhiều người bạn từ Trung Quốc (bản thân First News – Trí Việt cũng có nhiều đối tác xuất bản từ Trung Quốc). Tôi quí trọng các giá trị văn hoá và nhân dân Trung Hoa nhưng cực lực phản đối những hành động, tuyên bố đe dọa xâm lược, chiếm đảo, chiếm biển Việt Nam, gây ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Đâu đó phải rõ ràng. Chính tôi đã rất xúc động và đau đớn khi khám phá sự kiện Thiên An Môn, Pháp Luân Công Đại Pháp, Tây Tạng đã diễn ra ở Trung Quốc.
Từ vài thập niên trước đây tôi là một trong nhiều người kêu gọi Mỹ phải bồi thường chiến tranh Việt Nam. Chính tôi đã ủng hộ và hỗ trợ Ông James G. Zumwalt – con trai Đô Đốc Hải Quân Mỹ Elmo Zumwalt (người đã ra lệnh rải chất độc da cam xuống Việt Nam và con trai đầu của ông đã chết vì phơi nhiễm chất độc da cam) trong việc hỗ trợ, giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam.
Chính Tướng tình báo chiến lược lừng danh Phạm Xuân Ẩn đã từng không quản tính mạng của mình chống Mỹ đến cùng nhưng mong muốn khi chiến tranh kết thúc Việt Nam nên hợp tác với Mỹ toàn diện để phát triển đất nước.
Mặc dù ông bà nội tôi đã tham gia kháng chiến chống Pháp và bị giặp Pháp bắn chết mất xác trên sông Phú Yên nhưng sau này tôi vẫn có những người bạn Pháp rất tốt, và tôi bắt chặt tay Tổng Thống Pháp Macron, xuất bản sách của ông không hề vướng bận hận thù gì hết. Giai đoạn nào ra giai đoạn đó.
15. Quan điểm sống của anh?
– Đời người chỉ sống có một lần. Và câu nói của Lutther M. King: “Cuộc đời chúng ta chấm dứt kể từ khi chúng ta im lặng với những điều cần lên tiếng”.
16. Vì sao anh quyết tâm bảo vệ việc xuất bản cuốn sách, và bây giờ khi sách đã xuất bản mà có nhiều người phản đối?
– Tôi thực sự đã khóc nhiều lần một mình khi xem đoạn Clip Trung Quốc xả súng bắn những người lính hải quân Việt Nam ở Gạc Ma và tôi đã tự hứa trước vong linh những liệt sĩ đã hy sinh và với cha tôi là sẽ làm bằng được cuốn sách này.
Khi biết tin bên Trung Quốc xuất bản sách về sự kiện Gạc Ma với nhưng thông tin xuyên tạc hòn đảo đó là của Trung Quốc và tôn vinh phong hàm tướng viên sĩ quan Dương Chí Lượng cầm đầu lính Trung Quốc đã giết hại những người lính Việt Nam ngày 14/3/1988 (tháng 11/2015, báo chí Trung Quốc đồng loạt đưa tin, Đại tá Dương Chí Lượng đã trở thành Phó chủ nhiệm Cục chính trị Hạm đội Nam Hải, thuộc Hải quân Trung Quốc. Trước đó, Dương là Phó chính ủy Hàng không binh thuộc Hạm đội Bắc Hải), cũng như xây dựng ngọn hải đăng và căn cứ quân sự, sân bay trên Gạc Ma… càng thôi thúc tôi và nhóm quyết tâm thực hiện.
Tôi vô cùng cảm ơn tất cả những người đã đồng hành và giúp đỡ để cuốn sách được xuất bản.
– Khi sách được xuất bản, dù còn một số sơ xuất và lỗi sai đã được đính chính, nhưng những qui chụp của những vị tướng, tá và hàng trăm người lao vào mạt sát, đe doạ như kiểu Hồng Vệ Binh một thời ở Trung Quốc buộc tôi và những người thực hiện sách phải đứng ra bảo vệ lẽ phải.
17. Anh rất bản lĩnh khi lên tiếng nhận hết trách nhiệm về mình, thay vì đó là trách nhiệm của NXB, của Hội đồng Thẩm định, của Chủ Biên cuốn sách. Anh có điều gì trăn trở không?
– Tôi có bị những người ẩn danh thiếu hiểu biết chửi bới, đe doạ vì đã làm cuốn sách này cũng không sao, tôi thông cảm cho họ. Tôi cũng không để ý nhiều đến họ vì mục đích của tôi lớn hơn nhiều.
– Tuy nhiên, trước những phê phán của những người gọi là có địa vị trong xã hội, nếu tôi không lên tiếng thì sẽ phụ lòng của rất nhiều người dù không quen biết đã lên tiếng bảo vệ cuốn sách, thì rất có thể có một điều sẽ xảy ra: “Lộng giả thành chân”, hay “ Tận cùng một điều đúng có thể là một điều sai – Tận cùng một điều sai có thể trở thành một điều đúng – khi nó được lặp lại quá nhiều lần. Và ở Việt Nam không phải là không có những chuyện đau lòng như vậy đã xảy ra.
18. Ngoài việc bán bản quyền cho Mỹ, First News còn dự định lan toả tác phẩm này ra thế giới như thế nào?
– Ngoài NXB Fortis của Mỹ đã ký hợp đồng bản quyền, hiện nay có 2 NXB uy tín ở Nhật và Hàn Quốc đang đặt vấn đề để mua bản quyền. Chúng tôi sẽ chỉ chuyển giao bản quyền sau khi thống nhất kỹ các chỉnh sửa bổ sung của cuốn sách với NXB Việt Nam.
19. Anh có dự định sẽ sống ở nước ngoài như nhiều trí thức đang ra đi ?
Không ! Tôi yêu mến mảnh đất quê hương tôi vô cùng – và hạnh phúc khi được sống cùng nhịp thở với người dân tôi và đóng góp phần nào tâm sức của mình cho đất nước. Tôi từng đi nhiều quốc gia, và đã từng có cơ hội xin được thẻ xanh ở Mỹ hay làm việc ở châu Âu nhưng tôi đã không làm như vậy.
20. Anh có tin luật nhân quả không?
Tôi không chỉ tin – mà chính tôi đã trải nghiệm sâu sắc điều đó. Tôi thường không tin bất cứ điều gì cho đến khi chính tôi trải qua và xác minh tính hiện thực của nó. Tất cả những gì chúng ta làm ở quá khứ và hôm nay sẽ trả lại chính xác vào ngày mai, một tương lai không xa. Điều đó sẽ đến – không ngoại trừ bất kỳ ai.
21. Anh nghĩ gì về quan hệ Việt – Trung?
– Tôi biết quan hệ Việt – Trung có một sự quan trọng, cả về kim ngạch kinh tế, khi Trung Quốc là một thị trường lớn nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Và chúng ta sinh ra trên mảnh đất này không được quyền chọn quốc gia hàng xóm. Nhưng tôi mong việc gì ra việc nấy. Việc làm ăn kinh tế và bảo vệ chủ quyền là hai việc khác nhau – Việc nào cũng quan trọng và cần một sự linh hoạt, khéo léo và có chính kiến, lập trường rõ ràng – Và mục tiêu là phải có lợi lâu dài cho người dân và đất nước mình.
Cái nào hay từ văn hoá Trung Quốc chúng ta có thể học hỏi, nhưng cái gì lạc hậu, trì trệ tuyệt đối không nên bắt chước, rập khuôn. Thế giới bên ngoài rộng mở đang phát triển từng ngày, có rất nhiều hướng chúng ta có thể áp dụng để phát triển đất nước ta phù hợp nhất với mong muốn của đại đa số người dân.
Đó không chỉ là mong muốn của riêng tôi mà của rất nhiều người Việt Nam đang khắc khoải, ước mong hoài bão từng ngày.